Người viết thư thuê ở bưu điện Sài Gòn
VTC News 03/08/2012 14:02
“... phải viết tay mới rèn giũa được nhân cách, giữ được lòng người. Tôi sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Tôi chỉ mong là người giữ lại hồn cho những lá thư, chứ mọi danh hiệu đều vô nghĩa…”, ông Dương Văn Ngộ, người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam tâm sự.
Những cánh thư xuyên thế kỷ
Tôi đã cố ý đến Bưu điện trung tâm Sài Gòn (quận
1, TP.HCM) từ sớm để chờ cảnh ông đến. Nhưng ngay khi bước vào sảnh
chính của tòa nhà, tôi đã nhận ra dáng ông cụ Dương Văn Ngộ, người viết
thư thuê cuối cùng ở Sài Gòn, ngồi đó. Ông cụ nhỏ con, đầu bạc trắng, áo
sơ mi trắng ngắn tay và cặp kính rất dày. Một tay ông cầm chiếc kính
lúp tra từ điển, tay còn lại đang chậm rãi viết lên giấy.
Tôi im lặng dõi theo, ông đang dịch một đoạn thư
của một người mẹ sang tiếng Pháp cho gia đình con trai đang sinh sống ở
nước ngoài, để cô con dâu người Pháp cũng hiểu được lá thư.
Ông còn đọc lại cho bà mẹ nghe xem đã đúng nội dung chưa, có cần sửa gì không. Bà mẹ gửi ông 50.000 đồng tiền công nhưng ông chỉ lấy 10.000 đồng.
Ông còn đọc lại cho bà mẹ nghe xem đã đúng nội dung chưa, có cần sửa gì không. Bà mẹ gửi ông 50.000 đồng tiền công nhưng ông chỉ lấy 10.000 đồng.
“Việc này đơn giản, tôi chỉ lấy vậy thôi! Tiền còn lại bà để làm được nhiều việc khác”, ông giải thích.
Ông cụ 82 tuổi vẫn cần mẫn với từng trang thư.
Ông chưa kịp nghỉ tay, một người phụ nữ khác đến
nhờ viết giúp địa chỉ lên phong thư gửi con ở Úc. Thấy thiếu địa chỉ,
ông giải thích cặn kẽ và yêu cầu gọi cho người thân bổ sung địa chỉ, để
tránh thất lạc. Ông còn hướng dẫn cách ghi số điện thoại lên bì thư, một
số thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài.
Phải đợi ông tiếp xong hai vị khách, tôi mới dám
đến gần trò chuyện. Ông tuy đã ngoài 80 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt
bát. “Ở nhà không buồn tay buồn chân lắm, lên đây làm việc, gặp mọi
người tôi mới vui. Chắc là cái nghiệp nó bám với mình rồi”.
Ông Ngộ thường làm việc từ 8h sáng đến 16h chiều
mỗi ngày, đạp xe từ nhà ở Thị Nghè lên Bưu điện thành phố cũng mất
khoảng 20 phút. Ông bảo: “Việc hôm nào, tôi làm xong hôm đó không nhận
và hứa hẹn đén ngày mai, vì đâu biết mai mình có khỏe để tiếp tục được
không. Nhiều người ở xa gắn bó với tôi nhiều năm nay, thường phải liên
lạc trước xem hôm nay tôi có đi làm không để mà sắp xếp kẻo mất công mất
việc”.
Ông còn được một nhà báo nước ngoài gọi là
“người nối thế giới bằng những cánh thư”. Hơn nửa thế kỷ qua, ông đã
viết hàng vạn lá thư, mỗi bức là một nội dung hỉ nộ ái ố khác nhau.
Trong đó là những bức thư tình gửi đến hàng chục nước trên thế giới, chủ
yếu là Pháp, Anh, Canada, Mỹ… kết nối tình yêu, nhiều đôi đã thành vợ
thành chồng.
Có những bức thư đã giúp mọi người tìm được thân
nhân. Ông xúc động kể về trường hợp một người mẹ ở Bình Phước nhờ ông
viết thư hỏi thăm khắp nơi mà tìm thấy người con trai làm thợ hồ bên
Pháp. Hai mẹ con ngày vẫn thường xuyên đến thăm và cảm ơn ông.
“Tôi sẽ không để ngành Bưu điện mang tiếng”
Ông Ngộ chia sẻ thêm về nguyên tắc làm việc của
mình: đúng giờ, đúng lương tâm, đúng trách nhiệm. Ông không bao giờ nhận
viết những lá thư có nội dung gây hiềm khích, bêu riếu, kích động nhau.
Ông luôn yêu cầu phải ghi đủ họ tên, địa chỉ kể cả người gửi và người
nhận, chỗ dán tem đúng quy định.
Ông hóm hỉnh nói: “Kiến thức học được hơn 70 năm
trước vẫn nhớ rõ, cộng với hơn 30 năm làm nhân viên bưu điện càng vận
dụng khéo léo. Vậy mà có tên của mấy cô quầy dịch vụ ngày nào cũng gặp
mà không nhớ nổi. Đó cũng là nguyên tắc trong nghề, phải tuyệt đối giữ
bí mật và quên ngay những gì mình vừa viết ra cho khách”.
Bằng thứ giọng đặc và ấm, ông chậm rãi kể về
cuộc đời mình. Ông sinh ngày 3/3/1930. Ông từng học trường Petrus Ký,
lấy bằng trung học Pháp năm 22 tuổi và gia nhập đội ngũ nhân viên Bưu
điện Sài Gòn. Được học và tiếp xúc từ nhỏ nên ông thông thạo cả tiếng
Pháp và Anh, được giáo viên nhận xét “có thể nói như người bản xứ”.
Ông tâm sự: “Sau khi về hưu, tôi và mấy anh em
có xin lãnh đạo Bưu điện bố trí bàn làm việc để tư vấn, dịch và viết thư
thuê cho bất kỳ ai có nhu cầu. Chẳng có gì phải ngại cả. Đến nay, đa số
anh em ngày đó đã mất, còn một người đã hơn 90 tuổi không thể tiếp tục
công việc. Tôi ráng bám nghề đến chừng nào không làm được nữa”.
Ông còn giải thích nghề này trong tiếng Anh gọi
là “public writer”, nghĩa là “người viết thư cho công chúng”. Ông bảo từ
này dịch sát nghĩa nhất, bởi vì phí dịch vụ là tùy lòng hảo tâm của mỗi
người.
“Tôi làm trước hết để phục vụ công chúng, không để ngành Bưu điện mang tiếng. Thứ hai nữa là để bạn bè quốc tế có cái nhìn thiện cảm với Việt Nam”.
“Tôi làm trước hết để phục vụ công chúng, không để ngành Bưu điện mang tiếng. Thứ hai nữa là để bạn bè quốc tế có cái nhìn thiện cảm với Việt Nam”.
Vì vậy, dù có mệt trong người nhưng ông vẫn luôn
mỉm cười trò chuyện, chụp hình cùng khách nước ngoài. Đa số khách tham
quan Bưu điện Trung tâm Sài Gòn bởi ta vẫn giữ được nét văn hóa riêng
này.
Ông luôn mỉm cười trước ống kính của khách du lịch.
Những kỷ vật vô giá
Ông Ngộ bảo rằng mình lên báo đã nhiều; nhưng
khi viết về cuộc đời ông, nhiều tờ báo nhằm thu hút độc giả cải biên,
nói quá lên. Ông không kiện tụng gì mà chỉ lấy bút mực khoanh tròn những
chỗ viết sai. Như để minh chứng cho điều đó, ông lấy một xấp giấy cũ
photo hàng chục bài báo viết về ông, có cả báo Đức, báo Mỹ, báo Nhật…
Những bài báo viết về mình được ông gói ghém và cất giữ cẩn thận như những kỷ niệm đẹp.
Ánh mắt ông ánh lên niềm tự hào, mỗi trang là
một câu chuyện khác nhau “Bài này của cô Thanh Trúc, phóng viên người
Việt của một tờ báo tại Mỹ. Cô ấy phỏng vấn tôi qua điện thoại rất lịch
thiệp và không làm phiền nhiều. Nhờ vậy mà tôi được nhiều người biết
đến”.
“Tôi nhớ nhất là ông Trần Hải, gốc Hải Phòng, là
Việt Kiều bên Mỹ. Ông ấy mến tôi lắm, thấy báo ở Âu châu đăng bài về
tôi, ông ấy liền cắt và gửi về Việt Nam kèm theo phong thư nữa” – Ông kể
tiếp.
Những phong thư cảm ơn gửi từ nước ngoài với cái tên người nhận bình dị “Người viết thư thuê Bưu điện trung tâm Sài Gòn”
Gia tài của ông: 2 quyển từ điển cũ, các tài liệu tham khảo khác có liên quan.
Trên bàn làm việc của ông còn có rất nhiều thứ khác như: Giấy chứng nhận Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam của Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam, những bức thư, hình ảnh, bưu thiếp…cảm ơn từ nước ngoài gửi về. Ông coi chúng như vật báu, phân loại và giữ gìn cẩn thận. Đó là niềm vui lớn nhất, giúp ông gắn bó công việc đến tận bây giờ.
Hơn nửa thế kỷ qua, ông vẫn cần mẫn với công
việc của mình. Được biết thêm, gia đình ông rất khó khăn, có một người
con gái mắc bệnh tâm thần, bản thân ông cũng bị cao huyết áp. Ngoài ra,
ông không nhận được thêm khoản lương hay trợ cấp nào.
Bữa cơm trưa đạm bạc, các quán ăn yêu mến ông chỉ bán với giá 5.000-10.000 đồng.
Kết thúc một ngày làm việc
Trước khi chào tạm biệt, ông cười hiền và nói: “Đám trẻ giờ chẳng quan tâm đến viết thư nữa, chúng có máy tính thư điện tử, điện thoại 3G. Mấy cái đó “vô tính” lắm, phải viết tay mới rèn giũa được nhân cách, giữ được lòng người. Tôi sợ sau này sẽ chẳng còn ai nhớ đến thư tay nữa. Tôi chỉ mong là người giữ lại hồn cho những lá thư, chứ mọi danh hiệu đều vô nghĩa cả…”.
No comments:
Post a Comment