Cảnh mưa gió bên ngoài làm tiệm càng thêm ấm áp. Mấy dãy ghế đã gần kín người ngồi. Cánh cửa vào phía trong hé mở: một thiếu nữ cùng vào với một làn gió. Liễu, một vũ nữ khá nhất tiệm, có nhan sắc và thêm chút học thức, nó phân biệt hẳn nàng với các bạn cùng nghề. Liễu vừa mỉm cười chào mọi người, thì Hưng, một thiếu niên mặc lễ phục, từ nãy vẫn gõ tay xuống bàn, đã đứng dậy bắt tay nàng, và mời uống rượu. Từ hôm Liễu đến - được chừng tuần lễ - tối nào Hưng cũng đến tiệm, và quấn quít lấy Liễu. Các vũ nữ, cả đến khách hàng, phần nhiều quen nhau vì thường gặp nhau chỗ chơi bời, đã coi Hưng là tình nhân của Liễu. ở những chỗ này, họ hiểu tình ái một cách giản dị, dễ dàng lắm. Càng về khuya, tiệm khiêu vũ càng thêm vui, các bản nhạc kế tiếp nhau luôn, k� binh, vũ nữ càng mềm, dẻo, nhất là Hưng và Liễu. Cặp này nhảy khá, trông họ rất hay mắt. Trong khi ấy một thiếu niên khác không bỏ sót một cử chỉ của Liễu. Người này ngồi tận góc buồng, không nhảy bài nào. Những lúc sáng đèn, đôi mắt sắc, hơi sâu, thường cúi nhìn chiếc tẩu thuốc lá lớn ở miệng, hoặc cốc rượu; khi ánh xanh đỏ làm buồng tối hơn, đôi mắt lại ngửng tìm Liễu trong bọn đang nhảy, thêm một vẻ mơ màng. Một lúc sau, Liễu quay sát vào góc buồng, nhìn thấy thiếu niên. Nàng giật mình, hai mắt mở to, thốt ra một giọng kinh ngạc: - Anh Thanh ! Thiếu niên hơi tái mặt, mắt chớp luôn mấy lần, môi mấp máy. Nhưng cử chỉ đó qua rất mau, người con gái không nhận thấy. Chàng lại trấn tĩnh, lạnh lùng nhìn khói thuốc. Liễu ngơ ngác vài giây, tưởng mình nhầm, lại theo k� binh. Nhưng từ đấy, Hưng thấy nàng nặng nề, chân vướng luôn, như một người mới tập. Về chỗ ngồi, Hưng hỏi: - Liễu hỏi ai vừa rồi thế ? - à, người ngồi kia, trông quen quen. Anh có biết ai không ? Nàng ra vẻ uể oải chỉ sang góc buồng. - Có biết, nhưng không quen. Ngũ Lăng, một nhà viết báo, còn tên thật không biết là gì. Liễu nhìn lên trần, lẩm bẩm : - Ngũ Lăng... Ngũ Lăng... - Phải, Ngũ Lăng, người viết cuốn "Tình xưa". Liễu đọc chưa ? - Anh tính chúng tôi còn thì giờ nào xem sách. Mà cũng chẳng có tiền đâu mua nữa! - Liễu muốn xem để tôi mang đến, quyển ấy hay lắm.Coi ý Hưng muốn tìm hết dịp để vui lòng người con gái. Liễu thờ ơ trả lời : - Cảm ơn anh. Câu chuyện thành lạnh nhạt. Liễu chỉ nói tiếng một, lại từ chối không nhẩy với Hưng mấy bài sau. Anh chàng tức bực, mời vũ nữ khác để khiêu khích Liễu. Liễu chỉ mong có thế, để được tự do nhìn sang góc buồng. Thiếu niên vẫn kín đáo, và trong tối, cặp mắt vẫn không rời Liễu, yên lặng như cặp mắt thủy tinh. Chàng càng bình tĩnh, trầm mặc, thì Liễu càng nóng nẩy, bồn chồn. Nàng chỉ đợi một nụ cười, khóe mắt; một dấu hiệu gì để chạy lại. Dấu hiệu ấy không thấy có. Trường hợp ấy kéo dài mãi. Quá nửa đêm khách lẻ tẻ về. Thiếu niên cũng đứng dậy, nhét gói thuốc lá vào túi, kéo chiếc mũ dạ xuống mắt, thủng thỉnh bước ra, dáng cứng cỏi như một nhà binh. Liễu toan chạy theo thì vừa bị Hưng nắm lại, hỏi một câu chuyện. Liễu phải nén lòng, không muốn vô lễ với một người khách hàng lịch sự, nhiều tình cảm với nàng. Liễu ngồi bên cửa sổ, trông ra đường. Thỉnh thỏang gió hắt hơi lạnh vào Liễu. Nàng không muốn kinh động giấc ngủ của bạn, đứng dậy tắt đèn và khẽ mở va ly lấy một cuốn sách, cuốn "Tình xưa", rồi lại ra cửa sổ. ánh sáng bên ngoài không đủ đọc, Liễu vuốt ve cuốn sách để trong lòng, nghĩ lại... ... Đôi ấy đã yêu nhau bằng hết cả tình ái của tuổi trẻ, của hai trái tim mới mẻ, hết lòng tin ở cuộc đời. Sau một năm, Thanh sang Pháp học. Cha mẹ Liễu không cho nàng đợi một người danh nghĩa chưa quyết định. Rồi gia đình chuyên chế đưa Liễu đến giường một người nàng không yêu. Đoạn tuyệt. Liễu sa vào vòng trụy lạc... Càng dấn thân vào đời mưa gió, Liễu càng tiếc thủa xưa, cảnh tối tăm càng làm thèm thuồng ánh sáng. Những người sau vẫn không làm quên được Thanh. Người ta chỉ yêu một lần, tình ái buổi đầu bao giờ cũng chân thành. Thanh đã đánh dấu người con gái, một vết vào tâm hồn, vĩnh viễn hơn là vào xác thịt. Cuốn "Tình xưa" đã tả tâm hồn nàng bằng những đoạn văn bất diệt. Con dao trích của ông lang nạo sâu vào cái nhọt, người ốm càng thêm đau. Liễu tự hiểu mình hơn, lại càng tha thiết tiếc thời đã mất. Ngẫu nhiên Liễu gặp người cũ, lại biết Thanh đã viết "Tình xưa", sự vui mừng mạnh đến thành hỏang hốt. Nàng muốn kể hết tâm tình với Thanh trong một giọt nước mắt, một tiếng kêu, nếu Hưng không giữ lại. Liễu bất giác mỉm cười một cách chán chường, nghĩ thầm: "Còn anh chàng si tình này nữa, theo đuổi mãi! Để im có phải mình đã được nói chuyện với Thanh rồi không?" Người thiếu nữ ngồi mãi. Lâu dần tâm trí sinh hỗn độn, các mối ký ức không còn rõ rệt, chỉ rõ ràng một cảm giác ê chề. Liễu nhìn lại các chị em đang ngủ vùi, như đàn con nít. Nàng chép miệng: - Ngủ được như họ, có lẽ lại hay. Đẩy cửa vào buồng khiêu vũ, tay Liễu hơi run. Hưng đã đợi sẵn. Liễu nhìn ngay vào góc: Thanh như vẫn ngồi đó từ đêm hôm trước. Hưng mời uống, Liễu từ chối: - Hôm nay mệt lắm, anh ạ. Tôi không uống gì đâu, ngồi nói chuyện thôi. Câu chuyện cũng chẳng ra gì. Nàng chỉ nói gióng một, không đâu vào đâu, không để ý gì đến lời Hưng, luôn luôn nhìn lại phía Thanh. Những lúc nhảy lại càng chán nản, mọi người phải ngạc nhiên vì cô gái nhất tiệm đi không thành bước. Trước mắt Thanh, nàng mất vẻ tự nhiên, thấy bị ôm trong tay người khác là một việc khó chịu gần như ghê tởm. Hưng đứng dậy ra về. Liễu lại ngay chỗ Thanh, ngồi xuống chiếc ghế; nàng ấp úng: - Anh! Chưa thêm được câu gì thì đã nghẹn. Thanh nhìn nàng bằng cặp mắt lặng lẽ và nghiêm nghị, như mắt một tay dạy thú vật. Liễu càng tấm tức. Nàng biết rằng hễ cất tiếng, bất cứ nói câu gì, thì nước mắt trào ra. Mỗi lần có người mời, nàng chỉ lắc đầu, không muốn cho ai đụng đến mình nàng. Cử chỉ đó trái ngược với phận sự một gái nhảy. Có người ra ý bất bình, nhưng chủ tiệm đến xin lỗi ngay, lấy cớ Liễu mệt. Họ lại vui lòng nhảy với người khác. Liễu mong Thanh nói một câu, dù là oán hờn, trách móc, cùng đến mắng nhiếc, xỉ vả, Liễu sẽ vui lòng nhận. Nhưng nàng còn có thể trút được nỗi tấm tức trong tim. Đọc "Tình xưa", Liễu đoán là Thanh vẫn yêu nàng, và thấy nỗi đau đớn u ẩn trong lời văn. Liễu muốn Thanh hiểu tâm tình duy nhất của tâm hồn nàng, khi tấm thân tàn tạ. Thanh vẫn không nói, cái tẩu thuốc lá liền ở môi, thỉnh thỏang sẽ nhếch, để thoáng một vẻ hoài nghi cay độc. Suốt đêm ấy như vậy, rồi cả mấy đêm sau. Liễu khốn khổ về cái hình phạt quái ác. Tối nào cũng thấy Thanh, thấy lại thời trong sạch, nhắc lại quá khứ để nàng hiểu rõ nỗi sẩy chân. Người nàng yêu ngay trước mắt, mà xa xăm như cách mấy vạn dặm. Cô vũ nữ mất ăn, mất ngủ. Mỗi tối khi đến giờ khiêu vũ, âm nhạc như gọi tội nhân ra pháp trường. Liễu biết chắc đao phủ đang ngồi chờ dưới góc buồng, với dáng mặt nghiêm nghị nó làm lạnh giá cả tâm hồn. Một buổi sáng, Liễu thu xếp quần áo vào va ly, bỏ tiệm khiêu vũ Akita. Nỗi đau thương của Thanh đã thành những trang tuyệt tác cuốn "Tình xưa". Viết xong cuốn sách, tâm trí Thanh như nhẹ nhàng hơn. Rồi chàng cố quên, thời gian dần bọc lấy trái tim. Khi gặp Liễu, mớ lửa Thanh tưởng là đã tắt, kỳ thực vẫn âm ỷ, bùng lên. Thanh cố dập tắt, chàng coi Liễu như đã chết, đã vùi bên kia cuốn "Tình xưa". Cô gái nhảy bây giờ không phải là người thiếu nữ ngây thơ chàng yêu khi trước. Tuy vậy Thanh vẫn không dứt bỏ được Liễu. Đêm đêm chàng đến tiệm khiêu vũ, để nhìn Liễu, để sống lại trong tưởng tượng thời kỳ không bao giờ lại thấy. Con tim vẫn rình trở dậy, nhưng lòng tự ái mạnh hơn. Mấy hôm sau khi Liễu đi, Thanh tự nhiên thấy thiếu thốn. Chàng đọc lại "Tình xưa", lại càng thấy nỗi trống trải. Bây giờ Thanh mới thấy đã đem văn chương dối lòng một cách ác nghiệt. Chàng đi tìm Liễu, nhưng người con gái không để lại vết tích gì. Từ đấy, đêm nào người thiếu niên cũng la cà trong các tiệm khiêu vũ, hoặc lang thang ngoài phố, hai tay chắp sau lưng, mắt ngửng nhìn đếm các ngôi sao.
Rút từ tập truyện
ngắn Vỡ Lòng,
Nxb. Đời Nay, Hà Nội, 1940 |
[ Trở Về ]
No comments:
Post a Comment