Monday, September 10, 2012

NGUYỄN PHƯƠNG MINH * BÚI GIÁNG

Nguyễn Phương Minh

BÙI GIÁNG

   Ông ngon lành hơn tất cả các triết gia đó nhiều. Ngay giưã một xã hội đày đọa và kiểm soát con người chặt chẽ nhất, ngay ở một nơi chốn mà lối sống ngụy tín trở thành rất thực vàu mực, ngay trên những hè phố SàiGòn mà những tưởng đầu đường thương xó chợ / Nào ngờ xó chợ chẳng thương nhau, Bùi Giáng vẫn sống tự do, tự do tuyệt đối :







LTS: Chớp Biển là tập thơ mới nhất của Bùi Giáng in ở hải ngoại. Thân nhân Bùi Giáng đã phát hành tập thơ này để kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông. Tập thơ dày 170 trang, in trên giấy tuyệt đẹp tại VINAGRAPHICS ở Toronto, Canada [Tel&Fax: (416)537-6927], nạp lưu chiểu với số ISBN 0-9682954-0-1 của La Giang Publishings; và có lẽ là tập thơ đầu tiên và duy nhất có những tư liệu chính xác về tác giả - các tư liệu ở mức độ gia phả -, có những bài thơ mới nhất của ông, cùng các bài thơ ông sáng tác trong quá khứ nhưng chưa từng in. Mọi chi tiết về tập thơ, xin bạn đọc liên lạc về: ANAHILLS, 1055 Dewcrest Drive, Anaheim, CA 92808; điện thoại: (714) 281-2934, Fax: (714)280-1204.

***

Một đời đâu chốn đâu nơi
Đâu người đi kẻ ở đời đâu đâu
Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm
Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?
(Một Đời)


Từ trăm năm nào?


Câu chất vấn muôn thuở. Câu chất vấn lực-đẩy của cuộc chơi hàm-hỗn-và-nghiêm-trọng Bùi Giáng. Câu chất vấn hồi tác (feedback) của cuộc định hướng mùa Xuân năm nào từ những thập niên 60 của Mưa Nguồn:


Xin chào nhau giưã con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Để rồi đồng vọng vào năm 1995 với:
Tôi từ xa lắc mộng trường
Về ăn một trái mười phương tôi chào


Để rồi, ở đây, vào cuối thập niên 90, cái đi rất mực cụ thể lại được khởi từ chốn thực ảo (virtual reality) tỉnh mộng đầu, cái ở cũng rất-mực-hôm-nay lại được cho yên vị hài hòa bên sầu trăm năm. Cái đời rất hiện-tiền lại được nhìn-vào-tận-mặt với tất cả nỗi xao xuyến lo âu của nó (anxiety theo thuật ngữ của Heidegger). Và tất cả là để thực hiện t i ế n t r ì n h p h i ê u b ồ n g l ữ t h ứ t h ờ i - t í n h - h ó a (temporalization) q u a k i n h n g h i ệ m M ư a N g u ồ n, C h ớù p B I ể n. Cuộc thời tính hóa gần 40 năm, Từ mưa nguồn tới chớp biển xanh(Chớp Biển), Từ cổ lục tới tân thanh lẩy bẩy (Rồi có lúc); cuộc thời tính hóa đem cái chớp biển nọ mà làm nên đủ một cõi trăm năm, để rồi khi cần phải giải tỏ thì đã:


Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng
(Giải Tỏ Cái Điên)


Tại sao thế?


Tại sao phải dấn liều một trận máu me tiêu tan tinh thể nhà ma như thế?


Đời vốn như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giầu, giầu nhiều, giầu nưã; trong bao năm, chúng ta trồng cây tiả hột, nhưng ngày tháng trôi qua, năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu từng người rơi rụng mất. Bóng tùng quân nghìn tầm siêu đổ, cái con người trơn trụi sẽ còn nghe rõ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất. (Cõi Người Ta, tr. 45)


Nghe rồi nó xao xuyến! Nghe rồi nó lo âu! Nghe rồi nó ưu tư!


Té ra đời lỗi muôn vàn, nó lẩm bẩm té ra ta sẽ không tránh khỏi bị co rúm vào ... khoảng không, té ra cái ta ôm, cái ta cho là ta, ở trong ta, thuộc về ta, cuối cùng rất có thể là không thật, là không là gì cả, là không, là ... cũng chỉ là trăm năm một nấm cỏ khâu xanh rì. Nó sợ, vì cái diệt-phải-đến của từng mối yêu thương của nó, của từng tụ-bám-víu của nó, như là mũi tên đâm thẳng vào cái sâu thẳm nhất của nó, cái sâu thẳm tôi là. Nó lo âu, vì cái mâu thuẫn hấp hối giữa cái tôi là tưởng chừng còn mãi lại rất mực chông chênh dựa trên một nền mà trong đó đã phục sẵn mầm hủy hoại.


Kính em
từ biển non gần
Tới xa lạ của tử phần rỗng tuênh
(Gửi Tặng Tặng)


Nhưng, nếu nó là con người-không-đích-thực (the unauthentic man theo thuật ngữ của Heidegger), thì nó chỉ sợ từng cơn (lúc cái chết thì thầm vào tai nó khi người thân của nó chết ... ), và thay vì đối diện với nỗi lo âu, nó chạy trốn. Nó sa đọa. Nó tự tan biến vào đám đông. Nó tị nạn nơi những gì được chấp nhận chung quanh nó. Nó gia nhập hội đoàn này, đảng nọ, lấy căn cước của tổ chức làm căn cước của chính nó (theo nghiã này, người cộng sản là người-không-đích-thực ... ngoại hạng, vì họ có cả một chủ nghiã để chạy trốn chính con người của họ, để biện minh cho sự vay mượn căn cước, cho sự chạy trốn khỏi lo âu, để đưa sự ngụy-tín lên làm mẫu mực sống). Người không-đích-thực sống theo khuynh hướng chung, theo người-ta, cho dù đó là mốt ăn mặc, cách trang điểm, một bản nhạc thịnh hành. Nó bị cuốn hút vào đám đông. Nó đắm chìm vào đủ mọi loại dự án. Nó luôn bận rộn, bận rộn ngay cả lúc nghỉ ngơi, mệt nhoài ngay cả lúc đi nghỉ hè. Nó không bao giờ bằng lòng với cái nó có. Nó muốn thêm nưã, nhiều thêm nưã, để bù đắp vào khoảng trống trong nó, khoảng trống mà nó sợ vô cùng phải đối diện. Nó tự đánh lừa nó về cái còn-mãi của nó. Nó sửa sắc đẹp. Nó chạy theo thời trang. Nó cố khoác lên nó bề ngoài trẻ trung. Nó tìm cái hiện hữu của nó nơi người khác. Nó bận rộn, vô cùng bận rộn, tùm lum bận rộn. Nó quàng vào người nó đủ mọi thứ dây mơ rễ má ở đời để ... tìm quên, để khỏi phải đối diện với vực sâu trong chính nó: bỏ đi tất cả những ràng buộc ở ngoài, nghề nghiệp, cái xe, nhà cửa, người thân, người tình, bạn bè ... nó là gì? nó còn gì? ... khi cái chết đến?


Đi về với gió phù du
Mở trang mộng mị cho mù sa bay
(Với Gió Phù Du)

Con người-đích-thực (the authentic man theo thuật ngữ của Heidegger) không sống như thế. Nó biết rõ cõi-người-ta không làm nên cõi-nó; rằng chính nó - qua tiến trình sống mà nó thể nghiệm - tạo nên cõi-nó và cõi-nó tạo nên nó. Nó - và chỉ một mình nó - hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự làm nên nó và cõi-nó. Và vì cõi-nó được hình thành qua nó, từ những kinh nghiệm của riêng nó, nên cõi-nó chỉ có giá trị với nó, và không thể được đại cương quá thành một cõi siêu nhiên nào đó, để rồi bắt mọi người phải quy về. Nó ghi nhận sự hiện diện của cõi-người-ta nhưng nó để cõi-người-ta trong ngoặc kép. Nó chìm đắm trong cõi riêng của nó và nó tự tìm trong cõi riêng của nó. Tất cả đè nặng lên nó. Cái nặng vô cùng ở mỗi lúc của dòng-sống-nó. Cái nặng mà khả thể nhẹ-lắm là rất thực, ở mỗi lúc đã qua, ở lúc chết. Cái nặng làm con người đích-thực sợ, nhưng cái nhẹ làm nó lo âu. Nó nhìn thẳng vào lo âu. Nó ưu tư. Và nó biết nó ưu tư. Một mình. Nó ý thức trong từng chặp của cuộc sống cái mâu thuẫn căn bản của kiếp người, cái mâu thuẫn giưã cái tôi còn và cái nền tảng thoáng qua của nó:


Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
Người có nghe tang hải réo vô thường?
(Hoàng Hôn Vẽ Bóng)


Dụm dành riêng của trăm năm
Rồi ra muôn một trăng rằm lửng lơ
(Tặng Kỹ Nữ /II/)


Nó rõ lắm cái giá trị vô cùng của giây phút nó đang sống, nhưng nó cũng cười cợt vì rằng mười ngàn năm đã qua là vô cùng nhẹ như cách nói của Kierkegaard.
Nhẹ quá không kham nổi. Không kham nổi! Nó ưu tư. Nó biết nó ưu tư. Nó xao xuyến. Nó biết nó xao xuyến. Nó khảo sát nó, nó cảm nhận nỗi xao xuyến một cách tỉnh táo. Nó treo lơ lửng cái mâu thuẫn mãi-thoáng của kiếp người người trước mặt nó. Nó sống thi thiết với nỗi xao xuyến, không thuần-buồn-khổ mà cũng chẳng chỉ-cười-cợt, mà đối diện nó một cách bi-hài (lại cũng như cách nói của Kierkegaard). Chính cái mâu thuẫn này của kiếp người - cái mâu thuẫn được con người đích-thực cảm nhận trong nỗi xao xuyến tỉnh giác - là gốc nguồn của bi và hài trong các diện của đời sống hàng ngày Cái bi-hài của tình trạng thế nhân được con-người-đích-thực dự cảm trong nỗi trở trăn khải ngộ của mình là cội nguồn của mọi nỗi bi và hài trong từng cấp độ cuộc đời thường. Và như thế nó không đắm chìm trong khổ đau và cười cợt, nó không chết ngộp trong cái bi và cái hài của cuộc sống, mà nó sống cái bi cái hài đó. Khi bi thảm, nó biết nó bi thảm. Khi cười cợt , nó biết nó cười cợt. Nó khóc than trong ý thức tỉnh giác về cái cười cợt dấu mặt; nó vui đùa, nhưng biết-lắm về cơn sầu khổ chực trào. Khóc và cười bù đắp cho nhau và làm nên đủ một cõi trăm năm.

*
* *

Đã thế thì thử có gì lạ lắm không khi Bùi Giáng đặt việc chăn nuôi bên cạnh sự chuyển động của Long Thọ nơi Trung Quán:


Làm thơ như thể chăn trâu
Chăn bò, chăn ngựa, ngõ hầu chăn dê
Chăn hùm thiêng mệt chán chê,
Chăn beo, chăn gấu, nghiệp nghề chăn voi ....
. . .Chào nhau giưã bước chân đi
Mà quên chân bước chậm rì - chân qua.
(Du Mục)


Và cũng chính cái cùng-lúc-có-mặt của khóc và cười, sự thể nghiệm trọn vẹn của mâu thuẫn không thoát khỏi của kiếp người, giải thích cái gắn bó giưã thực và ảo, giưã nghiêm trọng và bỡn cợt, giưã cái phơi-trần và mật-chú, giưã rất-thực-ở-đây và viễn-ảo-nơi-nào trong thơ Bùi Giáng.


Bùi Giáng đã đẩy cái mâu thuẫn đó vào giưã lòng tiểu đối đặc thù Nguyễn Du, đưa mâu thuẫn vào khắp diện bài thơ: đoạn trên đối đọan sau, câu trước đối câu sau, từng phần trong câu đối nhau, từng từ trong câu đối nhau; tất cả gặp nhau ở giưã cái xoáy ảo-thực cuộc đời, dung nhiếp nhau, thêm lực cho nhau, nâng đỡ nhau, làm nên cõi riêng, để từ:


Bờ mây trắng cuối chơn không
Chân trời diệu hữu phiêu bồng bê tha
(Giải Tỏ Cái Điên)


mà nghiệm:


Sầu dâng tấc cỏ pha mù
O bồng sương đục mây lừ đừ cong
(Ly Bôi)
mà cảm:
Rung rinh trái mận trái đào
Đổ ra trái óc, đắp vào trái tim . . .
(Tý Tỳ Ty)
để rồi lại nghiệm:
Trần gian trên đất dưới trời
Một lời là một không lời nói ra.
(Chắp Nhặt)
và té ra là:
(Tuy nhiên Tuyệt Đối là gì?
- Từ trong tinh thể nhu mì mọc ra ...)
(Tý Tỳ Ty)

Nơi Chớp Biển, đây là lần đầu tiên - và có lẽ là duy nhất - mà ta có được một số thông tin xác thực - ở mức độ gia phả - về Bùi Giáng. Có bài viết của em viết về anh Bùi Giáng, của chú viết về cháu Bùi Giáng. Ông nội của mẹ Bùi Giáng, cụ Hoàng Văn Bảng, là em ruột cụ Hoàng Diệu. Ta biết, năm cỡ 19, Bùi Giáng lập gia đình, đưa vợ về phía tây, tận vùng núi rừng Trung Phước. Nhưng chỉ vài ba năm sau đó, vợ ông qua đời vì một cơn bệnh (Bùi Công Luân ghi, tr. 13-15). Ta cũng biết, năm 1950, sau khi thi đậu Tú Tài II văn chương, ông lội bộ một tháng rưỡi để đi từ Quảng Nam ra Hà Tĩnh. Sau khi nghe ông viện trưởng đọc diễn văn trong ngày khai giảng, anh lại lội bộ một tháng rưỡi để trở về Quảng Nam. Năm 1952, ông vào SàiGòn để ghi danh theo học đại học Văn Khoa, sau khi đọc danh sách giáo sư, ông quyết định tự mình phiêu bồng trong việc học. (Bùi Văn Vịnh ghi, tr. 89-91). Và ta cũng biết - có thế mới hoàn chỉnh nưả mặt còn lại của cái điên chứ! - té ra Bùi Giáng không chỉ là người sáng tỉnh chiều điên, sáng vào Chợ Quán, tối ra lề đường, mà còn là:


Bùi gia gốc ở Nghệ An
Hoan Châu tên cũ, mộ phần còn ghi
(Bùi Tấn - Hoài Niệm Tổ Tiên)


Vẫn con-người-đích-thực đó dung nhiếp cơn khóc và trận cười. Nó khóc và cười một cảnh tỉnh thức, chính sự tỉnh thức này tạo nên chiều sâu chóng mặt cho những trận cười, và khoác sự khó hiểu lên những giọt nước mắt của nó. Nó đặt một tấm chắn hài (hoặc/và điên) giưã nó và cuộc đời, để tách biệt nó với đời-sống-qui-ước, để nó được yên thân sống đời sống của nó, truy tầm về chính nó, để tra vấn con người xa lạ trong nó, để thể nghiệm trọn vẹn cuộc phiêu bồng của tồn-lưu trong cuộc lữ thời tính hóa.


Tôi đi tuế nguyệt giang hà
Ngu ngơ tôi ngó người ta quên mình
(Cô Em Mọi Nhỏ)
Nhìn anh, em hỏi: Anh ôi!
Anh vui như thể suốt đời anh điên?
(Em Từng Đã)


Với nó, chỉ có điều này là tối quan trọng. Và đây cũng chính là khởi đầu cho hài kịch của đời sống. Vì trong khi nó sống cực kỳ nghiêm trọng, đẩy giới hạn của cảm nhận ra đến nơi thì thùng, thể nghiệm trọn vẹn cái giây phút cực kỳ ngắn của lần phùng ngộ với vô biên; thì đối với những người-không-đích-thực - những người mà rất nhiều thứ trên đời, nếu không nói là hầu hết, đều quan trọng, nhưng không có gì là tối quan trọng - thì chính những người này lại kết án nó là coi đời không ra gì!. Song, có sao đâu:


-Tới đâu cũng được, có sao:
Từ đầu tiên tới cuối đầu tiên đi!
(Cuả Em)


Khi những người-không-đích-thực gặp nhau, họ thấy nhau dầy đặc, đầy đặc những khác biệt, nhưng họ lại phải nương vào nhau để thấy cái tôi của chính họ, để thấy cái nghiã của đời sống của họ. Người không-đích-thực thấy người-đích-thực rất khó nắm bắt. Của đáng tội, người đích-thực có gì để nắm bắt, làm thế nào nắm bắt cái chỗ dừng của thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ (Hồ Dzếnh) cơ chứ! Nắm bắt gì ở một người mà suốt đời chỉ mong:


Gom từng cơn nắng nhỏ nhoi
Nụ cười hiu hắt phanh phơi nỗi đời,
Nhánh đời gió lộng trùng khơi
Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay . . .
(Theo Từng Mây Bay)


Nhưng khi hai người-đích-thực gặp nhau, họ thấy nhau trong suốt, và họ có với nhau niềm dửng-dưng-tương-kính; tương kính vì biết người đối diện là người đích-thực, dửng dưng là vì, do họ đích-thực nên không ai áp đặt lên ai, không ai tranh giành của ai, không ai so bì với ai. Họ không nghĩ rằng 'Có người tốt hơn ta' hay 'Có người giống như ta' hay 'Có người hạ liệt hơn ta' . Người đích-thực cảm được điều đó, nó kham nhẫn:


Người người chịu lắm thiệt thòi
Biển dâu vô tận từ ngoài vào trong
Chỉ riêng thiên thể thong dong
Đi về du hý giưã vòng khép khung
Nếu vấp giới hạn thì thùng
Tất nhiên tính mệnh tận cùng tuôn ra
Đau lòng đứt ruột đứt rà
Ấy là khổ lụy ấy là khả kham
(Kham Nhẫn)


Vẫn con người-đích-thực đó, nó biết cái giới hạn thì thùng của cuộc thí nghiệm thời tính hóa mà chính nó là vật thí nghiệm. Cuộc thí nghiệm chỉ có giá trị với nó và với nó mà thôi. Nó không kêu gọi bất cứ ai sống theo lối sống của nó:


Ông điên đầy đủ mỏi mòn
Cấm con bắt chước sinh tồn của ông !
(Gửi Tặng Tặng)


Nó không kênh kiệu đâu! Nó chỉ phát biểu điều mà nó kinh nghiệm, điều mà nó cho là cực kỳ quan trọng đối với nó, nhưng rất có thể là không có nghiã gì cả đối với bất cứ ai khác. Nó cô đơn trong đối diện với sinh tồn của nó:


Đi một phút trăm năm về đẫm lệ
Giưã bụi hồng
con cô độc đấy con
(Các Con)
Vì sao? Peut-être parce que / Vì chưng, có lẽ vì chưng ... (Parce-que)

Vì chưng nó ở trong một thế giới, nhưng cũng qua nó mà nó có thế giới đó để thuộc về. Nó ở-đó bởi vì qua nó mà có cái nó-ở-đó. Nó là cái mà qua đó nó nhìn thế giới và cấu thành nên thế giới. Và đó là giới hạn của nó, giới hạn do nó sống. Vì là giới hạn định ra từ kinh nghiệm nó thể nghiệm, giới hạn đó không thể được đại cương hóa để bao trùm các tồn lưu khác, các cõi khác. Và nó biết cái giới hạn của nó. Nó là tay phù thủy đại tài, đứng trước đống xương cọp, nó đã biến đống xương cọp thành con cọp để rồi bị chính con cọp đó ăn thịt. Nó đích-thực ở chỗ nó biết nó là tay phù thủy thần sầu, nhưng nó cũng ý thức là nó bị con cọp nơi chính nó ăn thịt. Nó tạo nên thế giới và cái thế giới nó tạo nên, tạo nên nó; một qua lại theo tiến trình vòng-hồi-tác (feedback loop), không cái nào trước cái nào sau, mà theo lẽ duyên khởi. Với nó không hề có một cái NgãThể to lớn, siêu nhiên mà tấùùt cả thuộc về. Với nó có mặt là có mặt ở một nơi chốn, trong một thế giới được hình thành do sự tương tác giưã nó với các có-mặt khác - yonder theo thuật ngữ của Heidegger - trong thế giới đó. Có-mặt có nghiã là có mặt trong cái thế giới đó, trong cái thế giới có mặt qua nó, và chiếm một khoảng không trong thế giới đó. Cái thế giới của những ưu tư của nó, cái thế giới tập hợp của những cái có-mặt có-nghiã đối với nó đồng thời cũng tạo-nghiã cho nó.


Hình dung con cớ xa mù
Làm sao phỏng đoán cuộc phù trầm riêng
(Chuyện Ngẫu Nhiên)


Đó là thế giới tập khởi Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, naõ sanh khởi. Đây là thế giới tập khởi. (Tương Ưng Bộ Kinh, tập2, tr. 134). Và cũng thế với tai, mũi, lưỡi, thân, ý.


Các con từ bấy bao giờ
Không hề thật sự thật là các con.
(Gửi Tặng Tặng)


Vẫn với con người-đích-thực, thế giới của nó và chính nó là sự thể hiện của tiến trình thời tính hóa của nó, tiến trình mà lực đẩy là những khả thể, là những yếu tố vắng-mặt (negative). Vì cái hiện diện (positive) là cái đã thành và vì chưng đã-thành nên không còn gì để nói. Nó nhìn quan điểm 'tôi tư duy nên tôi là' (Cogito, ergo sum / I think therefore I am) của Descartes theo cái nhìn không-còn-gì-để-nói đó. Với nó quan điểm của Descartes chỉ là một lời tự đánh lừa huề vốn để biện minh cho sự hiện diện của một cái tôi, cái tôi không thể nghĩ bàn không thể chứng minh mà chỉ có thể giả định là có từ trước. Là vì ngược dòng tư duy, theo Descartes đi đến tận cùng, nó bắt gặp cái gì? Cái tôi mà Descartes đã giả định, mà Descates không thể phủ định cái tôi đó (cái cogito) để tiến xa hơn, vì muốn phủ định cái tôi đó, phải khẳng định là nó có, vì nếu nó không có thì ... lấy gì mà phủ định.


Con từ mộng tưởng xưa sau
Oâng từ mộng mỵ không đầu không đuôi
(Tặng Cháu Ny)


Nó không thể đi đến tận cùng thế giới để tìm hiểu về thế giới. Nó không thể đi ngược chiều kích tư duy để biết về nó. Này các tỷ kheo, ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các tỷ kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách không đạt được sự tận cùng thế giới. (Tương Ưng Bộ Kinh, tập 4, tr. 168). Và nó biết Tự nó, nó không có (Kinh Lời Vàng, tr. 53).
Con người-đích-thực không ngừng đi tìm cái tôi ngay trong những kinh nghiệm bây-giờ. Tôi là gì?, nó không biết. Nó mãi mãi đặt vấn đề, mặc dù nó biết câu hỏi về chính nó không có giải đáp. Điều nó ưu tư là tiến trình sống. Bằng cách liên tục đặt lại vấn đề, nó cấu chính nó ra khỏi nó và đặt cuộc sống ra ngoài nó, và tỉnh táo nhìn nó - trong thế giới của nó - phiêu bồng trong cuộc lữ thời tính hóa. Nó tra vấn chính nó và thế giới mà nó thuộc về, rằng bất kỳ một lời đáp hiển nhiên và hiện hữu nào cũng đều là giả, vì chưng chân lý là nằm trong tính nước đôi bất khả vượt qua ngay tự trái tim con người và thế giới. Nó dõi theo những cái vắng mặt làm nên nó và cõi-nó. Với nó không phải vấn đề tôi tư duy nên tôi là (I think therefore I am), mà chính là vì tôi chưa thành nên tôi tư duy (I am not therefore I think). Vì nếu đã-thành cho dù là thành bất cứ cái gì, như hòn sỏi đã-thành chẳng hạn, thì có cần phải suy tư nưã không?


Nó không chủ trương nó là cái này hay nó là cái kia, mà luôn tự tra vấn Tôi là gì? Là gì chăng?. Nó sống trọn vẹn khả thể tính của nó, để cho cái vắng-mặt mời gọi sự thể nghiệm, nhưng không bao giờ nó trông mong có một cuối con đường với một nơi chốn trú ẩn cho nó dừng chân. Nó luôn thắc mắc:


Một đời đâu chốn đâu nơi
Đâu người đi kẻ ở đời đâu đâu
để rồi trả lời với thực-ảo:
Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm
để rồi lại tự tra vấn:
Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?


Chính cái lững lơ này là sức mạnh tư duy của nó, chính cái Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan (Xuân Diệu) này là lực đẩy cho tiến trình thời tính hóa của nó, và nó là cái đang-thành nhưng không bao giờ đạt. Vì nó đang-thành, cho nên mọi cố gắng đóng khung nó trong một cái gì đã-thành đều là tai nạn, cho dù sự đóng khung có gán cho nó cái tên là nhà thơ nhà phê bình nhà biên khảo hay bấy cứ nhà nhà gì. Chính tiến trình triển sinh theo cách thế sinh động mở này khiến cho khuôn mặt Bùi Giáng khó nhận diện. Làm sao nhận diện một người mà quê và tên là:


Hỏi tên? - Cổ lục phong trần.
Hỏi quê? - Mộng tưởng tiền trình bơ vơ.
(Hỏi Và Gọi)
và điểm và giờ hẹn lại là:
Ngày tái ngộ nước non nào chẳng biết
Anh chào em như ảo mộng đêm rằm
. . . Em có thấy thời gian đi óng ả
Suốt càn khôn châu thổ nguyệt sương đồng?
(Trang Phượng Vỹ)
để lên đường rất thực mà:
Mở đầu một cuộc mà ra
Trận du hý với nhà ma phiêu bồng
(Mang Đi)


Nhưng chính cái đang-thành đó, mà mới thoạt nhìn tưởng là khiếm khuyết trong sự định hình một cái tôi, lại là sức mạnh của con người-đích-thực. Con người-đích-thực mãi mãi đang-là, và tuyệt đối tự do trong tiến trình đang-là của nó, vì nó được hình thành trong thế giới của nó, và thế giới của nó được định hình qua nó. Nó tuyệt đối tự do trong tiến trình đang-thành nhưng không-bao-giờ-đạt của tồn lưu của nó. Nó biết nó tự do tuyệt đối và nó xao xuyến.

*
* *

Có người-đích-thực đã không chịu nỗi cái nhẹ vô cùng của sự tự do tuyệt đối đó. Và cái nhẹ quá thể đó bỗng chốc trở thành một gánh nặng vô cùng.
Nó kinh hoảng!


Sống là phải sống cho cái gì đó cơ chứ! Phải chấp nhận một loại trách nhiệm nào đó chứ! Nhưng cái gì bây giờ? Trách nhiệm nào? Làm gì bây giờ? Cuộc sống bỗng trở thành một trò chơi mà người chơi không hề biết luật chơi. Trước nỗi kinh hoảng đó, các người-đích-thực trong quá khứ đã chọn - dẫu đa dạng, song vẫn là mô hình hoá - các ứng xử:


Ngủ quên trên chiến thắng. Họ xem việc họ nêu vấn đề về một cái tôi đang-thành nhưng không bao giờ đạt, về một tiến trình thời tính hóa không đáp án là ... nhất rồi. Và họ dừng ở đó.


Im lặng gậm nhấm bế tắc của mình. Heidegger rút về khu rừng đen, giam mình trong một căn nhà trên núi, diện bích và ... đọc thơ Holderlin. Sự gậm nhấm này có thể bế tắc đến mức điên loạn và chết trong điên loạn như Nietzsche đã phải trả giá cho sự tự do tuyệt đối đó.


Loay hoay tìm chỗ bám víu. Marcel trở thành con chiên ngoan đạo. Một số ... không còn là người đích-thực. Sartre trở nên dấn thân, tham gia chính trị, và đã làm điều sa đọa nhất - sa đọa theo lối hiểu của Heidegger - của đời mình, là trở thành đảng viên đảng cộng sản - cho dù chỉ là ba tháng- và đứng chung hàng ngũ với những (mà nếu gọi thẳng tên tục ra, thì là đã biến thành) người mà Heidegger xếp là không-đích-thực.


Họ bế tắc. Vì họ chỉ giải quyết vấn đề đúng có năm mươi phần trăm, mà đúng năm mươi phần trăm có nghiã là sai. Họ đúng 50% khi họ đồng hóa họ với tiến trình thời tính hóa (lẽ ra họ phải đồng hóa 100%), và sai tự căn để khi họ dành 50% còn lại để nêu câu hỏi Tôi là gì? Là gì chăng? mặc dù họ biết câu hỏi không có đáp án. Họ đã không nghe lời khuyên bảo của bậc đạo sư - bậc Thầy của trời và người - vọng lại từ 2500 năm xưa, rằng có bốn điều không thể nghĩ bàn, Phật giới của các đức Phật, Thiền giới của người ngồi Thiền, Quả dị thục của nghiệp, và Tâm tư thế giới, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. khổ (Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, tr. 706). Họ đã dám nghĩ bàn về tâm tư của thế giới nên đã phải trả giá bằng sự điên loạn hoặc/và thống

Còn Bùi Giáng?


Ông ngon lành hơn tất cả các triết gia đó nhiều. Ngay giưã một xã hội đày đọa và kiểm soát con người chặt chẽ nhất, ngay ở một nơi chốn mà lối sống ngụy tín trở thành rất thực vàu mực, ngay trên những hè phố SàiGòn mà những tưởng đầu đường thương xó chợ / Nào ngờ xó chợ chẳng thương nhau, Bùi Giáng vẫn sống tự do, tự do tuyệt đối :


Thênh thang gió núi mây ngàn
Trăng rừng rú nguyệt chưa từng phụ ta
Ta đi khắp mặt sơn hà
Ta ngồi ngẫm nghĩ quả là ta điên:
Thong dong vốc nước ngọc tuyền . . .
(Gió Núi Mây Ngàn)
Bùi Giáng vẫn sống trong thế giới riêng của mình:
Xiết bao tình tự mông lung
Đi về vây bọc một vùng máu tim
(Chốn Nào Nè Này)
vẫn rất thực và bi-hài để cho cái vắng-mặt bất ngờ thúc đẩy cuộc lữ thứ thời tính hóa:
Trần gian du hý bất ngờ
Một thao thiết dựng một giờ trăm năm
(Kể Từ Cổ Lục)


Trong cuộc du hý đó, Bùi Giáng đã:

nghĩ đến tâm tư của thế giới qua cuộc đối thoại

 Từ cổ lục đến tân thanh lẩy bẩy (Rồi Có Lúc),

 Từ vô tận tới trăng lầu bốn phương (Chắp Nhặt),

để rồi:


Dông dài chắp nhặt hai tay
Lầm than đối thoại phôi thai lúc nào
(Sương Nắng)
đã lạm bàn về quả dị thục của nghiệp khi đồng vọng với các luận sư A Tì Đàm (Tháùng Pháp Tập Yếu Luận) tra vấn về thức tái sinh đã đưa Em đến đây:
Từ quốc độ vô biên em lấp ló
(Em đã nói)
Em từ viễn tượng chiêm bao
(Còn ở đợi chờ)
Em từ vô tận xa xăm
(Một đời)
Từ vô tận xứ thăng bằng em đi
(Em là rất mực ấy em)
đã đưa con đến đây:
Con từ tinh thể tuyệt vời
Mang tâm tính nọ về chơi cõi người
. . . Kể làm sao xiết bao lần
Bao phen ráo riết lần khân . . . con từ
(Con Từ)


Trong lúc hầu hết - và sẽ không quá nếu ta cho là tất cả - các triết gia hiện sinh đều chuyển hướng vào tuổi trung niên (chẳng hạn, Heidegger sinh năm 1889 và viết Holderlin và Bản Chất Thi Ca vào năm 1936; Sartre sinh năm 1905 và trở thành ngọn đèn cánh tả vào năm 1945), thì trung-niên-đười-ươi-thi-sĩ Bùi Giáng của chúng ta vẫn thể nghiệm tiến trình thời tính hóa của mình cho đến cái tuổi ... cổ lai hy thất thập! Và hình như, ở lúc này, ông đã đẩy tiến trình đó đến tận cùng của nó, để chỉ còn thể nghiệm cái đang-thành, cái hiện-tại-đang-sống. Câu hỏi Tôi là gì? Là gì chăng? đã được ông lửng lờ niêm hoa vi tiếu:


Tới nay một đổ ra mười
Ta không còn biết ta người của ai
(Phong Tình Cổ Lục)
không của ai ... thế trong cái ai đó có mình không ?
Dạ, thưa vậng ạ, vâng, ừ ...
Thành thân o bế tương tư o bồng
(O Bồng O Bế)

Vì,ø hình như, với Bùi Giáng, bây giờ, cái ta không ở chỗ nào, mà có không để mà ở, vì có chỗ nào cho cái tự-tưởng-tự-tương-tư-tự-o-bế? Chỗ nào bây giờ, ngoài chỗ do chính nó tưởng; Ngoài chính nó, do cái tưởng nó có về nó? Bây giờ, với Bùi Giáng, trọn vẹn là tiến trình thời tính hóa, trọn vẹn là cái ghi nhận không vướng chấp vào của tôi hay tôi là, trọn vẹn là cái hiện tiền, và trong cái thấy chỉ là thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri (Kinh Phật Tự Thuyết, UDANA, tr. 298-299). Cả tiến trình thời tính hóa dồn lại ở một lúc, đem trăm năm vào chung cuộc chớp-biển-bây-giờ:


Đổ thêm nước vào nồi canh
Bớt củi nồi cá; chậm, nhanh, từ từ!
(O Bồng O Bế)


Orange, Đinh Sửu trọng đông

No comments: