Monday, September 10, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * NHỌ HỌC



Từ Anh Khóa, Thầy Đồ
Đến Ông Quan



            Tiêu đề “Từ Anh Khóa, Thầy Đồ, Đến Ông Quan” là câu tóm lược tiến trình sự nghiệp của người học trò theo học chữ Nho thời phong kiến.

Thời đó, ở nước ta, chữ Nho là văn tự chính thức của tất cả các hoạt động trong xã hội, từ lãnh vực hành chánh, giáo dục, luật pháp, truyền thông, cho đến tôn giáo, văn học, kiến trúc, mỹ thuật và giao tiếp. Chữ Nho, còn gọi là Hán tự, là chữ Hán, là chữ An Nam, là chữ mà mọi người phải dùng tới. Trên các giấy tờ giao ước viết bằng chữ Nho, các bên liên quan cho dù không biết chữ cũng phải lăn tay điểm chỉ vào. Vì thế, thông thạo chữ Nho dù chỉ mới ở mức độ biết đọc biết viết đã là chuyện tốt. Huống hồ thông thạo chữ Nho tới mức độ mở miệng ra là ngọc nhả châu phun, vung tay lên là rồng bay phượng múa, thì quả thật là tuyệt vời, đương nhiên được mọi người chung quanh quí trọng. Người trong nước, ai ai cũng thi đua nhau cho con em theo học chữ Nho. Học để thông  thạo chữ nghĩa, để  thi
đậu đi làm quan, trước là nở mặt nở mày, rạng rỡ tông môn, sau là giúp vua an dân trị quốc.



I. Việc truyền bá chữ Nho vào Giao Châu. 

Vai trò của Sĩ Nhiếp.

Chữ Nho truyền vào nước ta từ đời Hán. Người có công lớn trong việc truyền bá chữ Nho tại Giao Châu là Sĩ Nhiếp, nên được đời sau tôn là Nam Giao Học Tổ, được nhà Trần phong làm phúc thần, tước vị là Gia Ứng Thiện Cảm Linh Vũ Đại Vương. Sĩ Nhiếp là người Thương Ngô, tổ 6 đời gốc người nước Lỗ (Sơn Đông), cha là Sĩ Tứ làm Thái Thú Nhật Nam nên lúc nhỏ theo cha ở thành Tây Quyển (phía bắc Huế), rồi sang Kinh sư (Lạc Dương) du học, được cử là Hiếu Liêm, trước bổ làm chức quan Lệnh Hàm Dương, rồi đến đời Hán Hiến Đế chuyển làm Thái Thú Giao Chỉ. Gặp lúc thiên hạ đại loạn, Lưu Biểu ở Kinh Châu sai Lại Cung sang kiêm tính Giao Châu. Sĩ Nhiếp bèn cùng Thái thú Thương Ngô là Ngô Cự đánh đuổi Lại Cung, nhân đó vua Hán cho Sĩ Nhiếp làm An Viễn Tướng quân, thống lĩnh binh mã 7 quận, tước phong Long Độ Đình Hầu. Sĩ Nhiếp chia các em đi làm Thái Thú các quận Nam Hải, Hợp Phố, Cửu Chân, còn tự mình kiêm lĩnh hai quận Thương Ngô và Giao Chỉ. Khi nước Tàu chia ba, Sĩ Nhiếp theo về Đông Ngô. Ngô chủ Tôn Quyền cử Bộ Chất làm Thứ Sử Giao Châu, nhưng Sĩ Nhiếp không cho Bộ Chất đến nơi trấn nhậm, buộc lòng nhà Ngô phải phong cho Sĩ Nhiếp làm Long Biên Hầu, Đệ nhất Thiên Tướng Quân, lĩnh Giao Châu Thái Thú (1). Sĩ Nhiếp thọ 90 tuổi, cai trị Giao Châu trong 48 năm, đã gia công mở mang việc học chữ Nho và truyền bá nếp sống phương bắc, làm cho vùng Lĩnh Nam Hán hóa đậm đà. Sau khi Sĩ Nhiếp chết, con là Sĩ Huy lên thay. Nhà Ngô sai Lữ Đại sang đánh, Sĩ Huy xin hàng. Ngô chủ Tôn Hạo bèn chia Giao Châu làm hai là Giao Châu và Quảng Châu.



Tiến cử và Thi cử.

          Các triều đại Tấn, Tống (Nam Bắc triều), Tề, Lương, Trần vẫn theo lề lối tuyển dụng cũ của nhà Hán, tức là giao cho các quan địa phương tiến cử người hiền tài ra làm việc, chia làm các hạng hiếu liêm (cử nhân) và mậu tài (tú tài). Đến đời Tùy, vua Tùy Dạng Đế bắt đầu mở khoa thi để tuyển chọn người ra làm quan. Nhưng phải đến đời Đường việc thi cử mới có quy củ.

             
Người trúng tuyển được chia làm ba loại: sinh đồ, cống cử, và chế cử. Sinh đồ là các học sinh đã tốt nghiệp các trường ở Kinh sư hay châu quận, nay trúng tuyển kỳ thi sát hạch ở Tòa Thượng Thư tại tỉnh. Cống cử là những người không theo học ở các Học (quán), các (học) Hiệu, chỉ thi đỗ sát hạch ở châu quận, nay trúng tuyển kỳ thi tại Tòa Thượng Thư. Cống cử còn được gọi là hương cống. Chế cử là những người trúng tuyển kỳ thi đặc biệt do vua đích thân ra đề bài.

Từ cuối đời Đường sang đời Tống, danh xưng chế cử được đổi thành tiến sĩ, chia làm tiến sĩ cập đệ và tiến sĩ xuất thân (2). Việc học chữ Nho lúc này tại Giao Châu rất phổ cập. Sĩ tử Giao Châu gốc bản địa thành đạt mỗi ngày một nhiều nên năm 845, vua Đường hạn chế số người Nam thi khoa Tiến sĩ không được quá 8 người, khoa Minh kinh không đuợc quá 10 người (3).

Quá trình hình thành tiếng Hán Việt.

Nhà Đường dấy nghiệp từ Thái Nguyên, đóng đô ở Trường An, quan lại bổ nhiệm sang Giao Châu phần lớn là người Quan Nội (Thiểm Tây), nên người Giao Châu được học chữ Hán phát âm theo phương ngữ Trường An. Từ nhà Tống trở đi, Giao Châu độc lập, và vẫn dùng chữ Nho làm văn tự chính thức. Nhưng người Việt không còn học chữ Nho trực tiếp với người Tàu nữa. Bởi vậy, tại Trung Quốc, trải qua các triều Tống, Nguyên, Minh, Thanh, trung tâm chính trị và văn hóa của Trung Quốc chuyển dần về phía đông rồi lên phía bắc, đời sống văn hóa xã hội nhiều mặt mang đậm dấu ấn Mông Cổ và Mãn Châu, nên nghĩa chữ và tiếng nói đổi khác đi, trong lúc đó, người Việt vẫn tiếp tục học chữ Nho với lối phát âm theo phương ngữ Trường An đời Đường. Đó là quá trình hình thành tiếng Hán Việt. Với tiếng Hán Việt, người Việt và người Tàu có thể bút đàm với nhau, nhưng người Việt đọc lên hoặc nói ra thì người Tàu không hiểu được. Cũng cùng một lý do này mà các bài thơ Đường đọc theo âm Hán Việt nghe rất xuôi tai, còn đọc theo âm quan thoại nhiều khi lại khổ độc, vi phạm luật bằng trắc.



II. Việc thi cử trong thời kỳ trước nhà Nguyễn.

Các triều đại buổi đầu của Giao Châu tự chủ Đinh, Lê, Lý, không tổ chức việc học việc thi để tuyển dụng người làm việc nhà nước, mà sở cậy giới tăng lữ sử dụng chữ Nho làm văn tự chính thức trong việc cai trị dân chúng và giao thiệp với người Tàu. Mãi đến đời Lý Thánh Tông mới dựng Văn miếu vào năm 1070, và đời Lý Nhân Tông mới mở khoa thi Nho học Tam trường vào năm 1075 để chọn người Minh kinh bác học, và xây Quốc tử giám vào năm 1076 để con em các hoàng thân quốc thích đến học tập. Sau đó, mỗi khi cần người, nhà Lý mới mở khoa thi, như năm 1086 để kén người vào Hàn lâm viện, năm 1165 thi Thái học sinh để tuyển người ra làm quan ở các trấn, năm 1185 và năm 1193 để kén người vào Thị học (hầu vua học), và năm 1195 thi Tam giáo cho xuất thân (ra làm quan). Ngoài ra còn có các kỳ thi Hình luật, Thư toán để kén lại điển (2,4).

Đời Trần và đời Hồ, việc học hành và thi cử đã tương đối được tổ chức hoàn bị. Buổi đầu chỉ ở Kinh sư có Quốc học viện. Đến cuối đời Trần, Lê Quý Ly tổ chức ở các lộ, châu, phủ, các nhà Học, nhà Hiệu do các Đốc học và Giáo thụ trông nom. Năm 1232, đời Trần Thái Tông, mở khoa thi Thái Học sinh, người đỗ chia ra Tam giáp: đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, và đệ tam giáp. Năm 1247 lấy 3 người đỗ đệ nhất giáp làm Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Năm  1256 mở  khoa  thi Thái Học sinh, phân biệt  Kinh (châu  thổ sông Hồng)    Trại (Thanh Nghệ). Đến khoa thi năm 1274 đời Trần Thánh Tông thì việc phân biệt Kinh Trại này được bãi bỏ. Năm 1304 đời Trần Anh Tông, định phép thi Thái Học sinh 4 trường: trường 1 thi Ám tả, Kinh nghĩa, trường 2 thi Thi Phú, trường 3 thi Chiếu, Chế, Biểu, trường 4 thi Đối sách. Mạc Đỉnh Chi đỗ Trạng nguyên khoa này. Tam khôi được đưa ra Long môn và Phụng thành dạo chơi, sau đó, Trạng nguyên được bổ chức Thái Học sinh, Bảng nhãn chức Chi hậu bổ thư, Thám hoa chức Hiệu thư.

Năm 1396 đời Trần Thuận Tông, Tể Tướng Lê Quý Ly định phép thi Cử nhân 4 trường: trường 1 thi Kinh nghĩa, trường 2 thi Thi Phú, trường 3 thi Chiếu, Chế, Biểu, trường 4 thi Sách vấn, hỏi về Kinh, Sử và Thời vụ. Kể từ đây, thi lấy Cử nhân gọi là thi Hương, thi lấy Thái Học sinh gọi là thi Hội, trúng tuyển thi Hương rồi mới đuợc thi Hội, trúng tuyển thi Hội mới được vào Ngự thí, tức là thi Đình. Thi Đình chỉ làm một bài Sách vấn để  sắp  hạng  Tam  khôi, Tam giáp. Lại  định  lệ  năm  trước thi
Hương, năm sau thi Hội và thi Đình. Năm 1400 đời Hồ Quý Ly, mở khoa thi Thái Học sinh. Nguyễn Trãi đỗ khoa này. Năm 1405, đời Hồ Hán Thương, mở khoa thi Cử nhân 5 trường, có thêm 2 môn thi Viết và Toán ở trường 5.


Triều Hậu Lê, buổi đầu đại định, việc trị an bề bộn nên thi cử còn giản lược. Năm 1429, đời Lê Thái Tổ, mở khoa thi Hoành từ, cho sĩ dân và quan viên từ tứ phẩm trở xuống được ứng thí để kén người, tùy tài bổ dụng. Trong khoa này, Thừa chỉ Nguyễn Trãi được cử làm Giám thí, dưới quyền Thượng thư Lê Văn Linh giữ chức Đề điệu (5). Năm 1434, đời Lê Thái Tông, định phép thi 4 trường, lại định lệ 6 năm một khoa, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, người trúng tuyển gọi là Tiến sĩ xuất thân. Năm 1442 bắt đầu dựng bia đá khắc tên Tiến sĩ. Năm 1448, những người trúng tuyển Đình thí được chia làm Cập đệ, Chánh bảng và Phụ bảng. Năm 1462 đời Lê Thánh Tông, đặt ra lệ Bảo kết Hương thí, ai đi thi phải đến bản quán đăng ký, danh
sách trúng tuyển được chuyển về Lễ nghi viện duyệt xét, chỉ những ai được bản quán bảo kết thực sự đức hạnh mới được cho dự Hội thí. Năm 1466, định lại 3 năm một khoa, ban mũ áo, đãi ăn yến, cho vinh quy bái tổ. Năm 1475, vẫn đời Lê Thánh Tông, thi Hương đổi gọi là thi Cống sĩ, Cử nhân gọi là Hương cống, Tú tài gọi là sinh đồ. Năm 1484, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cải gọi là Tiến sĩ Cập đệ, Chánh bảng là Tiến sĩ Xuất thân, Phụ bảng là Đồng Tiến sĩ Xuất thân.

Triều Mạc rất trọng khoa cử. Nói chung việc thi cử vẫn theo lệ cũ nhà Lê. Chỉ duy năm 1565, đời Mạc Mậu Hợp, kỳ đệ tứ khoa Tiến sĩ xẩy ra chuyện có bài Phú làm bằng chữ nôm. Nguyễn Hiển Tích vào trường 4 không làm được bài, cao hứng xoay qua viết bài phú Lưu Hầu bằng quốc âm rất hay, và vẫn được lấy đỗ (6). Cũng dưới triều Mạc, Dương Văn An là người Thuận Hóa đầu tiên đỗ Tiến sĩ. Lại nữa, khoảng đầu thế kỷ 17, lúc nhà Mạc đã chạy lên Cao Bằng, đời Mạc Kính Cung, có Nguyễn Thị Du cải nam trang thi đỗ Trạng nguyên (7).

Đời Lê Trung Hưng, buổi đầu chỉ mở các Chế khoa tại Thanh Hoa song song với các khoa Tiến sĩ của nhà Mạc ở Đông Kinh. Sau khi diệt xong nhà Mạc thì việc học hành thi cử ở Đàng Ngoài lại được tổ chức theo lệ cũ. Về sau, từ đời Bảo Thái
trở đi, đặt phép Huyện khảo để lấy Thứ thông, chuyển lên hai Ty Thừa Hiến duyệt khảo lại để lấy Sảo thông, sĩ tử phải nộp 5 tiền để trả phí tổn trường thi, gọi là tiền minh kinh. Sảo thông đỗ tam trường thì gọi là Sảo thông Sinh đồ, đỗ tứ trường thì gọi là Nhất cử Hương cống. Đến năm 1750, đời Lê Hiển Tông, Thự phủ Đỗ Thế Giai đặt lệ nộp 3 quan tiền, gọi là tiền thông kinh, thì được thi Hương không phải khảo hạch, khiến nẩy sinh tệ đoan “sinh đồ ba quan”, lái buôn không biết chữ cũng nộp tiền
 rồi thuê người đi thi hộ, trẻ con 10 tuổi cũng thi đỗ sinh đồ.

Ở Đàng Trong, sau khi Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa năm 1558, qui chế học hành thi cử thay đổi khác hẳn Đàng Ngoài.  Đến năm 1775, chúa Trịnh đưa quân đánh chiếm Phú Xuân và năm sau ra lệnh cho Phạm Ngô Cầu tổ chức thi Hương tại Thuận Hóa theo qui chế khoa cử Đàng Ngoài, nhưng chỉ mới tiến hành khảo hạch ở huyện đã thấy sĩ tử không ai hưởng ứng. Tiếp đến, quân Tây sơn kéo ra đánh chiếm Phú Xuân năm 1786, Đàng Trong loạn lạc kéo dài, việc học hành thi cử bị đình đốn.

Nhà Tây Sơn chỉ chú trọng vũ công. Tuy vậy, trong địa bàn cai trị của mình, Quang Trung biết trọng dụng các nho sĩ Bắc Hà do khoa mục xuất thân. Năm 1789, mở khoa thi Tuấn tài ở Nghệ An, chỉ thi 2 kỳ: chế nghĩa và văn sách. Người thi đỗ gọi là Tuấn sĩ. Khoa này do La sơn Phu tử làm Đề điệu, và bài thi thuần dùng tiếng Nôm. Đây là một tiến bộ lớn mặc dù đề thi còn dùng Hán tự.

III. Qui chế thi cử chữ Nho dưới triều Nguyễn.
           
Việc thi cử chữ Nho dưới triều Nguyễn có thể chia làm 3 giai đoạn:
-          Thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong;
-          Thời kỳ các vua Nguyễn trên toàn bộ đất nước thống nhất;
-          Thời kỳ Pháp thuộc tại các xứ Bảo hộ Trung Bắc Kỳ.

Thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Từ năm 1632, cứ 5 năm một lần, các chúa Nguyễn cho mở Xuân thiên Quận thí tại các dinh trấn, thí sinh làm trong một
ngày một bài thơ, một bài văn, người thi đỗ được gọi là Nhiêu học, được tuyển dụng làm Huấn đạo. Ngoài ra còn có kỳ thi viết chữ tốt gọi là Hoa văn tự thể để chọn người làm thư lại ở các ty Xá sai, Tướng thần lại và Lệnh sử. Cứ 9 năm một lần, các chúa Nguyễn cho mở Thu vi Hội thí tại phủ chúa, thi trong 3 ngày, trãi qua 3 trường: trường 1 làm 3  bài  tứ  lục, trường  2  làm thơ


phú, trường 3 làm văn sách, người trúng tuyển chia làm 3 hạng: hạng giáp gọi là Hương cống, bổ dụng làm Tri phủ, Tri huyện, hạng ất gọi là Sinh đồ, bổ dụng làm Huấn đạo, hạng bính cũng gọi là Sinh đồ, bổ dụng làm Lễ sinh. Về sau, năm 1646, Nguyễn Phước Lan cải gọi Thu vi Hội thí là khoa Chính đồ, định lệ 6 năm một khoa, trúng tuyển hạng giáp thì gọi là Giám sinh, còn các hạng ất, bính thì vẫn gọi là sinh đồ. Năm 1691, Nguyễn Phước Chu lập Văn Miếu ở làng Triều sơn. Năm 1695, sau kỳ thi Chính đồ, Nguyễn Phước Chu mở thêm tại sân phủ chúa 2 khoa mới là thi Văn thức và thi Tam ty, có thể xem như là hình thức thi Đình đầu tiên ở Đàng Trong (8). Nguyễn Phước Khoát định lại lệ 3 năm một khoa quận thí, và về sau bỏ việc thi ở quận, chỉ tổ chức thi Hội nhưng tăng lên 4 trưòng: trường 1 làm 3 bài tứ lục, thi đỗ cho làm Nhiêu học tuyển trường, trường 2 thi thơ phú, trường 3 làm 2 bài kinh nghĩa, thi đỗ cho làm Nhiêu học trúng tuyển, trường 4 làm 1 bài văn sách, thi đỗ được gọi là Hương cống, bổ dụng làm Tri phủ, Tri huyện, Huấn đạo (9). Nói chung, các chúa Nguyễn không vụ hình thức, chỉ nhắm việc thực tiển là tuyển chọn người giỏi để dùng. Thí dụ Nguyễn Phước Tần không mở một khoa Chính đồ nào cả, mà cũng không lấy một người Nhiêu học. Ngược lại, chúa đã đặt ra khoa Thám phỏng, chỉ thi trong một ngày, hỏi về việc binh, tình trạng quốc dân, việc vua Lê chúa Trịnh, v.v., người trúng tuyển được bổ dụng vào làm việc ở các ty Xá sai, Tướng Thần lại, hay Lệnh sử, là những tổ chức tương đương với các ty Đô, Thừa, Hiến ở Đàng Ngoài.

Thời kỳ các vua Nguyễn.

Gia Long thống nhất đất nước, dự tính cứ 3 năm một lần mở các khoa thi Hương, thi Hội, nhưng mãi đến năm 1807 mới mở khoa thi Hương đầu tiên. Phép thi chia làm 4 trường: trường 1 thi Kinh Truyện, trường 2 thi Chiếu Chế Biểu, trường 3 thi Thi Phú, trường 4 thi Sách vấn. Đỗ trường trước mới được vào trường sau, đỗ 3 trường gọi là Sinh đồ, đỗ cả 4 trường gọi là Hương cống. Lúc bấy giờ trong nước có 6 trường thi: Nghệ An, Thanh Hoa, Kinh Bắc, Sơn Nam, Sơn Tây và Hải Dương. Năm sau 1808, Gia Long xây Văn miếu tại làng An ninh, gần Long Hồ, cách chùa Thiên Mụ khoảng nửa kilômét. Khoa thi Huương tiếp theo, mở năm 1813, đặt thêm 3 trường thi Quảng Đức (Huế), Thăng Long (Hà Nội), và Gia Định (Sài Gòn), nhưng lại bãi bỏ 2 trường Kinh Bắc và Sơn Tây. Sĩ tử hai nơi này hiệp thí ở trườngThăng Long. Năm 1819, trường Quảng Đức cải gọi là trường Trực Lệ. Năm 1821, Minh Mạng năm thứ 2, mở ân khoa. Năm sau, 1822, mở Hội thí ân khoa. Đây là khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn. Định lệ các Hương cống và Giám sinh thì làm bài quyển mực, Thư lại và Đằng tả thì làm bài quyển son (4). Sau kỳ Điện thí, những người trúng tuyển được phân làm 2 hạng: Tiến sĩ và Đồng Tiến sĩ xuất thân, được ban áo mão, trâm, vải vóc, được đãi yến, và được cấp cờ, biển vinh qui. Năm 1825, Minh Mạng thứ sáu, định lệ 3 năm mở khoa thi một lần, Hương thí thi vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, Hội thí thi vào các năm Thìn Tuất, Sửu, Mùi. Lại cải gọi Hương cống làm Cử nhân, Sinh đồ làm Tú tài. Sĩ tử muốn đi thi phải qua kỳ khảo hạch ở Phủ Huyện do các quan Huấn đạo, Giáo thụ phụ trách. Người học trò qua được khảo hạch thì gọi là Khóa sinh. Tiếp theo, anh Khóa còn phải trúng tuyển kỳ phúc hạch tại tỉnh nhà do quan Đốc học chủ khảo nhiên hậu mới được gọi là Thí sinh, có quyền nộp quyển đi thi Hương. Khoa thi Hương năm này, mỗi trường thi được vua ban một tấm bài Phụng Chỉ, và một lá cờ Khâm Sai. Trường thi Trực Lệ được đổi tên là trường thi Thừa Thiên (Trường Thừa), trường thi Thăng Long đổi tên là trường thi Hà Nội (Trường Hà), trường thi Sơn Nam đổi tên là trường thi Nam Định (Trường Nam). Trong khoa thi Hội lần này, (năm 1826), Phan Thanh Giản, người An Thạnh, Vĩnh Bình, đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ, là người Nam Kỳ đầu tiên đậu đại khoa. Từ khoa Hội thí năm 1829, vẫn đời Minh Mạng, bài thi được chấm điểm và phân hạng theo phân số: được 10 hay 9 phân là ưu hạng, được 8 hay 7 phân là ưu thứ hạng, được 6 hay 5 phân là bình hạng, được 4 hay 3 phân là bình thứ hạng, được 2 hay 1 phân là thứ hạng, không được 1 phân là liệt, tức là bị loại ngay. Những người đỗ cả 3 kỳ và được 10 phân trở lên được sắp vào Chánh bảng để vào Đình thí. Những người đỗ cả 3 kỳ với phân số từ 4 đến 9, và những người đỗ được 2 kỳ nhưng được 10 phân trở lên thì được xếp vào Phó bảng. Phó bảng cũng được kể là Đại khoa, nhưng không phải là hàng giáp đệ. Năm 1843, đời Thiệu Trị, trường Thừa Thiên được kiến thiết bằng gạch ngói với quy mô lớn tại phường Ninh Bắc để làm nơi thi Hương và thi Hội, và để làm mẫu cho các tỉnh xây cất lại trường thi. Đến năm sau Hội thí (1844), định lệ cho các Giáo thụ và Huấn đạo do Cử nhân xuất chính, và các Giám sinh và Tú tài xuất thân được dự Hội thí. Năm 1850, niên hiệu Tự Đức thứ 3, mở thêm trường thi Bình Định. Lại chia việc phê điểm làm 6 hạng: ưu, ưu thứ, bình, bình thứ, thứ, thứ thứ, và định lệ trở lại thi Hương thi Hội gồm 4 trường. Về Hương thí, đỗ trường 3 là Tú tài, đỗ trường 4 là Cử nhân. Về Hội thí, đỗ 4 trường thì được vào Đình thí. Nếu bài đối sách được 4 phân trở lên thì đỗ giáp đệ. Nếu 3 phân trở xuống là Phó bảng. Cuối đời Tự Đức, năm 1876, lại cải đổi chỉ thi 3 trường. Đến năm 1884, Kiến Phúc nguyên niên, lại định lệ người nào trúng cả 3 trường mà quyển thi có ưu, bình thì cho yết bảng ngay, số còn lại thì chia vi vào thi lại cả 3 trường trong 3 ngày để phúc khảo. Lại định thêm lệ “nhất Cử tam Tú”, cứ một Cử nhân thì lấy thêm 3 Tú tài.

Buổi đầu thời Pháp thuộc tại Bắc và Trung Kỳ.

Người Pháp đánh Gia Định năm 1859 và chiếm trọn Nam Kỳ năm 1867, từ đó việc học hành thi cử chữ Nho ở xứ thuộc địa Nam Kỳ bị bãi bõ. Trên lãnh thổ 2 xứ bảo hộ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, sau hòa ước Patenôtre năm 1884, Nhà Nguyễn vẫn tiếp tục mở các khoa thi Hương thi Hội theo thể lệ cũ. Tuy nhiên người Pháp dần dà đưa vào một số thay đổi như có thêm môn nhiệm ý thi chữ Pháp (dịch Pháp văn ra quốc ngữ). Sự can thiệp của người Pháp có phần mạnh mẽ và lộ liễu ở Bắc Kỳ hơn ở Trung Kỳ. Trường thi Hà Nội bị bãi bỏ năm 1886, sĩ tử Hà Nội phải vào thi chung với Nam Định tại trường mới được cải danh là trường thi Hà Nam. Tổng Trú sứ Paulin Vial gợi ý ra đề mục trường 1 là “ Phép xã giao đối với bạn hữu và người ngoại quốc”, và đề mục trường 3 là “Thí sinh nghĩ gì về đương triều và cuộc khởi nghĩa của Văn thân?” để dọ dẫm dư luận sĩ tử Bắc Kỳ (10). Năm 1903, Thống sứ Bắc Kỳ Luce tư cho Công sứ các tỉnh yêu cầu các Đốc học loại bớt thí sinh trong danh sách. Năm 1906, Thống sứ Groleau sức cho Đốc học các tỉnh, tùy tỉnh lớn tỉnh nhỏ, mỗi tỉnh không được lấy quá 500, 600 người đi thi.Vụ này đã gây nên cuộc biểu tình của hơn 2000 thí sinh trước cổng trường thi Hà Nam, và mào đầu cho phong trào xuất dương du học. Đến năm 1907, Duy Tân nguyên niên, đặt thêm bộ Học ở Huế. Việc thi cử trước đây thuộc Tân Hưng Ty bộ Lễ, từ nay thuộc bộ Học. Khoa thi năm 1909 có cải cách lớn là ngoài Kinh Truyện, Bắc Nam Sử, Thi Phú, không còn thi Chiếu Chế Biểu mà thi 2 đề Luận, một đề chữ Nho và một đề quốc ngữ. Điểm phê từ 0 đến 20, được 10 điểm trở lên là trúng bảng. Nếu có tình nguyện thi chữ Pháp thì thi thêm 1 trường riêng, cũng phê điểm từ 0 đến 20, nhưng chỉ lấy hàng số lẻ các điểm thi trên 10 cộng chung vào sổ điểm các trường kia. Trường 1 và trường 2 phải đủ 10 điểm trở lên mới được thi trường trên. Những quyển thi mà 3 trường được từ 40 điểm trở lên, cùng những quyển thi 3 trường được tối thiểu 30 điểm cộng thêm số lẻ của bài thi chữ Pháp được từ 40 điểm trở lên, thảy đều được chấm đậu vào trường phúc hạch. Vào phúc hạch thì làm 1 đạo Văn sách, 1 bài Phú và 1 bài Luận quốc ngữ. Được từ 7 điểm trở lên thì đỗ Cử Nhân. Tổng cộng các trường được từ 30 đến 39 điểm thì được xếp vào hàng Tú tài để theo thứ tự được lấy đỗ theo lệ nhất Cử tam Tú. Từ khoa thi này, sĩ tử phải không quá 50 tuổi mới được đi thi, ngoại trừ các hạng Tú tài xuất thân, Giám sinh, Tôn sinh, Ấm sinh, không hạn chế tuổi. Đến năm 1912 thì hạn tuổi được đi thi giảm còn 40 tuổi trở xuống, và 2 môn Thi Phú bị đình bãi. Riêng trường thi Hà Nam thì chỉ còn thi 3 trường với rất nhiều cải đổi mới: trường 1 thi Văn sách gồm các môn Luân lý, Văn chương, Nam sử, Đông Dương Chính trị hay Nam triều Luật lệ, trường 2 thi quốc ngữ về Văn chương, Toán pháp, Sử Điạ và Cách trí, trường phúc hạch thi Luận chữ Nho 1 đề và Luận quốc ngữ 1 đề. Năm 1915,  niên hiệu Duy Tân thứ 9, môn Pháp văn trở thành môn thi bắt buộc. Khoa Ất Mão năm 1915 này là khoa thi chữ Nho cuối cùng ở Bắc Kỳ. Năm 1918, niên hiệu Khải Định thứ 3, tại trường thi Thừa Thiên có thêm môn Toán Đo lường. Khoa Mậu Ngọ năm 1918 này là khoa thi chữ Nho cuối cùng ở Trung Kỳ.


IV. Thập niên đăng hỏa.

Trước kia, người Tàu truyền bá chữ Nho vào Giao Châu là để dân ta biết đọc biết viết mà giao tiếp với họ, giúp họ trong công việc cai trị và khai hóa dân bản xứ. Dần dà người Tàu mở mang việc học hành, tổ chức việc thi cử, để tuyển chọn người thừa hành, giúp việc cho chính quyền đô hộ, và cả cho chính quốc. Ngoại trừ giới tăng lữ học chữ Nho để đọc kinh đọc kệ, đối với những người khác, học chữ Nho là để được tuyển dụng ra làm việc nhà nước. Kịp đến khi Giao Châu dựng cờ tự chủ thì chữ Nho vẫn là văn tự chính thức, việc học hành thi cử vẫn na ná như trước kia, vẫn ít nhiều mô phỏng khuôn mẩu của Trung Quốc, và tinh thần giới nho sĩ thì trước sau như một, từ Lý Trần đến Lê Nguyễn, vẫn là ra sức mở mang tri thức và trau dồi phẩm hạnh để thực hiện 3 mộng tưởng lớn trong đời: “ Đỗ Tiến sĩ, Làm Thượng thư, và Đi Sứ”.

Mười năm đèn sách quả đã chứa đựng không biết bao nhiêu là công tình. Công là công lao bản thân dùi mài kinh sử, là công lao gia đình chạy tiền chạy gạo, là công lao thầy học roi đòn dạy dỗ. Tình là tình nghĩa cha mẹ hy sinh lạc thú bản thân để nuôi nấng, chăm sóc, khuyến khích con cái cố học thành tài, là tình nghĩa họ hàng, làng nước tôn trọng người học trò hôm nay còn hàn vi nhưng mai kia có thể làm rạng danh tông môn, hương đảng, là tình nghĩa người vợ tao khang biết xem nhẹ tình chăn gối để thúc dục chồng thức khuya dậy sớm, nấu sử sôi kinh, ngõ hầu “mai kia chồng chiếm bảng vàng, võng anh đi trước võng nàng theo sau”.

Tiến trình thập niên đăng hỏa bắt đầu khi đứa trẻ lên 5, lên 7, bằng lễ Khai tâm tại gia hoặc lễ Nhập môn ở trường học. Nếu đứa trẻ học vỡ lòng tại nhà với cha anh hay với thầy đồ nuôi trong nhà thì trước hết phải ăn mặc chỉnh tề để làm lễ yết cáo Thánh sư, lễ khấn cáo gia tiên, và lễ bái lạy thầy học, xong rồi bắt đầu buổi học đầu tiên, thường là học thuộc lòng mấy chữ trong Tam tự kinh. Nếu đứa trẻ theo học một trường tư thục của thầy đồ thì cha mẹ dắt con đến nhà thầy với một mâm lễ trầu cau xôi gà để làm lễ Nhập môn. Nếu làng có Văn chỉ thì thầy đồ sẽ cùng cha mẹ đứa trẻ đưa mâm lễ vật ra đấy để cho đứa trẻ bái yết Thánh sư, rồi mới trở lại trường làm lễ bái sư, và cho đứa trẻ bắt đầu bài học vỡ lòng. Chương trình học là chương trình ấu học và tiểu tập. Sách học buổi đầu là Tam tự kinh, Ấu học ngũ ngôn thi. Tập viết chữ thì khởi đầu tập đồ trên bảng gỗ bằng bút tre nhúng nước, tiếp đến dùng bút lông tô mực theo chữ son viết sẵn trên giấy, rồi tập viết phóng, viết buông, viết chữ hàng đôi, hàng ba. Đến 7 tuổi học Sử, Truyện, Luận ngữ. Đến 9, 10 tuổi học làm câu đối và thơ văn, và tập viết ám tả. Cậu học trò nhỏ còn được rèn luyện phẩm hạnh, phép tắc, biết lẽ phải trái, biết kính trên nhường dưới, thông suốt đạo tam cương, ngũ thường. Học giỏi thì được thưởng giấy mực, bị phê liệt thì phải quét nhà, ăn roi vọt hoặc luồn khố.

Khi được từ 11 đến 14 tuổi, cậu bé theo chương trình trung tập, vẫn tại trường thầy đồ trong làng, hay tại trường các quan Huấn đạo, Giáo thụ ở phủ huyện. Sách học gồm Tứ Thư, Ngũ Kinh, Bắc sử, Nam sử, Bách gia chư tử (11), Đường Tống bát đại gia (12). Hàng ngày đọc và nghe giảng nghĩa sách, tập viết chữ hàng sáu, hàng tám. Hàng tuần học làm văn: đối thơ 7 chữ, đối phú 8 chữ, kinh nghĩa, văn sách, chiếu, biểu. Học trò lấy đầu đề đem về nhà làm bài, hôm sau nộp. Thầy chấm xong, lựa các đoạn hay, bài hay, đưa ra bình văn.

Khoảng 15, 16 tuổi trở lên, nếu học giỏi thì lên tỉnh theo chương trình đại tập ở trường quan Đốc học, hay các trường tư của các quan cư tang hay hưu trí, để luyện thi Hương. Năm 1825, đời Minh Mạng, định lệ khóa tập làm văn tiến hành hàng tháng ở nhà Học vào các ngày 3, 9, 17, 25, chiếu theo đầu bài 4 kỳ thi Hương, có yết bảng để khuyến khích. Trước mỗi kỳ thi Hương lại có tổ chức thi thử, làm bài ngay tại trường. Lúc này, người học trò trẻ tuổi đã tạm đủ kiến thức nên được cho đi thi khảo. Trúng tuyển thi khảo thì được gọi là Khóa sinh, được miễn sưu dịch và được đi thi hạch để ghi tên vào danh sách những người có đủ khả năng thi Hương chuyển đệ về bộ Lễ. Trúng tuyển thi hạch thì là Thí sinh, nhưng tùy theo tuổi tác vẫn được mọi người chung quanh gọi là anh Khóa, thầy Khóa, hay ông Khóa, ngoại trừ người thi hạch đỗ đầu thì được gọi là ông Đầu xứ.

Đến ngày Vua xuống chiếu mở khoa thi, anh Khóa sửa soạn lều chõng lên đường. Hành trang gồm có bộ gọng lều và cuộn vải sơn (hoặc giấy dầu) để căng mái che mưa nắng, cái chõng tre và chiếc chiếu để ngồi làm bài, cái yên gỗ để kê quyển lên trên mà viết, cái ống quyển để cất quyển thi, cái bầu be để chứa nước uống, cái tráp sơn để đựng nghiên bút, giấy mực, các thứ lặt vặt như dao kéo, dùi nhọn và chỉ giấy xe tẩm sáp để phòng khi phải đóng quyển mới, vài cây đèn sáp, mồi lửa bùi nhùi, vàng mã và một ít thức ăn làm sẵn. Trước kỳ thi 3, 4 tuần, thí sinh phải nộp cho quan Đốc học 3 quyển thi, trên mặt quyển có ghi rõ tên họ, niên canh, quê quán, và cung khai tam đại. Nếu được vào phúc hạch thì quyển thứ tư sẽ đệ nộp sau. Trước ngày lên đường, bà con họ hàng thường đến thăm và giúp đỡ tiền lộ phí. Trừ những người may mắn ở gần trường thi, đa số sĩ tử phải đi xa, hoặc đi bộ, hoặc đi thuyền, có khi cả nửa tháng trời mới tới nơi thi. Con em nhà giàu đi thi có người nhà đi theo mang hộ lều chõng, con em nhà nghèo phải tự mang lấy. Mỗi lần đi thi là mỗi lần tốn kém,“nhị niên tử tam ngưu” (6), nào tiền ăn, tiền nhà trọ, tiền đò giang, tiền thù tạc, kéo dài hơn cả tháng trời.

Trường thi gồm có: Khu Thí sinh chia làm 4 vi giáp ất tả hữu, khoa nào quá đông thí sinh thì mỗi vi lại chia thành 2 phân vi nhất nhì, chính giữa khu là nhà Thập đạo; Khu Khảo quan chia làm Nội trường dành cho các Sơ khảo, Phúc khảo, Giám khảo, Giám sát Ngự sử nội trường cùng các lại viên, và Ngoại trường dành cho Chánh Phó Chủ khảo, Phân khảo cùng Giám sát Ngự sử ngoại trường và lại phòng; và Khu Đề tuyển (12) nằm giữa Nội trường và Ngoại trường. Trước ngày thi 6, 7 hôm, quan Đốc học chuyển quyển thi đến trường thi. Trước ngày thi 3, 4 hôm, các Khảo quan tiến trường và ăn ở luôn trong trường cho đến khi thi cử xong xuôi. Đề tuyển ngoại trường đóng dấu Diện lên mặt quyển thi, Đề tuyển nội trường đóng dấu Giáp phùng lên giữa trang 2 và trang 3. Các Đề tuyển chia thí sinh ra làm 4 vi, đôn đốc lại phòng đóng sổ ghi số hiệu các quyển thi, và rọc phách, rồi lập danh sách thí sinh từng vi để kịp trước ngày thi 1 hôm treo bảng Yết danh cùng bảng Trường quy (13) trước cửa mỗi vi.

Đến ngày thi, từ đầu canh ba, sĩ tử tụ họp ở cửa trường để nghe điểm danh. Nghe gọi đến tên, thí sinh dạ to rồi mang lều chiếu tiến vào cổng trường để lính kiểm soát, xong nhận quyển và tiến vào vi tìm chỗ cắm lều ngồi làm bài thi. Đến trưa thì cầm quyển lên nhà Thập đạo xin dấu Nhật trung. Nếu cánh quyển (quyển thi bị tì ố phải thay quyển thi mới) thì phải mang theo cả quyển cũ lên nhà Thập đạo để xin đóng dấu Giáp phùng vào quyển mới. Làm bài xong, đếm số tẩy xóa ghi vào khoản Cộng quyển nội rồi đem nộp quyển cho Đề tuyển ở nhà Thậo đạo. Bấy giờ người thí sinh mới dọn dẹp đồ đạc, nhổ lều ra về, chờ kết quả. Nếu trúng tuyển thì được vào thi trường kế tiếp, mọi chuyện lại diễn tiến y như lần trước, chỉ duy số lượng thí sinh thì giảm xuống hơn nửa phần. Nếu trót lọt cả 3 trường, nghĩa là tổng số điểm từ 40 trở lên thì được vào phúc hạch (14). Trước ngày thi phúc hạch 1 hôm, thí sinh phải đến trường nộp 1 quyển thi mới cho Đề tuyển. Lúc này vào được trường 4, thí sinh còn rất ít, mà khoa danh cũng đã gần kề, không Cử thì cũng Tú.

Thí sinh vào phúc hạch thì làm 1 đạo Văn sách, 1 bài Phú, và 1 bài Luận quốc ngữ. Được từ 7 điểm trở lên thì đỗ Cữ Nhân. Thí sinh vào phúc hạch không đỗ được Cử Nhân, và thí sinh đã thi 3 trường có tổng số điểm từ 30 đến 39, tất cả được xếp vào hàng Tú Tài để theo thứ tự lấy đỗ theo lệ nhất Cử tam Tú. Việc công bố danh tánh các ông Cử Nhân tân khoa được diễn ra ở cổng trước trường thi và gọi là lễ xướng danh. Sau đó, trường cho yết bảng Cử Nhân (Hổ bảng) ở cửa vi Giáp và bảng Tú Tài (Mai bảng) ở cửa vi Ất. Người đỗ đầu cử nhân được dân
 chúng gọi là Thủ khoa hoặc Giải nguyên. Các Cử Nhân được ân tứ mũ áo, vải vóc, tiền bạc, và được ban yến Lộc minh. Trước khi dự tiệc, các vị tân khoa làm lễ bái vọng nhà vua và lễ bái tạ các khảo quan tại Thí viện, hoặc tại Hành cung, hoặc tại dinh Tổng Đốc. Sau đó, mỗi vị được quan Tổng Đốc tặng 1 cái lọng xanh để vinh quy bái tổ. Về tới bản quán, vị tân khoa vào chào quan huyện sở tại rồi được hương lý và thân thuộc rước về làng làm lễ bái tổ ở từ đường, bái tạ Thành hoàng và Thánh sư ở đình miếu, và dự tiệc khao vọng. Khao vọng là chuyện không thể thiếu. Tục ngữ có câu: “Vô vọng bất thành quan”.Vị tân khoa được mọi người trọng vọng gọi là quan Cử. Thế là anh Khóa đã trở thành ông Quan, cho bõ công tình mười năm đèn sách, và khỏi phụ lòng kỳ vọng của người vợ tấm cám đã “chẳng tham ruộng cả ao liền, tham vì cái bút cái nghiên anh đồ”.




V. Tiến vi Quan, thoái vi Sư.

Quan Cử có thể tiếp tục dùi mài kinh sử để năm sau lều chõng đi thi Hội, hoặc nằm chờ sắc chỉ bổ dụng làm quan, thông thường là Huấn đạo, Giáo thụ ở phủ huyện, hay chức Hành tẩu ở Lục Bộ, vào hàng thất, bát phẩm, với hàm Hàn Lâm viện Đãi Chiếu, hoặc Cung Phụng (15). Trừ những trường hợp đặc biệt, hoạn lộ của người đỗ Cử nhân thường được gọi là Hương khoa Huyện lệnh, nghĩa là chỉ làm đến Tri huyện Tri phủ là cùng. Phải đi thi Hội thi Đình để đậu Đại khoa, nhiên hậu mới làm tới Đại thần.

Trước kia, vào đời Lê, những người đỗ Tiến sĩ được chia làm Cập đệ, Chánh bảng, và Phụ bảng. Đến năm 1484, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cải gọi là Tiến sĩ Cập đệ, Chánh bảng là Tiến sĩ Xuất thân, và Phụ bảng là Đồng Tiến sĩ Xuất thân. Sang triều Nguyễn, mãi đến năm 1822, đời Minh Mạng mới mở khoa thi Hội đầu tiên, và sau kỳ Điện thí, vì là ân khoa, những người trúng tuyển chỉ còn được phân làm 2 hạng Tiến sĩ và Đồng Tiến sĩ xuất thân. Từ khoa Hội thí năm 1829, bài thi Hội được chấm theo phân số tính từ 1 đến 10. Không được 1 phân là liệt, bị loại ngay. Đỗ cả 3 kỳ với tổng số điểm từ
10 phân trở lên được xếp vào Chánh bảng. Đỗ cả 3 kỳ với phân số từ 4 đến 9, và đỗ 2 kỳ nhưng phân số được 10 phân trở lên thì được xếp vào Phó bảng, cũng được vào Đình thí, nhưng không phải là hàng Giáp đệ (16). Trước kia, chỉ có Cử nhân chưa ra làm quan mới được đi thi Hội. Từ khoa Hội thí năm 1884, đời Thiệu Trị, có định lệ cho Giáo thụ và Huấn đạo do Cử nhân xuất chính, và các Giám sinh và Tú tài xuất thân được dự thi Hội. Từ năm 1850, đời Tự Đức, định lại lệ thi Hội 4 trường, đỗ cả 4 trường thì được vào Đình thí, nếu bài Đối sách được 4 phân trở lên thì đỗ Giáp đệ, được 3 phân trở xuống là Phó bảng.

Như vậy, rõ ràng có sự khác biệt giữa Phụ bảng đời Lê với Phó bảng đời Nguyễn. Phụ bảng đời Lê vẫn thuộc hàng Giáp đệ. Phó bảng đời Nguyễn thời Minh Mạng là đỗ vớt Hội thí, tuy được vào thi Đình, nhưng được xếp vào bảng riêng, không được truyền lô, không dự vào hàng Giáp đệ. Phó bảng đời Nguyễn cuối triều Tự Đức được quyết định trong kỳ thi Đình. Lại còn có vấn đề nhập nhằng trong ngôn ngữ dân gian về danh vị “quan Bảng, cụ Bảng”. Quan Bảng, Cụ Bảng đời Nguyễn là Phó bảng chứ không phải là Bảng nhãn đời Trần và Lê sơ. Ngoài ra còn có sự khác biệt giữa “quan nghè” của miền Bắc với “thầy nghè” của vùng Huế. Quan nghè là người đỗ Tiến sĩ. Thầy nghè là Thừa phái ở Lục Bộ và phủ huyện. Người đỗ Đại khoa sau khi vinh quy bái tổ là được bổ dụng ngay, Phó bảng đi Tri huyện, hàng lục phẩm, Tiến sĩ đi Tri phủ, hàng ngũ phẩm, rồi từ đấy hoạn lộ thênh thang, thường thường lên đến ngôi vị Đại thần đứng đầu một địa phương (Tổng đốc) hay lương đống ở chốn triều miếu (Thượng thư).

Nhưng tiến trình sự nghiệp của người theo học đạo Nho không phải duy nhất chỉ có mỗi một hướng “tiến vi quan”. Thật vậy, tôn chỉ của đạo Nho không phải giản đơn là gắng học để thi đỗ ra làm quan (17), mà  chủ  yếu  là học  tập  đạo lý  Thánh Hiền để rèn luyện bản thân nên người vừa có kiến thức, vừa có đạo đức, để “tùy thời xuất xử”. Gặp đời thịnh trị, lương tể minh quân, người theo học đạo Nho ra tay kinh bang tế thế, giúp vua trị nước, biết xem nhẹ quyền lợi riêng tư để dốc lòng chăm lo phúc lợi đại chúng. Nhà Nho hiển đạt “biết lo trước cái lo của thiên hạ, và chỉ vui sau cái vui của thiên hạ” (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Gặp đời suy đốn, tôi nịnh vua hèn, người theo học đạo Nho “thoái vi sư”, nghĩa là lui về ở ẩn, cam phận hàn nho, mở trường dạy học, rèn luyện môn đồ vun trồng nghĩa khí sĩ phu, giữ gìn tiết tháo người quân tử, biết tôn trọng thầy, biết hiếu kính cha mẹ, biết phép tắc lễ nghi, biết trước khi học văn phải lo học lễ, không xu phụ kẻ quyền thế, không ruồng rẫy vợ tao khang, không bỏ rơi bạn nối khố thuở hàn vi, và nhất là luôn luôn giữ mình theo chính đạo,“giàu sang không hoang dâm, nghèo hèn không đổi chí, uy vũ không chịu khuất” (phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất).

Tiến vi quan có nghĩa là ra làm việc với triều đình, thụ hưởng ơn vua lộc nước. Thoái vi sư là lui về mở trường dạy học trò, đứng ngoài hệ thống triều chính. Bởi vậy, những vị học quan phụ trách việc dạy học trò như Huấn đạo, Giáo thụ, Đốc học, Tư nghiệp, Tế tửu, Phụ đạo, vẫn là những vị tiến vi quan. Mặt khác, những vị thoái vi sư không nhất thiết là những ông quan từ nhiệm, mà bao gồm cả những ông quan hưu trí, cư tang, những người học giỏi nhưng ở ẩn không đi thi, và những người lận đận trường ốc. Có thể kể một vài vị thoái vi sư nổi tiếng: cáo quan như Chu Văn An đời Trần, cáo lão như Nguyễn Bỉnh Khiêm đời Mạc, ẩn dật như La sơn phu tử đời Tây sơn, hưu trí như Nguyễn Khuyến, cư tang như Nguyễn Đình Chiểu, lận đận trường ốc như Trần Tế Xương đời Nguyễn. Ngoại trừ các vị Khoa bảng mở các buổi bình văn theo chương trình đại tập, các vị thoái vi sư mở lớp dạy học trò được người đời gọi là Thầy Đồ.

Thầy Đồ ngồi dạy học tại tư gia các phú hộ, được nuôi cơm và cung ứng quần áo, hoặc có thể mở trường tư tại nhà riêng. Thầy Đồ có thể có cùng lúc một số học trò có trình độ khác nhau: học vỡ lòng, học chương trình ấu học, tiểu tập, hoặc trung tập. Thầy Đồ thường chọn trong số học trò theo học một người lớn tuổi và học khá nhất làm Trưởng Tràng, giúp đỡ Thầy Đồ trong việc trông nom kềm cặp các học trò học vỡ lòng hoặc học kém. Thầy Đồ nào cũng có một cây roi mây dài để phạt học
trò. Bổng lộc của Thầy Đồ rất khiêm tốn. Tiền học mỗi học trò trả cho Thầy Đồ mỗi năm chỉ 4, 5 quan tiền, ngày tư ngày Tết thì tùy hỉ, con gà, dĩa xôi, chiếc bánh, be rượu, hậu bạc thế nào cũng xong, chỉ cốt đủ lễ nghĩa. Bởi vậy, Thầy Đồ thường kiêm thêm nghề bốc thuốc, và viết mướn đối liễn. Thầy Đồ nuôi nổi




thân mình đã là may, việc con cái, nhà cửa đều trút hết lên vai bà Đồ. Tuy nghèo nhưng Thầy Đồ rất mực quan tâm tới việc giữ gìn phẩm hạnh, vừa để xiển dương đạo lý Thánh Hiền, vừa để làm mẩu mực cho học trò noi theo, vì vậy, Thầy Đồ rất được mọi người quý trọng.

VI. Kết Luận.

Trên tiến trình sự nghiệp của người học chữ Nho trong xã hội phong kiến thời trước, Thầy Đồ là vị trí trung gian giữa Anh Khóa và Ông Quan. Lúc còn trẻ, Anh Khóa “niên thiếu công danh” thi đỗ, tức khắc trở thành Ông Quan. Anh Khóa trong lúc hăm hở dùi mài kinh sử để tiến vi quan đã có lúc tạm làm Thầy Đồ. Lúc lớn tuổi, thi mãi không đỗ, Anh Khóa trở thành Ông Khóa “lạc tri thiên mệnh” (vui biết mệnh trời), cam lòng thoái vi sư, tiếp tục làm Thầy Đồ. Ông Quan rong ruỗi trên hoạn lộ, gặp phải thời thế không thuận lợi, hoặc giả đến lúc lớn tuổi, ngựa nản chân bon, bèn quyết chí thoái vi sư, cáo quan lui về dạy học, tuy không ai gọi là Thầy Đồ, nhưng trong thực tế đúng là Thầy Đồ. Thành thử, Anh Khóa, Thầy Đồ, Ông Quan, cả ba tạo thành cái thế chân vạc thành phần của một giai cấp xã hội gọi là sĩ phu hay kẻ sĩ. Kẻ sĩ đứng đầu tứ dân trong xã hội cũ. Ở chốn triều miếu, kẻ sĩ là chính cương chính sách, là mưu lược trị quốc an dân. Ở nơi hương đảng, kẻ sĩ là mẩu mực đạo đức luân thường, là ngọn đuốc soi sáng chính đạo và hướng dẫn công luận. Kẻ sĩ được từ Vua đến Dân quý trọng và nghe lời. Được vậy là vì kẻ sĩ theo học đạo Nho. Kẻ sĩ là nhà Nho, chứ không giản đơn chỉ là người được đào tạo để ra làm quan. Cho dù là hàn nho, hiển nho, hay ẩn nho, nhà Nho là người theo học đạo Thánh Hiền từ tuổi ấu thơ, và suốt đời chăm chăm chú chú xiển dương và truyền bá cái tinh hoa trong sách vở Thánh Hiền.

Ngày nay, nhân loại đã bước qua khỏi thời kỳ phong kiến nông nghiệp, nhà Nho trở thành lỗi thời. Tuy vậy, nhắc lại vài điểm chính yếu của tổ chức học hành thi cử chữ Nho thời trước cũng là một việc hay, bởi lẽ trong vô số những điều mà người hôm nay trích dẫn ra để phê phán người xưa vẫn có rất nhiều điều có thể bổ khuyết cho việc đào luyện tư cách con người và hoàn thiện cấu trúc xã hội hôm nay và ngày mai.

                                                Tháng tư, 2004

                                           Minh Vũ Hồ Văn Châm


Chú giải:
1.                          Lý Tế Xuyên. Việt Điện U Linh Tập. Bản in lại từ báo Nhân Dân Điện tử ngày 14/04/2002.
2.                          Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Khoa Cử Việt Nam. An Tiêm xuất bản. Paris 2002.
3.                          Lê Tắc. An Nam Chí Lược. Ủy Ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại Học Huế, 1961.
4.                          Phạm Đình Toái và Cao Xuân Dục. Quốc Triều Hương Khoa Lục. Bản dịch của Hà Mai Phương, Mai Hiên xuất bản, Santa Clara, CA, 1980.
5.                              Minh Vũ Hồ Văn Châm. Vụ án văn học Lệ Chi Viên. Tập san Định Hướng số 27, Mùa Hè 2001. Trung tâm Văn hóa Nguyễn Trường Tộ, 13G rue de l’Ill, 67116 Reichstett, France.
6.                          Vũ Phương Đề. Công Dư Tiệp Ký. Bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn 1961 & 1962.
7.                        Nguyễn Thị Chân Quỳnh. Lối Xưa Xe Ngựa. An Tiêm xuất bản. Paris 1995.
8.                        Trần Gia Phụng. Thi cử tại Huế trước thời Quốc Học. Giai phẩm Xuân Giáp Thân 2004 Quốc Học-Đồng Khánh Bắc California, CA, USA.
9.                        Lê Trọng Ngoạn, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công Lý. Lược Khảo và Tra Cưú về Học chế - Quan chế ở Việt Nam từ 1945 về trước. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội 1991.
10.                    Vial Paulin. Nos premières années au Tonkin. Voiron 1889.
11.                    Tứ Thư là Đại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử.
               Ngũ Kinh là Dịch, Lễ, Thi, Thư, Xuân Thu.
Bắc sử là sử Trung Quốc, Nam sử là sử nước ta.
Bách gia chư tử là gọi chung các học giả, triết gia liên hệ đến đời sống chính trị và văn hóa Trung Quốc ngày trước: Mặc Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, Lý Tư, Dương Tử, Lão Tử, Trang Tử.
Đường Tống bát đại gia là Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên đời Đường; Âu Dương Tu, Vương An Thạch, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng đời Tống.
12.          Đề tuyển, còn gọi là Đề điệu, thời Lê và Nguyễn sơ, là Chánh khảo. Từ năm 1828, đặt thêm các chức Chánh Phó Chủ khảo, Đề tuyển chỉ phụ trách việc lập danh sách thí sinh, ghi số hiệu, rọc phách, phát quyển, thu quyển, chứ không dự vào việc chấm thi.
13.          Trường quy là những luật lệ thi cử mà thí sinh phạm phải thì bị đánh hỏng và nhiều khi còn bị tù tội: kỵ húy, khiếm tị, khiếm trang, khiếm đài, khiếm cung, bất túc, bất cập, duệ bạch, bạch tự, di tự, đồ bất thành tự, tì ố, dấu nhật trung, dấu giáp phùng, thiệp tích, cộng quyển nội, ngoại hàm.
14.          Căn cứ vào thể lệ cải cách của khoa thi năm 1909, việc thi cử bắt đầu thuộc thẩm quyền bộ Học. Trước năm 1907, Duy Tân nguyên niên, là năm lập thêm bộ Học, việc thi cử do Tân Hưng Ty bộ Lễ đảm trách.
15.          Quan chế nhà Nguyễn phân biệt rõ ràng chức, tước, phẩm, hàm. Thí dụ:
               Chức: Huấn đạo, Tri huyện, Lãnh binh, Án sát, Bố chính, Tiễu phủ sứ, Tổng đốc, Đô thống, Ngự sử, Tế tửu, Thượng thư v.v.
               Tước: Vương, Công (Quốc công, Quận công, Huyện công), Hầu, Bá, Tử, Nam.
               Phẩm: Từ Cửu phẩm đến Chánh Nhất phẩm, chia ra Văn giai và Võ giai.
               Hàm: Đãi chiếu, Cung Phụng, Biên tu, Tu soạn, Thị độc, Thị giảng, Hồng lô tự khanh, Thái thường tự khanh, Hiệp tá, Đông các, Võ hiển, Văn minh, Cần chánh v.v.
16.                Giáp đệ là Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp (còn gọi là Hoàng giáp), và Đệ tam giáp. Triều Nguyễn không lấy Đệ nhất giáp đệ nhất danh, chỉ có Đệ nhất giáp đệ nhị danh và Đệ nhất giáp đệ tam danh.
17.                 Nguyễn Gia Kiểng. Tổ Quốc Ăn Năn, Tác giả Xuất bản, Paris 2001. Nguyễn Gia Kiểng đã nặng lời khi đề cập đến thân phận kẻ sĩ vì lẫn lộn (sĩ trong kẻ sĩ) với (sĩ là người làm quan)  được viết có thêm bộ  nhân đứng. 








No comments: