Tuesday, August 28, 2012

NGUYỄN THỊ LONG AN * CHÙM TRÁI NGỌT

Quê Hương Là Chùm Trái Ngọt
Nguyễn Thị Long An

Uống hết ly nước, cầm cái ly không bước ra khỏi phòng định đem xuống nhà bếp, Nhàn bỗng chết điếng trong lòng, đứng khựng lại khi nghe tiếng nói nho nhỏ phát ra từ căn phòng sát cửa.
'Sao? Mầy giúp tao một tay được không?'
'Anh Hai à, đừng làm như vậy. Hết tiền xài
xin nó cũng cho mà!
'Nó cho bao nhiêu, vài trăm là cùng. Tao cần số nhiều. Mấy chục ngàn trong bóp nó ai mà hỏng biết.'
'Tiền của chồng nó đưa mua số kim cương của tiệm bà Mừng. Ðâu phải của nó đâu.'
'Nhưng mà tao cần. Ly nước hồi đầu hôm nó uống rồi. Thấm thuốc bây giờ chắc ngủ mê. Ra tay được.
'Tôi sợ lắm. Nó là em cùng máu thịt, sao anh muốn làm bậy để cướp của em?'
Nhàn trở liền vào phòng, gom lẹ mớ đồ đạc, dồn vào xách tay, bước mau qua phòng mẹ, thuật vắn tắt những lời của hai anh.
Khó có xe trong giờ khuya khoắt. Người mẹ lo sợ thuốc ngủ trong mình con gái sẽ ngấm mau, đành đưa sang nhà cạnh bên ngủ nhờ. Bà nội tôi mãn phần con cháu ở rải rác các tiểu bang, bận bịu công ăn việc làm không ai về được để cư tang. Năm nay nhân ngày giỗ đầu, các cô, chú hẹn hò làm một cuộc họp mặt sau thời gian dài lao đao sinh kế ở đất nước người.
Chuyến bay từ phi trường Los Angeles đi Bangkok hành khách cùng quê hương tôi chiếm hai phần, số còn lại là những người của những quốc gia Châu Á. Ngồi cạnh ghế tôi là một người đàn bà trạc độ bốn mươi tuổi ngoài. Gương mặt xinh xắn ẩn dấu chút phúc hậu và nụ cười rất tươi của bà gợi sự
chú ý nơi người đối diện. Tôi làm quen hỏi
chuyện. Ðược biết bà về thăm mẹ. Nghe bà
nói chỗ ở của người mẹ, tôi mường tượng
nhớ như nơi đó cũng cùng vùng tôi sắp về.
Vòm trời quê cũ hiện lờ mờ trong trí tôi
không rõ nét. Tôi cố gắng hình dung xóm
nhỏ ngày xưa. Theo gia đình người chú ra
đi lúc mới mười tuổi, hiểu biết quá ít oi về
thành phố nơi tôi đã sống thuở ấu thời. Vài
câu trả lời lơ mơ về đất địa của thành phố
không đâu vào đâu của tôi khiến người đàn
bà không còn hứng thú nói chuyện thêm
nữa. Khi máy bay đáp xuống phi trường
người đàn bà chào từ giã, lo đi làm thủ tục
giấy tờ nhập cảnh.
Tôi chờ đợi gom góp hành lý, làm đủ thứ
giấy tờ nhiêu khê theo luật định. Thêm vụ
khiếu nại ở văn phòng đại diện hãng máy
bay Thái Air Line bởi thiếu mất hai thùng
hành lý, không hiểu đã rơi rớt nơi đâu. Phải
quanh quẩn ở phi trường nhờ giải quyết. Họ
hứa hẹn sẽ tìm ra trong vài ngày sau đó và
sẽ cho người đưa hành lý đến tận chỗ ở.
May mắn nhà ở tại thành phố, nếu ở tỉnh xa
không biết phải làm sao. Gần ba giờ đồng
hồ sau chúng tôi mới rời khỏi phi trường.
Mệt nhọc và chán nãn.
Ngôi nhà hương hỏa xưa của ông bà nội để
lại ở ngoại ô thành phố, bác Hai đã sửa
chữa lại khang trang hơn trước. Dãy nhà cũ
kỹ cùng chiều bây giờ cũng đổi thay, tường
vách, mái ngói. Bao quanh là những vuông
rào bằng sắt hoặc gạch cây, sơn xanh sơn
đỏ. Tôi đứng sau cửa sổ ngóng ra bên
ngoài. Mặt trời đã chìm xuống dưới mặt đất
từ lâu. Màn đen dàn trải trên những bụi cây
đám cỏ. Con đường trước nhà vắng tanh,
thỉnh thoảng vài tiếng nổ của máy xe từ xa
vọng lại. Cảnh vật hầu như chìm lắng trong
vũng tối. Hàng đèn đường mờ ảo, cách
khoảng cái tắt, cái cháy. Tiếng muỗi vo ve
từ bên ngoài bay tuôn vào nhà. Vói tay kéo
hai cánh cửa sổ khép chặt, tôi bước vội vào
bên trong phần giữa căn nhà nhập bọn
cùng mấy đứa em con cô, con chú, con bác,
quây quần quanh chiếc bàn lớn. Sự ồn ào,
huyên náo phát lên bởi nhiều tiếng nói giữa
câu chuyện bông đùa, nhạo báng liên miên.
Chúng hết tranh cãi châm chọc nhau lại
xoay qua nói về thời trang, du lịch, phim
-2-
ảnh và cuối cùng những bồ bịch của nhau,
những vui chơi đã qua hay sắp tới. Mấy
đứa nó không thể diễn tả bằng tiếng mẹ đẻ.
Câu nói không thoát ra khỏi miệng, ấp a ấp
úng đành phải dùng ngôn ngữ ngoại quốc.
Những tràng tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt điếc tai
cùng những chuỗi cười dòn tan đây đó. Bác
Hai mỉm cười dòm chúng nó với cái lắc đàu
chầm chậm, thất vọng.
Bác là con chim đầu đàn của bầy chim vong
gia thất thổ trong một đại gia đình. Bác
thường viết trong những bức thư gởi sang,
căn dặn chúng tôi cố gắng học hành, nghe
lời giáo dục của cha mẹ, không nên ham
mê đua đòi với bè bạn mà bỏ ngoài tai
những lời dạy dỗ. Làm người phải biết cội
nguồn, đừng tập thói vong bổn, không chơi
với bạn xấu để nhiễm thói hư của bạn, và
luôn luôn rèn luyện tiếng mẹ đẻ. Bác nhắc
đi nhắc lại nhiều lần 'đừng quên nha các
cháu. Bên nầy bác đọc báo nghe nói thanh
thiếu niên bên đó hư hỏng, phải vào tù ra
khám, bác buồn lắm.'
Tôi còn nhớ rõ ràng lời bác khuyên bảo các
cô chú trước lúc lìa xa quê nhà. Bác nói:
'Nếu các em không chịu nổi những luật lệ
khắc khe mới, những mối đe dọa hàng ngày
và sự đối đãi gần như phân chia, các em
muốn ra đi thì cứ ra đi, đừng bịn rịn, ở lại
chịu khổ không ích gì. Anh có đầy đủ giấy
tờ của một cựu quân nhân được sang nước
Mỹ. Trên đầu mớ tuổi cao chồng chất anh
bỏ qua hết những bon chen trên đời. Những
năm tù đày anh đã ngán ngẩm với bã công
khanh, thấm tình đời và hiểu nỗi cực nhọc
khi phải làm lại đời mình nơi đất khách. Các
em ra đi cách biệt nơi phương trời lạ lẫm,
huyết nhục chia lìa lòng anh vô cùng đau
xót. Biết rằng ở lại cũng có nhiều điều khó
khăn trong cuộc sống nhưng anh chí quyết
thay cha mẹ làm người thừa tự tổ tiên, dốc
lòng gởi nắm tàn xương nơi chôn nhau cắt
rún. Ðó là niềm mơ ước lớn lao của anh.
Bác bước lại gần đưa tay vuốt tóc tôi và nói
với nỗi nghẹn ngào. Riêng con Hân, con
của anh chị Ba các em, tụi nó qua đời bởi
lửa đạn chiến tranh, con nhỏ sớm mồ côi
không nơi nương dựa. Trong mấy đứa em,
ai cưu mang được nó cho anh yên lòng.
Hân à, bác sẵn sàng nuôi cháu, lo cho cháu
nên người, nhưng ở với bác đời cháu sẽ
mai một. Nên ra đi để lo cho thân mình nha
cháu. Tôi khóc lóc từ giã gia đình bác và
ngôi nhà mấy năm nương náu. Từ đó tôi
theo người chú Tư sang đến vùng đất mới.
Tiếng gõ cửa bên ngoài dồn dập. Chúng tôi
đồng loạt im lặng. Tất cả rời ghế chùm
nhum lấp ló chỗ cửa ngăn. Bác gái bước ra
phòng ngoài nghe ngóng rồi mở một cánh
cửa mời khách vào nhà. Không phải người
công an khu vực như chúng tôi lầm tưởng,
mà là một bà già. Nghe nói là người hàng
xóm nhà bên cạnh sân. Qua ánh đèn nhòa
nhạt tôi vô cùng ngạc nhiên trố mắt dòm
đăm đăm người đi sau. Chính là người đàn
bà tôi đã gặp trên máy bay. Không biết họ
bàn bạc chuyện gì với nhau sau đó Bác Hai
khoác tay đuổi chúng tôi vào hẵn phía trong.
Tiếng xì xào chấm dứt. Bà già ra về, người
đàn bà tôi gặp trên máy bay ở lại.
Cuộc vui tưởng còn kéo dài, một hai đứa
trong đám che miệng cười khúc khích.
Nhưng bác Hai ra lịnh bắt chúng tôi phải
giải tán. Bác gái lăng xăng dọn dẹp bộ ván
phía chái nhà và mời người đàn bà đó đi
nghỉ.
Nằm yên trên giường nhưng lòng tôi có
nhiều điều thắc mắc, vơ vẩn nghĩ suy muốn
hỏi bác gái nhưng thấy không tiện. Trăn trở,
cuối cùng rồi tôi cũng lịm vào giấc ngũ.
Ba tuần lễ vui chơi đã qua, ngày chia tay
cũng đến. Cả nhà tiễn chúng tôi ra sân bay,
lưu luyến không muốn rời. Chơn bước vào
phòng cách ly, đầu tôi vẫn quay dòm đám
người đứng lố nhố bên ngoài. Hình dáng
bác tôi sau vòng rào chia cách, yên lặng
buồn thiu.
Ngồi trầm ngâm trong lòng ghế lắng nghe
tiếng động cơ nổ... o... ù... ù... Dãy ghế
cạnh bên có những người đàn bà tre trẻ
đang nhắm mắt, gợi nhắc trong tôi chuyện
xảy ra hai tuần lễ trước, chuyện của người
đàn bà đến ngủ nhờ một đêm trong nhà
người bác. Lòng tôi còn bức rức, còn khó
chịu khi biết được sự việc xảy ra quá đau
lòng. Cô, chú tôi cũng kể thêm vài chuyện
về thói đời và lòng người trăm ngách giống
-3-
nhau dầu ở bên kia trời hay bên nầy nữa
vòng trái đất. Lời kể lể như còn xoáy mạnh,
còn vang dội rõ ràng bên tai. Không biết
mấy đứa em họ tôi sanh ra, lớn lên ở đất
nước khác có nghe và hiểu được câu
chuyện đau lòng nầy và những nỗi hệ lụy
của nhân sinh?
Ánh trăng hè mọc lên khỏi ngọn cây bên kia
đường. Làn ánh sáng mỏng nghiêng
nghiêng xuyên qua thềm ngôi nhà của bà
giáo Hạc xây lên từ một năm trước. Hàng
rào bằng gạch quét vôi trắng uốn mình bao
quanh khu nhà. Cửa ngõ màu xanh lá cây
với ổ khóa lớn móc toòng teng trong chốt
sắt. Bà giáo cầm ba cây nhang bước ra sân
đến bàn ông Thiên gần hàng rào cắm vào
lư hương, chấp tay xá xá miệng lầm thầm
van vái. Trở vào hàng ba, bà ngồi lên chiếc
võng mắc trong dá, ngóng ra phía ngoài
thầm lặng suy tư.
Thuở còn sống chồng bà là một thầy giáo
lương 'ba đồng ba cọc'. Con cái được dạy
dỗ nên chúng nó ngoan ngoãn, học hành
theo nếp nhà. Năm tháng tưởng yên ấm
trong hạnh phúc. Nhưng nỗi bất hạnh bất
ngờ xảy đến, ông giáo lâm bệnh ngặt nghèo
qua đời để lại ba đứa con còn nhỏ dại. Nhà
nghèo xác xơ không có tiền để lo cho con,
bà đành phải vay mượn số tiền nhỏ nhoi
làm vốn. Ðầu tắt mặt tối vất vã nuôi ba đứa
con ăn chưa no lo chưa tới. Tuy buôn gánh
bán bưng lần hồi cũng trả dứt nợ. Ðám con
trưởng thành. Gả con gái lấy chồng rồi theo
chồng sang xứ khác. Hai đứa con trai chưa
có gia đình ở với bà cho tới bây giờ. Tưởng
chúng khôn lớn mình sẽ không còn lao tâm
nhọc trí, vậy mà càng lớn khôn bao nhiêu
tâm tánh càng bộc phát những điều bất
nghì thất đức. Khó khăn trong cuộc sống,
chúng phải bỏ học, dấn thân ra đời tìm
phương kế sống nên tiêm nhiễm những thói
xảo quyệt, trí trá. Bà giáo thở dài. Ðảo mắt
quanh khu nhà đẹp đẽ do tiền của con gái
gởi mà chạnh lòng thương đứa con hiếu
thảo. Về thăm nhà mới một hai ngày, ở
không yên với thằng anh lớn. Nửa đêm phải
đi trốn tránh rồi vội vã trở về sớm hơn dự
định. Lòng bà như có cái gì cào xé. Muốn tố
giác nhưng phải làm ngơ bởi mẫu tử thâm
tình. Giận thằng con vì tiền mờ tối lương tri,
quên tình cốt nhục. Thương con gái trọng
tình máu mủ không một lời oán trách anh.
Làm mẹ bà không biết phải xử trí cách nào
trước sự bất nhân và 'hung hoang đảng tử'
như vậy. Dù chuyện cốt nhục tương tàn
chưa xảy đến nhưng đó cũng là mối họa
lớn trong gia đình. Hai tay chống cằm, tủi
phận mình: gần kề miệng lỗ vẫn chưa được
yên thân. Dòm vào khoảng không trước mặt
mà nước mắt chảy dài, nghẹn ngào xúc
cảm...
Ðiện thoại reo vang trong nhà. Bà kéo vạt
áo chùi mắt. Lật đật bước vào cầm ống
nghe. Tiếng đứa con gái bên kia đầu dây,
-'Má hả, má khỏe không? Bà mừng rỡ lấp
bấp trả lời :
-'Khỏe... khỏe...'
- 'Con nói má nghe nè. Con không thể về
thăm má nữa. Má cho hai anh căn nhà đi.
Qua đây ở với con. Con đang làm thủ tục
bảo lãnh má đó. Má đi nha'.
Bà ậm ừ... không dứt khoát. Ðể nhẹ ống
nghe xuống. Bà đứng tần ngần bất động,
phân vân không biết nên đi hay ở. Ði theo
đứa khá giả thì sung sướng tấm thân mình
đó. Nhưng bỏ hai đứa con nghèo khổ ở lại
thì đành sao? Làm sao chúng sống được
trong cái xã hội lạ lùng nầy không có mình
săn sóc miếng ăn thức uống. Bà thở ra, lắc
đầu, lẩm bẩm như tự căn dặn mình. Má
không theo con được con ơi! Quê hương
mình dẫu sao cũng là chùm trái ngọt, dầu
thân cây có những sần sùi tróc lở, dầu dầu
cành cây đầy kiếng vàng sâu phấn, dầu gốc
cây là mảng đất xù xì khô cằn đá sõi đạp
lên đau nhói bàn chân. Mẹ quen rồi con ơi!
Quen cảnh trí, quen sanh hoạt và quen với
khung trời chứa những thân cây èo uột đó...
Nguyễn Thị Long An
Texas, Dec25-2000
Nguồn: http://vantuyen.net

No comments: