Saturday, August 18, 2012

HÀNH THIỀN


                 HÀNH GIẢ THIỀN TÔNG.
Câu hỏi thứ nhất:
-- “Đọc sách Thiền, tôi thường thấy những câu chuyện người này hoặc người kia, sau khi nghe một câu nói, một tiếng hét, một cái tát, hoặc nhìn thấy một sư kiện gì đó, thí dụ sao Mai mọc, hoa đào nở, cánh cửa xập, bèn Ngộ, có vẻ như chuyện Ngộ đạo quá dễ dàng, phải không ạ? “
Thiết nghĩ, những câu chuyện trong các sách Thiền đã bị hiểu lầm rất nhiều.
Tại sao vậy?
Tại vì ở đó chúng ta chỉ được thấy phần kết quả của cả một quá trình tu hành tự thanh lọc tâm của người hành giả, tạm dùng thí dụ như chúng ta tham dự lễ ra trường của ông Tiến Sĩ, chỉ nghe có tiếng gọi tên là ông Tiến Sĩ lên lãnh bằng cấp, áo mũ, mà không hề nhìn thấy những năm dài đằng đẵng giùi mài kinh sử của người học trò, để có thể đạt được kết quả trên.
Có lẽ khi đọc các sách Thiền cũng nhận thấy một điều là các nhân vật trong đó khi ra mắt thiền sư đều khai danh tính và xuất thân từ chùa này hoặc tu viện nọ. Điều đó nói lên rằng hầu hết họ đều đã có một quá trình tu học, trước khi đi hành cước tìm thày.
Có câu “thiền môn nghiêm tịnh”, chùa chiền và tăng ni ngày xưa giữ gìn giới luật rất tinh nghiêm, chặt chẽ. Như thế có nghĩa là những hành giả đi tìm thày như vậy là đã trải qua giai đoạn tự thanh tịnh hóa tâm, xả bỏ tham sân si được một chừng mực nào đó, nay bước vào giai đoạn chót của cuộc đời chuyên tu, mục đích là Kiến Tánh để ra khỏi sinh tử.
Thiền sư Hám Sơn, một người đã Kiến Tánh, nhục thân còn lưu tại chùa Nam Hoa tỉnh Quảng Đông, đã dạy rằng:

...”...Nếu luận về đại sự nhân duyên này thì Phật Tánh ai ai cũng sẵn có đầy đủ, tơ hào chẳng thiếu .
Song le, do từ kiếp vô thủy đến nay, gốc rễ ái dục, vọng tưởng, tình lự, thói quen ô nhiễm sâu dầy, nên ánh sáng diệu kỳ của Tự Tánh hoàn toàn bị che khuất đi .
Rồi vì chẳng được thọ dụng chân thật, nên cứ khư khư bám víu nơi thân tâm, thế giới, bóng dáng, vọng tưởng, kết cuộc là trôi lăn phiêu dạt biển sinh tử.
Phật và chư Tổ ra đời, với trăm ngàn lời lẽ, đủ thứ phương tiện, nói Thiền, giảng Giáo, không ngoài tùy thuận căn cơ, dựng lập, phá chấp, nguyên lai nào có "pháp thật" nào để dậy người đâu!
Tu tức là tùy thuận Tự Tâm, tịnh trừ vọng tưởng, tập khí, rác rưởi . Cứ theo đây mà ra sức thì gọi là Tu . Khi một niệm vọng tưởng chợt ngưng, liền thấu suốt Tự Tâm xưa nay viên mãn quang minh chói lọi, thật là thanh tịnh bổn nhiên, chẳng dính vật gì, thì khi đó gọi là Ngộ. Nào phải lìa khỏi tâm này, mình mới tu, mới ngộ...”...

Chúng ta cần lưu ý câu: “Khi một niệm vọng tưởng chợt ngưng, liền thấu suốt Tự Tâm xưa nay viên mãn quang minh chói lọi, thật là thanh tịnh bổn nhiên, chẳng dính vật gì, thì khi đó gọi là Ngộ...”...

 Như thế, người Ngộ Đạo không phải là Ngộ câu nói hay hành động gì đó xảy ra lúc đó, mà là do sự kiện xảy ra lúc đó tác dụng vào tâm người hành giả vốn đã chín mùi, khiến cho chuỗi tư tưởng triền miên bỗng nhiên ngưng đọng lại, trong một thoáng dòng thường lưu suy tư ngưng bặt, Thực Tại hiển lộ.

Thực Tại đây chính là Phật Tánh, Giác Tánh, Buddha Nature, Buddha Mind, Tri Kiến Phật, vân vân ...

Và sự Ngộ Đạo là kết quả của quá trình tự thanh lọc, khiến cho tâm đã thành khối, cũng giống như trái cây đã chín mùi, nên câu nói của bậc thày lúc đó chỉ tương đương với việc rung cây cho trái rụng mà thôi.

 Điều quan trọng là bậc thày phải là người đã thấu suốt, biết được trò kẹt ở đâu, để chỉ nói một câu, làm một hành động nào đó là trò bừng tỉnh. Vì thế, hành động của bậc thày trong hoàn cảnh này còn được gọi là “tháo đinh nhổ chốt”.

Câu hỏi thứ hai:
-- Thế nào là công án trong sự tu Thiền”.

Công án trong nhà Thiền là thuật ngữ đặc biệt, để chỉ một phương cách hành trì khiến cho người tu Tổ Sư Thiền có thể Kiến Tánh, cũng tức là Ngộ Đạo.

Trong phần trả lời câu hỏi trước, chúng ta đã thấy lời dạy của thiền sư Hám Sơn, có câu:

- “Khi một niệm vọng tưởng chợt ngưng, liền thấu suốt Tự Tâm xưa nay viên mãn quang minh chói lọi, thật là thanh tịnh bổn nhiên, chẳng dính vật gì, thì khi đó gọi là Ngộ...”...

Ngộ tức là Kiến Tánh, là mục tiêu cốt tủy của Tổ Sư Thiền.

 Nhà Phật cho rằng vì một niệm vô minh bất giác khiến cho trùng trùng duyên khởi, “Tự Tâm trở lại buộc Tự Tâm, không phải Huyễn mà thành pháp Huyễn”, Tự Tâm cũng nghĩa là Bản Tâm, bỗng bị cuốn vào cơn xoáy của vọng tâm sinh diệt liên tục gọi là dòng thường lưu suy tư luân chuyển không lúc nào ngưng.

Nay muốn Ngộ lại Bản Tâm, còn gọi là Kiến Tánh, thì dòng thường lưu tư tưởng phải chợt ngưng bặt, dù chỉ trong một khoảnh khắc, đó là lúc Bản Thể Chân Tâm tự hiển lộ, điều mà tu viện Thiền Tào Động trên núi Shasta gọi là manifest itself.

Vào thời gian đầu của Tổ Sư Thiền, người tu chưa cần tới công án. Các bậc thày chỉ nói lên một câu nào đó rất là khó hiểu, khiến cho người đệ tử cứ thắc mắc hoài, đi đứng nằm ngồi không buông ra được, thí dụ một nhà sư hỏi Triệu Châu:
- ” Muôn pháp về một, một về chỗ nào?”.

Triệu Châu trả lời:
- ” Khi ở Thanh Châu, tôi có may được cái áo nặng 7 cân”.

Câu trả lời không ăn nhập gì với câu hỏi, rất bất ngờ này, là cơ xảo của bậc thày, hoàn toàn ra ngoài dự đoán của người nghe. Nó có thể gây nên sự sửng sốt khiến cho vọng tâm sinh diệt của đương cơ đang miên man trôi chảy bỗng khựng lại, hoặc nếu tâm hành giả chưa chín mùi thì câu trả lời vô nghĩa cũng gây nên một khối nghi, hành giả ôm khối nghi đó cho đến khi ngưng bặt tâm ý thức, rồi nếu có một đột biến nào xảy ra, thí dụ tiếng sỏi chạm, ly bể, sét đánh, vân vân, hành giả sẽ bỗng nhiên bừng tỉnh.

Sau này, dường như các cơ xảo không còn khiến cho người nghe cảm thấy ngạc nhiên, ngơ ngác nữa, cho nên chư Tổ Sư mới phải chế ra những câu hỏi vô nghĩa, không thể dùng tâm ý thức mà trả lời được, thí dụ :

- “Con trâu chui qua cửa, đầu và thân đều lọt, tại sao cái đuôi không lọt?”.

Câu hỏi vô lý như thế nhưng do một bậc thày đáng kính hỏi, người đệ tử không thể coi là trò đùa, và cứ thế mà nghiền ngẫm.

Trong khi nghiền ngẫm như vậy thì tâm ý thức giảm hoạt động dần, cho đến khi thành khối, gọi là Nghi Tình (hoặc Nghi Đoàn), rồi khi tình cờ gặp một đột biến nào đó, khối nghi tan rã, hành giả bừng tỉnh, tức là Kiến Tánh, là Ngộ.
 Tuệ Đăng

No comments: