Buổi Tối Trong Làng Om-Xà-No
Nguyễn Thị Long An
--------------------------------------------------------------------------------
Mặt trời chếch về hướng Tây. Nắng nửa chiều nghiêng lả lướt trên đôi bờ kinh Vĩnh Tế. Ánh sáng hanh vàng phủ lên cánh đồng lạ lẫm cỏ cháy đất khô, rải rác mấy cây thốt nốt già cao lêu nghêu đưa ngọn. Mặt nước phía trước đầu ghe trầm lặng chảy xuôi bỗng nhăn nhúm bởi mũi ghe lao tới và tiếng máy nổ lạch tạch đều đều vọng vào hàng cây xanh xa xôi mất biệt.
Chị Sol mở những phần bánh mì mua khi sáng bày trên khoang, mời mọi người dùng bữa. Nhìn những khúc bánh mì cứng ngắt, nghĩ bà ngoại sẽ không ăn được, Kim bối rối ngó bà rồi ngó chị Sol, sắp sửa mở miệng yêu cầu một thức ăn khác thì người chủ ghe tốt bụng đã đem ra đưa bà ngoại chén cơm còn lên khói và cái dĩa nhỏ có khoanh cá lóc kho khô.
Bữa cơm trưa xong xuôi, dọn dẹp trên sàn khoang sạch sẽ, ba người đàn bà gầy sòng tứ sắc giao hữu. Mời ngoại tham dự, bà từ chối, lặng lẽ lấy trầu cau ra ngoáy trong khi Nga và Tân hớn hở xúm xít ngồi sát sòng. Một chút nhộn nhịp lóe lên trong ghe. Tiếng cười vang vang, tiếng bạc cắc khua long-cong khi có người được tới. Sự ồn ào nổi dậy từ trong ghe bay tạt ra phía ngoài nhòa nhập cùng vùng không khí tĩnh mịch buổi xế trưa. Thỉnh thoảng, một chiếc ghe máy từ phía đối diện chạy qua, hai dòng nước gặp nhau gây thành con sóng lớn rào rạt vượt vào bờ.
Đã hơn bốn giờ đồng hồ, ghe lầm lũi đi theo hướng mặt trời lặn. Kim bò đến ngồi sát cửa sổ, thọc tay khuấy đừa giỡn nước. Luồng nước mát ngấm vào lòng bàn tay, một chút sảng khoái nhè nhẹ dấy lên trong hồn. Vừa khỏa nước vừa mơ màng dòm bà ngoại tư lự chậm rãi đưa miếng trầu vào miệng, mắt hướng ra phía ngoài, tưởng bà như một khách lạ ở hành tinh nào đến nhàn du trái đất, ngồi đó như cố tìm kiếm hình ảnh trong bụi cây đám cỏ loáng thoáng lùi lại đàng sau bóng dáng của một quá khứ nào đã khuất.
Trời bỗng nổi gió. Từng loạt lá vàng từ những cành cây khô, những vùng bụi từ hai bên bờ bốc lên cuồn cuộn đổ xuống mặt sông vắng trơ vơ chiếc ghe nhỏ chồng chềnh của cơn mưa sắp sửa chuyển mình với buổi chiều đột ngột tối sầm như một điềm báo tin giờ tận thế. Ghe lao đao sấn tới khoảng sông phía trước, xông pha giữa vòm trời tối tăm cùng tiếng vọng từ xa của sấm sét, đồng thời mưa ào ào đổ xuống và màn nước trắng xám đặc phủ trùm trên mặt nước như muốn nhận chìm chiếc thuyền nhỏ khẩm lừ trồi lên hụp xuống giữa dòng. Hàng hàng lớp lớp hột nước tuôn xuống mui ghe, phủ lên mặt kinh những chùm bọt trắng nối tiếp nhảy đùa trên mạt sóng rồi chìm sâu vào phía dưới. Trong cơn mưa giăng mờ, ghe phải đậu lại núp dưới một cụm cây lạ mọc cạnh bờ.
Ngồi trong mui rướn nhìn qua kẽ hở của lá cành, hy vọng tìm thấy những gì quen thuộc nhưng tuyệt nhiên không có gì chờ đợi trong khoảng đất sắp liều thân tìm đến. Trong một thoáng, linh cảm nhạy bén hiện ra trong trí vòm trời tối tăm trước mặt nhiều sự hiểm nguy chực chờ bắt đầu từng phút giây nầy. Tự hỏi, tại sao đã biết, đã nhìn thấy rõ ràng mà vẫn băng mình tiến tới để rồi xót xa cho sự tìm kiếm chỗ dung thân còn mơ hồ giữa vòm trời gió bão.
Mưa dịu bớt. Ghe rời chỗ đậu âm thầm lướt đi lẻ loi dưới màn nước mong mỏng và khoảng trời tím thẩm hoàng hôn. Trong khoang một chút ánh sáng nhỏ của cây đèn bão được đốt lên treo bên vách cho thấy mọi người đã nằm ngủ ngổn ngang bên bộ bài tứ sắc còn lộn xộn những con bài xấp ngữa.
Kim vẫn ngồi im lìm bên khung cửa nhỏ suốt cơn mưa dài. Bên ngoài bóng tối đã chụp xuống mênh mông lạnh lẽo như từ lâu thiếu vắng mặt trời. Đàng xa loáng thoáng ánh đèn, một chiếc ghe chạy ngược trở về. Khi hai ghe đến gần người tài công bên kia nói vọng qua:
- Phía trước có cướp chận ghe đó!
Tiếng chú Bân hỏi lại :
- Khoảng nào? Có mất mát gì không?
-Phía trên đó. Không lấy được gì, quơ bậy bạ mấy cây đường thốt nốt.
Mọi người trong khoang ngồi rột dậy nhôn nháo. Bà chủ ghe thì thầm:
- Ai có tiền bạc, vàng vòng kiếm chỗ dấu đi nhe.
Kim run rẩy, lần tay phía trước bụng lấy ra gói giấy, lúng túng không biết phải dấu nơi nào. Sau một thoáng suy nghĩ, Kim lết về phía lái, bỏ vào rỗ đựng chén lấy chồng tô lớn úp lên. Nghĩ thầm, một gia tài nhỏ trong gói giấy đó nếu bị cướp chắc phải quay trở lộn về. Lui vào ngồi lại chỗ cũ lầm thầm khấn cha mẹ phù hộ thoát khỏi sự mất mát. Thấy bà ngoại bò lại phía cái khánh thờ nhét vào phía dưới cái gì đó. Chú tài công cho máy nổ nhỏ sức chạy chậm hơn.
Trong ghe mọi người im thin thít như những người tử tù chờ giờ hành quyết.
Bà chủ ghe ra lịnh:
- Bân, neo ghe lại chờ một hồi coi sao.
hiếc ghe dừng lại giữa sông. Mưa đã tạnh. Từng loạt gió thổi lướt qua, những giọt nước đeo đọng trên cành dựa mé rơi lào xào xuống sông. Xung quanh vắng lặng, nghe rõ ràng tiếng cá móng nước hòa với tiếng kêu của ếch nhái, của dế giun vang lên từ vùng cây cỏ. Thời gian như đứng im trên đỉnh trời còn giăng mây xám và hãi sợ một thoáng động của lá cành.
Một lúc khá lâu không nghe động tịnh gì. Bà chủ ghe lên tiếng:
- Không lẽ đậu hoài ở đây. Bân ơi! Cho chạy đi.
Máy ghe nổ thật nhỏ và chầm chậm trôi theo dòng với sự lo âu hồi hộp và nhịp tim đập loạn xạ của mọi người trong khoang. Bỗng tiếng thổ ngữ lồ xồ rợn rùn cất lên bên mé bờ trong tiếng lên cò của nòng súng. Chú tài công hỏi nhỏ:
- Bà chủ, mình ghé vô nha, không thôi chúng nó bắn đó.
Ghe cặp vào mé. Mọi người trong ghe im lặng, bất động như những xác chết ngồi.
Hai người đàn ông xuống ghe, nói với nhau bằng thổ ngữ, lục soát từng người một, gom góp hết mớ tiền còn lại trong túi của mấy bà bạn hàng. Đến gần chỗ ngồi của bốn bà cháu, đôi mắt của hai tên cướp sáng hoắc long lên khả ố ánh ra chỗ chừa của cái khăn sọc rằn bao quanh khuôn mặt. Tên nầy nói với tên kia gì đó rồi chia nhau lục soát hai người con gái trước. Thấy trong túi nạn nhân không tiền, tên cướp nắn nót tìm kiếm mọi chỗ trong người Kim không chừa một chỗ riêng tư con gái. Moi móc đến nỗi Kim phải tránh né chống đối, mắt trừng trừng phẩn nộ. Tìm kiếm không được gì tên cướp quát lên giọng gầm gừ lớ lớ "vàng để đâu?"
Kim thu người vào sát vách ghe lặng thinh. Không nghe trả lời, hắn nắm tóc Kim quấn hai vòng trong bàn tay, giựt mạnh, lườm lườm dòm mặt cô gái hồi lâu hắn mới rời sang qua bà ngoại lục lọi tiếp. Đổ hết hai bọc áo quần, giũ từng cái, liếc dọc liếc ngang. Cạnh bên, tên kia cũng làm như vậy, hắn lục lọi ve vuốt khắp người Nga, sự va chạm thân xác gây trong lòng hắn nỗi ham muốn về nhục thể, đôi bàn tay hắn không ngừng sờ mó, thô bạo mạnh tợn cho đến nỗi Nga không chịu được phải hét lên và khóc ngất. Trên bờ, đồng bọn bỗng lên tiếng kêu réo, hai tên dưới nầy đành quét mắt một lượt nữa bốn phía chung quanh rồi nhảy nhanh lên bờ. Bốn bóng người lẫn vào màn đen mất dạng.
Bà ngoại ngó hai đứa cháu gái ngồi cúi đầu qua ánh đèn nhỏ, thở dài xót xa. Kim ứa nước mắt, nuốt xuống lòng mình niềm tủi hận.
Bà chủ ghe nói:
- Tụi cướp nầy khốn nạn quá, càng ngày càng lộng. Bân, cho ghe chạy mau, ghé Om-Xà-No ngủ.
Độ chừng năm bảy phút thì ghe tấp vào một bến nhỏ cắm sào ngoài xa bởi những chiếc xuồng đậu đặt lừ gần mé nước.
- Bà con sửa soạn lên bờ.
Dứt lời, bà chủ ghe, chị bạn hàng và chú tài công nhanh nhẹn ra khỏi ghe lên bờ đi mất dạng. Kim bò trở lại chỗ dấu cái gói giấy khi nãy nhét vào người.
Lúc quay lại, Kim cũng thấy bà ngoại làm như mình. Bây giờ Nga, Tân xách hai bọc hành lý chờ đợi bước theo chị. Kim lần bước trong bóng đêm dắt bà chuyền qua chùm xuồng ba lá lắt lư chao đảo. Đến mé, chị Sol chực sẵn đứa tay giúp kéo từng người một lên bờ, dẫn bốn bà cháu bước thấp bước cao men theo con đường đất với những ngôi nhà lá nhỏ lờ mờ bên bờ trong vòm không gian đen đặc.
Đến một căn nhà không xa mấy bờ sông, nhưng cách biệt hẳn với con đường đi do khoảng sân rộng và hàng rào mồng tơi bao bọc chung quanh. Chị Sol kề tai Kim nói nhỏ :
- Nhà của bà chủ ghe cho người đi buôn lỡ đường mướn ngủ.
Bỡ ngỡ bước vào cửa, cây đèn măn-xông treo phía trên cho thấy một căn và hai chái rộng rãi, cao ráo. Chính giữa nhà một cái bàn cây tròn với sáu cái ghế đẩu. Hai bên vách là hai dãy ván lót dài tận phía sau. Hàng chục chiếc ghế bố xếp dựng hai bên chái. Người chủ ghe cũng là chủ nhà đứng sẵn đó từ bao giờ đon đả chỉ vào bên trong:
- Bà ngoại và mấy cháu ngủ bộ ván sát vách đó với Chị Sol. Tôi qua nhà bên kia lấy cơm.
Mở tủ lấy chiếc mùng vải trắng lớn, vài cái gối mền để lên ván, bà chủ ghe lại thoang thoát đi ra ngoài. Hai chị em phụ với chị Sol giăng mùng, vắt lên, chờ giờ đi ngủ.
Cơm nước xong xuôi, Kim chun lấy cái mền nhỏ xếp nhiều lớp trải lên phần ván dành cho bà ngoại, miệng lẩm nhẩm, để ngoại nằm sát vách cho có vật chắn an toàn. Tân nằm kế ngoại, rồi Nga và mình. Còn chị Sol nằm phía ngoài án ngữ.
Thiếu gối, Kim dùng bọc hành lý gối đầu cho mình và cho em như dưới ghe khi sáng.
Không có đồng hồ, không biết giờ giấc, sự mỏi mệt bắt Kim phải nằm xuống. Đêm nay cũng như đêm qua, tịt mù vùng đất lạ. Đi đâu đó một lát, chị Sol trở về dở mùng leo lên ván. Đèn tắt, bóng đen đã buông mau xuống căn nhà. Bên ngoài tiếng dế nỉ non, tiếng cành cây cọ quẹt trên mái tôn, tiếng đập cánh của dơi và xa xa vẳng lại tiếng chim heo kêu quát... quát . Cạnh bên, bà và hai em đã thôi trở mình. Nhớ lại buổi tối trên ghe, nỗi kinh hãi còn lãng đãng trong hồn. May mắn không bị phát giác chỗ cất dấu mấy lượng vàng.
Toán cướp là những người nào mà được an lành cướp giựt dọc bờ kinh sát cái làng nhỏ nầy? Tại sao họ che mặt, có thể quen biết với những người đi buôn? Câu hỏi thốt ra chỉ dội lại trong lòng một sự trả lời còn mơ hồ trong tư tưởng. Nhắm nghiền hai mắt, màu đen ngập tràn trong hố mắt. Thần trí lãng vãng sự chết chóc, cướp của giết người. Hé mắt dòm khuôn mặt người đàn bà Miên đưa đường như cố gắng đo lường điều man trá chứa ẩn để rồi hoài nghi hiện tại bởi những lần đọc báo trước kia. Chưa hề rõ tông tích, biết sơ sài qua sự giới thiệu của bạn bè. Nơi quê nhà không còn thân nhân để nhờ giữ số vàng còn lại hầu giao cho nhóm tổ chức dẫn đường khi cuộc hành trình xong xuôi, đành phải mang theo trong người và hứa sẽ chồng hết tại nhà họ ở Nam Vang. Lo lắng hiểm họa về lòng người. Nếu họ thông đồng với kẻ xấu, liệu bốn người có giữ được tánh mạng? Kinh hoàng khi nghĩ tới điều bị giết !!! Chắc là không thể, không phải vậy. Họ là những người dẫn đường chuyên nghiệp kiếm ăn. Lẽ nào... Những ám ảnh ghê rợn và hoạt cảnh của bọn cướp làm sờn, Kim lòng muốn trở về. Cạnh bên tiếng ngáy lớn vô tư của chị dẫn đường xoáy vào màn tai. Đêm đã sâu, bốn bề bóng tối mông lung vây bủa, tự dặn lòng cố gắng đề phòng mọi bất trắc và gìn giữ người thân.
Triền miên với cảm giác rờn rợn, con buồn ngủ cũng đã bắt đầu đậu vào đôi mắt. Bỗng nghe cánh cửa sau động đậy. Mở lớn mắt, một người đàn ông Miên với cây đèn dầu trên tay bước vào đứng sững một chỗ liếc cùng khắp gian nhà, cuối cùng hướng về phía bộ ván có người nằm. Kim run bắn người, sợ sệt, lay nhẹ chị Sol, nghiêng nhẹ qua phía chị kề vào tai thì thào báo tin có người vô nhà. Chị Sol mở mắt dòm về phía cây đèn. Nằm yên trong bốn bức vách mùng, hai người theo dõi cử động của gã cầm đèn đang đứng im nghe ngóng. Kim nghe rõ nhịp tim mình đập bình bình. Chị Sol nắm tay Kim bóp nhẹ trấn an.
Người đàn ông đó vẫn cầm cây đèn đưa về phía trước, bước từ từ đến bộ ván, kê mặt vào mùng như muốn nghe ngóng hay tìm kiếm cái gì . Thiên Kim vội vàng nhắm khít mắt. Chị Sol giả đò trở mình, tên người Miên lui lẹ ra xa. Chờ lúc lâu, hắn nhè nhẹ bước tới lần nữa. Chị Sol thình lình ứng thinh lên lớn một tràng tiếng Miên, hắn thổi đèn, chạy bay ra ngoài mất dạng.
- Nó sợ chạy rồi. Không dám trở lại đâu.
- Nó muốn làm gì vậy chị?
- Tên trộm vặt. Ngủ đi.
Một chút yên lòng. Kim trăn trở hồi lâu mỏi mòn cũng thiếp vào giấc ngủ. Ánh sáng mặt trời xuyên qua kẻ vách. Những hình tròn tròn trứng vịt từ nóc nhà soi xuống nền đất. Mọi người đã thức dậy lo phần việc riêng của mình. Kim còn say ngủ. Thằng Tân liếng xáo dở mùng nắm chưn chị kéo mạnh. Bà ngoại khoát tay ra dấu không cho Tân đánh thức:
- Để chị hai con ngủ thêm một chút nữa. Kêu nó dậy làm gì? Chưa đi bây giờ đâu.
- Sao ngoại biết?
- Chị Sol nói với ngoại mà.
Do cái kéo chưn, Kim mở mắt vội vàng ngồi lên, chun ra khỏi mùng mỉm cười với em. Nga giúp chị cuốn mùng, chồng gối mền đẩy sát góc vách. Chị Sol vừa đi vô vừa hối mọi người thay áo quần gom đồ đạc ra chợ ăn sáng và chờ ghe bỏ hàng rồi đi luôn. Thẳng về phía trước, khỏi ngôi nhà độ năm mươi thước thì đến một cái chợ nhỏ. Tất cả hàng quán bày bán trên một nền đất cao hình chữ nhựt. Nhà lồng chợ cũng trên khoảnh đất đó. Sườn nóc bằng cây lợp chồng chất với những tấm tôn cũ kỹ. Xung quanh là những căn nhà lá nhỏ cửa đóng kín, có thể người ở đó đã ra chợ bán hàng. Đưa bốn bà cháu đến một cái quán hủ tiếu, cà phê chiếm một khoảng lớn ở góc nhà lồng, ngồi chỗ bàn có những cái ghế chưn thấp vừa ăn vừa nhìn ngắm mây trời. Chị Sol trả tiền hủ tiếu, căn dặn chờ ở đây và bỏ đi về phía bờ sông.
Những người bán hàng là người Miên, có lẽ họ đến đây sanh sống sau cuộc ngoại chiến, nội chiến đẫm máu. Không biết nhóm chợ từ lúc nào, bây giờ chỉ còn lưa thưa năm bảy người mua bán nên tiếng ồn ào bớt lần. Mùi ẩm mốc bốc lên từ vũng nước mưa đọng lại tối qua bên hong chợ và hơi nóng của nắng lẫn mùi cát bụi quen thuộc đưa vào khứu giác giống như mùi riêng của đất nước nơi quê nhà.
Trên đất từng khoảnh rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ chuối, lá chuối và bả mía trơ vơ với đàn ruồi bay lên đáp xuống. Một vài người bán hàng đang thu xếp hàng hóa, đòn gánh đã xỏ sẵn vào đầu gióng. Mấy đứa nhỏ Miên, mình trần ốm tong teo, quần đùi vá víu lom khom trên mặt đất, lượm lặt những cái gì có thể dùng được của những người bán hàng bỏ lại. Hình ảnh đó bày ra trước mắt mường tượng như bức tranh được vẽ lại nơi vùng đất nước vừa mới rời xa. Nhìn bao quát ngôi làng nhỏ xác xơ, xung quanh là cánh đồng cỏ cháy, sau lưng là con kinh rộng di chuyển bằng những chiếc ghe nhỏ, những chiếc xuồng ba lá chong chênh, lẫn lộn người Miên và người Việt gốc Miên buôn bán qua lại giữa hai vùng biên giới.
Những đứa trẻ dốt nát ở đây, trai đi lính như hai người lính đã thấy vừa rồi, gái cũng vậy, làm lụng khổ cực suốt đời như cha mẹ nó. Kim thở dài lắc đầu xua đuổi nỗi ám ảnh của cảnh tượng tàn tệ đời người.
Mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu. Hơi nóng từ trên nóc chợ phả xuống hòa cùng mùi ẩm mốc từ dưới đất bốc lên khiến mọi người bắt đầu bức rức. Thằng Tân khó chịu đứng dậy chạy tới chạy lui từ đầu chợ đến cuối chợ. Không muốn kêu Tân sợ gây sự chú ý cho những người chung quanh, Nga đứng dậy đi về phía Tân nói nhỏ gì đó và dắt em về chỗ cũ, cũng đúng lúc chị Sol trở lại đưa mọi người xuống ghe. Ghe rời bến bỏ lại làng Om-Xà-No đìu hiu với khoảng độ ba, bốn chục nóc nhà tranh, lá.
Gió hiu hiu thổi, chú tài công lầm lì giữ máy. Bốn bà cháu trong ghe chong mắt nhìn mũi ghe thoan thoát rẽ nước. Lần nầy ghe chạy mau hơn, vượt qua những lùm bụi, bến bờ cho tới lúc trời chạng vạng ghe ghé vào bến phà Neak Loung.
Cũng màn đen bao phủ như hai đêm trước, hối hã theo chị Sol tới bến xe đò để về thành phố Phnom Penh. Bến xe vắng ngắt. Bốn chung quanh đường đi và các ngõ nhỏ lờ mờ. Nhà nhà đóng im ỉm trừ một vài hàng quán cửa mở hắt ra vệt sáng vàng khè trên mặt lộ. Liếc một vòng chung quanh vẽ lo lắng, và thất vọng lộ ra ngoài mặt, chị Sol gượng gạo nói:
- Hết xe đò rồi. Đi đến quán ăn cơm và kiếm nhà ngủ trọ.
Vào quán chị Sol nói bằng tiếng thổ ngữ, rồi dẫn tới cái bàn phía trong cùng.
Không ai muốn ăn gì, chỉ cần uống một chút trà nóng. Xong xuôi, bốn cái xác biết cử động đi theo sự chỉ dẫn ra dấu bằng tay của người chủ quán trong lúc chị dẫn đường đi ra ngoài. Căn phòng nhỏ sau quán cửa khép hờ, người chủ quán xô cánh cửa mở rộng rồi bỏ đi. Bốn người vội vàng bước vào, nhờ ánh sáng của cây đèn măn-xông trước quán cho thấy khoảng rộng bên trong vừa đủ kê cái giường cây cũ kỹ và chiếc chiếu rách nhăn nhúm nhừ nát trên mặt giường. Ôm hai bao vải hành lý trong người, Kim dìu bà ngoại và ra hiệu cho hai em ngồi xuống giường mặc dầu rón rén nhẹ nhàng tiếng kêu răng rắc vẫn phát ra của những thanh tre phía dưới. Độ nửa giờ, chị Sol trở lại dắt ra khỏi quán, hối hã đẩy tất cả lên ngồi chen chúc băng ghế sau của một chiếc xe nhà, chị ghé ngồi băng giữa với một bà già Miên và cô gái. Xe chạy được một quãng đường chị Sol quay lại đưa tay ấn mấy chiếc nón lá để trước người của Nga xuống dưới chưn. Trong xe không ai nói gì, sự yên lặng làm tăng thêm bầu không khí nặng nề và sợ sệt.
Không lâu tới một trạm xét, người đàn bà ngồi chỗ tài xế đưa tờ giấy gì đó cho người lính chận xe. Người lính khoát tay cho xe đi, tiếng thở ra thật lớn từ phía chị Sol cho hiểu mối lo lắng trong lòng đã được giải tỏa. Bây giờ Kim mới dám chòm tới phía trước hỏi :
- Chị Sol, xe của ai vậy?
- Xe của bà cán bộ đi công tác về, may mắn lắm bả mới cho quá giang.
- Có tiền không?
Chị Sol cười và nói :
- Trên đời, không tiền không làm gì được.
Xe chạy vào giữa hai dãy đèn trên con đường dẫn đến thành phố. Bà cán bộ quay xuống nói một tràng tiếng Miên, chị Sol đáp lại cũng một tràng dài trong đó có tiếng Sàigòn.
Tò mò, Kim hỏi :
- Bà đó nói gì vậy? Chị nói gì có Sàigòn trong đó.
- Bả hỏi chị xuống đâu? Chị nói, cho xuống cầu Sàigòn.
Xe đã bắt đầu chạy chậm và rề rề, rồi ngừng hẳn ở lề đường. Bên tay phải có cây cầu lớn dài bằng xi măng bắt qua sông. Dưới sông lố nhố nhiều ghe nhỏ, ghe lớn cấm sào phía bên nầy và bên kia cầu. Đây là cây cầu có tên Sàigòn của thành phố Nam Vang mà những bà chủ ghe thường cho ghe ghé tại bến cầu nầy để dễ lên hàng, xuống hàng từ tỉnh Châu Đốc đến.
Mấy bà cháu chồm người tới trước trong tư thế chờ đợi hai mẹ con người đàn bà Miên bước xuống. Ra khỏi xe, thình lình một bà già nắm đầu đứa con gái mình vừa tát mạnh vô mặt vừa la lối om xòm. Người đứng gần xúm lại bao quanh chiếc xe, chỉ chỏ, bàn tán. Chị Sol lật đật lôi bốn bà cháu tuôn mau xuống đất, kéo ra khỏi đám đông, đón xe lôi về nhà trong sự vội vã. Xe chạy qua mấy con đường vắng vẽ mường tượng như ngoại ô rồi dừng lại trước một lối mòn sầm uất. Sau rặng cây già thấp thoáng ngôi nhà xam xám kiểu nhà sàn của đồng bào thượng nhưng vài thứ khác biệt là cửa, vách bằng cây và mái lợp ngói.
Ngước mắt dòm lên từng cao, bầu trời đục đục u ám, xa xa vài ngôi sao lạc lõng nhấp nháy soi mập mờ mảnh đất lạ lẫm dưới chân, Kim rùng mình, nỗi ám ảnh cướp bóc, hành vi khả ố trên ghe đêm qua, một chút ngao ngán dấy lên, ái ngại về đoạn đường sắp tới của bốn người.
--------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Thị Long An
No comments:
Post a Comment