Monday, August 27, 2012

LÊ TÙNG MINH * XÃ LUẬN

Trung Tâm William Joiner đã  Xúc Phạm đến Quyền Lợi và Danh Dự
của Toàn Thể Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Trên Khắp Thế Giới

Lê Tùng Minh


Trong vài tháng gần đây đã có dư luận xôn xao và rất bất mãn trong các cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản trên thế giới, đặc biệt là Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn ở Mỹ, về một việc làm có tính chất xúc phạm đến quyền lợi và danh dự của toàn thể Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản trên khắp thế giới của một tổ chức mang tên là William Joiner Center (WJT).
WJC là một tổ chức trực thuộc University of Massachusetts (UMass) ở Boston, do tiến sĩ Kevin Bowen làm giám đốc. Nhiệm vụ chính của trung tâm này là "nghiên cứu về chiến tranh và những hậu quả xã hội của nó" (for the study of war and social consequences).
Năm 1999, đại học UMass Boston đã được tổ chức "Rockefeller Foundation Humanities Fellowship"  (Quỹ học bổng nhân văn Rockefeller) cấp cho một ngân khoản tài trợ trong thời gian 4 năm để tiến hành nghiên cứu một công trình khoa học nhân văn, mang tên là "Giải thích và tái giải thích đặc trưng và vị trí của cộng đồng Việt Nam tị nạn trên thế giới" [(Re) Constructing Identity and Place in Vietnamese Diaspora]. Công trình khoa học nhân văn quan trọng này được giao cho WJC thực hiện.
Người đứng đầu một Hội Đồng Thường Trực (Director for the Standing Committee) chỉ đạo việc nghiên cứu chương trình khoa học nhân văn mang tên rất dài đã nêu ở trên, là ông tiến sĩ Kevin Bowen.  Và theo ông thì "Chương Trình này là kết quả về sự cộng tác rộng rãi của nhiều phân khoa đại học khác nhau: Chương trình nghiên cứu người Mỹ gốc Á Châu. Liên minh Thanh niên Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, Chuơng trình nghiên cứu Đông Á học; và Trường Cao Đẳng Giáo Dục, Viện Nghiên Cứu người Mỹ gốc Á Châu cùng với WJC - cơ quan trực tiếp nhận tài trợ và quản lý chương trình"  (This program is the result of an extensive collaboration among several university departments. They include the Asian American studies Program, the Coalition for Asian Pacific American Youth, the East Asian Studies Program, The Graduate College of Education, Institute for Asian American Studies, and the WJC, the recipient and administrator of the grant ). Cũng theo tiến sĩ Kevin Bowen, mục tiêu nghiên cứu của công trình khoa học nhân văn này là  "khảo sát những hình thái khác nhau của các cộng đồng Việt Nam, giải thích và chỉ rõ những hậu quả về lịch sử, văn hóa, và tính đồng nhất trên thế giới của những người Việt tị nạn (to explore the ways various Vietnamese communities define and address the issues of their history, culture, and identity in the world of the diaspora).
Theo tài liệu gọi là "Rockefeller Foundation Humanities Fellowship - UMass Boston Program Plan" (Dự án chương trình xử dụng tiền tài trợ nghiên cứu do quỹ Học Bổng nhân văn Rockefeller cấp cho Đại học Massachusetts ở Boston) đã cho chúng ta biết: WJC sẽ tiến hành nghiên cứu các chuyên đề phục vụ cho công trình khoa học nhân văn (đã nêu ở trên) trong vòng 3 năm, được phân định như sau:
     1. Năm thứ nhất tập trung nghiên cứu chuyên đề "Nghiên cứu và giải thích lịch sử Việt Nam" (Examining Constructions of Vietnamese history).
     2. Năm thứ hai tập trung nghiên cứu chuyên đề: Những ý kiến phát biểu về các chuyên đề: "Những ý kiến phát biểu về các vấn đề: nghiên cứu văn học, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong các cộng đồng người Việt lưu vong trên khắp thế giới" (Emerging Diaspora Voices: Exploring Vietnamese Literature, language, and culture in the Diaspora).
     3. Năm thứ ba, từ kết quả nghiên cứu của 2 năm đầu, làm cơ sở cho việc nghiên cứu chuyên đề chính là "Giải thích và tái giải thích đặc trưng và vị trí cộng đồng người Việt tị nạn trên khắp thế giới, trong một viễn cảnh lâu dài" [(Re) Constructions of Vietnamese Identity and Place in the Diaspora: A long term perspective].
     4. Năm thứ tư sẽ là năm tổng kết những thành tựu nghiên cứu trong 3 năm đầu. Và công trình nghiên cứu khoa học nhân văn mang tầm cỡ quốc tế này sẽ được dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường Đại học Mỹ, và lưu trữ ở các Thư Viện Quốc Gia được coi như là tài sản văn hóa giáo dục của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

o0o

Là một thành viên của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản, đã định cư ở Hoa Kỳ, và là một người làm công việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi rất hoan nghênh mục đích nghiên cứu lịch sử nhân văn của cộng đồng người Việt tị nạn trên khắp thế giới của WJC do tiến sĩ Kevin Bowen đứng đầu. Kết quả đến đâu? Chính xác hay không đúng? Sâu sắc hay hời hợt? Và hậu quả của công trình nghiên cứu đó có giá trị lịch sử và thực tiễn như thế nào? Chúng ta phải đợi sau 4 năm nghiên cứu thì mới phán xét được.
Nhưng điều quan trọng mà chúng tôi muốn gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho toàn thể cộng đồng người Việt tị nạn trên toàn thế giới, và cho công luận chân chính trên trường quốc tế, mà đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nhìn thấy được một sai lầm không thể chấp nhận của tổ chức William Joiner Center thuộc UMass Boston.
Đó là vấn đề tuyển chọn nhân sự.
Trước hết, là việc mời 2 nhà nghiên cứu văn học cộng sản từ Hà Nội sang, mà theo tiến sĩ Kevin Bowen thì "hai học giả từ Việt Nam là 2 cây bút được văn giới hải ngoại trân trọng và chấp nhận, với những tác phẩm đã được đăng tải hoặc phê bình trên những tạp chí hải ngoại có tầm cỡ ở Mỹ như Hợp Lưu, Văn Học, Vietnamese Review, và tờ Xứ Quảng ở Boston". ("The two invited fellows from Vietnam are scholars whose works has been well received and highly respected in the Diaspora, having been published or reviewed in such major Vietnamese Journals in the US as Hop Luu, Van Hoc, Vietnam Review, and here in Boston in Xu Quang").
Hai "học giả" (từ của Kevin Bowen) đó là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. Họ sang Mỹ bởi sự tài trợ của WJC (lấy trong ngân khoản tài trợ của Rockefeller Foundation) với tư cách gọi là "sự cộng tác" (the collaboration), và đảm trách nghiên cứu những vấn đề rất quan trọng như sau:
     -  Hoàng Ngọc Hiến sẽ nghiên cứu về "văn phong, chủ đề và những nguồn sáng tác ở hải ngoại, đặc biệt chú trọng về tình yêu và sự gắn bó với quê hương" ("study the styles, themes, and sources of overseas writings, with particular emphasis on the treatment of love and the attachment to the land")
     -  Nguyễn Huệ Chi sẽ "sưu tầm và phân tích các tác phẩm phê bình về văn hóa cổ điển Việt Nam - sự nối tiếp, thay đổi và biến dạng của hình thái này trong môi trường hải ngoại" (collect and analyse overseas criticals writings on classical Vietnamese culture - its continuity, change, and transformation in the overseas environment). (Theo "Grant Proposal, và Press Release", on April 15, 2000).
Thật sự, hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi có đúng là "hai cây bút được văn giới hải ngoại trân trọng và chấp nhận" như lời tuyên bố của tiến sĩ Kevin Bowen hay không? Hay là ông ta tuyên bố theo sự cố vấn của ai? Bởi vì từ lời tuyên bố trên đây của tiến sĩ Kevin Bowen, cho nên chúng tôi buộc phải trao đổi trực tiếp với ông mà thôi.
Thưa ông tiến sĩ, ông đã nhận định không đúng về cách nhìn của văn giới Việt Nam hải ngoại đối với 2 cây bút mà ngài xem là "học giả" nổi tiếng đó. Văn giới Việt Nam hải ngoại đâu chỉ bó hẹp trong các tờ báo mà ông đã dẫn, và các tờ báo đó đâu phải là "những tạp chí hải ngoại có tầm cỡ" (in such major Vietnamese Journals) như ngài tiến sĩ đã ca ngợi  (!?). Tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác là một tờ báo "hợp tác đắc lực" với cái gọi là: "giao lưu văn hóa" của cộng sản Việt Nam! Bản thân Nguyễn Mộng Giác đã được Hà Nội thưởng công bằng cách cho phép tác phẩm "Sông Côn Mùa Lũ" của ông ta được xuất bản lưu hành ở trong nước hồi tháng 8/1998. Và chính Nguyễn Mộng Giác là một cây bút đóng góp cho sản phẩm "giao lưu văn hóa" của Cộng Sản Việt Nam, bằng Anh ngữ, để lưu hành ở hải ngoại - sản phẩm này có tên là: "The Other Side of Heaven, Postwar Fiction by Vietnamese and American Writers (xuất bản vào năm 1995).          
Hiện nay, trong dư luận của bạn đọc trong các cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại chỉ coi tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác là một tờ báo có khuynh hướng thân Cộng, chứ không ai coi nó là "major Vietnamese Journal" như tiến sĩ Kevin Bowen ca ngợi.
Tờ Hợp Lưu do Khánh Trường chủ biên, về phương diện trình bày có mỹ thuật hơn tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác, nhưng cũng chỉ là một sản phẩm "giao lưu văn hóa" nằm trong vòng ảnh hưởng của Cộng Sản Việt Nam mà thôi. Vì thế tờ Hợp Lưu cũng không đuợc sự hợp tác của các nhà nghiên cứu và sáng tác văn học có tài năng ở hải ngoại.
Tờ "Xứ Quảng" là một đặc san mang tính chất nội bộ của đồng hương xứ Quảng, một tờ báo địa phương, phổ biến rất hạn hẹp hầu như đa số văn giới Việt Nam hải ngoại không hề biết tới. "Xứ Quảng", theo lời xác nhận của người chủ trương tờ đặc san này, chưa hề đăng bài viết nào của hai tác giả Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi cả. Ông tiến sĩ Kevin Bowen với ý gì mà nêu tên tờ "Xứ Quảng" đi theo tờ Văn Học và tờ Hợp Lưu. Vả chăng nếu đặc san "Xứ Quảng" mà đăng bài của hai nhà văn cộng sản nói trên thì đã gặp phản ứng tẩy chay mạnh mẽ của chính người đồng hương xứ Quảng tị nạn hải ngoại rồi.
Thưa ông tiến sĩ Kevin Bowen, chắc chắn khi ông hạ bút ký giấy mời 2 học giả cộng sản là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, ông đã biết rõ lai lịch của họ quá rồi! Họ là đảng viên cộng sản thuộc hàng trung cấp (cấp tỉnh ủy). Hoàng Ngọc Hiến - với cương vị là giám đốc Học Viện Nguyễn Du, đang làm công việc đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ phục vụ cho chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa do đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Còn Nguyễn Huệ Chi với cương vị Trưởng Ban Lý Luận và Phê Bình Văn Học thuộc Viện Văn Học Hà Nội, có nhiệm vụ truyền bá lý luận văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam (theo "ánh sáng của chủ nghĩa Marx Lenin" đã lỗi thời).
Với những cây bút nặng mùi cộng sản như vậy, hỏi sao họ có thể hiểu được giá trị các sáng tác và nghiên cứu văn học của người Việt Quốc Gia ở hải ngoại. Nếu họ viết đúng theo thực tế của dòng văn học Việt Nam hải ngoại thì họ sẽ chống lại đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam, và điều đó chắc chắn không bao giờ họ làm vì họ là những đảng viên trung thành với đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng nếu họ viết theo đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam thì còn gì là sự thật, mà chỉ là xuyên tạc và bóp méo sự thật, để rồi thành những tài liệu tuyên truyền. Vậy, làm sao những công trình giao cho họ nghiên cứu (như đã nói ở trên) sẽ trở thành những công trình khoa học nhân văn chân chính, khách quan, để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu lâu dài (như mục đích của chương trình nghiên cứu của WJC)?
Tôi xin đề cử cho ông tiến sĩ một dữ kiện sau đây để ông suy ngẫm về hậu quả của việc hai nhà văn Cộng Sản của ông. Đó là:
Tập thơ "Những Cụm Cỏ Non" của tác giả Ngọc Thanh, đã được quảng cáo rầm rộ trong cộng đồng người Việt ở Paris (Pháp), rằng sẽ có một buổi ra mắt tại Thư Viện Diên Hồng (L'Institut de l'Asie du Sud Est) vào chiều chủ nhật ngày 21-1-1999, do sự bảo trợ của Resto Service Store... và dưới sự chủ tọa của nhà thơ Hoài Việt. Thế nhưng buổi ra mắt tập thơ của tác giả Ngọc Thanh phải đình hoãn và hủy bỏ. Vì sao vậy? Bởi vì tập thơ "Những Cụm Cỏ Non" đã được ấn hành tại thành phố Hồ Chí Minh, và do Tân Sắc, cán bộ văn hóa của Cộng Sản, viết lời giới thiệu.
Vậy ông hãy nghĩ xem: Việc ông mời hai "học giả" Cộng Sản sang đây làm việc trong 4 năm (kể từ tháng 9/2000 đến 9/2004) để viết về người Việt tị nạn cộng sản khắp nơi trên thế giới, với sự tài trợ của Rockefeller Foundation, sẽ bị phản ứng mạnh đến chừng nào của tập thể hơn 2 triệu người Việt tị nạn?
Sự phản đối của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản đối với việc làm sai lầm của ông và ban lãnh đạo WJC, không chỉ đơn giản trong việc mời 2 học giả cộng sản sang làm việc cho dự án "Rockefeller Foundation Humanities Fellowship -- UMass Boston Program Plan), mà đây là sự phản đối với ý nghĩa sâu rộng hơn, mang tính chất Nhân Quyền! Bởi vì các ông đã xúc phạm đến quyền lợi và danh dự của các cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản trên khắp thế giới.
Dòng văn học Việt Nam hải ngoại được hình thành và phát triển trong 25 năm qua (1975-2000) là bắt nguồn từ sự lưu vong của 2 triệu người Việt tị nạn cộng sản trên khắp thế giới, mà nguyên nhân gây ra thảm cảnh này là Đảng Cộng Sản Việt Nam! Do đó, người Việt tị nạn trên khắp thế giới không chấp nhận Cộng Sản Việt Nam nói thay cho họ là một cái quyền chính trị mà không ai có quyền tước đoạt. Việc ông mời 2 học giả Cộng Sản sang làm việc đánh giá, phê phán các tác phẩm văn học Việt Nam hải ngoại, để "giải thích và tái giải thích đặc trưng và vị trí của cộng đồng Việt Nam tị nạn trên khắp thế giới, mà không tham khảo ý kiến rộng rãi của giới nghiên cứu sử học và sáng tác văn học của cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới là một hành vi vi phạm đến quyền lợi sở hữu tài sản văn hóa của tác giả (như luật bảo vệ quyền tác giả mà luật pháp Hoa Kỳ đã ban hành). Tác giả ở đây là tập thể hơn 2 triệu người Việt tị nạn Cộng Sản trên khắp thế giới.
Việc mời Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, hai học giả Cộng Sản - thành viên của tập đoàn Cộng Sản Việt Nam, nguồn gốc gây ra cuộc lưu vong lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, là thành viên của tập đoàn Cộng Sản gây tội ác với dân tộc Việt Nam, với 2 triệu người Việt tị nạn trên khắp thế giới - đã chứng tỏ các ông, và đặc biệt là ông, tiến sĩ Kevin Bowen, giám đốc chương trình, và ông Nguyễn Bá Chung, người điều hành chương trình nghiên cứu Việt Nam (manage the Vietnam today program), đã xúc phạm đến danh dự của cộng đồng người Việt tị nạn trên toàn thế giới.
Người Việt lưu vong đang tị nạn trên khắp thế giới đã tạo ra một dòng văn học, hay nói rộng hơn là đã tạo ra một nền văn hóa Việt Nam hải ngoại, lẽ dĩ nhiên phải có một đội ngũ nghiên cứu và sáng tác có tài năng, không chỉ ở tầm cỡ quốc gia, mà còn ở tầm cỡ quốc tế, với những học vị khoa học đâu thua kém cộng đồng nào trên thế giới này.
Vậy mà, các ông không mời chính những người đã góp công xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam hải ngoại để làm công việc đánh giá, phê phán những sản phẩm văn học Việt Nam hải ngoại, mà lại mời hai nhà văn Cộng Sản. Hành vi đó chứng tỏ các ông đã coi thường tài năng của giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại. Xin hỏi các ông có dám mở một cuộc đối thoại về văn học Việt Nam hải ngoại giữa 2 học giả Cộng Sản Việt Nam với giới trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam hải ngoại không?
Sau hết, chúng tôi muốn đề cập đến một nhân vật được coi là cố vấn mà cũng là tâm phúc của ông Giám Đốc chương trình - tiến sĩ Kevin Bowen. Theo chúng tôi, chính nhân vật này đã đề cử việc mời Hoàng Ngọc Tiến và Nguyễn Huệ Chi!
Ông Nguyễn Bá Chung là nhân viên nghiên cứu của WJC, và theo sự giới thiệu của WJC thì ông là "nhà văn, nhà thơ và dịch giả" (Nguyen Ba Chung is a writer, poet and translator). Nhưng thật ra danh tiếng của ông này trong văn giới Việt Nam hải ngoại hầu như bị "mai danh ẩn tích" từ nơi nào, chả ai biết đến. Hay đó chỉ là cái danh mà không có thực?
Cũng theo giới thiệu của tiến sĩ Kevin Bowen, thì Nguyễn Bá Chung còn là "cử nhân văn chương Mỹ của Đại Học Sài Gòn vào năm 1970" (He received a bachelor's in American literature from the University of Saigon in 1970) và là tiến sĩ văn chương Mỹ của Đại Học Brandies  vào năm 1974 ( and a master in American literature from Brandies University in 1974).
Như vậy, rõ ràng Nguyễn Bá Chung là một trí thức có học vị tiến sĩ của Hoa Kỳ. Nhờ đó ông mới có khả năng, như ông Kevin Bowen đã giới thiệu là viết tiểu luận (essays) và dịch cho các báo Vietnam Forum, New Asia Review, Compost, The Nation, Manoa, Boston Review. Nhưng đặc biệt là nhà dịch giả Nguyễn Bá Chung đã dịch những tác phẩm văn học khá nổi tiếng của các nhà văn Cộng Sản để truyền bá trong các cộng đồng người Việt hải ngoại theo chủ trương "giao lưu văn hóa" của Cộng Sản Việt Nam.
Và đây là thành tích của ông Nguyễn Bá Chung trong việc thực hiện chủ trương "giao lưu văn hóa" của Cộng Sản Việt Nam tại hải ngoại:
          -  Dịch tác phẩm "Thời Xa Vắng"  (A Time Far Past) của Lê Lựu
          -  Đồng chủ bút (co-editor) cho tập "Tuyển Tập Thơ Chiến Tranh 1948-1993". có tên tiếng Anh là "Mountain River: Vietnamese Poetry from the Wars 1948-1993", ...
Ông Nguyễn Bá Chung với nhiệm vụ chính trong tư cách nhân viên nghiên cứu của WJC, đã đảm trách "điều hành chương trình Việt Nam Ngày Nay" và "chương trình tổ chức cho sinh viên UMass Boston đi du lịch (giao lưu) với Đại Học Huế ở Việt Nam vào mỗi mùa hè" (He manages the Vietnam Today Program, a UMass Boston study/travel program organized every summer with Hue University in Vietnam).
Ông Nguyễn Bá Chung, một con người có quá trình hợp tác giao lưu văn hóa với Cộng Sản như vậy, đã bị cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại phản đối và lên án là "một thành viên trong chiến dịch kiều vận của Hà Nội", như Việt Báo Online ngày 16-8-1999 công bố là lẽ tất nhiên. Ông tiến sĩ Kevin Bowen và toàn Hội Đồng lãnh đạo của WJC và UMass Boston có biết chân tướng này của ông Nguyễn Bá Chung hay không?
Phải chăng ông Nguyễn Bá Chung chính là đầu mối ở Hoa Kỳ liên lạc với Hà Nội để nặn ra cái chương trình nghiên cứu gọi là "giải thích và tái giải thích...". Đã giải thích rồi, tại sao lại "tái giải thích"? Rõ ràng điều đó bao hàm ý muốn phủ nhận những thành tựu của dòng văn học chống Cộng của cộng đồng người Việt tị nạn trên thế giới. Tái giải thích cũng có nghĩa là giải thích những thành tựu văn học của người Việt hải ngoại theo quan điểm của đảng Cộng Sản Việt Nam, qua sự lèo lái của Nguyễn Bá Chung và hai nhà văn Cộng Sản là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. Ông tiến sĩ Kevin Bowen có nhìn thấy tầm xa của ẩn số này không?

o0o

Tóm lại: Trung Tâm William Joiner Center/ UMass Boston đã xúc phạm đến quyền lợi và danh dự của toàn thể cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản trên khắp thế giới.
Việc xúc phạm này không thể tồn tại và tiếp tục phát triển, mà phải chấm dứt ngay bằng cách: không được mời hai nhà văn Cộng Sản Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. Không để cho ông Nguyễn Bá Chung, người đã công khai hợp tác với Cộng Sản Việt Nam, đảm trách điều hành chương trình nghiên cứu "(Re) construction Identity and Place in Vietnamese Diaspora".
Chúng tôi tán thành chương trình nghiên cứu của các ông. Trí thức và văn giới Việt Nam hải ngoại sẵn sàng góp sức với các ông hoàn thành chương trình này, nếu các ông muốn.
Chúng tôi kêu gọi lương tâm trí thức và tinh thần nhân bản của các dân tộc, đặc biệt là nhân dân Hoa Kỳ, hãy ủng hộ quyền lợi và danh dự chính đáng của toàn thể cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản trên toàn thế giới. Xin chân thành cảm ơn!

Massachusetts, ngày 20 tháng 7 năm 2000
Lê Tùng Minh

o0o

LTS: Bài Viết Thứ Hai Liên Quan Đến Trung Tâm William Joiner của nhà văn Lê Tùng Minh.

Trong bức thư phúc đáp cho ông Kim Âu Hà Văn Sơn, chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo Chính Nghĩa ở Georgia, đề ngày 1 tháng 8/2000, ông Kevin Bowen, Giám đốc Trung Tâm William Joiner đã đưa ra một kết luận có tính cách khẳng định rằng: "Cho ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi là nhà văn Cộng Sản là chụp mũ, là vô căn cứ và thiên lệch" (Nguyên văn: To label these scholars as communist writers is simply uniformed and biased).
Xin hỏi ngài Giám đốc Trung Tâm William Joiner rằng ông đã căn cứ vào đâu mà bào chữa cho ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi không phải là Cộng Sản? Nếu chỉ căn cứ theo những lời minh chứng của ông trong bức thư phúc đáp (đã dẫn) thì hoàn toàn không hợp lý và vô căn cứ, mang tính chất che đậy sự thật về phẩm chất chính trị cộng sản của hai học giả Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi!

1. Về Hoàng Ngọc Hiến, ông minh chứng rằng, là "một đồng chủ bút của tạp chí Việt Nam do trường Đại Học Yale bảo trợ, đã đóng vai trò có ý nghĩa trong tiến trình Đổi Mới ở Việt Nam, và được coi là một nhà phê bình có ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông ta" (a co-editor of the Yale University - sponsored Vietnam Review, has played a
significant role in the Renovation process in Vietnam, and is considered one of the most influential critics of his time). Điều đó chỉ minh chứng khả năng làm báo và nghiên cứu phê bình văn học của ông Hoàng Ngọc Hiến mà thôi. Nhưng đâu có thể chứng minh ông Hiến không phải là một học giả cộng sản. Vấn đề đặt ra ở đây là ông Hoàng Ngọc Hiến có phải là học giả cộng sản hay không (Chớ không phải ông Hoàng Ngọc Hiến có tài năng hay không)? Ông Kevin Bowen không có căn cứ để chứng minh rằng Hoàng Ngọc Hiến là "học giả không cộng sản". Chúng tôi nói ông Hoàng Ngọc Hiến là học giả cộng sản là hoàn toàn có căn cứ. Vì sao? Vì ông Hoàng Ngọc Hiến đã là đảng viên Cộng Sản từ những năm 70, và đang giữ chức vụ Giám Đốc Học Viện Nguyễn Du (Trường đào tạo viết văn theo ánh sáng chủ nghĩa Marx Lenine), đồng thời là đảng ủy viên của Học Viện (theo sự tiết lộ của nhà thơ Hoài Vũ, nguyên Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh).

2. Về Nguyễn Huệ Chi, ông Kevin Bowen minh chứng rằng, "là một học giả dân tộc nổi tiếng, vì ông là người đã có công cống hiến nhiều nhất cho bộ sách 3 tập Thơ Văn Lý Trần (thơ và văn đời Lý Trần), một phát hiện bất ngờ và lần đầu tiên khai triển sự phong phú và ý nghĩa một cách có hệ thống của nền văn học Lý Trần (a national scholar most noted for being the chief contributor to the massive 3-vol Tho Van Ly Tran - Poetry and Prose of Ly Tran dynasties - an eye-opening and ground-breaking work making available systematically for the first time the wealth and significance of the Ly-Tran literature). Điều đó chỉ chứng minh tài sưu tập, nghiên cứu và biên khảo văn thơ thời phong kiến Việt Nam của ông Nguyễn Huệ Chi, chớ không chứng minh được ông Chi không phải là đảng viên cộng sản! Chúng tôi nói Nguyễn Huệ Chi là một học giả cộng sản là có căn cứ xác thật rằng ông đã là đảng viên cộng sản sau năm 1975, và đang là Trưởng Ban Lý Luận và Phê Bình Văn Học của Viện Văn Học Hà Nội (Theo sự tiết lộ của Nguyễn Hoài, Viện phó Viện Thông Tin Khoa Học Xã Hội - Hà Nội).
Để trả lời câu hỏi đã đặt ra cho ông Kevin Bowen (ở trên), chúng ta có thể kết luận như sau: Ông Kevin Bowen đã bào chữa vô căn cứ về bản chất "không cộng sản" của Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. Ông đã hồ đồ cho rằng những ai đã coi Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi là "nhà văn cộng sản" tức là chụp mũ "vô căn cứ và thiên lệch". Chúng tôi đề nghị ông Kevin Bowen phải rút lại lời nói đó và xin lỗi những ai đã bị ông xúc phạm.
Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi là học giả cộng sản 100%, không thể chối cãi! Vấn đề có thể xét lại, nếu hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi dám đứng ra tuyên bố với báo chí quốc tế  rằng họ đã ly khai Đảng Cộng Sản Việt Nam và từ bỏ chủ nghĩa Marx Lenine và tư tưởng Hồ Chí Minh! Còn nếu, hai học giả đó vẫn kiên trì chủ nghĩa Marx Lenine và tư tưởng Hồ Chí Minh, vẫn là đảng viên trung thành với sự lãnh đạo của Đảng CSVN, thì toàn thể cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản trên khắp thế giới, nhất định không chấp nhận họ để "giải thích và tái giải thích đặc trưng và vị trí của cộng đồng Việt Nam tị nạn trên thế giới".

Ngoài cái cớ về tài năng, ông Kevin Bowen còn viện thêm cái cớ "học giả chân chính và độc lập" để bào chữa cho Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi. Thật vậy, trong thư phúc đáp cho ông Kim Âu Hà Văn Sơn (đã nêu trên), ông Kevin Bowen đã khẳng quyết rằng: "Mỗi người dự tuyển phải được đánh giá tài năng của chính họ như là một học giả chân chính và độc lập" (Each candidate is judged on his or her own merit as a serious and independent scholar). Điều này cũng có nghĩa là ông Kevin Bowen đã thừa nhận hai học giả cộng sản nói trên là những "học
giả chân chính và độc lập". Vậy, xin hỏi ông Kevin: Thế nào là "chân chính và độc lập"? Theo chúng tôi hiểu, một học giả chân chính là một học giả đã đem những kiến thức của mình để phục vụ cho nhân loại một cách vô tư, không cần danh lợi, không phục vụ cho bất cứ một đảng phái chính trị nào hay một giai cấp thống trị nào; và luôn luôn đứng về phía chính nghĩa, cũng như tham gia vào công cuộc đấu tranh chống các chế độ độc tài chuyên chế, góp sức xây dựng một nền dân chủ thật sự cho các dân tộc đang còn bị áp bức trên trái đất này. Và nếu làm được như vậy, thì người học giả đó mới giữ được tư cách độc lập của một con người chân chính; bởi vì họ không bị lệ thuộc, không bị chi phối bởi một thế lực nào muốn khống chế họ. Họ hoàn toàn tự do làm việc và phát biểu chính kiến của họ theo lương tâm chân chính của họ. Nếu theo đúng định nghĩa trên đây về "một học giả chân chính và độc lập" thì hai học giả cộng sản Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi chắc chắn là không đạt. Bởi vì, là đảng viên Cộng Sản nhất định họ phải phục tùng sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng CSVN trong bất cứ công tác nghiên cứu và phê bình văn học nào của họ. Do đó, không có sự chấp thuận của Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng, họ không có quyền hợp tác làm việc với Trung Tâm William Joiner! Cho nên, quan điểm nghiên cứu và phê bình văn học phục vụ cho chuyên đề "Giải thích và tái giải thích đặc trưng và vị trí của cộng đồng Việt Nam tị nạn trên thế giới" của hai học giả cộng sản Hoàng Ngọc Hiển và Nguyễn Huệ Chi phải theo sự chỉ đạo của Ban Văn Hóa Tư Tưởng của Trung Ương Đảng CSVN. Ông Kevin Bowen chắc cũng đã biết cái gọi là "chính sách vận động Việt Kiều" của Đảng CSVN, đang thực hiện rầm rộ từ đầu năm 2000 đến nay. Vì vậy, việc Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng chấp thuận cho hai cán bộ đảng làm công tác văn hóa văn nghệ là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi sang hợp tác làm việc với Trung tâm William Joiner thuộc Viện Đại học Boston, Massachusetts, USA cũng là làm công tác kiều vận, bởi lẽ tiểu bang Massachusetts là một trong số những tiểu bang có đông người Việt Nam tị nạn Cộng Sản định cư. Từ lâu, Ủy Ban Người Việt Nước Ngoài trực thuộc Trung Ương Đảng CSVN đã chọn Boston làm mục tiêu thứ ba (sau California và vùng Washington D.C) để đánh phá các lực lượng yêu nước, không chấp nhận Cộng Sản của người Việt ở vùng Đông Bắc Mỹ. Rõ ràng, vô tình hay cố ý ông Kevin Bowen đã tiếp tay cho Đảng CSVN tung người đến hoạt động ở tiểu bang Massachusetts một cách công khai hợp pháp. Thực chất, việc Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi đến Đại học Umass Boston vào đầu tháng 9 năm 2000 là một thắng lợi kiều vận của Đảng CSVN, mà ông Nguyễn Bá Chung là người có công đầu với Đảng CSVN trong việc làm bàn đạp để thực hiện chính sách kiều vận ở vùng Đông Bắc Mỹ. Như vậy, cuộc đấu tranh chống việc mời hai học giả cộng sản của Trung Tâm William Joiner còn là cuộc đấu tranh chống sự xâm nhập của cán bộ kiều vận của CSVN vào trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, trước hết là cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản ở tiểu bang Massachusetts và toàn vùng New England.

Chúng tôi mong rằng các hội đoàn, các đoàn thể chính trị, tôn giáo và văn hóa xã hội của cộng đồng người Việt ở trên toàn liên bang Hoa Kỳ hãy đồng tâm hiệp lực lên tiếng, phát động một phong trào quần chúng đấu tranh bảo vệ quyền lợi và danh dự của cộng đồng người Việt tị nạn trên toàn thế giới, qua việc làm sai trái của Trung Tâm William Joiner.

Massachusetts, August 15th 2000
Lê Tùng Minh

No comments: