Tác giả: Liu Xiaobo – Nhà xuất bản Gallimard ấn hành năm 2011
Lưu Hiểu Ba là một nhân vật rất nổi danh trên thế giới ngày nay, đặc biệt kể từ lúc ông được cấp phát giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010 vừa qua. Và cũng giống như trường hợp của bà Aung San Suu Ky người Miến Điện và của nhà bác học Andrei Sakharov người Nga trước đây vì bị chính quyền nước mình ngăn cản, nên đã không thể có mặt trong buổi lễ Trao giải tại thủ đô Oslo của vương quốc Na Uy, ông Lưu Hiểu Ba vì đang bị giam giữ trong tù tại Trung quốc, nên cũng đã vắng mặt trong dịp này. Sự kiện này lại càng khiến công luận khắp thế giới chú ý, và cũng là một điều gây bất lợi cho uy tín của giới lãnh đạo chính quyền Bắc kinh.
I – Sơ lược tiểu sử của tác giả Lưu Hiểu Ba
Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955 trong một tỉnh thuộc miền đông bắc Trung quốc. Cha của ông là một giáo sư tại đại học sư phạm ở địa phương. Năm lên 14 tuổi, Lưu theo cha mẹ đến các miền quê tại khu vực Nội Mông trong thời kỳ cách mạng văn hóa đày ải giới trí thức. Không được đến trường học, Lưu đã tìm cách đọc tất cả sách báo mình bắt gặp. Vào năm 1973 lúc ở tuổi 18, Lưu được điều động về các làng xã để"học tập cách thức phục vụ nhân dân ”.
Các bạn hữu cho biết là trong thời gian dài theo học ở Bắc kinh, Lưu ít chú ý đến sinh họat chính trị, mà tập trung vào việc nghiên cứu văn học, ông đặc biệt chú ý đến quan điểm của nhà văn Kafka ở Âu châu vào hồi đầu thế kỷ XX. Năm 1986, Lưu đã gây chấn động trên văn đàn Trung quốc với bài báo phê bình văn học với nhan đề : "Khủng hỏang ! Văn học thời kỳ mới đang lâm vào cuộc khủng hỏang". Trong bài này, Lưu phê phán thẳng thừng sự thiếu vắng sáng tạo của các nhà văn Trung quốc, mặc dầu lúc đó họ đang được ca tụng vì đã có những cố gắng vượt thóat khỏi tình trạng kềm kẹp dưới thời Mao Trạch Đông. Quan điểm phê phán triệt để này có thể coi như có tính cách đột phá tương tự như hào khí khai phóng sôi nổi khắp nơi ở Trung quốc của"Phong trào Ngũ Tứ"bột phát vào năm 1919 sau thế chiến thứ nhất ( May 4th Movement).
Trong khi ở tù, thì Lưu bị người vợ đòi phải ly dị. Hậu quả của việc ly dị này là Lưu bị mất sổ hộ khẩu, mất cả quyền cư trú hợp pháp ở Bắc kinh lúc ông được trả tự do vào năm 1991. Mà ông cũng không còn được ký tên thật của mình trên các bài báo, hay sách do mình viết nữa. Vì thế mà cuộc sống trở thành hết sức bấp bênh, đến độ nghẹt thở. Nhưng vào năm 2000 trở đi, nhờ sự phát triển của Internet, họ Lưu đã có thể sáng tác hết sức mạnh bạo, mau chóng với sức lan tỏa rộng rãi cùng khắp. Ông thường xuyên bị công an theo dõi và bị làm khó dễ sách nhiễu dọa nạt đủ bề. Tuy vậy, Lưu vẫn kiên trì theo đuổi cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền của mình.
II – Giới thiệu tóm lược cuốn sách "Triết lý con heo"
A/ Văn học: "Khủng hỏang! Văn học của thời kỳ mới đã lâm vào tình trạng khủng hỏang" (trang 57 – 87)
B/ Suy nghĩ triết học và chính trị ( trang 91 – 231).
Đặc biệt mục : "Triết lý con heo"(trang 147 – 177) tiêu đề này được chọn để làm nhan đề cho cả cuốn sách.
C/ Hệ thống chính trị và đời sống chính trị (trang 235 – 331)
Đặc biệt mục : "Nỗi băn khoăn về ý thức hệ của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ( trang 319 – 331)
D/ Những bài viết về một số sự việc cụ thể ( trang 355 – 413)
Đặc biệt mục : "Tuyên ngôn của những nông dân muốn đòi lại ruộng đất” ( trang 391 – 401).
Nói chung, tác giả họ Lưu đề cập đến nhiều lãnh vực, từ phê bình văn học đến suy nghĩ triết học về chính trị, và nhất là bày tỏ quan điểm dứt khóat về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền và công lý xã hội. Các bài viết này biểu lộ sự hiểu biết sâu sắc của tác giả qua lối nhận định và phân tích sự kiện cụ thể với một nhãn quan bao quát, thông thóang và một lập trường kiên định tự tin vững vàng. Ta sẽ có dịp thảo luận chi tiết hơn trong các bài viết tiếp theo liên quan tới một số đề tài có tính cách căn bản trong một xã hội còn đang bị kềm kẹp bởi chế độ độc tài cộng sản, ở Trung quốc cũng như ở Việt Nam hiện nay.
Tiếp theo đây, người viết xin giới thiệu riêng về mục"Triết lý con heo” được tác giả trình bày trong 30 trang sách, và tiêu đề của bài này lại được nhà xuất bản lấy làm nhan đề chung cho tòan thể cuốn sách.
III – Triết lý con heo
Tác giả nhấn mạnh đến sự đồng lõa, thỏa hiệp của giới trí thức với chủ trương mê hoặc ru ngủ của nhà cầm quyền đương thời qua các chiêu bài "phải bảo vệ sự ổn định xã hội”, "phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu, "trở về với gốc rễ cội nguồn của văn minh Trung quốc"… để mà bỏ qua những đòi hỏi về tự do, công bằng xã hôi và phẩm giá của người công dân.
Ông thẳng thắn tố cáo tình trạng "tồi dở, tầm thường” (médiocrité) cả ở trong chính quyền, lẫn trong giới trí thức ưu tú của xã hội. Với giọng văn thật mạnh mẽ độc đáo, họ Lưu ghi nhận rằng: "Giới trí thức đang bị tha hóa vì cam tâm lãnh nhận những ân huệ vật chất và các tiện nghi thỏai mái do nhà nước cung ứng cho để đổi lại với sự im lặng làm ngơ trước sự nhũng lạm thối nát, sự đàn áp cướp bóc của cán bộ nhà nước đối với đa số quần chúng dân oan…”
Rõ ràng là đã có sự "bán linh hồn cho quỷ dữ', sự "tự ý ngoan ngõan đi vào cái chuồng heo” (porcherie) để được vỗ béo, yên thân mà quên đi cái nhiệm vụ phải luôn luôn thức tỉnh để cảnh giác công luận trước những sa đọa tàn bạo của nhà nước chuyên chính độc tài, phải bênh vực đa số quần chúng nạn nhân của sự áp bức bóc lột ở khắp nơi.
Dưới các tiểu đề mục như: "Sự yếu đuối của người bị trị đã sản xuất ra những người cầm quyền tồi dở” ( la faiblesse des gouvernés produit des gouvernants médiocres) và "Sự tồi dở nhất lọat đã phá vỡ tất cả" (La médiocrité homogénéisée a tout écrasé), họ Lưu đã thẳng thắn nêu ra cái sự nhục nhã của giới trí thức ưu tú (élites) là đã hèn kém cam tâm phủ phục trước những kẻ lãnh đạo tồi dở tầm thường hiện nay. Ông phát biểu dứt khóat : "Trên mảnh đất này, sự cao cả của tâm hồn và sự uyên bác thông tuệ không còn chỗ đứng nữa" (Sur cette terre, la grandeur d ‘âme et l’érudition n’ont pas leur place)
Nhân tiện, tác giả cũng xin ghi nhận sự biết ơn đối với anh chị Nguyễn Văn Tánh và Bạch Nhật cư ngụ tại Bruxelles Belgique đã cho đọc cuốn sách giá trị này, nhân chuyến anh chị đến tham dự cuộc Hội Ngộ do tạp chí Diễn Đàn Giáo Dân tổ chức tại miền Nam California vào mấy ngày đầu tháng Sáu năm 2011 vừa qua.
Costa Mesa, Trung tuần tháng Sáu 2011
LS. Đòan Thanh Liêm
Lời giới thiệu của dịch giả Nguyễn Huệ Chi:
Dịch giả Bùi Xuân Bách ở Boston có gửi một bài thơ chữ Hán của ông Lưu Hiểu Ba đến nhờ tôi dịch nhằm sử dụng vào một comment nào đó. Tuy phải dịch gấp để đáp ứng kịp yêu cầu của ông, tôi nghĩ, nếu bài thơ này được đăng trên BVN hẳn cũng có ích.
Lưu Hiểu Ba (trái) và vợ là Lưu Hà, tháng 10, 2002. (Hình: STR/AFP/Getty Images) |
Bởi lẽ, việc chú tâm dịch chỉ một vài bài thơ của Lưu Hiểu Ba bỗng giúp tôi nhận chân ra một điều: Các ngài ở Trung Nam Hải cố tình không hiểu giá trị của giải Nobel Hòa Bình dành cho ông Lưu là điều hoàn toàn không lạ. Dẫu cho miệng họ nói “hài hòa” lem lẻm nhưng tay họ lúc nào cũng lăm lăm khẩu súng chĩa ra biển Ðông, tàu chiến họ hung hăng gây sự với láng giềng hết từ Nam đến Bắc, và còn cố ý bênh che cho những tay đồ tể đàn em giết lén bà con thân thích; mắt họ lom lom canh chừng Tây Tạng, Tân Cương, Ðài Loan và nhiều khu vực khác đang có nguy cơ bất ổn...
Ðiều đó chứng tỏ những gì đã được “lập trình” từ lâu trong tiềm thức họ, xét cho cùng vẫn là sản phẩm kế thừa từ thời Hoàng đế họ Mao hoặc mấy mươi năm trước nữa - bao giờ mà chẳng ám ảnh rặt có mấy chữ bá chủ thiên hạ về cả quyền lực và tiền tài. Bá chủ bằng súng đạn, bằng dùi cui điện, bằng đồng tiền dự trữ tung ra mua vét đất đai và khoáng sản của vô số nước, và cả bằng hàng loạt sản phẩm công nghiệp giá rẻ bán đi khắp mọi nơi, trong đó một bộ phận rất kém chất lượng, thậm chí hết sức độc hại là dành cho các nước lân bang và ngay cả dân chúng nước họ.
Họ đang lo giở những trò bài tẩy đối phó với dân - cũng đang truyền cho đôi ba nhúm đồ đệ đó đây những ngón nghề tuyệt kỹ ấy - thì tâm hồn làm sao với tới tầm vóc trái tim nhân bản của con người tự do Lưu Hiểu Ba trong cảnh tù đày. Nói như danh sĩ Việt Nam Cao Bá Quát trong bài thơ Vịnh cái gông dài (Trường giang thiên) khi ông ngồi trong ngục Thừa Phủ năm 1841: “Gông dài, gông dài, mày biết ta chăng? Ta không có gì hợp với mày cả. Mày hiểu thế nào được ai phải ai trái! Mày chẳng qua chỉ là cái máy làm nhục người đời mà thôi...”
Khát vọng xa chạy cao bay (1) - Tặng vợ
Ném quách những tuẫn nạn cứ chập chờn trong trí
Anh thèm khát được nằm xuống dưới chân em
Ðó là khi đã gạt ra ngoài
nghĩa vụ duy nhất vấn vít mình với cái chết
Cũng là khi lòng anh như gương sáng
Hạnh phúc giữ bền lâu
Ngón chân em không tách lìa ra (2)
Một con mèo đến kề bên cọ thân sau của nó
Cứ tưởng anh muốn đuổi nó giùm em
Nó quay đầu
Hướng về anh vươn những chiếc móng sắc
Nơi đáy sâu đôi mắt xanh lè
Tưởng như có cả một nhà ngục
Nếu anh cứ mờ mắt bước qua
Thậm chí mới chỉ dợm một bước
Sẽ biến ngay thành một con cá.
(Nguồn: Bauxite Việt Nam)
Lưu Hiểu Ba, 12.8.1999
(Nguyễn Huệ Chi dịch)
Chú thích:
(1) Mấy chữ “xa chạy cao bay” chúng tôi mượn từ bản dịch trên trang mạng 360 plus, có chỉnh sửa cho đúng với thành ngữ xưa nay.
(2) Ngón chân em không tách lìa ra: Theo dịch giả Bùi Xuân Bách, có lẽ tác giả dùng biểu tượng này để chỉ trạng thái người phụ nữ chưa đến lúc hưng phấn cao độ. Ngày xưa phụ nữ bó chân, các ngón dính sát với nhau, chỉ đến lúc thật hưng phấn mới tõe hết ra.
Minh Đức
Cuộc đời của Lưu Hiểu Ba là sự tranh đấu liên tục cùng vớI tù đầy từ sau vụ biểu tình ở Thiên An Môn. Sau vụ biểu tình tại Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị tù hai năm từ 1989 cho đến 1991. Bốn năm sau, 1995, Lưu Hiểu Ba lại vào tù sáu tháng vì các hoạt động liên quan đến nhân quyền, dân chủ. Vài tháng sau đó, Lưu Hiểu Ba lại bị bắt đi cải tạo ba năm từ 1996 đến 1999 mới được tha về. Đến năm 2008, Lưu Hiểu Ba tham gia trong việc viết ra Hiến Chương 08, tuyên bố đòi hỏi dân chủ cho Trung Quốc và bị kết án tù mười một năm từ 2009 cho đến năm 2020.
Chế độ này đưa đến việc các tiểu quốc thôn tính lẫn nhau. Tần Thủy Hoàng không cắt đất phong cho con cháu để cùng nhau cai trị Trung Quốc mà dùng quan lại do vua cắt cử đến các tỉnh để cai trị. Các quan lại này không nhất thiết là họ hàng nhà vua mà là bất cứ ai có tài năng. Như vậy nhà vua tập trung hết quyền hành vào tay mình và không còn nạn các tiểu quốc không vâng lời thôn tính lẫn nhau. Đây là chế độ quân chủ. Quân là vua, quân chủ là chế độ vua làm chủ. Không còn là chế độ phong kiến, phong hầu, kiến địa (phong hầu, cắt đắ) của thời trước nữa .
Những đòi hỏi về nhân quyền, các tiêu chuẩn về nhân quyền, tự do, dân chủ mà Lưu Hiểu Ba đưa ra trong bản Hiến Chương 08 chính là các biện pháp làm thuần hóa quyền lực của nhà nước. Các đòi hỏi phải có sự phân quyền trong chính quyền là để cho các viên chức chính quyền có đủ quyền lực để làm việc công nhưng không có quá nhiều quyền để đi đến chỗ bị lạm dụng, đàn áp dân, gây ra đau khổ cho dân.
Tuy không dùng sức mạnh gươm đao, nhưng người trí thức Nho giáo có ảnh hưởng đến xã hội và chính quyền vì họ là người có kiến thức, họ đề ra được cách thức tổ chức xã hội mà người dân sống hòa thuận, tốt đẹp hơn là cách cai trị bằng bạo lực. Điều này không riêng gì văn minh Trung Quốc và tại các nền văn minh khác qui luật này cũng xảy ra. Vì thế mà Napoléon Bonaparte, một người tuy giỏi cầm quân nhưng cũng phải nói: “Trong sự tranh đấu giữa ngòi bút và lưỡi gươm, lúc đầu lưỡi gươm thắng nhưng về lâu về dài thì ngòi bút sẽ thắng”. Ngòi bút thì không thể dùng đấu với gươm nhưng ngòi bút tượng trưng cho sự hiểu biết về cách tổ chức xã hội cho có qui củ, cho có luật lệ.
www.rfanews.org/vietbbs/viewtopic.php?p=3270&sid.
No comments:
Post a Comment