Friday, August 24, 2012

LÊ ĐÌNH CAI * NGUYỄN TRÃI

Đọc Tác Phẩm:
" Nguyễn Trãi (1380-1442), Một Tấm Lòng Vạn Xuân và Đại Việt "
của Giáo sư Nguyễn Văn Thành
* Lê Đình Cai

Tác phẩm viết về Nguyễn Trãi này đến với tôi thật tình cờ vào dịp cuối năm. Trong "Định Hướng Tùng Thư" do giáo sư Nguyễn Đăng Trúc và linh mục Lê Phú Hải chịu trách nhiệm xuất bản, tác phẩm "Nguyễn Trãi: Một Tấm Lòng Vạn Xuân và Đại Việt" là một trong ba tác phẩm được "Định Hướng" ấn hành trong năm 2001 (hai tác phẩm kia là Đức Thánh Cha Gioan XXIII của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận và Trong Đức Ki-tô của Nguyễn Văn Thành).
Nhan đề của cuốn sách gợi cho tôi sự chú ý đặc biệt vì Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử, đã đi vào trái tim của hằng bao thế hệ tiếp nối cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau với lời hiệu triệu "Bình Ngô Đại Cáo" làm dấy động lòng người... Lê Lợi không thể thắng được quân Minh, giải phóng toàn bộ đất nước khỏi sự đô hộ của giặc Tầu để trở thành Lê Thái Tổ nếu không có nhà chiến lược tài ba Nguyễn Trãi cùng nằm gai nếm mật (đúng như câu nói "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần")
Nhiều tác giả đã biết về Nguyễn Trãi với lối nhìn chuyên về lịch sử hay về văn học, chẳng hạn: Trần Huy Liệu, "Nguyễn Trãi: Cuộc Đời và Sự Nghiệp" (1966); Nguyễn Thiên Thụ, "Nguyễn Trãi" (1973); Võ Văn Ái, "Nguyễn Trãi: Sinh Thức và Hành Động" (1981); Bùi Văn Nguyên, "Nguyễn Trãi và Bản Hùng Ca Đại Cáo" (1999); Nguyễn Thạch Giang, "Nguyễn Trãi: Quốc Âm Thi Tập" (2000)...
Nhưng theo ý kiến riêng của người viết thì tác phẩm: "Nguyễn Trãi: Một Tấm Lòng Vạn Xuân và Đại Việt" (2001) của giáo sư Nguyễn Văn Thành quả là một khai triển độc đáo về sách lược "Tâm Công" mà mưu sĩ lỗi lạc của Lê Lợi đã vận dụng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Đây không phải là một tác phẩm mang tính hàn lâm của một công trình biên khảo sử học, lại không là một cuốn sách ca ngợi tài năng văn chương của Nguyễn Trãi. Công trình của giáo sư Nguyễn Văn Thành là một nỗ lực suy tư, chứng nghiệm từ những dữ kiện lịch sử để rút tiả những bài học cần thiết cho mọi người từ giai tầng lãnh đạo cho đến thứ dân trong cộng đồng, trong quốc gia và rộng ra trong mối tương quan nhân loại, giữa người và người.
Là một chuyên gia ngành tâm lý và phân tâm học, tốt nghiệp tại Thụy Sĩ và Pháp, giảng dạy tại các trường đại học Huế, Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Minh Đức trước đây tại miền Nam, giáo sư Nguyễn Văn Thành đã xử dụng vốn liếng chiều sâu của mình để phân tích những tác động thuộc lãnh vực chiến tranh tâm lý trong sách lược "tâm công" của Nguyễn Trãi, hệ thống hóa sách lược này theo các định chuẩn phân tâm học rồi lý giải và chứng minh bằng những sử kiện lịch sử. Từ đó, diễn dịch pháp và quy nạp pháp được giáo sư vận dụng tối đa để rút tiả đúc kết thành những phạm trù thiết yếu trong cuộc sống khi phải đối đầu với những xung đột chiến tranh giữa những kẻ thù, khi phải giải quyết những bất đồng giữa bạn bè thân thuộc, người cộng sự hay rộng ra ngoài giữa người với người. Những bài học thật xâu xa và đầy ắp tình người bàng bạc trong suốt tác phẩm này của giáo sư Nguyễn Văn Thành.
Tác phẩm này quả thật không dễ đọc và dễ hiểu đối với trình độ của một số người vì đây không thuần túy là một cuốn sách về lịch sử phổ thông hay văn học tổng quát. Tác phẩm này là một tập hợp phân tích về tâm lý học, đúng hơn thuộc về môn phân tâm học ứng dụng, lý giải về hiện tượng đối đầu trong mối tương quan giữa người với người (thù địch hay thân thiện). Đây cũng là lãnh vực mà kiến thức của người viết không cho phép mình đào sâu được nhiều. Tuy thế, qua nội dung cuốn sách, mọi người có thể hiểu được rằng giáo sư Nguyễn Văn Thành đã nỗ lực hệ thống hóa sách lược "Tâm Công" của Nguyễn Trãi nhằm kết hợp lòng người trong cuộc kháng chiến trường kỳ và đầy gian khổ.
Để trả lời sách lược "Tâm Công" của Nguyễn Trãi được trình bày trong hoàn cảnh nào? Giáo sư Thành đã định nghĩa (trong Chương I): Tâm công là đánh vào lòng người, thu phục nhân tâm. "Cho nên, trong từng hoàn cảnh, "tâm công" nhắn nhủ mỗi người: hãy mang đến cho nhau một tấm lòng. Không có cách xây dựng đất nước nào hữu hiệu và cơ bản cho bằng cách trao cho nhau một tấm lòng đầy yêu thương và tha thứ (N.V.T, "Nguyễn Trãi: Một Tấm Lòng Vạn Xuân và Đại Việt", France, Định Hướng tùng thư, 2001, tr. 11)
Sách lược "Tâm Công" theo giáo sư Thành, Nguyễn Trãi đã trình lên Hồ Qúy Ly khi quân Minh bắt đầu xâm lược nước ta, nhưng nhà Hồ đã không kết hợp được lòng người, đã không "lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo" nên đã không ngăn chận được gót chân xâm lăng của địch thù phương Bắc. Kể từ 1417, Nguyễn Trãi đã từng tìm đến Lỗi Giang, thuộc tỉnh Thanh Hóa dâng "Bình Ngô Sách" cho Lê Lợi, thủ lãnh của Nghĩa quân Lam Sơn. Sách lược "Tâm Công" kể từ nay được Nguyễn Trãi vận dụng trong mọi hoàn cảnh suốt cả đoạn đường dài 10 năm kháng chiến. Khi phân tích sách lược "Tâm Công" này của Nguyễn Trãi, giáo sư Thành đã cho rằng "tâm công" là một tiến trình văn hóa bao gồm bảy qui luật tất yếu sau đây:
1.- Không ngừng sáng tạo: phải sáng tạo để hoàn thiện tiến trình chinh phục lòng người. "Mọi người có quyền làm người và có quyền được cư xử, đãi ngộ như một con người toàn phần".
2.- Kết hợp một cách hài hòa bên trong và bên ngoài (tức kết hợp giữa tâm và thân).
3.- Có khả năng sắp xếp sự việc theo từng mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, quan trọng ít hay nhiều....
4.- Biết lắng nghe người đối diện, không áp đặt hay độc đoán trong phát biểu hay nhận định. Lắng nghe để tìm hiểu và biết nhìn sự khác biệt của người khác. Bất kể vấn đề là gì, trầm trọng đến đâu chăng nữa, tình thương sẽ hóa giải mọi bất đồng (no matter what the problem, love is the answer) hay nói theo Nguyễn Trãi:
"Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn
Lấy chí nhân mà thay cường bạo".
5.- Xây dựng quan hệ hài hòa, đồng hành và chia xẻ. Xung đột chỉ xảy ra khi con người tìm cách tranh giành cho mình phần thắng, phần hơn, phần có lý, tìm cách hạ bệ kẻ khác về mặt giá trị và quyền lợi.
6.- Biết chuyển biến từ Không ra có, từ yếu thành mạnh, từ ít ra nhiều. Có nghĩa là biết phối hợp âm và dương, nước và non, Tiên và Rồng, thuyền và nước.
7.- Luôn luôn tìm cách nhân rộng mặt hay, mặt tốt trong mỗi mặt con người chúng ta. Luôn luôn làm cho đức sáng ngày càng ngời sáng.
(Tóm lược ý của GS Thành, sđd, tr. 25-41)
Sách lược "Tâm công" với 7 qui luật hay 7 động tác như đã trình bày ở phần trên được Nguyễn Trãi đem áp dụng vào kế sách chống xâm lược nhà Minh.
Nguyễn Trãi đã chọn Lê Lợi làm minh chủ và ông đã đóng góp được gì cho công cuộc giải phóng đất nước. Điều này, giáo sư Thành đã trả lời trong Chương II.
"Với Bình Ngô Sách, Nguyễn Trãi đã cống hiến cho Lê Lợi bốn loại đóng góp khác nhau, khả dĩ nâng cấp chất lượng của vị này trong chiều hướng hiểu biết luật trời, luật đất, luật biến cố và luật của lòng người." (N.V.T, sđd, tr. 59)
- Đóng góp thứ nhất của Nguyễn Trãi là giúp Lê Lợi hiểu được luật trời.
- Đóng góp thứ hai của Nguyễn Trãi là giúp Lê Lợi hiểu được lòng người.
- Đóng góp thứ ba là chứng minh cho Lê Lợi sức mạnh của một tấm lòng bất khuất, vô úy có nghĩa là không sợ chết vì lẽ phải và tình thương.
- Đóng góp thứ tư là gây ý thức cho Lê Lợi về vị trí của tinh thần bất bạo động giữa đoàn lũ có thói quen trả thù, đòi nợ máu, nhất là sau một thời gian bị đàn áp, bóc lột và tàn sát một cách dã man. (NVT, sđd, tr. 63-64)
Sau khi dàn trải qua chương I, II về ý nghĩa và thành qủa của sách lược "Tâm Công", giáo sư Thành ở Chương III đã đề nghị rằng chúng ta nên vận dụng sách lược này vào cuộc sống hàng ngày. Lúc bấy giờ mỗi người trong chúng ta sẽ tìm ra con đường hóa giải hận thù thành tình thương, trong quan hệ tiếp xúc, trao đổi với anh chị em đồng bào ruột thịt.
Chương IV, tác giả tập sách muốn nhấn mạnh thêm rằng khi tình thương không được vun trồng chăm bón, khi tấm lòng nhân hậu giữa người và người không được đề cao thì tai họa sẽ xảy đến bằng cách này hay cách khác (NVT, sđd, tr. 11).
Để đóng lại cuốn sách này, ngoài phần nhắc lại cái chết đau đớn của Nguyễn Trãi cùng Thị Lộ trong vụ án "Vườn Lệ Chi" để khóc cho một thiên tài của đất nước, tác giả cuốn sách này đã chân thành tâm sự:
"Hòa bình chỉ xuất hiện cho hai người, giữa hai người khi cả hai nhìn nhận nhau là người, có quyền làm người, có quyền tạo ra cho mình một quê hương để trở về khi thương nhớ....
"Nguyễn Trãi là ngôi sao đã dâng hiến cho đất nước và anh chị em đồng bào ánh sáng và hơi ấm của một tấm lòng. Kế hoạch Tâm Công, đã được Nguyễn Trãi sưu tầm và thực hiện, cũng là nếp sống và chương trình hành động của chúng ta ngày hôm nay và ngày mai....
"Cuối cùng, Nguyễn Trãi đã thắp lên một tấm lòng. Đó là tấm lòng yêu thương, an bình và tha thứ, mang tên là "Tâm Công". Đến lượt, đến phiên chúng ta, anh em mình cũng hãy đốt lên một tấm lòng... Tấm lòng ấy làm cho đất nước trở thành Vạn Xuân và Đại Việt". (NVT, sđd, tr. 134, 135, 140).
***
Tôi gấp cuốn sách lại, dù sách dày chỉ có 150 trang, mà sao tôi cảm thấy như sức nặng của tình người, sức nặng của tấm lòng bàng bạc trong từng trang sách đã làm cho trái tim tôi nghẹn ngào đau buốt. Tấm lòng của Nguyễn Trãi hơn 600 năm trước, và tấm lòng của tác giả cuốn sách này hôm nay đã hòa thành một, trong cùng nỗi ray rứt về thân-phận-một-quê-hương-không-lớn-nổi-thành-người.

San Jose, những ngày đầu năm mới 2002
Lê Đình Cai, ph.D.
( Giáo sư đại học SCUPS, NUA và Berlitz International Language Center )


Tác giả Nguyễn Văn Thành đã xuất bản
1.- Chúng Ta Sống Lại, Định Hướng tùng thư, 1995
2.- Em Là Đại Dương, TSTN, 1995
3.- Chia Xẻ, TSTN, 1996
4.- Đường Vào Nội Tâm với Phân Tâm Học, TSTN, 1997
5.- Em Là Quê Hương, TSTN, 1997.
6.- Con Người Mới, TSTN, 1997
7.- Le Projet Pédago - educatif: Comment l' élabores et le conduire? Bibl-Liens Humains, 1997
8.- Đối Thoại Các Tôn Giáo, Định Hướng tùng thư, 1998.
9.- Trong Đức Ki-tô, ĐHTT, 2001.
10.- Nguyễn Trãi: Một Tấm Lòng Vạn Xuân và Đại Việt, ĐHTT, 2001



No comments: