post by bongtram @ 10 February, 2012 04:47
Ông
Tư Nứa nghe mình khổ quá. Ông làm việc đầu tắt mặt tối từ bốn mươi năm
nay, giờ dành-dụm được chút ít, ông mua một miếng vườn nhỏ để hưởng
huê-lợi dưỡng già, những ngỡ đã toại chí bình-sanh rồi, nào dè …
Vườn
xoài, mít, mãng-cầu của ông đã cho trái vài mùa rồi, công săn-sóc không
nặng như là nếu ông tạo-lập ra. Thành-thử mỗi ngày ông Tư có dư thì-giờ
nhiều quá. Ông buồn, mà tuổi của ông đâu còn món giải-trí nữa,
thành-thử ngồi nhơi nỗi buồn của mình, một hôm ông bỗng chợt nhớ ra là
các ông già chỉ còn một thú tiêu-khiển thôi, là chơi non bộ, và chơi
kiểng.
Nhưng
mà đã quá muộn. Ông không dư tiền để mua kiểng đã thành hình, còn sửa
cây tơ cho thành kiểng, phải mất ít lắm là mươi năm. Ông không biết ông sẽ sống tới bảy mươi hay không để thưởng-thức những cây kiểng mà ông bắt đầu uốn-nắn từ bây giờ ?
Tháng Chạp năm ấy, ông vào rừng để chặt vài nhánh mai về thui hầu cặm độc-bình ngày Tết.
Ông
Tư đi tìm mai vào đầu tháng cuối năm, vì lối chơi nầy đòi hỏi nhiều
thì-giờ. Nhành mai chặt rồi, lặt lá, thui nơi dấu chặt xong, để nó đó
tới ba mươi Tết nó mới chịu trổ hoa. Công việc thì lâu-lắt, nhưng thật
đáng công chờ đợi, vì bông mai của các nhánh mai thui, sống mạnh-mẽ,
tươi bền y như bông của cây mai sống trồng dưới đất, chớ không phải mới
trưa mùng hai là rụng hết như bông của nhánh mai tươi chặt về, vào ngày
hăm lăm Tết đâu.
Loại
cây mai thật là huyền-diệu. Nó có khả-năng tích-trữ sanh-lực trong một
cái nhánh, đủ sanh-lực để mà trổ bông, trong vài điều-kiện nào đó, chẳng
hạn như sự thui dấu chặt nói trên.
Ông
Tư chặt được hai nhánh mai thật tốt, tốt theo quan-niệm chơi kiểng của
ông, nghĩa là nhánh mai không ngay chò, mà cong-cong ở dưới chơn, với
những nhánh phụ mang hình chữ chi, hai nhánh mai đó, cặm vào độc-bình
thì trông như là mai vẽ trong tranh Tàu.
*
* *
Thình-lình trên đường về, ông bắt chợt một gốc mai già mà bận vô rừng, không thấy.
Ông
Tư tần-ngần đứng trước cội mai đồng-niên với ông rất lâu, cố đoán
tuổi-tác thật đúng của nó. Chắc-chắn là nó cùng thế-hệ với ông bằng vào
sức lớn của nó, nhưng khó lòng mà biết được nó có phải tuổi Sửu như ông
chăng ?
Gốc mai lớn bằng hai bắp vế người lớn, bắp vế của những người khá mập ấy, mốc-meo và rêu khô đóng đầy lớp vỏ xù-xì của nó.
Hình-thù gốc mai rất là cổ-quái, càng nhìn càng thấy nó giống hai trái núi, một lớn một nhỏ, nằm cạnh nhau.
Trong
đời ông Tư, chưa bao giờ ông vui sướng bằng hôm ấy. Ông khổ-sở từ hai
năm nay vì không toại-nguyện được trong mơ-ước khiêm-tốn là chơi kiểng
và non bộ, mà bỗng dưng, ông được cả hai thứ một lượt.
Gốc
mai già nầy bứng về nhà, trồng trong chậu lớn, thì ông sẽ có một cây
kiểng đẹp nhứt nước, dân sành-điệu mà có tiền, dám bỏ ra bạc muôn để
nài-nỉ ông mà mua. Ông có đi Sàigòn vài lần vào dịp Tết, thấy ở đó nhà
giàu họ mua những cây mai lớn bảy tám trăm bạc - những nhánh mai mà ở
đây bán hai đồng không ai thèm - họ mua những cây mai sống trong chậu,
xấu-xa quá chừng mà tới ba bốn ngàn một cây, thì nhánh mai của ông, một
muôn bạc vẫn còn rẻ.
Nhưng ông đâu có bán. Ông để ông ngắm mà thôi.
Ông
sẽ có một cây kiểng quí báu vô-song và đồng-thời, ông cũng sẽ có một bộ
núi giả một cách cấp-tốc. Ừ, chơi non-bộ cũng tốn thì-giờ y như là chơi
kiểng, nếu mình quyết chơi cho đúng điệu, bởi đá xây non-bộ phải dạn
gió dày sương ít lắm là mươi năm, nó mới được rêu bám vào, và trông mới
giống núi thật. Mốc meo và rêu khô phủ gốc mai già nầy, chỉ khô vì chết
tạm trong mùa nắng thôi. Mưa xuống vài đám là nó xanh tươi lại, nõn-nà,
ông mặc sức mà ảo-tưởng rằng ông dạo non tiên, nếu ông gắn lên đó vài
ngôi chùa tráng men nhiều màu, vài chiếc cầu đá, một lão tiều-phu, một
ngư-ông, hai vị tiên ngồi trên bàn-thạch đánh cờ.
Ông
Tư sung-sướng như ngày ông cưới vợ, cách đây bốn mươi năm, và ông xoa
tay, ngồi xuống để thưởng-thức trước gốc mai chung của mọi người song
may mắn bắt gặp nó mà sẽ là của riêng ông.
Nhưng
giây lát sau, ông bối-rối quá. Làm thế nào đễ bứng một cái cây già sáu
mươi năm? Nó đã thâm-căn cố-đế ở đây rồi, rễ mẹ của nó có lẽ ăn sâu
xuống hằng mươi thước, còn rễ con thì bò ra khắp một vùng đất rộng bằng
hai ba cái nền nhà.
Đào lên, thì không nhọc công bao nhiêu, nhưng mang nó về nhà, nửa tháng sau, ông chỉ còn trong chậu một gốc mai chết khô.
Cũng
không sao vì nó sẽ là một bộ giả-sơn thì chết hay sống không
quan-trọng. Nhưng gốc cây khô ấy sẽ bị mọt ăn, mục nát sau ba, bốn năm
làm cảnh tại sân nhà ông, thì ông còn gì mà chơi nữa?
Ông Tư ngồi đó tư-lự, ao-ước có một phép mầu của tiên, giúp ông di sơn đảo hải, dời cây cổ-thụ nầy về nhà ông.
Bỗng
đôi mắt già, gần hết sinh-lực của ông sáng lên. Ông vừa nhớ ra rằng
thuở ông còn trai trẻ, ông đã thấy các cụ già dời những gốc mai long-tuế
như thế nầy về nhà.
Và
ông bắt đầu làm việc liền. Công việc chánh của ông hôm nay không đòi
hỏi nhiều thì-giờ, nên ông không có dở cơm mo theo, vì ông tính-toán sẽ
về tới nhà đúng bữa ăn trưa, vào giờ ngọ.
Tuy
nhiên, ông không bận-tâm lắm về chỗ ấy. Bỏ một bữa ăn cũng chẳng sao.
Ông Tư, ngoài chiếc rựa bén, còn được võ-trang thêm một cái mác nhọn.
Ông đào đất trên một diện-tích hình bán-nguyệt mà trung-tâm-điểm là ruột
của cội mai. Diện-tích đất nầy chỉ rộng bằng một cái thúng giạ mà thôi,
tức chỉ quanh phân nữa gốc mai già nầy trong một đường bán-kính lối bốn
tấc.
Ông
đào sâu xuống, gặp bao nhiêu rễ mai, ông dùng rựa mà chặt đứt hết. Nếu
có kẻ không sành-điệu thấy ông làm việc, họ sẽ cho là ông điên. Ông
không cần giữ rễ mai cho cây mai sống, thì cứ vác cuốc lên mà đào cận
gốc, lưỡi cuốc tự-nhiên xắn đứt rễ chớ tội gì phải đào rộng ra, rồi còn
phải nhọc sức chặt rễ?
Ông
Tư đào, đào, và đào. Chặt, chặt, và chặt. Ông đào sâu xuống gần hai
thước và vì miệng lỗ quá hẹp, nên tuy có hai thước mà trông nó sâu hóm
như là cái giếng. Mà nếu tính là giếng thì giếng lại quá hẹp. Giếng
trực-kính một thước đã quá hẹp rồi, mà trong trường-hợp nầy, nó có non
nửa thước mà thôi, vì thật ra thì ông già điên nầy chỉ đào có phân nửa
cái giếng thôi.
Vì
vậy mà người đào giếng, xuống tận đáy giếng để đào đất, để mang đất,
mang rễ mai ra thật là khó-khăn không thể tưởng-tượng được.
Ai
thấy đầu ông nhô lên khỏi miệng giếng không thế nào họ không nghĩ đến
một con dế cơm ở hang, cái hang nhỏ vừa khít thân mình nó.
Ông
Tư nổ-lực, đổ mồ-hôi như vậy cho tới lúc mặt trời gần lặn mới gần xong
công việc. Ông ngồi trên miệng giếng, nghỉ xả hơi, rút khăn bịt đầu
xuống lau mồ-hôi, lấy thuốc ra hút. Ông khát đến môi nứt ra vì từ hồi
tám giờ sáng đến giờ, ông chưa được uống nước lần nào hết ngoài tô trà
Huế uống sau bữa cơm lót dạ.
Hút
xong điếu thuốc, ông nổi cơn điên trở lại và bắt đầu làm một công-việc
còn vô-lý và buồn cười hơn nữa: ông cào đất xuống để lấp cái giếng mà
ông đã khổ-công đào từ sáng đến giờ.
Rễ
đuôi chuột to tướng với lại rễ con tương-đối nhỏ hơn của cây mai, lẫn
lộn trong đống đất đào lên ấy, ông Tư cũng trối-kệ, lại còn lẩm-bẩm: „Có
rễ trong đó thì nó xốp đất“.
Đào thì lâu, chớ lấp không mấy hồi. Đất đào không giẻ nữa, nên nó dư, ông Tư vun lên thành đống cao trên miệng giếng.
Cội mai già bấy giờ thành một người bán-thân bất-toại vì tất cả rễ của một bên thân cây đều lìa khỏi mình mẹ rồi.
Vậy
mà ông Tư còn chưa vừa lòng đã hành-hạ nó. Ông dùng rựa mà chặt bỏ gần
hết các nhánh lớn của nó đi. Ông lẩm-bẩm: „Làm như vậy, có thằng nào tới
đây, sẽ biết gốc mai nầy có chủ. Nhưng chắc cũng không mấy thằng biết
cái đẹp của gốc mai nầy đâu“.
Ông
Tư rất hài-lòng vác rựa và mác để về làng. Ông biết rằng từ đây cho tới
giữa mùa mưa tới, cây mai lão ấy sẽ nỗ-lực đâm rễ mới ở chỗ bị đào.
Bản-năng tự-tồn của thực-vật là như vậy.
Giữa
mùa mưa tới, ông sẽ làm y như hôm nay, nhưng ở phía bên kia. Và Tết năm
sau, ông sẽ bứng được gốc mai nầy dễ-dàng lắm. Bấy giờ, quanh gốc mai
chỉ có toàn rễ con, rất ngắn, không có vấn-đề đứt rễ mà phải lo nữa.
Đám
đất mà ông phải khiêng về nhà, chỉ sẽ lớn bằng cái thúng giạ thôi, thân
cây mai cũng chẳng còn gì, ngoài mấy nhánh non nhẹ hểu, như vậy hai
người khiêng là vừa sức.
*
* *
Kể
từ chiều hôm ấy, ông Tư sống với hy-vọng về tương-lai. Thì ra hy-vọng
và tương-lai không phải là độc-quyền sở-hữu của thanh-niên đâu. Bảy
mươi, con người vẫn bám víu được vào một viễn-ảnh rực-rỡ nào, miễn họ có
cái gì để chờ mong.
Ông
Tư chờ mong mùa mưa. Và giữa mùa mưa tới đó, ông lên rừng để thiến một
gốc mai già, ở cái diện-tích bán-nguyệt mà ông chưa rớ tới.
Cây
mai đã đâm nhành tơ, trổ lá non mỡn. Nó đã được một liều thuốc cải-lão
hoàn-đồng, thật sung-sướng hơn con người không biết bao nhiêu. Con
người, hễ già như ông thì chỉ còn biết mong ngày đi chầu trời, và để tạm
quên ngày buồn ấy, họ quyết lẩn trốn trong một say-mê nào, chẳng hạn
như say-mê cây cảnh và non-bộ.
Ông
Tư nhìn mãi đất đã bằng-phẳng vì mùa mưa đã làm giẻ ngọn đất vun, nhìn
sâu, qua lớp đất không trong suốt ấy, mà cũng hình-dung ra được mớ rễ
non chằn-chịt như mạng-nhện quanh gốc mai, ngắn chẳng đầy gang mà tràn ứ
sinh-lực, y như câu chuyện người ta tháp thận khỉ đột cho một ông lão,
mà ông Tư nghe thầy giáo hưu-trí cạnh nhà ông kể lại, sau khi thầy ấy
đọc nhựt-trình.
Công-việc
lần nầy chỉ nhọc bằng phân nửa hôm trước thôi, vì đang giữa mùa mưa,
đất mềm lắm. Ông Tư lại có dở cơm mo, có mang theo bầu nước, nên chỉ tới
đứng bóng là đâu đó xong-xuôi cả.
Và ông Tư về nhà để đợi Tết.
Ông đợi Tết như trẻ con đợi ngày ấy để được mặc áo mới, ăn bánh ngon, đốt pháo và khỏi làm gì hết lại có tiền lì-xì đầy túi.
Ông
sung-sướng lắm khi săm-soi những ngôi chùa bát-giác tám từng, những cầu
đá có nóc, những lão tiều-phu còng lưng dưới bó cũi, bao nhiêu vật ấy,
cái nào cũng nhỏ li-ti bằng đầu chiếc đũa, đầu ngón tay út, nhưng sẽ gợi
hình-ảnh rất mạnh một khi được gắn phải chỗ trên gốc mai già.
Ông
Tư đã ngắm-nghía gốc mai ấy không biết bao nhiêu lâu rồi, để chọn những
man-khe mà bắc cầu, chọn những cái bệ cheo-leo sườn núi mà cất chùa,
chọn những thạch-bàn cho các đại-tiên đánh cờ.
Ông
đã chuẩn-bị một cây bình-linh, loại cây giống hệt cây tùng mà lá là lá
me, trồng mười năm trong một chung đất nhỏ, giấu trong hóc nào đó của
gốc mai, cây bình-linh của ông cũng chỉ cao có một gang tay thôi, giống
hệt cội tùng già trong rừng sâu.
Sướng
nhé! Niềm vui của ông già nầy rất trẻ, và hẳn ông phải trẻ ra, ít lắm
cũng vài tháng, trong suốt thời-gian ông mơn-trớn, vuốt-ve trong trí
tưởng món đồ chơi sắp có.
Các
ông già, mà cả những người trẻ tuổi có tâm-hồn ở vùng nầy sẽ tề-tựu tại
nhà ông để trầm-trồ gốc kiểng lạ, và nhứt là bộ giả-sơn có một không
hai trong vùng.
Ông
không tiền để sắm chậu sứ lớn thì ông sẽ mua một cái ảng, vài chục bạc.
Dùng ảng lại được cái lơi nầy là mươi năm sau, khi cây mai ăn hết đất
trong ảng và sắp chết, cần dời nó sang một món đồ đựng to hơn, với nhiều
đất hơn, thì đập bể ảng mà khỏi tiếc tiền.
Sướng ôi! Cha-chả là sướng!
Gió
Bấc về, rồi mùa gặt qua, rồi mùa cưới, rồi kỳ-yên, chạy miễu, xong đâu
đó thiên-hạ chuẩn-bị ăn Tết. Tết năm nay, ông Tư chỉ ăn bằng gốc mai nầy
là đủ rồi, không cần thịt kho, dưa giá, bánh mứt gì hết ráo!
Ông
phải cậy thằng Trợ mới được. Ngày hăm ba, sau khi đưa ông Táo rồi, ông
dẫn nó lên rừng với một cây đòn, một chiếc gióng mây lớn, có đáy, với
lại một cái xuỗng.
Ông đào gốc mai lên, nó với ông khiêng cái vật lạ ấy về xóm.
Công-việc xảy ra đúng từng li, từng tí, cho đến cái phút mà ông Tư với thằng Trợ lên tới ngọn gò quê-hương của gốc mai già.
Nhưng
vừa đến nơi là ông Tư suýt ngã ra bất-tỉnh. Gốc mai đã vắng bóng, chỉ
còn trơ lại một miệng lỗ rộng bằng cái thúng giạ và sâu độ ba gang tay.
Có kẻ đã qua đây rồi!
Mà kẻ ấy hẳn là thằng Lợi.
Thấy
là không thể giữ mãi được, nhứt là không thể giành độc-quyền được về
một vật ở ngoài trời, do trời sanh ra, ông Tư đã làm quảng-cáo dữ cho
gốc cây mai của ông. Đó là một lối trước-bạ trong vùng vậy, bởi thằng
nào ăn cắp, ông sẽ tranh-giành và dư-luận sẽ binh-vực ông vì ai cũng
biết ông có công với gốc mai.
Như
vậy, không thể có kẻ dám ăn cắp đồ cấm. Kẻ cắp chỉ có thể bán đi Sàigòn
thôi. Mà ở đây, thằng Lợi là người độc-nhứt chuyên bán thổ-sản đi
Sàigòn
B.N.L
(Minh họa: Bình Nguyên Lộc qua nét vẽ Vũ Nguyên Giang)
No comments:
Post a Comment