. Nguyễn Ngọc Bích | |
TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI
QUA MẤY BÀI THƠ THỂ TÍNH RA NIÊN-ĐẠI
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cách chúng ta trên sáu thế-kỷ, nên suy nghĩ của ông chắc phải khác chúng ta rất nhiều. Đây là một điều chúng tôi muốn đem ra cân đo, thử nghiệm trong bài viết sau đây, nhất là trong hoàn-cảnh chúng ta ở Mỹ, nơi mà người ta hay nói về “hố ngăn cách thế-hệ” (“generation gap” trong tiếng Anh) dễ làm cho cha mẹ, con cái không hiểu nhau. Nếu hai thế-hệ ngay gần kề nhau mà đã có thể không hiểu nhau, thậm chí có thể đi đến cả chỗ xung đột thì 20 thế-hệ hơn (nếu ta tính 30 năm là một thế-hệ), nhất định không thể nào ta dễ hiểu được thơ Nguyễn Trãi. Đó là chưa kể đến ngôn ngữ rất xa lạ với ngôn ngữ đời thường của chúng ta ngày hôm nay.
Đây là một chuyện mà chúng tôi đã có kinh-nghiệm bản-thân khi giảng dạy về văn-học cận-hiện-đại Việt Nam tại George Mason University cách đây cũng đã hơn 20, gần 30 năm (từ 1979 đến 1989). Nhiều điều mà thế-hệ tôi coi là đương-nhiên, không cần phải mất công giải thích dông dài, thì lại không đương-nhiên tí nào đối với các em 18, đôi mươi đến lớp tôi những năm đó. Thí dụ, ta (thế-hệ tôi) đương-nhiên coi truyện của Tự Lực Văn Đoàn là những truyện đáng đọc nhưng khi đưa vào chương-trình bắt các em đọc thì đa-phần không hiểu:
- Sự tổ-chức của xã-hội hồi đó (các em không hiểu vì chưa từng sống dưới một chế-độ thuộc-địa hay quan-liêu, các em không rõ, chẳng hạn, sự khác biệt giữa một ông tổng-đốc và một người cai tổng, hay các em không phân-biệt được giữa một ông tổng-đốc và một ông tuần phủ, lại cũng không rõ là phủ trên huyện hay ngược lại, không tách biệt được tổng hay xã hoặc làng v.v.).
- Những quan-niệm như khao vọng hay “ăn trên ngồi trốc” của thời bấy giờ, tỷ dụ, cách sắp xếp chỗ ngồi ở làng khi có cỗ (“một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”) hoặc chuyện người ta có thể đi đến xô xát vì một cái đầu heo, thủ lợn v.v.).
- Cách ăn nói thời đó, đặc-biệt là những cách rào đón có ẩn-ý, ngụ-ý (tế-nhị và rất xa lạ với cách nói bộc trực, không vòng vo tam quốc của các em lớn lên tại Mỹ).
Tóm lại, thế-giới TLVĐ là một thế-giới rất xa lạ với các em dù như một số vẫn còn đọc và viết khá lưu loát tiếng Việt. Nhất là các em gốc miền Nam vì các em có hỏi bố mẹ thì kinh-nghiệm của các bậc phụ huynh sinh sống ở miền Nam cũng rất khác kinh-nghiệm của những người cùng lứa ở ngoài Bắc hay ở miền Trung (từ các định-chế xã-hội đến cách cư xử, ăn nói: tỷ dụ, ở miền Nam người làm nhiều khi ăn cùng mâm cùng bàn với chủ trong khi một chuyện tương-tự không thể xảy ra được ở miền Bắc).
Sở dĩ chúng tôi phải hơi dông dài như trên đây, thậm chí còn có vẻ hơi lạc đề nữa, là vì chúng tôi muốn dẫn vào chuyện học hay thưởng thức văn-học VN cách ta nhiều thế-kỷ như trường-hợp thơ Nguyễn Trãi (1380-1442).
***
Tuy sống cách ta hơn 600 năm, Nguyễn Trãi cũng đã để lại cho chúng ta một sự-nghiệp văn-chương khá đồ sộ. Chỉ riêng thơ Nôm và Hán, chúng ta đã còn giữ được của ông khoảng 340 bài,(1) đủ để cho chúng ta biết khá cặn kẽ về những suy nghĩ, tư tưởng của ông. Tuy-nhiên, khác với một Nguyễn Chí Thiện, chẳng hạn, người đã ghi lại năm sáng-tác của khoảng 400 trên 700 bài thơ trong tác-phẩm Hoa Địa Ngục, Nguyễn Trãi không có thói quen làm chuyện này trong Quốc-âm thi-tập (QÂTT). Do đó nên ta buộc lòng phải đi vào tìm kiếm những nội-chứng (internal evidence) trong thơ của ông.
Về phương-diện này, rõ ràng nhất thì ta có 4 bài trong đó ông nhắc đến tuổi đời của ông:
Bài 22(2) (tức bài 21 trong phần II QÂTT, “Ngôn chí,” Nói lên cái chí của mình) trong đó có câu “Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi.” (Câu 1) Như vậy, bài này đã được viết vào năm 1419 (lối tính là: 1380 + 40 -1 = 1419).
Bài 120 (tức bài 9 trong phần VII QÂTT, “Tự thuật,” Kể về mình) trong đó có câu “Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.” (Câu 2) Thế có nghĩa là bài này viết khoảng 1420 hay một hai năm sau đó.
Bài 75 (tức bài 5 trong phần VI QÂTT, “Tự thán,” Than thân, than mình) trong đó có câu “Tuổi đã năm mươi, đầu đã bạc.” (Câu 7) Tính theo lối trên thì bài này viết vào năm 1429.
Bài 40 (tức bài 4 trong phần IV QÂTT, “Trần tình,” Nói ra lòng mình) trong đó có câu “Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế.” (Câu 7) Và như vậy, bài này phải viết sau năm 1429, sang thập niên 1430.
Thực ra thì cũng còn có đôi bài khác mà tuổi tác của ông cũng được nhắc tới. Một là bài 15 (tức bài “Ngôn chí 14” trong phần II QÂTT) với câu “Vừa sáu mươi dư tám chín thu” (Câu 1). Còn bài kia là bài 130 (tức bài 3 trong phần X QÂTT, “Bảo kính cảnh giới,” Gương quý nhắc nhở) trong đó có câu cuối “Tám chín mươi thì vạn sự không,” nghĩa là “Ở tuổi tám chín mươi thì mọi sự đều là không cả.” Sở dĩ hai bài này, ta không nên để trong thơ Nguyễn Trãi vì:
Theo bài 15 thì “sáu mươi dư [= thừa ra] tám chín thu” không thể hiểu như Đào Duy Anh mượn lời người khác mà giải thích là “nếu tính vừa 60 thì dư mất 8, 9 tuổi, tức là 51, 52 tuổi, như thế là đúng.” Đây là một cách đọc rất gượng, khó chấp nhận. Cách đọc của Nguyễn Thạch Giang, chúng tôi thấy có lý hơn: “Theo câu này thì Nguyễn Trãi bấy giờ 68, 69 tuổi. Nhưng theo Gia phả dẫn trong mục Sự trạng của sách Ức Trai di tập thì Nguyễn Trãi thọ 63 tuổi. Chúng ta có nhiều chứng cớ tỏ rằng khi Nguyễn Trãi bị giết thì ông 63 tuổi là phải.”(3) (Nguyễn Thạch Giang cũng có lý khi cho là dựa vào câu cuối bài này, “Dạy láng giềng mấy sĩ nho,” thì gần như chắc chắn đây là thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm vì chúng ta hoàn-toàn không có thông tin nào là Nguyễn Trãi về già đã từng làm nghề dạy học.)
Còn bài 130 thì ta có hai cách hiểu: Nếu “tám chín mươi” là tuổi thật của tác-giả thì chuyện này chắc chắn không thể là trường-hợp của Nguyễn Trãi (trường-hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm thì có thể vì ông sống đến tuổi 95, 1491-1585), còn nếu theo như Đào Duy Anh đây là chuyện giả-thuyết “nếu sống đến tám chín chục tuổi” thì đó không còn là chuyện tuổi thật nữa, trường-hợp đó thì ta không cần bàn tới.
***
Tóm lại, ta có 4 trường-hợp trong thơ Nôm Nguyễn Trãi trong đó ta biết được chắc hay cũng gần chắc tuổi của ông khi ông viết ra mấy bài này:
Ở tuổi (ta) 40 khi ông viết bài 22 trong QÂTT (năm 1419).
Một hai năm sau đó, nghĩa là khoảng tuổi 41-42 trở lên khi ông viết bài 120 QÂTT (khoảng năm 1921-22 hay liền sau đó).
Ở tuổi 50 khi ông viết bài 75 trong QÂTT (năm 1429).
Và ở tuổi 50+ khi ông viết bài 40 QÂTT (sớm nhất là 1429, gần như chắc chắn là sang đầu thập niên 1430), khoảng 10 năm trước khi ông mất (bị giết) năm 1442.
Tâm-sự lúc mới ra thi thố với đời (khoảng 1400-1407)Nói cách khác, trong mấy bài trên đây ta có được ít nhiều tâm-sự của Nguyễn Trãi ở phần ba cuối đời của ông. Nhưng liệu ta có bằng-chứng gì rõ ràng về tuổi trẻ của ông mà đến từ tay ông không? Tôi thiết tưởng ta cũng có thể biện ra mấy bài này mà ta có thể hiểu là ông đã viết khi mới rời việc học:
Bài 34 (Phần III, “Mạn thuật 12”):
Trường văn nằm ngả / mấy thu dư,
Uổng tốn công nhàn / biện lỗ, ngư.
Còn miệng tựa bình / đà chỉn giữ,
Có lòng bằng trúc / mỗ nên hư.
Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.
Chỉn sá lui mà thủ phận,
Lại tu thân khác, mặc Thi, Thư.
Theo bài này thì ta biết là ông đã có “mấy thu dư” (= mấy năm có thừa) ở “trường văn.” Song “mấy thu dư” là bao nhiêu thu (= năm)? Bài 7 (Phần II, “Ngôn chí 6”) xem chừng có thể trả lời được một cách chính-xác:
Trường ốc ba thu uổng mỗ-danh, Chẳng tài đâu xứng chức “tiên-sinh”! Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử, Thuyền mọn khôn đua biển lục kinh. Án sách, cây đèn, hai bạn cũ; Song mai, hiên trúc, một lòng thanh. Lại mừng nguyên-khí vừa thịnh, Còn cậy vì hay một chữ đinh.
Người đọc ngày nay có thể hiểu “ba thu” là đúng 3 năm. Nhưng có lẽ người xưa dùng thành-ngữ này trong một nghĩa bất định, có nghĩa là ta có thể hiểu thành “vài ba,” từ 2-3 đến 4-5 năm. Ủng-hộ cho cách đọc này thì ta có một sự mô-tả đích-xác hơn trong bài 36 (Phần III, “Mạn thuật 14”):
Án tuyết mười thu uổng độc thư, Kẻo còn lọt đọt chữ Tương Như. Nước non kể khắp quê Hà Hữu? Sự-nghiệp nhàn khoe phú Tử-hư. Con mắt hoà xanh, đầu dễ bạc; Lưng khôn uốn, lộc nên từ. Ai ai đều đã bằng câu hết: Nước chẳng còn có Sử Ngư.
Xem ba bài này, ta có thể nghĩ mà không sợ sai là cả ba bài đều nói đến cái ăn học của Nguyễn Trãi. Dù là “ba thu,” “mấy thu dư” hay “mười thu” thì ta vẫn không thể biết được là tính từ thời-điểm nào. Vì thế nên ta chỉ có thể đưa ra một vài giả-thuyết:
Cái học mà Nguyễn Trãi nói đến ở đây - “trường văn,” “trường ốc” (= nhà trường), “độc thư” (= đọc sách)—có lẽ không có ý nói đến chuyện đi học “mẫu-giáo” như ta nói ngày nay mà chủ-yếu là nói đến cái học “đại-học,” cái học “Thi, Thư” (tức Kinh Thi và Kinh Thư), cái học “vườn chư tử” và “biển lục kinh” (các kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu). Như vậy ta phải hiểu là tính từ độ tuổi 17 và như thế, “ba năm” có nghĩa tối-thiểu là 17 + 3 = 20 tuổi, “mấy năm dư” có nghĩa là khoảng 22-23, và “mười thu” có nghĩa là 17 + 10 = khoảng 27 tuổi.
Nếu cách đọc do tôi đề nghị mà có lý thì ở đây ta lại có ba bài cho ta thấy tâm-sự của Nguyễn Trãi ở khoảng tuổi 20-25, nghĩa là khi ông còn đang ăn học, theo đuổi “Thi, Thư” hay mới học xong để có thể thi đậu thái-học-sinh(4) (tương-đương với tiến-sĩ sau này, vào năm 1400) dưới thời nhà Hồ (1400-1407).
Hai bài đầu viết xem chừng không xa nhau lắm nhưng lại phản ánh hai tâm-trạng gần như đối nghịch nhau. Nếu trong cả hai bài (đều có than là “uổng” công học hành), nhất là trong bài 7, Nguyễn Trãi tỏ ra khiêm nhường về cái học của mình, trong bài 34 ông còn tả một tình-trạng cần phải thủ thân, giữ mình giữ miệng:
… miệng tựa bình đà chỉn giữ, . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Chỉn sá lui mà thủ phận, Lại tu thân khác, mặc Thi, Thư.
Đây có thể là vì bài thơ đã được viết ra vào lúc nhà Trần đang suy sụp và Hồ Quý Ly đang có ý lên thoán ngôi (1400): Chỉ nên rút lui mà giữ lấy cái thân / phận cho mình đã là khó, hãy dẹp bỏ sang bên, quên đi chuyện theo học các thánh hiền qua Kinh Thi và Kinh Thư để tìm đường “tu thân” khác.
Ngược lại, bài số 7 thì lạc-quan hơn hẳn. Nguyễn Trãi vẫn nói biếm về mình (“Chẳng tài đâu xứng chức ‘tiên-sinh.’ / Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử, / Thuyền mọn khôn đua biển lục kinh.”) nhưng tâm-trạng có lẽ đã lắng xuống và ông tỏ ra lạc-quan về đất nước (“Lại mừng nguyên-khí vừa thịnh” lên xong) nên ông hãnh-diện là mới chỉ hay (= biết) có một chữ “đinh” (nghĩa là một chữ quá dễ trong chữ Hán, tượng-trưng cho một cái vốn còn nông cạn) song đã có thể cậy vào đó mà ra phục-vụ, ra giúp nước.
Trong bài thứ ba, tức bài 36, Nguyễn Trãi tỏ ra chán ngán với thế-thái nhân-tình, than van là “ai ai đều bằng câu hết,” nghĩa là ai cũng đã trở nên cong [lưng] như cái lưỡi câu nên Nguyễn Trãi không thể tham-gia vào cái xã-hội đó: “Lưng khôn uốn” nên “lộc” quan đã phải “từ.”
Như vậy, ba bài viết khoảng 20-25 tuổi của Nguyễn Trãi cho thấy là ông, tuy đã được ăn học tử tế song vẫn tỏ ra bi-quan về thời-cuộc, và có lẽ chỉ thấy loé lên một tia hy-vọng khi nhà Hồ vừa mới lên ngôi… để rồi lại vỡ mộng: “Một thân lẩn quất đường khoa mục, / Hai chữ mơ màng việc quốc gia.” (Bài 8 QÂTT, “Ngôn chí 7” viết có lẽ cũng cùng thời với bài 36). Một khẳng-định về lòng yêu nước mà chưa có lối thoát!
Mười năm nghiền ngẫm (1407-1417)
Giai-đoạn sau trong đời ông, nghĩa là khoảng 10 năm từ 1407 đến 1417, Nguyễn Trãi một mặt thì bị Trương Phụ, tướng nhà Minh, quản-chế ở Đông-quan (tên nhà Minh áp đặt ra cho thành Thăng-long), một mặt thì nhớ lời cha dặn ở ải Nam-quan(5) đem tâm nghiền ngẫm nghiên cứu sách-lược đánh đuổi quân xâm-lăng.
Thời-gian này, ta có thể nghĩ là ông ít có thời giờ hay tâm can nào để làm thơ mà tập trung vào việc suy nghĩ đến chuyện cứu nước với sản-phẩm đúc kết sẽ là cuốn Bình Ngô sách mà theo truyền-thuyết(6), ông đem dâng Lê Lợi như một quốc-sách để đánh đuổi quân Minh khi được gặp ở Lỗi-giang(7) (1421). Thời-gian này, có lẽ ta chỉ chắc chắn được là ông viết bài thơ nổi tiếng nhất trong Quốc-âm thi-tập, bài để ngay ở đầu tập, bài thủ-vĩ-ngâm “Góc thành Nam lều một căn.”(8)
Thủ-vĩ-ngâm Góc thành Nam lều một căn. No nước uống, thiếu cơm ăn. Con đòi trốn / dễ ai quyến, Bà ngựa già / thiếu kẻ chăn. Ao bởi hẹp hòi / khôn thả cá, Nhà quen xuế xoá / ngại nuôi vằn. Triều-quan chẳng phải, ẩn chăng phải! Góc thành Nam lều một căn.
Trong bài này, tâm-trạng của ông xem chừng là tâm-trạng của một nhà nho nghèo (mà người xưa gọi là “hàn-nho”) nhưng có tự-trọng, biết giá trị mình nên không than van, dù có lúc thiếu thốn mà có lẽ là nằm chờ thời, chờ cơ-hội ra giúp nước, cứu dân. Cơ-hội này, Nguyễn Trãi sẽ có khi tham-gia vào một hội thề chung, cắt máu ăn thề với một số tướng tá đầu tiên trong lực-lượng nghĩa-quân Lam-sơn đi theo về với Lê Lợi năm 1416 ở Lũng-nhai(9). Vì tầm đặc-biệt quan trọng của bài thơ này nên tôi xin mạn phép dịch nghĩa sang tiếng Việt ngày nay như sau:
Ở góc phía Nam thành [Hà-nội bây giờ], [ta có] một túp lều, Nơi đây nước uống thì dư thừa nhưng cơm ăn thì không đủ, bữa có bữa không. Con ở trốn đâu mất, ý chừng có người đã dụ đi theo họ mất rồi; Thậm chí con ngựa cái già cũng không có nổi một người dắt đi ăn cỏ. Do nhỏ tí (hẹp hòi) nên cái ao trước nhà không thả cá được, Còn nhà ta thì quen xuề xoà [bầy biện qua loa] nên cũng ngại nuôi chó vện. Quan trong triều đã chẳng phải, làm ẩn-sĩ cũng không! Ở góc phía Nam thành, ta có một túp lều [gianh, không phải lều vải như bây giờ].
Sáu câu đầu và câu cuối xem ra không có gì khó hiểu: điều đáng chú ý có chăng là cái giọng điệu hơi tự-trào một chút, cười mình nhưng cũng nhẹ nhàng thôi! Riêng chỉ có câu 7 là đáng nói: “Triều-quan” thì Nguyễn Trãi đã hết làm quan nhà Hồ từ lâu, còn ra làm quan với quân xâm-lược nhà Minh, như Trương Phụ muốn, thì nhất định không thể có chuyện đó rồi. Nhưng muốn rút lui đi ở ẩn thì cũng không dễ bởi Trương Phụ, nghe theo Hoàng Phúc, đã giam lỏng Nguyễn Trãi ở Đông-quan, cũng tựa như Pháp hơn 500 năm sau sẽ giam lỏng Phan Bội Châu ở Huế trong 16 năm cuối đời ông (1926-1940).
Vào giai-đoạn này, cái bế tắc của đời ông có lẽ là cái day dứt lớn nhất trong suy tư của Nguyễn Trãi. Vì thế nên có lẽ bài 37 trong QÂTT (Phần IV, “Trần tình 1”) tuy không thuộc về giai-đoạn này (vì theo câu đầu bài, ông đã “gặp hội phong vân,” nghĩa là ra làm quan với nhà Hồ, cõ lẽ thế) song vẫn nói lên cái ưu tư của ông ở thời-gian ông chưa có kế-sách nào để giúp nước cả, đặc-biệt là hai câu 7-8:
Quốc phú, binh cường, chăng [= chẳng] có chước, Bằng [= như] tôi nào thửa ích chưng dân.
Theo Đào Duy Anh, một trong những bài thơ chữ Hán cuối cùng Nguyễn Trãi làm ra trong Ức Trai thi-tập (ƯTTT) trước khi ra làm quan với nhà Lê là bài “Hải-khẩu dạ bạc hữu cảm” (“Làm ra lúc đậu thuyền ban đêm ở cửa biển,” bài 16 trong ƯTTT theo cách tính của cụ)(10). Nếu cụ Đào đúng thì bài này có lẽ viết trước năm 1427 sau “mấy chục năm” (sổ thập niên) giang hồ, cũng có cùng một tâm-sự (trong hai câu 7-8):
Bình sinh độc bão tiên ưu chí, Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên.
(Cả đời ôm ấp lòng “lo trước” [cái lo của dân]
Ngồi ôm chăn lạnh thức thâu đêm.)
Hai thập niên cuối đời, ngẫm nghĩ về lòng người và lý-tưởng
Chúng tôi xin trở lại bốn bài thơ nêu ra ở đầu bài viết. Với lý-tưởng “lo trước cái lo của dân” (tiên-ưu-chí), cố tìm ra “chước” nào có thể đem lại dân (hay ít nhất cũng nước) giàu, binh mạnh, Nguyễn Trãi ở tuổi 37 đã quyết-định đi vào con đường dấn thân kháng-chiến (hội thề Lũng-nhai, 1416). Từ trước đến giờ đã có một số người nghĩ rằng Nguyễn Trãi đã có Bình Ngô sách ngay từ lúc này rồi và cho rằng ông đã dâng sách ấy lên cho Lê Lợi từ đây. Thực ra, Lê Lợi đến tháng Giêng năm Mậu-tuất (1418) mới dựng cờ khởi nghĩa ở Lam-sơn và mấy năm đầu (có thể nói là 5 năm đầu, cho đến 1423) hoàn-toàn dựa vào những chiến-thắng quân-sự. Giai-đoạn này ta chưa trông thấy rõ lắm ảnh-hưởng của lối phối-hợp quân-sự và ngoại-giao mà Nguyễn Trãi chủ-trương như trong Quân-trung từ mệnh tập để bớt phải làm hao tổn xương máu của cả quân ta lẫn quân địch. Nói cách khác, lúc đầu chưa chắc Nguyễn Trãi đã được tin ngay, Lê Lợi còn nghe những người phụ giúp khác, có lẽ vì thế mà đến năm 1419, trong bài 22, Nguyễn Trãi còn nói ở tuổi 40 (trong hai câu 3-4):
Thế-sự người no ổi tiết bảy, Nhân-tình ai ủ cúc mùng mười?
có nghĩa là tháng 7, ổi chín nên người ta tha hồ ăn no loại trái cây này, đâu còn ai “ủ” (= chăm nom, ủ ấp) “cúc mùng mười,” loại cúc quá đát vì người ta chỉ chơi cúc vào ngày trùng cửu mồng 9 tháng 9 mà thôi. Tóm lại, ở giai-đoạn này, Nguyễn Trãi chưa đến nỗi bi-quan, giọng bài thơ còn khá vui đời, tin tưởng, lạc-quan (câu 2: “Ngày tháng bằng thoi / một phút cười,” câu 5-6: “Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc, / Cây đến ngày xuân lá tươi.”) và lòng thanh thản (câu 7-8: “Phú quý chẳng tham / thanh tựa nước, / Lòng nào vạy mỗ [mà có thể làm cong được ta] hơi hơi [dù chỉ là tí chút].” Ông chỉ nhận-định một cách khá khách-quan: Trái cây cũng như hoa lá đều có mùa, ai gặp thời thì ăn, ai quá thời thì bị người ruồng bỏ, thế thôi! Rất khách-quan!
Ít năm sau (“ngoại tư mươi,” nghĩa là ít năm sau tuổi 40, khoảng đầu thập niên 1420) thì tâm-trạng ông đã đổi khác nhiều. Cuộc đời dưới mắt ông đã trở thành một bi-hài-kịch và cá-nhân ông tỏ ra khá bi-quan:
Ở thế nhiều phen thấy khóc cười, Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi. Lòng người một sự yêm chưng một [mỗi sự là một ghét], Đèn khách mười thu lạnh hết mười. Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn, Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi. Ai ai đều có hai con mắt: Xanh bạc dầu chưng mặt chúng cười.
Tình-hình là mới được dăm năm kháng-chiến, chưa biết ai được cái gì song sự kèn cựa đã thấy hiển lộ: gặp “phượng,” hàng vua của loài chim, thì người ta lại tiếc không cho nó bay lên cao, chỉ cho “diều” tức “diều hâu” (“vultures” trong tiếng Anh) thì tha hồ bay lượn, cũng tựa như “hoa (= cái đẹp) thì hay héo, cỏ (= cái tầm thường thì) thường tươi.” Chỉ may ra còn vớt vát được sự thật này: Người đời còn biết dành con mắt xanh cho người có giá và con mắt trắng (“bạc” ở thế-kỷ XIII cũng như thời Nguyễn Trãi có nghĩa là “trắng”) cho người mình không ưa hay khinh.
Đến tuổi 50 (vào năm 1429), trong bài 75 QÂTT, Nguyễn Trãi đã thấy “hổ” thẹn (= mắc cỡ) vì hồi trẻ còn thích đua đòi để có tiếng là học giỏi rồi sau đó “luỵ vì danh.” Giờ đây, ông chỉ còn muốn làm quen với cúc, với thông, còn “lượm chân tay” nghĩa là co chân co tay lại vì ngại đến chốn cửa quyền, dành thời giờ làm thơ, đọc sách. “Tuổi đã năm mươi, đầu đã bạc, / Ý còn bìu rịn lấy chi vay?” Nghĩa câu cuối: Vậy thì ý còn nấn ná, bị giữ chân lại, bịn rịn bởi cái gì? “Đi về sao chẳng về đi?” (dịch “Quý khứ lai từ” của Đào Tiềm)
Ít năm sau nữa, ở tuổi 52-53 gì đó (vào khoảng năm 1431-32, nghĩa là 10 năm trước khi ông gặp nạn), ông xem chừng đã hết tin ở người đời và chỉ còn biết trông vào trời cao (trong bài 40 QÂTT):
Lồng lộng trời / tư chút đâu! Nào ai chẳng đội ở trên đầu? Suông cửa ngọc / vân yên cách, Giãi lòng đan / nhật nguyệt thâu. Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ, Quạt hay thu lạnh quạt sơ thu. Ngoài năm mươi tuổi / ngoài chưng thế, Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.
Một vấn-đề đặt ra ở đây bởi bài này cũng có thấy ghi trong Bạch-vân thi-tập (bài 59) của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Thành thử chúng tôi không dám mạnh miệng lắm khi khẳng-định đây là những tư tưởng của Nguyễn Trãi khoảng 10 năm trước khi ông chết. Đến đây, có lẽ ông đã chán đời làm quan vì tất cả những cái ganh tị nhỏ bé của người khác (như Lương Đăng trong việc ấn-định triều-nhạc) hay những âm-mưu của các bà vợ vua nhằm tìm cách đưa con mình lên làm thái-tử, nên ông đã hơn một lần xin về quê hưởng nhàn ở Côn-sơn (“Côn-sơn có suối nước trong, / Suối nghe róc rách như cung đàn cầm…” dịch bài “Côn-sơn-ca”). Song ông vẫn bị gọi ra, và mỗi lần ra là một lần bực mình - để cuối cùng phải chết thảm vì sự đam mê của vua với nàng Thị Lộ, tiểu-thiếp của ông.
Tới đây, ông kêu lên đến tận Trời cao (mà ta cũng có thể hiểu được là ngụ ý vua Lê Thái-tông nữa) song ông cũng không tin tưởng lắm, vì lời của ông chưa chắc đã thấu được đến Cửu Trùng. Đó có lẽ là ý như bản dịch nghĩa bài trên cho ta thấy:
Lồng lộng trời cao, đâu có tư-vị ai đâu! Thì ai mà chẳng (phải) đội ở trên đầu? Nhìn suông cửa ngọc (lên Thiên-đình) vì có mây khói che, Phơi lòng đỏ (= trung) chỉ có mặt trời, mặt trăng thâu nhận. Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ [là chuyện đương-nhiên], Quạt biết thu lạnh thì quạt phải thu về [cũng là dễ hiểu]. Ngoài năm mươi tuổi là cũng như ra ngoài trần-thế rồi, Hẳn đã tròn được bằng nước ở bầu?
Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ
Ngày 19-VII-2007
Chú thích:1. Nguyễn Ngọc Bích, “Về lô-gích của cách đọc chữ Nôm,” Văn Học 234 (tháng 11&12, 2006), trang 40.
2. Trong một thời-gian khá lâu, từ khi Ức Trai di-tập, 7 cuốn (trong đó Quốc-âm thi-tập là cuốn cuối cùng), do Dương Bá Cung (1795-1868) thu thập trong vòng hơn 10 năm, được in thành sách (1868) cho đến năm 1956, người ta chỉ biết thơ Nguyễn Trãi qua một vài bài thơ Nôm lưu-hành (“Ả ở đâu mà bán chiếu gon?” và sách Gia-huấn-ca mà ngày nay gần như không còn ai xem là thơ của ông nữa). Đến năm sau này, lần đầu tiên Quốc-âm thi-tập được hai cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm toàn-bộ sang Quốc-ngữ (NXB Văn Sử Địa, 1956) song vì đây là lần đầu tiên cuốn sách được phiên âm sang Quốc-ngữ nên còn nhiều chỗ đáng ngờ. Ở trong Nam, Phạm Văn Diêu cũng có một bản phiên âm sang Quốc-ngữ nhưng chỉ lưu-hành rất giới-hạn trong học-giới. Bản phiên âm của Đào Duy Anh trong Nguyễn Trãi Toàn tập (NXB Khoa Học Xã hội, 1976) được xem là một bản mẫu mực song vẫn còn khá nhiều lỗi do lối làm việc tuỳ tiện của cụ. Ở bên Pháp, Paul Schneider (Xuân Phúc) có cuốn Nguyễn Trãi et son recueil de poèmes en langue nationale (Paris: CNRS, 1987) đưa ra được một vài cách phiên âm có cơ-sở hơn. Ở trong Nam rồi ra hải-ngoại, G.S. Lê Hữu Mục cũng đã hoàn-tất (tuy công-trình này mới chỉ được công-bố từng phần) một luận-án nghe đâu tới 1000 trang về cách đọc mà ông cho là chính-xác hơn hết. Ở đây, chúng tôi xin tạm theo bản phiên âm của Nguyễn Thạch Giang, Quốc âm thi tập (NXB Thuận Hoá, 2000), tuy cũng có chỗ chúng tôi chưa thể hoàn-toàn đồng-ý được. Bài 22 là ở trang 81 NT Giang 2000, bài 120 ở trang 215, bài 75 ở trang 158, và bài 40 ở trang 108.
3. NT Giang 2000:68-69.
4. Năm 1400, “nhà Hồ mở khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ). Lấy đậu 20 người, trong số đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân…” (Viện Văn Học [Hoàng Trung Thông và ngkh], Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1980, trang 330)
5. Sau khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, cha con Hồ Quý Ly và các triều-thần bị bắt đưa về Trung-quốc, trong số có Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi. “Được tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng đến chỗ quân Minh giam giữ tù binh để tìm cha, rồi hai anh em theo đoàn xe tù lên ải Nam-quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù. Nguyễn Phi Khanh biết rằng ông đi chuyến này lả để không bao giờ trở về Tổ quốc nữa, cho nên nhân một lúc vắng vẻ, ông bảo Nguyễn Trãi rằng: ‘Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha khóc như đàn bà mới là hiếu sao?’ ... Nguyễn Trãi gạt nước mắt từ biệt cha và em rồi quay trở lại tìm con đường ‘rửa nhục cho nước, trả thù cho cha,’ đúng như lời giáo huấn [của ông].” (Viện Sử học [Đào Duy Anh và ngkh], Nguyễn Trãi Toàn tập, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1976, trang 13)
6. Trong một thời-gian lâu, vấn-đề Nguyễn Trãi về theo với khởi nghĩa Lam-sơn từ năm nào là một điều không rõ lắm. Theo Việt-sử thông-giám cương mục và một số tài-liệu từ thế-kỷ XIX (như Nhị-khê Nguyễn-tộc thế-phả và bài đề tựa Ức Trai di-tập của Nguyễn Năng Tĩnh) thì vào khoảng 1421 hay sau đó một chút, ông vào Lỗi-giang (ở Thanh-hóa) tìm gặp Lê Lợi và trao cho ông bản Bình Ngô sách. Nhưng cụ Hoàng Xuân Hãn, trong “Những Lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ XV)” (Tập san Sử Địa số 1/1966, trang 3-23, số 2, trang 11-28), và Đặng Nghiêm Vạn, trong “Tìm thấy gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú” (Nghiên cứu lịch sử số 105, tháng 12/1967, trang 42-49, 56), đã chứng minh được là Nguyễn Trãi có mặt ở hội thề Lũng-nhai (1416), một điều được xác-nhận bởi một bản Lam-sơn thực-lục phát hiện được ở trong nhà dòng họ Lê Sát (Ty Văn hóa Thanh Hóa xb, 1978). Dựa vào những điều mới được phát hiện này, tập-thể tác-giả thuộc Viện Văn học Hà Nội, trong cuốn Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc (sđd, trang 331) “tạm xếp việc dâng Bình Ngô sách vào thời gian này.” Chúng tôi cho đây là một sự hiểu lầm vấn-đề. Ráp tất cả các nguồn tin trên, cả mới lẫn cũ, chúng ta có thể hiểu như thế này:
- Năm 1416, Nguyễn Trãi có mặt ở hội thề Lũng-nhai cùng với 17 người khác để thề bồi với Lê Lợi là tham-gia vào kháng-chiến chống Minh. Lúc này, chưa có Bình Ngô sách.
- Hai năm sau, đến 1418, Lê Lợi mới thực-sự khởi nghĩa vì cần một thời-gian chuẩn-bị.
- Giai-đoạn đầu, 1418-1421, thuần quân-sự. Chưa có vấn-đề chiến-lược lớn.
- Năm 1421, đúc kết kinh-nghiệm mấy năm đầu kháng-chiến và có lẽ cũng để tiết-kiệm xương máu, Nguyễn Trãi mới có Bình Ngô sách với quan-niệm “tâm-công” (mà nhiều người đã hiểu lầm thành “công tâm,” đánh vào lòng người) để dâng lên Lê Lợi ở Lỗi-giang. Từ đó, vai trò của Nguyễn Trãi mới nổi bật khi Lê Lợi cho phép ông đem áp-dụng sách-lược mới, để có thể hạ được 14 thành mà không cần đến đổ máu (như ta thấy còn ghi trong Quân-trung từ mệnh tập).
7. Theo Viện Văn học 1980:57 thì Lỗi-giang là “tên một miền trên bờ sông Mã nằm giữa huyện Cẩm Thủy, huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.” Cũng theo sách này, nơi cước-chú trang 331, thì “trước đây có tài liệu ghi rằng Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang năm 1420; một số tài liệu khác lại ghi: Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa và dâng Bình Ngô sách năm 1426.” Đã đến lúc ta phải dứt khoát cho những thông tin này là sai.
8. NT Giang 2000:43. Chữ cuối câu đầu, tôi chủ-trương đọc là “căn” thay vì “gian” như ta thấy trong hầu hết các bản phiên âm khác (Xem NN Bích, bđd, trang 44).
9. Xem chú-thích 6 trên đây.
10. Viện Sử học 1976:284. |
No comments:
Post a Comment