Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, hải quân Hoa Kỳ cho biết sẽ đưa một khu trục hạm tới đây và vùng biển Sulu, phía tây nam Philippines với mục đích, theo Washington, là thẩm định việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải ở những vùng biển này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, vào lúc Trung Quốc đang tỏ thái độ quyết đoán về chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, thì hơn bao giờ hết, Mỹ cần phải khẳng định lại sự hiện diện của mình trong khu vực. Bởi vì, cho đến nay, các quốc gia châu Á vẫn tự hỏi về khả năng cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại châu Á, đặc biệt tại Đông Nam Á.
Tại Hội nghị an ninh khu vực « Đối thoại Shrangri-La » ở Singapore vừa qua, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy sự hợp tác của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á như triển khai các tàu chiến tấn công tới Singapore, được coi là một phần trong Thỏa thuận khung quan hệ Chiến lược Mỹ-Singapore, hay sử dụng các cảng trung chuyển, hải quân tập trận chung và tiến hành nhiều hợp tác đa phương khác với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Cũng vào dịp này, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ giải thích rõ hơn bốn nguyên tắc trong các mối quan hệ tương tác quốc tế mà Washington trù tính cho khu vực : quan hệ thương mại tự do và mở, tôn trọng luật pháp, quyền lợi và trách nhiệm của các quốc gia trong vùng, tự do tiếp cận các khu vực chung trên biển, trên không, không gian cũng như không gian internet.
Hiện nay, có rất nhiều quốc gia châu Á như Úc, New Zeland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Malaysia, Việt Nam và thậm chí cả Mông Cổ, tất cả đều trông đợi Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện hoặc đẩy mạnh hợp tác để chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực.
Tại Hội nghị an ninh Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vẫn tuyên bố là Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình, ổn định khu vực, thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và ổn định tại Biển Đông. Thế nhưng, theo nhận định của báo trên mạng The-diplomat.com, thì điều này giống như câu chuyện cổ Anderson Ông Vua Cởi Truồng.
Nói một cách khác, Bắc Kinh luôn khẳng định theo đuổi một chính sách hòa bình và hài hòa, thế nhưng, các căng thẳng hiện nay tại Biển Đông cho thấy rõ ý đồ của Trung Quốc. Trong nhiều tuần lễ qua, Việt Nam và Philippines tố cáo Trung Quốc có thái độ hung hăng, xâm phạm hải phận, trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông, mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002. Bên cạnh đó là sự thiếu minh bạch trong các chương trình quân sự của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, Hoa Kỳ cho rằng điều hiển nhiên là châu Á-Thái Bình Dương có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển thương mại và thịnh vượng về kinh tế. Sự hiện diện về quân sự của Mỹ sẽ hỗ trợ đắc lực cho hòa bình và ổn định trong khu vực, kể cả trong lĩnh vực răn đe và trợ giúp nhân đạo.
Nếu như sự cam kết của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương là chắc chắn thì Washington lại vẫn chưa xác định rõ vai trò của mình trong khu vực này. Trong lúc đó, các nước châu Á cần Hoa Kỳ nhanh chóng thực thi bốn điểm mà bộ trưởng Robert Gates đã trình bày tại Shangri-La, đó là tự do thương mại, pháp luật tối thượng, tự do thông thương và giải quyết hòa bình các xung đột.
Các cuộc tuần hành phản đối chính sách của Trung Quốc lại tiếp tục xảy ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sáng Chủ nhật 12/06, nhưng các nhân chứng cho hay con số người tham gia ít hơn tuần trước.
Cuộc tuần hành ôn hòa hôm 05/06 đã có sự tham gia của hàng trăm người ở Hà Nội và hàng nghìn người ở TP Hồ Chí Minh.
Một nhân chứng ở Hà Nội nói sáng 12/06 rằng đám đông "lúc đầu khoảng vài chục người" hội tụ tại vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Quốc trên đường Hoàng Diệu vào khoảng 8 giờ 20 phút sáng.
Chỉ sau chưa đến nửa tiếng, cuộc biểu tình chuyển sang thành dạng tuần hành, từ địa điểm nói trên hướng về trung tâm thành phố và con số người tham gia tăng lên.
Nhiều người tham gia biểu tình vẫn mặc áo T-shirt màu đỏ-vàng của lá cờ Việt Nam và giương cao các biểu ngữ "Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc xâm lấn biển Việt Nam", "Phản đối Trung Quốc gây hấn Việt Nam"...
Đặc biệt lần này đoàn người ở Hà Nội còn mang biểu ngữ "Trung Quốc hãy thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC".
Một số người mang chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hàng chữ "Quân đội Nhân dân Việt Nam muôn năm".
Được biết sau hai tiếng đồng hồ, cuộc biểu tình đã kết thúc.
Đặc biệt lần này đoàn người ở Hà Nội còn mang biểu ngữ "Trung Quốc hãy thực hiện Tuyên bố của các bên ở Biển Đông DOC".
Nhân chứng ở Hà Nội
Cuộc tuần hành ở TP Hồ Chí Minh, cũng như lần trước, được mô tả là "lớn hơn Hà Nội".
Tuy nhiên đoàn biểu tình bắt đầu trễ hơn, khoảng 9 giờ 30 sáng.
Họ cũng tổ chức tuần hành qua trung tâm thành phố, hướng về nơi có các cơ quan ngoại giao nước ngoài, trong có Lãnh sự quán Trung Quốc.
Tại cả hai nơi, an ninh được nói đã tăng cường chặt chẽ trong sáng ngày Chủ nhật.
Một người tham gia tuần hành ở TP HCM nói với BBC rằng cơ quan công an đã "chia cắt" đoàn biểu tình làm nhiều nhóm nhỏ. Sau khi bị phân tán,đến khoảng sau 11 giờ hoạt động cũng chấm dứt.
Cuộc tuần hành đã được kêu gọi trên các mạng kết nối xã hội và các diễn đàn một tuần nay, sau khi hai cuộc biểu tình 05/06 diễn ra ôn hòa và có trật tự đã không gặp phản ứng cứng rắn từ phía chính quyền.
Sau đó Chính phủ Việt Nam đã nhận yêu cầu từ phía Trung Quốc yêu cầu "xử lý các vụ bùng phát" mà Trung Quốc nói không có lợi cho quan hệ hai nước.
Tàu Trung Quốc phá cáp
Quan hệ ngoại giao Việt-Trung đang ở trong tình trạng căng thẳng sau các vụ mà Việt Nam cáo buộc là Trung Quốc phá thiết bị thăm dò dầu khí ở ngay trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Hai sự kiện xảy ra hôm 26/05 và 09/06 đối với hai tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 và Viking 2 đã khiến dư luận Việt Nam hết sức công phẫn.
Hành động phá cáp này bị Việt Nam lên án là "hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng", vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế.
Hai bên đều có các động thái mạnh mẽ, như Trung Quốc loan báo tập trận hải quân ở Biển Đông, còn Việt Nam nói sẽ bắn đạn thật ở ngoài khơi Quảng Nam ngay thứ Hai này.
Căng thẳng leo thang đã khiến Hoa Kỳ lên tiếng kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ôn hòa.
Trong khi đó, Việt Nam công khai ngỏ lời hoan nghênh sự tham gia của quốc tế trước nguy cơ xung đột leo thang với Trung Quốc.
Hôm thứ Bảy 11/06, khi được hãng thông tấn Reuters hỏi về khả năng Mỹ hoặc các nước khác có thể đóng vai trò trong quá trình giải quyết tranh chấp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói: "Chúng tôi hoan nghênh mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông."
Thông tin tiếp tục được cập nhật.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/06/110612_2nd_antichina_protest.shtml
2011-06-12
Qua website của RFA, quý vị đã nghe tường thuật, ngay lúc đầu, từ các nhân chứng, trực tiếp tham gia biểu tình quy mô, lần thứ 2, tại Hà Nội và Saigon. Các đoạn video cũng đã được gởi đến quý vị với đầy đủ hình ảnh và âm thanh từ hiện trường.
Bày tỏ thái độ với TQ
Ông Đinh Kim Phúc: Dạ, thưa anh, buổi sáng nay chúng tôi cũng ra ngoài hiện trường rất sớm. Tôi và một số người bạn như là nhà văn Nguyễn Viện, cô Mẹ Đốp, và cũng số người đó ngồi uống cà phê ở tiệm Cafe Highland ở Diamond Plaza, thì phải nói thật rằng không khí rất căng, rất nhiều hàng rào bảo vệ tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM.
Nhìn chung, thái độ của tất cả những người tham gia là không có ý đồ khiêu khích nhà nước, cũng không có ý muốn chống đối chính phủ Việt Nam, mà chỉ muốn bày tỏ thái độ với nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ô. Đinh Kim Phúc
Việc này tôi nghĩ có lẽ rằng nhà nước Việt Nam đã tuân thủ công pháp quốc tế rất là nghiêm chỉnh để bảo vệ cho các đơn vị ngoại giao của nước ngoài trên lãnh thổ của mình, nhưng mà bầu không khí ngày càng căng thẳng và người tập trung ngày càng đông.
Vào khoảng hơn 9 giờ thì cuộc tụ tập đã diễn ra và rất nhiều khẩu hiệu được giương lên, và cuộc tuần hành đã bắt đầu.
Nhìn chung, thái độ của tất cả những người tham gia là không có ý đồ khiêu khích nhà nước, cũng không có ý muốn chống đối chính phủ Việt Nam, mà chỉ muốn bày tỏ thái độ với nhà cầm quyền Trung Quốc, đó là Việt Nam không phải là một dân tộc khiếp nhược, Việt Nam không phải là một dân tộc dễ bị bắt nạt, và Việt Nam có sức sống mãnh liệt của nó, và mặc dù lịch sử hàng ngàn năm dưới ách đô hộ của Phương Bắc song Việt Nam vẫn cứ tồn tại.
Mạnh tay với người biểu tình
Đỗ Hiếu: Thưa ông Đinh Kim Phúc, RFA chúng tôi cũng được tin là nhiều nhà dân chủ trong Nam cũng như ngoài Bắc bị công an gọi điện thoại trực tiếp đe dọa hoặc là một vài người bị bắt giam. Ông có thể cho biết thêm chi tiết về hành động gây khó dễ từ phía lực lượng an ninh mà nghe nói cá nhân ông cũng bị rắc rối ạ?Ông Đinh Kim Phúc: À, việc này thì sáng nay khi mà tôi rời khỏi chỗ đứng để ra gia nhập vào đoàn tuần hành thì tôi được báo lại là bạn tôi là anh Nguyễn Viện và cô Mẹ Đốp bị công an mời. Tới giờ phút này tôi chưa biết họ đang ở đâu và không biết họ đã được thả ra chưa.
Bàn chung quanh cuộc tuần hành sáng nay thì tôi cũng phải nói rằng có rất nhiều lực lượng trà trộn vào đoàn tuần hành để phá hoại, hoặc hô những khẩu hiệu, hoặc có những hành động quá khích như là khiêu khích lực lượng công an, khiêu khích chính quyền, và tôi thấy là chính quyền đã mạnh tay so với tuần trước đây.
Nhưng, nhìn một cách tổng thể thì tôi thấy rằng việc tuần hành xuống đường bảo vệ lòng yêu nước của người dân thành phố sáng nay cũng diễn ra một không khí rất là dễ chịu, rất là thuận lợi.
Chúng tôi đi qua được rất nhiều con đường xung quanh khu Công viên 30-4, Dinh Độc Lập, rồi đi ngang Lãnh sự quán Hoa Kỳ, đi ngang Lãnh sự quan Anh, rồi vòng qua Đài truyền hình TP.HCM, và quay về trung tâm Công viên 30-4 ở trước Dinh Độc Lập.
Tôi nghĩ rằng có lẽ nhà nước Việt Nam đang tính toán một công thức hoặc một chiến thuật nào đó để có thể dễ dàng đàm phán, để dễ dàng tranh thủ dư luận quốc tế, và dễ dàng khi nói chuyện với Trung Quốc trong vấn đề đấu tranh chủ quyền biển đảo đó anh à.
Tôi thấy là chính quyền đã mạnh tay so với tuần trước đây.
Ô. Đinh Kim Phúc
Đỗ Hiếu: Thưa ông, xét về thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam thì họ có phản ứng như thế nào sau khi hai cuộc biểu tình khá rầm rộ với sự tham dự của hàng ngàn người vì sự việc đó gần như là chưa bao giờ xảy ra kể từ khi Đảng CSVN lên cầm quyền, thưa ông?
Ông Đinh Kim Phúc: Về vấn đề này thì chúng ta thấy cũng dễ dàng phân tích anh ạ. Nếu trước đây, không phải đây là lần đầu tiên biểu tình hay xuống đường, vì chúng ta thấy rằng ở Việt Nam trong một thời gian dài có rất nhiều những cuộc khiếu kiện hoặc là đình công, hoặc là tụ tập để mà phản đối vấn đề này vấn đề nọ, vân vân, nhưng mà hai cuộc xuống đường hồi chủ nhật tuần trước và chủ nhật tuần này thì đó là vấn đề dân tộc chứ không phải là vấn đề giai cấp hay chính trị.
Đây là biểu lộ thái độ đồng thuận của nhân dân Việt Nam với chính phủ Việt Nam trong việc phản ứng lại những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Và chính sự đồng thuận giữa nhân dân như vậy đó, tôi thấy nhà nước Việt Nam cũng tương đối tạo điều kiện thuận lợi để cho chúng tôi bày tỏ cái tâm tư, cái nguyện vọng của từng người dân Việt Nam.
Và một chuyện nữa là tôi thấy rằng không phải tất cả những người không xuống đường là không yêu nước, vì tôi quan niệm rằng mỗi người có một công việc, có một chỗ đứng khác nhau, và có một việc làm khác nhau, miễn sao chúng ta hướng về một mục đích cuối cùng là độc lập dân tộc, thống nhứt đất nước và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là cái mong muốn của tất cả mọi người.
Cần tỏ rỏ thái độ với TQ
Đỗ Hiếu: Trước khi tạm biệt, thưa ông Đinh Kim Phúc, với tư cách là một nhà nghiên cứu về Đông Nam Á thì ông có điều gì chia sẻ thêm với thính giả đang theo dõi RFA?Ông Đinh Kim Phúc: Dạ, kính thưa anh, vấn đề Trung Quốc gia tăng những hành động ngang ngược trong thời gian vừa qua đối với Philippines, đối với Việt Nam, vân vân, thì đây không phải là lần đầu, mà họ (Trung Quốc) đã diễn qua diễn lại trong rất nhiều lần và cường độ mỗi ngày một cao hơn.
Nhân đây tôi cũng xin kêu gọi cộng đồng thế giới, nhất là Hoa Kỳ là một cường quốc trên thế giới, là một ủy viên Hội Đồng Bảo An LHQ, phải tỏ rõ thái độ của mình trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vì tôi biết rằng nhiều lần chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố là không can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ có lợi ích trên Biển Đông, nhứt là vấn đề tự do hàng hải đã được công pháp quốc tế thừa nhận.
Nhân đây tôi cũng xin kêu gọi cộng đồng thế giới, nhất là Hoa Kỳ là một cường quốc trên thế giới, là một ủy viên Hội Đồng Bảo An LHQ, phải tỏ rõ thái độ của mình trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc.
Ô. Đinh Kim Phúc
Và vấn đề Việt Nam khai thác tài nguyên thiên nhiên trong thềm lục địa và chủ quyền của Việt Nam thì không có lý do nào một cường quốc trên thế giới như Trung Quốc, một ủy viên của Hội Đồng Bảo An LHQ nhiều lần rêu rao hành động hòa bình của mình, nhiều lần trấn an thế giới, nhưng mà họ (Trung Quốc) ngày càng ngang ngược đối với đất nước Việt Nam, ngang ngược đối với dân tộc Việt Nam, và họ cũng nên nhớ rằng ngàn năm người Việt vẫn là người Việt chớ không thề nào bị đồng hóa bởi Trung Quốc.
Đỗ Hiếu: Chúng tôi xin cảm ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đã dành thời giờ cho RFA qua cuộc mạn đàm ngày hôm nay. Chúc ông nhiều may mắn.
Chủ đề Biển Đông và thái độ trịch thượng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng đã thu hút mạnh mẽ báo chí thế giới. Tạp chí Courrier International nhận định, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã tấn công tàu Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, sự việc gây phẫn nộ cho báo giới địa phương. Minh chứng cho nhận định này, Courrier International dẫn lại bài của báo Thanh Niên (Việt Nam) với dòng tựa “Một hành động quá đáng của Trung Quốc”.
Theo Thanh Niên, từ nhiều năm nay, mỗi khi tàu đánh cá Việt Nam bị tàu ngoại quốc tấn công, Việt Nam thường cho rằng đó là những « tên cướp biển lạ », và phải chờ đợi điều tra để xác định chính xác thủ phạm. Thế nhưng, sau sự việc diễn ra ngày 26/5 chỉ nằm cách bờ biển Việt Nam có 120 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự nghi ngờ không còn có chỗ đứng nữa. Nhân dạng và mục đích của kẻ tấn công đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tàu tuần tra Trung Quốc đã ngang nhiên xâm nhập vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và còn cắt cáp tàu Bình Minh II thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia Petrovietnam đang thăm dò dầu hỏa.
Trung Quốc yêu sách 80% diện tích Biển Đông, vì thế mới hành động như vậy. Hành động đó đã vi phạm chủ quyền đã được thiết lập vững chắc của một quốc gia.
Theo nhiều chuyên gia, những yêu sách của Trung Quốc dựa trên bản đồ chín đoạn, hay « đường lưỡi bò » là hoàn toàn thiếu căn cứ. Hành động vừa rồi của Trung Quốc đã cho thấy tham vọng bá quyền và quyết tâm thách thức dư luận quốc tế của nước này. Hơn nữa, hành động đó còn đi ngược lại tất cả các thhỏa thuận trong bản Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông được ký kết giữa Trung quốc và các nước Asean hồi năm 2002.
Báo Thanh Niên kêu gọi, ngày nay người Việt Nam phải phản ứng chính thức và khẳng định quyết tâm. Nhiều năm qua, hàng chục tàu các Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc tấn công trong khi hoạt động trong lãnh hải Việt Nam và không hề vi phạm luật lệ gì. Thế mà, Việt Nam đã không phản ứng mạnh. Trong khi đó, Trung Quốc đã tỏ ra khinh nhờn và lợi dụng sự kiềm chế của Việt Nam.Trung Quốc đã tiếp tục cư xử một cách vô trách nhiệm.
Tờ báo kết luận: Do không phản ứng kiên quyết, hiện tại chúng ta có nguy cơ phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế, và nếu cứ như vậy, phẩm giá của dân tộc ta sẽ bị xúc phạm.
Nhận định về phản ứng mạnh mẽ của báo giới địa phương, Courrier International cho biết, Hà Nội thường có thái độ nhường nhịn trước việc xâm phạm lãnh hải của tàu Trung Quốc, thế nhưng lần này, Việt Nam đã không tiếp tục im lặng nữa. Đây là một sự kiện hiếm hoi, và minh chứng là bài xã luận của báo Thanh Niên vừa nêu trên. Courrier International cũng nhắc lại việc ngày 5/6 hàng trăm người Việt Nam đã biểu tình phản đối Trung Quốc trước tòa Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20110612-viet-nam-phai-hanh-dong-kien-quyet-hon-de-bao-ve-chu-quyen-bien-daolên trên chủ quyền quốc gia
Ngày hôm nay, tại Hà Nội và Sài Gòn, nhiều người lại tiếp tục xuống đường biểu tình để bày tỏ thái độ chống lại các hành động xâm phạm lãnh hải Việt Nam của tàu thuyền Trung Quốc và đặc biệt là việc tàu Trung Quốc liên tục cắt dây cáp các tàu thăm dò dầu khí trong khu vực, được coi là thuộc chủ quyền của Việt Nam. RFI phỏng vấn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, một chuyên gia về Biển Đông. Ông cũng là một trong những người tham gia tích cực trong cuộc tuần hành hôm nay. Từ Sài Gòn, ông Đinh Kim Phúc cho biết ý kiến.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc : Hành động của các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên vào lãnh hải VN, cắt cáp của tàu Bình Minh 02 hôm 26 tháng 5 vừa qua và mới đây lại đã tiếp tục cắt cáp của tàu thăm dò Viking đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, cũng như vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Hành động nói trên của phía Trung Quốc không những đã đi ngược lại cam kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN năm 2002, mà còn đi ngược lại chủ trương của giới lãnh đạo Trung Quốc, mà vài ngày trước đó, ông Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, đã lên tiếng kêu gọi các nước trong khu vực tự kềm chế, tránh xung đột trên Biển Đông.
Chúng tôi được biết tàu “Hải giám” của Trung Quốc là một lực lượng quân sự, có vũ trang chuyên nghiệp chứ không là loại tàu hoạt động dân sự vì vậy không thể nói đây là “hoạt động bình thường” trong lãnh hải Việt Nam hay không có sự can dự của Quân đội Trung Quốc (PLA) như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt vừa tuyên bố tại Hội nghị Shang-ri La ở Singapore.
RFI : Anh có thể cho biết đánh giá của anh về các phản ứng của chính phủ Việt Nam trước sự kiện này ?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc : Có thể nói rằng đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã phản ứng một cách kịp thời để cho dư luận thế giới thấy được hành động ngang ngược của Trung Quốc không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các nước Đông Nam Á.
Việc sử dụng mọi khả năng trong đó các lực lượng của quân đội Việt Nam chắc chắn sẽ đóng vai trò quyết định khi phía Trung Quốc sử dụng bạo lực để bắt bớ ngư dân, phá hoại hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí bình thường của Việt Nam.
Tôi tin rằng quân đội Việt Nam cũng như chính phủ Việt Nam sẽ làm mọi cách để bảo vệ các hoạt động hợp pháp của những ngư dân đánh cá và những con tàu thăm dò địa chấn Việt Nam, hoạt động trên vùng lãnh hải Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam không thể tôn trọng tình hữu nghị với chính phủ của một nước cố tình xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nếu chính phủ Việt Nam không có thái độ cứng rắn như thế, tôi tin rằng Trung Quốc sẽ liên tục vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam.
RFI : Có ý kiến cho rằng vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc cần phải được đưa ra ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Anh nhận định như thế nào về quan điểm này ?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc : Chủ trương lấn chiếm 80% Biển Đông qua bản đồ hình lưỡi bò đã cho thấy ý đồ độc chiếm nguồn tài nguyên dầu mỏ và đặt sự tự do hàng hải trên vùng biển nầy dưới quyền kiểm soát, khống chế của Trung Quốc.
Về mặt ngoại giao, Trung Quốc không ngừng gây sức ép lên các nước ASEAN, trong đó Việt Nam và Philippines là hai nước đang đứng trước nguy cơ dùng sức mạnh vũ lực mạnh mẽ nhất từ phía Trung Quốc.
Tôi nghĩ, các nước khác trong và ngoài khu vực cùng cất lên tiếng nói phản đối Trung Quốc có thể làm cho họ giảm bớt những hành động hiếu chiến như đã xảy ra. Các nước đã từng bị Trung Quốc bắt nạt, quấy nhiễu, như: Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Philippines và cả Mỹ, nếu cùng lên tiếng phản đối cách hành xử kém văn minh của Trung Quốc có thể làm cho họ suy nghĩ mà hành xử khác hơn.
Vấn đề chủ quyền và tự do đi lại trên biển Đông là hai vấn đề có liên quan quyền lợi của nhiều quốc gia vì vậy sự chung sức ngồi vào đàm phán đa phương, cùng giải quyết ổn thỏa trên cơ sở gìn giữ hòa bình, ổn định và tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc tối thượng vì vậy không có lý do nào để ngăn cản các nước trong ASEAN, Châu Á – Thái Bình Dương tham gia, chia sẻ.
Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng Trung Quốc đã không hành xử một cách văn minh như những gì Trung Quốc từng tuyên bố, cho nên LHQ cần có trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ anh ninh trong khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á – Thái Bình Dương.
RFI : Liên quan đến cuộc biểu tình sáng nay tại Sài Gòn, theo các tin tức được truyền thông trong và ngoài nước loan tải, anh là người có tham gia và được lực lượng an ninh «chăm sóc» khá kỹ. Xin anh cho biết đánh giá của anh về cuộc biểu tình này, đặc biệt là thái độ từ phía chính quyền ?
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc : Không ai có thể ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Việc phản đối Trung Quốc có hành động xâm phạm lãnh hải, cắt cáp tàu Bình Minh 2, và mới đây lại đã tiếp tục cắt cáp của tàu thăm dò Viking là hành động chính đáng của nhân dân Việt Nam.
Phản ứng của người dân Việt Nam qua các cuộc biểu tình cuối tuần qua nhằm phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc là thể hiện lòng yêu nước của người dân. Người dân có trách nhiệm với đất nước, buộc phải làm gì đó khi Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền nước mình, bắt bớ, bắn giết ngư dân Việt Nam khi người dân đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình.
Sự bức xúc của người dân ngày càng gia tăng là vì mức độ và tần suất vi phạm lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, trong khi phản ứng của chính phủ Việt Nam không đủ mạnh để làm giảm hoặc ngăn chặn các hành động của Trung Quốc quấy nhiễu lãnh hải Việt Nam. Sức chịu đựng của người dân Việt Nam có giới hạn, khi sự chịu đựng của người dân bị đẩy đi quá giới hạn, thì chắc chắn họ sẽ đứng lên tự vệ.
Chủ quyền quốc gia dân tộc là tối thượng, chính phủ Việt Nam không thể đặt tình hữu nghị lên trên chủ quyền quốc gia, nhất là đối với một nước không tôn trọng chủ quyền của các nước khác như Trung Quốc.
RFI : Xin trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.
2011-06-11
Sáng nay, Chủ nhật 12-6-2011, thanh niên sinh viên Việt Nam một lần nữa xuống đường biểu tình chống Trung Quốc.
Hà Nội:
Tại Hà nội, vào lúc này 8:20 sáng đã có hơn 100 người tụ tập ở công viên Lê-nin, dương cao nhiều biểu ngữ và hô khẩu hiệu chống Trung quốc.
Trong đoàn biểu tình lần này, người ta thấy có sự có mặt của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Phạm Duy Hiển, Giáo sư Chu Hảo và rất nhiều văn nghệ sĩ trí thức có tên tuổi khác cũng tham gia biểu tình.
Đến 8:45, đoàn người biểu tình đã tiến đến trước Đại sứ quán Trung Quốc, hô vang khẩu hiệu chống Bắc Kinh, giương cao các biểu ngữ và hát vang các bài hát yêu nước...
Vào lúc này, công an cũng đang lập hàng rào quây chặt, ngăn chặn nhưng không thấy lực lượng an ninh dùng dây để đẩy đoàn biểu tình ra khỏi công viên như lần Chủ nhật trước.
Số người tham gia đã lên tới hàng trăm người. Nhiều nhóm biểu tình khác đang cố gắng tiếp cận để nhập thành đoàn. Và ngay sau đó, đám đông đã chuyển thành một đoàn tuần hành diễu trên đường tíên về trung tâm thành phố.
9:55 đoàn biểu tình tập trung ở Bờ Hồ, bên cạnh tượng đài Lý Thái Tổ.
Ông Lê Gia Khánh, một người tham gia biểu tình trả lời phỏng vấn phóng viên Đỗ Hiếu đài Á Châu Tự Do:
Ông Lê Gia Khánh tường thuật không khí biểu tình ở Hà Nội.
Trong khi đó, nhiều nhóm biểu tình khác cũng đang diễn hành trên đường phố Hà Nội, tiến về trung tâm thủ đô.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do vào lúc 10:30 sáng, Nhạc sĩ Nguyễn Trong Tạo cho biết, cuộc biểu tình lần này được bên công an “bật đèn xanh”, và cho phép diễn ra trong vòng 45 phút.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từ Hà Nội.
Sài Gòn:
Trong khi tại Sài Gòn, tình hình xung quanh khu vực lãnh sự quán Trung Quốc, rất căng thẳng, so với Chủ nhật tuần trước.
Rất đông Cảnh sát cơ động với mũ sắt, khiên, dùi cui được bố trí tại nhiều địa điểm xung quanh LSQ Trung quốc.
Lời kể của một nhân chứng bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP.HCM.
Đến 10:00, đã có rất nhiều người tập trung gần khu vực Nhà thờ Đức Bà, phía Dinh Độc Lập. Nhiều tiếng hô Hoàng Sa - Trường Sa vang lên.
Số người tham gia biểu tình lúc này đã lên đến khoảng 1000 người.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anti-china-protests-in-vietnam-06112011225846.html
Ý kiến của Bạn
Click here to add your own comment