Câu chuyện ngày xưa
Võ Kỳ Điền
Buổi sáng hôm đó, tôi và người bạn thân đến nhà cụ Diễn trên một gác nhỏ, trong hẽm đường Hiền Vương. Tôi đang rảnh, Thâu cũng vậy, hai đứa đi loanh quanh trên đường phố Sài Gòn quen thuộc, đã mõi cha^n nên khi ăn uống xong xuôi, Thâu chợt đề nghị coi bói cho biết tương lai. Nghe tới tên cụ Diễn là tôi chịu liền, từ lâu hằng nghe đại danh cụ và ước ao được gặp. Tôi đâu ngờ Thâu lại là chỗ thân tình với cụ và có thể nhờ coi dùm (mà không phải trả tiền và hình như cụ cũng không lấy tiền của khách, tôi không biết rõ lắm việc nầy)
Lúc đó tôi còn trẻ lắm, sống ở tỉnh nhỏ, chuyện hôn nhân cứ trở ngại, trục trặc hoài. Có cái chuyện dễ dàng như vậy mà làm cũng không xong, cả tỉnh bạn bè nay đứa nầy mai đứa kia, cưới vợ lấy chồng từ từ hết trơn, thấy mà tức ứa gan... Do hôn nhân trễ muộn tôi đâm giựt mình, như một nhà xã hội và tâm lý gia, tôi tự tìm hiểu cá nhân, gia đình, xã hội, kinh tế, tâm lý,… và cuối cùng đổ thừa cho là tại cái nầy, tại cái kia và tìm những khuyết điểm của mình, tự trách cứ. Lúc đó do công cuộc làm ăn, tôi thường liên lạc với Thâu. Thâu nghe tôi kể lể tâm sự, phản đối liền – bạn nói tầm bậy hết trơn rồi, không phải tại cái gì cả mà tại cái số mạng, cái số ế vợ,… nếu đúng như mấy lý do kinh tế, tài chánh, gia đình gì gì đó, tại sao có nhiều thằng xấu trai, học kém, nhà nghèo, nhút nhát, nghiã là đủ thứ dở tệ… tại sao cũng có vợ được, tại sao?
Cuối cùng Thâu kết luận - xe hơi còn có số mà, nói chi người ta. Mà muốn biết số mạng ra sao thì bạn phải theo tôi qua kiếm cụ Diễn, thần tướng, hiện nhà ở bên kia đường...
Nhà cụ Diễn trên một căn gác nhỏ, trong hẽm đường Hiền Vương nhiều cây to bóng mát. Bên trong nhà không khi mát mẻ, bàn ghế đồ đạc bày biện theo kiểu xưa, cổ, có nhiều bức tranh Tàu treo dọc theo tường. Lúc đó cụ đang bận tiếp khách. Vài ông khách ăn mặt âu phục, complet, cà vạt chỉnh tề, ngồi đứng chào hỏi dáng vẻ cung kính, khiến tôi đâm e ngại.
Cụ Diễn là một ông già người Bắc tuổi chừng độ trên dưới bảy mươi, người ốm yếu, mong manh, khăn đóng bạc màu, áo dài mỏng bằng the đen. Rõ ràng là một nhà nho nghèo lở vận, ẩn dật, sống an bần lạc đạo trong cái không khí ồn ào, rộn rịp của cái đất Sài Gòn văn minh với chiến cuộc đang leo thang từng ngày… Trong lúc ngồi chờ đợi, tôi quan sát con người và cử chỉ thái độ cụ. Cặp mắt quá nhỏ so với khung mặt, có lẽ vì tuổi già, thân hình như gầy tóp lại. Dầu cụï không đeo kiếng nhưng tôi vẫn không thấy được tròng mắt lớn hay nhỏ. Hai mí mắt đã cố nhướng cho xa nhau nhưng độ hở vẫn chỉ to hơn sợi len giăng ngang chút xíu. Tuy lem nhem như vậy hình như cụ đã thấy hết trơn đời tôi. Sau khi đi qua lại vài bước cho cụ coi tướng, câu đầu tiên cụ nói như vầy : -số ông suốt đời ở chợ.
Tôi dạ cám ơn và thấy cười trong bụng- ông thầy nầy ai cũng khen phục tài giỏi nhưng nói một câu hổng giỏi chút nào. Sáng hôm đó, tôi ăn mặc bảnh bao, đầu tóc mới hớt gọn ghẽ, lại đi chơi với dược sĩ Thâu, rể ông đại sứ nổi tiếng, hổng lẽ tôi lại ở nơi thôn quê. Nói như vậy thì ai cũng có thể nói được. Nhưng tôi cố nhớ lại coi hồi nhỏ tôi có ở nhà quê hay không, quả là không có. Tôi được sanh ra tại đảo Phú Quốc, cái đảo nhỏ xíu như một thôn xóm nghèo, tuy vậy nhà tôi cũng ở ngay tại chợ, thị trấn Dương Đông. Rồi nhà được dọn vài ba lần, lần nào cũng vậy, mở cửa ra là thấy chợ ở ngay trước mắt. Tôi kiên nhẫn chờ nghe tiếp .
-năm ngoái ông bị đụng xe, may là không nguy hiểm tới tính mạng.
Tôi chợt nhìn xuống khuỷu tay, vết thẹo còn lộ đỏ sau một lần té xe rất nguy hiểm từ trên dốc Lò Chén. À thì ra, ổng nhìn thấy vết trầy nầy, bận áo tay ngắn, cái thẹo chần dần như vậy, ai mà không thấy.
-Dạ, dạ, cụ nói đúng, năm ngoài tôi bị nặng lắm, xém chút nữa là nguy rồi, nhờ phước đức ông bà....
-tuy nhà ông ở ngay tại chợ nhưng sau nhà lại có vườn cây.
Trời đất ! mới nhìn có tôi có chút xíu mà nói được cái vườn sau nhà, cũng lạ. Sách tướng tôi cũng đã từng đọc qua vài cuốn, có chương nào chỉ cách nhìn mặt mũi tay chưn mà tả được cảnh vật trước hoặc sau nhà? Bỡi chi tiết nầy khó thể có được. Miền Nam mình, tỉnh nào cũng vậy, đường đất phố xá nhỏ hẹp, nhứt là phố chợ, đất dư tính từng tất, dành để buôn bán làm ăn, chỗ nhiều đâu mà trồng cây ăn trái… Tôi thấy quả ông cụ có tài lạ, tuy vậy chuyện cái nhà, cái vườn có gì quan trọng, nói tới nói lui làm chi ?
-nếu ông không ở trong căn nhà như vậy, thì đã nguy hiểm tới tính mệnh.
Tôi ngồi im, chuyện nầy cũng không biết ra sao nữa, khoa phong thủy địa lý dương trạch có nhiều điều không thể nghĩ bàn. Ông cụ vẫn bình thản, không cần hỏi tới năm tháng ngày giờ sanh, miệng vẫn nói đều đều, thong thả :
-hiện tại ông làm nghề dạy học, dự định đổi đi nơi khác, lần đầu không được lần sau sẽ được…
Tôi giật nẩy người, đầy mình mọc gai óc. Làm sao ông cụ biết tôi làm nghề dạy học, chỉ bao nhiêu đó thôi quả là tay cao thủ. Tôi vừa ở quân trường ra, sau ba tháng thụ huấn quân sự, tóc hớt ngắn, da đen thui, tay chưn còn dính đầy nắng gió. Năm Mậu Thân cuộc chiến tàn khốc, hầu hết thanh niên cở tôi đều vào quân đội. Nếu nhìn dáng vẻ bên ngoài mà đoán tôi là sĩ quan thì dễ đúng hơn. Đâu có nét nào giống thầy giáo. Rồi làm sao biết được tôi đang xin đổi nhiệm sở, hồ sơ hiện bị trở ngại. Chắc bạn mình đã nói lỡ nói trước với ông già nầy hết trơn rồi, tôi liếc qua Thâu. Thâu tỉnh rụi, thấy ông cụ nói không điểm nào trật, khoái chí ngồi cười cười… Rồi lại suy nghĩ, ổng coi cho mình, tốn công tốn sức, có lấy đồng xu cắc bạc nào, nói gạt, nói dối làm chi.
Lời nói cụ đều đều, thong thả, chuyện quá khứ, chuyện tương lai, công danh, khoa bảng, tiền của, sự nghiệp, bạn bè, tai nạn, bịnh hoạn… sẽ như thế nầy, thế kia, tôi vâng dạ liền miệng. Có đoạn ông cụ nói năm gần bốn mươi tuổi tôi sẽ sống ở nước ngoài, một xứ phương Bắc rất lạnh và xài tiền bằng Mỹ Kim, tôi đâm tức cười, không biết là ông còn thức hay đã ngủ, nói mê…
Nhưng mấy cái chuyện xa vời đó có quan trọng gì tới tôi đâu, cái mà tôi đang chờ để biết là chuyện gia đạo tình duyên mà, nóng ruột hết sức, tôi rụt rè ngắt lời :
-Dạ, dạ, nhờ cụ coi dùm chuyện gia đạo vợ con ra sao, hiện tại tôi còn.. một mình.
Ông cụ nhướng cặp mắt tí xíu lên, nói rõ ràng như thấy cô vợ tương lai của tôi trước mặt :
-người vợ tương lai của ông, học hành như thế nầy, gia thế, nhà cửa thế nầy.., cùng nghề nghiệp với ông.
-dạ thưa cụ, theo như cụ nói thì không dám đâu. Tôi ở tỉnh nhỏ, học ít, chỉ muốn tìm người trẻ tuổi và học kém hơn một chút ..
Ông cụ không trả lời, mắt hình như nhắm lại. Tôi nhớ lại từ đầu buổi cho tới giờ, chuyện quá khứ thì rất đúng nhưng không có gì đặc biệt, tôi ở trong nhà nầy hay nhà kia, làm thầy giáo hay sĩ quan thì cũng vậy, còn chuyện tương lai thì chưa biết ra sao. Duy chuyện vợ con thì hơi lạ, tôi nghĩ là ông cụ nói trật vì hồi nào tới giờ chưa bao giờ tôi để ý tới bạn gái đồng nghiệp. Tôi vốn rất sợ cô giáo và những người đàn bà thông minh, học giỏi hơn mình...
-Thưa cụ, xin cụ cho biết chừng nào tôi mới cưới được vợ ?
Ông cụ không trả lời ngay câu hỏi, chợt mở mắt ra, phán cho một câu dứt khoát, khiến tôi sửng sốt như bị tạt một gáo nước lạnh :
-đám cưới ông hầu như không có.
Trời đất, thiệt vậy sao? Thiệt vậy sao, tôi nghe lỗ tai lùng bùng. Chuyện cưới vợ đã trầy vi tróc vảy, rồi tại sao sẽ gặp một cô giáo nghiêm trang… rồi lại không có đám cưới. Hàng trăm câu hỏi tại sao, tại sao trong đầu. Tôi cảm thấy mồ hôi rịn ra đầy mặt. Sao kỳ cục vậy, căn cứ vào đâu mà cụ dám nói như vậy. Tôi nhìn thẳng vào mặt, thấy cụ vẫn bình thản, cụ nói thiệt tình mà đâu phải nói chơi.
Tôi hỏi tiếp, giọng hơi khó chịu ...
-dạ thưa cụ, tại sao lại không có đám cưới, có phải tôi không đủ tiền cưới vợ ?
-không phải, nhà ông thiếu gì tiền.
-vậy tại sao, nếu có đủ tiền tại sao tôi lại không làm đám cưới. Thú thật với cụ, tôi mà thương ai, dù người đó mang bầu hay có con rồi, tôi cũng sẽ làm đám cưới chánh thức, đàng hoàng. Tại sao tôi lại sợ dư luận mà không làm đám cưới, lại dắt con người ta đi không…
Khi nói đến đây, tôi nhớ lại giai đoạn đó ở tỉnh nhà, bạn bè nhiều lắm, đứa nào cưới vợ tôi đều sẵn lòng giúp đỡ. Vừa cho mượn xe, vừa làm tài xế, vừa làm rể phụ, hổng lẽ tới đám cưới mình, không ai tham dự. Ngày cưới tôi phải vui vẻ và đông đảo bạn bè thân tình chớ. Ông cụ chấm dứt bằng lời nói giận dỗi:
-cái mặt ông làm gì dám dắt ai …
Rõ ràng là ông cụ nói nhiều điều vô lý, tôi không còn kiên nhẫn ngồi nghe tiếp nữa, đâm ra vô phép, đứng dậy và nói giọng hờn mát :
-tôi không dám dắt ai, tôi lại có tiền, vậy hỏi cụ, tại sao lại không làm đám cưới cho vui. Tại sao tôi không làm…
Ông cụ không trả lời, khoát tay đuổi tôi và Thâu ra cửa. Tôi cúi đầu cám ơn từ giả cho có lệ, rồi đi thẳng, bụng không vui. Giửa trưa nắng thiệt nóng và xe cộ ồn ào, mùi khói xăng khét lẹt, trong phút chốc những lời tiên đoán của cụ già bay mất tiêu hết, tôi không còn muốn nhớ nữa. Trật lất rồi, nhớ nữa làm chi. Ngồi trên xe, Thâu phân trần:
-bạn biết không, mấy ông hồi nảy toàn là Bộ Trưởng hay Tổng Giám Đốc gì đó. Ông cụ là thầy tướng riêng cho Tổng Thống với Thủ Tướng, nhưng bửa nay sao ổng nói trật tới trật lui, tôi cũng thấy kỳ cục, nhiều việc không đúng, chắc ổng bịnh hoạn hay đương lo việc gì đó, nhớ trước quên sau…
Tôi bộp chộp kết luận một câu ngon lành :
-Thâu nè, bạn tin tôi đi, không bao giờ tôi cưới cô giáo hết và sẽ làm đám cưới thiệt lớn để rủ bạn bè nhậu một bửa cho vui. Đời người chỉ có một lần cưới vợ, tại sao lại không làm, không lớn thì nhỏ chớ, tại sao lại im ru bà rù… Tôi tin đời có định mạng nhưng cũng tin con người có tự do.
*
Và tôi có tự do thiệt tình khi làm quen với D, không bị ai ép buộc cả. Sau ngày đám hỏi, tôi xuống Sài Gòn đến gặp ông già vợ tương lai. Ông trẻ hơn ba tôi nhiều. Cũng vậy, vợ tôi nhỏ tuổi hơn tôi nhiều lắm. Những gì cụ Diễn nói về nàng đều đúng, không trật một điểm nào. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết tại sao tôi lại liều gan kết hôn với một cô giáo, từ nào tới giờ tôi vốn kỵ mà. Tôi có kinh nghiệm về việc nầy, mấy thằng bạn tôi có vợ cô giáo, một thời gian sau đều trở thành học trò ngoan ngoản các cô hết trơn. Dầu biết rất rõ nhưng giờ đây tôi cũng tình nguyện làm y như vậy. Đúng là số mạng, chạy trời không khỏi nắng.
Hôm đó là những ngày sau Tết, nhà nàng còn chưng đầy bông hoa. Cái bình sứ cổ đời Khang Hy thật lớn dùng cắm cành mai to bằng cổ tay cao tận nóc nhà. Tôi nhìn sững những câu thơ ngoằn ngoèo nét thảo lòi tói và buộc miệng - cái bình nầy quí lắm đầy rạn da qui, ba dùng như vầy rủi ro nó bể thì sao. Ông già vợ tương lai cười, -làm sao bể được con, ba chưng như vậy cả chục năm nay rồi, có sao đâu. Mấy đứa em vợ bu quanh chờ ông anh rể quí chở đi ăn mì. Cả nhà quây quần ấm áp, tiếng nhạc vang vang đầy nhà. Nhà sắp có đám cưới mà, không vui sao được.
Ông già lắng nghe giọng Khánh Ly trầm ấm vang lên từ chiếc máy nhạc, tự nhiên quay qua tôi -nè nè, con nghe nè, mấy ông văn nghệ sĩ nói chuyện, viết lách thiệt là hay, cái gì mà… giọt nước mắt rơi thành hồ nước long lanh... Câu nói chưa hết, D. lại xí xọn xen vô -bản nầy là Như cánh vạc bay của Trịnh Công Sơn đó ba.
Ông vừøa cầm ly rượu sóng sánh màu hổ phách, vừa lẩm bẩm - Như cánh vạc bay, à, à cánh vạc bay ra làm sao, tượng trưng cho cái gì, thiệt tình ba không hiểu. Rồi khóc mà tới thành hồ nước long lanh - thì thiệt là viết khéo hết sức, viết được tới như vậy thì trên đời hổng có mấy tay. Rồi ông ta bàn tiếp -con nghĩ coi giọt nước mắt có chút xíu, mà làm đầy cả hồ nước là phải khóc nhiều lắm đó nghen...
Tôi ngạc nhiên, ông là tay buôn bán già đời, suốt ngày chỉ thấy cộng trừ nhân chia, tại sao không chịu nói chuyện tiền bạc, nhà đất, của cải, tự nhiên hôm nay sao lại nổi hứng bàn chuyện thơ văn, nghĩ cũng lạ. Bất ngờ ông hỏi tôi, giọng ngọt ngào :
–Nè nè, ba nghe nói con dạy văn chương. Vậy có bao giờ con viết văn hay làm thơ gì không ?
Tôi còn đang giai đoạn ở rể, phải cố gắng lấy điểm để làm vừa lòng ông già vợ. Câu hỏi khiến tôi giựt mình –như vậy là ông ta khen hay chê Trịnh Công Sơn ? Câu trả lời tôi phải như thế nào cho đúng. Trời đất ơi, nhằm cái lúc vui vẻ nầy mà vợ tôi lại cho hát cái bản nhạc mắc dịch đó làm chi. Câu hỏi ngọt ngào như viên thuốc bọc đường có phải là viên thuốc độc ? Tôi phải trả lời sao cho vừa ý ông đây ?
Hồi nào tới giờ quả tình là tôi không biết viết văn hay làm thơ. Nhưng nếu cần nói láo để được vợ thì tôi cũng phải liều gan nói đại. Nhưng mà, câu hỏi độc địa nầy hình như có liên quan tới cái ý nói láo đó. Khóc mà tới đầy cả hồ nước thì là nói láo rõ ràng, ai ai cũng thấy. Nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ra như vậy và cả nước coi nhạc sĩ nầy là thiên tài, nhạc ông vang rền ngập từ chợ đến quê, ban ngày cũng như ban đêm… Nhưng nói láo nhận mình là văn nghệ sĩ thì khác, không giống kiểu nói láo trong thơ văn…
Tôi còn đang ấp úng tìm câu trả lời thì may quá, bà già vợ đi đâu sợt sợt trở về, thấy tôi bà nói một hơi không kịp thở :
-con về trình lại với anh chị ở trển, ba má đã về Dĩ An nhờ thầy coi ngày cưới rồi . Ông thầy nầy ngày xưa coi cho ba má đó, coi kỹ lắm, ổng tìm được ngày tháng đại lợi, tụi con sẽ ăn đời ở kiếp với nhau, giàu sang phú quí, tử hiếu tôn hiền….
Nói xong bà lục trong túi đưa cho tôi tờ giấy đỏ, đầy chữ viết run rẩy của một cụ già, nghe đâu đã trên chín chục. Rõ ràng là ông thầy Dĩ An coi ngày cưới hỏi thiệt hay, thời gian đã chứng minh được tài năng của ông. Ông bà nhạc gia tôi sống chung nhau cho tới bây giờ, tiền bạc nhà cửa sung túc, con cháu đầy đàn, chưa hề biết đến chuyện ly dị khổ tâm, đau đớn ra làm sao.
Tôi cầm lấy tờ giấy coi ngày cưới, thời gian còn lâu tới bốn năm tháng nữa, hơi bực mình nhưng nhớ lời dặn dò của ba tôi – theo tao ngày nào cũng tốt hết, ổng bả muốn trễ sớm lúc nào cũng được, miễn mầy cưới được vợ thì thôi, lần nầy mà mầy kiếm chuyện để cho trục trặc nữa là kể như suốt đời không có vợ đó con. Tôi đã thấm thía chuyện hôn nhân trễ muộn mà cũng đâu cần ba tôi dặn, năm nay tôi đã ba muơi lăm tuổi rồi, tôi đâu còn ngu mà cà khịa, giận lẫy, kiếm chuyện kiểu con nít như hồi mười tám, hai mươi…
D. đưa cho tôi cục kẹo, tôi ngậm vào miệng, cắn nhẹ thấy có rượu mạnh bên trong. Cuộc đời quả cũng có ngọt ngào, tuy rượu ít nhưng cũng khiến tôi ngây ngất. Đường Trần Hưng Đạo trước nhà, nắng sáng trong, xe chảy thành dòng. Nhớ tới lời tiên đoán cụ Diễn ngày nào - đám cưới ông hầu như không có ! Tôi bật cười. Cụ ơi, đám cưới tôi hã, chắc chắn sẽ rất vui, đông đủ bạn bè, bà con thân thuộc hai bên, làm sao không có, làm sao mà nhỏ cho được. Nội bên vợ, anh chị em D. nếu đếm sơ sơ cũng đủ một chục đủ đầu rồi, nói chi bên gia đình tôi, nội ngoại, sui gia, dâu rể… rồi tới hàng xóm láng giềng, toàn người thân tình ơn nghiã, đâu thể nào không mời người ta đến chung vui.
*
Sau ngày 30 tháng 4, tôi len lỏi trong đám đông hỗn loạn ngơ ngác, xác xơ, tìm đường xuống Sài Gòn, đến nhà vợ chưa cưới. Vừa gặp tôi, D. ôm chầm lấy và mừng rỡ. Trong cơn biến động mấy ngày qua, chuyện liên lạc khó khăn gián đoạn, nàng tưởng là tôi đã thoát ra khỏi quê hương và đành đoạn bỏ nàng lại một mình, đi biệt tích. Tôi không biết nên cười hay nên khóc. Tôi trình bày cho ông bà già vợ chuyện tang thương dâu bể xảy ra trên nhà tôi, tất cả những dự định tương lai đầy màu hồng ngày nào trở thành xám đen, tan nát hết. Ba vợ tôi an ủi :
-con đừng bi quan quá, dù gì đất nước mình cũng không còn chiến tranh, mọi sự rồi sẽ ổn định. Lúc đó mình buôn bán làm ăn trở lại…
Trời đất, chế độ nầy mà ổng còn hy vọng buôn bán làm ăn như xưa! Mọi sự sẽ ổn định, đúng rồi, đống máy cày của ổng đâu còn chưng bày ra ngoài hành lang như lúc trước, mà đem giấu tận phía sau nhà. Chị em D. ngày nào quần là áo lụa, trang điểm kỹ lưỡng từ đầu đến chưn, nay cũng bắt chước mặc bộ bà ba đen giống như mấy cô thôn nữ chỉ thiếu chiếc khăn rằn vắt trên vai. Mấy đứa em trai ngồi im lìm, không còn chạy giởn la hét vang rân như ngày trước.
-thưa ba má, nhà cửa, công danh, sự nghiệp, tiền bạc bây giờ kể như mất mát hết rồi, ngay cả thân mạng con cũng không còn biết ra sao. Bửa nay con xuống thưa với ba má là chuyện hôn nhân của con và D. phải hoãn lại… cho tới chừng nào, chừng nào… con cũng không biết nữa. Cũng có thể là không bao giờ.
Nói tới đây tôi nghe D. khóc rấm rứt, rồi không cầm được nước mắt, tôi cũng khóc theo. Bà già vợ tôi cũng thúc thít nhưng còn rán nói :
-đâu được con, đám cưới tụi con không làm lớn được thì mình làm nhỏ, vợ chồng phải có cưới hỏi đàng hoàng chớ con !
Hoàn cảnh đất nước quê hương hổn loạn, tang tóc như vậy mà làm đám cưới, dù làm nhỏ thế nào đi nữa, dù cố gắng cho lắm cũng không thể làm được, mà coi cũng không được. Tôi trả lời ngay :
-Thưa má, con không biết bị bắt ngày nào, bây giờ chỉ còn lo chuyện chết sống, tù đày, sống chỉ biết được ngày nay, không biết ngày mai ra sao, còn đầu óc đâu mà nghĩ tới chuyện gia đình riêng tư nữa.
Tôi tiếp - chế độ nầy sắt máu lắm, chuyện vui không có mà chuyện buồn thì nhiều, con nghĩ là mọi sự bế tắc, miền Nam mình thua trận rồi. Mà quả vậy, đầu óc tôi lúc đó đặc sệt như chì, không tìm ra giải pháp nào ổn thoả hết. Đi không được, ở không được, sống không được mà chết cũng không được luôn. Tôi có cảm giác thua cuộc, bất lực, thất bại, tê liệt như con kiến bò trên bờ chảo nóng, lanh quanh bò hoài cũng không ra khỏi miệng chảo.
Ông già vợ trầm ngâm một hồi, thở ra :
-ba hiểu rồi, thiệt là cơ khổ. Nhưng chuyện nhơn duyên là chuyện lớn đời người, không thể vì vậy là hai con không thành chồng vợ. Con về thưa với anh chị, ba má dưới nầy không đòi hỏi gì cả, cũng không cần có đám cưới. Tới ngày đó, ba má nấu một mâm cơm gia đình, chỉ cần có mặt anh chị và ba má chứng kiến cho hai con lạy bàn thờ, xin phép ông bà tổ tiên để kết duyên thành chồng vợ là đủ.
Tôi ngắc nga, ngắc ngứ - rồi đồ
cưới, khăn áo hoàng hậu, nhẫn cưới cho cô dâu, rượu trà, xe hoa… Ông nói
- con không cần đem xuống gì cả, kể như là ba má và em con đã nhận lễ
vật đầy đủ rồi, đời bây giờ nhiều chuyện rối rắm lắm, đừng có lo nghĩ
thêm chi cho mắc công….
*
Ngày 30-5 năm 1975 nghiã là sau ngày mất nước một tháng, tôi cưới vợ và đám cưới hầu như không có. Bên nhà vợ tôi nấu một mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, hai đứa tôi lạy bàn thờ rồi lạy tứ thân phụ mẫu, ba má tôi và ba má D. ngồi trên bốn cái ghế đẩu nhỏ sắp hàng ngang trước bàn thờ. Chỉ có người nhà và không có ai lạ. Vậy là xong lễ thành hôn. Trong khi hai bên sui gia gặp nhau, cửa nhà đóng kín kỹ lưỡng, sợ công an khu vực vô phá đám, xui xẻo, hàng xóm không ai biết bên trong chúng tôi đang làm việc gì. Ngày hôm sau tôi về Bình Dương, lén dắt vợ đi chào và trình diện với những thân bằng quyến thuộc. Dù hết sức đơn giản nhưng tôi cũng có vợ đàng hoàng tử tế, đầy đủ lễ nghiã !.
*
Khi viết những dòng chữ nầy thì ông già vợ tôi đã mất từ lâu. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ những lời ông nói, tình thương ông cho tôi dù bao nhiêu nước chảy qua cầu, cuộc đời dâu biển, tôi vẫn thương ông như thương cha ruột tôi vậy.
Cụ Diễn cũng đã mất rồi, những lời tiên đoán của cụ ngày nào vẫn còn mãi mãi bên tai, làm sao tôi quên được. Tôi nợ cụ nhiều lắm, bây giờ làm sao trả đây. Không phải là nợ vật chất, tiền bạc, gói trà hay chai rượu mà tôi nợ cụ lời xin lỗi chân thành cùng lời khen ngợi tài năng cao xa của cụ. Cái lỗi ngu si của tôi rất lớn, ngày đó tôi còn quá trẻ chưa hiểu đời là gì, đã dám hoài nghi những điều mình chưa biết.
*
Ngày 30-5 năm 1975 nghiã là sau ngày mất nước một tháng, tôi cưới vợ và đám cưới hầu như không có. Bên nhà vợ tôi nấu một mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà, hai đứa tôi lạy bàn thờ rồi lạy tứ thân phụ mẫu, ba má tôi và ba má D. ngồi trên bốn cái ghế đẩu nhỏ sắp hàng ngang trước bàn thờ. Chỉ có người nhà và không có ai lạ. Vậy là xong lễ thành hôn. Trong khi hai bên sui gia gặp nhau, cửa nhà đóng kín kỹ lưỡng, sợ công an khu vực vô phá đám, xui xẻo, hàng xóm không ai biết bên trong chúng tôi đang làm việc gì. Ngày hôm sau tôi về Bình Dương, lén dắt vợ đi chào và trình diện với những thân bằng quyến thuộc. Dù hết sức đơn giản nhưng tôi cũng có vợ đàng hoàng tử tế, đầy đủ lễ nghiã !.
*
Khi viết những dòng chữ nầy thì ông già vợ tôi đã mất từ lâu. Nhưng tôi vẫn nhớ rõ những lời ông nói, tình thương ông cho tôi dù bao nhiêu nước chảy qua cầu, cuộc đời dâu biển, tôi vẫn thương ông như thương cha ruột tôi vậy.
Cụ Diễn cũng đã mất rồi, những lời tiên đoán của cụ ngày nào vẫn còn mãi mãi bên tai, làm sao tôi quên được. Tôi nợ cụ nhiều lắm, bây giờ làm sao trả đây. Không phải là nợ vật chất, tiền bạc, gói trà hay chai rượu mà tôi nợ cụ lời xin lỗi chân thành cùng lời khen ngợi tài năng cao xa của cụ. Cái lỗi ngu si của tôi rất lớn, ngày đó tôi còn quá trẻ chưa hiểu đời là gì, đã dám hoài nghi những điều mình chưa biết.
Toronto, ngày 30 /9/2002
Võ Kỳ Điền
No comments:
Post a Comment