Wednesday, February 22, 2012

KÝ TIỂU TỬ

TRUYỆN TIỂU TỬ


Gáng hàng rong - Hình ảnh: Chit

Chị Tư Ù

Tiểu Tử

Chợ cá hồi đó nằm trên khoảng đất tráng xi măng giữa bờ sông và nhà lồng chợ, chung với hàng rau cải và trái cây. Về sau, thấy việc bơm nước rửa chợ cá vẫn không làm trôi hết mùi tanh của nhớt cá thấm vào xi măng, nhà chức trách trong làng cho xây chợ cá chờm hẳn ra sông, bằng gỗ theo điệu nhà sàn chống chân xuống nước nhưng bề mặt rộng như một cầu tàu. Như vậy, nhứt cử lưỡng tiện, bởi vì vừa rửa chợ ngay trên mặt sông, vừa có chỗ cho ghe thuyền cập vào để lên hàng. Ngoài ra, còn thêm một "tam tiện" nữa là chiều chiều người ta hay ra đó để câu cá hoặc hóng mát bởi vì chợ chỉ nhóm có buổi sáng thôi.

Ở chợ cá, chị Tư Ù là "xếp sòng"! Không phải chỉ tại vì cái sự "to thuyền lớn bánh" của chị, mà còn tại vì chị thuộc vào gia đình bán cá bán mắm lâu đời nhứt trong làng. Bắt đầu là bà ngoại của chị từ thuở chưa có chợ nhà lồng (hồi đó chợ còn nhóm lộ thiên ở dưới xóm lò heo). Kế đó là má của chị. Thời này, ở nhà không còn làm mắm bán mắm, chỉ bán cá thôi và đã dọn về căn phố trệt nằm ngang hông chợ. Và bây giờ là đến phiên chị Tư.

"Trong gia đình, con Tư học hành thì dở nhưng lại chịu cực giỏi. Lại biết bươn chải làm ăn. Chỉ có nó mới nối nghiệp tao được. Cũng như tao đối với bà ngoại bây hồi đó." ... Má chị Tư thường nói như vậy, hồi còn sanh tiền, hồi lũ con vừa mới lớn. Về sau, quả đúng như vậy: mấy đứa kia sau khi dựng vợ gả chồng, xuống Sài Gòn làm việc cho nhà nước, có đứa làm cho hãng tư ở đâu tuốt ngoài Trung xa lắc xa lơ. Chị Tư ở lại "nối nghiệp" sau khi bà già nằm xuống. Rồi bởi vì có sự "mẹ truyền con nối" ba đời như vậy mà không riêng gì ở chợ cá, trong làng ai cũng biết tiếng chị Tư và bạn hàng cá cũng nể nang một phần.

Hỗn danh "Tư Ù" không phải mới có sau này, mà đã có từ hồi chị Tư còn nhỏ. "Trong nhà chỉ có mình con Tư là sổ sữa hơn hết" - má chị thường nhắc chuyện này, vì bà rất hãnh diện đã làm một việc "không phải ai cũng làm được". Bà kể: "Hồi sanh nó ra, tao rặn muốn bứt hơi luôn ! Tưởng đâu tao ngủm rồi chớ. May nhờ bà mụ cũng giỏi, bả rặn phụ tiếp sức mấy lần, con nhỏ mới chịu lọt ra. Ý... nó lì từ còn trong bụng chớ phải mới đây đâu bây ơi!".


Bà hay ngừng ở đó một chút, xỉa cục thuốc qua lại mấy lần, làm như để nhớ lại cái đau thuở đó và cái nhẹ sau khi đã sổ lòng đứa con... Rồi lúc nào bà cũng tiếp: "Bà mụ mà còn phải công nhận là cả làng này chưa ai sanh đứa nhỏ nào bự bằng nó hết ! Ai tới thăm khi bồng nó lên cũng nói là nó nặng như con Tây ! Tía bây đi ruộng về thấy cũng phải hết hồn!". Rồi cũng vì cái sự nặng như con Tây mà mấy bà mấy cô xóm Chợ hay tới lui ẵm bồng nựng nịu "bé Tư". Bé Tư mau ăn chóng lớn, lúc nào cũng "ú na ú nần", hay cười dễ ngủ nên trong xóm ai cũng thương. Mãi đến khi vào trường tiểu học, trẻ con trong trường mới đặt cho danh hiệu "Tư Ù". Từ đó, thành tên luôn.

Hồi đó trong lớp, hai đứa học dở "nổi danh" là con Tư Ù và thằng Út Cón. Thằng này người Tàu, tên Lý Cón, con trai út của chú Phấn thợ bạc. Vợ chồng chú Phấn sanh một bầy con gái rồi ngưng ngang. Tám năm sau thiếm Phấn bỗng lại có bầu. Lần này, hai vợ chồng đưa nhau về Chợ Lớn đi mấy chùa chiền cầu nguyện cúng vái dữ lắm. Sau đó, sanh Út Cón. Cho nên, cả nhà chú Phấn cưng nó như vàng. Nó muốn gì được nấy. Đến nỗi, khi đến tuổi đi học, nó không chịu đi, là cả nhà cũng làm thinh. Cho tới lúc thấy nó "lớn đại" rồi mới tìm cách dụ dỗ, nói khích để nó cắp cặp vào lớp. Vì vậy khi nó đi học với Tư Ù thì nó đã lớn hơn tới bốn năm tuổi !

Trái với Tư Ù, Út Cón gầy nhom trắng nhách. Tánh tình thì hay hờn hay giận trong lúc Tư Ù lại xông xáo "du côn" như con trai. Vậy mà hai đứa lại thích nhau, lúc nào cũng đi chung chơi chung, và gọi nhau bằng "bồ".

Tiệm vàng của chú Phấn nằm ở dãy phố trệt phía bên kia nhà lồng chợ, thành ra đối diện với nhà má Tư Ù. Và vì hai nhà nằm trịch về phìa bờ sông ngang sân xi măng nên từ nhà này có thể nhìn thẳng qua nhà bên kia mà nói chuyện cũng được. Chỉ cần nói lớn tiếng một chút là nghe rõ. Sáng nào, Tư Ù cũng lon ton chạy qua tiệm vàng để cùng đi học với Út Cón chớ không đi chung với mấy đứa trong nhà. Lâu lâu, con Tư bị kẹt gì đó thì thằng Cón ra trước cửa tiệm réo: "Ù ơi! Ớ... Ù ! Bồ làm khỉ gì bển mà chưa chịu qua ?". Có hôm, cả hai đứa cùng trễ, nghe tiếng trống trường đánh thúc tới mới hè nhau chạy mà cười hắc hắc, giống như... chạy đua vào lớp.

Những ngày nghỉ, tụi nó hay rũ nhau lên chùa "ăn cắp nhãn". Thật ra tụi nó còn quá nhỏ để trèo lên mấy cây nhãn trong vườn sau của chùa, nên đến đó chỉ để lượm nhãn dơi ăn làm rớt rải rác dưới đất. Nhưng vẫn nói là "đi ăn cắp" cho nó oai! Út Cón hay đem hột nhãn về nhà lấy dao cắt khoanh, móc bỏ ruột, còn lại cái vỏ đen huyền bóng lưởng làm nhẫn đeo vào ngón tay của "bồ" nó. Nó đã phải lựa những hột nhãn thật to để chiếc "nhẫn" đủ rộng cho vừa ngón tay...

... Lật bật rồi hai đứa cũng học hết lớp nhì. Đến đây, Út Cón sang qua học trường Tàu vừa mới mở ở xóm chùa Cao Đài trên lộ cái. Còn lại một mình, Tư Ù ráng "kéo" hết năm lớp nhứt rồi nghỉ học luôn, ở nhà giúp việc nhà và tập tành bán cá với mẹ. Lúc này, "con Tư" bắt đầu trổ mã. Da dẻ mơn mởn, má hồng hồng, mắt trong vắt, tóc đen mướt thả dài đến ngang lưng, và giọng nói thật là lảnh lót. Thân hình có thay đổi, có "trở thành con gái", nhưng vẫn... tròn trịa nặng cân.

Út Cón cũng nhổ giò, cao lêu khêu, nói tiếng trống tiếng mái. Tuy hai đứa không còn học chung, nhưng vẫn qua lại gặp nhau thường và vẫn gọi nhau bằng "bồ". Tiếng "bồ" từ thuở bé bây giờ không còn nét vô tư nữa, nhứt là tiếng "bồ" của Tư Ù gọi Út Cón. Nó có cái gì... khác khác. Một cái gì nhẹ nhẹ. Một cái gì mà chỉ có con gái gọi người con trai mình thích mới gọi được như vậy thôi !

Bây giờ Út Cón đi học bằng xe đạp. Sáng nào, nó cũng đảo một vòng xuống bờ sông để đạp ngược trở lên ở dãy phố bên kia, bởi vì sân xi măng đã đầy bạn hàng. Và sáng nào vào giờ đó con Tư cũng quét nhà vừa ra đến cửa để chào Út Cón: "Đi học hả bồ ?". Thằng con trai vừa "Ừa" vừa nhấn mạnh lên bàn đạp làm tiếng "Ừa" như bị kéo dài ra, giống như cái nhìn của con Tư đang kéo dài theo sau lưng bồ nó.

Lâu lâu, tụi nó rủ nhau đào trùng đi câu ở bến gỗ thầy Cai, và luôn luôn đi chung với mấy đứa nữa. Chỉ có hẹn nhau lên chùa là tụi nó đi riêng. Làm như khu vườn sau chùa là một thế giới khác, một thế giới mà tụi nó đã "xí" từ hồi còn học lớp chót. Ở đó có mấy gốc nhãn mấy gốc sung gốc mít và vô số ổi, vây quanh bởi một hàng rào tre tươi. Trẻ con trong làng đều biết khu vườn đó nhưng chúng không vào được vì phải bước hẳn vào ngôi tam bảo mới có ngõ để đi qua đó, mà ông thầy cả thì khó tánh không cho trẻ con vào chùa sợ mất nét tôn nghiêm. Ông thầy này là bà con bạn dì với má con Tư, nhờ vậy mà Tư Ù Út Cón được ra vào vườn thông thả. Dĩ nhiên, chúng nó chẳng bao giờ dám lớn tiếng làm ồn. Ngoài ra, khi gặp dịp, hai đứa cũng biết phụ thầy hay mấy chú tiểu làm những chuyện lặt vặt như quét dọn bàn Phật, chưng bông, nấu nước. Thành ra trong chùa coi tụi nó như... người nhà ! Lâu rồi thành quen, chẳng ai để ý rằng "hai đứa nhỏ" đã bắt đầu lớn...

Những lúc lên chùa sau này không còn ý nghĩa ngây thơ "đi ăn cắp nhãn" như hồi còn "lớp năm lớp tư". Lên chùa bây giờ giống như "đi về nhà của tụi nó" hay "đi về cái ổ của tụi nó". Cái khu vườn sau mà tụi nó thuộc từng gốc cây bờ cỏ, thuộc từng lối đi quanh quẹo để tránh hòn non bộ, tránh mấy chậu kiểng, tránh mấy cái đôn bằng sành... Ở đó, chia nhau mấy trái ổi chua, mấy trái dái mít chát... để chấm muối ớt mang theo từ nhà, vừa ăn vừa hít hà vì cay chảy nước mắt, vậy mà sao thấy ngon, thấy vui. Chẳng nói chuyện gì nhiều, vậy mà sao thấy đầy thấy đủ. Ở đó, chỉ có hai đứa...

... Mấy năm sau, Út Cón nghỉ học, ở nhà làm thợ bạc. Mấy năm sau, Tư Ù đi lên đi xuống Sài Gòn Chợ Lớn bổ hàng về phân phối lại bạn hàng trong chợ, để bà già bán cá một mình. Mấy đứa khác trong gia đình đã xuống ở hẳn nhà người dì ở Sài Gòn để đi học. Út Cón bây giờ bảnh trai ra, người dong dỏng cao, mặt mũi khôi ngô trắng trẻo. Tư Ù thì thân thể đẫy đà, chỉ đẹp gái ở giọng nói nước da và mái tóc! Vẫn hay cười, dễ ngủ và vẫn lanh lẹ "tay bằng miệng, miệng bằng tay". Hai người vẫn qua lại với nhau như thuở nhỏ. Vẫn gọi nhau bằng "bồ", tiếng "bồ" bây giờ thật đậm đà tình bạn mà cả hai chỉ dành riêng cho nhau. Lâu lâu, thấy quần áo gì lạ lạ mới mẻ ở Sài Gòn Chợ Lớn, Tư Ù mua về tặng Út Cón "bận chơi để lấy le với bạn bè". Để "trả" lại, Út Cón âm thầm vẽ kiểu chạm trổ một chiếc nhẫn bạc. Mấy hôm sau gọi Tư Ù qua tiệm nói: "Bồ cho tôi nhiều thứ quá. Bữa nay, tới phiên tôi cho bồ cái này". Rồi cầm bàn tay Tư Ù lên xỏ chiếc nhẫn vào ngón áp út. Xong, nghiêng bàn tay qua lại để nhìn: "Tôi nhắm chừng vậy mà cũng vừa ghê. Hồi nhỏ, tôi hay làm vòng hột nhãn cho bồ, bồ còn nhớ không?". Tư Ù xúc động đến không nói được một lời. Út Cón vẫn cầm bàn tay nghiêng qua nghiêng lại để nhìn, theo thói quen thợ bạc: "Bây giờ có muốn làm vòng hột nhãn cũng không kiếm đâu ra hột to để cho vừa với bàn tay tổ nái này !". Tư Ù rút nhanh tay về đánh lên vai Út Cón cái bốp, nói: "Quỉ". Rồi cả hai cười vang tự nhiên, làm như thuở ấu thời hãy còn nguyên vẹn đó. Và có lẽ trong thâm tâm mỗi người đều cũng muốn như vậy. Để đừng có gì thay đổi.

... Vậy rồi Út Cón đi cưới con Doành, con gái út của ông bang Ky. Đám hỏi và đám cưới làm cùng một lúc theo lời yêu cầu của đàng gái vì ông bang Ky phải về Tàu gấp sau đó. Hay tin đám cưới, Tư Ù bỗng chết điếng trong lòng, đang ngồi trên bộ ván gõ mà tưởng chừng như chìm sâu dưới nước. Nằm dài xuống bộ ván, Tư Ù lấy khăn lông úp lên mặt để nước mắt thú nhận tình yêu giấu kín từ bao nhiêu năm...

Thời gian sau, Tư Ù "lấy" tài xế Cước lái xe Thiên Thành chạy lên chạy xuống Sài Gòn... Chuyện này cả làng đều hay. Bà già chửi "tắt bếp". Tư Ù đổ lì chịu trận, và hay vừa cười vừa giải thích: "Đi bổ hàng riết rồi dính luôn, gỡ không ra ! Chắc tại cái số...". Rồi tài xế Cước dọn về ở chung trong nhà như hai vợ chồng. Bà già mới đầu buồn lắm, nhưng lần hồi quen đi, nên cũng chẳng có lời qua tiếng lại. Bên tiệm vàng Út Cón cũng buồn lắm, thương cho người bạn gái chẳng gặp duyên may, làm cho hàng xóm dị nghị mà mình thì không biết giúp cách nào hết. Có hôm Út Cón ngừng tay, nhìn ngang tủ kiếng sang nhà bên kia, thấy thấp thoáng bóng Tư Ù mà có cảm giác như hình ảnh đó mỗi ngày một xa lần mà mình thì vẫn ngồi đây bất động, chẳng một với tay, chẳng một vẫy tay... Chẳng bằng hồi đó, cái hồi mà còn đi chơi chung với nhau, hai đứa cùng ngồi trên nhánh ổi, chỉ một cái nghiêng người của Tư Ù mà mình đã đưa tay chụp lấy nó vì sợ nó té làm nó cười lên hăng hắc. Chẳng bằng hồi đó... Chẳng bằng hồi đó... Út Cón thở dài quay về với công việc mà nghe lòng se lại. Chụp hộp quẹt máy đốt đầu cây đèn khò, chân đạp cái bơm gió, Út Cón điều chỉnh ngọn lửa đèn khò mà trong đầu hiện về biết bao nhiêu kỷ niệm. Để rồi tiếp tục so sánh "cái hồi đó" với "cái bây giờ". So sánh để vừa tiếc nuối vừa ân hận. Bỗng Út Cón thốt lên nho nhỏ, giọng như tự trách mình: "Vậy mà gọi nhau bằng bồ cái nỗi gì ?...". Ý nghĩ đó làm Út Cón muốn chảy nước mắt. Vội vã cầm đèn khò đưa ngọn lửa tạt qua tạt lại trên cục vàng nhỏ như hột bắp nằm gọn trong lòng khuôn. Để đừng nghĩ gì nữa. Vậy mà vẫn nghĩ rằng mình đang muốn đốt cho chảy ra để làm tinh khiết lại một cái gì cũng quí như cục vàng nằm ngay trước mặt...

Ăn ở với tài xế Cước không bao lâu Tư Ù mang bầu rồi sanh con trai. Bà già cưng như trứng mỏng. Vậy mà tài xế Cước kiếm chuyện gây gổ mấy lần rồi "xách gói ra đi". Ra đi khơi khơi dễ dàng làm như chuyện "đầu ấp tay gối, đứa con hòn máu" chẳng có giá trị gì hơn chuyện quá giang xe đò của người hành khách ! Cũng chẳng thấy Tư Ù buồn. Có ai hỏi thì trả lời: "Thằng chả nói nhà tôi tanh cá quá, thằng chả chịu không nổi". Nói rồi Tư Ù cười lên ha hả. Có ai trách thì tự an ủi: "Ôi !... Thằng chả lái xe đò quen rồi. Tấp vô bến này một chút rồi đi, rồi tấp vô bến khác. Hơi đâu mà trách? Chớ như tôi đây ú na ú nần xấu xa xấu xí có thằng đàn ông nào thèm rớ. Vậy mà thằng chả chiếu cố hết mấy năm, coi thấy bạc nghĩa vậy chớ vẫn còn có tình. Còn phiền trách nhau chi ?". Từ ngày tài xế Cước bỏ đi, vợ chồng Út Cón " vẫn chưa có con " hay qua lại nhà Tư Ù ẵm bồng nựng nịu thằng nhỏ và lâu lâu "mượn" nó về tiệm vàng chơi cả buổi, gọi là để "lấy hên". Thật ra, đó chỉ là một cái cớ để Út Cón nối lại sợi dây tình cảm bị gián đoạn từ ngày có mặt tài xế Cước và để tiếng "bồ" vẫn là tiếng nói từ trong lòng của hai người. Vợ Út Cón cũng mến Tư Ù ở tánh bộc trực nên thường tới lui "chị chị em em" như đã quen thân nhau từ trước. Tư Ù chẳng những không thấy ganh ghét vợ Út Cón mà còn thấy "con nhỏ thiệt dễ thương, nết na đằm thắm, lo cho chồng từng tí từng ly...". Đối với Tư Ù, mọi sự đều dễ dàng: "Không thành duyên nợ thì thôi, tình thương mình để vào lòng chớ làm khó khăn rắc rối nhau chi cho chúng ghét". Còn về "chữ tình", quan niệm của Tư Ù cũng rất là đôn hậu rõ rệt: "Hể mình thương ai thì mình muốn người đó sung sướng hạnh phúc. Người đó vui, mình vui. Người đó buồn, mình buồn. Chớ còn nói thương người ta mà cứ đeo theo làm khổ người ta, thì đâu phải gọi là thương !". Có lẽ nhờ nghĩ như vậy mà tiếng "bồ" của Tư Ù gọi Út Cón lúc nào cũng thấy trong veo mát rượi như giọt sương trên tàu lá buổi sáng...

Mặc dù tâm sự đã "gói ghém" kỹ để trong lòng, lâu lâu Tư Ù vẫn thấy thèm được nói lên "tiếng nói của con tim". Đó là những buổi trưa rỗi rảnh, nằm một mình trên võng đong đưa, ngẵm nghĩ viễn vong để cuối cùng lại trở về hoàn cảnh của hai người. Không kềm được trào lòng, Tư Ù ngân nga một câu vọng cổ: "Anh Hai ôi... Cái mối tình của em đối với anh... nó tợ như trời cao biển rộng ...ư. ..sông... à...dài...".

Xuống "hò" thật ngọt, và nghe như nỗi niềm trắc ẩn cũng theo chữ "dài" mà tuôn ra nhè nhẹ. Mấy tiếng "Anh Hai ôi..." được "vô" một cách tình tứ. Sợ thiên hạ biết, chớ nếu dám "vô" bằng "Anh Út ôi..." chắc phải mùi hơn nhiều... Và chỉ có như vậy thôi, và chỉ cần có như vậy thôi, Tư Ù cũng đã thấy nhẹ, thấy thỏa mãn, thấy như đã nói hết những gì mình muốn nói!

* * *

Khi chị Tư "nối nghiệp"bà già, chợ cá hãy còn nhóm mỗi sáng trên sân xi măng. Hồi đó thằng con trai đã lớn, đang đi quân dịch, và vợ chồng chú Út cũng đã có hai cô con gái. Người trong làng kêu Tư Ù bằng "chị Tư", nhưng lại gọi Út Cón bằng "chú Út". Có lẽ tại cái gốc Tàu. Bởi vì họ đã có thói quen gọi người Tàu bằng "chú" "chú chệt" và vẫn gọi tiếp tục như vậy cho dù "chú chệt" đó lần hồi đã già bảy tám mươi tuổi. (Thành ra trong tiệm vàng đã có "chú Phấn", bây giờ tấn lên có "chú Út Cón". Hai cha con đều được gọi bằng "chú", ngang nhau !)

Mỗi sáng chị Tư dọn hàng ra chợ, ngay trước nhà, nên cũng tiện và nhanh. Hàng cá của chị gồm có hai thau nhôm thật to đầy cá, nước trong veo, mộït tấm thớt gỗ dầy, hơi trũng xuống ở phần giữa vì đã được sử dụng lâu năm, một con dao yếm để đánh vảy mổ bụng cá, một con dao phay để chặt khúc cá, một cái thau nhôm nhỏ để bắt cá cho khách hàng coi và một cái cân xách. Đặc biệt trong chợ cá, chỉ có chị Tư là không có cái chài vồ. Dụng cụ này bằng gỗ, thường được dùng để đập lên sóng dao phay khi muốn chặt con cá to ra từng khứa và nhứt là khi cần bổ hai cái đầu cá để đừng bị dập và để mỗi miếng "coi cho nó ngon". Khách hàng không ưa những khúc cá "bầy nhầy", cho nên hàng cá nào cũng phải có dao bén ngót, và khi "rả" con cá cở bằng bắp chân trở lên, phải biết dùng dao yếm để khứa và dao phay với cái chài vồ để "xả". Vậy mà chị Tư không cần tới cây chài vồ. Bởi vì chị mạnh tay lắm và chị "nhắm đâu là chặt đúng ngay đó, không xê xích một ly". Khách hàng ai cũng phục chị Tư ở chỗ đó. Họ nói: "Con Tư nó múa dao như Sơn Đông. Mình chỉ ở đâu là nó phụp ở đó, ngay bon ngọt xớt... Chớ không phải như mấy con mẹ kia, cầm chài vồ đập bom bớp nghe mà phát nhức đầu".

Dọn hàng xong, chị ngồi lên cái hộp gỗ cao bằng hai viên gạch có cái hộc như hộc tủ. Chị kéo hộc ra để tiền lẻ vào đó, rồi bắt đầu chào hỏi bạn hàng cá và rau cải. Trong làng, và nhứt là trong chợ, phần đông đều quen biết nhau hết, nên câu chuyện trao qua trao lại dễ dãng thoải mái. Đó là giờ "thông tin" của các bạn hàng trong khi người đi chợ còn rải rác lưa thưa. "A... để nói này nghe, đừng nói ai hết nghen ! Con gái của dì Năm Đôi có bầu với thầy giáo Thái. Họ giấu dữ lắm đó"... "Chèn ơi! Tội nghiệp con nhỏ hôn !"... "Thầy bà gì mà ác nhơn. Vợ con cả đống cả lèng rồi mà còn dê con nhỏ làm chi cho nó khổ"... "Nè ! Nghe nói ông Xả Bảy mới rinh về một con vợ bé. Không biết phải hôn ?"... "Đâu nà ! Cháu gái của ổng đó. Đừng nói bậy ổng cào nhà bây giờ"... "Ờ... Con mẹ Sáu bánh lọt sao hổm rày đâu mất hổng thấy há ?"... vv... Trong lúc bạn hàng vải, hay bạn hàng xén, đều có nhà hay cửa tiệm nằm vây quanh chợ nhà lồng "nghĩa là qui tụ lại một chỗ" thì những người bán cá lại có nhà ở rải rác trong mấy xóm xa chợ như xóm Giếng, xóm Chùa, xóm Lò Gạch, xóm Nhà Máy... Thành ra bạn hàng cá có "tai mắt" ở khắp nơi. Cho nên họ là giới biết nhiều tin tức trong làng nhứt. Và họ thông tin ăn bứt "Phòng Thông Tin"!

Khi chợ đã bắt đầu đông, bắt đầu ồn ào, thì mạnh ai nấy rao hàng mời khách. Chị Tư cầm cái cán cân nhắc lên để xuống đều đặn làm cho ba sợi xích sắt rơi nhịp nhàng vào cái dĩa cân, kêu rèn rẹt rèn rẹt, miệng mời tía lia: "Cá cô Hai... Cá dì Tám". Chị nhớ từng sở thích của khách hàng, như "Dì Sáu Lộc ưa cá trê vàng, còn cô Năm Ngự lại không ăn được cá không có vảy. Chị Hai Bia thì hay ăn đầu cá lóc, mà coi chừng, phải có đủ đùm ruột và gan mật còn nguyên chỉ mới chịu...". Lâu lâu, chị Tư thọc tay vào thau vuốt ve mấy con cá giống như vuốt ve con mèo con chó ! Vậy mà chẳng có con cá nào "chém" bàn tay của chỉ hết! Và khi mà chị Tư muốn bắt con nào là chị luồng thật nhanh ngón tay cái và ngón tay trỏ vào hai mang cá, nhấc bổng ra khỏi nước. Mấy con cá lốc bằng bắp đùi, chị cũng chỉ bắt có một tay. Mạnh như vậy nên bạn hàng cá ai cũng nể mặt, dù xưa nay họ nổi tiếng là giới thô lỗ hỗn ẩu.

Một hôm, chợ vừa nhóm, chị Tư mặt hầm hầm, cầm con dao phay chém xuống thớt nghe cái cốp rồi chỉ mũi dao về phía một bạn hàng cá ngồi cách xa mấy thước phía đối diện, giọng lanh lảnh:

Lia ! Tao nghe nói mầy đang rêu rao vụ gì đó phải không?

Tiếng "không" được nhịp bằng tiếng dao chém xuống thớt. Cô gái tên Lia vừa sang nước cá vừa trả lời:

Chuyện gì đâu ai biết !

Chị Tư vẫn nhịp dao xuống thớt:

Vậy chớ đứa nào đi nói cùng đồng là thằng cha Út Cón gian lận, bán vàng giả mà la vàng thiệt ? Hả ? Hả ?

Bỗng con Lia đứng sọc lên, tay chống nạnh, mặt gân gân:

Ờ ! Tôi nói đó ! Rồi có sao không ?

Chị Tư cũng đứng lên, tay vẫn cầm dao phay điểm điểm:

Có, chớ sao không ! Tao hỏi mầy vậy chớ Út Cón có lường gạt mầy không ? Mầy nói cho bà con nghe coi !

Con Lia "khựng" một chút rồi cũng gân gân:

Thì thằng chả làm đồ giả tôi nói làm đồ giả. Mắc mớ gì chị mà chị xía vô ?

Chị Tư nổi nóng, la lớn:

Mắc mớ chớ sao không mắc mớ ! Út Cón là bạn của tao, tao không muốn ai nói xấu thằng chả hết. Nếu mầy có bằng cớ thì trưng ra cho bà con coi, rồi đem lên hội đồng xã mà thưa thằng chả. Chớ còn không có gì hết mà cứ đi rêu rao nói xấu người ta là tự mày muốn sanh chuyện chớ ai vô đây ?

Thấy quá căng, mấy bà bán cá vội vã xúm lại can gián, mỗi người vài câu, ồn ào hỗn tạp. Trước khi ngồi xuống, chị Tư còn "bồi" thêm một câu, gọi là để "dằn mặt":

Nè ! Tao nói cho mầy biết. Mầy mà còn kiếm chuyện nữa thì con dao này nó không tha mầy đâu ! Cái thứ ăn ở bất nhơn thất đức không chém cũng uổng...

Con Lia vừa sợ, vừa đuối lý, làm thinh ngồi xuống nhưng trong lòng "thề sẽ có ngày nó rửa nhục". Nghe lộn xộn, chú Út Cón từ sau nhà bước ra trước cửa tiệm để nhìn. Lúc đó, cuộc cãi vã cũng vừa chấm dứt. Thiên hạ đi chợ đã bắt đầu đông. Thành ra chú không biết rằng "bồ" của chú vừa mới binh chú.

* * *

Về sau chợ cá nhóm trên sàn gỗ xây chờm ra sông. Chị Tư mỗi lần dọn hàng phải đi xa hơn một chút. Chị vẫn "to thuyền lớn bánh", vẫn hay cười, dễ ngủ, mặc dù thằng con duy nhứt của chị đã chết trận ở ngoài Kontum. Chị nói: "Sống chết tại số. Có khóc mấy, nó cũng không sống lại được !". Trên bàn thờ, cạnh hình ông bà già, chị để hình thằng con mặc quân phục, ngực đeo huy chương. Chị thích cái ảnh đó lắm bởi vì chị thấy nó giống kép Hùng Cường !

Trưa trưa, chị vẫn nằm đong đưa trên võng. Chị thích nằm võng bởi vì nó mát lưng. Cái võng của chị được thắt bằng sợi cây gai đập tơi ra rồi tết lại mịn màng, thân tau vừa to vừa dẹp lại không có gút thành ra nằm êm và không cấn làm ngứa lưng như võng lưới. Chị cũng chê võng nhà binh, tuy nằm êm nhưng khi trở mình nó lại kêu sột soạt !

Và lâu lâu, chị vẫn ngân nga câu vọng cổ của chị để thấy cuộc đời này hãy còn "cái gì để nói"...

* * *

Biến cố tháng tư 1975...

Cả làng treo cờ đỏ. Khắp nơi căng biểu ngữ đỏ. Tất cả bảng hiệu đều được sơn lại bằng màu đỏ. Coi hực hỡ như ngày xưa làng xã làm đám cúng ở miễu ông Tà !

Loa được bắt trên cành cây đầu cột, ngã tư ngã ba, phát thanh nghe rồ rồ như có tiếng máy xe đò Thiên Thành nằm trong đó ! Không có phát thanh cải lương nên nghe riết cũng nhàm. Rồi mạnh loa loa nói, mạnh người người nói.

Bây giờ người ta không còn thời giờ rảnh nữa. Hội họp, học tập, hoạt động đoàn thể liên miên, chưa kể đi lao động đều đặn...

Chợ cá vẫn họp buổi sáng. Giờ "thông tin" cố hữu của bạn hàng cá cũng thấy được tiếp tục nhưng có thâu ngắn lại và nhứt là bây giờ thấy nói nhỏ chuyền cho nhau nghe, chớ không bô bô như hồi trước. Cho nên người ta biết là con Lia bây giờ theo tụi cách mạng dữ lắm. Nó nghỉ bán cá để tổ chức "phụ nữ này phụ nữ nọ gì đó" và hay tới lui với "thằng cha Bắc kỳ công an ở nhà thầy giáo Thái" (nhà này cách mạng tịch thâu vì thầy giáo và gia đình đã bỏ chạy mấy ngày cuối tháng tư bảy mươi lăm). Và họ nói: "Con nhỏ lúc này lên chưn lắm, bà con! Thấy có đội nón cối nữa!".

Một hôm vào xế chiều, tên công an dựng xe đạp trước nhà chị Tư, nhìn quanh rồi bước vào nhà. Trong nhà lu khạp chứa cá đứng dài dài từ nửa nhà trên chạy tuốt ra phía sau. Nhà không có vách ngăn nên nhìn thấy trống bốc xuống bếp. Chị Tư đang lúi húi nhúm lửa ở đó, thấy khách vội chạy lên. Chị khoác vội cái áo bà ba, cầm chổi lông gà quét nhanh mặt ván gõ, rồi mời:

Mời anh ngồi. Có chuyện gì không ?

Tên công an ghé đít bên mép ván, nhìn quanh:

Chị ở có một mình à ?

Chị Tư cũng nhìn quanh:

Thì anh thấy đó. Còn ai nữa đâu ?

Rồi như sực nhớ ra, chị tiếp:

À ! Còn... ông Táo. Nhưng ổng không nằm trong hộ khẩu, ổng nằm trong bếp !

Rồi chị cười tự nhiên thích thú với hình ảnh hài hước đó. Tên công an làm thinh. Dưới bếp, lửa nhúm khi nãy không "bắt", làm khói lên um tùm. Chị Tư "xin lỗi" rồi chạy xuống bếp vùi nhanh mấy cây củi xuống tro. Xong, trở lên, vừa đi vừa nói:

Lúc sau này dầu hôi bị hạn chế, mỗi hộ chỉ mua được có một xị để dành thắp đèn thành ra không dùng lò dầu hôi. Phải chụm bằng củi, khói thôi là khói !".

Tên công an cũng nói đẩy đưa:

Đấy là buổi đầu thôi chị ạ ! Tại vì khâu phân phối vật tư chưa hoàn tất mạng lưới đấy chứ. Rồi chị xem. Vài hôm nữa xăng dầu sẽ được đưa về đây cả khối !

Chị Tư vừa cười vừa nói:

Gì thì tôi không biết. Chớ hôm rồi bà Tám Liệt Sĩ... xin lỗi anh, trong làng bây giờ kêu bà Tám Tiếu là bà Tám Liệt Sĩ, chớ không phải tôi đặt ra như vậy đâu.

Tên công an gật gật đầu:

Tôi biết. Gia đình bà má đó theo cách mạng từ thời bốn mươi nhăm. Sau này đều hy sinh cả. Giải phóng rồi ít lâu sau chính tôi đã đưa bà má lên tỉnh để lảnh bằng liệt sĩ và huân chương...

Chị Tư gật đầu tiếp:

Phải rồi. Đúng là bà đó. Hôm rồi, sau khi mua phần dầu hôi của bả, bả đưa xị dầu hôi lên cao, vừa đi dọc theo cái đuôi đồng bào đang đợi tới phiên mình, vừa nói...

Chị Tư đưa bàn tay trái lên trên không, ngón cái và ngón trỏ ra bộ kẹp cổ chai xị tưởng tượng, cất giọng the thé nhái bà Tám Liệt Sĩ:

Nè... Đồng bào coi đây nè ! Cái này là dầu hôi nghe không. Dầu hôi của Nhà Nước ta bán cho nhân dân. Quí lắm đó ! Không phải để thắp đèn. Mà để nhỏ vô con mắt cho nó sáng ra, nghe chưa ?

Nói xong, chị Tư cười thích thú. Tên công an chỉ nhếch mép. Không biết anh ta ráng kềm cái cười đang muốn bật ra hay anh ta đang cố tạo một nét cười để chứng tỏ rằng mình cũng biết thưởng thức khía cạnh trào phúng ý nhị của câu chuyện ? Anh ta bước lại bàn thờ, nhìn mấy tấm ảnh, hất hàm hỏi:

Ai thế ?

Chị Tư trở ngược cây chổi lông gà chỉ từng tấm ảnh:

Đây là ông già tôi, hồi ổng còn trẻ. Chớ ổng chết hồi ổng trên sáu mươi lận. Đây là bà già, chụp hình xòe đủ mười ngón tay !

Chị ngừng ở đó để cười rồi mới tiếp:

Còn đây là thằng con tôi, liệt sĩ ở Kontum !

Tên công an cãi:

Chị dùng từ sai. Lính ngụy không thể nào là liệt sĩ cả. Bị giết thì cứ nói là bị giết. Phải cho rõ ràng ở điểm đó.

Chị Tư ngạc nhiên:

Coi ! Đi dánh giặc rồi chết ngoài mặt trận, mấy anh không gọi là liệt sĩ thì gọi là khỉ gì ?

Anh ta giải thích:

Chị không hiểu. Giữa ta với ngụy khác nhau chứ. Ta, vì nhân dân vì Tổ quốc mà hy sinh, thế mới gọi là liệt sĩ. Còn ngụy là lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ...

Chị Tư đưa một tay lên chận lại:

À ! À ! Đến đây tôi xin lỗi anh. Chính anh mới không hiểu gì hết. Thằng con tôi chưa hề đánh thuê chém mướn. Nó đi quân dịch thì giống như ngoài đó mấy anh gọi là đi nghĩa vụ gì gì đó. Nó cũng vì đồng bào của nó, vì xứ sở của nó mà hy sinh, chớ nó có đánh giặc để giữ gìn đất đai xứ Mỹ bao giờ ?

Trong lúc tên công an chưa kịp "mở miệng" thì chị Tư đã nói tiếp, tay cầm cây chổi lông gà trở ngược quơ qua quơ lại trên không, để "vẽ" cho câu nói:

Ngoài đó đánh vô thì trong này phải đánh ra chớ bộ ngu dại gì mà đứng làm thinh đưa đầu cho thiên hạ đập ? Phải không? Như vậy gọi là đánh thuê chém mướn à ?

Thấy tình hình sắp đi vào ngõ bí và "con mụ hàng tôm hàng cá" này cũng không phải tay vừa, tên công an "đâm" đại một câu:

Chắc là con chị phải ác ôn lắm nên mới có đến hai huân chương.

Chị Tư cười ha hả:

Nếu nói như anh vậy thì mấy đồng chí cao cấp của anh phải ác ôn gấp mấy chục lần thằng con tôi. Bởi vì người nào người nấy chụp hình thấy đeo một ngực mề đai !

Rồi sực nhớ ra, chị Tư hỏi:

À ! Chút xíu nữa quên mất. Anh muốn gặp tôi có chuyện gì không ?

Tên công an như nắm được cái phao, vội vã đổi giọng ra chiều thân mật:

Chuyện này xin chị giữ kín cho. Người ta nói với tôi rằng Út Cón còn giấu vàng, không kê khai hết trong kỳ kiểm kê vừa rồi. Tôi cũng nghi như vậy bởi vì thấy anh ta... thế nào ấy.

Chị Tư nghiêm nghị:

Chuyện này... Anh là chánh quyền, anh phải đi hỏi ảnh chớ sao lại hỏi tôi ?

Tên công an thấp giọng:

Người ta nói với tôi rằng chị thân với Út Cón lắm. Tôi muốn nhờ chị nói với anh ấy một tiếng để anh ấy mang nạp cho Nhà Nước số vàng còn cất giấu. Tôi sẽ giữ kín chuyện này và sẽ không báo cáo lên cấp trên. Tôi muốn giải quyết như trong gia đình thôi. Chị hiểu không ?

Suy nghĩ một lúc, chị Tư trả lời:

Thiệt tình với anh: tôi với Út Cón là bạn nhưng tôi chưa hề biết chuyện làm ăn trong nhà của ảnh ra làm sao hết. Và cũng không bao giờ chen vô. Nhưng tôi nhứt quyết với anh là Út Cón xưa nay không có gian xảo. Bà con ở đây ai cũng biết hết. Tánh ảnh lại hiền khô và... hơi nhát nữa. Chắc không dám làm chuyện động trời như anh nói đâu.

Chị Tư mỉm cười, nhớ lại hồi nhỏ lần đầu rủ Út Cón vào vườn sau chùa "ăn cáp nhãn", Út Cón khoát khoát tay từ chối mà mặt mày xanh dờn làm như đã bị bắt tại trận. Vậy mà đã mấy mươi năm... Tên công an đưa tay xem đồng hồ, rồi vừa bước ra cửa vừa nói:

Tôi về đây. Xin chị giúp tôi và nhớ giữ kín chuyện này nhá.

Chị Tư làm thinh, nhìn theo tên công an, rồi sẵn đó nhìn sang nhà bên kia. Bên kia, chắc vừa ăn gì xong nên thấy chú Út đứng xỉa răng trước cửa tiệm.

Đợi tên công an đạp xe đi một lúc, chị Tư mới bước ra ngoài cửa ngoắc chú Út. Chú đủng đỉnh đi qua tay vẫn tiếp tục xỉa răng. Vào nhà, chú hỏi:

Chuyện gì vậy bồ?

Chị Tư thấp giọng:

Thằng cha công an nó nghi bồ còn giấu vàng đó.

Chú Út cười như mếu:

Giấu khỉ gì. Hồi kiểm kê, họ nói nghe ngon lắm: cứ kê khai đầy đủ để làm tài liệu thống kê trong mỗi ngành nghề, chớ còn của ai nấy giữ để tiếp tục hành nghề như cũ, không có gì thay đổi. Vậy rồi... hốt hết của người ta ! Không còn tới một chỉ để làm thuốc, lấy gì mà giấu ?

Chị Tư suy nghĩ một lúc mới nói:

Chắc có đứa nào đâm thọc gì đây. Gặp bọn này là thứ đa nghi nên dễ tin lắm. Bồ cũng nên coi chừng đó nghe ! Thời bây giờ không biết ai là ai hết. Thôi ! Bồ về đi, kẻo tụi nó thấy, tụi nó nghi bồ qua... gởi vàng cho tôi giấu thì oan tôi lắm, nghe bồ.

Nói xong, cười hăng hắc làm chú Út đang rầu thúi ruột cũng bật cười theo. Làm như chẳng có gì phải quan tâm hết.

Tuần lễ sau, vào quá ngọ sau khi tan chợ, công an đưa bộ đội tới xét nhà chú Út Cón. Xét kỹ đến nỗi giường chiếu tủ bàn cà ràng ông Táo, quần áo sách vở gì gì cũng lôi tung ra. Họ còn bắt thang trèo lên nóc lật một số ngói trong lúc dưới đất một tốp khác cầm búa gõ từng viên gạch, từng mảng tường. Thậm chí còn cạy mấy chục viên gạch và đào quật lên mấy thước đường cống.

Bên ngoài hàng xóm bu lại coi thật đông, kẻ nói vô người nói ra ồn ào không thua gì "trận chiến" ở bên trong. Chị Tư can thiệp mấy lần với tên công an nhưng anh ta làm như "không biết chị Tư là ai". Mặt lạnh như tiền, anh ta chỉ huy cuộc khám xét giống như đang bươi một đống rác. Cuối cùng, không tìm thấy gì hết, mặt anh ta còn lạnh... hơn tiền. Anh ta ra lịnh bắt chú Út dẫn đi, để lại người nhà "thím Út và hai con gái" gào khóc như đám ma và để lại căn nhà bây giờ thật sự giống như một đống rác !

* * *

Chú Út bị giam trên tỉnh. Ở đâu, người nhà không được biết. Chỉ biết tin tức qua tên công an lúc này tới lui thường xuyên nhà thím Út, gọi là "đến thăm viếng an ủi gia đình và giải thích đường lối chủ trương rõ rệt sáng suốt của Đảng và nhà Nước". Lâu lâu, thấy anh ta dẫn tới một vài anh bộ đội, ngồi lê la nói chuyện. Chị Tư để ý nhiều lần như vậy nên phân vân tự hỏi: "Không biết cái thằng Trời đánh này nó muốn cái gì ? Nhà tinh là đàn bà con gái không...".

Người ta bắt đầu xì xào bàn tán...

... Chiều hôm đó, tắm xong, chị Tư vừa chải tóc vừa bước lên nhà trên. Chợt nhìn thấy thiên hạ bu đông ở nhà chú Út và có tiếng khóc than trong đó. Chị bước ra cửa thì vừa gặp bà Năm Chia. Vội hỏi:

Chuyện gì ở bển vậy thím Năm ?

Bà Năm Chia nhìn chị Tư với cặp mắt đỏ hoe, nói bằng một giọng trống rỗng:

Thằng Út chết rồi !

Chị Tư nghe choáng váng mày mặt, trời đất bỗng tối sầm lại. Chị tì người vào khuôn cửa, cái lược sừng rơi xuống đất. Mắt mở to, ráo hoảnh. Miệng há ra để thở, nhịp thở dồn dập như muốn bứt hơi. Làm như bên trong con người chị chẳng còn gì hết, chẳng giữ được gì hết. Và cũng không còn cảm giác gì hết...

Một lúc lâu sau, chị lảo đảo bước vào trong nhà, lần theo mép bộ ván mà đi, lần theo lu khạp mà đi, lần theo vách mà đi. Trong đầu loáng thoáng ý nghĩ phải tới một nơi nào đó kín đáo hơn là ngoài cửa, kín đáo hơn là trong nhà. Một nơi nào đó chẳng còn ai hết. Một nơi nào đó chẳng có gì hết. Một nơi nào đó chỉ có một mình mình. Một cái kẹt. Một cái hốc. Không biết để làm gì. Chỉ thấy cần làm như vậy, cần được như vậy. Chẳng có gì rõ rệt hết. Lơ mơ lơ mơ...

Cuối cùng, chị bước vào nhà tắm đóng cửa lại. Gài then xông, chị chỉ còn đủ sức dán lưng vào tường và cảm thấy hai chân mềm như bún. Thân chị tuột lần xuống đến khi đụng mặt gạch còn ướt nước tắm khi nãy. Chị ngồi bẹp ở đó mà nghe trong người có cái gì đang dồn căng lên cổ họng từng cơn làm chị đau thắt. Chị cố nuốt xuống, nhưng càng nuốt, "cái gì đó" càng dồn mạnh lên. Để rồi, chịu không nổi nữa, chị nấc lên mấy tiếng, gục đầu xuống mà nghe nước mắt tuôn ra như suối...

Lâu thật lâu sau, chị Tư đứng lên, vẫn để nguyên quần áo thọc gáo vào lu múc nước xối ào ào. Nước mát lạnh làm cho chị tĩnh hẳn. Chị lau mình thật chậm rãi, thay đồ cũng thật chậm rãi. Làm như để có thời gian lấy một quyết định. Xong chị qua nhà thím Út Cón.

Vừa thấy chị Tư bước vào, thím Út òa lên khóc:

Tụi nó giết anh Út rồi, chị Tư ơi...

Chị Tư bước lại ôm thân hình mảnh khảnh của thím Út, tay vuốt vuốt lưng như đang dỗ về người em gái. Hai đứa con chú Út từ nhà sau chạy ra, vừa khóc vừa xà vào người chị:

Cô Tư ơi...

Chị dang tay ôm hết ba mẹ con, ôm hết những gì còn lại của Út Cón. Không còn nước mắt để khóc nhưng còn đủ tĩnh táo để nhận thấy rằng từ đây, mình phải thay Út Cón để bảo vệ gia đình này mặc dù không ai gởi gắm hết.

Nửa khuya đêm đó, chị Tư trở dậy. Trong bóng tối, chị mò mẫm khoác áo bà ba đen máng sẵn trên cây cột từ đầu hôm, cập nách con dao phay quấn trong cái bao bố nhỏ đặt sẵn cạnh chân bộ ván gõ, bước ra đóng nhẹ cửa lại. Bên ngoài, trời đầy sao. Gió sông nhè nhẹ mát rượi. Chị bước đi tự nhiên, chẳng chậm rãi chẳng gấp rút. Giống như đi công chuyện bình thường. Ngoài đường, vắng teo. Mấy con chó hoang ngủ dưới dãy thớt thịt trong nhà lồng chợ ngóc đầu lên nhìn, sủa vu vơ mấy tiếng rồi lại nằm xuống. Chẳng có gì phải bận tâm.

Nhà thầy giáo Thái nằm xéo xéo trường tiểu học, Điểm đặc biệt ở đây là nhà bếp và sàn nước nằm ngay sân trước bởi vì ở đó có cái giếng. Thành ra hồi xưa vào giờ ra chơi, học trò hay chạy qua đó uống nước. Lâu lâu còn được thím giáo cho mấy cái bánh men vì thím làm bánh men bánh kẹp để bỏ mối ở xóm dưới đầu trên... Từ ngày công an dọn về đó, chẳng thấy đứa nào chạy qua hết.

Chị Tư bước vào hàng ba, thấy trong nhà có ánh đèn. Nghĩ: "Chắc thằng Trời đánh đó đang làm báo cáo. Không biết nó đang muốn hại ai nữa đây ?". Chị đưa tay gõ cửa. Có tiếng người hỏi:

Ai đấy ?

Chị Tư trả lời như không trả lời:

Tôi !

Nghe giọng đàn bà, tên công an yên chí:

Chờ tí !

Có tiếng khóa lọc cọc rồi cánh cửa mở ra. Ánh đèn dầu từ bên trong hắt lên người chị Tư, tuy không sáng lắm nhưng vẫn thấy rõ nét trầm tĩnh tự nhiên trên gương mặt tròn trịa. Ở đó vừa hiện lên một nụ cười mà tên công an giàu tưởng tượng cho là "đầy nhiệt tình cách mạng". Anh ta bước ra đảo mắt nhìn quanh rồi mới mời:

Vào đi !

Tiếng "đi" vừa dứt là chị Tư đã bổ con dao phay vào ngay giữa đầu, nhanh gọn và chính xác như chị bổ cái đầu cá. Xong, chị bước vào thổi tắt cây đèn dầu rồi ra sàn nước rửa ráy tay chân mình mẫy và con dao. Trước khi ra về chị nhìn lại hàng ba: trong bóng tối chị vẫn thấy được thằng "Trời đánh" nằm một đống, không nhúc nhích.

Hôm sau, cả làng đều biết tin tên công an bị chém. Vậy là bàn tán xôn xao... "Nhờ mấy con chó bu lại giành giựt ở hàng ba nhà thầy giáo Thái người ta mới để ý. Chớ không thì cầu tới trưa trờ mới hay"... "Thiên hạ đồn tại thằng chả lấy vợ người ta"... "Ông Sáu Lịch dạy võ ở xóm Lò Heo quả quyết rằng thằng cha nào chém nhứt định phải có nghề. Chớ người thường thì sức mấy mà chém ngọt như vậy"... "Ai mà giỏi vậy không biết ?"... "Còn gan nữa chớ ! Chém cách mạng mà...". Có người vốn đã thù ghét sẵn trong lòng, buột miệng nói: "Chớ phải là tôi, tôi chặt cha nó ra làm ba khúc cho nó đáng !"...

Trong làng, chỉ có một người biết ai đã chém tên công an. Người đó là con Lia bán cá hồi trước "cách mạng". Nhưng nó đã bỏ làng trốn mất ngay ngày hôm đó, bỏ lại mấy bộ đồ màu cỏ úa và cái nón cối. Chánh quyền nghi ngay cho nó. Vậy rồi họp hành liên miên để xem có "phát hiện" gì thêm không bởi vì "tên phản động ác ôn do ngụy cài vào hàng ngủ của ta từ ngày cách mạng thành công, nhất định phải để lại nhiều dấu vết hay bè lũ của nó, ta cần phải nâng cao cảnh giác!".

Trưa đó, nằm đong đưa trên võng, chị Tư suy nghĩ viễn vong rồi đưa bàn tay trái lên nhìn chiếc nhẫn bạc của Út Cón chạm trổ cho hồi đó, thuở Út Cón chưa vợ, thuở hai người còn thật "bồ" với nhau... Chị bồi hồi nhận thấy tiếng "bồ" quen thuộc, từ nay sẽ không còn dùng tới nữa. Tiếng "bồ" gọi nhau thuở nhỏ. Tiếng "bồ" nhè nhẹ êm êm của tuổi dậy thì. Tiếng "bồ" mang mểng yêu thương giấu kín, về sau, khi chẳng thành duyên chẳng thành nợ. Và tiếng "bồ" già dặn, đậm đà của bây giờ, mới đây, trước khi Út Cón bị bắt. Tiếng "bồ" của mấy chục năm đó, còn ai để mà gọi, từ nay ? Chị bỗng thèm hát lại câu vọng cổ. Lần này, chị vô "Bồ ơi...". Tiếng "ơi" bị ngẹn ngang. Chị ngừng ở đó một lúc để kềm xúc động. Rồi chị "bắt" trở lại, nhanh nhanh dồn dập chớ không ngân nga sợ trào lòng cắt đôi câu hát: "Bồ ơi ! Cái mối tình của em đối với bồ... nó tợ như trời cao biển rộng?...ư...sông...à ...dài". Tiếng "dài" không còn "ngọt" như xưa. Tiếng "dài" bị đứt khoảng. Giống như khúc đuôi còn nằm kẹt đâu trong lòng. Chị vói tay lên đầu võng rút cái khăn lông đắp vội lên mặt, bởi vì chị vừa nghe mí mắt mình mọng nước !

Từ đó chị Tư Ù thôi ca vọng cổ.

Tiểu Tử




No comments: