Vũ Khắc Khoan, con ngưòi và tác phẩm
Thụy Khuê
Bài đăng ngày
09/08/2008
Cập nhật lần cuối ngày
09/08/2008 10:08 TU
Vũ
Khắc Khoan là ngòi bút đặc biệt giao hòa triết lý Đông Tây, cổ điển và
hiện đại trong tác phẩm văn học một cách tài tình. Sáng tác ít, nhưng
mỗi tác phẩm đều đạt tới mức cổ điển. Cổ điển trong cái nghĩa đẹp nhất:
không theo thời thượng mà tìm đến những giá trị phi thời gian. Có thể
nói ông là trường hợp "văn dĩ tải đạo" độc đáo nhất trong văn học Việt
Nam. Cái đạo ở đây là tư tưởng, là những vấn đề đặt ra cho người trí
thức tiểu tư sản ở thời kỳ chia đôi đất nước, nói riêng, và con người
của mọi thời, nói chung, trực diện với nghệ thuật và cuộc sống
Độc giả trong nước ngày nay có lẽ không mấy người
biết Vũ Khắc Khoan là ai. Mặc nhiên ông là một trong những tác giả lớn
của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Vì vậy, vấn đề chung của giới nghiên cứu
văn học hiện nay, là không thể chỉ đóng khung trong một số tác gia quen
thuộc, được nhà nước chính thức công nhận nữa, mà phải mở cửa rộng hơn,
ra ngoài vòng chính thống, để đưa người đọc vào toàn cõi văn học Việt
Nam thế kỷ XX. Đó là điều kiện sinh tồn, và là lý do hiện hữu của công
việc nghiên cứu phê bình. Trong chiều hướng ấy, chúng tôi giới thiệu cùng quý vị, những tác phẩm chính của nhà văn Vũ Khắc Khoan, một tên tuổi có lẽ không nổi tiếng như Mai Thảo, Võ Phiến, hay Thanh Tâm Tuyền, nhưng tác phẩm của ông đánh dấu những biến chuyển lớn về bút pháp và tư tưởng trong nửa sau thế kỷ XX của văn học Việt.
* * *
Vũ
Khắc Khoan sinh ngày 27/02/1917 tại Hà-nội, là học trò trường Bưởi. Lên
đại học, theo ngành y khoa hai năm, trước khi vào trường Cao đẳng Canh
nông. Sau khi tốt nghiệp, làm kỹ sư canh nông được một năm rồi chuyển
hẳn sang nghề dạy học, dạy lịch sử tại hai trường Nguyễn Trãi và Chu Văn
An, Hà-nội, và hoạt động kịch nghệ, viết văn, thành lập nhóm Quan Điểm
với Nghiêm Xuân Hồng. Từ 1948 Vũ Khắc Khoan bắt đầu in bài trên báo Phổ
Thông, hai vở kịch Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (1948) và Giao thừa (1949) và bài tùy bút Mơ Hương Cảng (1953). Giao thừa có thể coi là vở kịch phy lý đầu tiên của Việt Nam. Ngay từ thời còn là sinh viên y khoa, Vũ Khắc Khoan đã đạo diễn những vở Thế Chiến quốc và Nửa đêm truyền hịch của Trần Tử Anh, trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội; ông viết và dựng kịch bản đầu tay Trường ca Mông Cổ, tác phẩm làm nền cho vở Thành Cát Tư Hãn sau này. Năm 1952, vừa dựng, vừa diễn vở Thằng Cuội ngồi gốc cây đa tại Nhà Hát Lớn. 1954 di cư vào Nam, Vũ Khắc Khoan cộng tác với Nhật báo Tự Do, dựng lại nhóm Quan Điểm (với Nghiêm Xuân Hồng và Mặc Đỗ), dạy sử, văn chương và văn học sử tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An ở Sài-gòn. Từ 1962 lên dạy đại học. Chủ trương nguyệt san Vấn Đề cùng với Mai Thảo, dạy và làm giám đốc Kịch nghệ tại trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài-gòn.
Di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, ông dạy Pháp văn tại đại học Minnesota trong hai năm, cộng tác với tờ Đất Mới (của Thanh Nam) và tờ Văn của Mai Thảo. Cuối đời ông sáng tác hai bài thơ văn xuôi: Berceuse en pluie mineure (Ru em theo gam mưa thứ) và Le petit oiseau, la petite branche et le printemps (Con chim nhỏ, cành cây nhỏ và mùa xuân) và viết một số tác phẩm chưa hoàn tất: truyện dài Bướm đêm và kịch Ngọa triều. Vũ Khắc Khoan mất tại Minnesota ngày 12/9/1986 vì bệnh ung thư.
Trái ngược với những tác gia như Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan là người viết ít, viết kỹ, ông không phải là tác giả bình dân. Tác phẩm để lại không nhiều : Về kịch có Giao thừa, Hậu trường, Thằng Cuội ngồi gốc cây đa (in năm 1949), Thành Cát Tư Hãn (1961), Những người không chịu chết (An Tiêm) và Ngộ nhận (Quan Điểm, 1969). Về truyện, có Thần Tháp Rùa (Nguyễn Đình Vượng, 1957). Về biên khảo có Tìm hiểu sân khấu chèo, Vở chèo Quan Âm Thị Kính (Lửa Thiêng, 1974). Và tùy bút có Mơ Hương Cảng (Kẻ Sĩ, 1971), Đọc kinh (An Tiêm, Paris, 1990) và Đoản văn xa nước (An Tiêm, 1995).
* * *
Vũ
Khắc Khoan là ngòi bút đặc biệt giao hòa triết lý Đông Tây, cổ điển và
hiện đại trong tác phẩm văn học một cách tài tình. Sáng tác ít, nhưng
mỗi tác phẩm đều đạt tới mức cổ điển. Cổ điển trong cái nghĩa đẹp nhất:
không theo thời thượng mà tìm đến những giá trị phi thời gian. Có thể
nói ông là một trường hợp "văn dĩ tải đạo" độc đáo trong văn học Việt Nam. Cái đạo ở đây là tư tưởng, là những vấn đề đặt
ra cho người trí thức tiểu tư sản ở thời kỳ chia đôi đất nước nói
riêng, và con người của mọi thời, nói chung, trực diện với nghệ thuật và
cuộc sống. Đối với Vũ Khắc Khoan, Thành Cát Tư Hãn chỉ là một cái cớ,
một prétexe. Tình yêu cũng chỉ là một cái cớ, một prétexe, để viết...
Tất nhiên phải hiểu thêm là nhân vật, đề tài ... cũng chỉ là cái cớ để
tác giả biểu lộ tư tưởng và nghệ thuật của mình. Biểu lộ như thế nào? Vũ Khắc Khoan có những cách thể hiện tác phẩm khác người. Ví dụ ông tạo ra một thể văn gọi là lộng ngôn, giao lưu giữa kịch và tùy bút, để nói lên tính ngoa ngoắt của lời nói, ngoa ngoắt của "văn chương". Trong Thần Tháp Rùa, ông lồng hệ thống tư tưởng của mình trong bốn truyện thần kỳ: Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Nhập Thiên Thai (Lưu Nguyễn) và Người đẹp trong tranh (truyện Tú Uyên) để tạo ra một lối viết mới mà trước ông, chưa thấy ai thử nghiệm (Cao Huy Khanh đặt gọi là huyền truyện), và sau ông, không ai tiếp nối được.
* * *
1954,
trước bối cảnh chia đôi đất nước, thành phần "trí thức tiểu tư sản" của
Vũ Khắc Khoan ở trong cái thế như thế nào? Thế ấy, Vũ Khắc Khoan gọi là
"trên đe dưới búa", "tư bản đè xuống, vô sản vùng lên": người trí thức
tiểu tư sản "Khoan tôi" ở trong thế kẹt: Họ thuộc giai tầng lưng chừng,
không giầu mà chẳng nghèo, không theo hai cực mà bị chúng ép lại. Truyện
Thần Tháp Rùa viết về cái thế kẹt ấy của người trí
thức tiểu tư sản ở thời điểm sắp chia đôi đất nước: chọn con đường nào
cũng khó. Tác giả lồng thời sự trong không khí cổ kính của Thăng Long tự
nghìn năm trước: Thư sinh họ Đỗ lên Kẻ chợ trọ học và dạy học, đứng trước những đảo điên của thời cuộc, chàng giữ thái độ lừng khừng khiến có người hỏi: "Hiện nay thiên hạ chia đôi, không trắng thời đen, mà nghe ông nói thì thật không biết là đen hay trắng." Đỗ trả lời: "Tại sao lại cứ bắt buộc phải là đen hay trắng?" Phong cách nghệ thuật của Vũ Khắc Khoan là đem việc hôm nay lồng vào bối cảnh hôm qua, đem những chuyện thời sự như việc viên thị trưởng Thẩm Hoàng Tín ra lệnh bắt Rùa để triển lãm, việc cầu Thê Húc gẫy đôi... làm "điềm" báo hiệu sự chia đôi đất nước. Những yếu tố thực đó, được thể hiện trong văn qua những hình ảnh hư ảo tuyệt vời của thời cổ tích, ông viết: "Dưới ánh trăng nguyên tiêu, Đỗ đứng lặng nhìn Rùa. Đỗ chợt thấy mắt rùa như mờ lệ. Đỗ hỏi: Cũng biết thùy lệ ư?"
Dùng thể văn biền ngẫu, hàm súc, trau chuốt, chữ đắt giá, tạo vẻ đẹp cổ kính của một thời lồng trong nhiều thời. Đem những băn khoăn của hôm nay lồng trong không khí cổ điển của hôm qua. Qua bốn đoản văn Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Thiên Thai và Người đẹp trong tranh, Vũ Khắc Khoan đã "dùng" nghệ thuật để nói lên tư tưởng của mình về cuộc hiện sinh phi lý, về ảo tưởng thiên thai không bao giờ có thật, về cái thế sâu xé của người nghệ sĩ giữa hai thế lực: trưởng giả và thuyền chài (tư bản-vô sản), về sự lựa chọn khó khăn của người nghệ sĩ giữa tác phẩm để đời và lạc thú trước mắt trong cuộc sống sinh thực và phồn thực. Thần Tháp Rùa chao đảo giữa thực tế chính trị lịch sử của Việt Nam thời năm tư và của Việt Nam hôm nay, hơn ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước. Tác phẩm bắc cầu giữa huyền thoại và đời sống, giữa xưa và nay, để đưa ra thực tế của văn bản nghệ thuật.
* * *
Thành Cát Tư Hãn là
tác phẩm chủ yếu của Vũ Khắc Khoan, phản ảnh sâu sắc địa bàn tư tưởng
và tầm vóc của tác giả. Thành Cát Tư Hãn chỉ là một cái cớ để Vũ Khắc
Khoan đề cập đến hai vấn đề cơ bản: Thuyết định mệnh và Thuyết đợi chờ.
Bối cảnh vở kịch diễn ra trong những ngày cuối đời của Thành Cát Tư
Hãn, ở mặt trận Tây Hạ. Kịch bản được dàn dựng theo truyền thống bi
tráng kịch cổ điển Hy Lạp của Eschyle, Sophocle: Cái chết là tất yếu.
Thành Cát Tư Hãn, vị đại hãn Mông Cổ, "sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác"
tự xác định mình là Trời, là Thượng Đế, quyết san bằng Đất liền, tiêu
diệt tất cả những sinh mạng cản trở bước tiến của quân Mông Cổ. Thành
Cát Tư Hãn đã thành công trong sự tàn sát, đã giết hết nhân sinh, nhưng
không giết được Thần chết, kẻ thù vô hình của mình. Không thắng được
định mệnh. Thành Cát Tư Hãn, vị đại hãn khốc liệt, uổng công tìm thuốc
trường sinh, uổng công "dọc ngang chém giết, để rồi ... để rồi một ngày kia cũng mục nát như cây cỏ." Định mệnh của Thành Cát Tư Hãn cũng là Thần chết, được khắc tạc dưới những nét của Cổ Giã Trường, anh hùng Tây Hạ, kẻ vô hình chỉ có thanh kiếm của hắn là hiện hữu. Trong suốt vở kịch, Thành Cát Tư Hãn chờ đợi Cổ Giã Trường, nhưng hắn không đến, hắn chưa đến. Mỗi lần có tin Cổ Giã Trường sẽ đến, là lại một cái chết của người thân đại hãn được xướng lên như để thắt chặt vòng vây quanh sự sống còn của "Mệnh Trời". Bi kịch của Hãn là bi kịch của nhân sinh: Con người khốc liệt và kiêu hùng nhất là Thành Cát Tư Hãn cũng chỉ đợi chờ cái chết. Sống để chờ chết và không ai biết trước diện mạo định mệnh của mình, là những chủ đề chính trong tác phẩm. Thuyết định mệnh và thuyết đợi chờ giao thoa với nỗi cô đơn tuyệt đối của vị đại hãn trong sa mạc thần quyền, tạo nên hình tượng bi đát nhất của con người trong tác phẩm Thành Cát Tư Hãn.
Vũ Khắc Khoan hòa trộn hai lối nghệ thuật kịch trường mà ông rất thích: "lắm lời nhất" như Shakespeare và "ít lời nhất" như Samuel Beckett. Có người cho rằng sự đợi chờ trong kịch của Vũ là do ảnh hưởng kịch En attendant Godot (Đợi Godot) của Samuel Beckett. Nhưng thực ra, tư tưởng đợi chờ đã có trong Vũ Khắc Khoan từ vở Giao thừa (đợi giao thừa) viết năm 1949 (được trình diễn năm 1951 tại Nhà Hát Lớn, Hà-Nội) trong khi kịch của Samuel Beckett đến 1953 mới được trình diễn ở Paris. Do đó, sự trùng hợp tư tưởng ban đầu có lẽ chỉ là ngẫu nhiên. Sau này Vũ tìm đọc và nghiên cứu Beckett, và ông đã có những nhận định sâu sắc về Samuel Beckett, trong một bài tiểu luận (in trong tập Giấc Mơ Hương Cảng). Vì vậy chúng tôi đặt thuyết đợi chờ như một yếu tố đặc thù trong hệ thống tư tưởng của Vũ Khắc Khoan, độc lập với Beckett, đã có trong họ Vũ, từ trước khi ông tiếp xúc với tác phẩm của Samuel Beckett.
* * *
Tác phẩm Đoản văn xa nước,
tập hợp những bài viết cuối cùng của nhà văn tại hải ngoại, là một tập
hợp những truyện, ký, hồi ức và tùy bút. Trong đó bài tuỳ bút Đọc kinh,
một bài kệ hiện đại, một tác phẩm độc đáo và là tác phẩm cuối cùng của
nhà văn, cũng là một suy nghiệm triết học về sống và chết, về có và
không của một đời người, bôn ba trong sinh hoạt tư tưởng và nghê thuật.
Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn Việt nam đã hoà đồng hai yếu tố
khó nhất trong một tác phẩm văn học: triết học và văn chương, làm cho
tác phẩm, tuy chở tư tưởng triết học, nhưng đọc vẫn thú vị, thanh thoát
như một áng văn xuôi đầy chất thơ. Chính ở chỗ đó, mà người nghệ sĩ Vũ
Khắc Khoan đã hoà đồng được thiên thai và thế tục, được thiên đàng và
trần thế, điều không thể làm được trong thực tại cuộc đời, chỉ có thể
hiện hữu trong tưởng tượng và nghệ thuật. Trong những kỳ tới, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu ba tác phẩm chính của Vũ Khắc Khoan: Thần Tháp Rùa, Thành Cát Tư Hãn
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/104/article_643.asp
Võ Phiến
Vũ Khắc Khoan
Vũ Khắc Khoan, ông có vai trò đặc biệt trong ngành kịch ở Miền Nam. Có thể nói Vũ Khắc Khoan là kịch Miền Nam (...)
Ông đóng kịch, viết kịch, dạy kịch, biên khảo về kịch (...)
Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu ở nước ta mấy ai đóng góp nhiều hơn ông, bằng ông?
*
Con người say mê kịch và đóng góp nhiều cho kịch Việt Nam ấy là một nhân vật độc đáo. Kể ra không có một người nào có thể là đơn giản; và một tác giả, một nghệ sĩ lại càng rắc rối hơn. Tuy nhiên, ông Vũ Khắc Khoan thì ông không chỉ phức tạp thôi; ở ông có những khía cạnh mâu thuẫn nhau.
Hãy nói về cái ngoại hình trước tiên. Cao Huy Khanh mô tả: “dáng điệu luôn luôn đầy vẻ trầm tĩnh chững chạc, quá sức là nghiêm chỉnh, khi đi đầu thường cúi xuống gật gật gù gù, tay trái luôn luôn thọc vào túi quần coi đầy vẻ đăm chiêu suy tưởng rất ngoạn mục”, “khuôn mặt ông ta. Ðúng là một chân dung khắc bằng đá, những đường nhăn hằn sâu trên trán, những nét ngoằn ngoèo sắc cạnh như đục sâu vào má, những vết hằn in cứng và đậm nét như thể những vết hoa chạm trổ trên mặt, cặp mắt lồi đến độ có thể nhìn thấy những tia máu vẩn đỏ trong đó (...) đôi mắt khi nào trông cũng đỏ ngầu, dáng điệu thì sật sật sừ sừ chừng như (...) vừa mới uống rượu đế xong, đã vậy mà mái tóc muối tiêu thì lại bờm xờm chất cao cả một đống trên đầu.” “Quả thực ông ta trông giống Thành Cát Tư Hãn ghê (...) Ðúng là người nào thì nhân vật nấy, Vũ Khắc Khoan mà đóng vai Thành Cát Tư Hãn tất phải là rất tuyệt.”
Cao Huy Khanh bảo ông Vũ giống hệt Thành Cát Tư Hãn. Còn ông Vũ thì nói đi nói lại ba bốn lần trong vở kịch rằng Thành Cát Tư Hãn là con người “sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác” (...)
Cũng về ông Vũ Khắc Khoan, chính ông Vũ ấy, Ðặng Tiến đã kể lại một kỷ niệm. Bấy giờ là cuối 1965, ông Vũ rủ ông Ðặng ra Huế dự hội thảo tại viện đại học Huế. Buổi tối, trên diễn đàn một nhà hùng biện thao thao thuyết giảng: Cộng sản là một chủ thuyết, vậy muốn chống cộng, chúng ta cần phải có một chủ thuyết. “Anh Khoan rỉ tai: đi ăn phở, rồi đứng dậy, bệ vệ đi ra. Tôi đi theo.” Gần hăm lăm năm sau, vào dịp tết 1990, trên báo Thông Luận ông Ðặng (ký Tuyết Chi) nhớ người bạn vong niên quá cố, nhắc chuyện cũ, làm sống lại cái nét tinh quái bất ngờ của con người khốc liệt. Cái “rỉ tai” của ông Vũ thật lý thú, không phải người thân cận không có dịp bắt gặp.
Thân cận với ông Vũ vào những ngày cuối cùng là một người bạn vong niên khác: Nguyễn Cao Ðàm. Trong bài điếu văn đọc trước linh cữu Vũ Khắc Khoan, ông Nguyễn cho biết: “Ông là một kho tàng những câu chuyện dí dỏm (...) Ngay trên giường bệnh, những nhận xét khôi hài dí dỏm lan cả ra thầy thuốc, y tá, và bệnh nhân láng giềng. Buổi chiều chủ nhật mồng bảy tháng chín, trên tầng lầu 4 im vắng của bệnh viện Fairview, chỉ có tiếng cười không kiềm chế được phát ra từ phòng bệnh số 419 cũng vì những câu chuyện của ông, về ông.”
Vị Tư Hãn của Mông Cổ - lầm lì, khốc liệt, vô giác - tình cờ nghe được những tiếng cười ấy ắt phải sững sốt. Càng sững sốt khi biết ngày mồng 7 tháng 9 nói trên đây chỉ cách ngày ông Vũ qua đời chưa đầy một tuần lễ.
Những cái mâu thuẫn như thế về ông Vũ không phải do lỗi của kẻ ghi chép (...) Chắc chắn Cao Huy Khanh đúng mà Nguyễn Cao Ðàm cũng đúng. Nhờ thế Vũ Khắc Khoan viết được cả Thành Cát Tư Hãn cả Ngộ nhận. Corneille chỉ có bi kịch, Molière chỉ có hài kịch. Ở Vũ Khắc Khoan, có chỗ cho Thành Cát Tư Hãn ngồi lừ lừ, mà cũng có đủ chỗ cho thằng Cuội tha hồ lếu láo, đùa giễu, nghịch ngợm (...)
Vũ Khắc Khoan (...) có bài kệ Rong Chơi:
“Ta thường ở đó
Ngã ba cuộc đời
Tầm xuân xanh biếc
Mây trắng lên khơi
Ta thường đến đó
Ngã ba cuộc đời
Ðăm đăm theo hút
Chân ai chân ai
Tà huy lay lắt
Lay lắt hoa rơi
........................
Ai trụ ở đó
Ta hay là ngươi
Ai trụ ở đó
Ngã ba cuộc đời
Tầm xuân vẫn biếc
Mây vẫn rong chơi
Ta vẫn rong chơi
Ngã ba cuộc đời.” (...)
Kệ này (...) đặc sắc (...) ở lời, ở cái nhịp điệu (...) Lời ấy, điệu ấy (gợi) một phong cách rong chơi tuyệt hảo (...)
Ông Vũ (...) rong chơi nhẹ thênh. Ông chẳng thiết gì, ngoài một khoản rượu, chẳng hạn.
Vũ Khắc Khoan (...) về già, lâu lâu viết chút ít thơ. Nhớ bài Vọng Cố Nhân. Bấy giờ ông lão nằm ở Minnesota lạnh lẽo thê lương, nhớ cố nhân, cố hương, cố sự, hướng về đâu cũng ngát mùi rượu:
“Khui chai rượu nhỏ
Hồ trường biết rót phương nao?
Chợ Cũ hay là Chợ Lớn
Phố Hàng Khay hay phố Hàng Ðào?
Quán cóc mái xiêu chợ Ðũi?
Sông Hương chiều lộng gió Lào?
Thôn Vĩ hàng cau bụi trúc?
Nguyễn Tri Phương hay góc Ða Kao?
Sương khuya nhuốm bạc mái đầu
Bạn vàng kẻ trước người sau
Giới nghiêm cũng mặc hẻm nào cũng vô
Ờ lại có những chiều nổi gió
Rượu ngà ngà cổ áo nâng cao
Khói huyền dâng lên mờ sao
Ðêm Ba-tư quánh màu ma túy...” (...)
(Rong chơi) là ông Vũ, sắm nắm dấn thân (như nhân vật họ Ðỗ trong Thần tháp Rùa) cũng là ông. Cũng như lầm lì là ông, mà đùa giỡn giễu cợt cũng là ông (...)
(Lại còn) chuyện chủ thuyết hay không chủ thuyết.
Ở Huế, nghe người ta tỏ ý muốn lập thuyết chống cộng, Vũ Khắc Khoan liền kéo Ðặng Tiến bỏ phòng họp đi ăn phở, ra ngoài đường ông vừa đi vừa tiếp tục chế giễu phép chống cộng bằng chủ thuyết. Trong khi ấy Cao Huy Khanh cho rằng lập thuyết “Ðó là điều mà Vũ Khắc Khoan và các bạn đồng chí của ông đã miệt mài theo đuổi...” (...) Ông Vũ có lúc muốn hơn thua với cộng sản bằng chủ thuyết (...) Rồi cũng ông Vũ ấy lại có lúc viết toàn những lộng ngôn, lấy cái ngôn làm trọng hơn cái ý, lấy hình thức làm trọng hơn nội dung (...)
*
Cao Huy Khanh chê ông Vũ viết ít. Quả có ít thật. Trong một thời gian dài hơn, ông viết ít kịch hơn Ðoàn Phú Tứ, Vi Huyền Ðắc. Nhưng riêng chỗ đó không hẳn do ông lười. Có thể vì ông kỹ (...)
(Vũ Khắc Khoan viết kỹ, mà tìm hiểu về những chuyện liên quan đến cái viết của mình cũng không sơ sài, qua quýt chút nào.)
Lớp kịch tác gia trước ông (...) như những Vũ Ðình Long, Vi Huyền Ðắc, có ai am tường nguồn gốc kịch nghệ dân tộc bằng ông? có ai am hiểu hát chèo bằng ông? (...)
Lớp trước ông Vũ, không dễ có kịch tác gia nào biết chèo như ông; còn lớp sau ông, cũng không dễ có kịch tác gia nào biết về những quan niệm kịch Tây phương lúc bấy giờ như ông. Vị giáo sư kịch nghệ ấy không ngừng theo dõi các phong trào kịch nghệ Âu Mỹ (...)
Ông Vũ có truyện, có tùy bút, có tí thơ nữa; nhưng chủ yếu ông là kịch tác gia. Một kịch tác gia không phong phú, nhưng thành công.
(Trích bài viết về Vũ Khắc Khoan trong bộ Văn học Miền Nam)
No comments:
Post a Comment