Monday, September 10, 2012

SƠN TRUNG * YÊU GÁI ĐẸP

YÊU GÁI ĐẸP



Cậu Tám Bạc Liêu là con nhà giàu, đẹp giai, học giỏi, là thần tượng của hàng trăm, hàng ngàn thiếu nữ trong vùng. Cậu Tám cũng là tay chơi bời hào hoa, lão luyện. Bất cứ nơi nào có danh ca, danh kỹ là cậu tìm tới, bỏ ngàn vàng mua lấy trận cười. Cậu đã chán chê giai nhân thành phố Hoa Lệ, sang chơi bên Đông Kinh, Thượng Hải và Luân Đôn nhưng không nơi nào cầm được bước chân giang hồ của cậu.

Một hôm, cậu ra chơi đất Thuận Hóa, lên núi Túy Vân viếng chùa Tuý Vân. Sau khi lễ Phật, cùng tiểu đồng ra sau chùa ngắm cảnh, cậu thấy hai cô gái bước vào chùa, một một cô gái yếm thắm, áo tơ tằm vàng nõn, một cô yếm trắng, áo hồng bước vào lễ Phật. Cô yếm thắm coi xinh tươi hơn cô yếm trắng. Cả đời cậu đã thấy nhiều giai nhân nhưng không ai làm cậu say đắm như cô nàng yếm thắm. Cậu chờ hai cô lễ Phật xong thì sẽ đến làm quen nhưng vừa ra khỏi chùa thì bỗng chốc hai cô biến mất. Cậu trở vào buồn bã, không biết than thở cùng ai, và hỏi han ở đâu!

Cậu vẫn nấn ná ở lại chùa mười ngày, rồi nửa tháng, một tháng mà vẫn không thấy cô yếm thắm trở lại chùa. Cậu phải trở về Bạc Liêu. Nhưng hồn cậu ở Thuận Hóa. Cậu nhớ cô yếm thắm. Câu say mê như điên. Cậu nhờ một họa sĩ vẽ hình giai nhân. Cậu tả người cho họa sĩ vẽ truyền thần. Chàng tả từng ánh mắt, nụ cười, gò má, khuôn mặt. Họa sĩ cứ theo đó mà vẽ. Nếu không giống thì vẽ lại cho đến khi giống mới thôi. Người họa sĩ phải vẽ đi, vẽ lại hàng trăm, hàng ngàn lần thì cậu mới được một bức tranh giống như giai nhân trong mộng. Cậu bỏ ăn, bỏ uống, bỏ cả ngủ , say mê ngồi ngắm nghía người đẹp. Cha mẹ cậu tính cưới vợ cho cậu nhưng cậu cự tuyệt. Họ tổ chức các cuộc gặp mặt nhưng cậu từ chối. Cậu tuyên bố chỉ có cô yếm thắm ngoài Thuận Hóa mới là giai nhân, ngoài ra thiên hạ không có ai là đàn bà nữa! Cậu luôn nói với mọi người rằng cô yếm thắm là người yêu lý tưởng của cậu. Cậu chỉ yêu giai nhân trong tranh, thề không lấy vợ. Cha mẹ, anh em của cậu buồn rầu, lo lắng, cho là cậu ra Trung trúng ma Hời.

Một buổi chiều kia, cậu đang ngồi đọc sách trong chùa Tuý Vân thì thấy cô yếm thắm bước vào chùa lễ Phật. Thấy nàng lễ Phật xong, cậu vội chạy lại chào hỏi nàng. Nàng quay mặt không trả lời. Cậu chạy theo năn nỉ, ỉ ôi. Nàng nghiêm mặt mà nói:- "Thiếp biết chàng có cảm tình với thiếp, luôn tưởng nhớ đến thiếp. Thiếp xin cảm ơn tấm hảo cảm của chàng. Nhưng thiếp không phải loài người như chàng mà là loài Hồ. Thiếp xin chàng hãy quên thiếp, vì đôi ta khác chủng loại, không thể sống với nhau".
Nói xong, nàng khóc mà bỏ đi. Tỉnh dậy, té ra đó chỉ là một giấc mộng.

Cha mẹ cậu phải mời thầy trừ tà mà vẫn không lành. Cha mẹ cậu mới tính phương án khác là gửi cậu sang Pháp Lan Tây du học cho khuây nỗi buồn. Ở bên đó cậu cũng vui thú khiêu vũ và đi du lịch khắp nơi nhưng cậu vẫn nhớ quê nhà cho nên cậu lại trở về Bạc Liêu.

Vài năm trôi qua nữa. Trong Bạc Liêu có gia đình họ Phan vốn là một điền chủ giàu ngang ngửa với gia đình cậu Tám, có cô con gái rất tươi thắm tên là Bích Ngọc, tuổi độ mười tám, học trường Áo Tím ở Thành Đô. Nhiều nhà danh giá cho mối mai đến thăm dò đều bị từ chối. Cô ta ngang nhiên tuyên bố phải là người nhà giàu, đẹp giai, học giỏi như cậu Tám mới lấy.

Nghe tin người đẹp tuyên bố như vậy, cậu Tám lấy làm cảm động, bèn thuận tình cho người mối sang thăm hỏi. Nhà gái bằng lòng và đám cưới được tổ chức sau đó vài tháng. Quả thật Bích Ngọc rất đẹp, có thể là nói đẹp hơn cô yếm thắm ngoài Trung vì nàng có cái đẹp tươi thắm, tự nhiên và hiền hậu của các cô gái quý phái Miền Nam.

Nhưng vì cô gái đẹp nên Cậu Tám quá yêu, không rời nửa bước. Cậu luôn ngồi bên nàng, ngắm nàng, ôm nàng, hôn nàng, và cầm tay nàng. Cậu giữ rịt trong nhà không cho vợ đi đâu cả, dù là đi chợ. Cậu không cho vợ về thăm cha mẹ . Vợ phải van xin thì chàng giang tay từ nhà ra kiệu không cho ai thấy nhan sắc của nàng. Khi vợ lên kiệu thì cậu đích thân bỏ rèm xuống che kín. Rồi cậu cưỡi ngựa theo sát phía sau, đến chiều tối thì giục về cùng mình. Cô vợ bực mình nói :-"Thiếp mà lăng nhăng thì chàng cấm cản được à?”
Cậu tức tối mà im lặng.

Một hôm, cậu Tám có việc phải lên quan, khi ra khỏi nhà thì khóa cửa nhốt nàng trong phòng, khiến cho vợ càng càng chán ghét. Hôm khác, nhân cậu đi ăn giỗ ở họ đại tông, người vợ bèn thay khóa phòng, khóa cỗng, cố ý làm cậu nghi ngờ. Khi cậu về, nhìn thấy cả giận, hỏi ống khóa lạ này ở đâu ra, người vợ bực bội nói không biết, cậu càng ngờ vực và tức tối nhiều hơn.

Một hôm cậu Tám đi xa về nhà, rình nghe hồi lâu rồi mở khóa vào nhà, sợ có tiếng động nên rón rén vào phòng. Thấy có người đàn ông đội nón lông điêu nằm trên giường, tức giận cầm dao xông vào chém chết. Nhìn kỹ lại thì ra vợ mình ngủ trưa sợ lạnh, lấy cái khăn lông điêu trùm kín mặt, chứ không phải có người đàn ông nào. Thấy vợ chết, cậu hoảng hốt và ăn năn.

Nhà vợ bèn kiện lên quan. Quan tước bỏ khăn áo học trò, đóng gông giam lại. Cha mẹ cậu phải bán điền sản hối lộ khắp cả trên dưới mới khỏi tội chết. Vì việc này, song thân cậu buồn bã theo nhau mà xuống suối vàng. Còn cậu từ đó tinh thần hoảng hốt, như tỉnh như say. Một hôm đang từ ngoài bước vào phòng, câu bỗng thấy vợ mình lõa lồ ôm ấp một người đàn ông trên giường, cậu bèn cầm dao chém cả hai nhưng họ đều biến mất. Định bước ra ngoài phòng, lại thấy hai người vẫn ôm nhau trên giường, tức giận quá cầm dao chém xuống giường, đứt nát cả chăn nệm, nhưng cả hai khúc khích cười mà bỏ chạy như chơi trò cút bắt. Cậu bèn ngồi lên giường cầm dao chờ đợi, Ngồi mãi mỏi mệt, cậu định nằm xuống thì cả hai lại ôm nhau nhảy nhót trước mặt, cậu nhỏm dậy phóng đao thì cả hai cười khanh khách mà bỏ đi. Ngày nào cảnh tượng cũng diễn ra như thế, chỉ khác nay thì người đàn ông rậm râu, mai thì chàng thanh niên mặt trắng, bữa khác lại là một người đàn ông to cao ôm ấp, hành lạc với vợ chàng, hoặc đứng, hoặc nằm trước mặt chàng. Cậu chịu không thấu bèn bán hết nhà cửa ruộng vườn, tới ở khu khác. Một đêm có bọn trộm vào, lấy hết vàng bạc, tiềng nong mang đi. Từ đó cậu trở nên bần cùng, đau khổ, và uất hận , dần dần mà chết, người làng phải đem cậu ra đồng chôn vào đám đất hoang dành cho những người vô gia cư hoặc vô thừa nhận..

***

No comments: