Saturday, September 1, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * PHÁP & NHẬT


Hậu Quả Của Sự Cấu Kết
Giữa Thực Dân Pháp
Quân Phiệt Nhật
tại Việt Nam hồi Thế Chiến II


            Cuối thế kỷ 19, người Pháp dùng vũ lực đánh chiếm nước Đại Nam, chia cắt thành 3 xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, để hợp cùng với 2 xứ Cao Mên và Lào thành lập xứ Đông Dương thuộc Pháp.

            Đầu thế kỷ 20, người Nhật đánh thắng người Nga, xâm chiếm lục địa Trung Hoa, tiến quân vào Diến Điện và Đông Nam Á, mưu tính việc trục xuất ngưòi Tây Dương để thành lập Khối Thịnh Vượng chung Đại Đông Á.

            Dù đi đường biển, từ Hoành Tân (Yokohama) sang Ấn Độ Dương, hay đi đường bộ, từ Hoa Nam qua bán đảo Mã Lai để xuống Indonesia và Úc Châu, đi đường nào chăng nữa thì quân đội Nhật Bản vẫn phải qua ngã ba Đông Dương thuộc Pháp. Do đó, trong thế chiến II, thế tất đã phải xẩy ra sự đụng đầu giữa một bên là thực dân Pháp quyết tâm bảo vệ thuộc địa, và một bên là quân phiệt Nhật quyết tâm thực hiện giấc mộng bá chủ Đại Đông Á. Trong thực tế, sự đụng đầu này đã xẩy ra dưới nhiều hình thức thỏa hiệp chính trị, quân sự, hành chánh và kinh tế, do người Nhật chủ động xướng xuất và thực hiện bằng biện pháp sức mạnh, để rút cục sự đụng đầu trở thành sự cấu kết giữa thực dân và quân phiệt mà nạn nhân là nhân dân Việt Nam. Sự cấu kết này đã gây nên những hậu quả trầm trọng đến mức bi thảm, điển hình là nạn đói năm Ất Dậu làm thiệt hại đến hai triệu mạng người ở miền châu thổ sông Hồng và sông Mã.

            Từ lâu, người Nhật đã lưu tâm đến vị trí chiến lược xung yếu của Đông Dương thuộc Pháp. Thời Minh Trị Thiên Hoàng cải cách theo Âu Tây, phái đoàn nhà vua cử đi tham quan Mỹ quốc và Âu châu, trên đường về nước, được lệnh ghé qua Sài gòn lúc bấy giờ đã bị Pháp chiếm giữ. Thời chiến tranh giữa Nga và Nhật, 1904-1905, chính phủ Nhật đã cực lực phản đối với nhà chức trách Pháp về việc hạm đội Hắc Hải của Nga vào nghỉ ngơi tu bổ trong vịnh Cam Ranh. Trong niềm kiêu hãnh về nền văn minh rực rỡ của mình từ thế kỷ 17 đến nay, người Pháp rất xem thường khả năng của người Nhật. Đối với việc tham quan cảng Sài gòn của phái đoàn duy tân Nhật, người Pháp nghĩ rằng người Nhật muốn tìm hiểu để học hỏi phương thức tổ chức đô thị của người Pháp qua việc đối chiếu những điều tai nghe mắt thấy với thực trạng của thương điếm Hội an mà thương nhân Nhật đã quen thuộc từ non 200 năm nay. Đối với tham vọng Đại Đông Á của Nhật, cho dù trước đây, với Hiệp ước Hạ quan (Simonoseki) ký ngày 17-4-1895 với Trung quốc, Nhật được Đài loan, Bành hồ và Liêu đông, và bây giờ, sau chiến thắng lẫy lừng ở eo biển Đối mã, với Hiệp ước Portsmouth ký ngày 5-9-1905 với Nga, Nhật được toàn quyền hành động áp đặt nền bảo hộ tại Triều tiên, người Pháp vẫn xem những dữ kiện đó như những tranh chấp trong nội bộ đám dân da vàng miền Đông Bắc Á, hoặc cùng lắm là chuyện tương tranh quyền lợi giữa dân lùn Nhật và dân cu-lắc Nga, chẳng chút mảy may động chạm đến quyền lợi và vị thế của người Pháp tại Đông Dương. Ngay cả lúc chiến tranh Trung Nhật lần thứ hai bùng nổ vào tháng 7 năm 1937, người Pháp vẫn bàng quan giữ thái độ trung lập, tiếp tục buôn bán với cả hai bên để thủ lợi. Không màng lưu tâm đến sự phản đối bằng các công hàm ngoại giao của Nhật, cũng như không nao núng trước những cuộc dội bom thị uy ở Lạng sơn và bắn phá cảnh cáo dọc tuyến xe lửa Hải phòng-Côn minh, người Pháp vẫn cho hàng hóa Mỹ quá cảnh cảng Hải phòng để theo đường xe lửa lên Vân Nam, và cho Hoa kiều ở Đông Nam Á sử dụng Đông Dương Ngân hàng  để hà hơi tiếp sức cho chính quyền và quân đội kháng chiến Trùng Khánh. Chỉ đến khi quân Nhật chiếm đảo Hải nam ngày 10-2-1939, quần đảo Trường sa (Spratleys) ngày 31-3-1939, và quần đảo Hoàng sa (Paracels) ít ngày sau đó, nguời Pháp mới bắt đầu lo ngại, và vội vã tìm cách liên minh với Anh, Mỹ và Hòa Lan để giảm thiểu áp lực của Nhật, tích cực tham gia Hội nghị quân sự Singapore tổ chức vào tháng 6 năm đó, đồng thời cử tướng hồi hưu Georges Catroux thay thế Jules Brévié làm Toàn quyền Đông Dương. Bộ trưởng Thuộc địa Georges Mandel hi vọng rằng việc thay thế một Toàn quyền dân sự bằng một tướng lãnh hồi hưu vừa không làm cho chính quyền Đông Dương mang tính chất quân phiệt, vừa có khả năng gia tăng tiềm lực của Đông Dương thuộc Pháp trong công cuộc tự phòng vệ, và làm hậu cứ tiếp vận cho mẫu quốc trong nỗ lực chiến tranh chống phe Trục.

            Nhưng chỉ ít lâu sau, tình hình nhanh chóng trở nên vô cùng đen tối. Tại Âu châu, ngày 10-5-1940, quân Đức bắt đầu ào ạt tấn công Hòa Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp. Ngày 14-6-1940, quân Đức tiến vào Paris, chính phủ Pháp dời đô về Bordeaux, và 2 ngày sau, Thống chế Pétain lên làm Thủ tướng. Ngày 22-6-1940, Hiệp ước đình chiến giữa Đức và Pháp được ký kết tại Compiège. Thừa cơ hội này, người Nhật quyết định tiến quân vào Đông Dương.

            Sau các chiến thắng lẫy lừng của Nhật đánh bại Nga tại Lữ thuận và Đối mã, nhiều người Việt Nam làm cách mạng chống Pháp hướng về Nhật Bản để tìm hậu thuẫn, gây nên phong trào Đông du sôi động một thời. Phía người Nhật cũng lưu tâm đến việc chuẩn bị cho người Việt Nam tham gia thực hiện mộng ước Đại Đông Á của người Đông Á. Người Nhật đã đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là hậu duệ Đông cung Cảnh sang Nhật, và tổ chức tại Việt Nam cơ quan tình báo chiến lược Dainan Koosi dưới danh nghĩa một hội buôn. Ngày 10-2-1939, người Nhật đưa Cường Để từ Tokyo sang Thượng hải, và giúp Cường Để thành lập Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội ngày 12-2-1939, do Cường Để làm Ủy viên trưởng, và các Ủy viên khác là Trần Hy Thánh (Trần Phước An), Vũ Hải Thu, Trương Anh Mẫn, Hồ Học Lãm, Trần Hữu Công, Hoàng Nam Hùng và Đặng Nguyên Hùng. Sau đó, song song với việc Cường Để qua Đài Loan phụ trách chương trình phát thanh Việt ngữ về Đông Dương, Lộ quân Miền Nam của Nhật ở Quảng châu giúp Trần Phước An (Shibata) và Trần Trung Lập tổ chức Việt Nam Kiến Quốc Quân.

            Nhân lúc quân Pháp tại chính quốc bị thảm bại trước quân Đức và sắp sửa phải ký Hiệp ước ngưng bắn Compiège, tại Viễn Đông, người Nhật đột ngột thay đổi thái độ. Từ ngày 12-6-1940, đài phát thanh Lộ quân Miền Nam ở Quảng châu, các báo Tokyo Nishi Nichi và Japan Times & Mail, và Hội Meirinkai ở Tokyo, nhất loạt đả kích âm mưu liên minh quân sự của Pháp và Anh, Mỹ tại Đông Dương, và yêu cầu chính phủ Nhật phải đưa ngay quân vào chiếm đóng Dông Dương. Ngày 19-6-1940, Bộ Ngoại giao Nhật trao tối hậu thư cho Đại sứ Pháp Charles Arsène-Henry, đòi người Pháp ngưng chuyên chở hàng hóa cho Trùng khánh, và chấp nhận một phái đoàn kiểm tra quân sự Nhật hoạt động ở Bắc kỳ. Đông Dương thuộc Pháp lúc bấy giờ đang ở thế yếu, tại miền bắc chỉ có 25 phi cơ chiến đấu (so với 200 của Nhật được bố trí áp sát biên giới), còn đạn dược chỉ đủ dùng trong một tháng. Bởi vậy, Catroux đã nhượng bộ, ra lệnh đóng cửa biên giới Việt Trung, đón tiếp phái đoàn kiểm tra quân sự Nhật do Tướng Nishìhara Issaku cầm đầu, và trục xuất các Đại diện thương mãi Trung quốc tại Bắc kỳ. Ngày 30-6-1940, Catroux và Nishihara nhanh chóng thỏa hiệp về các địa điểm bố trí các toán kiểm soát Nhật tại Hà nội, Hải phòng, Lạng sơn, Lào kay, Móng cáy, Cao bằng và Hà giang. Ngày 2-7-1940, toàn bộ phái đoàn kiểm soát Nhật đã có mặt tại Hà nội, trong số này đáng lưu ý là Đại tá Koike Ryoji con nuôi Cường Để, và Trung tá Sato Kenryo Phó Tham mưu trưởng Lộ quân Miền Nam. Mặc dù Catroux đã thỏa mãn tất cả các yêu sách của Nhật nêu trong tối hậu thư ngày 19-6-1940, người Nhật được đà cứ tiếp tục lấn tới. Nishihara đòi Pháp phải để cho quân đội Nhật tự do di chuyển trên lãnh thổ Đông Dương, vận chuyển tiếp liệu cho Lộ quân Miền Nam, đặt các điện đài vô tuyến và sử dụng không phận Đông Dương. Trong lúc đó, ở Bắc kỳ, phi cơ Nhật lên xuống mỗi ngày một nhiều mà không thông báo cho chính quyền Pháp biết. Trong tháng 7-1940, một diệt lôi hạm xuất hiện ở Hải phòng, một tàu rà mìn hoạt động ở Quảng châu loan (Fort Bayard), và một tàu chở hàng cặp bến Hải phòng chuyên chở lương thực cho Lộ quân Quảng châu, tất cả đều không thông báo cho người Pháp biết. Vì thái độ hòa hoãn gần như chịu lép vế này mà Georges Catroux bị chính phủ Vichy cách chức để cho Phó Đô Đốc Jean Decoux thay thế làm Toàn quyền ngày 17-7-1940.

            Decoux bác bỏ các yêu sách của Nishihara, dự tính mở lại cửa biên giới Việt Trung và đề nghị đưa vấn đề ký kết liên minh Pháp Nhật tại Đông Dương lên thảo luận ở cấp chính phủ. Nhưng gặp lúc Nhật thay đổi Nội các (22-7-1940), Thủ tướng Cận Vệ (Konoye Fumimaro) và Ngoại trưởng Tùng Cương (Matsuoka Yosuke) đều là những người tương đối ôn hòa, nhưng Bộ trưởng Chiến tranh là Trung tướng Đông Điều (Tojo Hideki) vô cùng hiếu chiến, phe phái quân phiệt nắm những bộ phận quan yếu trong chính phủ, nên Nhật nghiêng về giải pháp chiếm đóng Bắc kỳ để cắt đứt đường tiếp vận và sử dụng làm hậu cứ tấn công Trùng khánh. Sư đoàn 5 Ngự Lâm quân do Nakamura Aketo làm Tư lệnh được đưa đến sát biên giới, cùng với  lực lượng Kiến Quốc quân Việt Nam của Trần Phước An, Trần Trung Lập và Hoàng Lương, để chuẩn bị tiến vào Đông Dương. Tại Tokyo, ngày 1-8-1940, Ngoại trưởng Matsuoka công bố việc thành lập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, đồng thời trao cho Đại sứ Pháp Arsènes-Henry một công hàm có tính chất tối hậu thư, đòi hỏi Pháp để cho Nhật tự do di chuyển quân đội trên lãnh thổ Đông Dương, vận chuyển quân nhu quân khí, sử dụng và phòng vệ một số phi trường, thủ đắc những quyền lợi kinh tế tại Đông Dương giống y như Pháp. Trước tình hình đó, Arsènes ký với Matsuoka Hiệp ước nguyên tắc ngày 30-8-1940 tại Tokyo, qui định 2 điều căn bản là Nhật thừa nhận chủ quyền của Pháp tại Đông Dương và Pháp để cho Nhật sử dụng Bắc kỳ làm hậu cứ tấn công Trùng khánh, chi tiết việc thi hành hiệp ước sẽ họp bàn tại Hà nội. Nhưng việc họp bàn này giữa Maurice Martin và Nishihara Issaku không được tiến triển êm ả, nên mờ sáng ngày 5-9-1940, một tiểu đoàn Nhật tràn qua biên giới Lạng sơn để làm áp lực, và ngày 9-9-1940 Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương Indoshina Hakengun được thành lập do Thiếu tướng Nishimura Takuma làm Tư lệnh, chuẩn bị tiến vào Đông Dương. Ngày 19-9-1940, Nhật trao cho Decoux một tối hậu thư đòi hỏi phải đạt được thỏa hiệp trước nửa đêm ngày 22-9-1940, giờ Tokyo, tức là 20 giờ, giờ Hà nội, do đó chiều ngày 22, Hiệp ước Martin-Nishihara được ký, nhưng đã quá muộn. Khi đại diện 2 bên Pháp Nhật lên đến Lạng sơn để thông báo thỏa hiệp, thì đúng 20 giờ, quân Nhật đã tấn công Đồng đăng và Lạng sơn, và Kiến Quốc quân Việt Nam của Trần Phước An và Trần Trung Lập, có thêm sự phụ lực của Nông Kính Du, Nông Quốc Long và Đoàn Kiểm Điểm, cũng tràn vào miền phụ cận Lạng sơn. Trong vụ này, Pháp bị thiệt hại khá nặng: lực lượng chính qui chết 9 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan và 21 binh sĩ, bị thương 3 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan và 21 binh sĩ; mất tích 1 hạ sĩ quan và 22 binh sĩ; lực lượng bản xứ chết 1 hạ sĩ quan và 5 binh sĩ, bị thương 7 binh sĩ, mất tích 7 hạ sĩ quan và trên dưới 2 nghìn binh sĩ. Phần lớn hạ sĩ quan và binh sĩ bản xứ được ghi nhận mất tích thực ra là những thành phần đã chạy sang hàng ngũ Kiến Quốc quân, đáng lưu ý nhất là Thượng sĩ Lương Văn Ý. Ngày 25-9-1940, Quân đoàn Viễn chinh Đông Dương đổ bộ ở Đồ sơn rồi tiến lên Hải phòng. Ngày 26-9-1940, phi cơ Nhật còn ném bom thị uy Hải phòng và bay thám sát trên vòm trời Hà nội. Trước những biện pháp dùng sức mạnh của Nhật, Decoux thay đổi thái độ, hoàn toàn thỏa mãn các đòi hỏi của Nhật. Đổi lại, Nhật triệt thoái Sư đoàn 5 xuống Hải phòng để trở về Thượng hải, trả Lạng sơn lại cho Pháp. Kiến Quốc quân Việt Nam không rút theo Sư đoàn 5, ở lại Lạng sơn tử thủ vùng đất mới được giải phóng. Giám binh Lạng sơn Paul Chauvet được cử làm Công sứ, đã chiếm lại tỉnh lỵ Lạng sơn ngày 29-11-1940, rồi lần lượt đánh diệt lực lượng Kiến Quốc quân trong vùng phụ cận, bắt được Trần Trung Lập và Đoàn Kiểm Điểm ngày 26-12-1940, và hai ngày sau đem họ ra xử bắn tại Lạng sơn. Đó là một trong những hậu quả bi thương của sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật vào những năm đầu của Thế chiến II.  Những người Việt Nam yêu nước tin tuởng vào thiện chí của người Nhật sẵn sàng giúp mình cởi bỏ ách nô lệ do người Pháp đặt lên đầu, nay đã bị người Nhật trắng trợn bỏ rơi. Họ đã dùng xương máu của chính mình mua một bài học kinh nghiệm đắt giá lưu lại cho đời sau.

            Đương nhiên mục tiêu tối thượng của quân phiệt Nhật không phải là giúp cho Việt Nam, Lào và Cao Mên thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Mục tiêu tối thượng của quân phiệt Nhật cũng không phải chỉ là việc chiếm đóng Bắc Đông Dương để cắt đứt đường tiếp vận và sử dụng làm hậu cứ ngõ hầu giải quyết dứt khoát vấn đề chiến tranh với Trùng Khánh. Mục tiêu tối thượng của quân phiệt Nhật là chiếm đóng toàn bộ Đông Dương, kể cả Thái Lan, dùng Đông Dương làm bàn đạp tiến công và căn cứ hậu cần trên đường tiến xuống Mã Lai và Indonesia, đánh bật người Anh và người Hòa Lan ra khỏi Đông Nam Á. Trong tinh thần đó, người Nhật một mặt đứng ra làm trung gian dàn xếp việc tranh chấp biên giới giữa Thái Lan và Đông Dương thuộc Pháp để lấy lòng Thái Lan, một mặt tổ chức và tái phối trí các lực lượng của Lộ quân Miền Nam, chủ yếu là tập trung ở Nam Đông Dương, để chuẩn bị chiếm đóng Đông Nam Á.

            Thừa lúc Pháp bối rối đương đầu với Nhật ở Bắc kỳ, Thủ tướng Thái Lan Phibun Songkhram ngày 20-10-1940 đơn phương tuyên bố hủy bỏ hiệp ước bất tương xâm Pháp-Thái và đe dọa dùng vũ lực chiếm lại 467.500 dặm vuông lãnh thổ với 4 triệu dân mất vào cuối thế kỷ trước (Thực ra đây là đất đai Thái Lan đã cướp đoạt của Cao Mên và Lào trước khi người Pháp đến thiết lập nền bảo hộ). Ngày 21-11-1940, chính phủ Nhật quyết định làm trung gian giúp Thái Lan đòi lại đất và dân đã mất nếu Thái Lan chịu hợp tác với Nhật về chính trị và kinh tế để thiết lập một trật tự mới tại Đông Á.. Bị Pháp phản đối, Nhật xúi Thái gây hấn và chuyển cho Thái 38 phi cơ chiến đấu và 25 phi cơ oanh tạc. Ngày 16-1-1941, lục quân Pháp tấn công vào Thái Lan và bị đẩy lui, nhưng hôm sau, hải quân Pháp lại thắng lớn ở đảo Ko Chung. Rút cục, dưới áp lực của Nhật, ngày 9-5-1941, Hiệp ước Hòa bình Thái-Pháp được ký kết tại Tokyo. Pháp phải nhượng cho Thái Lan 64.000 dân cùng các tỉnh Battambang, Sisophon và Siem Reap của CaoMên, và hữu ngạn sông Mekong từ vĩ tuyến 15 trở lên của Lào. Đổi lại, Thái Lan trở thành đồng minh vô điều kiện của Nhật, cho Nhật hưởng nhiều đặc quyền về chính trị, quân sự và kinh tế.

            Ngày 16-10-1941, ở Nhật, Tojo lên làm Thủ tướng lại kiêm nhiệm thêm cả 2 bộ Chiến tranh và Nội vụ. Nhật bắt đầu ào ạt đưa quân vào Đông Dương. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, quân số Nhật tại Bắc kỳ đã gia tăng từ 4.000 người ngày 14-10-1941 lên 26.000 người ngày 27-10-1941, nâng quân số Nhật tại Đông Dương lên đến 42.000 người. Trong những ngày cuối năm 1941, quân số Nhật tiếp tục gia tăng, nhất là tại Nam Đông Dương. Ngày 5-11-1941, Tojo giao cho Thống tướng Terauchi Juichi tổ chức và tái phối trí Lộ quân Miền Nam, tập trung chủ yếu ở Nam Đông Dương, với thành phần và nhiệm vụ như sau: Quân đoàn 14, bản doanh ở Đài Loan, sẽ tấn công Philippin; Quân đoàn 15, bản doanh ở Nam Đông Dương,sẽ tấn công Thái Lan; Quân đoàn 16, bản doanh ở Hoa Nam, sẽ tấn công Java; và Quân đoàn 23, bản doanh ở Nam Đông Dương, sẽ tấn công Mã Lai. Ngoài ra, Lộ quân Miền Nam còn có Sư đoàn 21 và Quân đoàn 3 Không quân (430 phi cơ) ở Đông Dương, Quân đoàn 5 Không quân (380 phi cơ) ở Đài Loan, 500 tàu của Hạm đội vận tải Nam Hải, và một số đơn vị phụ thuộc khác. Ngày 18-11-1941, Phương Trạch (Yoshizawa Kenkichi) đến Hà nội trình ủy nhiệm thư cho Decoux để chính thức nhậm chức Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Đông Dương. Trong thực tế, trên bậc thang quyền lực, cương vị của Yoshizawa cao hơn của Decoux.  Thế là Đông Dương thuộc Pháp từ nay bị Nhật chiếm đóng về quân sự và kiểm soát về chính trị. Tệ hơn nữa, từ ngày 8-12-1941, sau khi Đô Đốc Yamamoto tấn công Pearl Harbor và chính phủ Nhật tuyên chiến với Mỹ, người Pháp tại Đông Dương chỉ còn được đảm nhiệm công việc hành chánh thường nhật mà thôi. Người dân Việt Nam lâm vào cảnh một cổ hai tròng.

             Nhật đã dùng biện pháp sức mạnh để áp đặt một qui chế liên minh quân sự và chánh trị, buộc Pháp ký Thỏa ước phòng thủ chung Đông Dương ngày 29-7-1941 tại Vichy. Điểm đáng lưu ý là trong thỏa ước này có điều khoản nói rằng Pháp cung cấp cho quân đội Nhật số tiền 23 triệu đồng trong tài khóa 1941, số tiền này sẽ được chính phủ Nhật bồi hoàn bằng tiền yen, mỹ kim hoặc vàng. Điều khoản này quả là một gánh nặng cho nhân dân Đông Dương. Thực vậy. từ khi Thế chiến II bắt đầu, công chức và quân đội tại Đông Dương không còn được Bộ Thuộc địa trả lương. Ngân sách Đông Dương phải đài thọ ngân khoản này, ngoài ra còn phải đóng góp tiền bạc chi viện cho chính quốc. Ngày 24-1-1941, Decoux báo động ngân quĩ Đông Dương chỉ còn 2,8 triệu đồng. Vậy mà nay phải cung ứng cho quân đội Nhật mỗi tháng 4,6 triệu đồng (tài khóa 1941 chỉ còn 5 tháng lúc ký thỏa ước phòng thủ chung). Decoux xoay xở ở đâu ra những số tiền nói trên nếu không è cổ dân Đông Dương bắt phải gánh chịu. Trước hết, Decoux tước đoạt tiền bạc của dân chúng bằng cách bắt họ mua công khố phiếu. Tháng 3-1941, Decoux bán ra 10 triệu đồng công khố phiếu, tháng 5-1941, số tiền đó tăng lên 20 triệu đồng, tháng 7-1942 là 45 triệu, tháng 11-1942 là 60 triệu, tháng 4-1943 là 70 triệu, tháng 7-1943 là 85 triệu, tháng 5-1944 là 110 triệu. Thứ đến, Decoux cho vơ vét gạo, than và cao su để bán qua Nhật, Hồng kông và Philippin, để lấy ngoại tệ cho ngân sách, hoặc để nhập khẩu nhu yếu phẩm. Ngay trong năm 1941, Đông Dương xuất khẩu qua Nhật 700.000 tấn gạo và 15.000 tấn cao su. Từ đầu năm 1942 trở đi, gạo, cao su và các sản phẩm công nông nghiệp khác hầu như chỉ xuất khẩu qua Nhật. Gạo được thu góp để xuất khẩu, gạo còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất rượu ty bắt ép dân chúng tiêu thụ để gia tăng ngân sách, và sản xuất rượu cồn để cung ứng cho quân đội Nhật. Trong lúc dân chúng thiếu gạo ăn, nhất là ở vùng châu thổ Bắc Đông Dương, thì các công ty nấu rượu của Pháp tha hồ hưởng lợi. Vào thời điểm này, tại Đông Dương, ngoài các công ty lớn như Société francaise des distilleries de l’ Indochine, Société des distilleries Mazet, và Société des Sucreries et Raffineries de l’Indochine, còn có 19 công ty nhỏ hơn chuyên sản xuất rượu cồn, phân bố rải rác khắp nước, như Indochinese Brewing Co tại Chợ lớn, Tran Trinh Trach Co tại Bạc liêu, Société industrielle et commerciale d’Annam ở Quảng trị, Huế, Tourane và Quảng ngãi, Société des distilleries des alcools indigènes de Van Van tại Bắc ninh và Distilleries Nam Đồng Ích tại Thanh hóa.

            Sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật không chỉ thể hiện qua các thỏa hiệp chính trị và quân sự, mà còn bao trùm tất cả các hoạt động quan yếu trong lãnh vực kinh tế, xuyên qua việc ký kết giữa René Robin và Matsumiya Jun ngày 6-5-1941 tại Tokyo một loạt những văn kiện liên minh kinh tế buộc chặt Đông Dương vào khối Đại Đông Á, như Hiệp ước cư trú và hàng hải về Đông Dương, Hiệp ước về quan thuế, thương mại, và thanh toán ngân khoản giữa Nhật và Đông Dương. Pháp và Nhật dành cho nhau qui chế tối huệ quốc, kiều dân Nhật được đối xử gần như công dân Pháp. Điểm đáng lưu ý về hậu quả của các thỏa ước kinh tế này là hai ngân hàng phụ trách thanh toán ngân khoản giữa Nhật và Pháp là Yokohama Specie Bank và Ngân hàng Đông Dương đã thu được những lợi nhuận khổng lồ trong dịch vụ này. Điểm đáng lưu ý nữa là hàng năm Nhật sẽ xuất khẩu qua Đông Dương vải và chỉ sợi, đổi lại, Đông Dương sẽ cung cấp đay cùng một số nguyên liệu khác cho kỷ nghệ Nhật. Về sau, không đủ đay cung cấp cho Nhật, nhà cầm quyền Pháp đã ra lệnh cho quan lại bản xứ bắt nông dân miền bắc nhổ mạ trồng đay. Trong một miền đất hẹp người đông, từ trung châu Bắc bộ đến đồng bằng Bình Trị Thiên, gạo sản xuất tại chỗ không đủ cho dân ăn lại phải đem một phần lớn đi nấu rượu ty nạp cho công quản rượu RA (régie d’alcool) của nhà nước, và nấu rượu cồn để cung cấp cho quân đội Nhật, nay lại không được phép trồng lúa, phải nhổ mạ trồng đay, người dân miền bắc thấy nguy cơ bị đói đã hiện ra ràng ràng trước mắt. Lòng oán vọng, nỗi uất ức, ngun ngút tới trời xanh. Một số ít quan lại bản xứ còn chút lương tri, thông cảm với sự thống hận và tuyệt vọng của đám dân cùng khổ, đã không nỡ quá tay bắt nông dân triệt để thi hành lệnh nhổ mạ trồng đay, nên đã bị kỷ luật nặng nề. Tổng đốc Thanh hóa Hồ Đắc Ứng cùng tất cả Tri phủ Tri huyện tỉnh Thanh hóa, năm 1944 nhất loạt bị cách chức vì không nộp đủ lượng đay qui định. Trong 2 năm cuối cùng của Thế chiến II, đường giao thông nam bắc bị tê liệt vì bom đạn Đồng minh, gạo trong nam không chở được ra bắc, quân đội Nhật lại gia tăng việc thu mua lúa gạo để dự trữ, nên từ cuối năm 1944, dân đói miền quê bắt đầu đổ ra các thành thị, và lác đác đã có người chết. Từ sau Tết Ất Dậu (1945), thảm họa người chết vì không có gì để ăn xuất hiện khắp miền bắc. Người ta ăn cóc nhái, châu chấu chuồn chuồn, ăn cả lá cây, vỏ cây, thậm chí ăn cả thịt người chết, rồi cuối cùng chẳng còn gì để ăn nên kiệt sức gục chết. Tính ra, nạn đói năm Ất Dậu đã làm thiệt mạng đến 2 triệu người.

            Sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật hồi Thế chiến II tại Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam, được chính thức bắt đầu từ Hiệp ước nguyên tắc ngày 30-8-1940, mở đường cho quân đội Nhật vào chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp, và chấm dứt bởi chiến dịch Meigo tối 9-3-1945, lật đổ chính quyền và tước khí giới quân đội và lực lượng cảnh sát Pháp tại Đông Dương. Sự cấu kết này, hay nói một cách nhẹ nhàng, văn vẻ hơn, sự liên minh này, đối với người Nhật là một diễn biến tất yếu. Bằng mọi biện pháp, người Nhật phải đưa quân qua ngã ba Đông Dương trên bước đường tiến xuống Đông nam Á và Úc châu, đồng thời khai thác tài nguyên Đông Dương để cung ứng cho kỷ nghệ. Nếu người Pháp lừng khừng, người Nhật sẽ dùng biện pháp sức mạnh để áp đặt. Nếu người Pháp chống đối, người Nhật sẽ dùng chiến tranh để tiêu diệt chướng ngại. Bởi vậy, dẫu đã có Hiệp ước nguyên tắc Arsènes-Matsuoka ngày 30-8-1940, mà vẫn phải có trận tấn công Lạng sơn đêm 22-9-1940, nhiên hậu chi tiết thi hành hiệp ước nguyên tắc mới được thỏa hiệp. Về phía người Pháp, sự liên minh này đã xãy ra ở cái thế chẳng đặng đừng. Không được chính quốc chi viện, Catroux hiểu rằng ở Bắc kỳ, với 25 phi cơ chiến đấu, Pháp không thể đương đầu với 200 phi cơ của Nhật, nên buộc lòng phải nhượng bộ. Decoux cũng không làm được gì hơn. Trông gương hạm đội Pháp của Đô đốc Gensoul bị người Anh đánh đắm ở ngoài khơi Algeria ngày 3-7-1940, nay trước thái độ cao ngạo của Percy Noble, Tư lệnh Hải quân Anh tại Thái bình dương, đe dọa đánh đắm soái hạm Lamotte-Picquet, Decoux ở cái thế lưỡng đầu thọ địch đành chịu thỏa mãn các yêu sách của Nhật. Vì vậy mà quan hệ Pháp Nhật ban sơ ở cái thế đương đầu đã nhanh chóng chuyển sang thế liên minh liên kết, thực dân Pháp không mất thuộc địa mà quân phiệt Nhật vẫn có đất đóng quân lại còn sử dụng được bộ máy hành chánh của Pháp làm trung gian để cấu kết với nhau bóc lột dân Đông Dương tới tận xương tủy. Đành rằng một sự liên minh mang tính chất gượng gạo như thế tất nhiên không tồn tại lâu dài, nhưng sự cấu kết đó cũng đã gây nên những hậu quả trầm trọng đến mức độ bi thảm cho dân chúng Đông Dương. Ngoài cảnh người chết nhà đổ vì bom đạn Đồng minh, chuyện kinh tế kiệt quệ, tình trạng dân chúng nghèo khó vì tai ách một cổ hai tròng, và nạn đói kém năm Ất Dậu, hậu quả tai hại nhất của sự cấu kết giữa thực dân Pháp và quân phiệt Nhật ở Việt Nam hồi Thế chiến II là lổ hổng chính trị to lớn trên chính trường khi chiến tranh chấm dứt. Thực vậy, một khi liên minh Pháp Nhật đã hình thành, người Pháp ở Đông Dương được rảnh tay trong việc đối ngoại, đã dốc toàn lực vào việc truy lùng và giết hại những người Việt Nam yêu nước chống Pháp. Các cuộc nổi dậy bị đàn áp man rợ, các tổ chức chính trị và tôn giáo bị khủng bố trắng, các thành viên bị bắt giữ, bị lưu đày, còn được mấy người sống sót? Chính phủ Nhật lại thiếu nhất quán trong chính sách đối với Cường Để. Có thể chính phủ Nhật có lý do riêng để lưu giữ Hoàng Đế Bảo Đại, nhưng tại sao Tướng Tsuchihashi lại cản trở việc Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng? Với Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng thay vì Trần Trọng Kim vốn là học giả hơn là chính khách, chắc gì chính quyền Bảo Đại đã dễ dàng buông xuôi mặc cho Việt Minh áp đặt chính quyền chuyên chính vô sản lên đầu dân tộc Việt Nam.

            Xem vậy, những việc làm của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật hồi Thế chiến II quả đã gây nên những hậu quả vô cùng tai hại, có ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng bi thảm tại Việt Nam ngày nay. Chính phủ và nhân dân yêu chuộng tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và dân quyền, của hai quốc gia đứng vào hàng tiến bộ bậc nhất thế giới nghĩ sao?
           
                                                             21 tháng 3 năm 2000                                                           
                                                         Minh Vũ Hồ Văn Châm


No comments: