Trung cộng hay không?
Ngay sau khi Mao Trạch Đông với cộng đảng Tàu chiếm trị được toàn cõi Hoa lục vào đầu tháng Mười năm 1949, Hồ Chí Minh liền dẫn thủ túc sang cầu cạnh và tình nguyện thần phục Mao. Trong ảnh là HCM đứng cạnh Chu Đức, một danh tướng của Mao Trạch Đông. Trông dáng vẻ của Hồ đứng cạnh Chu Đức, ta đã thấy rõ mối tương quan Hoa cộng – Việt cộng là thứ tương quan Thày-Trò, hoặc hèn hạ hơn nữa là tương quan Chủ-Tớ, chớ không hề và cũng không thể là tương quan “anh em XHCN”. Chính bởi cái tương quan Thày-Trò, Chủ-Tớ đó nên nhóm lãnh đạo cộng đảng Tàu đã coi Bắc Việt Nam là một phần đất thuộc Trung Hoa CS rồi, chỉ còn Nam VN và các vùng khác là còn phải chinh phục mà thôi.
Chính vì vậy nên trong tài liệu mật của Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CS Trung Quốc, vào tháng 8 năm 1965 ghi rõ: “Chúng ta phải giành cho được Ðông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Ðiện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Ðông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Ðông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Ðông Âu, gió Ðông sẽ thổi bạt gió Tây…” – Ban Biên tập trang rfvn.com
———-
Cuộc đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Hoa đang tăng cường độ. Chính quyền cộng sản Việt Nam im thin thít, nhưng không tránh khỏi liên can.
Ngày Thứ Sáu này, Tổng Thống Mỹ Barck Obama sẽ họp mặt với lãnh tụ 10 nước ASEAN ở New York, bên lề đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Thế nào cũng nêu lên hai vấn đề: Chế độ độc tài ở Miến Ðiện, và quyền tự do lưu thông cùng các tranh chấp tại vùng Biển Ðông. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã chặn trước, khuyên bảo Mỹ đừng xía vào chuyện Á Châu! Tuy là công kích Mỹ, nhưng Bắc Kinh nhắm đặc biệt vào Cộng Sản Việt Nam. Vì ai cũng biết trong khối ASEAN chính quyền Việt Nam sợ Trung Quốc nhất. Các nước khác họ có thể công khai kết thân với Mỹ mà không sợ bị nước đồng chí anh em “cho một bài học”.
Thứ Năm vừa qua, ngoại trưởng Indonesia, ông Marty Natalegawa, cùng bà Hillary Clinton khai mạc một Liên Uỷ Hội Mỹ-Indonesia (Joint U.S.- Indonesian Commission). Hôm sau, ông Kevin Rudd, ngoại trưởng Úc Australia, qua Mỹ lại khuyến khích bà Clinton hãy đi Hà Nội cuối tháng 10 này dự hội nghị thượng đỉnh các nước Á Ðông. Ngoại trưởng Indo, Marty Natalegawa, cũng hoan nghênh việc bà Clinton sẽ đến Hà Nội, “để tái lập và củng cố sự tham dự của nước Mỹ trong vùng này,” và bà vui vẻ đồng ý. Có thể coi cuộc gặp gỡ giữa bà Clinton và hai ông Natalegawa và Rudd hai ngày liên tiếp, cả hai cùng nói chuyện hội nghị Thượng Ðỉnh Á Ðông, là một bước leo thang đủ làm cho Bắc Kinh tức giận, phải lên giọng dằn mặt Mỹ ngay.
Liên Uỷ Hội Mỹ-Indonesia làm việc ngay tuần trước ở thủ đô Mỹ, để thể hiện các quy tắc hợp tác mà năm ngoái hai vị tổng thống đã quyết định. Sáu ủy ban Mỹ-Indo thảo luận các lãnh vực cộng tác về giáo dục, kinh tế, môi trường sống, khí hậu, và xây dựng dân chủ, vân vân. Ðứng bên cạnh ngoại trưởng Indonesia, bà Clinton giải thích để cả thế giới cùng hiểu: “Chúng tôi không phải chỉ mở rộng và làm sâu mối bang giao giữa hai quốc gia mà thôi. Hành động của chúng tôi có hậu quả liên quan đến tất cả mọi người”. Tất cả mọi người, trước hết phải kể các nước Ðông Nam Á, các nước khác ở Á Châu, ai cũng phải hiểu cuộc hợp tác Mỹ-Indo liên quan đến họ. Nước Ðông Nam Á nào cũng có thể hưởng những ích lợi hợp tác với Mỹ, như Indonesia đang làm.
Trung Quốc đã hiểu thông điệp đó, và phản công ngay, họ đánh phủ đầu. Trong cuộc họp báo hôm đầu tuần, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Khương Du (Ý) tuyên bố Trung Quốc “theo dõi sát” cuộc họp Mỹ-ASEAN sắp diễn ra ngày Thứ Sáu này. Bà Khương Du nhắc lại Bắc Kinh “kiên quyết chống hành động của những nước không liên hệ mà lại can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia trong vùng”. Một nước “không liên hệ mà lại đang can thiệp” vào vùng Á Ðông, ai cũng hiểu, là Trung Quốc ám chỉ nước Mỹ.
Ba mươi năm trước đây, khi Harold Brown, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đầu tiên đến thăm Bắc Kinh, thời Tổng Thống Carter, một điều chính quyền Trung Cộng mong mỏi là Mỹ giúp họ kỹ thuật chế tạo phản lực cơ chiến đấu, để đọ sức với máy bay MIG-23 của Nga Xô. Vì lúc đó Nga cung cấp MIG-23 cho Bắc Việt mà không cho Trung Cộng! Tình hình bây giờ đã khác. Ðầu năm nay, khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates tỏ ý muốn thăm Bắc Kinh nhân cuộc công du 5 quốc gia Á Châu, Trung Quốc đã từ chối. Họ muốn tỏ ý bất bình về việc Mỹ bán hoả tiễn loại mới cho Ðài Loan (Giá 6 tỉ Mỹ kim, có tiền sẽ nhập cảng hàng hóa bên Tầu, làm sao từ chối không bán được?) Thái độ tẩy chay ông Gates cho thấy Bắc Kinh tự thấy ngày nay họ mạnh hơn 30 năm trước nhiều. Từ năm 2003, Trung Quốc đã chứng kiến cảnh nước Mỹ lúng túng trong hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Trung Quốc nhận đóng vai hào hiệp hỗ trợ Mỹ chống khủng bố nhưng thực ra là để lợi dụng cơ hội tấn công tiêu diệt những người Hồi Giáo ở Tân Cương muốn bảo vệ văn hóa chống lại sức ép đồng hóa của người Hán. Năm 2007, nước Mỹ bắt đầu bị khủng hoảng kinh tế, càng lung túng; Trung Quốc càng có dịp lên mặt bành trướng ảnh hưởng khắp các nước Á, Phi bằng đô la dự trữ.
Cũng vì thế, chính sách ngoại giao của chính phủ Mỹ ở Á Châu đã chuyển hướng sau khi Tổng Thống Barak Obama nắm quyền. Trong 8 năm của Tổng Thống Gorges W. Bush, ông coi phong trào khủng bố Hồi Giáo quốc tế và các mỏ dầu ở Trung Ðông là mối quan tâm chính của Mỹ, ông tránh không đụng chạm với Trung Quốc. Ông Obama đã thay đổi, bắt đầu giành thế chủ động, và bắt đầu leo thang trong ngôn ngữ ngoại giao.
Tháng 1, năm 2010, tại Hawaii, Ngoại Trưởng Hillary Clinton tuyên bố nước Mỹ muốn đóng một vai trò tích cực hơn ở Á Châu sau những năm bỏ rơi vùng Ðông Nam Á. Ðứng tại hòn đảo cửa ngõ của nước Mỹ nhìn sang Á Châu, Bà Clinton giải thích sự chuyển hướng của nước Mỹ là vì mối lo chung của các nước trong vùng, họ muốn Mỹ đóng vai trò một lực lượng bảo vệ hòa bình, bảo đảm về an ninh, trước thế lực đang lên của Trung Quốc. Chính phủ Úc ủng hộ lập trường mới này.
Khi một phóng viên hỏi nước Mỹ có nên nhường vùng Ðông Á cho Trung Quốc đảm nhiệm hay không, ông Kevin Rudd, ngoại trưởng Úc giải thích rằng suốt 30 năm qua, “Tất cả sự phát triển kinh tế mà chúng ta thấy trong vùng Á Ðông và Thái bình Dương là nhờ vào sự ổn định chiến lược do nước Mỹ có mặt trong vùng này”. Lúc đó, bà Clinton và ông Gates đang trù tính công du Úc và Tân Tây Lan. Chuyến đi bị hủy bỏ vì cuộc động đất tại Haiti gây ra một tình trạng khẩn trương ở Tây Bán Cầu. Bây giờ hai vị bộ trưởng quan trọng nhất của chính phủ Mỹ sẽ đi Úc và Tân Tay Lan vào tháng 11 sắp tới.
Nước Mỹ đã trở lại vùng Á Ðông một cách khá ồn ào, sau khi Trung Quốc làm ồn hơn với lời công bố vùng Biển Ðông của Việt Nam thuộc vào loại “quyền lợi cốt lõi” của nước Trung Hoa. Ðây là một bước leo thang, nhắm đe doạ Việt Nam nhiều hơn là các nước khác. Với lời tuyên bố này, Trung Quốc chính thức coi Biển Ðông của nước ta cũng thuộc về nước họ, như là Ðài Loan và Tây Tạng! Nhưng các nước Ðông Nam Á cũng phải lo lắng và phản ứng. Một phản ứng là các nước ASEAN mời Mỹ tham dự hội nghị Thượng Ðỉnh Á Ðông, trước kia chưa từng mời.
Hội nghị Thượng Ðỉnh Á Ðông bắt đầu từ năm 2005, do sáng kiến của cựu thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad. Lúc đầu chỉ tính gồm 13 nước, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn. Nhật Bản đã vận động mời thêm Ấn Ðộ, Úc và Tân Tây Lan, để tăng thêm 2 đồng minh của Mỹ. Năm 2010, đến lượt Việt Nam chủ toạ khối ASEAN, cuộc họp cuối tháng 10 này sẽ diễn ra tại Hà Nội, lần đầu tiên Mỹ và Nga đều được mời tham dự. Ai cũng biết, đó là một dụng ý của các nước ASEAN muốn giảm tầm quan trọng của Trung Quốc. Khi thông báo sẽ qua Hà Nội dự cuộc họp Thượng Ðỉnh Ðông Á (East Asia Summit) vào cuối tháng 10, bà Hillary Clinton nhấn mạnh đã đi đến quyết định này sau khi được ngoại trưởng Australia, thuyết phục Mỹ nên tham dự!
Chính phủ Mỹ đã tấn công đấu khẩu từ đầu năm nay. Tháng 5, Bộ Trưởng Gates lên tiếng tại Singapore, nêu lên quyền lợi của nước Mỹ phải bảo đảm an ninh cho các đường vận tải hàng hải trong vùng. Hiện nay Mỹ vẫn đóng vai canh gác eo biển Malaca, nơi hầu hết dầu lửa nhập cảng vào Trung Quốc và Nhật Bản phải đi qua. Tháng 7, bà Hilary Clinton tuyên bố ở Hà Nội, trước mặt Ngoại Trưởng Trung Quốc Dương Thiết Trì, xác nhận nguyên tắc các cuộc tranh chấp trong vùng biển Ðông không được giải quyết bằng vũ lực. Bà tỏ ý chính phủ Mỹ có thể trung gian tạo ra một cơ cấu giải quyết những xung đột về các đảo và hải phận giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ðài Loan. Thời gian tại Hà Nội vào tháng 7 vừa qua có lẽ là những giờ phút huy hoàng nhất của Ngoại Trưởng Clinton, cho tới giờ. Bà đột ngột thách thức ông Dương Khiết Trì, trong lúc ngoại trưởng các nước Ðông Nam Á khác vỗ tay hớn hở, và bên ngoài hội nghị thì người Việt Nam khắp nơi vui như mở cờ trong bụng! Ít nhất, có một người dám đứng thẳng lên đối đầu với thái độ hung hăng doạ dẫm của Trung Quốc! Mà người đó lại là một phụ nữ! Ðối với ông ngoại trưởng Trung Hoa, đây là một “cú sốc lớn”. Bình thường, các chính phủ thông báo trước cho nhau biết những ý kiến dễ gây xung đột như vậy, trước khi phát biểu nơi công cộng.
Tuần qua, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ giữa ông Obama và 10 nước ASEAN vào Thứ Sáu này, nhân viên bộ Ngoại Giao Mỹ đã thuyết trình với các nhà báo, nhấn mạnh đến “vấn đề tự do lưu thông đường biển, cũng như vấn đề khai thác tài nguyên trong biển” là một câu chuyện có thể sẽ được đề cập đến. Ðó là một cách khéo léo nhắc lại những đề tài mà bà Clinton đã nói hồi tháng 7 vừa qua. Chính vì thế, Trung Quốc phải lên tiếng “chặn họng” ngay, bên ngoài là chỉ trích Mỹ xía vô chuyện Á Châu, nhưng bên trong chính là để đe nẹt chế độ cộng sản đàn em ở Việt Nam. Thông điệp của họ là: “Ðừng có tin theo Mỹ mà đòi quốc tế hóa vấn đề Biển Ðông! Hãy kiên định lập trường theo Bắc Kinh: Chỉ thảo luận song phương từng nước một với Thiên triều mà thôi!”
Tối thiểu, ông Nguyễn Minh Triết phải nhân danh 10 nước Ðông Nam Á bày tỏ mối lo ngại cần bảo vệ tư do lưu thông và quyền tự do khai thác hải sản, khoáng sản dưới biển của các nước trong vùng. Ðó cũng là một quyền lợi thiết thực của người Việt Nam. Vì chính các ngư dân Việt Nam đã bị “Tầu lạ” tấn công, cướp, phá, bắt cóc đòi tiền chuộc trong những năm qua mà chính quyền cộng sản Việt Nam không dám chỉ thẳng vào mặt Trung Quốc mà phản đối! Chính các công ty ngoại quốc đã ký hợp đồng với Việt Nam rồi lại bị Trung Quốc ngăn cản không cho tìm mỏ dầu khí! Cho nên ông Triết phải lên tiếng yêu cầu Mỹ giúp các nước Ðông Nam Á bảo vệ các quyền tự do lưu thông và khai thác ở Biển Ðông! Nếu ngược lại, ông Triết lờ đi, không dám nói mạnh bạo về các vấn đề trên, thì coi như ông không phải là đại diện cho 10 nước ASAEN nữa. Ông chỉ đại diện cho quyền lợi của Trung Quốc thôi! Chắc chắn, ông không đại diện cho người Việt Nam, nước Việt Nam!
Mạng lưới Bô xít Việt Nam mới cho đăng lại tài liệu trong cuốn sách Sự Thật Quan Hệ Việt Nam-Trung Quốc. Trong đó có một đoạn trích tài liệu mật của Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, vào tháng 8 năm 1965 như sau: “Chúng ta phải giành cho được Ðông Nam châu Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Ðiện, Malayxia và Singapo… Một vùng như Ðông Nam châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Ðông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Ðông Âu, gió Ðông sẽ thổi bạt gió Tây…”
Cuốn sách này do nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, xuất bản năm 1979. Ðộc giả ở Việt Nam và ngoại quốc có thể tìm đọc cả cuốn trên mạng lưới Bô Xít Việt Nam [*]. Ông Nguyễn Minh Triết cũng nên vào mạng lưới này mà đọc cho biết – nếu đoàn biệt kích công an của Tướng Vũ Hải Triều chưa hủy diệt mạng lưới yêu nước này!
ng tôi ”.
Nếu không được đọc Bô Xít Việt Nam, ông Triết nên nhờ người dịch cho đọc một bài trên South China Morning Post ngày hôm qua. Bài của Greg Torode viết về vị thuyền trưởng Trung Quốc mới bị Nhật Bản bắt giam khiến người Trung Hoa phẫn nộ biểu tình, và nói tiếp không phải chỉ có một mình ông ta đâu. “Hàng trăm người đã bị bắt giam nhiều tháng trời, thuyền đánh cá của họ bị Hải Quân Nhật đâm vào sườn, cướp lấy hải sản. Sau khi giữ họ mấy tháng, Nhật Bản đề nghị gia đình họ trả hàng ngàn Mỹ kim tiền chuộc và những gia đình tuyệt vọng này phải chấp nhận”. Sau khi đưa câu chuyện này cho một người bạn Trung Quốc đọc, ký giả Torode kể, anh bạn đó nổi cơn thịnh nộ, nói rằng nếu người Trung Quốc biết những chuyện đó thì không một người Nhật Bản nào có thể an toàn khi thăm Trung Quốc. Lúc đó Torode mới nói thật rằng đây không phải chuyện Nhật Bản mà là chuyện Trung Quốc đối xử với người Việt Nam!
Chỉ có một điều khác, là khi dân Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc thì công an Việt Nam đánh đuổi dân. Công an lãnh lương của người Việt hay người Trung Hoa?
No comments:
Post a Comment