Cô Nàng Mường Pha
Tôi
hân hạnh có một ông bạn vàng. Bạn tôi từng thâu đêm ngồi bên giường
bệnh, kể chuyện để ru giấc ngủ cho bà Xã ổng, trong suốt 6 năm dài đằng
đẵng. Ðể có đủ chuyện kể trong thời gian dài dặc ấy, Kh. - tên ông bạn
tôi - phải lục lọi tìm kiếm khắp nơi, kể cả trong các thư viện Hoa Kỳ.
Thế mà, Kh. kết luận:
- Vẫn không giữ được nhà tôi!
Tôi đọc thư ông mà nghẹn nào, bởi tôi luôn ngưỡng mộ tình yêu chung thủy, vẹn toàn:
"... từ năm 1975, nhà tôi buồn, bị mất ngủ, đêm nào tôi cũng phải kể chuyện cổ tích để ru nhà tôi, cho đến ngày nhà tôi vào nhà thương mới thôi. Suốt 6 năm trời moi óc để kể chuyện, rồi phải ra thư viện tìm đọc lại, rồi phịa thêm cho nhiều tình tiết ly kỳ hấp dẫn và cho dài thêm ra. Sau phải tìm cả truyện cổ các nước Pháp, Anh, Thụy điển, Nhật, Cao Ly, v.v... Thế mà cũng không giữ nổi nhà tôi sống lâu hơn...."
Hai mươi mốt năm sau, Kh. còn viết:
Hăm mốt năm dài vẫn xót thương!
Trời kia độc địa ! Tội chi Nàng ! Trăm năm dâu bể mờ oan trái Một kiếp phù sinh mấy đoạn trường. Sao chẳng cùng đi trọn cuộc đời ? Nửa đường dang dở một anh thôi ! Bơ vơ đất khách ai tâm sự ? Ðêm trắng từng đêm vẫn ngậm ngùi ! Phú quý, hiền ngu cũng thế thôi, Nghiệp duyên chìm nổi nợ luân hồi. Chắp tay quỳ vái mười phương Phật Xin giải oan khiên dứt kiếp người.
Tình
yêu đôi lứa, sau khi đã thành hôn lâu năm, như ông bạn Kh. của tôi dành
cho Bà Xã, theo tôi là trên đời hiếm có. Ngày xưa, đọc truyện "Ngàn Lẻ
Một Ðêm", tôi đã cho là kể chuyện đến như thế đã là dài lắm, nhiều
chuyện lắm. Nay nghe ông bạn tôi kể chuyện cho bà vợ yêu của ông nghe
trong sáu năm, tức hai ngàn một trăm chín mươi ngày, tôi mới thấy chuyện
xưa chỉ mới có chiều dài chưa bằng phân nửa!
Tình yêu quả là vĩ đại!
Trong
cuốn tạp văn của tôi in lần đầu năm 1999, có bài "Lá Biếc Mùa Thu". Một
nữ độc giả gửi thư cho tôi, đại ý rất cảm động về một tình yêu như thế.
Bà (Cô) thêm:
-
Theo tôi, phụ nữ thường chung tình hơn... đờn ông. Cô gái trong truyện
"Lá Biếc Mùa Thu" đã dành cho người tình chiến sĩ đã nằm xuống của mình,
một tình yêu muôn thuở!
Nhân
được gợi ý, tôi nhớ lại, cũng một chuyện tình muôn thuở, mà vai chánh
là một ông chồng tuyệt vời: anh Hữu Biểu (HB). So với ông bạn K. nói
trên của tôi, cũng kẻ tám lạng người nửa cân.
* * *
Hồi
ấy chúng tôi mới được trở lại Sài Gòn sau một thời gian khá dài "nằm
ấp". Công ăn việc làm không có, HB rủ tôi ra Sở Thú, mướn ghế bố nằm dài
dưới tàng cổ thụ cho mát! Tôi nghe bùi tai, "đèo" HB sau "poọc ba ga",
hì hục đạp chiếc xe mini cà tàng.. qua cầu Thị Nghè…... Có đến cả tuần
lễ, chúng tôi ta bà Sở Thú, kể cho nhau nghe đủ mọi chuyện trên trời
dưới đất, kể cả những chuyện "cấm đàn bà" – nói theo anh bạn quá cố Ðặng Trần Huân-, nhưng riết rồi chuyện thiên hạ không còn, chúng tôi bèn bắt đầu tâm sự riêng tư.
Nhân nhắc đến một người bạn của cả hai chúng tôi, anh Th. mới bị bà xã mời ra khỏi nhà, đang phẫn chí..., HB lắc đầu:
- Th. hỏng quá!
Tôi ngạc nhiên:
- Anh nói Th.?
- Ưøa! Chớ không lẽ mình chê bà xã ổng?
Tôi cười:
-
Dĩ nhiên phải chê bả. Vì cộng nghiệp, ổng bị tù, thế mà bả lại ôm cầm
thuyền khác! Bây giờ ổng về, lẽ ra gương vỡ lại lành, bả nỡ nào tuyệt
tình như về vậy?
HB cười theo:
-
Th. hỏng, bởi nếu Bà Xã ổng ôm cầm thuyền khác, tức có hạnh phúc hơn là
ở với Th. Như vậy lẽ ra Th. phải vui mừng chúc phúc cho họ mới phải. Vì
Bà Xã ổng hạnh phúc tức là ổng hạnh phúc, tại sao lại phẫn chí?
Tôi lắc đầu:
- Tôi không hiểu cách lý luận của anh!
HB gật gù:
-
Tại người ta thường vị kỷ, cả trong hôn nhân nữa. Ngày xưa, cha ông
mình dựng vợ gả chồng cho con cái, thường tìm chỗ môn đăng, hộ đối, vì
thể diện của mình chớ đâu phải vì hạnh phúc của các con. Ngày nay có
những cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà tình yêu thường chỉ vì mình mà thôi.
- Chưa hiểu rõ ý anh!
-
Này, nếu anh Th. yêu vợ vì hạnh phúc của vợ, chứ không phải vì anh ta,
thì nay bà vợ có chồng hạnh phúc mà anh ta lại phẫn chí là hỏng bét!
Tôi không chịu:
-
Nói như anh, theo tôi là quan niệm sống và cách hành xử... không thực
tế. Vợ chồng sống vì nhau. Nếu một người không chung thủy tức lỗi đạo,
mà mình lại .. hoan hỉ chúc phúc, như vậy nghe không ổn chút nào.
HB cười:
- Vậy mới nói là tình yêu muôn thuở!
Tôi cười theo:
- ... chỉ có trong quan niệm của anh!
HB trợn mắt:
- Có trong thực tế, không phải lý thuyết đâu!
- Anh là người có một tình yêu muôn thuở?
HB lắc đầu:
- Không phải, là Bà Xã tôi!
- Chứng minh coi!
-
Ðược! Hồi trên Sơn La, tôi đã có ước vọng là sau khi mãn tù, tôi được
"Cô Nàng Mường Pha" cưới làm chồng, được mãi mãi nhận bản "Nàng Cái"
trên Mường làm quê hương..
Tôi vui vẻ:
-
Tôi thừa biết chuyện này. Anh đã ngơ ngẩn trông theo cảnh các sơn nữ
xếp hàng một, gùi bông lau di chuyển trên sườn núi phía đông. Cô Nàng
Mường Pha đi trong hàng, phải không?
HB gật đầu:
- Ðúng vậy! Có lần tôi nắm tay nàng, nhìn vào cắp mắt nai tơ của nàng!
Hỏi:
- Cô Nàng cho tôi lên ở trên Mường được không?
Ðáp:
- Không được đâu!
Tôi cố vớt vát:
- Vậy thế nào mới được?
Ðáp:
- Ông không được đâu!..
HB nói tiếp:
- Thế
rồi tôi ngẩn ngơ nhìn theo Cô Nàng thoăn thoắt bước theo đoàn lên núi!
Khi chuyển Trại đi Nam Hà, rồi Gia Trung... tôi tương tư nàng... suốt!
Người đâu mà nõn nà làm sao! Khi được tha, tôi về nhà mà để lòng dạ
trên... Mường. Bà Xã tôi tinh ý, biết ngay có chuyện gì đây. Bả ôn tồn
bảo tôi: Ông có.. "ai" thì cứ đem về. Chỉ thêm chén đũa chớ ăn ở hết bao
nhiêu. Miễn ông vui là được.
Tôi tỏ vẻ hoài nghi:
- Chị ấy nói vậy cho anh vui thôi. Anh mà "na" cô Mường về là "sóng gió bất kỳ" ngay!
- Anh không tin là nhà tôi thiệt lòng mong muốn cho tôi vui sao?
Tôi cười:
- Chuyện... hoang đường! Xưa nay chưa bao giờ có người đàn bà nào
lại muốn cho chồng mình vui bằng cách rước một người đàn bà khác vô nhà!
- Thì bây giờ có. Thôi để chủ nhật này mời hai ông bà quang lâm tệ xá. Bà Xã tôi sẽ ngỏ đôi lời về chuyện... Cô Nàng Mường Pha.
- Chắc chắn là chúng tôi sẽ có mặt. Nhưng phải cho ăn món Cơm Rượu số 1 của ông.
- Dĩ nhiên phải có. An tâm đi!
* * *
Chúng
tôi được mời ngồi trước màn ảnh khá lớn. Chị HB ngồi cạnh Bà Xã tôi.
Anh HB đứng một bên màn ảnh, đang cầm micro, cất giọng hát Karaoké bản
tình ca Cát Bụi. HB chỉ kém tôi 2 tuổi, tức năm nay đã vô lớp
"xưa nay hiếm", thế mà giọng ca còn khá. Anh chăm chú theo dõi những
dòng lời ca để hát cho ăn khớp, thỉnh thoảng nhìn qua phía 3 khán thính
giả thỉnh thoảng lại vỗ tay khen... hay.
Chị
HB cho biết, thường thì ông xã chị hát "vo" ngay bên tai chị, không cần
màn ảnh và nhạc karaoké. Ảnh say sưa hát lời tình tứ, như một chàng
trai hào hoa ngỏ lòng với một giai nhân. Chị cười vui, gật gù tán
thưởng, vỗ tay khi lời ca vừa dứt. Anh hoan hỉ vì chị vui! Anh hát để ru
giấc ngủ cho chị, bằng những nhạc bản mà chị thích.
Ðã
năm, sáu năm nay, HB săn sóc tận tình người bạn đời mang bệnh nan y mà
sự sống không biết sẽ chấm dứt vào lúc nào. Anh theo dõi miếng ăn, ngụm
nước, bước chân, hơi thở của vợ còn hơn là chăm sóc một trẻ thơ. Lúc chị
mệt, nằm thiếp đi là anh vội vã làm tất cả những việc cần thiết của một
nội trợ đảm đang: đi chợ mua thức ăn, nấu nướng, giặt giũ, lau chùi,
quét dọn.... Khi có thể, anh còn lo tưới cây, chăm sóc vườn hồng, quỳnh,
lan, huệ.... Vườn cây là nơi anh dìu chị ra ngắm cảnh và hưởng không
khí trong lành. Anh chú ý từng bước đi của chị, nhất định không để chị
trượt té hay trẹo chân mỗi khi cất bước. Dậy từ 3 giờ sáng và không lên
giường ngủ trước 11 giờ khuya đó là tất cả thời gian sống vì người vợ
đau yếu của anh trong một ngày.
Cũng
như ông bạn K. của tôi. HB sưu tầm tất cả những mẩu chuyện vui để giỗ
giấc ngủ cho bà Xã, mỗi khi chị muốn nằm nghỉ và nhắm mắt muốn ngủ thiếp
đi, bất kể ngày đêm.
Vợ
chồng tôi cảm phục tình yêu của HB dành cho Bà Xã, nên khi được chị HB
tươi cười công nhận là đã khuyến khích anh ... đem cô Mường về ... dinh,
chúng tôi tin ngay là chuyện có thật. Bởi chúng tôi cảm nhận được tấm
lòng của anh chị HB dành cho nhau. Anh lấy sự an vui của chị làm lẽ sống
của mình; chị cũng muốn anh vui nên chấp nhận điều anh mong muốn. Anh
vui tức chị vui! Lý lẽ thiệt giản dị mà mấy ai nhận ra và làm theo.
- Sau khi về lại Sài Gòn vào năm 1985, tức sau 10 năm "cải tạo" – chị HB nói trong bữa ăn
-, ổng kể cho tôi nghe về Cô Nàng Mường Pha trên Sơn La. Tôi là đàn bà
mà nghe kể còn thấy mê cô ấy, đủ biết nhà tôi vấn vương cũng phải. Ảnh
đã yếu mệt vì trải qua mọi đầy đoạ, thống khổ, bây giờ nếu có được Cô
Nàng cũng là sự đền bù phải chăng. Tôi đã khuyến khích nhà tôi lên
Mường..
HB ngắt lời vợ:
- Tôi đâu để bà ở nhà một mình được!
rồi anh cười xoà:
- Tôi hay nói chuyện tào lao, chọc cho bà vui thôi. Cô Mường đâu có tình ý gì với tôi!
Bà Xã tôi xen vào:
- Anh chỉ "hồn bướm mơ tiên thôi"!
HB gật đầu:
- Ðúng vậy, thưa chị. Kể ra thì tôi cũng từng có thời gian được chiêm ngưỡng một "bông hoa rừng" (*), một sắc đẹp thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc...
-
Anh còn cho rằng – chị HB cười nói -, các người mẫu, thậm chí các hoa
hậu khắp nơi cũng không ai có vẻ đẹp thần tiên như Cô Nàng Mường Pha của
anh!
HB giơ tay:
-
Cô Nàng Mường Pha, sơn nữ của Bản Nàng Cái, đâu phải của tôi. Nhưng nói
thiệt lòng, dù cổ có đẹp đến đâu tôi cũng không.. thương bằng ...Bà Xã!
Tôi vui vẻ:
- Tôi hiểu là anh chỉ yêu cái Ðẹp, đâu phải yêu con người cô Mường. Bời anh đã dành trọn vẹn tình yêu cho chị.
HB lại giơ tay:
- Còn nếu vạn nhất mà ... cô Mường về đây, tiếp tay với tôi để săn sóc bà Xã, tôi cũng không thấy có gì trở ngại!
Chúng tôi cùng cười.
Bữa
nay ngồi gõ những dòng này, tôi hình dung được mái tóc bạc phơ của ông
bạn vàng, đong đưa theo nhịp tay, giọng hát trầm trầm để ru giấc ngủ cho
Bà Xã.
Trong
khi hát, có lúc anh nhắm mắt lại, không biết anh có còn hình dung được,
hình ảnh Cô Nàng Mường Pha, sơn nữ đã một thời gian khiến anh ngơ ngẩn
trong vùng đồi núi Sơn La?
· Hoàng Ngọc Liên
(*) Tên một tác phẩm tiền chiến của Trường Xuân.
2008-02-02 16:27:34 |
No comments:
Post a Comment