Monday, February 27, 2012

SƠN TRUNG * VĂN HÓA VIỆT NAM


ÂN NGHĨA VÀ LỊCH SỰ

Sơn Trung

Một vài người tự cao cho rằng "bàn tay ta làm nên tất cả". Con người phải đứng trên đôi chân vững chắc của mình và hoạt động hăng hái với trí óc thông minh và bàn tay cứng rắn của minh. Nhưng không phải vì vậy mà coi khinh xã hội, không cần xã hội. Khổng giáo khuyên con người phải giữ hiếu trung. Hiếu trung là biết ơn cha mẹ, ơn tổ quốc, đồng bào. Phật giáo cũng vậy. Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương cũng nói đến bốn ân (Tứ Ân) là ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại. Nhiều người theo Phật giáo, nghe Phật dạy:"Hãy tự mình làm đuốc cho chính mình" thì cho rằng người tu Phật phải nỗ lực tự độ là đủ, ta chỉ lo cho ta, ta không cần ai ai giúp đỡ! Đúng là phải tự độ, nhưng tự độ chưa đủ. Phật còn dạy nhiều điều.

Phật dạy tự độ, nhấn mạnh tự dộ vì đa số tôn giáo chỉ cầu tha lực mà ít phát triển tự lực. Đức Phật sống trong Bà La Môn, đã thấy đa số chỉ biết thờ thượng đế, cầu lạy thượng đế, nhờ thượng đế che chở để cuối đời được về bên thượng đế. Cứ cầu khẩn thượng đế hóa ra hối lộ thượng đế sao! Đức Khổng tử nói:"Có tội với Trời, cầu khẩn mà được ru"? Thượng Đế công bằng, làm ác mà cầu khẩn thì lên thiên đàng sao? Thiên chúa giáo tin có ngày phán xét cuối cùng nghĩa là tin vào thượng đế công minh, thượng đế căn cứ vào hành động thiện ác của mình mà phán xét.

Để đả phá óc cầu thần linh, hối lộ, nịnh hót thần thánh, đức Phật dạy các đệ tử phải tự độ. Nhưng đạo Phật là một đạo Trung Dung.Khi chuyển pháp luân, Ngài đã giảng về trung đạo. Đức Phật dạy tự độ nhưng cũng dạy niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, và tín Phật, tín Pháp... Đạo Phật phát triển, Phật giáo Bắc phương tin Phật A Di Đà, niệm A Di Đà để về được về Tây phương cực lạc. Phật giáo Bắc phương cũng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát có thể nghe tiếng kêu khổ của thế nhân mà đến cứu độ... Như vậy là trong Phật giáo có tự lực và cầu tha lực. Hai điều này bổ túc cho nhau, tương tác lẫn nhau.Ta tự lực nhưng ta cũng phải nhờ ơn chư Phật, chư Bồ tát phù hộ.

Người nông dân lao động là do tự lực, nhưng không phải chỉ có thế. Người đi cày là tự thân lao động nhưng phải nhờ cái cày, nhờ con trâu. Anh phải tạ ơn ai đã chế ra cái cày, đã tìm ra sắt làm lưỡi cày. Nhưng nhờ ai mà anh có con trâu cày? Có thể con trâu này là do cha mẹ anh mua rồi để lại cho anh. Nếu nhìn xa nữa, anh phải nhớ ơn ai đó trăm năm trước, ngàn năm trước đã thuần hóa con trâu để ngày nay con người mới có trâu cày. Ngoài ra muốn có con trâu, anh phải lấy cỏ, lấy nước của đất trời nuôi trâu. Và anh cũng còn phải nhờ cha mẹ anh sinh ra anh, tổ tiên bao đời đã khai phá, đã bảo vệ đất đai cho anh. Và công anh cày bừa còn phải nhớ ơn mưa thuận gió hòa:

Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đà mềm,
Trời yên bể lặng mới yên tấm lòng

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm.

Nước ta là một nước có văn hóa giáo dục. Trong văn hóa nhân bản, con người phải biết ơn cha mẹ, xã hội. Ta biết yêu mình thì cũng phải yêu người, phải đối xử với nhau theo lễ nghĩa và phong cách xã giao lịch sự. Nguyễn Đình Chiểu đã nêu cao hai chữ "trung hiếu":

"Trai thì trung hiếu làm đầu"



Ca dao, tục ngữ ta đã nhấn mạnh về ơn nghĩa:

Mang ơn thì phải đền ơn
Bát cơm Phiếu mẫu trả ơn ngàn vàng

Ai mà phụ nghĩa quên công,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm

Ca dao tục ngữ đã đề cao công ơn cha me, ơn thầy:

Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

"Muốn sang thì bắc cầu kiêu,
Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.
Công cha nghĩa mẹ chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao!"

Truyện Kiều thường nói đến tình nghĩa. Nguyễn Du đã dùng tích Phiếu mẫu khi Kiều nói với vãi Giác Duyên:
Nhớ khi nhỡ bước sảy vời
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương
Nghìn vàng gọi chút lễ thường
Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân.

Ông cũng dùng điển tích kết cỏ ngậm vành khi Kiều nói với Mã Giám sinh:
Rằng "Tôi bèo bọt chút thân,
Lạc đàn mang lấy nợ nần yến oanh.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau.

Tình yêu, tình vợ chồng cũng là ân nghĩa:

Nhất dạ đồng sàng hề chung dạ ái, nhất nhật phu thê hề bá dạ ân.

(Một đêm chung giường, một đêm ân ái. Một ngày vợ chồng, trăm đêm ân nghĩa)

Người cộng sản chủ trương đập phá xã hội cũ, do đó nếp văn hóa đạo đức và nếp sống nhân bản bị coi là phong kiến, tư sản. Người cộng sản khi nắm quyền thì chủ trương dùng công an, quân đội để trán áp, bất chấp đạo lý và pháp luật cho nên xã hội cộng sản là xã hội tàn ác, là nhà tù, không có văn hóa, không có tình thương, không có nhân nghĩa.

Trong khi đó, xã hội ta ngày trước là xã hội nhân bản, có đạo đức, có tình người và ân nghĩa đã trở thành nếp sống văn hóa, xã hội và nghệ thuật. Chúng ta tồn tại là do sức giúp đỡ của gia đình xã hội do đó ta phải cám ơn gia đình và xã hội. Đó luân lý, là nhân nghĩa, là tình người, là phong cách lịch sự, tao nhã.

Duy Khánh đã sáng tác hai bản nhạc là Cảm ơnĐa tạ:

Tôi xin cảm ơn người,
Cảm ơn ai đã đem luyến thương nồng ấm đến với lính,
Cảm ơn ai khi xuân về vui thật là vui
, (Cảm ơn)

Nắng hạ vàng rưng rưng mây trắng
Ôi mây xõa tóc nghiêng nghiêng.
Xin đa tạ người em bé bỏng mặn mà,
người em bé bỏng thật thà.
Nắng hạ vàng rơi phủ bờ vai.
Lời ai ru gió hiu hiu buồn.

Tôi xin đa tạ lời ca tiếng ru ru mềm,
lời ca tiếng ru êm đềm
Ôi lời ca đã xua chinh chiến
ru chim trắng trắng tung bay.
Xin đa tạ giòng máu thắm đỏ ruộng cây,
giòng máu đã chảy miệt mài
Xin lời ru xưa hãi hùng đi.
Lời ai ru gió hiu hiu buồn. (Xin đa tạ)

Từ Công Phụng đã viết "Giữ đời cho nhau" tức bài "Ơn em" theo thơ Du Tử Lê:
Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi.
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.

Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.

Phạm Duy cũng nổi danh với bài " Còn chút gì để nhớ"( không biết lời của ông hay lời thơ của ai?)

Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều trong

Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Đi dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng vẫn bâng khuâng

Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
Còn một chút gì để nhớ để quên..

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã sáng tác bản "Ơn nghĩa sinh thành" đầy dân tộc tính:
Uống nước nhớ nguồn,
Làm con phải hiếu..
Công đức sinh thành
Người ơi đừng quên..."

Làm sao báo ân? Làm con phải kính yêu cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ. Làm dân phải tận trung báo quốc. Việc này cũng tùy khả năng của mình, và tùy hoàn cảnh. Việc cúng giỗ cha mẹ cũng là cách báo hiếu. Việc cúng cơm mới, việc cúng thần, lễ tạ ơn là những phương cách tri ân thần thánh, tổ tiên. Việc tặng quà cáp biếu xén ( trừ những cách hối lộ) cũng là cách tỏ lòng tri ân và cũng là cách xã giao trong xã hội.

Đâu cần phải được tặng vàng ngọc mới là ân sâu nghĩa nặng ! Một nụ cười tươi, một lời nói ngọt ngào, một cử chỉ trân trọng , một tặng vật nhỏ mọn của người đời thì đó là những tặng vật ta đã nhận của đời, và ta phải cám ơn đời. Tản Đà đã cảm ơn bà Đỗ Tang Nữ khi bà tặng thi sĩ bó rau sắng chùa Hương:

Mấy lời cảm tạ tri âm
Đồng bang là nghĩa đồng tâm là tình
Đường xa rau vẫn còn xanh
Tấm lòng thơm thảo bát canh ngọt ngào
Yêu nhau xa mấy càng yêu
Dẫu rằng suông nhạt, càng nhiều chứa chan
Nước non khuất nẻo ngư nhàn
Tạ lòng xin mượn “Thế gian” đưa tình.

Tản Đà quan niệm chữ "tình" hay " tình nhân" một cách rộng rãi. Ông viết:
"Những ai có từng đọc qua văn của tôi mà có lòng yêu tôi, những ai đó, ân nhân, cố nhân, tình nhân".( Tản Đà Bức thư tình đưa người tình nhân không quen biết. ANTC, 8, ngày 10-1926, 17.)

Nói như vậy là Tản Đà tỏ lòng tri ân tất cả độc giả và những ai có lòng quý mến ông. Ôi! Đối với người không quên biết mà Tản Đà trân trọng như thế, nỡ nào ta lại thờ ơ, lạnh nhạt hoặc phụ bạc những ai có cảm tình, có ân sâu, nghĩa nặng với ta!

.

Thi sĩ Trần Hồng Châu là một người đa cảm. Ông không như Du Tử Lê, Phạm Duy, Duy Khánh bộc lộ hai chữ cảm ơn, nhưng lời thơ ông là những lời cảm tạ chân thành với lời vĩnh biệt trước khi về miền vĩnh cửu với người bạn đường của ông đã cho ông nụ cười hàng ngày và tách trà mỗi sáng mai:

một bóng ta một mình
đèn khuya mờ giấy trắng
tấc lòng người xưa
trăn trở hôm nay
. . . . . . .
đời khép kín
trắng đôi tay
hồn ngắt lạnh

chỉ còn nụ cười em
bình minh rực rỡ
ngoài chân trời cuộc sống
không sắc, không vị
không một thanh âm

chỉ còn nụ cười em
mỗi buổi sớm em mời anh
chén trà xanh đầu ngày!
('Chỉ còn nụ cười em'-Hạnh Phúc đến Từng Phút Giây)

Ta phải tạ ơn người, tạ ơn đời. Nếu không có lễ vật thì một lời cám ơn cũng đủ. Nhân dân ta cũng như các dân tộc trên thế giới đều coi trọng việc báo đền ân nghĩa. Không ai như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng ăn nằm nhà bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên thế mà họ ra tay giết chết bà này. Lê Đức Thọ là tay chân của Trường Chinh, theo Vũ Thư Hiên từ khi y vào Nam rồi trở ra Bắc thì trở thành một tên tàn ác, xấc xược, khinh trí thức, coi Trường Chinh như ăn mày. Sau này Trường Chinh, Lê Đức Thọ giành nhau chức Tổng bí thư, nghe đâu Sáu Búa đã búa cho Trương Chinh lăn xuống cầu thang mà chết!

Trong CCRD, cộng sản bắt con đấu cha, vợ tố chồng là bắt dân làm ác, trái đạo nghĩa, trái ân tình trong xã hội. Cũng trong CCRD, cộng sản đã sát hại và bắt giam hàng chục ngàn đảng viên trung thành, như vậy là ông Hồ đã phản bội cán bộ, phản bội đảng viên, phản bội nhân dân và phản quốc. Không riêng ông mà đa số cộng sản đều ăn ở bạc ác bất nhân, vong ân bội nghĩa.

Cái bạc ác bất nhân, vong ân bội nghĩa đó thấm sâu vào tâm khảm bọn đàn em, rồi truyền vào một số nhân dân cho nên bây giờ ở Việt Nam it kẻ nói cám ơn. Mình gửi tiền về cho cha mẹ, cha mẹ không cần cám ơn con vì đó là bổn phận của con. Nhưng anh gửi quà cho em, bác gửi tiền cho cháu thế mà chẳng ai cảm ơn. Khắp nơi trên thế giới, viên chức, người bán hàng luôn miệng cười và nói cám ơn, riêng Việt Nam cộng sản đã không cám ơn nhân dân, không cám ơn khách hàng mà còn mặt sưng mày sỉa, hách dịch, ngạo mạn, có nơi người bán hàng chửi mắng, thậm chí còn đánh đập khách hàng!

Tại sao vậy? Có vài nguyên nhân, vài trạng thái tâm lý khác nhau.

1. Chủ nghĩa Mác đánh đổ thượng tầng kiến trúc cũ, tiêu diệt phong tục tập quán cũ, bỏ nền nếp gia phong, không dạy luân lý đạo đức chỉ dạy chém giết, dạy hận thù, bắt người theo dõi người, bắt người báo cáo, vu oan bạn bè, hàng xóm để lập công cho nên xã hội mất đạo đức, lễ nghĩa, thiếu văn hóa, thiếu phong cách giao tế lịch sự. Cộng sản diệt gia đình xã hội, bắt mọi người phải thờ cộng sản, đề cao lãnh tụ, bắt dân nhớ ơn đảng chứ không dạy trẻ nhớ ơn cha mẹ, ơn tổ tiên và ơn Trời Phật. Làm sao dân cám ơn lãnh tụ và cám ơn đảng khi đảng là đảng ăn cướp, khi lãnh tụ là tên đại gian, đại ác! Vì vậy mà xã hội băng hoại, nhân dân thành mất phong cách nhân nghĩa, và lịch sự.

2. Chuyên chính vô sản: Từ khi Lenin, Stalin lên cầm quyền, đã gạt bỏ viên chức hoàng gia Nga,trí thức và tôn giáo. Họ đưa nông dân lên nắm quyền theo chủ trương chuyên chính vô sản. Trung quốc, Việt Nam cũng theo chính sách này. Vì vậy, kết cuộc đưa đến:

-Người tư sản, địa chủ, trí thức, những con người Thăng Long ngàn năm văn vật, những nhà khoa bảng, những thiếu nữ đài các trâm anh bỏ xứ Bắc mà vào Nam hoặc ra ngoại quốc. Một số ở lại, bị giết, bị tù đày và đi kinh tế mới, bị thất nghiệp vì thành phần tư sản hoặc cha mẹ tư sản, hoặc gia đình có người vào Nam, có người trước đây theo Pháp...

-Những người theo cộng sản vào các thành phố là nông dân, là hạng thất học, hạng anh chị ở thành thị trở thành cán bộ, công an cho nên mang rõ phong cách vô sản. Họ nói năng thô tục, hung dữ, coi khinh người như rác, tự cao, tự đại.

-Trong kháng chiến, các trí thức bị chửi là tiểu tư sản. Muốn sống họ phải vô sản hóa: không đánh răng, ăn nói thô tục, chửi bới, nói ngọng cho giống nông dân...Lâu ngày trở thành vô sản chính cống.

3. Xã hội cộng sản là một xã hội áp bức, bóc lột, cá lớn nuốt cá bé, mọi người thù hận, nghi kị nhau. Bọn cộng sản cầm quyền dùng bạo lực đàn áp nhân dân và khủng bố cán bộ, bộ đội. Ai cũng đâm ra sợ hãi, tâm lý bất bình thường, sinh ra cáu kỉnh, gắt gỏng. Bị cấp trên hành hạ, họ hành hạ lại nhân dân theo kiểu "giận cá chém thớt", " hoặc "cui đánh đục, đục đánh săng" Lặi nữa, lương tiền thiếu thốn, họ bất mãn và chán nản cho nên không vui, lúc nào cũng bực dọc, cau có cho nên thành thói xấu lưu truyền trong xã hội cộng sản. Với cấp trên thì thưa bẩm, sợ sệt, nịnh hót còn với cấp dưới và nhân dân thì hung hãn. Tính chất này cũng thể hiện trên trường quốc tế. Việt cộng hèn hạ với Trung Quốc nhưng tàn bạo với nhân dân.

4 Người ta thường biến chất, thoái hóa. Danh từ triết học cộng sản gọi là vong thân. Anh học trò nghèo thì khiêm tốn, hoặc mới ra làm quan thì tử tế, nhưng sau một thời gian thì trở nên hống hách. Tuy vậy, người có học dù gian ác cũng có đôi phần ảnh hưởng lễ nghĩa truyền thống, còn vô sản thứ thiệt mà giữ địa vị cao thì gian ác vô cùng. Chính hiểu tâm lý này mà Lenin, Stalin, Mao, Hồ tin dùng bọn trộm cướp lưu manh mà ghét bỏ trí thức, vì đa số trí thức có suy nghĩ, không phục tùng kẻ gian ác, và không trúng mưu chước của bọn gian ác.

Vô sản mà có địa vị cao, có quyền sinh sát thì hách lắm. Họ tỏ ra tài giỏi, oai quyền,tứ phương thiên hạ phải triều phục, van xin họ cho nên họ không cần cám ơn ai. Chúng mày nhờ vã tao đây thì chúng mày phải biếu xén. Chúng mày biếu thì ta lấy, cần gì phải nói cám ơn cho hạ thể giá! Tâm lý hách dịch này cũng là tâm lý phòng thủ, luôn giữ kẽ, không muốn cho ai thấy mình thấp hèn, ngu dốt hay quá mềm yếu.

Trong chế độ cộng sản độc tài và giành giựt, ông này phải phòng thủ ông kia. Mình phải tỏ ra uy quyền để che cái ngu của mình như cậu Chính của Dương Thu Hương khi phê phán Đồ Chiểu. Chính sách là phê và tự phê, nhưng không lãnh đạo nào muốn nghe thủ hạ chỉ trích. Trái lại, phê bình phải là ca tụng theo khuynh hướng "tôn sùng cá nhân chủ nghĩa".

Trong XHCN, con người, nhất là đã là đảng viên, có chức nọ quyền kia thì phải đề cao thành tích chứ không bao giờ nhận lỗi hoặc nói lời cảm ơn. Một phần họ cho đó là phong cách tư sản, phong kiến. Một phần họ là tiểu nhân đắc chí, kiêu mạn, không cần tỏ vẻ lịch sự, nhún nhường với ai, phải luôn tỏ ra mình tài ba.

Còn tự phê là khi sa cơ thất thế phải đầu hàng và chịu chết. Stalin đã giết và bỏ tù bao dân biểu và tướng tá mà ông nghi là chống ông. Mao bày ra "cách mạng vô văn hóa" là để che cái ngu cái ác của mình, và tiêu diệt những kẻ dám phê bình thất bại "Bước nhảy vọt" của ông làm chết ba, bốn triệu người. Vì tự ái, vì xấu hổ ông đâm ra làm liều cho bọn Hồng Vể binh tàn phá văn hóa Trung Quốc, khủng bố nhân dân, nhục mạ và đày đọa những đảng viên cộng sản đã ngu dại trung thành với ông. Ông còn thả lỏng cho bà vợ ông, bà Giang Thanh, ra tay tàn sát, hống hách một thời với bọn tứ nhân bang.

Chỉ có bọn tư bản "ngu ngốc" mới xin lỗi chứ cộng sản không bao giờ xin lỗi, không bao giờ cảm ơn, vì lãnh tụ lúc nào cũng anh minh, đảng bao giờ cũng bách chiến bách thắng, đảng viên cộng sản là đỉnh cao tri tuệ...thì làm sao hạ mình xin lỗi, hạ mình cám ơn!

Làm như vậy mất mặt bầu cua lắm! Ai mà vạch áo cho người xem lưng? Muốn bị cấp trên và bọn đàn em đá văng ra khỏi cơ quan hay sao?Ai mà dại dột hạ mình như thế! Nhiều nhà văn to tổ bố viết rằng ông Hồ đã khóc và xin lỗi đồng bào sau CCRD.

Ông Hồ đời nào làm việc "mất uy tín" và dại dột như thế. Ông đẩy cho Võ Nguyên Giáp ra xin lỗi. Ông Giáp thấy mình thay mặt ông Hồ thì vui sướng vô cùng vì tin tưởng tương lai ông sẽ thay ông Hồ! Té ra ông Hồ dùng CCRD và Sửa sai một mũi tên mà bắn hàng đống chim.

Cảm ơn em Tình yêu của tôi!

Nếu ông thành tâm hối lỗi thì ông phải từ chức chứ không phải Trường Chinh. Nếu ông thành tâm sám hối, ông phải đứng ra xin lỗi chứ sao lại đẩy cho Võ Nguyên Giáp? Ông làm thế coi như là ông không có tội gì cả. Ông là thánh, là lãnh tụ anh minh, đời nào có lỗi mà xin lỗi, đời nào phải chịu ơn ai mà nói cám ơn!

Lúc bấy giờ Khrushchev tố cáo Stalin và làm nên cuộc xét lại. Như vậy, phong trào xét lại có thể sang Việt Nam và bọn thủ hạ của ông sẽ theo Khruschev tố cáo ông, lật đổ ông. Ai có khả năng đảo chánh ông và thay ông?

Chỉ có Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp là hai tên nguy hiểm nhất. Trưòng Chinh làm Tổng bí thư nên khắp nơi là chân tay của ông, Võ Nguyên Giáp làm đại tướng kiêm Tổng trưởng quốc phòng nên quân đội nhiều. Tiên hạ thủ vi cường, ông phải ra tay diệt hai tên này.

Thành thử Trường Chinh bị họ Hồ chửi trong hội nghị là con nhà địa chủ vào phá hoại đảng cho nên mất chức Tổng bí thư. Và thủ hạ thân tín nhất của Trường Chinh là Hoàng Quốc Việt và Hồ Viết Thắng cũng bị đánh tơi bời, phải lui về sống trong tủi nhục.

Trong CCRD, một số tướng tá , cán bộ của Giáp và Chinh đã bị giết, bị tù, bị sa thải vì lý lịch con nhà địa chủ. Sau đó .Lê Duẩn, Lê Đức Thọ giết Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Lê Trọng Tấn. Còn Nguyễn Minh Cần; chính Ủy sư đoàn 308, phó chính Ủy Quân khu khu III đại tá Lê Vinh Quốc; nguyên tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân Thượng Tá Ðỗ Văn Doãn du học ở Liên Xô sợ quá mà ở lại Liên Xô khống dám về nước. Võ Nguyên Giáp bị chặt chân tay trở thành "tướng không quân".

Sau khi cách chức Trường Chinh , ông Hồ kiêm Tổng bí thư. Ông Hồ hỏi Phạm Văn Đồng: "Chú làm Tổng bí thư nha? Phạm Văn Đồng vốn khôn ngoan, gió chiều nào che chiều nấy, luôn tỏ vẻ trung thành cho nên ngồi lâu. Ông khôn lắm, ông biết tỏng ông Hồ, và ông muốn sống 90 tuổi nên thưa bác, em làm thủ tướng bận nhiều việc lắm. Em xin kiếu".

Ông Hồ hỏi Võ Nguyên Giáp:"Chú làm tổng bí thư nhé?" Võ Nguyên Giáp bấy giờ hiểu ra, và cũng muốn sống trăm tuổi nên cũng hát bài "tạ từ". Hồ hỏi Giáp:"Chú Thấy Lê Duẩn ra sao?"

Giáp nói:"Cái thằng giáo làng (lý lịch là làm việc sở Hỏa Xa?) đó ngu dốt làm sao giữ chức Tổng bí thư!". Sau ông Hồ đưa Lê Duẩn về làm Tổng Bí thư, không qua ý kiến của bộ chính trị hay trung ương đảng. Đúng ra, theo cấp bậc trong đảng, Lê Duẩn đứng hạng mười sau Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan, Hà Huy Giáp và nhiều người nữa. Có lẽ ông Hồ kể lại lời Giáp cho Duẩn nghe để mượn tay Duẩn trừ Giáp . Duẩn thù Giáp ghê lắm nên đá văng Giáp ra khỏi bộ chính trị.

Trong khi Khổng Minh tặng cho Tư Mã Ý chiếc váy và yếm thì Duẩn chuyển Giáp sang Ủy Ban Ban Khoa Học giữ chức ngừa thai cai đẻ. Lê Duẩn thâm thật là thâm, ý ông chửi vào mặt Giáp: " Mày chẳng có tài cán gì mà làm tướng! Mày chỉ có tài sờ mu rùa thôi!". Giáp biết thân cúi đầu. .Ông cứ bình thản đi tập nhạc, tập đàn,tập thiền coi như chẳng có việc gì xảy ra, mặc cho Lê Duẩn đeo vào người ông một lô áo mưa! Vì vậy mà đám "phản động" khắp nơi vui cười chế nhạo:

-Khi xưa đại tướng cầm quân
Bây giờ đại tướng cầm quần chúng em!"

-Khi xưa đại tướng cầm quân,
Bây giờ đại tướng giữ chân đàn bà!

Khi xưa đại tướng công đồn,
Bây giờ đại tường sờ... . chị em!"

Ông Hồ cũng như Stalin độc hành độc đoán, ngồi chồm hổm trên đầu của bộ chính trị và trung ương đảng. Sau này, Lê Đức Thọ cũng học tập và làm theo gương của ông Hồ mà thao túng đảng. Cái chiêu thức này là chiêu thức chung trong cộng sản quốc tế.

Trong chiều hướng sùng bái cá nhân và bạo lực đàn áp, không tình người thì ai dại gì mà xin lỗi hay cám ơn! Hèn quá đi mất! Các lãnh tụ ban ơn cho dân và cho thuộc hạ cho nên thuộc hạ phải tung hô lãnh tụ muôn năm, chứ đời nào lãnh tụ lại cám ơn thuộc hạ và dân quèn!

Vì cộng sản tàn ác, xảo quyệt, hống hách, vô văn hóa cho nên đã gây ảnh hưởng xấu trong nhân dân. Tào Tháo gian ác nhưng có lỗi còn biết cắt tóc tạ tội dù đó chỉ là xảo thuật. Mao có tội không nhận tội mà lại còn giết hại đảng viên. Hồ có tội lại đổ cho Trường Chinh. Dân XHCN đụng người ta không xin lỗi mà còn sừng sộ hăm đánh người ta. Trẻ con chơi ngoài đường thấy người lạ sừng sộ chửi bới và ăn nói tục tĩu, thật là vô lễ quá chừng! Dù nhân dân là khố rách áo ôm. cũng kiêu căng lắm, không cần xin xỏ ai, quỳ lụy ai, không cần phải cảm ơn ai, và muốn mang ơn ai.Trẻ con nhận tiền xong là chạy đi mua quà không cần nói một lời cám ơn.

Khi trong nước cần tiền thì anh em gửi thư xin nhưng nhận tiền rồi không cám ơn đã đành mà cũng chẳng báo tin là đã nhận được. Họ nhận tiền ta mà không cám ơn vì họ nghĩ rằng ta ở ngoại quốc có bổn phận phải nộp tiền cho họ, và họ tất nhiên có quyền nhận tiền mà không cần cám ơn. Nghe người ta nói rằng ngoại quốc tặng tiền ít nhất cũng 50 đô hay trăm đô, dưới đó là bị chửi vào mặt. Người ta cười chê hai tiếng cám ơn bằng câu "cám cho lợn, ơn cho đảng"! Ôi văn hóa Việt Nam ngày nay là vậy!

Trong Phật giáo có nhiều cách tu về ngôn, hành và ý. Nói lời đẹp, chân thật cũng là một cách tu vì nói lời chân thiện mỹ tức là gây được sự vui vẻ bình an trong lòng lòng ta và lòng người. Nếu nói lời an ủi kẻ khốn khó, đem sự thực trình bày hoặc ý tưởng cao đẹp để giác ngộ người thì công đức càng cao hơn.

Nói cám ơn hay xin lỗi thật ra chỉ là một cách sống để vui lòng nhau. Khi người ta tặng mình một đóa hoa mình nói cám ơn, khi mình vô ý vấp phải người ta thì xin lỗi. Những việc đó không gây thiệt hại gì cho tiền bạc và danh dự ta. Dù việc lớn, nếu cần xin lỗi ta phải xin lỗi như các vị bộ trưởng hay thủ tướng Nhật Bản. Cổ nhân ta nói:

"Lời nói không mất tiền mua
,Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Đó là phong cách xã giao lịch sự trong thế giới loài người có văn hóa.



No comments: