CHA TÔI LÀ NGƯỜI CÔ ĐƠN
Với công chúng yêu nhạc Việt Nam, Văn Cao là một nhạc sĩ lớn. Cuộc đời ông đã khép lại với hào quang, cay đắng và những nỗi niềm không thể sẻ chia. Sau sáu năm nhạc sĩ Văn Cao qua đời, con trai trưởng của ông đã lần tìm lại quá khứ để tái hiện bức chân dung chân thực về đời và nghiệp của cha mình.
"Văn Cao đời và nghiệp" là quyển hồi ức do hoạ sĩ, nhà thơ Văn Thao thực hiện sẽ ra mắt độc giả trong nay mai. Trong khuôn khổ bài báo này, mời bạn đọc chuyện trò với Văn Thao về công việc biên soạn cuốn sách.
Anh có ý định thực hiện cuốn sách này từ khi nào? nghe nói, cố nhạc sĩ Văn Cao đã từ chối làm một cuốn hồi ký về mình?
Văn Thao: Từ đầu những năm 80, tôi đã thu thập tư liệu, ghi chép của cha tôi- chỉ với ý gom giúp cha nếu ông làm hồi ký. Sau khi cha tôi về hưu, Hội Nhạc sĩ Việt Nam có gợi ý những nhạc sĩ cao tuổi viết hồi ký, Hội sẽ tài trợ kinh phí. Mẹ và cha tôi đã có cuộc tranh luận gay gắt về chuyện này. Cha tôi nói, ông không muốn viết.
Ông bảo tôi: "Khi người ta phải viết hồi ký, tức là người ta đã ý thức mình không còn tiếp tục công việc sáng tạo được nữa. Viết hồi ký là tự nói về cuộc đời mình, để trung thực- không động chạm ai khó lắm. Hơn nữa lại thường là thanh minh cho mình. Tất cả cuộc đời cha nằm ở tác phẩm... ". Cha tôi cũng có ý, nếu có thể, sau này tôi sẽ làm công việc "nhìn lại" ấy cho ông.
Tôi là con trưởng, được chứng kiến hầu hết những bước thăng trầm của cha, bản thân tôi cũng chịu nhiều nỗi đau từ những biến cố trong cuộc đời của ông. Những năm buồn khổ và vất vả nhất của gia đình, hai cha con tôi sống với nhau, ông cũng không dấu gì tôi những mối quan hệ riêng, những tâm sự của mình. Cha tôi là người cô đơn, đôi khi ông coi tôi như là người để ông giãi bày nỗi lòng của mình. Vì gần cha, nên tôi có những manh mối chân thực đầu tiên để từ đó lần tìm lại những nhân chứng, tư liệu có liên quan đến cuộc đời ông.
Nghe nói trong cuốn hồi ức sẽ có những bí mật chưa từng công bố trong cuộc đời nhạc sĩ Văn cao?
Văn Thao: Bộ sách sẽ chia làm 4 phần: Phần 1- Thời trai trẻ của Văn Cao (giai đoạn của Suối Mơ, Thiên Thai); Phần 2- Giai đoạn Văn Cao tham gia cách mạng và kháng chiến (Từ Tiến quân ca đến Tiến Về Hà Nội); phần 3- 30 năm im lặng; phần 4- những năm cuối đời của nhạc sĩ Văn Cao. Bộ sách sẽ là bức chân dung chân thực về đời sống và nhân cách của nhạc sĩ Văn Cao. trong đó sẽ có những mảng về ông lần đầu tiên được nói đến: những mối tình thời trai trẻ; những buồn đau riêng, những mối quan hệ giờ đây được nhìn nhận lại dưới sự nghiêm khắc của thời gian và lịch sử...
Ðể thực hiện được bộ hồi ức, ngoài những tư liệu từ gia đình, bạn bè... tôi phải đi lại những nơi cha tôi đã đi: vào nam, ra bắc, xuôi theo sông Lô để tìm gặp những nhân chứng và bối cảnh gắn bó với sự ra đời các tác phẩm của ông. Tôi đã tìm gặp cả những người phụ nữ đã từng yêu dấu cha tôi. Mỗi khi gặp thêm một người, tôi lại xúc động thấy rằng cha tôi đã sống nhân từ, điềm đạm và nhẫn đến thế.
Việc công bố những tình cảm riêng của cố nhạc sĩ Văn Cao là điều khá tế nhị và khó khăn đối với anh trong vai trò một người con. Anh có gặp sự phản ứng nào từ phía mẹ mình- bà Thuý Băng?
http://tieulun.hopto.org - Trang 2
Văn Thao: Mẹ tôi là người đặc biệt, có thể coi là "người phụ nữ hộ mệnh"của cha tôi. Bà luôn chăm sóc, bảo vệ ông hết mực, bà là người trung thành nhất, luôn bên ông trong mọi nỗi gian nan. Làng văn nghệ hay nói đùa: "Ông Văn Cao có bà vợ "ghê", nhưng cả một đời bà đã đứng sau lưng ông để đỡ những gánh nặng đời thường cho ông, vì vậy lẽ tất nhiên, bà cũng có một vị trí tương đối trong cuốn hồi ức.
Mẹ rất yêu cha tôi, nên bà không thấy thoải mái khi tôi muốn đưa ra những chuyện tình cảm ngày xưa của ông. Nhưng tôi cho rằng phải đảm bảo tính trung thực của lịch sử, . Không thể không kể tới những mối tình ấy, khi chính nó là nguồn cảm hứng để ra đời những tuyệt phẩm của Văn Cao.
Tôi có đi gặp những người phụ nữ vẫn giữ từng bức thư, bài thơ, bản nhạc cha tôi tặng (tình yêu của các cụ ngày xưa đẹp và trong sáng lắm). Bản thân họ vẫn còn chồng, con và gia đình, nên khi công bố họ cũng ngại.
Có người còn yêu cầu tôi: "Chờ đến lúc cô mất rồi cháu hãy nói ra câu chuyện này". Những e dè tế nhị ấy cũng làm tôi rất khó xử và lúng túng...
Khi thực hiện bộ sách, tâm trạng của anh thế nào?
Văn Thao: Tôi thấy thương cha tôi thấm thía. Cha tôi chịu nỗi thiệt thòi lớn nhất của người sáng tạo là phải dừng lại 30 năm không làm được gì. 30 năm câm lặng, trầm uất, cha tôi buồn đến mức không muốn cho các con theo nghiệp làm nghệ thuật, buồn đến mức, có lúc ông muốn kiếm một nghề lao động chân tay để nuôi gia đình. Khi đi tìm lại nhân chứng tư liệu, tôi như sống lại những năm dài nhọc nhằn của cha.
Ông không đựoc sinh hoạt ở các hội nghệ thuật, bài hát không được sáng tác. Tranh không có vật liệu để vẽ. Ông phải làm bìa sách, minh hoạ báo, làm vỏ hộp diêm để trang trải cho gia đình. Nếu không có 30 năm ấy, chắc chắn cha tôi sẽ đóng góp được nhiều hơn cho nền nghệ thuật nước nhà.
Bao giờ bộ sách "Văn Cao - "đời và nghiệp " ra mắt công chúng?
Văn Thao: Tôi đang bắt tay vào viết. Dự tính đến 2003 sẽ hoàn thành để dâng tặng cha tôi tròn 80 năm tuổi.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
No comments:
Post a Comment