Sunday, September 9, 2012

BÙI DIỄM * TÌNH HÌNH THẾ GIỚI

Đại Hội X Và Những Tranh Luận
Trong Nội Bộ Về Nhận Định Tình Hình Thế Giới
Và Chủ Trương Đối Ngoại
         
Bùi Diễm




Đại Hội của Đảng Cộng Sản Việt Nam thường được tổ chức 5 năm một lần. Như đã được dự trù, Đại Hội sắp tới, gọi là Đại Hội X, sẽ được tổ chức vào cuối mùa Xuân sang năm, 2006. Thời gian từ nay đến đó cũng còn hơn một nửa năm nữa, tuy nhiên ngay lúc này, để chuẩn bị cho hội nghị, dự thảo báo cáo tổng quát về 20 năm “đổi mới” cũng như những văn kiện khác như báo cáo chính trị, kinh tế và xã hội đã gần như được hoàn tất. Một Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương sẽ duyệt lại những bản dự thảo báo cáo này để rồi sau chót, các cơ sở Đảng sẽ có cơ hội đóng góp thêm ý kiến.



Trên dây là về phần công khai của việc chuẩn bị Đại Hội như thường lệ. Còn lại là phần không công khai, phần vận động ngấm ngầm trong bóng tối giữa các khuynh hướng, hay nói đúng hơn, giữa các phe nhóm trong nội bộ Đảng. Và đây mới chính là phần quan trọng hơn cả mà người ngoài Đảng chỉ được nghe nói qua những lời đồn đại hay bàn tán lọt ra ngoài. Trong một xã hội bưng bít như xã hội Cộng Sản, tình trạng này phải coi là một chuyện thường có trước ngày Đại Hội. Với bối cảnh chung đó, trường hợp Đại Hội X sắp tới đây xem ra cũng không khác những Đại Hội trong quá khứ, nếu có khác thì chỉ ở chỗ những lời bàn tán này tăng lên gấp bội, gần như lan tràn trong mọi giới ngay cả ở những vùng quê vì nhà cầm quyền không còn bưng bít tin tức được nữa. Kể ra thì không hết nhưng trước hết là những tin từ trong nước đưa ra về rất nhiều những lá thư tố cáo, không phải là nặc danh mà là của những thành phần cách mạng lão thành công khai đứng tên, tố cáo đủ mọi chuyện bê bối trong nội bộ Đảng. Rồi tiếp đến là những bài báo (từ giới truyền thông do chính nhà nước trực tiếp hay gián tiếp kiểm soát) phanh phui những vụ tham nhũng tại những cơ quan công quyền và những lời thú nhận về tham nhũng của những người trong giới lãnh đạo nay đã về hưu như cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu trong bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, ngày 22 tháng 5 vừa qua: “…bệnh tam nhũng bất trị của chế độ là một bằng chứng về nhà dột từ nóc của chế độ độc tài toàn trị…” Dầu cho không ai lúc này đo lường được mức độ lan rộng hay bề sâu của phong trào chống đối ngay ở trong Đảng hay ngoài dân gian, nhưng đây là những chỉ dấu của một tình trạng phân hóa và khủng hoảng lãnh đạo trầm trọng trong Đảng.



Về mặt đối nội của tình hình thì đã vậy, còn về mặt đối ngoại thì người dân cũng không kém phần thắc mắc. Người ta được chứng kiến trường hợp ít thấy, gần như cùng trong một khoảng thời gian ngắn ngủi vài ba tuần, ba nhân vật cấp cao của chế độ lên đường công du nước ngoài: Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh qua thăm nước Pháp, Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương sang thăm Trung Quốc, còn Thủ Tướng Phan Văn Khải thì viếng thăm nước Mỹ. Phải chăng vì cần phải đánh lạc dư luận mà Đảng phải tỏ ra tích cực về mặt đối ngoại? Đảng đánh giá tình hình chung trên thế giới ra sao, và đặc biệt chủ trương đối ngoại của Đảng có còn dựa vào ý thức hệ như trong quá khứ không? Nhân kỳ Đại Hội X sắp tới, và đặc biệt nhân dịp chuyến công du của ông Phan Văn Khải viếng thăm nước Mỹ, một số câu hỏi như trên đây cần phải được đặt ra và trong chiều hướng đó, tiểu luận này sẽ cố gắng để làm sáng tỏ vấn đề.



Chính sách ngoại giao của Việt Nam trước và sau “đổi mới”



Nếu trở lại giai đoạn trong lịch sử cận đại của Việt Nam, chạy dài từ ngày có chế độ Cộng Sản được thành lập năm 1945 cho đến ngày chiến tranh hoàn toàn chấm dứt trên hai miền Nam Bắc năm 1975 thì một cách tổng quát ai cũng thấy rõ là chính sách ngoại giao của Hà Nội được đặt hoàn toàn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Bộ Chính Trị và có đầy đủ tính cách một chính sách của một nước xã hội chủ nghĩa chính thống, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm căn bản, trung thành triệt để với “nghĩa vụ quốc tế” và đường lối chống đế quốc tư bản của khối những nước Cộng Sản trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đi sâu vào phần phân tích thì người ta cũng có thể ghi nhận thêm là chủ trương của Hà Nội đã nhiều lúc chao đảo, lúc thì ngả về phía Liên Bang Xô Viết, lúc thì ngả về phía Trung Cộng (chiều theo những nhận định tùy hứng và chủ quan của giới lãnh đạo trong Đảng lúc đó), nhưng tuyệt nhiên vẫn không ra khỏi những tiêu chuẩn đã bị ý thức hệ buộc chặt. Và dĩ nhiên tất cả những tài liệu chính thức của Đảng đều ca tụng giai đoạn này như một thắng lợi lớn của sự “vận động tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình trong nước và hoàn cảnh quốc tế” để “kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh quân sự và chính trị nhằm bảo vệ và xây dựng tổ quốc” (1)



Tiếp theo giai đoạn trên đây là giai đoạn từ ngày hòa bình trở lại trên hai miền đất nước cho đến ngày có “đổi mới” (1975-89 và 90, 91) và sau hết là giai đoạn từ sau “đổi mới” cho đến ngày nay.



Riêng về trường hợp đất nước từ Bắc vào Nam được đặt hoàn toàn dưới quyền cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam và ngay sau khi chiến tranh chấm dứt thì một đặc điểm nổi bật của giai đoạn “đỉnh cao trí tuệ của loài người” này là tính cách tự cao tự đại của chế độ đưa dẫn đến những lầm lỗi quan trọng về mặt ngoại giao tai hại cho đất nước. Được cơ hội chính quyền Mỹ dưới thời Tổng Thống Carter muốn bình thường hóa ngoại giao với Việt Nam gần như vô điều kiện vào những năm 1977-78 (Ngoại Trưởng Mỹ Cyrus Vance tuyên bố ngày 10 tháng 1, 1977: “Việc tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt phù hợp với quyền lợi của hai nước”, Mỹ quyết định không phủ quyết Việt nam vào Liên Hiệp Quốc, tháng 7, 1977), Việt Nam ngây ngô nhất quyết đòi hỏi Mỹ phải bồi thường chiến tranh dưới hình thức viện trợ cho Việt Nam 3,2 tỷ dollar, điều mà không một chính quyền Mỹ nào có thể chấp nhận được. Việc điều đình giữa hai bên bất thành, liền sau đó Việt Nam lại gia nhập tổ chức COMECOM của khối Cộng Sản và ký Hiệp Ước Hữu Nghị với Liên Xô vào cuối năm 1978, chặt đứt hẳn cầu với Mỹ, để cho Mỹ từ đó có cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng. Về tất cả những diễn tiến này, người trong cuộc là Thứ Trưởng Ngoại Giao Trần Quang Cơ về sau này có nói: “Tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lỡ cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ, khiến Việt Nam gần như đơn độc trước một Trung Quốc đầy tham vọng” (2) (bản thảo Hồi Ức và Suy Nghĩ của Trần Quang Cơ được bổ sung và hoàn chỉnh tháng 5, 2003). Rồi đến lúc Việt Nam đưa quân vào Căm Bốt thì như lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Cyrus Vance: “Các cuộc nói chuyện Mỹ- Việt về bình thường hóa đã tan vỡ do cuộc xâm lăng Campuchia của Việt Nam”. Rút cuộc, hậu quả của tất cả những lầm lẫn của Đảng Cộng Sản Việt Nam là trước hết chiến tranh với nước bạn đàn anh phương Bắc và Việt Nam phải đợi thêm 17 năm nữa mới trở lại được với Mỹ. Và, vẫn theo lời của ông Trần Quang Cơ (3) “… chỉ hơn 4 năm sau khi giải phóng đất nước, ta lại bị xô đẩy vào cuộc chiến thảm khốc ở Campuchia, đối đầu ngay với Trung Quốc, kẻ đã từng là đồng minh chiến lược của ta trong 30 năm chiến đấu chống xâm lăng phương Tây. Sau hai cuộc kháng chiến gian khổ, dân ta mới chỉ được hưởng mùi vị của chiến thắng và hòa bình êm ả chưa đầy 5 năm thì đã lâm vào cảnh nửa hòa bình nửa chiến tranh…Trong cuộc chiến đấu chống Polpot thì Việt Nam hầu như hoàn toàn bị cô lập. Các nước trong khu vực thì lo sợ Việt Nam sau khi hạ xong Campuchia sẽ phát huy sức mạnh ra cả Đông Nam Á, còn Trung Quốc thì ra sức vu khống Việt Nam xâm lăng Campuchia và mưu đồ lập Liên Bang Dông Dương để làm chủ cả Lào lẫn Campuchia…” “ Nửa cuối thập kỷ 70 này là thời gian ta chồng chất nhiều sai lầm về đối ngoại nhất trong suốt lịch sử dựng nước sau cách mạng năm 1945”. (4)



Trên căn bản, những sai lầm này thực ra bắt nguồn từ những nhận định chủ quan về tình hình thế giới của hàng ngũ lãnh đạo lúc nào cũng nhìn sự việc qua lăng kính của ý thức hệ. Đến lúc ý thức hệ này sụp đổ cùng với sự sụp đổ vào cuối thập niên 80 của những chế độ Cộng Sản Đông Âu và sau đó của Liên Bang Xô Viết (được coi từ trước đến nay như “thành trì” vững chắc của “thiên đàng Cộng Sản”) thì những khó khăn mới lại ập đến. Không còn trông cậy được vào bực đàn anh lớn là Liên Xô và các chư hầu về cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế và phải đối phó với tình hình nguy ngập về mặt kinh tế ở ngay trong nước, từ những năm 86, 87 nhà cầm quyền bước vào một giai đoạn mới, một mặt về phương diện đối nội tìm đường “đổi mới” và một mặt khác về phương diện đối ngoại tìm điểm tựa bên ngoài. Đổi mới thì, vì ý thức hệ, vẫn phải thòng một cái đuôi “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong khi từ trên cao chót đỉnh trong hàng ngũ lãnh đạo (theo lời thú nhận của ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí Thư thời đó, với một người thân trong gia đình) cho đến người dân, không ai hiểu trên thực tế thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Còn về điểm tựa thì biết quay đầu vào đâu bây giờ? Các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á chăng, trong khi đã bị họ cô lập vì cuộc xâm lăng Campuchia và chính Việt Nam đã làm cao với họ? (Việt Nam phải vất vả chờ đợi đến năm 1955 mới được họ cho gia nhập ASEAN). Ngoài ra, có thể quay lại với nước đàn anh Trung Quốc không? Một vấn nạn mà cho đến ngày nay vẫn chưa được giải quyết dứt khoát.  



Những mâu thuẫn và khúc mắc trong quan hệ Việt-Trung



Nếu không kể đến tình rạng nội bộ nguy ngập về mặt kinh tế và những biện pháp “đổi mới” còn trong vòng thử thách của những năm đầu, giai đoạn vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 là một trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn cho Việt Nam về mặt đối ngoại. Những đột biến ở Đông Âu, Liên Xô cùng với vụ Thiên An Môn ở Bắc Kinh làm cho giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam không còn biết đứng chỗ nào cho vững, nhất là ngay ở sát nách vấn đề Campuchia vẫn còn như một cục xương không nuốt nổi. Để giải tỏa áp lực của quốc tế, rút quân từ đất chùa Tháp về đã đành là một việc không thể tránh được nữa, nhưng tìm được một giảp pháp để khỏi bị mất

mặt và ra khỏi được tình trạng cô lập về mặt ngoại giao không phải là dễ vì không có Trung Quốc thì không có giải pháp, trong khi quan hệ với Trung Quốc không còn là giữa anh em cùng chung một ý thức hệ nữa. Trung Quốc chắc chắn không quên là sau “bài học” mà ông Đặng Tiều Bình đã dành cho Việt Nam năm 1979, Việt Nam đã ghi, ngay trong phần dẫn nhập của bản hiến pháp được sửa lại năm 1980, Trung Quốc là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” của Việt Nam.



Ngoại giao của Việt Nam vào thời điểm này là làm sao tìm được một lối thoát. Nhưng không may cho Việt Nam, chính vào thời điểm khó khăn lại có sự lục đục trong nội bộ, đặc biệt là giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Chính Trị về cách đối xử với Trung Quốc. Một bên là Bộ Trưởng và Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ thì không chịu thái độ trịch thượng của Trung Quốc muốn ép Việt Nam phải chấp nhận giải pháp của Trung Quốc về vấn đề Campuchia (tương đối có lợi cho Polpot mà Trung Quốc vẫn ủng hộ từ trước), và một bên là Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh thì nôn nóng muốn lấy lòng Trung Quốc để trở lại quan hệ bình thường với nước bạn đàn anh. Một tỷ dụ cụ thể và điển hình cho thấy giới lãnh đạo trong Đảng lúng túng ngay trong cả vấn đề nhận định tình hình. Một cán bộ ngoại giao tương đối còn ở cấp thấp, tên là Từ Đôn Tín, được Bắc Kinh cử tới Hà Nội để thảo luận với Việt Nam về vấn đề Campuchia. Họ Từ gặp phải lập trường cứng rắn của Bộ Ngoại Giao, nhưng do sự tính toán sai lầm của Bộ Chính Trị, lại được cả Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lê Đức Anh tiếp đón. Trong nội bộ Việt Nam, thái độ và hành động không được thống nhất không những giữa ngành ngoại Giao và Bộ Chính Trị mà còn cả giữa những nhân vật trong Bộ Chính Trị. Kết quả là một mặt Trung Quốc lên chân cho rằng Việt Nam quá nôn nóng muốn quay đầu lại với Trung Quốc, do đó có thể chèn ép Việt Nam và mặt khác trong hàng ngũ lãnh đạo của Việt Nam nẩy sinh ra hai khuynh hướng rõ rệt, “chống Tầu” và “thân Tầu”.



Về phương diện này, bản Hồi Ức và Suy Nghĩ của ông Trần Quang Cơ nói khá rõ. Ông thuật lại trường hợp to tiếng giữa Từ Đôn Tín và Nguyễn Cơ Thạch, và đồng thời ghi nhận những phản ứng trong nội bộ Bộ Chính Trị đối với vấn đề quan hệ Việt -Trung như: “Cần phải nói lại mạnh mới được” (Đào Duy Tùng), “Nếu Anh không phản ứng mạnh thì chúng tôi không hiểu nổi” (Đồng Sĩ Nguyên), “…tôi đã nói 3 lần là không được hớ, phải rất thận trọng với Trung Quốc, đằng này các anh lại ngửa bài trước để cho họ biết hết… không thể đưa ngực cho nó đấm” (Anh Tô, tức là cựu Thủ Tướng Phạm Văn Đồng), “…ta thăm dò thật thà quá” (Võ Văn Kiệt), “Trung Quốc lấy lợi ích dân tộc của họ là chính, không phải theo lợi ích chung của xã hội chủ nghĩa. Họ khác ta, dù ta có muốn hợp tác, họ cũng không chịu đâu” (Võ Chí Công) (5)



Chính trong bối cảnh ấy mà đột nhiên Trung Quốc mời Việt Nam đi họp bí mật ở Thành Đô vào cuối tháng 8 năm 1990. Họ treo cao giải thưởng cho Việt Nam, quan hệ bình thường trở lại như Việt Nam mong muốn, nhưng thực sự họ dụ Việt Nam vào việc giải quyết vấn đề Campuchia. Việt Nam hăm hở đi dự họp (phái đoàn Việt Nam gồm có Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ Tướng Đỗ Mười và Cố Vấn Phạm Văn Đồng) với lập luận là sau khi Liên Xô và các chế độ Cộng Sản Đông Âu sụp đổ thì Việt Nam cần phải hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ xã hội chủ nghĩa. Rút cuộc, quan hệ bình thường thì chưa có nhưng Việt Nam đã phải nhượng bộ những yêu sách của Trung Quốc về những mặt khác, điều mà về sau này những người như ông Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ cho là bước đầu của những sai lầm khác, bắt nguồn từ những nhận định thiếu khách quan về tình hình thế giới và đặc biệt về mối quan hệ Việt Trung. Trong hai nhận xét: Trung Quốc có hai bộ mặt, một bộ mặt là “xã hội chủ nghĩa” và một bộ mặt là “ bành trướng, bá quyền”, trong hai bộ mặt đó, bộ mặt nào là thực. Lập luận trên đây và những câu hỏi được đặt ra về bộ mặt nào của Trung Quốc thực ra vẫn đeo đuổi giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cho đến ngày nay, mặc dầu sau hội nghị Thành Đô chỉ có 10 tháng, tại Đại Hội 7 của Đảng Cộng Sản Việt Nam (tháng 6, 1991), thái độ của Việt Nam đã thay đối theo chiều hướng nhượng bộ Trung Quốc. (Nguyễn Văn Linh bị thay thế bởi Đỗ Mười trong chức vụ Tổng Bí Thư, Lê Đức Anh lên làm Chủ Tịch Nước, và Võ Văn Kiệt thay Đỗ Mười trong chức vụ Thủ Tướng, còn Nguyễn Cơ Thạch thì do áp lực của Trung Quốc bị gạt hẳn ra ngoài, mất cả chân trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng). Rồi chỉ một tháng sau Đại Hội 7, Lê Đức Anh lại sang Trung Quốc với tư cách là Đại Diện Đặc Biệt của Trung Ương Đảng Việt Nam để thông báo lãnh đạo Trung Quốc về Đại Hội 7 (nhân dịp này Lê Đức Anh đã thấy cần phải xin lỗi Từ Đôn Tín về vụ to tiếng với Nguyễn Cơ Thạch năm trước). (6)



Kể từ ngày đó, quan hệ giữa hai bên lần lần trở lại bình thường và được tô điểm bằng những khẩu hiệu như: “láng giềng hữu nghi, hợp tác lâu dài “ v.v… mặc dầu trên thực tế một bên từ phía nước bạn đàn anh thì vẫn là một sự chèn ép nặng nề và một bên là thái độ khiếp nhược của nhà cầm quyền Việt Nam, được thể hiện qua nhiều vụ như: việc ký kết những hiệp ước biên giới trên bộ và thỏa hiệp về lãnh hải trong vịnh Bắc Bộ, những vụ đụng độ đẫm máu tại vùng biển Đông và bắn phá giết hại ngư phủ Việt Nam gần đây, và những lời xác quyết từ Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại nhiều lần là quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Thật là một mối quan hệ đầy mâu thuẫn với những khúc mắc mà Việt Nam không vượt khỏi được.



Chủ trương đối ngoại ở vào thời đại toàn cầu hóa



Vì từ cả ngàn năm nay dân tộc Việt Nam đã phải sống bên cạnh một láng giềng khổng lồ lúc nào cũng lăm le muốn đặt nền đô hộ của họ lên mảnh đất miền Nam, nên không phải riêng gì chính quyền Cộng Sản mà bất kỳ chính quyền nào khác ở Việt Nam cũng phải lo một mặt giữ gìn bờ cõi; và một mặt khác duy trì mối giao hảo với phương Bắc. Nhưng những người Cộng Sản Việt Nam lại ở vào một hoàn cảnh đặc biệt. Không phải là họ không biết đến hay không cảm thấy sự đe dọa từ phương Bắc, vì ngay trong thời kỳ tình đồng chí “thắm thiết” và “môi hở răng lạnh”, họ đã phải trải qua kinh nghiệm cay đắng của bài học mà đồng chí đàn anh đã dành cho họ những ngày đầu năm 1979.



Rồi vết thương chưa lành thì lại đến sự sụp đổ của cả khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô vào đầu thập niên 90. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, bỗng nhiên bị hoàn toàn cô lập, thì còn chủ trương đối ngoại nào nữa ngoài chủ trương quay đầu về với Trung Quốc với lập luận là phải hợp tác với nước bạn để chống lại kẻ thù chung là đế quốc?



Nội lực không còn, giới lãnh đạo Việt Nam từ ngày ấy khó tránh được tình trạng lệ thuộc vào Trung Quốc, điều mà những người có tinh thần độc lập ở ngay trong Đảng hay ngoài dân gian, không ai chấp nhận. Và cũng từ ngày ấy mà trong đầu óc mọi người, không ai bảo ai, vấn đề đa dạng hóa mối quan hệ với những nước ngoài được đặt ra.



Về phương diện này thì nhiều người cho rằng điều hợp lý nhất là quay về với những nước láng giềng trong khối Đông Nam Á. Nhưng cái phao này thực ra cũng không lấy gì làm vững chắc, vì ngay trong nội bộ của ASEAN cũng có những mâu thuẫn và mầm mống xung đột (như giữa Mã Lai và Nam Dương hay giữa Mã Lai và Singapore) tạo ra cảnh “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, biến ASEAN thành một thứ “câu lạc bộ ngoại giao” chưa đủ trọng lượng trên chính trường quốc tế. Rồi nếu loại dần ra những thái độ ủng hộ nhất thời của Liên Hiệp Âu Châu hay Nhật Bản thì cuối cùng còn lại chỉ có Mỹ, một siêu cường quốc với ảnh hưởng bao trùm cả vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy, rút cuộc, nếu quay về với Mỹ để thoát khỏi được tình trạng lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc thì tất cả sẽ trở thành một mối quan hệ tay ba. Nhưng liệu có đi được với Mỹ không, trông cậy vào Mỹ được tới mức nào và làm sao để khỏi chọc giận nước bạn đàn anh?



Những người Cộng Sản luôn luôn đặt nặng vấn đề “đánh giá tình hình” thế giới và đánh giá bạn cũng như thù. Đối với Trung Quốc thì câu hỏi đã từng được đặt ra, “thực chất Trung Quốc là bành trướng, bá quyền hay xã hội chủ nghĩa”, còn đối với Mỹ thì sự lo ngại là “diễn biến hòa bình”. Ở vào thời đại toàn cầu hóa như ngày nay thì tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng và bạn hay thù cũng tùy thời điểm mà thay đổi, duy chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn. Do lịsh sử và địa dư chi phối, Việt Nam ở vào một vị trí tế nhị đứng giữa luồng ảnh hưởng của hai cường quốc lớn, vì vậy mà một chủ trương đối ngoại hợp lý bắt buộc phải là một chủ trương minh mạch gồm cả ba mối quan hệ cân bằng, thân thiện và hợp tác với Trung Quốc; cũng như với những nước láng giềng và với siêu cường quốc Mỹ. Tranh chấp hay xung đột giữa các cường quốc trong vùng không phải là không thể xẩy ra được, do đó điều tối kỵ cần tránh là trường hợp, vì ý thức hệ hay phản ứng ngược lại khi bị chèn ép, tự đặt mình vào hoàn cảnh không có chọn lựa, phải đứng vào phe này hay phe khác, khu vực ảnh hưởng này hay khu vực ảnh hưởng khác. Việt Nam không nên trông chờ vào bất kỳ một nuớc nào vì trên chính trường quốc tế chỉ có quyền lợi là đáng kể. Nếu cần một điểm tựa, thì không có điểm tựa nào vững chắc bằng sự ủng hộ của cả khối dân tộc. 



Tại Đại Hội X của họ vào năm tới, tất nhiên giới lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam phải lo giải quyết tình trạng lủng củng ngay trong nội bội để sự chống đối Đảng không lan ra ngoài dân gian, nhưng đồng thời với những vấn đề lớn của đất nước như tham nhũng, chênh lệch giầu nghèo, thành thị thôn quê và tụt hậu, việc lựa chọn một chủ trương đối ngoại hợp với trào lưu tiến hóa theo chiều hướng tự do và dân chủ của thế giới bên ngoài thực ra cũng không kém phần quan trọng. 7



Bùi Diễm

Hoa Thịnh Đốn ngày 25 tháng 6, 2002





Chú thích:

(1) 50 năm Ngoại Giao Việt Nam, Học Viện Quan hệ Quốc Tế 22 tháng 8, 1995

(2) Hồi Ức và Suy Nghĩ , Trần Quang Cơ. Bản thảo được bổ sung và hoàn chỉnh ngày 22 tháng 5, 2003             Trang 6 và 7

(3) Hồi Ức và Suy Nghĩ, trang 7

(4) Hồi Ức và Suy Nghĩ, trang 8

(5) Hồi Ức và Suy Nghĩ, trang 47

(6) Hồi Ức và Suy Nghĩ, trang 105


No comments: