Tuesday, September 11, 2012

TRẦN BÌNH NAM * VÕ VĂN KIỆT




Chỗ đứng nào của ông Võ Văn Kiệt trong lòng dân tộc?

Trần Bình Nam


Theo tin chính thức, ông Võ Văn Kiệt - một đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam,- nguyên thủ tướng thời kỳ “đổi mới” qua đời tại bệnh viện Mount Elizabeth ở Singapore hôm 11/6/2008 hưởng thọ 86 tuổi. Ông Kiệt bị khó thở tại Saigòn và được đưa sang điều trị tại Singapore hôm 3/6/08. Có nguồn tin cho biết ông qua đời mấy ngày sau đó, nhưng chính phủ Việt Nam và gia đình trì hoãn việc loan báo vì những lý do tế nhị thường có đối với các lãnh tụ cộng sản dù đang còn tại chức hay đã nghỉ hưu.


Võ Văn Kiệt nằm xuống, dư luận trong và ngoài nước

nói nhiều về ông vì chẳng những ông được xem là

người có công lớn trong công cuộc đổi mới, kịp kéo

Việt Nam ra khỏi nạn đói của thời kỳ kinh tế bao cấp,

mà còn là một người bình dân, cá tính mềm dẽo, và có

một lối sống nhân bản. Chưa hết, ông còn là một người

dù đã nghỉ hưu vẫn còn quan tâm đến các vấn đề của

đất nước nhất là của đảng (cộng sản của ông), một

người biết ngoảnh nhìn lại cuộc thắng bại của hai bên

quốc cọng để biết cái vui và cái buồn của kẻ thắng

người thua.

Người Việt Nam có truyền thống không chê người vừa chết nên những đánh giá nóng hổi thường có khuynh hướng làm nổi bật cái tốt về con người và thành quả của người vừa khuất. Những điều bất cập tạm cho vào nắp hòm đậy lại.

Qua lời khen chê bình phẩm của những người từng biết ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhất thời chúng ta không ngạc nhiên thấy ông Võ Văn Kiệt được hưởng sự rộng lượng hơn là búa rìu của dư luận.

Qua phỏng vấn của đài Á châu Tự do (Radio Free Asia – RFA), cựu đại tá Bùi Tín, một người không ân oán gì với ông Võ Văn Kiệt nửa khen nửa chê, dùng dằng khó nói thật ý nghĩ của ông. Thính giả có cảm tưởng ông Bùi Tín cố kềm chế để không vượt ra ngoài văn hóa Việt Nam “không nói xấu người vừa chết”, nhưng cũng không thể không làm bày ra một số mặt tiêu cực của ông Võ Văn Kiệt một cách hết sức nhẹ nhàng qua các câu hỏi hiển nhiên của phóng viên Nguyễn An.

Ông Lê Hồng Hà (một cựu đảng viên cao cấp khác từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy công an vào thập niên 1950, người can đảm bênh vực ông Hoàng Minh Chính khi ông Chính bị đảng trù dập năm 1995 và do đó bị trục xuất ra khỏi đảng, bị đưa ra tòa năm 1996 với bản án hai năm trong thời gian ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng) là người có ân oán với ông Võ Văn Kiệt, cũng vậy. Ông Lê Hồng Hà giữ tư cách của mình, tìm cách thông cảm với những động thái của ông Võ Văn Kiệt như [ông Kiệt] đã không bênh vực ông, và nhất là ký Nghị định 31-CP (tháng 4/1997) cho phép bắt và giam giữ những thành phần chống đảng không cần lệnh bắt và chứng cớ . Ông Lê Hồng Hà cho rằng nội dung đàn áp của Nghị định 31-CP không do sáng kiến của ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Văn Kiệt chỉ ký theo lệnh của Bộ chính trị mà ai ở vị trí của ông cũng phải làm. Ông Lê Hồng Hà muốn làm nổi bật cá tính làm việc năng nổ của ông Võ Văn Kiệt, và nhất là sau khi nghỉ hưu ông Võ Văn Kiệt vẫn còn quan tâm góp ý về những vấn đề của đất nước, những ý kiến [theo ông Lê Hồng Hà] chưa chắc những người đang cầm quyền muốn nghe. Trước khi phóng viên Việt Hùng của RFA có cơ hội hỏi thêm mà ông biết sẽ khó trả lời, ông Lê Hồng Hà chấm dứt cuộc phỏng vấn.

Nhà nghiên cứu chính trị hải ngoại, tiến sĩ Âu Dương Thệ ở Đức, trong một bài viết nhan đề “Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần” cũng dành một cái nhìn tích cực về những gì ông Võ Văn Kiệt đã làm qua sự phân tích hai tài liệu quan trọng của ông Kiệt, thứ nhất là thư mật gởi Bộ chính trị năm 1995, thứ hai là cuộc phỏng vấn của đài BBC do phóng viên Xuân Hồng thực hiện mặt đối mặt tại Sài gòn năm 2007 nhân dịp kỹ niệm 32 năm ngày cộng sản chiếm miền Nam. Cũng theo truyền thống Việt Nam tiến sĩ Âu Dương Thệ không đưa ra những nhận xét tiêu cực đối với người vừa nằm xuống.

Đó là các ý kiến tiêu biểu. Còn các ý kiến của những nhân vật từng làm việc và được ơn mưa móc của ông thì hẵn nhiên hình ảnh của ông Võ Văn Kiệt là hình ảnh một lãnh tụ cộng sản xứng đáng “với dân với đảng”.

Bên cạnh những bày tỏ nhẹ nhàng của các nhân vật đương thời đối với một người vừa khuất, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam cũng đã quyết định cử hành quốc táng cho ông Võ Văn Kiệt. Và dù quyết định một cách miễn cưỡng (miễn cưỡng vì nghi lễ tương đối đơn giản, thời gian thăm viếng linh cửu rất ngắn, dân chúng không được tự do đến thăm linh cửu) đảng cộng sản Việt Nam cũng đạt được ý đồ khoe với thế giới rằng đảng viên của họ chỉ biết vì nước vì dân.

Nhưng như vậy có công bình với dân tộc và với lịch sử Việt Nam không?

Câu hỏi cốt lõi cần đặt ra để đánh giá một nhân vật lịch sử là: Quá trình sống và đấu tranh của nhân vật đó đã mang lại gì cho dân tộc và đất nước? Và câu hỏi đối với ông Kiệt sẽ là: Cuộc đời “sống và chiến đấu” của ông Võ Văn Kiệt đã mang lại lợi ích cho dân tộc Việt Nam?

Không phải người cộng sản nào cũng xấu. Lịch sử chứng tỏ rằng chủ nghĩa cộng sản là một cỗ máy oan nghiệt đã giết chết ước mơ của bao nhiêu dân tộc. Nhưng cao trào và thoái trào của chủ nghĩa cộng sản trong từng nước cho chúng ta thấy có những người cộng sản dù đã rơi vào “cỗ máy” vẫn còn đủ sáng sốt và nghị lực vượt ra khỏi sự kiềm tỏa của bộ máy, biết gác bỏ danh lợi để phục vụ đất nước khi thấy cỗ máy có thể đưa bản thân mình lên đài danh vọng, nhưng đang từng ngày từng giờ nghiền nát đất nước và dân tộc mình.

Vài nhân vật điển hình. Mikhail Gorbachev là một người cộng sản tốt. Ông từ bỏ vinh quang và quyền hành của một Tổng bí thư (đảng cộng sản Liên bang Xô viết) để mang đến cho nước Nga một cơ hội dân chủ hóa đất nước và vươn lên đồng thời tránh cho thế giới một thế bí có thể dẫn tới chiến tranh toàn diệt bởi vũ khí nguyên tử. Boris Yeltsin cũng là một người cộng sản tốt ở một mức độ nhỏ hơn. Cựu ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách là một người cộng sản tốt khác đáng được vinh danh. Ông hy sinh vị trí ưu đãi của một ủy viên Bộ chính trị đưa ra chủ trương bỏ quyền cai trị độc tôn của đảng cộng sản, đa đảng hóa chế độ chính trị để dân chủ hóa đất nước. Và ở một mức độ nào đó, cựu thứ trưởng bộ ngoại giao Trần Quang Cơ là một người cộng sản có một tấm lòng. Ông Trần Quang Cơ có cơ hội trở thành bộ trưởng ngoại giao thay thế bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch [khi ông Thạch bị mất chức năm 1991 do áp lực của Trung quốc], nhưng ông đã từ chối vinh dự đó khi thấy rằng chính sách của đảng cộng sản [của ông] đang đưa đất nước vào con đường lệ thuộc Trung quốc. Ông xin nghỉ hưu và viết một tập “Hồi ức và suy nghĩ” để cảnh giác những người đang cầm quyền và hậu thế về nạn bành trướng của Trung quốc .

Ông Võ Văn Kiệt có ở trong số những người cộng sản tốt đó không?

Trên bình diện con người thì có, nhưng trên bình diện lịch sử thì không. Điểm son của ông Kiệt là lúc còn trẻ tuổi ông đã có khí tiết tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp giành độc lập. Việc ông gia nhập đảng cộng sản cũng có thể xem như là một kết quả tất yếu của một người trẻ tuổi có nhiệt huyết lao mình vào cuộc đấu tranh cần trang bị vũ khí tư tưởng cho mình (bất cứ vũ khí tư tưởng nào có thể chụp bắt).

Về con người, qua ghi nhận của những người gần ông trong công tác cũng như ngoài đời thường, ông Võ Văn Kiệt là một người tốt. Ông hay giúp đỡ bạn bè, họ hàng bà con. Sau năm 1975 ở vị trí quyền lực ông đã giúp đỡ cựu đại tướng Dương Văn Minh trong việc cho ông đi Pháp, cũng như từng giúp đỡ những người trí thức đã “vì chưa hiểu cộng sản” đã chấp nhận sự lãnh đạo của họ mà ở lại. Ông thông cảm với những người trí thức vượt biên bị bắt và thường tìm cách giúp họ tránh cảnh tù tội.

Trên mặt đảng, ông chiến đấu lập công và leo dần lên những bậc thang quyền lực của đảng cộng sản, đóng góp tích cực vào cỗ máy độc tài đảng trị và chứng tỏ là một đảng viên trung kiên và trung thành với đường lối của đảng dù các biểu hiện cho thấy con đường của đảng cộng sản là con đường đưa đất nước đến chỗ suy vong. Khi làm thủ tướng ông không ngần ngại theo lệnh đảng ký Nghị định 31-CP cho phép bắt giữ những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền mà đảng cho là pha rối trị an để cứu chức thủ tướng của ông đang bị đe dọa. Ông đã cho công an bắt và hành hung ông Nguyễn Hộ, người cùng tướng Trần Văn Trà thành lập “Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ”, một tổ chức gồm những cựu đảng viên gốc miền Nam đòi hỏi những cải cách cần thiết để giải quyết sự trì trệ đất nước. Ông Nguyễn Hộ vốn là một bạn cùng tham gia cuộc chiến đấu chống Pháp và đều là những người tận tình phục vụ cho đảng cộng sản trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp (1946-1954) và xâm lăng miền Nam (1964-1975). Năm 1995 khi đang là Ủy viên Bộ chính trị kiêm thủ tướng chính phủ, ông Võ Văn Kiệt đã có một hành động được hiểu là tích cực khi viết một thư mật gởi Bộ chính trị kêu gọi duy trì đường lối cởi mở kinh tế và phê bình Bộ chính trị không nắm vững tình hình thế giới (khi Bộ chính trị đang bàn thảo về đường lối của đảng cho đại hội 8 năm sau). Nhưng nhiều người cho rằng bức thư này không phải vì nước vì dân mà chính yếu để bảo vệ vị trí là người cầm cương chính sách đổi mới kinh tế của ông.

Thái độ trung thành với đảng hơn hiếu với dân của ông Võ Văn Kiệt không khác gì với sự trung thành của các tướng lãnh Đức quốc xã gây ra trận Thế chiến 2 và theo lệnh của Hitler nhúng tay vào việc tàn sát 5 triệu người Do tháo ở Âu châu, hay tướng Tojo của Nhật Bản chỉ vì muốn Nhật Bản trở thành bá chủ Á châu mà phạm tội ác chiến tranh. Chỉ khác ở chỗ các tướng Đức như tướng Goering, Donitz, Keitel, … và tướng Tojo thất bại bị các tòa án đồng minh mang ra tòa và xử treo cổ (riêng tướng Goering tự sát trước khi bị treo cổ) thì đảng của ông Võ Văn Kiệt đã thắng.

Chiến thắng xong, ông Võ Văn Kiệt cùng với đảng ông nhắm mắt áp đặt một chế độ chính trị và một chính sách kinh tế phá sản lên đầu lên cổ của nhân dân Việt Nam. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ ông cùng đảng ông áp dụng chính sách “đổi mới” để cứu đảng và khi cơ hội làm giàu đến ông và các đồng chí của ông đều biến thành tư bản đỏ. Riêng ông Kiệt có gia tài hàng trăm triệu mỹ kim mà trước mắt là công ty taxi Mai Lĩnh có chi nhánh toàn quốc do gia đình ông quản lý.

Ông Võ Văn Kiệt may mắn giữ chức vụ quyền thủ tướng năm 1988 (hai năm sau khi đổi mới), và từ năm 1991 đến năm 1997 chính thức làm thủ tướng chính phủ là thời kỳ Việt Nam mở rộng cửa đón nhận đầu tư nước ngoài (theo chính sách của Bộ chính trị) và ông đã được tiếng là người đã biến cải nền kinh tế tập trung của Việt Nam sang kinh tế thị trường và giải quyết được nạn đói đang đe dọa Việt Nam khoảng bán thập niên 1980.

Sau khi nghỉ hưu ông Võ Văn Kiệt thỉnh thoảng lên tiếng đóng góp này nọ với Bộ chính trị với những tư tưởng rất tiến bộ, và điều này cũng góp phần không nhỏ vào cái tiếng “ông Võ Văn Kiệt là một người cộng sản tốt”. Sự may mắn đã theo ông cho đến cuối cuộc đời. Ông đã chết an bình tại một bệnh viện vào hạng tối tân tại Singapore và đã được quốc táng .

Quốc táng là một quyết định hành chánh đưa ông Võ Văn Kiệt lên đài vinh quang. Nhưng trong lòng người Việt ông có đáng được quốc táng không? Nếu quốc táng là sự biết ơn của toàn dân với một người đã hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc và đất nước chứ không dành riêng cho một người chỉ biết hy sinh cho đảng phái của mình (để qua đó phục vụ quyền lợi cá nhân mình) dù đảng phái của mình mang di hại cho đất nước thì ông Võ Văn Kiệt không xứng đáng được quốc táng.

Ông Võ Văn Kiệt là một người may mắn, cũng như những lãnh tụ cộng sản Việt Nam trước ông may mắn đã được quốc táng. Ông và họ được bia đá bảng vàng, nhưng dù dùng cả một bộ máy tuyên truyền, dùng quyền viết sử để bẻ cong lịch sử đảng của ông cũng không xóa được “bia miệng” của nhân dân và hậu thế ?

Không nói gì đến Võ Văn Kiệt, ngay cả ông Hồ chí Minh (người du nhập chủ nghĩa cộng sản bất nhân vào Việt Nam), ông Lê Duẫn (người gom cả nước lại thành một mối điêu linh), và sau này Võ Nguyên Giáp (người danh tướng mà không phải là dũng tướng) nếu được đảng cộng sản Việt Nam đưa lên tột đỉnh của đài danh vọng một thời cũng sẽ không có chỗ đứng vững chãi trong lòng dân tộc.

Bia đá được dựng lên sẽ mòn theo thời gian, nhưng sự phán xét của nhân dân sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Trăm năm bia đá cũng mòn,

Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ.



Trần Bình Nam

June 17, 2008

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

No comments: