Cách Mạng là Tất Yếu
Trần Bình Nam
Trong những tháng qua, những sự việc xẩy ra từ Trung quốc đến Việt Nam cho thấy sự bất mãn của người dân đã đến mức báo động. Nhiều nơi dân nổi dậy đập phá cơ sở công quyền, công khai tụ họp dàn mặt với lực lượng vũ trang, la ó, phản đối bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
Tại Trung quốc, ngày 30 tháng 8 năm 2005, hai nông dân, ông Deng Jianlan 33 tuổi và Deng Silong 38 tuổi bị công an của quận Yantang thuộc miền nam tỉnh Hồ Nam, một vùng sản xuất thuốc lá, đánh chết vì tội chở lậu thuốc lá tươi. Bán lậu lá thuốc tươi tại Hồ Nam là một dịch vụ kiếm được nhiều tiền vì kỹ nghệ thuốc lá là kỹ nghệ quốc doanh.
Nhưng theo cuộc điều tra của phóng viên Edward Cody của tờ Washington Post thì nguyên nhân thầm kín của vụ công an đánh chết người là do việc dân chống tham nhũng và sự trả thù của nhà cầm quyền địa phương. Deng Silong có một người anh tên là Deng Suilong trước năm 2000 vốn là phó xã trưởng làng Shangdeng thuộc quận Yantang. Lúc còn làm phó xã trưởng ông Deng Suilong có một số kế hoạch sửa sang đường sá cho xã Shangdeng nhưng không chịu đút lót tiền cho chi bộ đảng quận nên không được quận ủy cấp ngân khoản cần thiết. Trong cuộc bầu cử viên chức xã ấp lại đầu năm 2000 ông Deng Suilong đắc cử nhưng đảng ủy quận Yantang cho rằng cuộc bầu cử bất hợp lệ và Deng Suilong bị loại. Trước sự bất công, ông Deng Silong tức giận công khai mắng nhiếc tổ chức đảng quận Yantang. Và công an quận trả thù đánh chết ông trong đêm ông bị bắt chở thuốc lá lậu.
Dân chúng bất mãn kéo tới bao vây và đập phá cơ sở đảng tại Yantang, và khi ông quận ủy Liu Tangxiong đưa công an đến can thiệp ông bị dân chúng đánh gãy răng. Chiều ngày 30 tháng 8 một đoàn xe chở công an trang bị vũ khí, gậy gộc và thuẫn đến nơi, nhưng có khoảng 200 thanh niên bất chấp nguy hiểm kéo đến bao vây đoàn công an. Trước khí thế của dân và vì không có lệnh trên, đoàn công an rút lui có trật tự.
Sau đó để thoa dịu dân chúng chính quyền Trung quốc đã bồi thường cho hai gia đình ông Deng Jianlan và Deng Silong mỗi gia đình hơn 20,000 mỹ kim, một số tiền khá lớn đối với một gia đình nông dân, và khuyên bỏ qua nội vụ để duy trì ổn định.
Vụ việc tại Yantang chỉ là một vụ trong hằng ngàn vụ dân chúng bất mãn xẩy ra tại Trung quốc. Tài liệu của bộ công an Trung quốc ước lượng rằng trong 6 tháng đầu năm 2005 có ít nhất là 1.800 công an bị dân chúng tấn công vì bất mãn, và theo tờ Nhân Dân cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung quốc trong số đó có 23 công an tử nạn. Các tài liệu khác cho thấy trên toàn quốc năm 1994 có 10.000 vụ dân biểu lộ bất mãn, năm 2004 có 74.000 vụ và số người dân tham dự lên đến 3 triệu 760 ngàn người. Nguyên nhân của những vụ đối đầu giữa dân chúng và nhân viên công lực thường liên quan đến sự chiếm hữu đất đai. Dưới chế độ cộng sản đất thuộc nhà nước nên chính phủ có quyền sung công dựa vào nhu cầu cần đất để phát triển kinh tế mà không bồi thường thỏa đáng vì tham nhũng. Cũng có nhiều trường hợp, sau khi sung công, qua một thủ tục giấy tờ lắt léo biến đất đai của dân thành tài sản riêng của người cầm quyền.
Vụ dân chúng nổi giận đập phá cơ sở đảng và đánh đập đảng viên cấp ủy tại Yantang đã làm cho chính quyền Bắc Kinh lo sợ đưa đến vụ đàn áp ngày 6 tháng 12 tại làng Đông châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Theo tin tức, nông dân làng Đông Châu bị chiếm hữu đất để xây dựng một nhà máy điện, nhưng tiền bồi thường không xứng. Khi hằng trăm nông dân kéo đến nơi xây cất để đòi tiền bồi thường thì đối diện với lực lượng công an vũ trang. Lần này rút kinh nghiệm vụ Yantang hơn ba tháng trước đó, hình như công an vũ trang đã được lệnh và nổ súng khi dân chúng bắt đầu có thái độ đòi hỏi cứng rắn.
Dân nói công an nổ súng làm chết ít nhất 20 người. Nguồn tin của chính quyền nói là dân đã de dọa sự an toàn của lực lượng công an nên lực lượng này nổ súng để tự vệ và ba nông dân bị giết.
Tai nạn này được chính quyền trung ương tại Bắc Kinh quan tâm giải quyết,và giải quyết một cách có bài bản. Lúc đầu Bắc Kinh tuyên bố lực lượng công an đã hành động để tái lập an ninh là đúng. Nhưng vài hôm sau Bắc Kinh cho biết viên sĩ quan công an chỉ huy tại chỗ đã phản ứng không thích đáng gây ra thiệt hại nhân mạng vô ích và sẽ bị đưa ra tòa. Như thông lệ tại các nước cộng sản, ai cũng đoán biết viên sĩ quan này sẽ được chuyển qua một địa phương khác và sẽ giữ một chức vụ quan trọng hơn.
Thái độ của Bắc Kinh cho thấy vụ công an bắn người tại làng Đông Châu là một chính sách trung ương để chận đứng những vụ bất mãn của nhân dân bộc phát bằng hành động. Bắc kinh sẵn sàng bồi thường và nói là sẽ trừng phát những người có trách nhiệm cũng nằm trong chính sách thoa dịu sự công phẫn của dân vừa tránh sự lên án của thế giới. Trung quốc đã có kinh nghiệm về hậu quả của cuộc đàn áp Thiên An Môn tháng 6 năm 1989 mà cho đến giờ này vẫn còn lòng thòng qua lệnh cấm bán vũ khí hiện đại cho Trung quốc của Liên hiệp quốc.
Và như một thông lệ cái gì có tại Trung quốc sẽ có tại Việt Nam. Nhưng lần này chính quyền Hà Nội đi trước Bắc Kinh một bước. Ba ngày sau vụ Đông Châu, sáng ngày 9 tháng 12 tại thủ đô Hà nội một đoàn xe chở 60 công an cùng với xe hốt rác đột ngột kéo tới vườn hoa Mai Xuân Thưởng bắt tất cả những ai tụ tập tại đó bất chấp đàn bà con nít và các cụ già, và vất bỏ tất cả đồ đoàn của bà con lên xe rác. Số đồng bào tụ tập tại đó vốn là những người đến để đòi hỏi chính quyền giải quyết các vụ oan ức chồng chất của họ như chiếm đất, xử án oan, cường quyền o ép … Và có người quá thất vọng vì chờ đợi trong nhiều năm không được giải quyết như bà Phạm Thị Trung Thu 47 tuổi gốc Đà Lạt đã tẩm xăng tự thiêu tại Hà Nội ngày 29/9/2005. Những người về Hà Nội khiếu kiện giúp đỡ che chở nhau sống tạm qua ngày tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Đối diện với vườn hoa là nhà tiếp dân trung ương.
Theo báo cáo chính thức của chính quyền Hà Nội trong năm 2004 có 81,329 vụ khiếu nại và tố cáo của dân liên quan đến những oan ức trong lĩnh vực hành chánh, tư pháp và đặc biệt là chiếm hữu đất đai. Chỉ riêng trong tháng 8 năm 2005 có 17,400 đơn khiếu nại về đất đai.
Hành động của công an Hà Nội cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu lo ngại những người dân khiếu kiện tụ tập tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng có thể theo chân của dân chúng nước bạn ở Yantang và Đông Châu thách thức chính quyền.
Ba sự việc ở ba địa danh khác nhau, nhưng quan hệ chặc chẽ với nhau. Một Nhà nước độc quyền sinh ra tham nhũng. Tham nhũng tạo bất công. Bất công tạo ra bất mãn. Bất mãn đưa đến bạo động. Chính quyền đàn áp, máu chảy và cách mạng bùng lên. Cái tiến trình có tính tất yếu đó đã từng xẩy ra trong lịch sử loài người từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Lần này nó chưa diễn ra hết nhưng sẽ diễn ra, ngoại trừ chính quyền giải quyết những nổi bất mãn và những oan ức của dân.
Giải quyết cách nào? Đó sự lựa chọn của người cầm quyền.
Trần Bình Nam
December 21, 2005
binhnam@sbcglobal.net
http://www.tranbinhnam.com
Tài liệu tham khảo:
1. “The people’s rage”, của Edward Cody, The Washington Post National Weekly Edition Dec. 12 – 18, 2005
2. “A demo turns bloody”, The Economist December 17 -23, 2005
3. www.doi-thoai.com , tin tức trong tháng 10, 2005, ngày 11.
4. Bản Tường Trình ngày 12/12/2005 của “Nhóm phóng viên thời sự” tỉnh Thái Bình gồm Võ Quế Dương, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thị Hiền & Phạm Xuân Mai ghi.
No comments:
Post a Comment