Thursday, August 23, 2012

VỌNG ĐÔNG * VĂN MINH VIỆT NAM

Những Nét Tiêu Biểu Của Nền Văn Minh Việt Nam
Vọng Đông
Nói theo ngôn ngữ chủng học, Việt Nam là một trong những cái nôi loài người, thì nền văn minh Việt Nam cũng là nền văn minh cổ nhất thế giới nói chung và Châu Á nói riêng. Danh xưng Lạc Việt, Đại Việt và Đại Nam biểu trưng ba sắc thái đặc biệt của nền văn minh Việt Nam, trải qua ba thời kỳ dài hơn bốn nghìn năm của lịch sử dân tộc.
Cần phân tích những nét tiêu biểu của nền văn minh Việt Nam trong ba thời kỳ nói trên để thấy rõ nó là một thực thể khác biệt với các nền văn minh khác, nhất là các nền văn minh mà nó có liên hệ, gần gũi như văn minh Chàm, văn minh Trung Quốc.
Nền văn minh Lạc Việt (từ khởi thủy đến thế kỷ 3 trước Công Nguyên) xuất hiện với tất cả vẻ rực rỡ huy hoàng của một nền văn minh nông nghiệp mà đỉnh cao là ở thời kỳ Hùng Vương, thời kỳ đồng thau phát triển (thời kỳ Đông Sơn).
Nói thời kỳ Hùng Vương là thời kỳ tiêu biểu của nền văn minh Lạc Việt bởi vì nó mang tính chất khai sáng ở tất cả các mặt.
Về mặt kinh tế xã hội, nghề nông trồng lúa nước là cơ sở phát khởi cho mọi nguồn sinh hoạt. Trên cơ sở đó, ý thức xây dựng và bảo vệ đời sống phát triển. Ngành thủ công nghiệp ở thời kỳ Hùng Vương đã để lại nhiều công trình độc đáo về đồ đồng (lưỡi cầy cuốc, rìu, vũ khí như đao, tên, mũi lao, các loại chậu, thạp, ... và điển hình nhất là trống đồng), đồ sắt (như cuốc, rìu, mai, vũ khí như kiếm, giáo), đồ gốm (đồ đựng và đun nấu như nồi, vò, bình chậu, bát đĩa ...), đồ đá (dụng cụ sản xuất như rìu, lưỡi đục, chày, bàn mài), đồ trang sức bằng đá (như vòng đeo đủ kiểu), đồ gỗ (vũ khí như lưỡi giáo). Các nghề cũng khá phát triển như nghề sơn, nghề xe sợi kết vải (bằng bông, đay, gai), nghề đan lát (bằng tre nứa). Riêng về trống đồng là những tác phảm tập trung nhiều tài năng về kỹ thuật, mỹ thuật và khoa học, đáng kể là trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ.
Làng xã là ý thức sơ khởi của tổ chức xã hội, trong đó gia đình phụ hệ là nền tảng. quyền tư hữu tài sản về ruộng đất cũng đã manh nha trong buổi đầu. Tất cả cơ bản của nền văn minh nông nghiệp ấy đã tồn tại hàng ngàn năm sau.
Về mặt văn hóa, những gì còn tồn tại đến nay và còn được gọi là truyền thống dân tộc cũng phát xuất từ thời Hùng Vương như tín ngưỡng (thờ thần), phong tục (hôn nhân, tang lễ), hội lễ (hội hè đình đám ngày xuân) ...
Nền văn minh Đại Việt kế tiếp (từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18), biểu hiệu ở tất cả các mặt những đặc điểm của một dân tộc đã trưởng thành sau một nghìn năm khổ nhục vì ách Bắc thuộc. Những ý thức và khả năng xây dựng đời sống toàn thiện đã lắng chìm trong giấc ngủ nghìn năm ấy để bừng dậy với tất cả sức sống mãnh liệt của dân tộc ở thời kỳ độc lập.
Vì vậy, nền văn minh Đại Việt biểu dương ở nhiều mặt và có tính chất phong phú toàn diện.
Ở thời kỳ này, chế độ quân chủ đã được thành lập và tổ chức xã hội dựa trên sự cấu tạo của bốn tầng lớp: sĩ, nông, công, thương. Tuy nông nghiệp đặt xuống hàng thứ yếu nhưng không chính quyền nào chối bỏ vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với sự tồn tại của xã hội, đã ban hành nhiều chính sách, chủ trương nhằm bảo vệ, cải tiến nông nghiệp và hiệu năng hóa sản xuất.
Khuôn khổ gia đình đã mở rộng thành gia tộc. Xã thôn vẫn là đơn vị tự trị, nhưng còn phải đóng vai trò liên hệ trong toàn bộ. cơ cấu xã hội, đó là quốc gia. và ý thức quốc gia bắt đầu nẩy nở thành sức mạnh tinh thần của dân tộc.
Do đó, dân tộc Đại Việt đã hiên ngang đứng lên đánh đuổi những thế lực cường bạo bao lần muốn xâm chiếm lãnh thổ của mình. Có thể ghi nhận những võ công của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung đã làm rạng danh quốc gia Đại Việt.
Khi xã hội phát triển thì các tổ chức nhằm củng cố xã hội cũng trở nên phức tạp. Quan chế, binh chế, pháp chế được thiết lập. Nét tiêu biểu của nền văn minh Đại Việt được biểu lộ khá rõ về mặt pháp chế, nhất là dưới triều Lý và triều Lê.
Dưới triều Lý, bắt đầu có pháp luật thành văn với bộ Hình Thư, quy định các hình phạt về tội thập ác (hình luật) và chỉ dụ của nhà vua về việc mua bán, tranh tụng ruộng đất (hộ luật). Người phạm tội, trừ khi phạm tội thập ác, được lấy tiền chuộc tội. Do ảnh hưởng Phật Giáo, pháp luật triều Lý mang nhiều tính chất đặc biệt như: tôn trọng nhân quyền, áp dụng chính sách cải quả đối với tội nhân ...
Dưới triều Trần, có bộ Quốc Triều Hình Luật quy định ba hạng tội nặng: tội đồn, khắc chữ vào trán và bắt cày cáy công điền; tội lưu, đày đến châu Ác Thủy (Quảng Yên); tội tử, bị chém. Pháp luật triều Trần nghiêm khắc hơn cả.
Dưới triều Lê, có bộ Luật Hồng Đức, mang nhiều tính chất dân tộc, phù hợp với điều kiện xã hội và tôn giáo, tiến bộ về mặt kỹ thuật pháp lý, nên ảnh hưởng còn tồn tại đến ngày nay.
Đa số luật pháp ở thời kỳ này chú trọng nhiều về hình luật, ít chú trọng về hộ luật và dân luật.
Về mặt chính trị xã hội, Hồ Quý Ly đã có những công cuộc cách mạng quốc gia tiến bộ và đi trước thời đại.
Về phong tục, dân Đại Việt đã có những cung cách trang nhã trong đời sống, các tập quán, lễ nghi thuần hậu.
Về tín ngưỡng, đã có một sự hòa đồng kỳ diệu giữa ba tôn giáo Nhọ Phật, Lão và sự hòa đồng này có ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tinh thần của dân Việt.
Khi đất nước độc lập thì văn tự cũng được hình thành một lối riêng, chữ nôm là một sáng tạo của dân tộc để diễn đạt tư tưởng của mình. Vì vậy, có triều đại muốn bảo vệ nền độc lập tư tưởng đã khuyến khích sử dụng văn nôm như triều Hồ, tây Sơn.
Đặc sắc của nền văn minh Đại Việt, về mặt văn học là đã phát triển song song hai bộ phận: văn học truyền khẩu và văn học thành văn. Hiếm thấy trên nền văn học thế giới một nền văn học truyền khẩu như của Đại Việt, rất phong phú ở nhiều phương diện: truyện cổ tích, truyện cười, tục ngữ, ca dao. Về văn học thành văn, có thể nói đó là một nền văn học bác học bởi đã tập trung nhiều khối óc lớn và bao gồm các ngành như Lê Quý Đôn (văn học), Ngô Sĩ Liên (Sử Học), những ngọn bút tài hoa (văn chương) như Đặng Trần Côn (Tác giả Chinh Phụ Ngâm Khúc), Đoàn Thị Điểm (dịch giả chinh Phụ Ngâm), Nguyễn Gia Thiều (tác giả Cung Oán Ngâm Khúc). Các thể văn được sáng tạo thích hợp với ngôn ngữ Việt giàu âm điệu là thể lục bát và song thất lục bát.

Về các ngành nghệ thuật, tranh mộc bản Việt là một loại tranh dân gian mang tính chất dân tộc độc đáo, cũng như một số nhạc khí dân tộc, tiêu biểu là đàn Bầu (một dây).
Trong kịch nghệ, có loại hát chèo mang nhiều ưu điểm và tính chất dân tộc rõ rệt.
Về khoa học, dù là một nền khoa học kinh nghiệm, Đại Việt cũng đã có những nhân tài về y học như Tuệ Tĩnh với khoa y dược dân tộc, Hải Thượng Lãn Ông với khoa đông y. Về thiên văn như Trần Nguyên Hãn soạn sách nghiên cứu thiên văn và lịch pháp. Đặng Lộ chế ra dụng cụ xét nghiệm thiên tượng. Hồ Nguyên Trừng chế ra súng hỏa mai.
Qua đến thế kỷ 19, xã hội Việt Nam lại biến chuyển và khai sinh một nền văn minh mới, văn minh Việt Nam, trong buổi đầu mang tinh thần văn hiến Đại Nam, đến thời Pháp thuộc tính chất Việt Nam mới nẩy sinh.
Ở thời kỳ này, công cuộc khẩn hoang lập ấp và dinh điền là một chính sách kinh tế mới, cũng như nội thương và ngoại thương là hai mặt phát triển của ngành thương mãi quốc gia.
Các công cuộc mở mang lớn được thực hiện: đường sá, cầu cống, kênh ngòi, kho vựa, thành phố, thương cảng ...
Vua Gia Long là người đã có ý thức canh tân xứ sở theo đường lối Tây Phương. Dưới triều vua này đã có một quân lực hùnhg mạnh nhất ở bán đảo Đông Đương. Chính vua Gia Long đã thấy trước được Nhật Bản 60 năm là khoa hoc. Tây Phương có thể giúp cho nước nhà chóng phát triển và ông đã dùng những người Tây Phương ở bên cạnh như là những cố vấn kỹ thuật. Ông cũng đã khuyên ngăn con là vua Minh Mạng nên hậu đãi người Âu (đặc biệt là Pháp), song không cho họ một đặc quyền gì, nhưng đáng tiếc là vua này không nghe lời khuyên ấy, cũng như các vua về sau, nhất là Tự Đức không lưu ý đến các đề nghị cải cách quốc gia của Nguyễn Trường Tộ với những ý kiến sáng suốt là hoài bão, là ý chí, niềm tin của người Việt thiết tha với tiền đồ xứ sở và là tấm gương muôn đời cho hậu thế. Tinh thần Nguyễn Trường Tộ về sau, trong thời kỳ Pháp thuộc đã biểu lộ ở các hoạt động của phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục (duy tân) và rộng ra ở tất cả mọi hoạt động cách mạng của các chí sĩ yêu nước.
Một biện pháp cải tạo xã hội tốt đẹp ở thời kỳ này là vấn đề cứu tế xã hội để chống nghèo đói và bệnh tật của các tầng lớp nhân dân.
Đặc điểm của thời kỳ văn hiến Đại Nam là kho tàng văn học, chữ Hán, chữ Nôm và ở thời kỳ Pháp Thuộc là chữ quốc ngữ. Đáng lưu ý là Phan Huy Chú với bộ Lịch Triều Hiến Chương, một bộ bách khoa toàn thư có giá trị lớn. Nguyễn Du, một thiên tài văn chương đã để lại nhiều tác phẩm tuyệt diệu cả hai mặt hán và Nôm, với truyện Kiều là một áng văn bất hủ. Một Hồ Xuân Hương với thi tài độc đáo. Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát với những bài hát nổi danh. hát nói là một thể thơ được sáng tạo từ thể lục bát và song thất lục bát và xuất hiện ở thời kỳ này.
Trong thời Pháp thuộc, ý thức xây dựng quốc văn phát triển, nâng cao Việt ngữ thành một công cụ truyền đạt tư tưởng một cách dề dàng hơn các loại chữ ở thời trước.
Sự đóng góp của các nhóm Nam Phong Tạp Chí, Đông Dương Tạp Chí và đáng kể nhất là nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở hai mặt truyền bá văn học và tư tưởng xã hội tiến bộ.
Thơ văn yêu nước và cách mạng xuất hiện ở thời kỳ này là lợi khí đấu tranh chống Pháp, phản ảnh ý chí bất khuất kiên cường của dân tộc Việt và làm giàu kho tàng văn học.
Về mặt nghệ thuật, loại tranh sơn mài và tranh lụa (cũng như tranh mộc bản cổ truyền) là những sáng tạo riêng biệt của người Việt.
Các công trình kiến trúc lăng tẩm và Đại Nội ở Huế, cũng như một số đồ sành sứ mệnh danh là "đồ sứ mem lam Huế" (Blue de Hue - đồ ký kiểu ở Tàu để vua chúa đời Nguyễn dùng) đã làm ngạc nhiên các du khách nước ngoài.
Các loại ca nhạc cung đình cũng như ca nhạc dân gian mà điển hình là các điệu hò hát, đã để lại những âm hưởng bất diệt trong lòng người Việt muôn thuở.
Nói chung, những gì tồn tại đến ngày nay hay đã mất mát một phần hoặc hoàn toàn mà những vang bóng vẫn còn trong lòng người, đều là những nét tiêu biểu của nền văn minh Việt Nam ở ba thời kỳ nói trên. o

No comments: