Xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng Một, sự suy giảm đầu tiên trong hơn hai năm, gây quan ngại mới về tác động của suy thoái toàn cầu đối với nền kinh tế của nước này.
Xuất khẩu giảm 0,5% so với một năm trước vì bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thấp cũng như việc các nhà máy đóng cửa đón năm mới.
Nhập khẩu giảm 15,3% khiến có thặng dư thương mại 27.3 tỷ đôla, là mức giảm mạnh nhất trong sáu tháng.
Sự sụt giảm nhập khẩu là do Trung Quốc đã cố gắng đẩy nhu cầu nội địa trong nỗ lực để bù đắp cho xuất khẩu chậm.
Các nhà phân tích cho rằng việc các cơ sở đóng cửa dịp đón năm mới khiến xuất khẩu giảm không thể được xem là nguyên nhân duy nhất.
Họ nói rằng sự sụt giảm lớn hơn dự kiến, đặc biệt là nhập khẩu, là chỉ dấu gây quan ngại cho tăng trưởng chậm lại.
"Sự sụt giảm nhập khẩu cần chú ý đặc biệt," ông Ren Xianfeng của IHS Global ở Bắc Kinh cho hay.
"Việc sụt giảm trên 15% trong tháng Một không thể hoàn toàn do nghỉ năm mới và càng cho thấy sản lượng kinh tế chậm hơn”.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc xuất khẩu chậm sẽ không kéo dài và nhập khẩu có thể bắt đầu tăng trong những tháng tới.
Khu vực xuất khẩu đóng vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vài năm qua trong bối cảnh các tập đoàn trên toàn cầu tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, kinh tế trì trệ tại Hoa Kỳ và khu vực dùng euro khiến xuất khẩu từ Trung Quốc chậm lại trong những tháng gần đây.
Cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực dùng euro và tỷ lệ thất nghiệp cao tại Hoa Kỳ làm ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng và làm giảm như cầu hàng hóa từ Trung Quốc.
Số liệu chính thức hôm thứ Sáu cho thấy rằng mậu dịch song phương giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã giảm hơn 7% trong tháng Một.
Các nhà phân tích cho rằng vấn đề nợ trong khu vực dùng euro là mối đe dọa lớn nhất đối với tăng trưởng của Trung Quốc.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/02/120210_china_exports_imports_falls.shtml
Số liệu kinh tế mới nhất từ Trung Quốc cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “giảm nhiệt”.
Giá nhà tại 52 trong số 70 thành phố ở Trung Quốc giảm trong tháng 12 so với tháng 11, Cục Thống kê quốc gia cho biết.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12.
Đầu tư vào Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây vì các nhà đầu tư quốc tế tìm kiếm lợi nhuận từ nền kinh tế phát triển mạnh.
Cục thống kê quốc gia cho biết giá nhà tăng 1% tại Bắc Kinh so với một năm trước và tăng 1,8% ở Thượng Hải.
Nhưng mức tăng này đều thấp hơn so với mức tăng tại hai thành phố này vào tháng 11.
Chính quyền Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp vào năm ngoái để cố gắng ngăn chặn vỡ bong bóng do làn sóng đầu cơ vào trường bất động sản.
Một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng thị trường bất động sản nguội bớt đang gây áp lực kéo toàn bộ nền kinh tế đi xuống.
Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc giảm do thực trạng kinh tế yếu kém và biến động tài chính toàn cầu khiến giới đầu tư không thấy có nhiều động lực để bỏ tiền ra đầu tư.
Vào tuần này, Cục Thống kê quốc gia cho biết tổng sản phẩm quốc nội tăng 8,9% trong ba tháng cuối của năm 2011, so với một năm trước đó. Tức là giảm từ mức 9,1% trong quý trước đó.
Tăng trưởng cho cả năm 2011 ở mức 9,2%, giảm từ mức 10,3% trong năm 2010.
Số liệu cũng cho thấy sản lượng từ các nhà máy và cơ sở sản xuất trong nước tăng 13,9% cho toàn năm 2011, là tốc độ chậm hơn so với năm 2010.
Một số nhà phân tích đang kêu gọi Trung Quốc thay đổi chiến lược tăng trưởng hướng tới bền vững hơn, ngay cả khi tăng trưởng chậm.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/01/120119_china_econ_update.shtml
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã thu hẹp trong năm thứ ba liên tiếp trong bối cảnh nhu cầu cho các sản phẩm của Trung Quốc giảm tại Hoa Kỳ và châu Âu.
Bộ trưởng Thương mại Trần Đức Minh cho biết thặng dư vào khoảng 160 tỷ đôla vào năm 2011.
Vào năm 2008, Trung Quốc đạt mức thặng dư kỷ lục là 295 tỷ đôla.
Trung Quốc cảnh báo rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chịu áp lực nhiều hơn trong năm nay do các vấn đề kinh tế tại châu Âu và Hoa Kỳ vẫn tồn tại.
Bắc Kinh cũng đã và đang cố gắng để thúc đẩy nhu cầu trong nước.
Connie Bolland, kinh tế gia trưởng tại Economic Research Analysis nói rằng theo dự kiến thặng dư thương mại của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 100 tỷ đôla trong năm 2012.
"Trung Quốc sẽ phải có những cách khác để thúc đẩy nhu cầu trong nước để bù đắp cho sự mất mát trong thặng dư mậu dịch dự kiến trong những năm tới" bà Bolland nói.
Bắc Kinh đang lo ngăn chặn suy thoái mạnh trong nền kinh tế nhưng đồng thời muốn tránh châm lại ngọn lửa lạm phát, vốn đạt mức cao trong ba năm ở ngưỡng 6,5% vào tháng Bảy nhưng đã chậm lại kể từ lúc đó.
Trong một nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng và khắc phục bất ổn kinh tế tại châu Âu và Hoa Kỳ, nhà chức trách giảm số tiền các ngân hàng phải dự trữ lần đầu tiên trong ba năm vào tháng 12.
Trung Quốc sẽ công bố số liệu mậu dịch chi tiết hơn vào tuần tới.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/01/120105_china_surplus_narrowed.shtml
No comments:
Post a Comment