Monday, September 10, 2012

KHUC THỤY DU * ĐAI BÀNG LỬA

Đại Bàng Lữa
                   Khúc Thụy Du


    Nó rời khỏi con suối trời đã về chiều. Nắng hanh hao như lưỡi dao bào mòn da thịt. Nội nó, lão già đã bước qua cái tuổi cổ lai hy, đang đi đi lại lại trước căn lều trống hoác, cử chỉ bồn chồn lo lắng không yên. Ngày võ vàng như người mắc chứng sốt kinh niên. Những tia nắng cuối cùng đang vắt kiệt những giọt máu tím bầm trên cánh đồng chó ngáp. Ông già bập bập chiếc tẩu, những sợi khói trắng le lói thoát ra từ cái miệng móm xọm. Lão chống nạnh thở dài. Đôi mắt mờ đục hướng về phía con đường bụi cuốn mịt mù. Vẫn không thấy bóng dáng thằng Bờ đâu. Chắc là thằng nhỏ mải mê rượt đuổi lũ chim trời. Cái tật thích cà rà nói hoài vẫn không chịu sửa. Chốc nữa về nhà, ông phải xạc cu cậu một trận nên thân. Nội già khó tánh quá! Mọi người trên thảo nguyên nói nội là già gừng già quế chẳng sai chút nào. Mỗi lần ông mở miệng càm ràm là nó vọt miệng nói ngay câu thuộc nằm lòng rồi há miệng cười hết cỡ để lộ mấy cái răng sún. Đúng là người giàt nhưng nếu so với tính khí thích gây sự của lão Trời già, lão còn kém xa. Lão hay trở chứng thất thường. Liên tiếp mấy năm, lão hào phóng ban phát nắng nôi lại dè sẻn từng giọt nước. Thời tiết khắc nghiệt khiến cỏ cây cháy trụi và ao suối, sông hồ lần lượt rủ nhau qua đời.
    Hút hết phần thuốc lá trong tẩu, lão ho ran mấy tiếng. Mọi khi hai ông cháu cùng đi lấy nước nhưng sáng nay lão thấy người không được khỏe đành phải ở nhà, để đứa cháu mới hơn mười tuổi đầu tự xoay xở một mình. Đường xa trắc trở, lão không yên tâm chút nào. Cái chân đáng ghét của lão đáng lẽ không nên ăn vạ vào lúc này mới phải.
    Một chấm nhỏ từ phía nam đang di chuyển về hướng căn lều của lão. Qua lớp bụi bặm dăng dăng như sương mù tháng chạp, lão kịp nhận ra cái chấm nhỏ ấy là thằng Bờ.
    - Sao về trễ vậy? Cháu không gặp chuyện gì đó chớ? – Ông già chanh chân chạy ra đón lấy bình nước trên tay thằng cháu đích tôn.
    Thằng Bờ chẳng thèm trả lời chỉ khẽ gật đầu rồi xây mặt nhìn về phía mặt trời đang lặn dần ở phía tây. Gương mặt nó đỏ gay, mồ hôi dầm dề như vừa bơi trong bể rượu.
    Ông già uống vài ngụm nước rồi nheo mắt nhìn nó săm soi như báu vật:
    - Cháu khiến ông lo đứng lo ngồi, chắc la cà đâu đó rồi.
    Nó nung nẩy cái mặt đen nhẻm. Cặp môi mỏng dánh cong lên tỏ vẻ không bằng lòng. Nói xong, ông già biết mình bị hớ. Thảo nguyên bao la vừa hoàn tất thủ tục khai tử chỉ còn lại hai ông cháu mà thôi.
    - Lặn lội cả buổi chắc mệt lắm rồi. Cháu vô nằm nghỉ một chốc. Ông sửa soạn bữa tối đây.
    Ông già quày quã bước vào bên trong. Chân tay rã rời nhưng nó chẳng buồn đi nằm. Nó ngước mắt nhìn trời rồi thở dài thườn thượt. Gương mặt rúm ró như ông cụ non. Nắng hạn kéo dài, thảo nguyên xanh rờn tràn trề sức sống bỗng hóa thành hoang mạc thê lương.
    Mặt trời đã lặn chỉ còn lại vầng đỏ thở thoi thóp. Nếu Ngày chết đi thế gian chỉ còn lại Đêm, lúc ấy con người chẳng phải làm bất cứ việc gì ngoài chuyện ngủ. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn...Bất chợt con trốt hình khu ốc như con quái vật hung hăng chụp xuống người nó, những ý nghĩ buồn rầu bị cuốn trôi tơi tả. Nó đưa tay che mắt. Cát bụi quất vào người nó đau rát như hàng vạn mũi kim châm.
    Trời tối rất mau. Trong lều, nội nó đang loay hoay nhúm bếp. Củi khô mau bắt lửa. Ông già rút bớt củi trong lò, đứng nhón chân lấy xâu thịt dê phơi khô treo tòn ten trên giàn bếp đặt vào chiếc vỉ kẽm và bắt đầu nướng. Ánh lửa chập chờn như ma trơi. Lão lào phào câu thơ một thời hoài niệm:” Đốt than nướng cá cho vàng/ Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi.”
    - Cũng là món thịt dê dai nhách nữa hả ông? – Nó cất giọng buồn rầu.
    Ông già đặt miếng thịt dê lên đĩa rồi đẩy về phía nó. Nó nén tiếng thở dài, mắt nhìn trân trân lên cái bóng đổ liu xiu lên phên vách.
    - Dùng đỡ đi cháu. – Ông già xé miếng thịt dê cho vô miệng nhai trệu trạo. Hàm răng hai chiếc xộc xệch không nghiến đứt miếng thịt dê già:- Đợi mưa xuống ông cháu ta ra suối bắt cá, lúc ấy tha hồ chế biến món chiên, món um, ăn đi, ông thương.
    - Ông Trời đã quên thảo nguyên này rồi. Đây là thịt của con Đại Tướng phải không, ông? – Giọng nó rè rè, ứ nước.
    Nếu là con Đại tướng nhất định thằng nhỏ sẽ không ăn, ông buộc lòng nói dối:
    - Không phải! Con Mỹ Lệ Tuyền! Con Đại Tướng, chúng ta chưa dùng tới.
    Trong đàn dê hàng trăm con, nó thích nhất con Đại Tướng. Đó là vị nguyên soái oai phong lẫm liệt nhất thảo nguyên. Tất cả những con dê đực đầu đàn nhà khác đều cúi đầu quy phục và các ả dê cái cứ xúm xít bên Đại Tướng để xin chút tình ban phát. Vị chúa tể bình nguyên bao la dũng mãnh vô địch và cũng háo sắc vô địch, nó chẳng bỏ sót nàng dê cái xinh xẻo nào. Tuy nhiên Mỹ Lệ Tuyền mới thật sự là hầu thiếp yêu quý nhất. Hạn hán đã giết chết già nửa đàn dê, trong đó có con Đại tướng. Cha nó xẻ thịt những con dê xấu số, phơi khô để ăn dần. Hôm đó, nó khóc hết nước mắt.
    - Cháu không muốn ăn.
    - Ăn đi! Để bụng đói cào ruột làm sao ngủ được.
    Nó thở dài, nét mặt đăm đăm trông già trước tuổi.
    
    
    *
    
    
    Cái nóng nực ban ngày đã cái lạnh giá ban đêm chế ngự. Muỗi mòng kéo đến như trấu ném. Hai ông cháu nằm trên chiếc giường ọp ẹp. Nội nó hút thuốc trong chiếc tẩu. Nó mở mắt thao láo nhìn lên trần nhà.
    - Chừng nào cha về, hả ông? – Nó đưa tay quạt muỗi bên tai. Tiếng vo ve của chúng gây cho nó cảm giác khó chịu vô cùng.
    - Nay mai trời đổ mưa tất cả sẽ quay về thôi, cháu đừng sốt ruột. Đừng nghĩ đến chuyện thời tiết mùa màng nữa, ta sẽ thấy thoải mái hơn, cháu à.
    Làm sao không nghĩ được chứ? – Giọng nó buồn rầu. Để bảo toàn đàn dê, cha nó và những người trong làng phải lùa đàn gia súc đến những nơi có cỏ, có nước.
    - Biết chừng nào mới có mưa. Ông Trời càng già càng khó tánh hung!
    - Già hay sanh tật mà, cháu. Ngủ đi. Ông buồn ngủ lắm rồi đây.
    Về khuya không khí vô cùng dễ chịu. Trăng lên cao dần phả thứ ánh sáng rờn rợn lên thảo nguyên bàng bạc. Nó không thấy buồn ngủ chút nào.
    - Cháu chưa ngủ à?
    - Chưa. Ông kể chuyện cổ tích cho cháu nghe đi.
    - Ông đã kể hết cho cháu rồi còn gì.
    - Cũ cũng được, buồn quá hà.
    Chiều ý thằng cháu đích tôn, ông già tằng hắng mấy cái:
    - Ngày xửa ngày xưa...
    *
    Nửa đêm , hai ông cháu bị đánh thức bởi bầy sói. Tiếng sói tru trăng vang lên giữa đêm khuya thanh vắng nghe như tiếng oán than, hờn trách, rờn rợn, thê lương khiến người can đảm nhất cũng rùng mình sởn gáy. Tiếng tru của loài sói trên thảo nguyên có sức mạnh huyền bí, hoang dại vô cùng. Vào những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng con Mi Na chăn dắt đàn dê nhà nó sủa cũng trăng nghe rợn người. Nhưng đó là tiếng sủa của loài chó được thuần dưỡng và sủa trong không gian chật hẹp. Còn đây là tiếng tru giữa không gian mênh mông. Trăng càng sáng tiếng tru càng dài, càng chất chứa hoang dã. Ông nó kể rằng ngày xưa các bộ lạc nghe tiếng sói tru trăng là điềm báo hiệu chiến tranh. Vì thế mỗi khi nghe tiếng tru của chúng là họ sẵn sàng vũ khí để giáp chiến. Rồi thây phơi máu đổ.
    Nó kinh hãi ôm chặt lấy người ông nó.
    - Đừng sợ cháu. Cháu biết tại sao lũ sói tru trăng không. Bởi vì đôi mắt hung hãn của chúng không chịu được thứ ánh sáng không có sức nóng. Khi ánh sáng lạnh lẽo ấy len vào mắt khiến chúng khó chịu và chỉ muốn Trăng mau khuất đi. Chúng là loài thú độc ác, hoang dã không chịu cuộc sống thanh bình. Ánh trăng lạnh lẽo chỉ kích động ma quỷ và sự chết chóc. Đó là nguyên nhân vào những đêm sáng trăng tất cả những người chăn nuôi gia súc đều không dám ngủ, bởi họ sợ đàn sói sẽ bất ngờ tấn công lều trại của mình..
    Nói đoạn, ông già nhỏm dậy vơ lấy khẩu súng săn, bước lom khom ra ngoài. Nước trăng đổ tung tóe bên cửa sổ. Nó nghe tiếng sói tru mỗi lúc càng xa dần rồi ngủ thiếp lúc nào không hay...
    
    Cả làng chỉ còn lại người già và trẻ con. Chờ đợi mỏi mòn không có một giọt mưa, người ta lần lượt dắt díu đến nơi khác để lánh nạn. Rốt cuộc chỉ còn lại hai ông cháu. Nó không chịu nổi cảnh cô đơn, buồn thảm.
    - Tại sao Cha không đưa cháu đi cùng, ở đây buồn chết đi được.
    - Đi đâu hả cháu? Cha con về không thấy ông cháu mình sẽ nháo nhào tìm kiếm cho xem. Vả lại nơi khác chắc gì đã tốt và an toàn hơn. Cực khổ trăm bề, cháu ạ. Ông đã từng đi xa và đã thấm thía rất nhiều.
    Cả ngày hai ông cháu ngồi lì trong nhà tránh cái nóng. Thực đơn bữa trưa vẫn là món dê nướng. Ngồi lâu buồn chân, nó chạy vài vòng quanh lều. Bàn chân nó lấm lem bụi cát. Mồ hôi trên người nó tứa ra như tắm. Chua lè.
    Xế chiều nắng bắt đầu nhạt, hai ông cháu ra suối lấy nước. Những giọt nước rỉ rả mắc chứng bệnh trầm kha từ khe đá. Đứng đợi đến chồn chân mà nước chỉ hơn lưng bình.
    - Con suối này trước kia có rất nhiều cá, bây giờ chẳng còn con nào. Đêm qua ông có bắn được con sói nào không, cháu ngủ mê chẳng biết trời trăng gì..
    Ông già lắc đầu.
    - Chúng không đọng đến ta, ta cũng không đọng đến chúng. Luật của thảo nguyên cần được tôn trọng. Tuy nhiên phải đợi chúng bỏ đi, ông mới dám lên giường, dù sao cẩn thận vẫn tốt hơn. Thịt ông già dai như giẻ rách, lũ sói chỉ thích thịt trẻ con.
    Nó uống từng ngụm nước nhỏ. Ông nó dặn, nực nội không nên uống nhiều, càng uống càng khát. Uống xong nó đưa cái bình cho ông nó. Ông già lắc đầu nói không khát. Giữa sa mạc hoang vắng bỗng xuất hiện mấy con chim rất lạ từ hướng tây bay đến, chúng cao gần hai mét, đầu trắng, mỏ dài và sếu, cổ rút. Chúng bay là đà trên đầu hai ông cháu và liên tục phát ra những âm thanh đượm mùi âm khí.
    - Chim gì kỳ quá vậy cháu mới thấy lần đầu.
    Ông già cúi xuống nhặt hòn đá ném mạnh về phía mấy con chim đói.
    - Lũ kên kên đáng ghét này chỉ mong hai ông cháu ta ngã xuống để tha hồ chè chén đây. Cháu đừng sợ chúng chỉ khoái khẩu món thịt ươn. Sói và kên kên đều là nô lệ Thần mặt trời. Chúng trở nên hung ác, dũng mãnh hơn dưới cái nắng chói chang.
    Thằng Bờ lộ vẻ ngạc nhiên:
    - Cháu cứ đinh ninh ánh trăng mới khiến lũ sói...
    - Đó là suy luận hoàn toàn sai lầm đã tồn tại từ vạn năm trước! Thật ra, chúng trở nên yếu đuối và vô hại chính là vào những đêm trăng sáng. Tuy nhiên tiếng tru ghê rợn của chúng khiến con người bị hoảng sợ và phải liên tục cảnh giác.
    Lũ chim đảo quanh một lúc và tỏ vẻ thất vọng. Rồi chúng bay về phía những rặng đồi trọc nằm ở hướng đông.
    - Ông thử đoán xem, đêm nay lũ sói có tru trăng nữa không?
    
    
    *
    
    
    Những chuyện cổ tích cũ mèm cứ hâm đi hâm lại riết rồi cũng chán. Ông già buộc lòng sáng tác theo trí tưởng tượng để trốn chạy những lời ỉ eo của đứa cháu yêu. Khổ nỗi trình độ sáng tác của ông già còn thua xa mấy tay nhà văn hạng xoàng.
    - Thôi ông đừng kể nữa! Ông bịa chuyện chẳng hay chút nào. Cháu có thể kể hay hơn!
    Ông già cười khà. Thằng Bờ giậm chân làm mình làm mẩy.
    Ông già gõ gõ tẩu thuốc xuống bàn rồi đưa tay véo một ít thuốc cho vào tẩu.
    - Vậy thì, ông sẽ kể cho cháu nghe chuyện đại bàng lửa. Đây là chuyện hoàn toàn có thật.
    Nói đoạn ông già hút vài hơi rồi bắt đầu câu chuyện bằng giọng khàn khàn cố hữu:
    - Đại bàng lửa là loài chim...
    Nó ngỏm người dậy.
    - Đại bàng lửa ư? – Nó tròn xoe cặp mắt, cắt ngang câu nói:- Cháu nghe người ta nói nhiều về loài chim bằng. Đấy là giống chim to và bay đi rất xa. Đại bàng lửa thì chưa nghe ai nói đến bao giờ. Ông đã từng thấy chúng chưa?
    Ông già lắc đầu.
    - Ông chỉ nghe cha của ông tức là ông cố của cháu kể lại hồi ông còn nhỏ. Ông cố cũng chỉ nghe từ người khác nói lại mà thôi.
    Nó phì cười:
    - Như vậy chỉ là những lời đồn đãi chắc gì có thật. Một cọng lông qua vài cái miệng nhiều chuyện hóa thành cả đàn gà!
    Ông nó nghiêm mặt.
    - Đây là việc nghiêm chỉnh đàng hoàng chớ chẳng phải chuyện đùa. Người lớn chẳng bao giờ nói dối với con nít cả. Ông có bao giờ xí gạt cháu đâu.
    Nó gật đầu:
    - Nhưng mà...người ta không thể tìm kiếm những gì không có trên thế gian này. Nếu có người đã từng nhìn thấy loài đại bàng lửa ắt hẳn phải tả được hình dạng cũng như thuộc tính của nó...
    Đúng là ông già chỉ nghe phong thanh nhưng ông tin chuyện đó là có thật. Ngày ông còn bé như thằng Bờ, ông đã nhiều lần nghe cha kể chuyện về giống đại bàng lửa. Đó là loài chim xuất xứ từ Ả Rập, có bộ lông màu lửa cháy và chỉ xuất hiện vào giữa trưa khi mặt trời đứng bóng.
    Thông tin về loài chim kỳ lạ chỉ có vài dòng ngắn ngủn không thể làm thỏa mãn sự hiếu kỳ của nó. Dẫu sao nó cũng tin vào sự trung thực của người lớn.
    
    
    *
    
    
    Cả tháng dài đăng đẳng bầu trời vẫn nóng ran như chiếc chảo lửa khổng lồ, tuyệt nhiên chẳng có lấy một giọt mưa. Thịt dê phơi khô đã dần cạn, suối nước hầu như đã ngừng chảy. Lũ sói đã mất hết kiên nhẫn đành phải rời khỏi hoang mạc tìm đến vùng đất khác theo bản năng sinh tồn. Tình thế thật sự khó khăn nhưng hai ông cháu lại bận tâm đến chuyện khác.
    - Ông cháu ta quả là ngớ ngẩn, ăn cơm dưới đất lại nghĩ chuyện trên trời!
    Thằng Bờ nói chuyện mà đôi mắt vẫn ngước trên cao:
    - Chắc là chúng ta không có cơ hội nhìn thấy đại bàng lửa rồi, ông ạ, cả tháng rồi còn gì. – Giọng thằng bé lộ vẻ chán nản.
    - Cầu may thôi chắc gì đã được, có người cả một đời tìm kiếm vẫn hoài công, chỉ những ai có cơ duyên mới mong gặp được. – Và để đứa cháu tiếp tục nuôi hy vọng, cho dù là hy vọng hão huyền. Hy vọng bao giờ cũng tốt hơn tuyệt vọng. Ông già bèn lên dây cót tinh thần đứa cháu yêu:
    - Ông tin, chúng ta là những người có duyên may. Điều quan trọng phải biết nhẫn nại chờ đợi. Chờ đợi không bao giờ vô ích đâu.
    - Cháu không bao giờ đánh mất niềm tin, ông ạ. Từ hôm nghe ông kể, cháu nôn nao cả người, không ngờ chuyện thần thoại lại có thật ngoài đời. Đôi khi cháu nhìn thấy đại bàng lửa trong giấc mơ. Kỳ lắm ông à, cháu thấy mình cỡi trên lưng con đại bàng lửa và bay đi thật xa. Cháu còn nghe tiếng gió ù ù bên tai. Thích lắm! Bộ lông màu lửa của nó mới tuyệt làm sao! Ông có nằm mơ như cháu không?
    Ông già gật bừa:
    - Cũng như cháu, ông từng nhìn thấy, tuy nhiên ông không ngồi trên lưng nó, mà chỉ ngó thấp thoáng từ xa thôi. Bộ lông lửa của nó có làm cháu nóng không?
    Nó reo lên thích thú:
    - Không! Vậy là ông không may mắn như cháu rồi! – Giọng nó hãnh diện pha lẫn tiếc rẻ:- Phải chi đó không phải là giấc mơ mà là sự thật thì hay biết mấy, ông nhỉ.
    - Tất nhiên! Giấc mơ thành hiện thực thì cuộc đời này tốt đẹp biết bao.
    - Cháu đã đọc rất nhiều sách về loài vật và cũng đã từng đi thăm vườn thú ở thành phố vào mùa hè năm ngoái nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy hay nghe ai nói về giống đại bàng lửa, ngoài ông ra. Cha cháu chưa bao giờ nhắc đến chuyện này.
    - Ông không nói làm sao cha cháu biết được! Vũ trụ bao la và huyền bí vô cùng mà những kiếp sống nhỏ nhoi như chúng ta không tài nào khám phá được hết. Loài chim ấy thật kỳ diệu. Giá như trước lúc nhắm mắt xuông được nhìn thấy chim thần ấy thì chẳng có gì phải tiếc nuối.
    - Ông lại nói gở rồi, ông phải sống để chăn dê với cháu chứ. – Thằng Bờ đột ngột chuyển hướng câu chuyện:- Cháu nhớ đàn dê quá ông à.
    - Rõ khỉ! Cha mẹ không nhớ lại nhớ đến mấy con dê bẩn thỉu.
    
    
    *
    
    
    Thoạt đầu, ông già khơi chuyện đại bàng lửa với mong muốn thằng cháu đích tôn đỡ buồn. Sa mạc hoang phế đang cướp dần sự sống từng ngày, để chạy trốn hiện thực khắc nghiệt đôi khi con người phải huyễn hoặc bản thân, và không biết từ lúc nào ông bỗng trở thành diễn viên chính trong kịch bản do mình dàn dựng. Trong những ngày dài mòn mỏi chờ đợi cơn mưa bố thí, hai ông cháu chỉ biết ngẩng mặt nhìn trời và thầm van vái phép lạ xuất hiện. Ông già hoàn toàn không hy vọng sự xuất hiện của đại bàng lửa, bởi từ xưa tới nay chưa ai có diễm phúc tạn mắt giống chim kỳ lạ đó, tuy ngoài miệng ông lại nói khác đi để tiếp tục duy trì ngọn lửa niềm tin le lói trong đầu thằng cháu thân yêu. Thằng Bờ vừa nhai thịt dê vừa tía lia về vận may số phận. Nó chắc chắn một ngày nào đó không xa đại bàng lửa sẽ xuất hiện và đưa nó, ông nội đi khắp sơn cùng thủy tận. Chưa bao giờ món thịt dê nướng ngon như lúc này.
    
    
    *
    
    
    Ông già chưa có diễm phúc nhìn thấy đại bàng lửa đã bị thời tiết khắc nghiệt quật ngã, ban đầu là những cơn sốt nhẹ vào buổi chiều chừng nửa giờ thì khỏi, dần dần những cơn sốt xuất hiện nhiều hơn, thời gian cũng lâu hơn và cũng vì thế bệnh tình của ông nó ngày càng trở nên trầm trọng. Thứ thịt dê dai như cao su, ông nó nuốt không trôi. Trong nhà không còn hột gạo nấu cháo. Nó chạy vòng quanh làng hy vọng tìm được người giúp đỡ. Vô ích. Mọi người chỉ trở về khi cơn mưa đầu mùa trải thảm trên sa mạc khô cằn.
    Sáng nay ông già nằm mê man bất động, hơi thở đi qua cổ họng khò khè. Nó đi lấy nước từ sớm. Nội bị sốt cao cần uống nhiều nước. Nó về đến nhà thì mặt trời đã lên cao. Hôm nay nắng gay gắt hơn mọi ngày.
    - Ông ngồi dậy uống miếng nước cho đỡ khát. Ông có đói không để cháu đi nướng thịt dê, ông nhá.
    - Ông không thấy đói. Nướng đủ phần cháu được rồi.
    - Ông không ăn thì cháu cũng nhịn luôn! – Nó làm mặt giận.
    - Vậy thì cháu nướng cho ông bằng một nửa ngày thường thôi.
    Nó xăng xái xuống bếp nướng thịt. Trước khi đưa cho ông nội, nó cẩn thận lấy muỗng cạo sạch chỗ bị cháy. Ông già ngỏm đầu dậy, hết nhìn dĩa thịt rồi quay sang nhìn nó:
    - Đảm đang lắm! Cháu đã trưởng thành rồi.
    - Nội phải ăn nhiều vô mới mong khỏi bệnh. Đại bàng lửa xuất hiện, ông nằm bẹp gí như vầy thì thật là uổng!
    Ăn xong mấy miếng thịt dê, ông già nằm mê man. Nó ngồi bên ông nội, mặt mày buồn so.
    Càng về trưa nắng càng gay gắt, ngồi một chỗ mà mồ hôi tuôn ra như tắm. Lát sau nó thấy mỏi lưng bèn nằm xuống bên cạnh ông và ngủ quên lúc nào không hay.
    
    Tiếng phành phạch tựa như tiếng cánh quạt máy bay trực thăng mồn một bên tai đã đánh thức nó dậy. Ban đầu nó cứ đinh ninh là tiếng động cơ chiếc xe tải đến mua dê như mọi khi, ngay lập tức nó ngồi bật dậy như chiếc lò xo. Nhìn quanh quất
    chẳng có chiếc ô tô nào cả. Vũng tối lướt nhanh qua người nó kèm theo là tiếng kêu
    thảm thiết trên không trung. Nó ngửa mặt nhìn lên và reo lên kinh ngạc:
    - Ồ, đại bàng lửa! Đại bàng lửa!
    Mặc dù đã nghe ông nội kể nhưng nó vẫn không thể ngờ đại bàng lửa lại to đến thế, thậm chí còn to hơn cái lều nó đang ở. Cánh chim bằng trong giấc mơ mệt nhoài của nó bé hơn và không dũng mãnh như con đại bàng đang hiện hữu trước mặt. Đại bàng lửa lượn nhiều vòng trên không và thấp dần. Bộ lông đỏ rực như đám cháy khổng lồ lấn át cả cái nắng chói chang.
    - Ông ơi! – Nó nói lắp bắp qua hơi thở dồn dập:- Đại bàng lửa xuấn! Đại bàng lửa xuất hiện, kìa ông!
    Ông già nói mà mắt vẫn nhắm chặt:
    - Để ông nghỉ ngơi, cháu đừng quấy rầy! Đại bàng lửa chỉ là huyền thoại mà thôi! Ông xin lỗi vì đã gieo vào lòng cháu những điều không có thật.
    - Không! Ông dậy đi! – Nó nắm tay ông già giật mạnh:- Thật sự đại bàng lửa đang ràng ràng trước mắt. Ông dậy nhanh lên kẻo nó bay mất. – Giọng nó run lên vì kích động.
    Ông già mắt nhắm mắt mở để thằng Bờ lôi xềnh xệch ra phía ngoài. Trước mắt ông là quả cầu lửa khổng lồ lượn vòng trên không trung.
    - Ồ, đúng là đại bàng lửa thật rồi. – Ông thốt lên sửng sốt:- Thật kỳ diệu!
    - Mình chạy ra ngoài xem cho rõ, ông nhá.
    - Đừng, cháu! Sự có mặt ông cháu ta sẽ khiến nó sợ, cứ đứng đây mà quan sát.
    - Tại sao nó kêu ghê vậy, hả ông?
    - Chuyện này... ông không rõ lắm...Ừ, tiếng kêu của nó nghe thảm thiết quá! Chuyện gì đang xảy ra với nó?
    Câu chuyện của hai ông cháu bị xé vụn bởi tiếng đập cánh dữ dội hòa lẫn tiếng kêu thê thảm. Cả thế gian bị nhấn chìm trong bể lửa. Để chạy trốn cái nóng như thiêu như đốt, hai ông cháu bước lùi vào lều. Ngoài kia, đại bàng đang liệng mình vật vã. Tiếng kêu của nó như mũi kim xuyên qua màng nhỉ. Mịt mùng bụi cát.
    Mục kích cảnh tượng đó, thằng Bờ rươm rướm nước mắt:
    - Coi kìa! Chắc là đại bàng lửa đã bị thương. Tội nghiệp nó quá, ông à.
    Ông già chẳng bận tâm đến cảm xúc của nó. Điều ông muốn biết, chuyện gì đang xảy ra với thần điểu mà thôi.
    Chim bằng lửa lượn thêm vài vòng, khi cách mặt đất chừng vài thước, đột nhiên nó nghiêng mình lao vún không trung như tên bắn và chỉ trong nháy mắt bóng nó khuất dạng phía sau ngọn đồi trọc. Thằng Bờ sững sờ giây lát rồi vùng chạy ra. Gương mặt rám nắng hiển hiện tột cùng nuối tiếc như vừa đánh rơi bảo vật thiêng liêng:
    - Ôi, nó bay mất rồi. Uổng quá!
    - Không đâu, ông linh tính nó sẽ quay lại. Cháu đừng sốt ruột, vào bên trong đi và tiếp tục chờ.
     - Do đâu, ông dám chắc như vậy? – Nó nói thắt thẻo.
     - Bằng trực giác của một người từng trải. Nó sẽ quay lại, ông tin chắc như thế.
    Quả thật, chỉ vài phút sau đại bàng lửa quay trở lại chỗ cũ. Chiếc mỏ cứng như thép cắp lấy thân gỗ to bằng bắp chân. Thằng Bờ vỗ tay, reo lên:
    - Ông nói cứ như thánh phán! Cháu phục ông sát đất.
    - Xuỵt! - Ông già đưa ngón trỏ lêng ra hiệu nó im lặng:- Nhìn kìa!
    Hai ông cháu cùng hướng mắt ra phía ngoài. Đại bàng lửa thả khúc gỗ xuống bãi đất trống đối diện với căn lều chừng vài chục thước rồi hối hả hướng về phía khu rừng gần đó.
    - Nó tha củi để làm gì?
    - Ông cũng không biết, hãy im lặng và theo dõi, đừng nhấp nhỏm lên như thế.
    Hai ông cháu im lặng.
    Thời gian đủ nấu chín nồi cơm, đại bàng tha củi khô chất vun như quả núi nhỏ. Trong lúc hai ông cháu đang còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì thì đại bàng lửa bỗng bay là là và đập liên hồi đôi cánh khổng lồ. Bụi cát bốc lên như lốc xoáy. Một lúc sau đóng cũi bắt đầu ngún khói.
    Đống củi khô cháy rất nhanh. Khói và hơi nóng xộc vào lều khiến hai người ho sặc sụa. Qua bức màn ảo ảnh, hai ông cháu cô đơn giữa thảo nguyên còn kịp nhìn thấy đại bàng lao mình vào lửa đó.
    Thằng Bờ gào lên thảm thiết:
    - Nó tự tìm đến cái chết! Hãy làm làm gì để cứu nó, ông ơi.
    - Đừng gào lên như thế! – Giọng ông già rè rè:- Trong tình thế này, ông cháu ta chẳng thể làm gì được.
    Nó khóc ngằn ngặt. Thân hình ông nó cũng run lên cầm cập vì cám cảnh. Trong nháy mắt đám cháy đã nuốt chửng cánh đại bàng tội nghiệp.
    Cụm khói bốc cao. Tứ bề lửa cháy. Những tiếng nổ lép bép kèm theo là tiếng vùng vẫy con chim lửa đang hóa thân. Đám cháy kéo dài chừng nửa giờ thì rụi. Hai ông cháu không ai bảo ai lập tức lao nhanh về đống lửa tàn.
    - Đại bàng lửa! Đại bàng lửa! – Thằng Bờ gào lên trong tuyệt vọng và thương xót.
    Khi khoảng cách chỉ còn vài sải chân, đột nhiên có cảm giác như “ núi lửa đang phun trào nham thạch”. Qua làn bụi lửa mờ mịt hai ông cháu kịp nhìn thấy con đại bàng với bộ lông màu lửa kiêu hãnh vút lên trời cao, theo sau nó là một đại bàng con. Tiếng kêu của nó lảnh lót cả bừng sáng bầu trời trong xanh.
    Buổi chiều, trời đổ mưa. Cơn mưa lớn chưa từng có. Qua ngày hôm sau, cả sa mạc khô cằn bổng bừng bừng sức sống, cỏ cây, hoa lá rào rào đâm chồi, nẩy lộc, suối chảy ồ ạt dựng bờm trắng xóa như đàn tuấn mã. Người và gia súc lần lượt trở về.
    

No comments: