Tuesday, August 28, 2012

GS. NGUYỄN VĂN PHÚ

                                                   GS NGUYỄN VĂN P
nguyên Hiệu trưởng
trường Trung học Tư thục Hưng Đạo Sài Gòn
 

 




Giáo sư Nguyễn Văn P nguyên hiệu trưởng trường Trung Học Tư Thục Hưng Đạo Sài Gòn, Giáo sư Toán và là tác giả nhiều sách Toán bậc Tú Tài trước năm 1975.

Tác giả định cư tại Montreal, Canada. Tác giả đã thuyết trình tại các chùa và các cộng đồng Phật Tử tại Canada về Phật học.

Ninh-Hòa được phép tác giả đăng lên mạng điện tử www.ninh-hoa.com để các độc giả tham khảo.
Ninh-Hòa xin thành thật tri ân giáo sư đã cho phép www.ninh-hoa.com  phổ biến.

TÁC PHẨM:


  QUYỂN 2 - BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
 

 "Bước Vào Cửa PHẬT" được tác giả nhìn một cách khái quát và đơn giản trong 69 bài như đã ghi trong Mục Lục bên dưới...


Hoằng Hữu
NGUYỄN VĂN P


BƯỚC VÀO
CỬA PHẬT


Quyển 2


HƯNG ĐẠO XUẤT BẢN
Montréal 2010



 

GS NGUYỄN VĂN P
nguyên Hiệu trưởng
trường Trung học Tư thục Hưng Đạo Sài Gòn
 
 

QUYỂN 2

37. TRƯỞNG  GIẢ  CẤP CÔ ĐỘC
1.  Khi tụng kinh A-Di-Đà, cũng như khi tụng nhiều kinh khác, Phật tử chúng ta bắt đầu bằng câu : “Chính tôi được nghe : vào một thời kia, đức Phật trụ ở vườn Cấp Cô Độc, rặng cây Kỳ đà, thuộc nước Xá -Vệ, …”.   
Cấp Cô Độc là ai? Có liên hệ gì với Phật giáo thời đức Thế Tôn còn tại thế?
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày vài điều về vị trưởng giả Cấp Cô Độc ấy, người được gọi là một đại hộ pháp của Phật giáo.
2.  Tại kinh thành Xá-Vệ nước Câu-Tất-La do vua Ba-Tư-Nặc trị vì, có một vị thương gia tên là Tu-Đạt-Đa rất giầu có, được coi là người giầu nhất nước. Dinh cơ của ông thật to lớn tráng lệ, gia nhân của ông hết sức đông đảo. Một điểm đặc biệt nơi ông là lòng từ thiện rất rộng rãi, lúc nào ông cũng tích cực giúp đỡ những người nghèo đói, khổ sở, già nua, bệnh tật, cô đơn. Vì thế người ta gọi ông là Cấp Cô Độc (nghĩa là chu cấp cho những người cô độc) hay là Chẩn tế bần phạp (chẩn tế nghĩa là giúp đỡ, bần phạp nghĩa là nghèo túng), Cấp chư cô lão (cô lão nghĩa là người già cô đơn). Được người đời xưng tụng như thế, hẳn là hạnh bố thí của ông phải cao lắm! Theo tiếng Phạn thì danh hiệu ấy của ông viết là Anātthapindika, trong đó anāttha nghĩa là không được ai che chở và pindika nghĩa là dân nghèo. (1)
Ông Tu-Đạt-Đa có gia đình : ông có vợ và ba con gái, một con trai. Bà Tu-Đạt-Đa tên là Punnalakkhana (tên này có nghĩa là người phụ nữ có phúc tướng), bà là một người hiền lành, đối xử với gia nhân có độ lượng nên được kính mến. Cũng như chồng, bà là một Phật tử thuần thành, một trong các nữ tín đồ đầu tiên của đức Phật, và thường xuyên thành tâm hộ trì Tam Bảo. Cả ba cô con gái đều là người đức hạnh, thấm nhuần chánh pháp, y giáo tu hành, và đều đắc quả. Riêng người con trai thì hàng ngày chỉ mài miệt trong công việc kinh doanh và chăm lo quản trị tài sản khổng lồ của gia đình, ít chú tâm tu tập nhưng sau được cha hướng dẫn vào đường Đạo và theo được gương sáng của cha, trở thành một đại hộ pháp  và cũng đắc quả.
3.  Thời bấy giờ, khi mới thành đạo vô thượng bồ-đề, đức Phật Thích-Ca đến thành Vương Xá, kinh đô nước Ma-Kiệt-Đà do vua Tần-Bà-Sa-La trị vì. “Vua Tần-Bà-Sa-La quy y Phật, cúng cảnh Trúc Viên cho Phật và ngôi Tam Bảo, để Phật an trụ nơi đó mà truyền bá đạo lý. Vua cất luôn nơi đó cảnh Tinh xá rất trang nghiêm, có đủ nhà giảng, tăng phòng và mọi đồ vật dụng cho Giáo Hội. Tại Trúc Viên, Phật dạy đạo cho mấy vị đệ tử đại danh đầu tiên như các ngài Xá-Lỵ-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp v.v… Cảnh Trúc Viên là ngôi Tinh xá trước nhất mà người ta dâng cúng cho Giáo Hội vậy” (theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn).
Một ngày kia, do công việc buôn bán, ông Cấp Cô Độc đi từ thành Xá-Vệ tới thành Ma-Kiệt-Đà. Ông tới ngụ tại nhà một người anh rể và cũng là một bạn thân. Thấy gia đình này đang bận rộn tíu tít, hình như đang lo thu xếp đón tiếp quốc vương hay là đón một vị thượng khách nào đó, ông ngạc nhiên.
Hỏi rõ thì biết rằng họ đang sửa soạn cung nghinh đức Phật và chư Tăng. Thì ra người anh rể của ông Cấp Cô Độc, cũng là một đại phú thương, đã quy y Tam Bảo và đã phát tâm cúng dường Giáo Hội một số tịnh cốc.
Ông Cấp Cô Độc nghe nói đến Phật đang ở gần thì thao thức suốt đêm, mới sáng tinh mơ ông đã tìm đường tới Trúc Lâm tịnh xá.
Tới nơi, trong làn sương buổi sớm, ông thấy ở đằng trước ông một người đang đi kinh hành. Bỗng người ấy quay lại, gọi đích tên thực của ông bằng một giọng rất hiền hòa. Vô cùng kinh ngạc, ông cảm thấy một sức mạnh vô hình kéo ông tiến lên và khi đến gần, ông vội sụp lạy, đó chính là đức Phật. Ông vấn an Ngài và được Ngài chúc lành. Rồi ông theo chân Ngài đi kinh hành. Vừa đi Ngài vừa giảng giải căn bản Pháp Bảo cho ông. Khi Ngài nhận thấy thiện căn của ông đã lộ rõ, tâm thức đã khai mở, Ngài bèn thuyết Tứ Diệu Đế cho ông. Lành thay! Ông giác ngộ, hiểu vạn pháp đúng như sự thật và tin tưởng sâu xa, vững chắc vào Đạo Giải Thoát, ông đắc quả tu-đà-hoàn.
4.  Đức Phật được anh rể của ông Cấp Cô Độc cung thỉnh đến nhà để cúng dàng trai tăng. Nhân dịp này, ông Cấp Cô Độc xin Ngài cho ông được xây cất một tinh xá tại thành Xá-Vệ ở nước ông là nước Câu-Tất-La. Ngài bảo ông rằng chư Phật chỉ ưng những nơi thanh tịnh. Ông hiểu ý Ngài và thưa rằng ông sẽ tìm một nơi an tịnh gần Xá-Vệ. 
Về đến nhà, sau khi cố gắng, ông tìm được  một khu rừng thưa cây gần thành Xá-Vệ thuộc quyền sở hữu của thái tử Kỳ Đà, con vua Ba-Tư-Nặc. Ông hỏi mua nhưng thái tử không có ý bán. Thấy ông khẩn khoản mãi, thái tử ra giá thật cao, cốt ý cho ông thoái chí. Không ngờ ông ưng thuận điều kiện trải vàng kín cả khoảng đất mà ông muốn mua. Thái tử phải chịu vậy. Ông Cấp Cô Độc bèn cho gia nhân  chở vàng đến phủ kín đất nhưng chỉ vừa đủ đất để xây chùa mà thôi nên phải về chở thêm.
Hết sức xúc động trước đạo tâm và hạnh bố thí cúng dường của vị thí chủ ấy, thái tử Kỳ Đà bảo ngưng chở vàng và chính ông cũng phát tâm cúng dường vùng đất cùng cây cối còn lại. Hơn thế nữa, khi ông Cấp Cô Độc cho thợ xây cất chính điện, tịnh thất và giảng đường, trai đường, tăng phòng, đường kinh hành với mọi căn nhà phụ thuộc cùng ao sen, giếng nước v.v… thì thái tử sai xây cất mọi thứ ngoại vi như tường bao, cổng ra vào, sân cỏ, vườn cảnh với hoa lá màu sắc xinh tươi. Chính vì lý do này mà sách vở về sau gọi tên nơi này là Kỳ thụ Cấp Cô Độc viên nghĩa là cây của thái tử Kỳ Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc. Người ta cũng gọi ngắn là Kỳ Viên.
5.  Xong việc xây cất, ông Cấp Cô Độc  cung thỉnh đức Phật tới nơi làm lễ lạc thành để ông dâng hiến ngôi chùa có tính cách quan trong trong lịch sử Phật giáo. Đức Phật thuyết pháp độ sinh trong 45 năm, Ngài đã nhập hạ 19 lần ở Kỳ Viên, việc ấy cho chúng ta thấy rằng nơi này quả thật có tính cách thiêng liêng.
Khi đức Phật và chư Tăng an trú tại Kỳ Viên thì ông Cấp Cô Độc cùng gia đình và gia nhân chăm lo về mọi phương diện. Danh từ Phật học nói gọn là tứ sự cúng dường, nghĩa là thức ăn, quần áo, nơi ở giường nằm và thuốc men. Trong thực tế, ông Cấp Cô Độc còn chú ý đến nhiều chi tiết khác như săn sóc vườn hoa cây cảnh, cây cối lớn nhỏ, giếng nước cùng hồ tắm v.v… Không những ông là một đại hộ pháp của chùa Kỳ Viên mà ông còn là đại hộ pháp của chư  tăng không cư ngụ trong Kỳ Viên: ông thường cúng  dàng  trai tăng, có khi trong nhà ông có tới hàng ngàn vị được cung thỉnh, như thế ta biết rằng dinh cơ biệt thự của ông lớn đến chừng nào.
Có một lần, địa phương của ông Cấp Cô Độc bị một cơn bão lụt lớn, tài sản của ông coi như tiêu tán: nhà cửa bị đổ nát, tiền bạc bị cuốn trôi. Dù bị đẩy vào cảnh nghèo khó, ông vẫn tận tâm cúng dàng Tăng Bảo trong phạm vi tài lực của mình. Nhưng do sức phù hộ của các thiên thần hay nói cách khác, do phúc nghiệp vĩ đại của ông, chẳng bao lâu ông lại trở nên giàu có, mà giàu có hơn trước nữa, để tiếp tục công việc hộ pháp của mình.
6.  Không phải lúc nào đức Phật cũng trụ tại Kỳ Viên vì Ngài còn phải đi hoằng pháp nhiều nơi khắp lưu vực sông Hằng. Những lúc ấy, ông Cấp Cô Độc không thể hàng ngày đến lễ bái hầu hạ Ngài được. Ông bèn xin với chư Thánh tăng giúp ông có cách gì để hàng ngày nhớ đến đức Phật, chiêm ngưỡng và lễ bái. Ngài A-Nan bạch chuyện ấy với đức Thế Tôn và được Ngài dạy rằng có ba hình thức là bảo tháp tức đền thờ, thánh địa tức nơi ghi dấu các di tích và cuối cùng là nơi lưu giữ những vật kỷ niệm. Suy nghĩ kỹ, ông Cấp Cô Độc chọn cách thứ ba là đem trồng một nhánh cây bồ-đề tại cổng của Kỳ Viên. Ngài Mục-Kiền-Liên dùng thần thông giúp ông việc này: ngài tới Khổ Hạnh Lâm, cạnh sông Ni-Liên-Thiền, bẻ một nhánh cây bồ-đề là nơi đức Phật ngồi nhập định trước khi thành đạo, đem về cho ông. Ông Tu-Bồ-Đề được vua Ba-Tư-Nặc nhường cho cái vinh dự trồng cây bồ-đề này. Nhà vua nghĩ rằng tuy đất nằm trong lãnh thổ của nhà vua nhưng với việc gieo mầm Phật giáo trên cả nước thì rõ ràng là ông Cấp Cô Độc là người xứng đáng nhất để nhận vinh dự ấy.
7.  Khi ông Cấp Cô Độc bị bệnh nặng thì hai thánh tăng là trưởng lão Xá-Lỵ-Phất và tôn giả A-Nan đến thăm. Ngài Xá-Lỵ-Phất nhận thấy ông Cấp Cô Độc sắp lìa đời bèn thuyết pháp cho ông, đại ý khuyên ông dứt khoát buông xả sự dính mắc với lục căn, tách rời tâm thức ra khỏi lục trần, không cho lục thức duyên theo lục trần nữa. Ngài A- Nan khuyên ông giữ tâm bình thản, thanh tịnh.
Khi Ngài Xá-Lỵ-Phất cho ông biết rằng những lời thuyết pháp ấy chỉ để dành cho các vị xuất gia nhưng nay đem thuyết cho ông vì tâm của ông không khác gì tâm của một vị đại sa-môn, ông Cấp Cô Độc thỉnh cầu đức Phật và chư Thánh tăng ban cho hàng cư sĩ tại gia nhiều phạm hạnh được nghe các bài pháp nhiệm mầu như vậy. Sau đó, ông Cấp Cô Độc nhập chánh định và xả báo thân ngũ uẩn, giác linh của ông được lên cõi trời Đâu-Suất.
Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn ghi rằng : “ Trong Soạn tập bá duyên kinh đức Phật có thọ ký cho ông Cấp Cô Độc quả bồ-đề vô thượng, mách rằng trong ba a-tăng-kỳ kiếp, ông Cấp Cô Độc sẽ thành Phật hiệu là Abhayaprada (Cấp cho sự yên ổn)”.
Cuốn sách nhỏ nhan đề Sự tích Tu-Đà Cấp Cô Độc của Hellmut Hecker, do Nguyễn Điều dịch, cho biết rằng : “Điều đáng tưởng niệm và ngưỡng mộ vị cố đại ân nhân Phật giáo ở đây là sau khi gia nhập Thiên chúng, “ông” là vị thiên thần hộ trì Tam Bảo nhiệt thành nhất. Theo kinh sách kể lại thì chùa Kỳ Viên, sau lễ hỏa táng Tu-Đà, có nhiều đêm được Thiên chúng viếng thăm. Hào quang sáng rực. Vị dẫn đầu chư Thiên thần ấy dĩ nhiên là giác linh cố cư sĩ Tu-Đà Cấp Cô Độc”.
Sách ấy còn cho biết : “Trong mười tám bài pháp nói đến Tu-Đà Cấp Cô Độc ghi trong Tạng kinh, có mười bốn bài do đức Phật tùy cơ duyên tự nói ra, một bài Phật thuyết do Tu-Đà đặt câu hỏi, một bài khác Phật giảng sau khi nghe Tu-Đà thuật chuyện đã đối thoại với những đạo sĩ Bà-la-môn giáo. Và sau cùng là hai bài pháp do tôn giả A-Nan và trưởng lão Xá-Lỵ-Phất đến bên giường bệnh của Tu-Đà để nhắc nhở. Mười tám bài pháp này chứng tỏ rằng trong kho tàng Phật giáo, hẳn đã có một phần quan trọng dành riêng  cho người cư sĩ hay Phật tử tại gia, khi họ muốn đạt đến thánh quả mà không cần sống trong Giáo Hội!”
 


QUYỂN 2

45. ANH EM VUA A-DỤC
Vua A-Dục hay được nói đến trong lịch sử truyền bá Phật giáo.  Đó là một vị vua anh hùng, đã thống nhất toàn cõi Ấn-Độ vào thế-kỷ thứ ba trước Tây lịch.
Vua A-Dục quy y Phật pháp, thọ giới tỳ-kheo và gia nhập giáo hội Tăng-già. Tuy nhiên, Ngài vẫn giữ ngôi báu để tiện hoằng dương Phật pháp. Sự nghiệp hoằng dương này rất là vĩ đại.  Không kể hàng ngàn hàng vạn chùa, tháp thờ Phật, không kể vô số kinh sách phát cho các hàng xuất gia và tại gia, Ngài lo việc khuyến thiện bằng cách cho làm nhiều tấm bảng đá dựng trên các ngã ba ngã tư đường để chỉ dẫn cho dân chúng làm lành, và chính bản thân Ngài nêu gương đời sống đạo đức, cấm sát sanh trong đền vua, chẩn tế cho người nghèo, cúng dường các vị sư sãi.   Dưới triều Ngài, toàn dân được hưởng thanh bình.   Công việc lớn nhất của Ngài đối với Phật giáo là triệu tập đại hội gồm một ngàn vị thánh tăng để viết nên Tam Tạng (Kinh, Luật và Luận).
Kinh Câu Ly Lao Ngục có kể một câu truyện về vua A-Dục và người em ruột là Thiện Dung.  Câu chuyện có thật hay chăng, chúng ta không bàn tới mà chỉ cần nắm lấy ý nghĩa mà thôi, vì đây lại là một cách thuyết pháp bằng thí dụ như ta thường thấy ... 
Một hôm Thiện Dung vào rừng săn bắn, thấy mấy nhà tu khổ hạnh, bèn nghĩ rằng: “Ăn sương uống gió, khổ sở thế kia, khí lực mòn mỏi, mà hãy còn dâm dục, tội lỗi chẳng trừ.  Thế thì mấy ông sa-môn họ Thích ở trong nhà, nằm trên giường, được ăn uống, làm sao mà diệt dục được!”
Vua A-Dục biết ý của em như vậy bèn nghĩ cách trừ ác niệm cho em. Ngài sai kỹ nữ của Ngài đến cung của Thiện Dung mà đàn hát, đồng thời nói với một đại thần: “Nếu ta có ra lệnh chém Thiện Dung thì người can ta, xin để bảy ngày sau hãy chém, chớ chém ngay.”
Ngài bất ngờ đến chỗ Thiện Dung đang cùng các kỹ nữ vui đùa, nạt rằng: “Sao ngươi dám cả gan cùng kỹ nữ của ta chơi bời như vậy”; rồi Ngài họp quần thần luận tội. Khi Ngài ra lệnh đem Thiện Dung ra chợ chém đầu thì vị đại thần can gián: “Cúi xin Đại Vương hoãn cho, thi hành việc ấy bảy ngày nữa cũng chẳng muộn.”
Nhà vua giả vờ lặng lẽ nghe theo và phán: “Vì nó là em của Trẫm nên hãy lấy quần áo của Trẫm cho nó mặc, cho nó ở trong lâu đài của Trẫm và bảo bọn kỹ nữ đến đó ca hát cho vui lòng nó trong vòng bảy ngày.”
Nhà vua lại ra lệnh cho một đại thần mặc áo giáp, cầm gươm bén đến bảo Thiện Dung rằng: “Hoàng Thượng đã phán quyết, nên Vương Tử hãy nổ lực mở tung năm căn mà hưởng năm món dục lạc cho thỏa thích kẻo uổng, vì mấy ngày nữa chết đi, phí mất.”  Sau mỗi ngày, vị đại thần này lại đến nhắc: “Còn mấy ngày nữa là đến kỳ hạn đem chém, nên ráng sức mà hưởng thụ kẻo uổng.”
Hết ngày thứ bảy, nhà vua đến hỏi Thiện Dung rằng: “Sao? mấy ngày qua tâm ý của hiền đệ được tự do hưởng khoái lạc có sung sướng không?”
Thiện Dung đáp: “Quả thật em chẳng thấy, chẳng nghe gì cả, có đâu mà sung sướng.”
Vua A-Dục bảo: “Hiền đệ mặc quần áo của ta, ở trong cung điện của ta, ăn những món hảo hạng, lại cùng chung vui với bọn kỹ nữ, lại nói chẳng sung sướng gì hết, sao giám khi ta như vậy?”
Thiện Dung tâu: “Tuy em chưa chết, nhưng so với người sắp chết cũng chẳng khác mấy thì còn lòng dạ nào mà hưởng vui nữa!”
Lúc đó nhà vua mới nói rõ: “Theo ý ta, hiền đệ mới chỉ lo rầu cho cái thân một đời mà còn khổ đến như thế!  Khi thân sắp chết, hiện đang trong cảnh ngũ dục mà chẳng thể vui; huống chi các sa-môn lo nghĩ nổi khổ não trong ba đời: một khi thân này chết, lại thụ thân khác, cứ như thế mãi thật là cái khổ vô lượng không nói xiết. Vì thế các ngài mới xuất gia tu đạo để tự độ và độ thế.   Nếu các ngài chẳng tinh tiến tu trì thì sẽ chịu khổ trong nhiều kiếp. Hiền đệ có hiểu không?
Bấy giờ, Thiện Dung mới sáng mắt, bèn tâu: “Em đã tỉnh ngộ.  Sinh Lão Bệnh Tử thật là đáng sợ, lo buồn khổ não trôi lăn chẳng dừng.  Cúi xin Vương huynh cho em xuất gia cầu Đạo...”
Sau, Thiện Dung chứng quả a-la-hán.
(theo một truyện cũ) 
 
GS NGUYỄN VĂN P
nguyên Hiệu trưởng
trường Trung học Tư thục Hưng Đạo Sài Gòn
 

No comments: