Nguyễn Tường Thiết
LTS - Bài viết dưới đây của nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, nhằm phản biện một số ý kiến được đưa ra gần đây, mà tác giả cho là “bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử, xuyên tạc cái chết” của thân phụ ông. Trong số các ý kiến này, có một chương sách trong tác phẩm “Một Thời Ðể Nhớ,” của tác giả Nguyễn Văn Lục, xuất bản mới đây.
Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy rõ khuôn mặt cha tôi, nhà văn Nhất Linh, là vào khoảng cuối năm 1950 khi cha tôi từ Hương Cảng trở về Hà Nội. Năm ấy tôi mới mười tuổi.
Trong thập niên 1940 cha tôi rất bận rộn với những hoạt động chính trị, ông sống nhiều năm bên Trung Hoa. Thời gian này ông chỉ về ghé thăm mẹ con tôi vào những dịp đặc biệt ngắn ngủi, không đủ cho tôi kịp nhận diện khuôn mặt người cha, người mà lâu lâu tôi nghe nhắc đến một cách kính cẩn như thể ông là một nhân vật trong thần thoại hơn là một người có thực ở ngoài đời.
Tôi nhớ ngày hôm đó tôi đã ngây người nhìn ông như nhìn một người khách lạ. Trước mắt tôi nhân vật thần thoại ấy hiện hình bằng xương bằng thịt: Nhất Linh dáng dong dỏng quắc thước, khuôn mặt phong sương, có cặp mắt sâu, đôi mày rậm, vầng trán cao, nụ cười cởi mở dưới hàng râu mép và cái nhìn đặc biệt, nhìn thẳng và sâu vào đôi mắt người đối diện nhưng lúc nào cũng nhiễm một vẻ mơ màng xa vời.
Nhất Linh- Hiếu Đệ vẽ
Kỷ niệm về đêm hôm đầu tiên đoàn tụ ấy còn ghi đậm trong trí nhớ tôi một lời nói của cha tôi. Ðó là lời ông tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc đời chính trị.
Trong tập hồi ký Nhất Linh Cha Tôi (Văn Mới xuất bản 2006, trang 13) tôi có viết: “Ðêm hôm đầu tiên đoàn tụ, chúng tôi không ngủ, tất cả thức gần suốt sáng để trò chuyện với ông. Trong căn nhà số 15 Hàng Bè Hà Nội nơi mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, vào một đêm mùa Ðông, bố mẹ con chúng tôi chen chúc nằm trên một chiếc giường tây lớn. Tôi còn nhớ rõ bố tôi nói với chúng tôi là ngày hôm sau báo chí sẽ đến gặp ông và ông sẽ tuyên bố quyết định từ bỏ cuộc đời làm chính trị để trở về cuộc đời viết văn.”
Nhất Linh- Nguyễn Gia Trí vẽ
Sau này đọc bản thảo cuốn tiểu thuyết Xóm Cầu Mới (Bèo Giạt) tôi thấy cha tôi viết những dòng sau này: “Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời văn sĩ và nhờ thế cuốn Xóm Cầu Mới này mới ra đời” (Hương Cảng, trên núi 16 tháng 10 năm 1949, 1g30 trưa). Như vậy là trí nhớ của tôi, cậu bé 10 tuổi, đã không sai.
Kể từ ngày đầu tiên đoàn tụ năm 1950 ấy cho đến ngày ông qua đời 7 tháng 7, 1963, tôi là người con đã sống gần gũi với cha tôi nhất trong số tất cả những người con của ông. Lý do là khi cha tôi vào Nam năm 1951, ông kéo tôi đi theo ông, trong khi mẹ và các anh chị tôi ở lại Hà Nội cho đến năm di cư 1954. Và sau đó năm 1955 khi ông quyết định bỏ Sài Gòn lên sống trên Ðà Lạt, tôi lại là người ông mang theo để sống gần ông. Là người con vừa thân cận vừa được tín cẩn, tôi là người vừa biết rõ nhất về ông cụ tôi, lại là người chứng kiến cái chết của ông trong những giờ phút cuối cùng.
Là người con hiểu rõ ông cụ tôi, tôi tin rằng khi cha tôi tuyên bố từ bỏ cuộc đời làm chính trị ông đã thành thật với mình. Tuy nhiên thời cuộc đưa đẩy buộc ông phải sống trái với ý muốn của mình. Về cuối đời cha tôi bị liên lụy vì liên quan đến một vụ chính biến, đưa đến cái chết của ông ngày mồng 7 tháng 7 năm 1963.
Cái chết ấy mang mục tiêu chính trị rõ rệt. Ông tự vẫn để “cảnh cáo những người chà đạp lên mọi thứ tự do,” như ông đã viết ra trên giấy trắng mực đen.
Nguyên nhân và động lực đưa đến cái chết của Nhất Linh đã được ông viết ra bằng 71 chữ rất minh bạch và đầy đủ:
Ðời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.
7 tháng 7, 1963
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Thế nhưng gần đây lại có những người manh tâm viết sách bóp méo sự thật, sửa đổi lịch sử, xuyên tạc cái chết của cha tôi gán ghép cho cha tôi “tự tử vì căn bệnh tâm thần” (Nguyễn Văn Lục), “tự tử để tránh khỏi phải ra tòa đối chất với thuộc hạ” (Lê Nguyên Phu).
Là người con, lại là người con sống gần gũi với ông cụ tôi nhất, tôi biết chắc là gán ghép này hoàn toàn sai với sự thật và vì vậy tôi thấy có bổn phận lên tiếng.
Bài viết này sẽ chia làm hai phần.
Phần thứ nhất tôi sẽ nói sơ lược về cha tôi, về bối cảnh lịch sử, và nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông, Nhất Linh. Tất cả những gì tôi viết sau đây đều dựa trên những gì mắt thấy tai nghe mà tôi tin rằng đó là sự thật.
Tôi sẽ dành phần thứ hai của bài này để phản bác lập luận của hai ông Nguyễn Văn Lục và Lê Nguyên Phu.
***
Như đã nói ở trên vào năm 1955 cha tôi quyết định lên Ðà Lạt sống và tôi là người ông chọn để đi cùng với ông. Ông cụ thu xếp cho tôi thi tuyển vào lớp Ðệ Lục trường trung học công lập Quang Trung niên khóa 1955-56. Chúng tôi ở trên lầu 2 nhà hàng Poinsard &Verey số 12 đường Yersin Ðà Lạt. Sau này các anh chị tôi cũng thường lên Ðà Lạt vào những dịp Hè hoặc Tết nhưng không ai ở luôn trên ấy, chỉ trừ chị Thoa là người chị kế của tôi. Những năm đầu tiên trên Ðà Lạt là những năm thanh bình. Cha tôi chơi lan, hòa nhạc tại gia vào cuối tuần. Thỉnh thoảng ba chúng tôi (cha tôi, chị Thoa và tôi) đi pic-nic trên núi Langbian hoặc ở Suối Vàng.
Lâu lâu bạn bè của cha tôi từ Sài Gòn lên Ðà Lạt ghé thăm cha tôi. Bạn của cha tôi nhiều lắm và đủ loại: bạn thân, bạn văn, bạn đồng chí và cả các chính khách nữa. Tôi còn nhỏ không chú ý đến chuyện người lớn nên không biết cha tôi bàn luận với khách chuyện gì, nhưng tôi đoán thế nào họ chẳng bàn chuyện thời sự và chính trị. Phải đến rất nhiều năm sau này, sau khi thân phụ tôi mất, tôi có dịp gặp lại một trong những vị khách đó là anh Lê Hưng, một đảng viên VNQDÐ. Anh Lê Hưng nói với tôi là cha tôi tán thành chính sách của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm trong việc dẹp loạn Bình Xuyên. Cha tôi nói: “Việc dẹp loạn Bình Xuyên là đúng, nhưng coi chừng, nó có thể mở đầu dẫn đến độc tài.”
Vào năm đó (1955) chính phủ của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa phát động rầm rộ phong trào tố cộng. Thị xã Ðà Lạt tràn đầy băng rôn biểu ngữ chống cộng sản. Trong các dịp lễ tết thế nào cũng có màn kịch tố cộng với những anh hề “cán ngố” áo đen nón cối nhẩy vũ điệu tập thể “son mì son mì son đố mì.” Nhưng song song với phong trào tố cộng một phong trào khác cũng rầm rộ không kém. Ðó là phong trào “suy tôn Ngô Tổng Thống.”
Những bản nhạc suy tôn được phát đi liên tục trên đài phát thanh. Loa phóng thanh đặt ở đầu chợ Ðà Lạt suốt ngày rót vào tai khách đi đường những bản nhạc suy tôn ấy, đến nỗi nó nhập vào tôi, cậu bé 15 tuổi. Một bữa đi học về tôi nhẩy cầu thang miệng hát oang oang: “Bao nhiêu năm từng lê gót nơi quê người...” ... “Toàn dân Việt Nam biết ơn Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Tống, Ngô Tổng Thống muôn năm!” Ðến đầu cầu thang ngửng lên tôi bắt gặp ngay gương mặt chưng hửng của ông cụ! Tuy ông cụ không nói gì nhưng tôi đoán chắc bụng ông không vui. Tôi biết ông cụ tôi chúa ghét cái trò suy tôn cá nhân, dù người đó là ông trời đi nữa.
Một vài năm sau tôi chứng kiến một câu chuyện khác khiến tôi tin rằng cái trò suy tôn này đã làm cha tôi không ưa chế độ. Ai cũng biết là hồi đó dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa đi xem xi-nê đều phải đứng dậy chào cờ. Dưới chế độ Ðệ Nhị Cộng Hòa luật chào cờ này bị bãi bỏ. Ði giải trí mà phải chào cờ đã là một chuyện vô lý. Nhưng còn thậm vô lý hơn nữa là khi lá quốc kỳ chiếu trên màn ảnh thì chính giữa lại có một khoảng bầu dục in hình vị thủ lãnh quốc gia: chân dung Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Ông cụ tôi một bữa đi xi nê tại rạp hát Vĩnh Lợi khi ông buộc phải đứng lên chào cờ ông đã tức giận đứng dậy bỏ về không xem xi nê. Chuyện này tôi biết vì chính tai tôi nghe ông cụ bất mãn than thở với chú Lê Văn Kiểm, một người bạn thân của ông cụ tôi.
Hãy tưởng tượng ông cụ tôi, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, bị buộc phải đứng dậy (không phải để chào cờ) để suy tôn ông Ngô Ðình Diệm!
Tôi chắc là có những người có thể bảo đây là chuyện nhỏ và đổ lỗi cho Bộ Thông Tin làm việc này chứ ông Diệm không hay biết. Nói gì thì nói ở cương vị lãnh đạo quốc gia ông Diệm là người phải chịu trách nhiệm về cái trò suy tôn quá lố này của thuộc cấp. Ðây là một trong những điều khiến cha tôi bất mãn với chế độ nhà Ngô.
Mấy năm sau ngày chấp chánh của chế độ nhà Ngô sự bất mãn của dân chúng gia tăng với sự độc tài gia đình trị của gia đình này. Cả cha tôi và tôi lúc này đều đã về ở hẳn Sài Gòn. Riêng cha tôi vì mua một miếng đất ở Fim-nôm gần Ðà Lạt nên ông thỉnh thoảng vẫn đáp xe đò Minh Trung lên trên ấy vào rừng để “tu tiên” bên dòng suối Ða Mê. Nhưng “tu tiên” không được vì những biến chuyển chính trị ở Sài Gòn khiến cha tôi không thể ngồi yên.
Năm 1958 cha tôi ra tờ báo Văn Hóa Ngày Nay. Tự tay cha tôi vẽ và trình bày bìa cho tờ đặc san này. Ở trên góc bìa đề hàng chữ lớn: Số ra mắt 17 tháng 6, 1958. Chúng tôi không một ai để ý đến cái ngày 17 tháng 6 có ý nghĩa gì cho mãi đến khi tôi gặp anh Lê Hưng. Anh Hưng nói với tôi trước bàn thờ ông cụ: “Anh Tam làm cái gì cũng tính toán rất kỹ lưỡng. Anh chọn ngày ra báo 17 tháng 6 là ngày giỗ của đảng trưởng Nguyễn Thái Học, cũng như anh chọn ngày chết 7 tháng 7 là ngày chấp chánh của họ Ngô để phản đối chế độ này.”
Ở Sài Gòn báo Văn Hóa Ngày Nay bán rất chạy ngay từ số đầu tiên. Năm ấy tôi học lớp Ðệ Nhị trường trung học tư thục Hoàng Việt tại đường Phan Ðình Phùng (khúc giữa Cao Thắng và Lê Văn Duyệt). Trên khúc đường đó có rất nhiều tiệm bán sách hoặc tiệm cho thuê sách. Trên đường đi học qua các tiệm sách này tôi thấy có một hiện tượng mà tôi không hề thấy xẩy ra trước đó: tất cả các tiệm sách này đều có một tấm bảng đen phía trước cửa với hàng chữ viết bằng phấn trắng: HÔM NAY CÓ VĂN HÓA NGÀY NAY.
Nhưng báo chỉ ra được 11 số thì tự ý đình bản. Chúng tôi chưng hửng hỏi ông cụ tại sao báo bán chạy thế mà lại tự ý ngưng? Cha tôi không trả lời. (Ông không có thói quen tiết lộ mọi chuyện cho con cái). Nhưng thái độ của ông lúc ấy rất buồn bã.
Sau này dọ hỏi hai người trong ban biên tập của báo VHNN là ông Nguyễn Thành Vinh và ông Trương Bảo Sơn thì tôi càng kinh ngạc hơn nữa: báo không ra nổi vì lỗ vốn.
Trong cuốn sách “Nhất Linh, Người Nghệ Sĩ-Người Chiến Sĩ” do Thế Kỷ xuất bản năm 2004, trang 78, ông Trương Bảo Sơn viết:
“Tờ Văn Hóa Ngày Nay ra được 11 số thì đình bản, mặc dù được độc giả khắp nơi hoan nghênh. Ôi, chỉ vì nó được hoan nghênh quá xá mà chết non. Nguyên nhân thế này:
“Trước hết tập Văn Hóa Ngày Nay không được chế độ Ngô Ðình Diệm cho phép xuất bản như một tạp chí mà chỉ là một giai phẩm phát hành không có định kỳ. Vì không có định kỳ nên Bộ Thông Tin kiểm duyệt cố tình để lâu mới trả lại bản thảo để in. Ông Hoàng Nguyên, chủ sự phòng kiểm duyệt đã nói với tôi rằng tuy có nhiều cảm tình với chúng tôi, nhưng không thể làm trái lệnh cấp trên là cản trở tờ Văn Hóa Ngày Nay ra đúng kỳ hạn (tỷ dụ như đúng ngày mồng 1 mỗi tháng) để đọc giả nhớ ngày mua báo. Hơn nữa bài vở phải kiểm duyệt kỹ, nhất là bài của Nhất Linh và Bảo Sơn.”
“Sau nữa, ngoài chế độ kiểm duyệt, phản quyền tự do ngôn luận này ra, chế độ Ngô Ðình Diệm còn có một thủ đoạn hiểm độc nữa là nhà nước giữ độc quyền phát hành báo chí, kể cả giai phẩm. Ngô Ðình Diệm đã có sáng kiến đặt ra Nhà Phát Hành Thống Nhất, bắt tất cả các báo chí phải đưa cho công ty này phân phối. Tập Văn Hóa Ngày Nay bán chạy như tôm tươi mấy số đầu, đã bị ế đi. Nhà phát hành độc quyền của chính phủ đã thi hành độc kế không gửi đủ số báo cho các tiệm sách đã đặt mua. Chúng tôi khi buộc báo thành từng bó đã cố ý đánh dấu riêng, khi nhận báo từ nhà phát hành trả về, thấy những dấu ấy vẫn còn y nguyên, tức là nhà phát hành đã không làm đúng nhiệm vụ, đã giữ báo của chúng tôi trong kho, không phân phối đi. Có những tiệm sách đến điều đình mua thẳng báo với chúng tôi để có đủ báo bán, nhưng chúng tôi phải từ chối vì sợ chính quyền gài bẫy. Ðã nghèo lại bị thua lỗ, chúng tôi đành đình bản tờ Văn Hóa Ngày Nay.”
Sau khi được giải thích tôi mới vỡ lẽ vì sao có hiện tượng cái bảng đen với hàng chữ phấn vì chính quyền đã cố ý trì hoãn không cho báo ra đúng hạn kỳ nên độc giả buộc phải chờ khi nào có bảng đề chữ “hôm nay có Văn Hóa Ngày Nay” mới vào mua được.
Những điều nêu trên là sự thực xung quanh vụ đình bản của tờ Văn Hóa Ngày Nay. Nó nói lên sự xâm phạm quyền tự do ngôn luận của chế độ nhà Ngô mà cha tôi là nạn nhân trực tiếp. Cũng như tất cả những nhà văn, nhà báo khác khi họ bị tước đoạt quyền tự do ngôn luận, cố nhiên là Nhất Linh rất bất mãn về chuyện này.
Vào năm 1960 trên bìa báo Tự Do Xuân Canh Tý xuất hiện bức tranh năm con chuột đang đục khoét một quả dưa đỏ và nếu lật ngược cái bìa thì quả dưa đỏ là hình bản đồ nước Việt Nam, hàm ý các anh em của gia đình họ Ngô đang phá hoại đất nước. Tờ báo bị chính quyền tịch thu sau khi báo đã phát hành được một số khá lớn. Không một ai biết tác giả bức tranh là ai. Người ta đoán mò họa sĩ Phạm Tăng là tác giả. Nhưng cha tôi cho chúng tôi biết tác giả là một người rất thân cận với ông: họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Bìa báo xuân Canh Tý 1960. (Hình: Thư Viện Ðại Học Cornell, Hoa Kỳ)
Rồi đến cuộc đảo chính hụt ngày 11 tháng 11, 1960 của một nhóm quân nhân Thi Ðông. Cha tôi bị liên lụy thế nào trong cuộc đảo chánh này để đến nỗi mấy năm sau ông cụ tôi phải ra tòa với tội trạng “phản quốc” và “xâm phạm nền an ninh quốc gia” đưa đến cái tự vẫn của ông ngày 7 tháng 7, 1963?
Nửa thế kỷ trôi qua đã có không biết bao nhiêu giấy mực viết về cuộc đảo chính 11 tháng 11, 1960 này cũng như mức độ liên lụy của cha tôi trong cuộc đảo chính, được viết ra bởi những người thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau.
Ở đây tôi không nhắc lại cũng không dẫn chứng những bài viết này. Tôi không phải là một nhà nghiên cứu, cũng không có tham vọng viết lịch sử, tôi chỉ nêu lên ở đây tiếng nói của một người con. Nếu tiếng nói đó có góp phần soi sáng thêm cho sự thật của lịch sử thì tôi nghĩ rằng đó là việc tôi phải làm vì bổn phận đối với cha tôi.
Trước hết là cha tôi biết trước vụ đảo chính sẽ xẩy ra. Trong cuốn hồi ký “Nhất Linh Cha Tôi” trang 120 tôi viết: “Bốn mươi mốt năm về trước, một ngày trước cuộc binh biến 11 tháng 11, 1960 ở Sài Gòn, bố tôi bất thần trở về căn gác chợ An Ðông nhìn tôi nói nghiệm nghị: 'Ngày mai con có đi chơi đâu thì không được lảng vảng gần khu Dinh Ðộc Lập'. Cuộc đảo chính thất bại. Tôi nghe nói là bố tôi sau đó đã lẩn trốn ở nhiều nơi trong thành phố.”
Sau này tôi nghe nói ông phải đi trốn vì ông có tên trong một tờ truyền đơn chống chính phủ được rải ra trong thành phố vào buổi sáng ngày đảo chánh.
Mấy tháng sau chúng tôi ngạc nhiên thấy cha tôi trở về nhà. Anh tôi hỏi thì ông cụ trả lời giản dị “Cậu được vô can” và không tiết lộ điều gì hơn. Tôi thắc mắc tại sao ông cụ lại vô can được khi ông biết trước vụ đảo chánh xẩy ra lại có tên ông trong tờ truyền đơn, trong khi hầu hết những người có tên trong tờ truyền đơn bị bắt hết?
Sau này được tiếp xúc với Giáo Sư Nguyễn Thành Vinh, một đàn em cũng là đồng chí của ông cụ, anh Vinh xác nhận với tôi: “Anh Tam đã tuyên bố không làm chính trị, vì vậy anh đứng ngoài, anh chỉ ủng hộ ngầm việc làm của các anh em mà thôi. Tất cả các buổi họp quan trọng trước ngày đảo chánh đều không có mặt anh Tam. Tuy nhiên anh được thông báo mọi diễn tiến. Vì vậy anh Tam biết trước có vụ đảo chánh xẩy ra.”
Từ những sự kiện trên và là người con gần gũi và thấu hiểu ông cụ tôi nhất, tôi suy luận thế này:
Một mặt cha tôi bất mãn với chế độ nhà Ngô về sự độc tài của chế độ này. Mặt khác vì lời tuyên bố không làm chính trị của ông năm 1950, lại là người rất trọng danh dự, ông cụ tôi hết sức tránh mọi hành vi đi ngược lại lời tuyên bố của ông.
Giữa hai động lực tương phản ấy cha tôi khôn ngoan chọn thái độ đứng giữa nó có thể giúp ông một lúc đạt cả hai mục tiêu: đó là ngầm tán trợ các hoạt động của anh em đồng chí của ông, nhưng riêng ông đứng ngoài.
Sự kiện ông cụ tôi không bị bắt có thể vì người ta không tìm ra bằng cớ. Thứ nhất là ông cụ tôi không bao giờ đi họp. Gần đây tôi có dịp tiếp xúc với ông Nguyễn Liệu, ông cho tôi biết là ông Nhất Linh không đi họp đảng phái, người đại diện là ông Nguyễn Thành Vinh. Ông Nguyễn Liệu hiện cư ngụ tại San Jose, Hoa Kỳ, là người đã tham dự vào những cuộc họp của đảng phái và cũng bị giam tù vì liên hệ đến cuộc đảo chính 11 tháng 11, 1960. Thứ hai là có tên trong trong tờ truyền đơn cũng không hẳn là bằng cớ rõ ràng để bắt vì có gì chứng minh ngược lại là người khác để tên ông cụ tôi vào? Vả lại không phải tất cả những người có tên trong tờ truyền đơn đều bị bắt hết. Cũng theo lời ông Nguyễn Liệu thì ngoài ông cụ tôi ra, người có tên trong tờ truyền đơn là cụ Nguyễn Xuân Chữ cũng không bị bắt giữ.
Sự việc không bắt cha tôi, ngoài lý do không có bằng cớ, tôi cho còn là một sự tính toán cân nhắc lợi hại của chính quyền họ Ngô chứ chưa hẳn do cảm tình riêng của ông Diệm đối với ông cụ tôi như nhiều người nghĩ. Thứ nhất không bắt ông cụ để ông cụ vô can tức là chứng tỏ cho dân chúng biết Nhất Linh không hề bất mãn và phản đối chế độ ông Diệm. Thứ hai họ nghĩ rằng chặt hết tay chân của ông cụ tôi thì ông cụ tôi còn làm gì được nữa?
Nhưng không bắt bớ không có nghĩa là để cho ông cụ tôi được hoàn toàn tự do. Trong cuốn “Nhất Linh Cha Tôi” trang 36 tôi ghi lại lời của cha tôi nói với tôi buổi sáng ngày 7 tháng 7, 1963: “Cậu chẳng sợ kết quả (ra tòa) ngày mai ra sao vì ở nhà hay ở tù thì cũng mất tự do như nhau.”
Ngoại trừ những người trong gia đình tôi rất ít người biết rằng trong hai năm sau cùng của đời ông cha tôi bị giam lỏng tại gia như thế nào. Công an mật vụ canh chừng đến nỗi chúng tôi nhận diện được từng người mỗi khi từ trên lầu căn gác chung cư chợ An Ðông (nơi chúng tôi trú ngụ) nhìn xuống. Trang 40 cuốn hồi ký tôi tả một đoạn khi cha tôi và tôi rời khỏi nhà: “Trên chiếc tắc-xi rời chợ An-Ðông hướng về phía Sài Gòn, tôi thấy cha tôi cứ chốc chốc lại ngoái về phía sau. Ông bảo tôi: ‘Con xem có xe nào theo không? Lúc nẫy cậu thấy có mấy người lạ đứng bên kia đường nhìn vào nhà mình’. Tôi ra hiệu cho tài xế quặt sang đường Trần Bình Trọng, chiếc xe hơi duy nhất chạy phía sau vẫn tiến thẳng đại lộ Thành Thái. Tôi đáp: ‘Không! Không có xe nào theo mình cả!’.”
Hãy hình dung cảnh tượng ấy diễn ra thường xuyên trong một thời gian dài thì mới thấu hiểu câu nói của cha tôi “ở tù hay ở nhà cũng mất tự do như nhau.”
Vào tháng 5 năm 1963 vụ Phật Giáo bùng nổ ở Huế. Sau đó phong trào Phật Giáo đấu tranh lan rộng khắp nước. Tôi không đề cập chi tiết vụ Phật Giáo này. Hãy để các sử gia nói tới. Tôi chỉ bàn khía cạnh vụ này tác động ra sao đối với ông cụ tôi và nhất là đối với cái chết của ông.
Vụ Phật Giáo xẩy ra hai tháng trước khi ông cụ tôi mất. Thời gian này tại căn nhà An Ðông họ canh chừng rất kỹ ông cụ tôi. Trong khi hầu hết các chính trị gia đối lập bị bắt hết sau vụ binh biến 11 tháng 11, 1960, ông cụ tôi là một trong số ít người được tại ngoại, do đó việc tăng cường canh giữ ông cụ là một điều tất nhiên. Ông cụ rất ít ra khỏi nhà. Những tin tức ông biết được bên ngoài là do báo chí (cha tôi sai tôi đi mua báo Tự Do hàng ngày và ông chỉ đọc tờ báo này thôi), ngoài ra có hai người bạn thân của ông thường xuyên lui tới. Ðó là Bác Sĩ Nguyễn Hữu Phiếm và ông Lê Văn Kiểm. Ông Kiểm (mà chúng tôi gọi là chú Kiểm vì chú nhỏ tuổi hơn ông cụ tôi) thường đến hầu như hàng ngày tường trình diễn tiến của vụ Phật Giáo. Ngày 11 tháng 6, 1963 khi chú Kiểm đến báo tin Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt & Phan Ðình Phùng thì cha tôi sững sờ.
Ảnh hưởng của cái tin này thật khủng khiếp.
Tin này là một phần (tôi cho là quan trọng nhất) làm nên cái chết của Nhất Linh.
Nếu ảnh hưởng đó không mạnh thì tại sao ông lại dành đến 9 chữ trong lá thư tuyệt mệnh vỏn vẹn 71 chữ của ông để viết lên câu “cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu”?
Rồi cuối cùng, mãi ba năm sau xẩy ra cuộc binh biến 11 tháng 11, 1960, vào tháng 6 năm 1963 cha tôi bị mời lên Tiểu Ðội Hiến Binh số 635 đường Nguyễn Trãi để lấy khẩu cung và ở đó người ta cho ông biết trước là ngày 8 tháng 7 năm 1963 cha tôi phải trình diện tại Phòng xử án Ðặc biệt Tòa án Quân sự, tòa Thượng Thẩm, số 131 đường Công Lý, Sài Gòn. Trát đòi chính thức sẽ được gửi sau. (Cha tôi nhận được trát đòi vào ngày 6 tháng 7, 1963 lúc 18:00 giờ).
Tin cha tôi sẽ phải ra tòa để xử án này là động cơ tối hậu làm nên cái chết của Nhất Linh.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment