Saturday, June 11, 2011

TẾT ĐOAN NGỌ

Sunday, June 5, 2011

TẾT ĐOAN NGỌ



Sơn Trung

Tết Đoan ngọ là tết Việt Nam được tổ chức vào ngày mồng năm, tháng năm âm lịch. Tết này đi sau Tết Nguyên Đán và vị trí của nó cũng ở sau tết nguyên đán:

Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm
Người ta gọi là tết Đoan Ngọ vì Tết được bắt đầu giữa trưa ( giờ ngọ), và tháng năm là chính vào tháng ngọ và cũng là thời dương khí sung mãn nhất trong năm..

Việt Nam, Trung Quốc và Đại Hàn có tết Đoan ngọ, tổ chức vào ngày mồng năm, tháng năm âm lịch. Người Trung Quốc cho rằng ngày này là để cúng giỗ Khuất Nguyên, một nhà nho khí tiết đã gieo mình tự trầm.

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, Tết Nguyên đán là quan trọng hơn hết và lớn hơn hết. Sau đó là tết Đoan ngọ và tết Trung Thu. Riêng người VIệt Nam, Tết đoan ngọ mang nhiều ý nghĩa. Đó là một ngày cúng giỗ tổ tiên. Lúc này ngoài đồng luá chiêm vừa gặt xong, trong vườn hoa trái nở rộ, người ta dâng tổ tiên lễ cơm mới và hoa quả vườn nhà. Đây cũng là một dịp cho gia đình sum họp. Đó là ngày mà người rể phải đem lễ vật đến cúng tế tổ tiên bên nhà vợ:
"Ngày mồng năm anh không đến Tết,
Ngày mồng một anh chẳng đến lạy giường thờ,
Hiếu trung chi nữa mà bảo em đợi chờ cho uổng công!

Tết Đoan Ngọ chủ yếu là cúng trái cây và ăn trái cây. Người ta cho rằng ăn trái cây vào lúc này là diệt sâu bọ, trùng độc ở trong cơ thể. Và ngày này, các thảo mộc được tăng dược tính, có công năng trị bệnh cho nên buổi trưa này, người ta thường lên núi hoặc ra vườn hái các loại thuốc để dành. Thường là hái xong người ta bện lại với nhau làm thành hình con chó, con mèo để ghi nhớ bó thuốc này hái vào tết Đoan ngọ năm tuất, năm mẹo...Bện xong treo lên phơi khô, lúc nào có người đau ốm thì lấy ra dùng. Ở quê tôi, người ta ưa dùng cây ngãi cứu bện lại thành bó.. .

Ngày này rất đặc biệt. Không con thằn lằn, rắn mối nào xuất hiện vào ngày này, chúng trốn biệt tích cho nên tục ngữ có câu:" Lẩn như rắn ngày mồng năm" hay "len lét như rắn mồng năm" ...

Nước ta có ba cái Tết là Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu. Ngày rằm tháng bảy cũng lớn nhưng không được gọi là Tết. Phải chăng ngày này làm cho người ta xót thương chứ không vui nên không gọi là Tết. Tết phải là vui cho nên ta có thành ngữ:" vui như ngày Tết."
Quả thật Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ và Tết Trung Thu là ba ngày sum họp gia đình, là ba ngày vui của mọi người nhất là trẻ con vì mỗi dịp Tết tuổi thơ có một niềm vui riêng..

No comments: