Thursday, June 2, 2011

VIỆT NAM & TRUNG QUỐC





Tàu sân bay TQ 'không như mong đợi'



Tàu Varyag khi còn hoạt động

Trung Quốc là nước châu Á thứ ba và nước thứ 10 trên thế giới có tàu sân bay khi hàng không mẫu hạm Varyag được hoàn tất.

Tuy nhiên, như tác giả Oliver Chou phân tích trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng Chủ nhật vừa qua, hàng không mẫu hạm đầu tiên này có thể khiến những người nóng lòng trông đợi thất vọng.

Tin cho hay rằng tàu sân bay cải biến từ chiến hạm Varyag mà Ukraina lắp đặt từ thời Xô viết sẽ được chuyển giao cho Giải phóng quân Trung Quốc nhằm ngày 01/10/2012.

Chiếc tàu nặng 66.000 tấn sẽ là "món quà đặc biệt" nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc, và cũng nhân Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào dịp đó.

Có trong tay hàng không mẫu hạm, hải quân Trung Quốc hy vọng sẽ từ phòng thủ bờ biển chuyển sang hoạt động xa bờ. Hiện trong số các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, chỉ có Trung Quốc là chưa có tàu sân bay.

Người ta ví việc khánh thành tàu Varyag với việc Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử năm 1964, mà dư luận Trung Quốc lúc đó nói đã giảm hẳn nguy cơ tấn công hạt nhân từ Hoa Kỳ đối với nước này.

Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thì tuyên bố rằng "giấc mơ 70 năm của Trung Quốc sắp trở thành hiện thực".

Chủ đề nóng trên internet

Từ khi các tấm ảnh chụp hình tàu Varyag đang thiết kế lại được tung lên mạng internet hồi đầu tháng trước, nó đã trở thành chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong lĩnh vực quân sự.

Trên mạng internet người ta cũng lưu truyền các bức ảnh chiến đấu cơ J-15, một phiên bản của máy bay Sukhoi SU-33 của Nga, mà tàu Varyag có thể mang trên khoang tới 50 chiếc.

Giấc mộng 40 năm

  • 1970: TQ nghiên cứu tiền khả thi việc lắp tàu sân bay
  • 1980: Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ thăm hàng không mẫu hạm Kitty Hawk của Mỹ
  • 1985: TQ mua tàu sân bay Melbourne mà Úc thôi sử dụng
  • 1988: TQ và Việt Nam giao tranh tại Trường Sa
  • 1994: TQ mua tàu Minsk của Nga, nay trưng bày tại Thâm Quyến
  • 1998: TQ mua tàu Varyag của Ukraina
  • 2004: TQ quyết định cải tạo nâng cấp Varyag

Nói về tàu Varyag, cộng đồng mạng Trung Quốc chia thành hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất tỏ ra mong mỏi hàng không mẫu hạm này được khai trương càng sớm càng tốt, "dù chưa xong cũng được".

Ý kiến thứ hai tỏ ra dè dặt hơn.

Chuẩn đô đốc Doãn Trác viết trên một diễn đàn của tờ Nhân dân Nhật báo:"Tàu Varyag chưa bao giờ được mang ra sử dụng và chúng ta nhận nó khi đã hoàn tất tới 70% thiết kế ban đầu".

"Có thể nói nó chẳng phải lừa, mà cũng không phải ngựa... một dạng như con la vậy."

Theo ông Doãn, khi mang vào vận hành tàu Varyag sẽ chở cả chiến đấu cơ lẫn trực thăng săn tàu ngầm, có quá nhiều công hiệu nhưng không có gì thật tốt và chạy bằng nhiên liệu thường chứ không phải năng lượng nguyên tử.

Nhận xét của ông Doãn Trác lập tức bị phản bác. Một người viết trên cùng diễn đàn: "Ông Doãn không nên quá chỉ trích đối với hàng không mẫu hạm Varyag. Đối với chúng ta, đó đã là bước tiến từ không tới có".

"Tàu này có thể không sánh được với tàu sân bay nguyên tử của Mỹ, nhưng so với tàu Charles de Gaulle của Pháp thì đâu có kém cạnh gì và có thể trở thành nỗi kinh sợ của lũ du thủ du thực."

Giá trị thực

Các chuyên gia cũng không đồng nhất quan điểm về tầm quan trọng của tàu Varyag đối với an ninh khu vực và cán cân quyền lực tại đây.

Có người, như ông Andrei Chang, chủ biên tạp chí quốc phòng Kanwa Defence Review đặt tại Canada, cho rằng nếu như người Trung Quốc có thể cải tạo tàu Varyag trong thời gian 5 năm thì điều đó chứng tỏ công nghệ đóng tàu của Trung Quốc đã khá phát triển.

"Nếu có ngân sách, thì việc thiết kế và lắp đặt tàu sân bay hoàn toàn của Trung Quốc trong tương lai chắc chắn sẽ nhanh chóng hơn nhiều."

Tàu Varyag

Tàu Varyag đang được lắp đặt tại xưởng đóng tày Đại Liên

Theo ông Chang, chi phí dành cho việc lắp hàng không mẫu hạm không được phản ánh trong ngân sách quốc phòng hàng năm mà thuộc dạng "ngân quỹ ngầm".

Hải quân Trung Quốc dành 4,49 tỷ USD để mua trang thiết bị trong năm 2010, nhưng việc cải tạo nâng cậ́p tàu Varyag có thể lên tới 5 tỷ USD.

Để tự lắp đặt một hàng không mẫu hạm của Trung Quốc, chi phí vào khoảng 5 tỷ Nhân dân tệ, tức khoảng 1/7 chi phí cải tạo. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ có thêm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay mà nếu không có chiếc Varyag trong tay, họ sẽ khó lòng có được.

Mã Đỉnh Thịnh, một bình luận viên về các chủ đề quân sự có uy tín ở Hong Kong, tỏ ra hoài nghi về giá trị của hàng không mẫu hạm Varyag.

Theo ông, chiếc tàu này không có khả năng tác chiến, không có tàu dẫn đường và cũng chẳng có bến đỗ ngoài khơi.

"Trong khi Hoa Kỳ có đội ngũ tàu ngầm tới 60 chiếc để bảo vệ các hàng không mẫu hạm, Trung Quốc chỉ có hai hay ba chiếc."

Ông Mã nói: "Nhật Bản là quốc gia duy nhất trên thế giới có sử dụng tàu sân bay tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Liệu Nhật có lo sợ trước chiếc tàu cấp ba của Nga hay không?"

"Đài Loan thì có thể sẽ sợ. Nhưng đối với Đài Loan thì lại không cần thiết vì đã có hệ thống hỏa tiễn qua eo biển rồi và thêm tàu sân bay sẽ chỉ đẩy Đài Loan thêm gần Nhật Bản."

"Liệu Bắc Kinh có muốn điều này hay không?"

Chuyên gia Mã Đỉnh Thịnh cũng nói các nước như Việt Nam hay Philippines cũng không vì thế mà rút khỏi các đảo và bãi cạn mà họ đã chiếm cứ trong Biển Đông.

Ông nêu ra giả thuyết là dự án tàu Varyag chỉ là cách thức để quân đội Trung Quốc có thể tìm kiếm ngân sách lớn hơn từ chính phủ vì các nhà lãnh đạo dân sự sẽ không thể cưỡng lại được trước ánh hào quang của một công trình như vậy.

"Một khi tàu Varyag được khánh thành, thì trong 10 tới 20 năm nữa sẽ còn tiếp tục có các yêu sách nữa."

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/05/110517_china_aircraftcarrier.shtml

Tình hình Biển Đông có thể trở nên căng thẳng hơn RFA 28.05.2011

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn, sau khi chính phủ Việt Nam gửi công hàm ngoại giao yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay những hành động vi phạm chủ quyền ở thềm lục địa và những vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong công hàm gửi cho chính phủ Trung Quốc ngày hôm qua, Việt Nam cũng đòi Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại vì những hành động sai trái mà phía Trung Quốc đã làm, khi 3 chiếc tầu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của một tầu thuộc công ty Petro Việt Nam lúc chiếc tầu đang tiến hành khảo sát ngay trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam.

Công hàm cũng cáo buộc những hành động của Trung Quốc đã vi phạm Công Ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, cũng như trái với tinh thần và biên bản tuyên bố được đưa ra hồi 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các nước liên hệ đối với Biển Đông, và không đúng với những gì mà các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc từng đưa ra, cam kết không làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn.

Tin tức mà Ban Việt Ngữ chúng tôi ghi nhận được báo động tình hình có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn trong những ngày tháng tới.

Sự kiện đang được nói tới là việc Tập Đoàn Dầu Khí Trung Quốc thông báo đề xuất 19 lô khai thác dầu ngay trong vùng biển Đông, nói rằng sẽ hợp tác chung với các công ty nước ngoài.

Trang mạng của Tập Đoàn Dầu Khí Trung Trung Quốc nói rõ địa điểm khai thác gồm 12 lô nằm ở phía Đông và 7 lô nằm ở phía Tây Biển Đông, nhưng không cho biết các công ty nước ngoài nào đã được mời hay nhận lời khai thác chung.

Hồi tháng Hai năm nay, Bắc Kinh cho hay trong 5 năm tới sẽ sử dụng 54 tỷ dollars vào việc khai thác dầu và khí đốt thiên nhiên, trong đó gần phần nửa khoản tiền vào các công trình ở vùng biển Đông, là nơi đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia và cũng là nơi mà báo chí Trung Quốc gọi là Vịnh Ba Tư Thứ Hai của thế giới, ám chỉ đây là khu vực có lượng dầu thô và khí đốt rất lớn, có thể giải quyết được cơn khát năng lượng của Trung Quốc.

Cũng cần nói thêm mới đây ASEAN đã ra tuyên bố liên quan đến biển Đông, trong đó nhắc lại mọi chuyện phải được giải quyết bằng đàm phán, ôn hòa, tránh tạo thêm phức tạp.

Cũng mới tuần trước, Tổng Thống Philippines cảnh báo rằng những sự việc đang xảy ra ở Biển Đông có thể dẫn tới chạy đua võ trang.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/hanoi-beijing-in-new-south-cn-sea-spat-05282011102048.html




Ngăn cấm đánh cá nay Trung Quốc ngăn chặn Việt Nam khai thác dầu

Một viên chức VN hôm nay cáo giác TQ đe doạ một chiếc tàu thăm dò dầu khí của VN ngay trong vùng lãnh hải của VN.

TTXVN trích dẫn lời ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN, cho biết , hôm qua, 3 tàu hải giám của TQ đã phá huỷ thiết bị của tàu Bình Minh 02 tại nơi chỉ cách mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, hoàn toàn trong lãnh hải của VN.
Ông Hậu nói thêm rằng các tàu của TQ đã vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền VN bằng hành động “hết sức ngang ngược”, gây thiệt hại lớn về kinh tế, cũng như cản trở hoạt động của Tập đoàn Dầu khí VN.
Ông thúc giục chính phủ VN gởi công hàm phản đối mạnh mẽ tới TQ, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động gây trở ngại cho hoạt động của Tập đoàn Dầu khí VN.
Sự việc xãy ra vào khoảng 5 giờ sáng sớm hôm qua thứ Năm, khi ra-đa tàu địa chấn Bình Minh 02 phát hiện 3 tàu hải giám của TQ lao thẳng tới khu vực khảo sát, cắt dây cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh, phá hoại thiết bị của tàu này và tiếp tục cản trở hoạt động của tàu Bình Minh cho tới 9 giờ sáng cùng ngày mới rút lui. Hôm nay, sau khi sửa chữa thiết bị, tàu Bình Minh đã hoạt động trở lại.
Sự việc diễn ra giữa lúc VN và TQ tiếp tục tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, nơi người ta tin là phong phú về dầu khí.
Tàu địa chấn Bình Minh 02 được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN trang bị từ năm 2008 để thực hiện hoạt động khảo sát vùng thểm lục địa của VN.

Tàu Trung Quốc 'vi phạm lãnh hải' Việt Nam


Tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02

Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam nói ba tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải của Việt Nam, phá hoại thiết bị và cản trở hoạt động của tàu khảo sát Việt Nam.

Sự kiện này xảy ra ngay mới sáng hôm thứ Năm 26/05, tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

PetroVietnam đã có cuộc họp gấp với báo chí về sự việc mà hãng này gọi là "hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam".

Phó Tổng Giám đốc PetroVietnam Đỗ Văn Hậu được Thông tấn xã Việt Nam trích lời nói hãng này đã báo cáo và đề nghị Chính phủ cùng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam "có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc", đồng thời hỗ trợ PetroVietnam thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam.

Uy hiếp

Theo ông Hậu, vụ gây hấn xảy ra khi tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam.

Ông nói tàu Bình Minh 02 đã làm công việc này trong hai đợt, đợt thứ nhất hồi năm 2010 và đợt thứ hai từ 17/03 năm nay, "quá trình khảo sát những ngày vừa qua được tiến hành trôi chảy".

Đây là hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam.

Phó TGĐ PetroVietnam Đỗ Văn Hậu

Tuy nhiên vào khoảng 5 giờ sáng thứ Năm, tàu Bình Minh 02 phát hiện ba tàu hải giám của Trung Quốc chạy nhanh vào khu vực tàu này đang khảo sát mà không hề cảnh báo.

Gần một tiếng sau đó, "tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02", sau đó tiếp tục uy hiếp tàu này.

Được biết hai bên đã có trao đổi, và tàu Bình Minh 02 khẳng định đang hoạt động trong lãnh hải của Việt Nam.

Mãi tới 9 giờ sáng, tức sau gần bốn tiếng đồng hồ, các tàu hải giám Trung Quốc mới rút đi.

Ông Đỗ Văn Hậu được dẫn lời cho biết: "Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc trong ngày 26/05 và thu lại các thiết bị bị hỏng để sửa chữa".

Tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam phải tới 6 giờ sáng thứ Sáu 27/05 mới quay trở lại hoạt động bình thường.

Tăng căng thẳng

Đây là một trong những lần hiếm hoi tàu Trung Quốc vào lãnh hải Việt Nam sâu và có hành động mạnh bạo như vậy.

Trong quá khứ, Việt Nam từng cáo buộc tàu tuần ngư và tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam, nhưng sự kiện hôm 26/05 dường như vượt xa mức độ vi phạm của các lần trước.

Hiện chưa biết Chính phủ Việt Nam sẽ phản đối mạnh mẽ đến mức nào.

Năm nay Trung Quốc đã và đang đóng mới hàng chục tàu hải giám để tăng cường tuần tra biển.

Tháng Ba vừa qua, hai tàu Trung Quốc cũng gây hấn với tàu thăm dò địa chấn của Philippines hoạt động tại khu vực Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông, gây căng thẳng lớn về ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh.

Sau đó, Philippines đã gửi công hàm để phản đối.

Truyền thông Philippines những ngày gần đây đồng loạt đề cập chủ đề chủ quyền tại Biển Đông, dường như đang chuẩn bị dư luận cho một giai đoạn mới trong căng thẳng khu vực.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/05/110527_chineseships_vietnam.shtml


Trung Quốc đe dọa tàu thăm dò của Việt Nam trong vùng biển Ðông

Mũi Ðại Lãnh, Phú Yên
Hình: Wikipedia - Heromanmax

Mũi Ðại Lãnh, Phú Yên

Chia sẻ

Tin liên hệ

Ðường dẫn liên hệ

Việt Nam tố cáo Trung Quốc đe dọa một chiếc tàu nghiên cứu đang dò tìm địa điểm khoan dầu trong lãnh hải của Việt Nam.

Bản tin hôm thứ 6 của hãng thông tấn AP trích thuật tin tức báo chí Việt Nam cho biết ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nói rằng 3 chiếc tàu hải giám Trung Quốc đã gây hư hại cho các thiết bị được dùng để tiến hành một cuộc khảo sát địa chấn ở Biển Đông hôm thứ 5.

Ông Đỗ Văn Hậu hôm nay hối thúc chính phủ Việt Nam có các biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất đối với phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động cản trở hoạt động của PVN.

Theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam, 3 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã chạy vào khu vực khảo sát của tàu địa chấn Bình Minh 02 của PVN rồi cắt cáp thăm dò của tàu này.

Tường thuật trích lời ông Đỗ Văn Hậu cho biết vị trí mà 3 tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Ông Hậu nói thêm rằng “việc các tàu hải giám Trung Quốc vào sâu trong lãnh hải của Việt Nam để phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của PVN là một hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tường thuật hôm thứ 6 của hãng thông tấn Bloomberg cho biết Việt Nam và Philippines đang xúc tiến các dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền và diễn tiến này làm tăng mối rủi ro xảy ra xung đột ở một trong các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

Bài tường thuật cho biết Công ty Năng lượng Talisman (Talisman Energy Inc.), một đối tác của PetroVietnam, dự định bắt đầu khoan dầu vào năm tới tại một khu vực ở Biển Đông mà Trung Quốc đã giao quyền khai thác cho một công ty đối thủ của Mỹ và bảo vệ bằng các tàu bè có vũ trang.

Bên cạnh đó, Philippines cũng dự trù khai thác dầu khí trong vùng biển gần quần đảo Trường Sa, nơi mà các tàu tuần tiễu của Trung Quốc đã sách nhiễu một chiếc tàu khảo sát địa chấn của Philippines hồi tháng 3.

Bài viết trích lời ông James A. Lyons, cựu tư lệnh hạm đội Thái bình dương của Mỹ, nói rằng các nước láng giềng của Trung Quốc đã trở nên bạo dạn hơn sau khi Hoa Kỳ khẳng định các quyền lợi của mình trong khu vực này hồi năm ngoái. Ông Lyons cho rằng các nước này dựa vào Hoa Kỳ để có được một ô dù an ninh tổng thể.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố tại một hội nghị an ninh khu vực tổ chức ở Hà Nội hồi tháng 10 năm ngoái rằng tự do hàng hải và hoạt động thương mại không bị cản trở trong vùng biển này là “quyền lợi quốc gia” của Hoa Kỳ.

Theo dự liệu, vụ tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ được mang ra thảo luận vào đầu tháng 6 tại một hội nghị về an ninh Á châu tổ chức hàng năm ở Singapore, thường được gọi là Đối thoại Shangri-La.

Trong phát biểu tại diễn đàn này hồi năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tuyên bố Hoa Kỳ phản đối những mưu toan nhằm “hăm dọa” các công ty hoạt động trong vùng biển này.

Nguồn: AP, VNA

http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-accuses--china-of-threatening-boat-in-south-china-sea-5-27-11-122715324.html




Việt Nam không đủ sức bảo vệ ngư dân trên vùng biển chủ quyền
2011-05-26

Câu chuyện về người ngư dân Việt Nam liên tiếp bị cấm đánh bắt cá, tàu nghề bị Trung Quốc tịch thu đòi tiền chuộc, cướp biển tấn công và thậm chí bị bắt một cách vô lý bởi các nước trong khu vực như Brunei hay Indonesia.

RFA

Nhiều ngư dân neo thuyền không dám ra biển sợ bị cướp, sợ bị bắt.


Cuộc sống của những con người khốn khổ lặn lội giữa sóng gió để kiếm miếng ăn này gần như đơn độc giữa biển khơi đang là một vấn nạn chung cho đất nước vốn được tiếng là rừng vàng biển bạc. Mặc Lâm có bài viết về vần đề này sau đây

Ngư dân việt nam còn bị ức hiếp đến bao giờ

Tàu cá của ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt đòi tiền chuộc không phải là một vấn đề mới, tuy nhiên mỗi lần xảy ra một vụ thì khả năng gây nhức nhối cho người trong cuộc vẫn tươi chong như lần đầu tiên xảy ra.
Lý do dễ hiểu là tiền bạc công sức của ngư dân gắn liền với con tàu đã trôi theo dòng nước, không phải do thiên tai mà do con người cướp đi. Hay chính xác hơn do chính quyền Trung Quốc dung dưỡng, bảo vệ và khuyến khích cho dân chúng hay nhân viên nhà nước dưới quyền thi hành theo một chính sách rất cụ thể: tứơc đoạt mọi phương tiện đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam nhằm củng cố lập luận vùng biển đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của họ.
Tàu của ông Châu bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số hiệu 309 đã tiếp cận và khống chế 8 ngư dân trên tàu, thu giữ tài sản, cùng hàng chục tấn cá trị giá trên 200 triệu đồng.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009.Source lysonforum.
Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 11 tháng 5 vừa qua. Trung Quốc tịch thu tài sản, hải sản trên tàu QNg-90016 TS của ông Phạm Hà, xã Bình Châu đang hành nghề tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu của ông Châu bị tàu kiểm ngư Trung Quốc mang số hiệu 309 đã tiếp cận và khống chế 8 ngư dân trên tàu, thu giữ tài sản, cùng hàng chục tấn cá trị giá trên 200 triệu đồng. Cho đến ngày 23 tháng 5 vừa qua sau khi theo một tàu cá khác về đến đất liền ngư dân Phạm Hà đã báo lại vụ này cho chính quyền huyện Bình Châu.
Không chỉ riêng tàu của ông Hà bị bắt và đòi tiền chuộc, trước đó ngày 9.5, tàu cá của ông Lê Hớn mang số hiệu QNg-66101TS thuộc xã An Hải, huyện Lý Sơn cũng cùng chung số phận. Khi bị bắt trên tàu có 14 ngư dân đang hành nghề tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Chiêc tàu này bị Hải quân Trung Quốc thu giữ hơn 3 tấn cá, hơn 400 lít dầu, tất cả tài sản bị mất trị giá khoảng 160 triệu đồng.
Ông Tiêu Viết Thạnh trưởng công an xã Bình Châu cho chúng tôi biết hoàn cảnh khó khăn của những chiếc tàu này khiến họ không thể báo cho chính quyền Việt Nam biết để can thiệp thẳng với Trung Quốc mà phải tự bỏ tiền ra chuộc tàu. Nếu nhà nước chính thức can thiệp thì tàu của họ kể như mất trắng, ông Thạnh nói:
-Bây giờ mà họ đi Hoàng Sa thì họ không muốn chính phủ mình can thiệp vì nếu ra Hoàng Sa mà bị bắt thì Trung Quốc nó phạt, còn nếu mà nhờ chính phủ mình can thiệp thì nó tịch thu luôn.
Ô.Tiêu Viết Thạnh trưởng công an xã Bình Châu
-Bây giờ mà họ đi Hoàng Sa thì họ không muốn chính phủ mình can thiệp vì nếu ra Hoàng Sa mà bị bắt thì Trung Quốc nó phạt, còn nếu mà nhờ chính phủ mình can thiệp thì nó tịch thu luôn. Cũng như ghe của ông Tiêu Viết Là trước đây. Nếu nhà nước can thiệp thì không tốn đồng nào hết. Không tốn tiền nhưng cuối cùng thì nó không cho mang ghe về. Cho nên bây giờ mình ra mình hỏi họ thì họ không nói.
Đường giây của họ đâu ngoài Đà Nẵng, họ điện qua Trung quốc họ chung tiền vậy thôi. Bây giờ nếu yêu cầu nhà nước mình can thiệp thì nó cho về chứ không phải không, nhưng nó tịch thu tài sản, cho nên đến bây giờ anh nghe rồi đó nhưng mà hỏi thì họ không nói, vì họ không muốn nhờ nhà nước can thiệp.
Bên cạnh tàu bị Trung Quốc tịch thu đòi tiền chuộc thì cướp biển tấn công đang là một ám ảnh đối với ngư dân vùng biển miền Trung. Chỉ trong tháng 5 này, 2 tàu cá của Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài tấn công,

Bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ thuyền trưởng Tiêu Viết Là) khóc lo lắng cho số phận của gia đình nay đã mất hết tài sản. Photo courtesy: báo tin 247-ảnh Trí Tín
Bà Nguyễn Thị Bưởi (vợ thuyền trưởng Tiêu Viết Là) khóc lo lắng cho số phận của gia đình nay đã mất hết tài sản. Source báo tin 247-ảnh Trí Tín
cướp tài sản là tàu QNg-90847 TS do ông Nguyễn Tấn Luận làm thuyền trưởng và tàu QNg-5129 TS do ông Trần Văn Dũng làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đã bị cướp biển không rõ quốc tịch tấn công. Ngư dân Nguyễn Tấn Luận vừa trở về Bình Châu vài ngày và cho chúng tôi biết:
Chỉ trong tháng 5 này, 2 tàu cá của Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài tấn công, cướp tài sản là tàu QNg-90847 TS do ông Nguyễn Tấn Luận làm thuyền trưởng và tàu QNg-5129 TS do ông Trần Văn Dũng làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng đã bị cướp biển không rõ quốc tịch tấn công
-Nói chung thì ra khơi đánh cá biển rộng sông dài mình biết khu vực nào đâu? Tàu mình đương hành trình nó nhỏ hơn tàu mình. Mình thấy nó qua nó giả bộ xin dầu mình không cho kịp, rồi mình thấy nó lạ quá mình lo mình chạy thì nó bắn theo đàng sau bắn tới.Nó bắn đạn ria thì bị thương một thằng. Nói chung nó chạy qua mặt mình nó chạy hơn mình nó chạy tới mười mấy lý trong khi tàu mình đi có mười lý thôi mà! Sau này nó bắn đạn lớn nên phải đầu hàng, nó qua nó khống chế anh em rồi nó cướp. Khi vô Mã Lai thấy anh em bị thương cảnh sát mới đưa anh em cấp cứu.
Tổng giá trị thiệt hại trên tàu thì trên 600 triệu. Mình đi một lần thất bại là một lần rút kinh nghiệm chớ. Chuyện biển giả thì mình cứ về tiếp tục ra khơi thôi chứ mình sống nghề biển không mà. Gia đình thì một mình mình gánh nặng.

Không sợ sóng to gió lớn bằng Trung Quốc và cướp biển

Sóng to gió lớn không làm cho ngư dân lo sợ bằng sự sợ hãi Trung Quốc và cướp biển. Hai huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu những ngày qua lại sống trong hồi hộp lo âu nhưng không thể bỏ tàu bỏ biển. Cuộc sống họ dính liền với biển cả và nỗi cơ cực theo sau hàng ngày khiến họ rối bời.
Tàu của thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh bị tịch thu và không có tiền để chuộc nhưng ông vẫn phải bám biển bằng tàu của người khác để mưu sinh. Vợ của ông Thạnh cho biết hoàn cảnh gia đình sau lần bị cướp như sau:
-Cái đợt ấy ảnh bị Trung Quốc nó bắt rồi nó thu tàu luôn cho một chiếc về thôi. Bây giờ thì mấy người có phần trên ghe họ rủ mình đi. Hồi đó bỏ vô chung gần cả trăm triệu. Ý là mất tàu rồi bây giờ mình cũng đâu có tiền chuộc đâu. Không có tiền chuộc nên họ lấy luôn. Bây giờ mình cũng đi bạn với họ thôi chớ tiền bạc đâu nữa mà hùn, có bao nhiêu vốn liếng dồn vô hết rồi.
Hồi đó bỏ vô chung gần cả trăm triệu. Ý là mất tàu rồi bây giờ mình cũng đâu có tiền chuộc đâu. Không có tiền chuộc nên họ lấy luôn. Bây giờ mình cũng đi bạn với họ thôi chớ tiền bạc đâu nữa mà hùn, có bao nhiêu vốn liếng dồn vô hết rồi.
Vợ của thuyền trưởng Thạnh
Bám biển là cách tận cùng hiểm nguy của ngư dân nhưng họ không thề bỏ mặc dù thu nhập của nó cũng bấp bênh như sóng gió, chị Thạnh kể về sinh kế của gia đình:
-Đi một chuyến nếu trúng thì ăn một tháng còn đi không được nữa thì thâm! Ở nhà kiếm làm lụng thêm để kiếm sống chớ nhờ vào biển không thì đâu có ăn. Ở Lý Sơn thì cũng làm tỏi làm hành thêm mới có ăn chứ bây giờ mà chờ vào biển không thôi thì đói luôn. Năm nó được năm nó mất chớ đâu có đủ ăn.

Do ít được bảo vệ một số tàu cá Việt Nam thường đi hai chiếc hầu bảo vệ cho nhau. Ảnh minh họa RFA
Do ít được bảo vệ một số tàu cá Việt Nam thường đi hai chiếc hầu bảo vệ cho nhau. Ảnh minh họa RFA

Những hiểm nguy này không thể không giải quyết nhưng giải quyết sao đây khi giữa biển khơi mênh mông con tàu cá nhỏ bé của ngư dân không một tất sắt trong tay? Có thể từ những bức xúc này mà ngư dân Đà Nẵng đã quyết tâm thành lập những đội dân quân biển. Tuy rất yếu ớt nếu so với tàu kiểm ngư hay Ngư chính của trung Quốc nhưng dù sao cũng là điểm tựa cho người đi biển trong lúc này.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Tổng cục phó Tổng cục Thủy sản Việt Nam cho biết:
Cùng với tin tàu cá bị Brunei bắt thì tin 20 ngư dân đi trên hai tàu cá QNg 96259-TS và QNg 96279-TS, cùng ở xã An Hải huyện đảo Lý Sơn, bị tạm giữ tại cảng Pamako Timixa Papua, Indonesia đã làm cho người dân làng cá An Hải hết sức phân vân bởi lý do mà Indonesia đưa ra là hai tàu cá này không đóng thuế cho họ.
-Hôm vừa rồi báo chí có đăng đây là những ngư dân tại Quảng Ngãi thành lập trung đội Dân quân tự vệ biển. Những người này là những người đầu tàu gương mẫu trong sản xuất và được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng về tất cả những luật pháp trên biển. Thế nên rất an tâm, họ không có hành động gì gọi là manh động. Trong trường hợp bất khả kháng thì mới hành động thôi, còn thì không được manh động trong bất cứ trường hợp nào trong hoạt động khai thác nghề cá trên biển.
Ngư dân Việt không những phải đối phó với những hiểm nguy do Trung Quốc và cướp biển gây ra mà họ còn phải đương đầu với nhiều vấn đề khác nữa.
Ngư dân tỉnh Khánh Hòa đang lo sợ trong các tình huống khác, đó là tàu nào muốn bắt cũng đựơc. Ngày 21-5, tàu cá PY 90260 TS do ông Đỗ Văn Phụng làm thuyền trưởng cùng 10 thuyền viên đang hành nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển cách đảo An Bang, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa 40 hải lý thì bị hải quân Brunei bắt giữ.
Cùng với tin tàu cá bị Brunei bắt thì tin 20 ngư dân đi trên hai tàu cá QNg 96259-TS và QNg 96279-TS, cùng ở xã An Hải huyện đảo Lý Sơn, bị tạm giữ tại cảng Pamako Timixa Papua, Indonesia đã làm cho người dân làng cá An Hải hết sức phân vân bởi lý do mà Indonesia đưa ra là hai tàu cá này không đóng thuế cho họ.
Hai tàu này đánh bắt cá ngừ đại dương theo hợp đồng khai thác thủy sản giữa Công ty cổ phần Đại Dương và Công ty PT Papua Fisheery Development của Indonesia. Khi vừa cập cảng cả 2 chiếc tàu và người bị cơ quan chức năng Indonesia giữ tại cảng với lý do không đóng thuế nhập khẩu 22.000USD cho mỗi chiếc.
Trong khi chờ đợi công ty làm việc với chính quyền Indonesia gia đình của hai mươi con người này sẽ ra sao khi mỏi mòn trông mong vào đồng tiền lao động của cha anh họ. Hết chuyện này tới chuyện khác, người ngư dân Việt Nam chưa bao giờ yên tâm hành nghề trên chính phần đất của quê hương mình.

Theo dòng thời sự:


Sắp có khu người Hoa ở Bình Dương



Phối cảnh Chinatown ở Bình Dương

Một khu phố dành riêng cho Hoa kiều đang được xây dựng tại thành phố mới Bình Dương với hứa hẹn "mang đậm màu sắc Trung Hoa".

Dự án Đông Đô Đại Phố do công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật Bình Dương (Becamex IJC) thực hiện vừa được khởi công hồi đầu tuần này trên diện tích 26 ha theo mô hình Chinatown tại các nước.

Trên website của mình, công ty Becamex quảng cáo đây là "dự án đầu tiên được xây dựng dành riêng cho cộng đồng người Hoa sinh sống, kinh doanh và phát triển" tại Bình Dương.

Không chỉ là một trung tâm thương mại, Đông Đô Đại Phố tập trung nhiều hạng mục, như các khu nhà ở, văn phòng, quán ăn, cơ sở giáo dục, dịch vụ... "mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa".

Một ngôi chùa phong cách Trung hoa mang tên Chùa Bà Thiên hậu Thánh mẫu đã được khởi công từ tháng Hai để phục vụ nhu cầu tâm linh của cư dân Chinatown mới này.

Becamex nói dự án nhằm thu hút cộng đồng 120.000 người gốc Hoa sinh sống tại Bình Dương nói riêng, và người Hoa nói chung ở miền Nam Việt Nam.

Công ty này cũng muốn kêu g̣ọi sự tham gia đầu tư của hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài nói tiếng Hoa đặt trong địa bàn tỉnh.

Thông cáo của Becamex viết "Đông Đô Đại Phố sẽ là điểm gắn kết và hình thành cộng đồng Hoa kiều sung túc, thịnh vượng".

Theo thống kê chính thức, có khoảng trên 800.000 người gốc Hoa sinh sống ở Việt Nam, một nửa tập trung ở TP Hồ Chí Minh.

Cộng đồng người Hoa, vốn rất mạnh trong hoạt động thương mại và duy trì truyền thống văn hóa, đóng góp một phần không nhỏ trong nền kinh tế của các nước sở tại, và cũng là cầu nối giữa những nước này với Trung Quốc.

Hiện chưa rõ phản ứng trong cộng đồng người Việt địa phương đối với việc hình thành Chinatown.

Trong quá khứ, khi quan hệ Việt-Trung không được tốt đẹp, nhiều người Hoa đã phải rời Việt Nam sau khi bị cáo buộc phân biệt đối xử.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/05/110526_viet_chinatown.shtml

VẠN MỘC CƯ SĨ BÌNH

Đây là một chứng tích của Trung Cộng xâm lược và Việt Cộng bán nước. Trước tình trạng mất nước như vậy, một số báo Việt Nam tay sai Trung cộng "hồ hởi, phấn khởi" quảng cáo cho chính sách xâm lược của Trung cộng như sau đây.

ĐÔNG ĐÔ ĐẠI PHỐ "CHINATOWN" VIỆT NAM- PHỐ THƯƠNG MẠI ĐẶC TRƯNG PHONG CÁCH PHƯƠNG ĐÔNG (PHỐ NGƯỜI GỐC HOA)- CẠNH CHÙA BÀ THIÊN HẬU, CHÙA PHẬT HỘI AN - MỘT QUẦN THỂ KIẾN TRÚC TÔN GIÁO BỀ THẾ - QUY MÔ, NƠI "AN CƯ LẠC NGHIỆP"

Đông Đô Đại Phố, khu trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất dành cho Hoa kiều giữa lòng thành phố mới Bình Dương, một thiên đường mua sắm, giải trí và ẩm thực đặc sắc, góp phần tạo dựng và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa đa sắc màu của dân tộc Việt Nam cho thế hệ mai sau.

http://rongbay.com/Binh-Duong/Dong-do-dai-pho-khu-thuong-mai-vang-c15-raovat-14714082.html

Lần đầu tiên một dự án được xây dựng dành riêng cho cộng đồng người Hoa sinh sống, kinh doanh và phát triển, với tên gọi ấn tượng “Đông Đô Đại Phố” đã được khởi công xây dựng. Đây không phải là một cụm nhà phố nhỏ lẻ mà là một khu thương mại lớn, có diện tích lên đến 26 ha, thể hiện sự đầu tư quy mô và đặc biệt chú trọng của chủ đầu tư đến phân khúc khách hàng người Hoa đầy tiềm năng, hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Dự án sẽ được đầu tư với nhiều hạng mục như nhà phố liến kế, văn phòng, thương mại, kết hợp hài hòa giữa phong cách hiện đại, sang trọng mà vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa.

http://www.vatgia.com/raovat/2590/1861152/dong-do-dai-pho-dac-khu-chinatown-sam-uat-nhat-tai-thanh-pho-moi-binh-duong.html

No comments: