Bùi Tín viết riêng cho VOA
Hình: AP
Nhưng xin chớ ai nghĩ rằng cuộc sống của hơn 86 triệu dân Việt Nam đã được nâng lên gấp 6 lần 20 năm trước. Nếu được như vậy thì tốt quá, còn gì vui hơn.
Nhưng thực tế không phải vậy. Trong thời gian chiến tranh, ở miền Bắc, sự chênh lệch giàu nghèo không lớn, tiền lương cao nhất so với lương tối thiểu của viên chức là 7/1.
Còn hiện nay? Không có con số thống kê nào chính thức. Nhà nước quy định các viên chức từ cấp cao nhất phải kê khai tài sản cá nhân và gia đình, nhưng không có ai chấp hành cả. Thảng hoặc có người thực hiện thì toàn là con số ma. Trong một chế độ mà sự minh bạch giống như giữa đêm ba mươi Tết, thu nhập bằng bổng lộc, bằng quyền lực nhiều gấp hàng chục, hàng trăm hay hàng ngàn lần tiền lương thì không ai biết thu nhập thật sự của người khác.
Thế nhưng người ta vẫn có thể biết bằng cách nhìn vào cung cách ăn chơi, tiêu pha của các «con cháu các Cụ» trong thời «mở cửa» và «đổi mới», nhình vào nhà cửa, đất đai, xe cộ của các công thần hiện tại, của các «mệnh phụ mới», của các «cậu Ấm cô Chiêu» cộng sản tân thời.
Chỉ cần một cuộc ghé thăm nhà hàng Long Đình, tại số nhà 64 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Những ai ra vào tấp nập nơi đây? Họ dùng những món ăn gì? giá cả ra sao? Xin vào Google để đọc quảng cáo. Trên báo Hà Nội mới, VN Express, báo Pháp Luật … đều có bài phóng sự khá sinh động về nhà hàng Long Đình với những bữa «Tiệc Vàng» ở đây.
Tại đây có những «bát phở bạc triệu», có bát súp khai vị bằng tổ yến 46 đôla, có món súp vây cá - cua gạch 70 đôla (1 triệũ 500 ngàn đồng), món bào ngư Nam Phi sốt dầu hào 96 đôla (2 triệu 100 ngàn đồng). Lại có bát phở bò Kobé Nhật Bản giá bằng 2 tấn thóc của nông dân.
Trong nhà hàng Long Đình, có riêng một «Phòng Vàng» lớn mang tên tiếng Anh là Golden Room, luôn có khách đặt chỗ trước. Tại đây, dụng cụ ăn trên bàn tiệc là đĩa sứ cổ Giang Tây ( Trung Quốc), thìa và nĩa mạ vàng 24 carat, 1 chai rượu vang ngoại 20 triệu (1.000 đôla).
Thường 6 thực khách ăn một buổi tiệc ở đây chi ra 1500 đôla (30 triệu đồng, chưa kể tiền rượu và tiền « boa »).
Ai thường ra vào nơi đây? Hầu hết là các quan chức cấp cao và gia đình họ, là các vị có vai vế trong các công ty quốc doanh lớn cùng các đối tác quốc tế - các nhà kinh doanh Đông Nam Á, như Malaysia, Singapore, Thái Lan, và đông nhất là các ông chủ bự của Nam Triều Tiên, Đài Loan, Hồng Kông, khi bắt đầu và khi kết thúc các thương vụ lớn.
Trong khi đó đầu tháng 6 này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông báo hiện trong cả nước có hơn 3 triệu hộ nghèo và 1,6 triệu hộ cận nghèo. Mỗi hộ có trung bình 4 hoặc 5 người. Như vậy là có đến hơn 20 triệu dân nghèo trong nước ta, nghĩa là xấp xỉ 1 phần tư dân số.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, ở Thanh Hóa hiện nay đã có đến 20 vạn người của 5 vạn hộ bị đứt bữa, cần khẩn cấp 4 ngàn tấn gạo để cứu đói cho cả tỉnh. Thanh Hóa vốn là tỉnh nông nghiệp rộng lớn, nông sản, lâm sản, khoáng sản, hải sản đều có tiềm năng, dự trữ dồi dào, sao lại có thể lâm vào tình thế bi đát đến vậy? Kết quả của 20 năm đổi mới, phát triển theo tỷ lệ cao, thu nhập đầu người gấp 6 lần là như thế sao?
Các nhà xã hội học, thống kê, nghiên cứu về mức sống xã hội có những ý kiến khác nhau về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Rõ ràng là trong quá trình phát triển, sự chênh lệch giàu nghèo đang mở rộng ra toang hoác, một cách quá đáng, thách thức lương tri của toàn xã hội.
Trách nhiệm của lãnh đạo ở bất cứ quốc gia phát triển nào là điều hành đất nước một cách tối ưu để thành quả phát triển được phân phối tương đối đồng đều cho mọi thành viên trong xã hội. Theo lẽ công bằng, những người lao động chân tay và trí óc tài giỏi, có năng xuất, cống hiến cao phải được hưởng phần xứng đáng nhất của thành quả phát triển, nhưng thật đáng tiếc ở nước ta thực tế không được như vậy.
Hai chục năm nay, một nghịch lý lớn nhất đã xảy ra, đó là sự phân phối cực kỳ bất công thành quả của phát triển. Đây là sự bất công khổng lồ, phi lý và phi pháp, đi ngược lại mọi lời hứa hẹn của những người lãnh đạo.
Các quan chức cộng sản quyền cao chức trọng và tay chân, gia quyến họ đã trở thành những đại tư bản, những tỷ phú đỏ, những chủ nhân bất động sản lớn, nắm trong tay những số lượng chứng khoán khổng lồ. So với họ, những nhà mại bản thời Pháp thuộc, những nhà đại điền chủ Nam Bộ xưa ruộng đồng thẳng cánh cò bay chỉ là kẻ «ba cọc ba đồng». Họ là những kẻ lợi dụng quyền lực để biển thủ, tước đoạt của cải của xã hội, của nhân dân làm của riêng, rồi đua đòi hưởng thụ một cách lạnh lùng, độc ác trên sự nghèo đói của nông dân, lao động và trí thức lương thiện.
Suy cho cùng, chính tầng lớp quan chức cộng sản chóp bu đương quyền là nguyên nhân trực tiếp của 20 vạn nhân dân Thanh Hóa đang lâm vào cảnh đứt bữa, có người phải vào rừng đào củ mài để sống. Chính họ chứ không phải là ai khác là nguyên nhân của 20 triệu dân nghèo hiện nay, một hiện tượng cực kỳ phi lý khi tính theo đầu người thu nhập hàng năm đã đạt 1.200 đôla, gấp 6 lần 20 năm trước.
Giới cầm quyền cực kỳ bất công và tham nhũng đã thất hứa với toàn dân về chủ trương xóa đói giảm nghèo, về công bằng xã hội, về làm cho toàn xã hội được hưởng thành quả của phát triển. Họ làm giàu với tốc độ tên lửa bằng mọi giá, bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Cũng chính họ đã tự đánh rơi tính chính đáng của kẻ cầm quyền.
Trong kỳ đại hội đảng đầu năm nay, nhà hàng Long Đình phất to. Nhân viên nhà hàng cho biết họ chuyên cung cấp cho các vị trong Bộ Chính trị những món ăn đặc sản quý và bổ nhất.. Cửa hàng có quan hệ chắt chẽ với các cao lâu thượng hạng ở Quảng Tây và Quảng Đông (Trung Quốc). Đầu bếp nổi tiếng nhất của Long Đình là bếp trưởng Chang Kam Lun, nói tiếng Việt chưa sõi.
Giới chóp bu cộng sản và con cháu họ là khách hàng hầu như duy nhất của những nhà hàng cấp cao như Long Đình. Có ai khi ăn một bát phở bạc triệu, một bát súp 2 tấn thóc còn nghĩ đến 20 vạn đồng bào mình đang đứt bữa ở Thanh Hóa?
Hiện tình đất nước là như thế, khi kẻ thù bành trướng đang hoành hành ngang ngược ngay trong lãnh hải của ta.
Bùi Tín
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/bat-pho-bat-trieu-06-20-2011-124204759.html
rượu quan chức vẫn uống…
Cảnh dân nghèo đang xếp hàng chờ bán máu tại Trung tâm Truyền máu Huyết học, ảnh của báo SGGP
Đàn ông bán máu
Theo quy định của y tế của nhà nước thì 2 tháng mới được hiến máu một lần nhưng tháng nào anh cũng tự nguyện … bán. Để tránh sự nhận diện của bác sĩ, anh làm 2 thẻ hiến máu, một ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học và một ở Quân Y viện 175 ở Gò Vấp. “Chẳng qua túng quá nên mới làm liều thôi”, anh Nguyễn Văn Định ở Chợ Gạo, Tiền Giang cũng cùng một nỗi niềm. Anh cũng chỉ mới ngoài 40 tuổi nhưng có tới 9 năm hành nghề bán máu từ Tiền Giang lên tới Sài Gòn đến nhẵn mặt các bệnh viện. Có lúc không còn đường nào khác anh phải ra bến xe đò Miền Đông năn nỉ mấy bác tài cho quá giang ra Hà Nội để … bán máu.
Đàn bà bán máu
Đàn ông bán máu, đàn bà cũng bán máu. Chị Hạnh ở Xã Xuân Thới Thượng Hốc Môn, tuổi đời chưa ngoài 50 mà đã có đến hơn 20 năm tuổi hành nghề bán máu. Chị bắt đầu đi bán máu từ năm 1989, lúc đó hoàn cảnh gia đình của chị vô cùng khó khăn, không nghề nghiệp lại một nách hai con nhỏ nên thường xuyên túng quẫn.
Khi trong nhà không còn một hạt gạo, nhìn đứa lớn nhăn nhó vì đói và đứa nhỏ khóc đòi ăn, chị đành liều thân đi bán máu. Lúc đó 30 ngàn đồng một bịch máu đã nuôi sống gia đình chị hơn một tuần. Kể từ đó, chị dấn thân vào nghề bán máu. Suốt 20 năm, chị không nhớ bao nhiêu lần mình rút máu ra bán và cũng không nhớ số máu bán ra là bao nhiêu.
Hai đứa con đang tuổi còn đi học, không muốn chúng phải bỏ giữa chừng nên mỗi lần cần đóng tiền học hay mua sách vở cho con là chị phải đi bán máu. Quy định của nhà nước phụ nữ bốn tháng mới được lấy máu một lần nhưng vì túng quẫn quá nên có khi một năm chị bán sáu, bảy lần. Cũng như anh Hùng và anh Định, để qua mặt bác sĩ, chị phải làm hai thẻ hiến máu, một ở Bệnh viện Truyền máu Huyết học và một ở bệnh viện 175, sau này cả ở bịnh viện Chợ Rẫy nữa. Hiện nay, chị sống bằng nghề bán rau ở chợ ở quận 4.
Chị không còn thường xuyên đi nữa nhưng thỉnh thoảng cần tiền gấp chị vẫn đi bán. Trong suốt 20 năm qua, các con của chị những tưởng mình được nuôi lớn bằng sữa của mẹ mà không hề biết mình được nuôi lớn từ chính những giọt máu của mẹ. Chị bùi ngùi lo âu: “Lo nhất con cái phát hiện. Mình không làm gì xấu nhưng cái nghề này cũng chẳng hay ho gì. Biết rồi chắc chắn chúng sẽ đau lòng”. Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh ở đường Hồ Thị Kỷ quận 10 Sài Gòn, đã gia nhập đội quân bán máu gần 16 năm nay kể từ ngày đứa con trai duy nhất của chị bị bệnh u não. Sau đó chị chuyển sang bán tiểu cầu để được nhiều tiền hơn.
Chị bộc bạch: “Cứ đến ngày lấy thuốc cho con là vợ chồng tôi chạy vạy tứ tung, song lần nào cũng bí quá, đành phải bán máu, rồi bán tiểu cầu để lấy tiền. Có tháng túng bấn quá, tôi bán đến 2-3 lần và phải đi 2-3 chỗ, mới đủ tiền trang trải”. Công nhân bán máu Uyên, một công nhân ở khu công nghiệp Tân Bình thổ lộ: “Mình ở tận Hải Dương vào đây lập nghiệp, nhưng lương công nhân thấp quá nên mỗi tháng muốn gửi ít tiền cho gia đình mình phải đi bán thêm tiểu cầu mới có thể xoay xở được”. Uyên tâm sự thêm “Công nhân bọn mình, có đứa sống chủ yếu bằng nghề này chứ không phải bằng lương đâu”.
Trên gương mặt của cô, một người ốm yếu, là vẻ hao gầy nhợt nhạt của một người thường xuyên bán đi những giọt máu của chính mình, đổi lại là những bữa cơm công nhân đạm bạc và niềm an ủi của cha mẹ nơi quê nhà nghĩ đến sự thành công của đứa con tha phương lập nghiệp. Học sinh Sinh viên bán máu Một bạn trẻ tên Tân, có 6 năm thâm niên hành nghề bán máu cho biết “Mình đi rút máu từ lúc còn học trung học phổ thông.
Hồi đó chưa có chứng minh thư nên mượn tạm của ông anh rồi thay tấm ảnh của mình vào, phí cho dịch vụ này không tốn lắm! Còn các thông tin lưu lại cho bệnh viện khi bán máu thực ra chỉ là thủ tục pháp lý chứ không ai kiểm tra mình bệnh gì trước đó hay sức khỏe như thế nào đâu”. Giọng Tân chùng xuống nói tiếp: “Làm cái nghề này sức khỏe cũng xuống rất nhanh. Có lần rút máu xong, vừa ra khỏi cửa là mình ngã gục xuống. Người nào hành nghề chuyên nghiệp thì sớm muộn cũng làm bạn với đau tim, còn đau đầu hay chóng mặt chỉ là chuyện lặt vặt”. Tân cho hay hiện có rất nhiều người chỉ sống bằng nghề bán máu, thậm chí họ còn chọn bệnh viện làm nơi cư ngụ thường xuyên để dễ dàng hành nghề.
Dân nghèo đang chờ chực bán máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy – ảnh của Như Lịch Cả làng bán máu Người người bán máu, nhà nhà bán máu, làng làng bán máu. Đó là làng nổi với hơn 30 gia đình sống dưới chân cầu Hồng Phú, phường Quang Trung, xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam. Cả làng có chung một nghề: bán máu. Họ đến từ các miền khác nhau của đất nước như Sài Gòn, Quy Nhơn, Nam Định và Hải Phòng. Phủ Lý trở thành nơi an cư của họ bởi tiện bề đi lại để bán máu cho các bệnh viện ở Hà Nam, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nội. Sở dĩ họ phải làm nghề này vì chẳng còn con đường nào khác kiếm sống. Giá 250cc máu là 150,000 đồng, nhưng thực ra họ không được hưởng toàn bộ số tiền đó.
Họ phải chi tiền cho nhân viên giám định để đổi lấy giấy chứng nhận sức khỏe. Ngoài ra, còn phải tiền tàu xe đi lại, nên cứ 250cc máu họ chỉ cầm được chừng 90,000 đồng là nhiều. Tình hình bán máu Ở các bệnh viện lấy máu ở Sài Gòn ngày nào cũng có người rồng rắn xếp hàng chờ bán máu. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Truyền máu Huyết học có khoảng 100 người đến bán máu. Do nhu cầu bán máu nhiều, để có thể bán được máu, bắt buộc người bán phải đi thật sớm để xếp hàng. Tại Trung tâm Truyền máu Huyết học ở quận 5 mới 6 giờ sáng đã có cả trăm người đứng, ngồi kéo dài từ cửa trung tâm ra tận vỉa hè.
Mỗi lần bán 450ml máu chỉ được 250,000 đồng nhưng phải 2, 3 tháng mới bán được một lần. Còn mỗi lần bán tiểu cầu được 450,000 đồng, chỉ một tháng sau đã có thể bán tiếp. Tiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện đều rất cần nhưng nguồn cung cấp không đủ cho nhu cầu. Việc lấy tiểu cầu ở trong nước rộ lên chừng 3 năm nay.
So với máu toàn phần, tiểu cầu (cách gọi dân dã là máu chọn) có giá cao gấp đôi nên nó có sức hấp dẫn lớn đối với những người bán máu. Ngành y tế nhà nước quy định mỗi người 3 tháng mới được lấy máu một lần và người hiến máu phải cân nặng trên 45kg và trên 18 tuổi. Nói thì nói vậy nhưng rất nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn, cần gấp một khoản tiền đã phớt lờ và qua mặt quy định. Hiến máu hay bán máu? Ngày 14 tháng 6 vừa qua là ngày thế giới hiến máu, World Blood Donor Day. Từ năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization), Hiệp hội truyền máu thế giới (International Society of Blood Transfusion), Liên đoàn người hiến máu tình nguyện thế giới (International Federation of Blood Donor Organizations) và Hiệp hội Hồng Thập Tự – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies) đã lấy ngày 14 tháng 6 hàng năm làm World Blood Donor Day.
Mục đích của ngày này không chỉ để lôi cuốn những người mới tham gia hiến máu mà chính là nhằm tôn vinh những người đã hiến máu thường xuyên 2, 3 lần hay nhiều hơn trong năm. Ở các nước văn minh tiến bộ, hiến máu là một hành động nhân đạo, có tính nhân sinh cao và thể hiện sự tương thân tương ái. Ở Việt Nam hiện nay người hiến máu thì ít mà người bán máu thì càng ngày càng nhiều. Năm ngoái, năm2009, tổng kết cả nước thâu được 632,902 đơn vị máu, trong đó người hiến máu tình nguyện chiếm 79,06%. Như vậy có nghĩa là có đến 1/5 số máu thâu được không do người dân tự nguyện hiến mà là đem thân đến bệnh viện nạp mạng để bán.
Những trường hợp bán máu như đã nêu trên gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần của xã hội. Những mảnh đời đi bán máu ấy khiến ai nghe cũng phải xót xa! Những người này đi bán máu để có tiền duy trì sự sống rồi lại bán đi chính sự sống đó của mình. Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ tiếp diễn, chỉ những người thân khi biết chồng, vợ, mẹ, cha mình phải đi bán những giọt sự sống để duy trì cuộc sống của họ là thấy đắng lòng và xót xa cho cái thân phận nghèo. Nguyễn Đức Nhanh giám đốc công an Hà Nội, và con trai tại tư dinh của y Vừa qua ở trong nước, từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 6, chính quyền CSVN cũng cho tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để tôn vinh những người hiến máu với chủ đề “Lễ tôn vinh người hiến máu tình nguyện Việt Nam”.
Qua đó, chính quyền tuyên dương 100 người hiến máu tiêu biểu, có số lần hiến máu cao nhất ở các tỉnh, các thành phố, và các bộ, các ngành. Những người tình nguyện này cao lắm thì cũng chỉ hiến máu đôi ba lần trong năm. Còn những người bán máu như đã nói ở trên thì sao? Chính quyền có quan tâm đến họ không? Có ai tôn vinh họ không?
Họ bán hàng tháng và bán dai dẳng hàng chục năm, hàng hai chục năm. Không có tiền cho con đóng tiền học, thiếu tiền nhà, thất nghiệp, … họ đành phải chấp nhận đi bán máu. Nhiều người trở thành kẻ bán máu chuyên nghiệp, thậm chí có người thâm niên 20 năm trong nghề. Những đồng tiền bán máu ít ỏi nhưng là cứu cánh cho nhiều gia đình, giúp bao em nhỏ không phải bỏ học, giữ yên ấm cho biết bao mái nhà. Đó là một việc làm mà chúng ta không khỏi cảm thấy xót xa, ngậm ngùi!
hình trên và dưới: một cơ ngơi nghỉ mát tại Nha Trang của con gái của thủ tướng cộng quyền Nguyễn Tấn Dũng
Trớ trêu thay, bên cạnh những mảnh đời bất hạnh đó, bên cạnh biết bao nhiêu người đang vật lộn với cuộc sống để sinh tồn, bán máu để mưu sinh là những cuộc liên hoan xa hoa tốn kém, những bữa chè chén bạc triệu ở các nhà hàng sang trọng khi các cán bộ tiếp khách. Những cuộc rượu chè xa xỉ đua nhau nốc bia rượu cho đến say xỉn không còn biết đường về. Tính ra một lít máu đỏ của người khốn cùng rút từ chính cơ thể của mình đem bán chỉ được vài ba chục đô la, chỉ đáng giá một chai rượu đỏ loại xoàng đủ cho một cấp lãnh đạo loại thường nhấp môi trong 1 buổi tiệc “chiêu đãi”. Máu người còn rẻ hơn rượu!
Hình trên: những chiếc xe hơi siêu hạng hiệu Ferrari hay Lomborghini do Ý sản xuất, giá bán không dưới triệu đô một chiếc… đang lưu hành tại Việt Nam đều là tài vật của con cháu quan chức CS. Hình dưới: cảnh sân sau và nội thất sang trọng trong tư dinh của một viên bí thư một tỉnh miền Trung
Không những không “xóa” mà còn “thêm” để cho sự cách biệt giai cấp ngày càng tồi tệ hơn: giai cấp của tham quan thì giàu nứt vách còn giai cấp của nhân dân thì nghèo mạt rệp. Ở Việt Nam ngày nay người giàu không ít nhưng người nghèo thì quá nhiều và nghèo quá nghèo. Người nghèo thì nghèo đến khốn cùng còn người giàu thì giàu không thể tưởng tượng nổi. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, dễ dàng bắt gặp ở mọi nơi trên đất nước, ngày càng rõ rệt. Đó là “thiên đường xã hội chủ nghĩa”!
Trần Việt Trình
No comments:
Post a Comment