Monday, September 10, 2012

TRẦN BÌNH NAM * BIẾN CHUYỂN CUNG ĐÌNH

 

 Biến chuyển cung đình
Trần Bình Nam


      Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam dự trù triệu tập trong năm 2006 được chuẩn bị từ hơn một năm qua. Trong năm 2005 đảng đưa ra dự thảo báo cáo chính trị, khuyến khích mọi thành phần dân chúng và đảng viên đóng góp ý kiến, tạo ra một không khí tranh luận về đường lối và tương lai của đất nước khá sôi nổi. Thoáng qua hình như có hai phe, một bên bảo thủ thân Trung quốc và một bên cởi mở thân Tây phương. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn thì hình như thực chất chỉ là sự tranh giành quyền lực nội bộ.

      Trong thời gian qua, một số người đấu tranh cho dân chủ tại hải ngoại đã dồn hết sức mình yểm trợ cho phe cởi mở với hy vọng rằng dư luận trong và ngoài nước có thể tạo nên những áp lực nhất định làm cho đảng Cộng sản Việt Nam thay da đổi thịt và thực hiện những cải tổ về nhân sự và đường lối cần thiết tạo điều kiện cho đất nước đi lên trước trào lưu dân chủ, nhân quyền và hội nhập kinh tế toàn cầu.

      Tuy nhiên, hình như đó vẫn chỉ là ước mơ của những người có thiện chí (trong đó có rất nhiều đảng viên bỏ đảng lưu vong) nhưng không phải là hướng thực tế.

      Thực tế cho thấy, ngay cả phe cởi mở trong đảng cũng không hy vọng gì họ có thể thay đổi đường lối của phe đang nắm quyền. Họ biết rằng quyền lực thực sự nằm trong tay những ai đang kiểm soát lực lượng vũ trang, nói cách khác là đang nắm quân đội và công an. Cuộc vận động của họ nhắm mục tiêu duy trì cho được ảnh hưởng họ đang có trong đảng. Nếu không, để phe bảo thủ nắm trọn quyền hành, thì sau đại hội 10 họ chỉ còn là một bóng mờ. Họ sẽ không thể bảo vệ những quyền lợi vật chất và uy thế chính trị họ đang có.

      Ông Võ Văn Kiệt, và cựu tướng Võ Nguyên Giáp, hai người cầm đầu cuộc vận động cởi mở và đòi hỏi đảng cần có tư duy mới nói là để cứu nước biết rất rõ vị trí và mục tiêu của mình. Là những người cộng sản đã bỏ cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giành quyền lực cho đảng, nói cách khác là đã đổ máu và mồ hôi đóng nên cỗ xe độc tài của đảng hiện nay, họ biết rõ hơn ai hết những quy luật của cỗ xe độc tài đó.

      Từ gần một năm nay, tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tiếng phê bình lãnh đạo, và cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt hơn một lần phê bình cung cách chuẩn bị đại hội 10 mà ông cho là làm lấy lệ. Nhưng hai ông biết rõ rằng ý kiến phải trái của các ông, cũng như ý kiến của những người cùng lập trường với hai ông sẽ không có khả năng tạo sức mạnh dư luận để thay dổi đường lối của những người đang nắm thế thượng phong trong đảng.

      Áp lực dư luận chỉ có trong một nước dân chủ có tự do ngôn luận.Tại Việt Nam hiện nay không có tự do ngôn luận nên không có áp lực từ quần chúng. Còn thành phần đảng viên cũng không có tiếng nói về những vấn đề của đảng và của đất nước. Các đại hội trù bị của các chi bộ đảng cấp địa phương (quận, huyện …) gọi là trù bị thật ra chỉ là hình thức sắp xếp nhân sự do nhóm cầm quyền từ trên đưa xuống. Đại hội 10 sẽ được định ngày giờ và triệu tập khi mọi chương trình của nhóm cầm quyền đã được sắp xếp. Và những ai có óc thực tế không chờ đợi những thay đổi quan trọng về đường lối cứu nuớc của đảng Cộng sản Việt Nam: chỉ là bình mới rượu cũ. Tùy theo cuộc đấu tranh của nhóm Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp mầu sắc của chiếc bình có thể thay đổi nhưng chất liệu thì không.

      Hơn một năm nay trong nước, ngoài nước nói nhiều về vụ lạm quyền của Tổng Cục 2 được mệnh danh là “một tổ chức Đảng trong Đảng”, vừa tố cáo vừa vu cáo các ủy viên cao cấp của đảng làm tay sai cho tình báo nước ngoài, đến những vụ nhũng lạm như chiếm đất đai của dân trong toàn quốc lên đến hàng chục ngàn vụ trong hai năm 2004, 2005 và tiếng oán thán của người dân thấp cổ bé miệng đã đến tận trời xanh.

      Trong một nước vận hành theo nguyên tắc dân chủ, một tình hình chính trị và xã hội như vậy tự nó đã tạo ra những đổi thay cần thiết. Nhưng trong một nước vận hành theo nguyên tắc độc tài toàn trị như tại Việt Nam mà quyền hành nằm trong tay một số Ủy viên Bộ chính trị nắm các lực lượng vũ trang thì không. Ngoại trừ một biến chuyển cung đình.

      Biến chuyển cung đình ngoạn mục nhất là biến chuyển cung đình tháng 10 năm 1976 tại Bắc Kinh sau khi Mao Trạch Đông qua đời và nhóm 4 người gọi là “Tứ Nhân Bang” gồm Giang Thanh, vợ của Mao và Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diệu Văn Nguyên chuẩn bị cướp quyền hành bất chấp di chúc của Mao giao quyền kế thừa cho Hoa Quốc Phong.

      Nhóm Tứ Nhân Bang làm mưa làm gió đã 10 năm qua từ ngày bắt đầu cuộc cách mạng văn hóa (1966) nhờ tư thế riêng của Giang Thanh bên cạnh Mao, nhất là vào những năm cuối cùng khi Mao nằm liệt trên giường bệnh. Tháng 9 năm 1976 Mao chết, Giang Thanh chuẩn bị áp lực Bộ chính trị cách chức Hoa Quốc Phong. Bà ra lệnh cho lực lượng vũ trang tại Thượng Hải, căn cứ quyền lực của bà sẵn sàng đập tan thành phần chống đối, đồng thời vũ trang cho một lực lượng cách mạng của bà trong vùng Bắc Kinh. Giang Thanh giả lệnh của Trung ương đảng chỉ thị các chi bộ đảng toàn quốc phải thông qua mọi quyết định quan trọng với Tứ Nhân Bang và chuẩn bị kiến nghị đưa bà Giang Thanh vào chức vụ Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bà cho biết một lực lượng thiết giáp sẽ tiến vào Bắc Kinh nghiền nát mọi chống đối. (Theo “Deng Xiaoping and the Cultural Revolution” by Deng Rong, nhà xuất bản ngoại ngữ Bắc Kinh, Chương 54)

      Nhưng đất nước Trung Hoa còn những người can đảm và có lòng. Thống chế Diệp Kiếm Anh, đương thời là Ủy viên Bộ chính trị, một người từng góp phần thành lập quân đội nhân dân Trung quốc năm 1927, và một nhân vật then chốt khác là Uông Đông Hưng, cũng là một ủy viên Chính trị bộ đang nắm lực lượng bảo vệ an ninh tổng hành dinh của đảng tại Bắc Kinh cương quyết ủng hộ Hoa Quốc Phong không để cho Tứ Nhân Bang thực hiện ý đồ đen tối. (Sách đã dẫn, Chương 55)

      Ngày 6 tháng 10 năm 1976, 27 ngày sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Tứ Nhân Bang được Hoa Quốc Phong mời đến tham dự một buổi họp tối mật và lần lượt bị lính của Uông Dông Hưng bắt. Riêng Giang Thanh bị bắt tại nhà. Với sự hiện diện của Hoa Quốc Phong lệnh bắt và giải nhiệm được chính thức đọc trước mặt từng nhân vật trong Tứ Nhân Bang. Và quyền hành được chuyển qua cho những người có trách nhiệm. Lịch sử Trung quốc sang trang. (Sách đã dẫn, Chương 55)

      Trong không khí bế tắc chính trị hiện nay, tại sao lịch sử Việt Nam lại không thể sang trang? Hùng khí của đất nước từ những tấm gương Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ vẫn còn lung linh ngời sáng. Và nếu thật sự một lòng vì nước vì dân, hai ông Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, những người từng nắm quyền hành, biết quy luật của lịch sử, và thuộc nằm lòng quy luật đấu tranh hiểu rõ hơn ai hết các ông phải làm gì hơn là những đóng góp ý kiến với đảng Cộng sản Việt Nam mà các ông đã làm từ trước đến nay.

Trần Bình Nam

Jan. 1, 2006

BinhNam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

No comments: