Saturday, August 25, 2012

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * PHÊ BÌNH

ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Mario Vargas Llosa,
người đọc Flaubert
(kỳ chót)

Trong phân tích Sarrasine, Barthes đánh số phân chia ra 561 bộ, với năm mã đã xuất hiện ngay ở nhan đề và câu mở đầu truyện ngắn này. Nhà phê bình ghi nhận một hay nhiều mã ở những bộ kế tiếp, với 93 tiết, hai phản đề/Antithèse ở tiết 14  và 27, hai nghi nghĩa/équivoque ở tiết 62 và 69, hai khả độøc/Lisible ở tiết 66 và 77. Trong các từ hoa, Barthes cho phản đề là cái bền vững nhất, có chức năng biểu kiến của một danh từ, một đối tượng siêu ngữ cống hiến hay thuần hóa sự phân chia những tương phản. Nghi nghĩa I như trong câu nói: anh không thể liều với đối thủ, hàm hai nghĩa 'vì được yêu' hoặc vì 'tán tỉnh một người yếm hoạn’; nghi nghĩa II nhằm tiết lộ chủng (tôi bị tước danh tịch) hoặc ỉm loại đi (tôi là tên yếm hoạn) như một nói dối hoán dụ. Khả độc theo Barthes bị nguyên tắc không mâu thuẫn chi phối, trong câu “mọi sự có quan hệ với nhau” , diễn ngôn khả độc. Khả độc II  hàm ngụ luật giá trị của khả độc, nghĩa là hoàn tất những khâu nhân quả, mỗi tất định cũng là bị xác định.
Vị trí của câu nói đến ở trên được thể nghiệm trong tiểu luận viết về Flaubert và câu văn của Barthes [in Nouveaux essais critiques], ông nhận xét công việc văn phong đối với Flaubert là “một nỗi thống khổ không thể tả xiết, đau đớn tuyệt đối, vô cùng, vô dụng, như vĩnh biệt biền biệt với cuộc đời”, Flaubert nhốt mình vì dâng mình cho chuyện văn phong, khác với Proust cũng giam kín mình cho đối tượng là phục hoạt toàn diện tác phẩm, vì có quá nhiều điều để nói, hối hả vì cái chết, còn Flaubert muốn sửa văn đến vô tận (gạch xóa, trở lại từ số không). Theo Barthes, văn rõ ràng đưa toàn hiện hữu của nhà văn nhập cuộc, vì lẽ đó có thể gọi nó như thể một chữ nghĩa: viết tức là sống, như Flaubert nói: Một quyển sách luôn luôn đối với tôi mà một cách sống đặc biệt. Chữ nghĩa là chính cứu cánh của tác phẩm. Flaubert đã đem lại một hiện hữu kỹ thuật và siêu hình của một lực không gì sánh bằng, đó chính là câu văn. Có thể nói ông đã trải cuộc đời để dựng lên những câu văn, làm thành lịch sử cho tác phẩm, thâu gồm văn phong, lao động và đời sống. Câu văn của Flaubert là một sự vật, có một lịch sử đến từ chính ngôn ngữ, như trong thư tín bất hủ, ông đã viết; làm việc để kết thúc câu văn, như thể mâu thuẫn với điều ông hô hoán, không bao giờ kết thúc.   Barthes ghi nhận, câu văn Flaubert là dấu vết của mâu thuẫn này.
Barthes không là một Flaubertiste. Vargas Llosa là một Flaubertiste, tuy nhiên khi ông phân tích Madame Bovary   ông đã thực hiện cùng lúc hai mục tiêu: nói chuyện với nhân vật/ảo như chính tự thân và giải đáp vấn đề tiểu thuyết như một nhà thuyết thoại học.
Trong mục tiêu thứ nhất, đã có trong lịch sử tư tưởng, một triết học Bôvarít của Jules de Gaultier (1858-1942) và tranh luận của Georges Palante (1862-1925). Mối tương quan giữa Gaultier và Galante đi từ chỗ đồng cảm đến ác cảm, ở thời kỳ đầu 1912 là sự ngưỡng mộ từ một trung gian là tư tưởng Nietzsche, dẫn khởi những bí mật của thiên tài đời sống và thiên tài tri thức; ở thời kỳ sau 1925  là sự thất vọng trước xu hướng phản lý hay giả lý. Tuy nhiên, cả hai cùng khởi hứng từ một vũ trụ Bôvarít của Flaubert, như chính Palante diễn giải: chủ nghĩa Bôvarít là cha đẻ của ảo tưởng về tự thân đi trước và đồng bước với ảo tưởng về tha nhân và thế giới; tuy nhiên không phải chỉ là một quy luật tâm lý cá thể hay tập thể, nhưng còn chuyển biến thành một nguyên lý siêu hình, một mô thức chủ yếu của Hữu phổ quát, nghĩa là có thể từ góc nhìn thể nghiệm  và vai trò sinh lực, như một hiện tượng nhân tính.
Một người Flaubertiste như Jean Bruneau, nghĩa là chuyên khảo Flaubert, khi phê phán và phản biện lại Sartre trong L'Idiot de la famille [q. I, tr. 485 nêu ba vấn đề căn bản với Bruneau chung quanh truyện kể l'Anneau du Prieur của Flaubert] đã dẫn câu văn quan trọnbg của Flaubert là con người ông “có hai đời sống hiện hữu khá phân biệt; những sự biến ngoại tại là biểu tượng chung cuộc của cuộc đời trước và khai sinh ra cuộc đời sau”.
Khi giới thiệu tác phẩm L'Orgie perpétuelle (Flaubert et Madame Bovary) của Vargas Llosa, tôi không có ý phê phán quyển sách, mà chỉ đưa ra những lời thích nghĩa (commentaires, hiểu theo nghĩa của W. Benjamin, là phân biệt với phê phán ở chỗ chỉ chú ý đến vẻ đẹp và nội dung tích cực của bản văn/mit der Schönheit und dem positiven Gehalt seines Textes). Sự khu biệt giữa thích nghĩa và phê phán ở đây còn hàm ngụ vị thế của hai người đọc quyển tiểu thuyết của Flaubert. Vargas Llosa đọc Madame Bovary để nói chuyện thân tình với Emma Bovary, đương nhiên là nói nhiều về ông hơn là về nàng. Như Harry Levin khi viết A Literary Enormity: Sartre on Flaubert, nhận xét: Chúng ta biết ít về Flaubert hơn là về Sartre; như Benjamin F. Bart cũng biểu đồng tình: đọc quyển sách của Sartre không thấy điều gì về con người mang tên Gustave Flaubert. 
Ở đây đối với Vargas Llosa là kết thúc của chuyện tình của ông.  Trong chương Một nỗi đam mê không được phản hồi ông viết: Mỗi lần, ở nỗi buồn và sầu muộn lẫn lộn một cảm xúc an ủy kỳ lạ và kết quả của cuộc lễ từng trải là sự ngưỡng mộ và nhiệt tình cho tôi: Emma tự vãn để cho tôi sống. Trong những dịp tương phản khác, thất vọng hay gỉan dị chỉ là rầu rĩ, tôi lai cầu cứu đến phương thuốc này và hầu như luôn luôn có một kết quả thông lợi như vậy. Kinh nghiệm này và những kinh nghiệm tương tự thuyết phục tôi về trạng huống tranh cãi những lý luận bảo vệ một nền văn chương khuyến thiện theo những kết quả của nó. Không nhất thiết là những câu chuyện hạnh phúc và với đạo lý lạc quan nâng đỡ tinh thần lên và làm trái tim người đọc vui vẻ; trong nhiều trường hợp, như trường hợp của tôi, cũng có thể đạt kết quả ấy, trong cái vẻ đẹp u buồn của chúng, với những câu chuyện cũng khổ sở và bi quan như chuyện nàng Emma Bovary. Thật hiếm thấy người đọc nào yêu nhân vật say đắm như Vargas Llosa với Emma vậy.
Trong phân tích Madame Bovary, Vargas Llosa rõ ràng chịu ảnh hưởng những trào lưu tư tưởng văn chương hiện đại và những khoa học liên hệ (ngữ nghĩa học, thuyết thoại luận, hiện tượng luận, ký hiệu học v.v..). Ở những yếu tố bổ khuyết, ông chú ý phân tích thời tính, dựa trên cấu trúc ngữ pháp của Pháp ngữ như những thì bán khứ, quá khứ đơn giản và hiện tại chỉ định khi xác định thời gian hư cấu không bao giờ đồng nhất với cái thực. Georges Poulet trong Etudes sur le temps humain 1950 khi luận về Flaubert chú ý đến phương thức tri giác đối tượng, quan năng tri giác, những cảm giác khoái lạc khi nhìn sự vật trình bày trong Thư tín của nhà văn, nhận xét Flaubert trải qua kinh nghiệm toàn diện  về tự thức trong những thời khoảng ông đắm mình để đồng nhất với đối tượng của tri giác này. Poulet xem đó là một chuyển tải sáng tạo của học thuyết Spinoza, trong cái sâu thẳm bất biến của Bao la, của đời sống vũ trụ, của kinh nghiệm huyền nhiệm phiếm thần. Cho nên ông xác định bản thể của hiện tại sinh động là thời gian của những ký ức cấu thành, không phải của những kinh nghiệm giác quan. Hiện tại là nơi tận cùng của những ảnh tượng gom lại, những ảnh tượng giác quan; chẳng hạn , trong những ngày không nắng khi tinh thần không mở ra đón nắng hiện tại, mà mở ra với mù sương vàng óng vẫn tỏa ra từ nắng đã nhận được từ lâu rồi. Những ký ức thời niên thiếu, như trong Thư tín mô tả nhẩy múa như hình xoắn ốc.  Poulet cũng dẫn những đoạn văn trong Madame Bovary minh họa những kỷ niệm với người cha qua lá thư của ông , rồi từ ảnh tương đầu này, từng bước, ký ức như chặng đường của cuộc đời dẫn đến khoảnh khắc hiện tại:
hạnh phúc nào…đầy những ảo tượng…giờ đây không còn gì giữ lại. Nàng dùng chúng để ngược trở lại những kinh nghiệm ngẫu nhiên trong trí nàng, qua mọi hoàn cảnh kế tiếp…liên tục đánh mất trong suốt cuộc đời dài này, như người lữ khách bỏ lại một chút gì của cải nơi quán trọ dọc đường…”
rồi, cuốn theo những ký ức của nàng như thể dâng lên từ giòng nước lũ đầy bọt, nàng nhớ ngay đến những ngày qua…”
Poulet nhận xét, khác với Balzac là nhà văn viết tiểu thuyết về cái đang xác định, Flaubert là nhà văn tiểu thuyết của cái đã xác định, kinh nghiệm của người khi viết một câu văn, từ mệnh đề điều kiện đến mệnh đề hiển nhiên, những yếu tố khác nhau được phối trí sáng tạo trong một tổng hợp trồi lên, rơi xuống, đến lúc hoàn tất, mang lại khám phá trong câu đã viết ra từ một thống nhất bất  biến, trong đó mọi sự trở thành hiện tại. Vấn đề thời gian đơn giản chỉ là một vấn đề của văn phong.
Đối với triết gia hiện tượng luận Paul Ricœur, trong Temps et récit 1983,   khi khảo những nan đề về kinh nghiệm thời gian qua quyển XI bộ Confessions của Augustin và ssắp đặt tình tiết của kịch bản, văn bản qua đọc Poétique của Aristote, đã liên kết hai nghiên cứu độc lập như một gỉa thuyết căn bản, nghĩa là giữa hoạt động của kể một lịch sử với thời tính của kinh nghiệm con người, có một quan hệ giao hỗ không thuần túy ngẫu nhiên, mà tạo thành một hình thái tất yếu xuyên văn hóa. Ông viết: thời gian trở thành thời gian của con người trong khuôn khổ nó được tiết hợp trên một phương thức thuyết thoại, và truyện kể đạt tới ý nghĩa toàn diện khi trở thành một điều kiện của hiện hữu thời tính.
Những nan đề về kinh nghiệm thời gian của Augustin không phải hoạt động kể một câu chuyện, còn phân tích tình tiết kịch bản hư Aristote đã làm thì không là lý luận thời gian mà từ vật lý học. Cho nên Ricœur đề nghị phải có trung gian làm đạo tuyến để khai thác quan hệ thời gian với truyện kể, qua lý giải ba thời khoảng, mà ông đặt tên là mimèsis/biểu tượng mô phỏng 1, 2 và 3; ông coi mimèsis 2 như  cơ sở của phân tích. Phương pháp phân tích của ông dựa trên ký hiệu học bản văn  là khoa học có thể thành lập trên trừu tượng hóa mimèsis 2 và chỉ xét đến những quy luật nội tại của tác phẩm văn chương, song, đảo lại, nhiệm vụ của thông diễn học nhằm tái tạo toàn bộ khai triển để dựa vào đó kinh nghiệm thực tiễn có thể tiếp cận tác phẩm, tác giả và người đọc. Cơ sở khai triển bộ ba mimèsis này theo một quá trình, từ vận hội của một thời gian  biểu thị trước đến một thời gian tái biểu thị qua trung gian của một thời gian dịnh hình. Những chiều kích thời gian được xác định, như qua cấu trúc không điều hòa-điều hòa của thời gian theo Augustin trên bình diện phản tư đã vạch ra một số những nét nghịch lý mà chỉ có hiện tượng luận hành động mới chỉ ra được phác thảo  đầu tiên; khi nói không có thời vị lai, qua khứ và hiện tại, có nghĩa là chỉ có bộ ba thời hiện tại (một hiện tại của những sự vật tương lai, một hiện tại của những sự vật quá khứ và một hiện tại của những sự vật hiện tại). Ông nại tới Heidegger trong phân tích hiện hữu đóng một vai trò quyết định khi chỉ ra cấu trúc của nội-thời tính (Innerzeitigkeit) là cách tốt hơn để xác định thời tính của hành động, từ một hiện tượng luận về tự ý/bất tự ý sang một ngữ nghĩa học về hành động.
Cấu trúc thời gian qua bốn bình diện của Vargas Llosa, đã nói đến trước đây, cấu tạo thành một thể thống nhất bất hoại. Ông ví nhà văn như người nhạc trưởng  điều khiển và phối trí những nhạc cụ (là những dữ liệu bốn thời mà Vargas Llosa đã phân tích). Harald Weinrich trong Tempus: Besprochene und erzählte Welt (Thời: Tranh biện và thế giới truyện kể 1964) đã liệt kê chỉ trong một chương của tiểu thuyết Madame Bovary đã có hơn bốn mươi câu văn sử dụng trạng từ thời gian. Những thảo luận này sẽ nói đến ở một chỗ khác.
Khi bàn về tiểu thuyết hiện đại, Vargas Llosa đã đối chiếu Brecht với Flaubert, sự tương phản giữa yêu/ghét con người, nhà dân chủ giáo dục/nhà hoài nghi song lại tôn trọng tự do của người đọc - nhưng khởi từ một điểm chung: vấn đề đạo lý và xã hội. Ricœur trong Temps et récit 3 1985 cũng đưa ra nhận xét là tác phẩm như Madame Bovary có ảnh hưởng nhiều đến phong hóa xã hội hơn là những can thiệp hay tố cáo về mặt luân lý của những nhà văn mệnh danh là nhập cuộc: “sự vắng mặt mọi đáp án cho những lưỡng luận đạo đức của một thời đại có lẽ là vũ khí hữu hiệu nhất cho văn chương  hành xử trên những phong tục xã hội và biến đổi thực tiễn. Một trực tuyến đi từ Flaubert đến Brecht”. [sdt, ch. 7, chú thích 52].
Thật sự, Brecht là một hiện tượng khó hiểu (Bert Brecht ist eine schwìerige Erscheinung), như  Benjamin nhận xét trong Versuche über Brecht. Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, ông đã nói “người bôn-sê-vích chẳng biết làm thế nào để phát triển văn chương”, tỉnh mộng trước chính sách văn hóa của Xô viết, những năm sau đó là cuộc lưu đày. Những nghịch lý trong kịch và thơ Brecht, muốn giáo dục quần chúng song lại gặp những trở ngại, những nan đề xã hội, điều Vargas Llosa không thể hiểu.
Phụ chú:
1.Những vấn đề nêu trong phần trình bày trên đây là một phần của khai triển Khái luận về phê bình lý trí văn chương.
2. Gustave Flaubert: sinh năm 1821 tại Rouen và mất năm 1880 ở Croisset, lớn lên trong một nhà thương (vì thân phụ ông là y sĩ trưởng khoa giải phẫu của Hôtel-Dieu de Rouen). Ông mang thể chất yếu đuối nên phải gián đoạn việc theo học luật. Ngay từ thuở thiếu niên, ông đã bị cuốn hút trong những chủ đề khai triển sau này, những bút ký tản mạn như lam bản của những tác phẩm ông viết ra La Tentation de saint Antoine, l'Education sentimentale, Madame Bovary, Bernard et Pécuchet, Salammb6, le Candidat (kịch)những bản văn như Mémoires d'un fou 1938, Novembre 1841, Correspondance 13 q. đã hoàn tất và xuất bản sau khi ông mất. Những bài ký trong du lịch như Par les champs et par les grèves.
Có thể tham khảo tiểu sử của ông qua những tác giả như R. Dumesnil : Flaubert, l'homme et l'œuvre ; Jean Bruneau : Les Débuts littéraires de Gustave Flaubert.   
3. Những tên như  Léon, Charles, Rodolphe, Lheureux, Homais là nhân vật trong tiểu thuyết Madame Bovary, xuất hiện trên Revue de France năm 1856 và xuất bản thành sách năm 1857 : câu chuyện bắt đầu từ chỗ Charles Bovary, nguời học sinh mới nhập lớn trong một trường trung học tỉnh lỵ. Y  học tập hăm chỉ và thi đậu để trở thành y sĩ. Từ đó, y lập nghiệp ở Tostes, gần với Rouen và theo lệnh mẹ cưới một bà góa lớn tuổi nhưng giàu có. Trong một dịp đi khám bệnh, Bovary si mê thiếu nữ con một trang chủ, tên Emma Rouault, và khi vợ mới qua đời, y cầu hôn được nàng. Emma là người ham mê những mơ mộng tiểu thuyết ngay lúc còn học nội trú trường đạo, và luôn luôn mơ mộng hôn nhân này sẽ thực hiện những giấc mơ của nàng. Song nàng mau vỡ mộng với đời sống lứa đôi bình dị, chẳng giống như những khung cảnh đam mê, say đắm như trong tiểu thuyết. Khi họ di chuyển đến ở một thị trấn sang cả hơn, Yonville-l'Abbaye, nàng vẫn gặp lại bầu không khí tầm thường như trước, với những người như Homais, nhà dược sĩ chống tăng lữ và Binet, viên chức thuế vụ khật khùng. Sau khi sinh con gái đầu lòng, nàng gặp gỡ được Léon Dupuis, viên lục sự có dáng dấp như hình ảnh trong mộng của nàng. Tuy Leon chinh phục được tinh thần nàng, song y lại ngỡ nàng không đáp ứng, nên rời bỏ Yonville. Emma thất tình, nên một thân sĩ giàu có Rodolphe Boulanger dễ dàng quyến rũ được nàng. Emma tưởng bỏ di theo Rodolphe, song y ngại tai tiếng đã bỏ rơi nàng. Ở Rouen, Emma gặp lại Léon trong một chuyến đi Paris và trở thành tình nhân của y. Một kỷ nguyên sung sướng bắt đầu, Emma đắm chìm trong những dục vọng sang cả, thiếu nợ và sa vào tay một lái buôn, Lheureux ; gã sở khanh này đòi những món nợ nàng thiếu, và khi cầu cứu Léon không thành, Emma đã dùng thạch tín tự vận. Charles chỉ biết thốt lời : đó là lỗi của số mệnh !   

Đặng Phùng Quân

© gio-o.com 2011                                

No comments: