NGÔ VIẾT NAM SƠN * NGÔ VIẾT THỤ
Mùa xuân của cha tôi - Ngô Viết Thụ
TTO - Sau khi trải qua nhiều năm trời chu du khắp thế giới, nếu được hỏi điều gì làm cho tôi luôn nhớ về Việt Nam nhất, tôi sẽ nói đó là kỷ niệm của quãng thời gian sống hạnh phúc cùng cha mẹ và các anh chị em của tôi tại TPHCM. Trong đó ấn tượng sâu sắc nhất, vẫn là ký ức về những ngày Tết với gia đình.
>> Tư duy đúng thì xã hội sẽ tiến rất nhanh
>> 40 năm dinh Độc Lập
>> Dinh Thống Nhất: 5000 hiện vật quý
Trong suốt mười mấy năm ở nước ngoài, cho dù đang học hay làm việc tại Bắc Mỹ, tôi luôn luôn sắp đặt công việc để được nghỉ làm việc ngày mùng một Tết, dành thời gian thăm hỏi gần gũi gia đình và suy nghĩ về những gì sẽ làm trong năm mới.
Tết thường là thời gian mà tất cả những ký ức về gia đình và thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên, cùng lúc ùa về. Tôi cũng chuẩn bị bàn thờ giao thừa và gia tiên mỗi năm, như cha tôi đã từng làm khi ông du học và sau đó làm việc tại châu Âu, trong suốt khoảng thời gian từ 1949-1960, sau đó mới về lại Việt Nam.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đêm giao thừa 1981 - Ảnh tư liệu |
Tôi đọc lại thư từ giữa ba mẹ trong thời gian 5 năm đầu tiên xa cách, và tìm được một bài thơ và một tấm hình của cha tôi gửi cho vợ vào mùa xuân 1951 …
Em Cơ ơi,
Tết sắp đến, nhớ thương tràn mọi nẻo,
Nhớ mẹ hiền, vợ trẻ, với con thơ,
Nhớ Đà Lạt, trăng ngàn chỗ em Cơ,
Có lẽ đang ôm con ngồi tựa cửa,
Chờ người anh ăn học chốn xa xôi
Em Cơ ơi! Làm sao cho vợi nhớ …
Đành gửi về chiếc ảnh biếu em Cơ,
Với tất cả lòng anh tha thiết nhớ,
Chờ một ngày tái hợp chắc không xa …
Ba Lê, Xuân Tân Mão 1951
Minh Chu Ngô Viết Thụ
Bức ảnh gửi kèm bài thơ Tết 1951 - Ảnh tư liệu |
Sự xa cách và những ân tình của mẹ tôi đối với ông và gia đình chồng trong thời gian ông xa nhà, là động lực lớn lao nhất cho việc đạt được những thành công vang dội của ông trong những năm sau đó. Tuy nhiên, ông không có ý định ở lại nước ngoài lâu dài. Mùa xuân 1960, năm cuối cùng tại châu Âu trước khi quyết định cùng vợ và các con về hẳn Việt Nam, ông viết:
…
Lòng rào rạt tơi bời không thể ngủ,
Buồn non sông đất nước vẫn chia hai,
Xưa tiên tổ sao lắm kẻ anh tài,
Mà nay để cháu con đành tủi phận.
Đã ráng học bao năm trời lận đận,
Mà trổ tài thấy thẹn với non sông,
Vì hoa ơi, hoa trót nở mùa đông,
Công việc lắm mà anh tài chẳng đủ,
Để điểm tô cho non sông cẩm tú,
Thêm huy hoàng sáng lạng giống người ta...
Từ khi về nước, gia đình tôi mới có những ngày Tết thật sự trọn vẹn đầm ấm đầy đủ hai bên nội ngoại. Trong một ngày đầu xuân, ông nội đã sáng tác một bài thơ gửi tặng ông bà ngoại và gia đình tôi như sau:
…
Người ta giàu ruộng với giàu tiền,
Trung hiếu mình giàu rạng tổ tiên,
Tô điểm giang san thành ngũ khí,
Bổ bồi phúc ấm Việt thiên niên …
Trời cho phúc lộc thọ đầy nhà,
Đoàn tụ gia đình với chúng ta,
Con cháu xum vầy xuân rực rỡ,
Tứ thân phụ mẫu sướng toàn gia.
Từ khi về nước, gia đình chúng tôi bắt đầu có những thói quen trong việc chuẩn bị cho ngày Tết mà suốt nhiều chục năm sau đó vẫn không thay đổi, và những thói quen đó cũng chính là những điều làm tôi cảm thấy thiếu vắng nhất khi tôi bôn ba xứ người để học hỏi, giống như kinh nghiệm cha tôi đã trãi qua hơn bốn mươi năm trước đó.
Ngày xuân đối với cha tôi có bốn thứ không thể thiếu cho dù đó là năm sung túc hay thiếu thốn, đó là hoa tươi khắp nhà, là các lễ tiết cúng giao thừa và gia tiên ông bà, là hai bản nhạc Kim Tiền và Lưu Thủy ông chơi cho cả nhà nghe bằng đàn nguyệt hoặc đàn tranh vào ngày mùng một, và sự quây quần sum họp mừng tuổi cha mẹ và con cái thay phiên nhau trình diễn văn nghệ.
Ngày Tết, gia đình chúng tôi thường được các nhân viên trong văn phòng hoặc các người thân và bạn bè biếu nhiều quà, nhưng chỉ những người nào hiểu cha tôi nhất thì mới biết là món quà mà ông trân quý nhất lại chỉ đơn giản là một cành hoa đào hoặc hoa mai thật tươi đẹp.
Tranh sơn dầu vẽ hoa ngày tết năm 1958 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - NVT-1958 Tranh sơn dầu vẽ hoa ngày tết 1958 - Ảnh tư liệu |
Tranh sơn dầu vẽ hoa ngày tết 1972 của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - Ảnh tư liệu |
Một số ít trong số người bạn tri kỷ chân tình nhất của cha tôi, trong đó có người có chức vị rất cao, vẫn nhớ điều đó cho dù ông đã mất năm 2000, và vẫn giữ thói quen gửi hoa đào đến nhà để cúng ông ngày Tết. Đó là những món quà quý báu mà chúng tôi tâm lãnh và không bao giờ quên.
Ngoài bốn điều không thể thiếu nói trên, thỉnh thoảng ông còn có thêm thú vui vẽ hoa vào ngày tết. Cha tôi thường nói, ông mong đến khi về hưu hẳn thì sẽ dành trọn thời gian cho thơ nhạc, hội hoạ, và việc nghiên cứu sâu hơn nữa về Kinh Dịch và triết lý Phật giáo.
Xuân năm nay tôi về lại TPHCM, nhưng cha mẹ tôi không còn nữa, và tôi có một cảm giác nhè nhẹ man mác, lòng thấy thật ấm áp khi nhớ đến cha mẹ tôi và thời gian cả gia đình chúng tôi còn được quây quần bên nhau.
Tôi thầm cám ơn cha mẹ đã đem lại cho chúng tôi những kỷ niệm thật đẹp thời thơ ấu, và tôi tin rằng cho dù ngày nay các anh chị em tôi hiện sống phân tán nhiều nơi trên thế giới, ngày Tết chắc chắn là lúc mỗi người trong chúng tôi sẽ cùng nhớ về nhau, cùng nghĩ về tương lai của gia đình và đất nước, và trong năm mới tiếp tục cố gắng sống xứng đáng hơn với sự tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông mình.
TS.KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN
No comments:
Post a Comment