Wednesday, February 22, 2012

NGUYÊN NGỌC * VĂN NHƯ CƯƠNG


Giáo sư Văn Như Cương nhầm rồi!

Nguyên Ngọc


Sau khi đưa bài Để nhận ra cái biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử trên SGTT, mình nhận được email của bác Nguyên Ngọc gửi cho bản gốc, với lời nhắn: “Đây là bài nguyên văn, Sài gòn tiếp thị đã cắt hơn nửa bài. Tùy Lập sử dụng.” Rất mừng, xin chân thành cảm ơn bác Nguyên Ngọc đã gửi cho bản gốc, đọc rất sướng.

Giáo sư Văn Như Cương viết: “Trong kì thi đại học vừa qua, điểm thi môn Sử thấp một cách thảm hại. Nói chung chỉ độ 4% trên điểm trung bình. Nhiều trường có tới 99% điểm dưới trung bình, mà chủ yếu là điểm 0 và điểm 1. Có trường chỉ 1 thí sinh có điểm 5 là cao nhất. Vẫn biết chuyện dạy Sử và học Sử từ trước đến nay đã có nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng một kết quả như năm nay thực sự làm cho xã hội xôn xao, và làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục, các nhà sử học, các thầy giáo, học sinh và cha mẹ học sinh…

” Thưa giáo sư Cương, ông nhầm rồi! Có một nhà quản lý giáo dục, mà là người đứng đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong các nhà quản lý giáo dục, không hề “đau đầu” như giáo sư tưởng và tin. Trái lại, với cái đầu vô cùng thanh thản, hết sức vui vẻ thoải mái, tuyệt đối bình tĩnh, ông ấy nói: “Đấy là chuyện bình thường”. Chuyện nhỏ xíu ấy mà, gì mà rối lên thế! Thậm chí thấp vậy chứ thấp nữa, chẳng hạn toàn bộ thí sinh thi sử đều bị điểm không, cũng chẳng lay chuyển được sự bình tâm của ông, bởi vì ông đã có một phép mầu, ông đã tìm ra một thủ phạm tuyệt đối và tuyệt vời: Thời đại! Chắc như đinh đóng cột và với một sự liều lĩnh khó tin, ông tuyên bố trước những người đối thoại: “Điểm Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại. Các bạn hãy nhìn rộng ra nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam có hiện tượng ấy…


Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển tác động. Nhìn kỹ một chút các bạn sẽ thấy môn lịch sử kém thu hút, điểm Lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…” Nghĩa là ngoài “thời đại”, ông còn tìm ra thêm được mấy thủ phạm đích đáng nữa, đều là con đẻ của cái “thời đại” chết tiệt kia: “xu thế phát triển”, “thế hệ này”, “cách mạng khoa học công nghệ”, “sự biến đổi đòi hỏi của thị trường lao động” v.v…

Liều lĩnh khó tin, bởi xin hỏi: nhờ ông “nhìn rộng ra” và chỉ cho biết, dù chỉ một ví dụ thôi, với tất cả các thủ phạm như ông đã dễ dàng phát hiện, có nơi nào trên toàn thế giới có kết quả thi môn lịch sử thê thảm như vừa rồi trong nền giáo dục do ông đảm trách trước quốc dân? Đây là chuyện hết sức nghiêm túc, nên cũng phải nói với nhau rất nghiêm túc.

Trước hết, chính các thứ thời đại, xu thế, thế hệ, cách mạng khoa học công nghệ, biến đổi thị trường lao động… như ông vừa kể lại đòi hỏi hơn bao giờ hết phải coi trọng khoa học xã hội nhân văn, trong đó có sử và môn sử (và cả môn văn nữa, mà kết quả vừa rồi cũng chẳng hay ho hơn mấy). Xin nêu một bằng chứng: chính là đứng trước những vấn đề như vậy, mà cách đây mấy năm trường đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ đã rà soát lại toàn bộ chiến lược của họ, và nghiêm khắc nhận ra, mặc dầu đã cố gắng rất nhiều, họ vẫn còn coi trọng chưa đủ các môn xã hội nhân văn và quyết chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa vào các môn ấy.

Bởi vì đối với bất cứ xã hội nào, ở bất cứ “thời đại” nào, thời đại phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ thì càng khẩn thiết hơn, chính khoa học xã hội nhân văn là hết sức cần thiết để giữ cái nền bền chắc cho xã hội và con người, cho sự phát triển bền vững, cho con người dẫu có khoa học công nghệ cao đến đâu, vật chất nhiều đến đâu, cũng vẫn còn là con người chứ không phải là những cái máy khô cằn, nhất là những cái máy chỉ biết hau háu làm ra tiền và nhai tiền. Giữ cho nhân loại còn là nhân loại, chứ không là một đống những vật tinh xảo mà vô cảm và vô lương.

Một xã hội quay lưng lại với các khoa học xã hội và nhân văn là một xã hội suy đồi. Một nền giáo dục trong thực tế liệt khối C xuống hạng bét, để cho “chuột chạy cùng sào mới vào khối C”, là một nền giáo dục suy đồi. Và bế tắc. Buồn thay đó chính là tình trạng thực của nền giáo dục chúng ta hiện nay. Và đừng nói rằng điều đó không liên quan gì đến tội ác gia tăng trong xã hội, và cả trong học đường, làm nhức nhối toàn xã hội, còn những người đứng đầu ngành giáo dục thì bình chân như vại.

Tất nhiên vấn đề ở đây lớn hơn vấn đề giáo dục, lớn hơn vấn đề của ngành giáo dục, nhưng muốn nói gì thì nói, ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm chính. Bởi vì nó được sinh ra, xã hội bỏ tiền mồ hôi nước mắt ra nuôi nó, là để nó làm trước hết công việc ấy: giữ cái nền bình ổn lâu dài vững chãi cho xã hội, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Quả đã đến lúc cần rà soát lại một cách căn bản toàn bộ chiến lược của nền giáo dục này; và câu hỏi căn bản, đầu tiên là: nó định chế ra máy hay đào tạo ra người? Nếu quả nó định đào tạo ra người thì nhất thiết không vì bất cứ lý do gì, vì lý do “thời đại” càng không, có thể để mặc cho khối C lủi thủi như vậy, không thể coi kết quả thảm hại của thi sử năm nay là bình thường. Đấy là thảm họa, bởi vì đấy không chỉ là chuyện kết quả học sử thi sử như thế nào, mà là dấu hiệu con người coi các giá trị tinh thần và nhân văn chẳng còn đáng xu nào! Một thảm họa xã hội! Mấy hôm nay nhiều người đã bàn tán xôn xao về sự cố này, và nhiều ý kiến đã tập trung vào cách dạy và học sử. Chắc đều đúng.

Tuy nhiên hình như cũng chưa đến lõi của vấn đề. Hẳn ai cũng biết trong các môn học ở trường hiện nay, bị học sinh sinh viên chán nhất, ghét nhất, do đó cũng học kém nhất, học một cách đối phó nhất, kết quả tất cũng tệ nhất là môn sử và môn văn – cùng một vài môn khác thuộc cái gọi là “chương trình cứng” – .

Vì sao? Rất đơn giản, và chắc cũng không ít người biết rõ nhưng vì lý do này khác đã không nói ra. Thôi thì cho tôi nói thật vậy: vì đó là những môn bị chính trị hóa nhiều nhất, nặng nề nhất! Chính trị chắc chắn không có gì là xấu, trái lại là khác. Rất cần thiết và cũng có thể rất hay. Học chính trị là quá cần thiết chứ, và có thể dạy thật hay nữa. Nhưng sử là sử, văn là văn, chính trị là chính trị, không thể và hoàn toàn không nên lẫn lộn, dùng cái này để làm cái kia, đem cái này làm công cụ cho cái kia.

Cũng không phải là “thống soái” để cho tất cả những cái khác, môn khác phải châu vào cúi đầu phục vụ nó. Mỗi cái có chức năng riêng không thể thay thế của nó để làm nên con người ra người. Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị, chủ yếu để dạy chính trị. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác. Một ví dụ: có lần tôi đã nói với một người hiện có vị trí rất cao trong lãnh đạo đất nước rằng tất cả các đề thi sử tốt nghiệp và thi vào đại học gần 40 năm nay đều chỉ hỏi về lịch sử Việt Nam từ sau năm 1930. Cứ như chỉ từ năm 1930 nước ta mới có cái gọi là lịch sử, còn trước đó … chỉ là tiền sử, là thời man dã, người còn là khỉ vượn gì đó thôi chứ chưa thành người!


Ông ấy ngạc nhiên hỏi thật thế sao? Thì anh cứ kiểm tra mà xem, tôi bảo. Không biết sau đó ông ấy có kiểm tra không, nhưng rồi không thấy ông nói gì nữa … Học sử học văn như thế, thú thật đến tôi cũng chán ghét, và đi thi chưa chắc đã được 0,5 điểm như thí sinh tội nghiệp vừa rồi. Ông Bộ trưởng hỏi: Thì tin học có gì hấp dẫn đâu nào, tại sao người ta vẫn lao vào học? Một là, hấp dẫn quá chứ, ít nhất nó cũng cho ta thấy con người có thể sáng tạo ra những thứ thông mình đến chừng nào, chẳng thú vị sao? Nhưng còn có điều quan trọng hơn: nó không bị chính trị hóa, không dễ gì chính trị hóa nó như văn và sử.

Vậy đó, sự thật! Còn e dè, sợ “nhạy cảm”, tránh né nhau, kiêng sợ những lực lượng vô hình như thần thánh, không dám nói thật ra thì có thay đổi cách học cách dạy đến mấy, khéo sang năm môn sử lại 99,99% dưới điểm 5 cho mà xem. Và văn cũng không hơn đâu. Nhìn thẳng, nói thẳng một lần cho xong đi, để mà còn tiến lên cùng thiên hạ, để có một nền giáo dục thực sự lành mạnh và hiệu quả, đào tạo con người ra người, cho một đất nước thật sự văn minh. Gần đây giáo sư Ngô Việt Trung, viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, đã nói rất thẳng thắn: Phải tách khoa học ra khỏi thế quyền.

Giáo sư Hoàng Tụy thì nói: Phải “thế tục hóa”nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng biết cuộc cách mạng về giáo dục ở chấu Âu đưa đến nền giáo dục hiện đại rực rỡ ngày nay, là kết quả tuyệt vời của cuộc đấu tranh thế tục hóa giáo dục, giải phóng giáo dục ra khỏi kìm chế lâu dài của Nhà thờ. Cần hiểu lời Hoàng Tụy trong ý nghĩa đó. Nhân nói chuyện sử, xin kể điều này: Ở Pháp có một tổ chức do các nhà sử học độc lập lập ra, tên là CVUH (Comité de Vigilance face à l’usage public de l’histoire), có thể dịch là Ủy Ban Cảnh giác đối mặt với việc đưa Lịch ra sử dụng trong Công chúng.

Vậy đó, lịch sử luôn rất dễ bị lợi dụng, thậm chí bóp méo, cắt xén, cắt nghĩa tùy tiện bởi các thế lực khác nhau nhằm làm công cụ cho những mục đích phi lịch sử. Ở nhà trường, cảnh giác với lợi dụng này càng phải ráo riết hơn.

Học lịch sử tuyệt nhiên cũng không cần nhớ thuộc lòng đến mụ mị bất cứ ngày tháng phiền phức và vô ích nào, khi như lời ông Bộ trưởng, chúng ta đang sống trong “thời đại” này, cái thời đại chỉ cần nhẹ tay nhấp chuột là ra tất cả. Học sử là để có cái mà không bất cứ con chuột hiện đại nào nhấp ra được cho ta: nhận ra được biện chứng lạ lùng và tất yếu của lịch sử, để mà biết làm người cho xứng đáng người, làm công dân độc lập, tự chủ, sáng tạo, đầy trách nhiệm của nước Việt và của thế giới. Đặc biệt hôm nay, khi vận mệnh Tổ quốc một lần nữa lại đứng trước thử thách lớn.
N. N Tác giả gửi cho Quêchoa

VẠN MỘC CƯ SĨ
bình luận


Nhà văn Nguyên Ngọc tên thật Nguyễn Ngọc Báu, sinh ngày 5 tháng 9 năm 1932 quê ở xã Bình Triều huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, khi đang học trung học chuyên khoa (nay là trung học phổ thông), ông gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chủ yếu hoạt động ở Tây Nguyên – chiến trường chính của Liên khu V bấy giờ. Sau một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông chuyển sang làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc. Sau 1954, ông tập kết ra Bắc, năm 1962, xâm nhập miền Nam với bí danh Nguyễn Trung Thành, hoạt động ở khu V (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa), tác giả các tiểu thuyết tuyên truyền như Đất Nước Đứng Lên, Rừng Xà Nu được đem vào giáo khoa trong nhà trường XHCN.

Trong thời kỳ đổi mới của Nguyễn Văn Linh, ông làm Tổng Biên tập Văn Nghệ, và cũng vì hăng đổi mới, tin tưởng đổi mới nên đã động chạm đảng, rốt cuộc năm 1990, một số lcông an văn nghệ phê phán là tờ Văn Nghệ và Nguyên Ngọc đi "chệch hướng" . Sau đó, Nguyên Ngọc bị đá văng khỏi chức Tổng biên tập và nghỉ hưu. Người kế nhiệm ông là nhà báo Hữu Thỉnh, một tay nịnh hót khá tài.Nguyên Ngọc được Nguyễn Văn Trấn trong "Thư gửi Cho Mẹ và Quốc Hội" khen ngợi."
Trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, người ta thấy hình bóng của ông.

Lời thư của ông gửi cho Văn Như Cương là đúng. Học sinh chán cái văn chương cộng sản và Lịch sử XHCN,. Tại sao? Có nhiều lý do:
-Thứ nhất đó là văn chương và lịch sử giả tạo, phục vụ chính sách tàn bạo và gian manh của cộng sản. Nghệ thuật thì quá tồi tệ vì nó vụng về, thiếu tình cảm chân thật thì làm sao rung động lòng người? Những Thép Đã Tôi Thế Đấy, Ruồi Trâu của cộng sản quốc tế, và những tác phẩm như Rừng Xà Nu, Đất Nước Đứng Lên, Người Mẹ Cầm Súng mà đưa vào giáo khoa thì khó ngửi lắm!

-Thứ hai là nhân dân và học sinh nhàm chán với giáo dục nhồi sọ, "cải tạo tư tưởng.Văn chương nước ta rất hay, nhưng cộng sản chỉ dạy Hồ Chí Minh và Tố Hữu các cấp một, hai ba và đại học, mà bỏ qua Chinh Phụ ngâm, Cung Oán, Bà huyện Thanh Quan,Trần Tế Xương, Tự Lực Văn Đoàn (sau này có dạy nhưng phớt qua), Vũ Trọng Phụng. Họ làm như văn học Việt Nam và lịch sử Việt Nam chỉ có từ khi cộng sản ra đời. Lớp nào cũng học Tố Hữu, Hồ chí Minh và lịch sử đảng cộng sản cho nên học sinh và độc giả dâm ra chán. Người tây phương có câu:" Toujours plasir n'est pas plaisir" là chí ý. Hay mà nghe hoài cũng chán huống hồ văn chương cộng sản!

-Trước 1975, dạy văn chương là dạy nghệ thuật cho nên học sinh thích thú. Còn cộng sản không dạy nghệ thuật mà chỉ nói láo về chính trị, tất nhiên là phản tác dụng. Sau 1975, một số cán bộ giảng dạy ngoài Bắc vào Nam chê văn học và giáo dục miền Nam phản động, các giáo viên miền Nam ngu dốt vì không hiểu chính trị Mac- xit Lenin -nit thối tha của họ!

Sau 1975, dân chúng và học sinh lại càng chán hơn.Cô giáo phải bán quà trong lớp, thầy giáo phải đạp xich lô! Sau 1986 ,miệng thầy cô thao thao bất tuyệt nào "tiến lên XHCN" nhưng lại mở cửa tư bản đầu tư, và theo kinh tế thị trường...Trong khi Mác bảo hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc thì cắt nghĩa làm sao khi các ông Trung Quốc và Việt Nam chạy theo kinh tế tư bản?

Khổng Tử dạy:"Danh chính ngôn thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành". Xây dựng XHCN mà theo lợi nhuận, theo kinh tế thị trường mà vẫn tụng kinh Mác ư? Nói và năng và hành động dối trá như vậy thì làm sao thuyết phục nhân dân ? Làm học sinh thích?

-Một khuyết điểm của cộng sản là xảo quyệt, gian dối. Ngày xưa các ông đánh trí thức"trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ". Còn Mao thì bảo" Trí thức là cục phân" . Thực tế thì họ theo chủ trương "Hồng hơn chuyên",dùng giai cấp công nông mà thực chất là con em đảng viên. Trong chiều hướng đó làm sao giáo dục phát triển? Lại nữa, con em đảng viên dốt vẫn lên lớp, vẫn vào đại học, chưa hết phổ thông mà đã thạc sĩ, tiến sĩ thì ai còn cố gắng học hành cho uổng công?

Nói tóm lại, Nguyên Ngọc đã hiểu sự thật của nền giáo dục cộng sản. Còn cộng sản thì "đất nước không thể đứng lên" mà xuôi xị trăm năm đó thưa các ông!

No comments: