Friday, September 7, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * CHỮ "NGỤY"


Tản Mạn về Chữ  "Ngụy"

  của Người Cộng Sản 


 

Ngụy là một từ gốc Hán có nghĩa là giả dối, không thật hay không có thật. Từ nguyên nghĩa đó, trong ngôn ngữ bác học, ngụy tạo có nghĩa là làm ra những tài liệu giả để lừa dối người khác hoặc để làm bằng chứng gian trá, ngụy quân tử là người đạo đức giả khéo léo che đậy bộ mặt thật của mình để mưu đồ những việc bất chính. Trong ngôn ngữ bình dân có cụm từ tán thán "ngụy quá !" có nghĩa là lạ lùng hết sức, bậy bạ quá mức. Chế độ cộng sản lại đẻ thêm danh từ ngụy quân để chỉ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ngụy quyền để chỉ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Mỹ-Ngụy là liên minh Mỹ với những người Việt Nam thân Mỹ chống cộng.
            Chữ ngụy trên đây không bao giờ viết hoa ở giữa câu, khác biệt với chữ Ngụy viết hoa là tên họ, tên nước. Việt Nam có họ Ngụy, có những người nổi tiếng như Ngụy Khắc Đản, Ngụy Như Kontum. Trung Hoa có nước Ngụy thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Ngụy thời Tam phân thiên hạ. Ngụy công, Ngụy vương, Ngụy Vũ Đế là những tước vị liên tiếp của Tào Tháo.
            Như vậy là có rất nhiều chữ ngụy, ngụy trong ngôn ngữ bác học, ngụy trong ngôn ngữ bình dân, ngụy danh tự chung, ngụy danh tự riêng. Sau đây chúng ta giới hạn câu chuyện trong phạm vi chữ ngụy mà người cộng sản dùng để chỉ phía Việt Nam Cộng Hòa, và chúng ta sẽ thấy chính họ, những người cộng sản, mới đích thực là ngụy chính tông.
            Người cộng sản Việt Nam là những kẻ rất mực giáo điều, luôn luôn áp dụng phép biện chứng duy vật vào phương thức làm việc. Một trong những điểm chính yếu của phép biện chứng duy vật mà người cộng sản Việt Nam rất sở truờng là thừa nhận sự tương quan mật thiết giữa lượng và chất, "lượng biến thì chất biến". Điều này có thể diễn giải một cách giản đơn và cụ thể là một sự kiện vốn dĩ không thật, hay không có thật, nhưng cứ khẳng định và lặp đi lặp lại nhiều lần thì rút cục sẽ trở thành có thật. Không nói thành có, giả nói rằng thật, điều này vốn trân tráo vô đạo, nhưng người xưa cũng đã có câu "lộng giả thành chân". Đến như có nói thành không, thật nói rằng giả thì xưa nay người có lương tâm và đạo lý không mấy ai chịu làm. Nhưng người cộng sản Việt Nam, đặc biệt là lãnh tụ của họ, từ cơ sở tư duy đậm màu biện chứng duy vật vừa nêu trên đã không bỏ sót bất kỳ cơ hội nào để triệt để triển khai thành hành động cụ thể, trong mưu đồ che đậy bộ mặt thật của mình, tự đề cao mình, đồng thời xuyên tạc sự thật, phủ nhận giá trị của người khác, với mục đích đen tối là đả phá uy tín để đánh gục đối thủ.
            Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị phát sinh từ một bối cảnh quốc tế và quốc nội mang những tính chất đặc thù sâu sắc. Vào thời điểm ký kết hiệp định Genève 1954, lực lượng thực dân ở Đông Dương đã kiệt quệ sau 9 năm chiến đấu mỏi mòn, vô vọng. Trung Cộng cũng vừa so găng thử sức với Mỹ ở Triều Tiên, đã biết rõ Mỹ không phải là hổ giấy, nên rất nôn nóng thu xếp việc phương nam, cốt sao để Mỹ không có cớ đem quân vào. Hiệp nghị Genève chia cắt Việt Nam ở vĩ tuyến 17, nhường miền bắc cho cộng sản Việt Nam thống trị, đi ngược lại ý muốn của tuyệt đại bộ phận người Việt Nam muốn cho đất nước toàn vẹn cõi bờ, nhân dân sống trong hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc. Bởi vậy, cuối năm 1954, gần một triệu người Việt Nam đã bỏ miền bắc di cư vào miền nam, và cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 đã biến miền nam thành một nước cộng hòa. Việt Nam Cộng Hòa có một định chế dân chủ pháp trị, và có quan hệ ngoại giao chính thức với hơn 60 nước trên thế giới.
            Ấy vậy mà người cộng sản Việt Nam cứ một mực lớn tiếng rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chế độ ngụy, quân lực Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quyền, liên minh Mỹ-Việt Nam Cộng Hòa là Mỹ-Ngụy, và hò hét cổ vũ việc đánh đổ Việt Nam Cộng Hòa, "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Vai trò của Việt Nam Cộng Hòa, công và tội của những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa, hãy để cho lịch sử phán xét. Những việc xảy ra như hãy còn trước mắt. Thời gian chưa đủ làm lắng đọng những yếu tố ngụy tạo và những nhận định chủ quan, vì tự tư tự lợi, nên những chuyện đó, ở đây chúng ta chưa vội bàn.
            Ngày nay chúng ta chỉ cần biết rằng Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị đã đóng góp nhiều mặt tích cực vào tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam ở hậu bán thế kỷ 20. Sau năm 1975, trừ những người cộng sản giáo điều chủ nghĩa, cố tình phủ nhận thực tế, triệt để áp dụng phép biện chứng duy vật vào một chiến dịch tuyên truyền láo khoét đại qui mô để đạt mục tiêu đen tối triệt hạ uy tín đối phương, còn phần đông những người cộng sản khác, nhất là những cán bộ tập kết trở lại miền nam và những cán bộ sinh trưởng ở miền bắc nay vào công tác ở miền nam, đều phần nào thấy ngượng miệng khi gọi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chế độ ngụy. Dần dà tự họ đã thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, sau một thời gian sinh sống ở miền nam đầy rẫy những "tàn dư Mỹ ngụy". Trước những dữ kiện hiển nhiên tương đối tiến bộ so với miền bắc xã hội chủ nghĩa trong sinh hoạt kinh tế, văn hóa và xã hội hằng ngày, người cán bộ cộng sản đã đổi mới tư duy và một số không ít đã bắt đầu gọi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là chế độ cũ thay vì chế độ ngụy.
            Giữa những năm 80, nhật báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật vụ án bến xe miền tây thành phố Hồ Chí Minh đã ghi lại lời phát biểu của người giám đốc sở quan khi bị lên án là chỉ toàn giao du với những người của chế độ cũ. Người cán bộ này đã gay gắt lớn tiếng trước tòa rằng "không chơi với ngụy thì chơi với ai?". Đành rằng báo Sài Gòn Giải Phóng là báo của đảng, vì vậy bài tường thuật nêu trên được phổ biến để đả kích tên giám đốc bến xe miền tây tham ô lãng phí, chỉ toàn giao du với những người của chế độ cũ, là nhằm mục đích uốn nắn dư luận, lưu ý mọi người xa lánh "bọn ngụy", giữ vững lập trường giai cấp. Nhưng vô hình trung, bài báo cũng đã phản ánh một sự kiện khá phổ thông là cán bộ cộng sản đang dần dà tư sản hóa, đang theo đuôi cách nghĩ, cách nhìn của những người thuộc chế độ cũ mà họ nhận ra là cũng có người tốt, kẻ xấu, chứ không phải cá mè một lứa toàn là kẻ thù giai cấp như lời Bác và Ðảng đã dạy.
            Đến như lớp con cháu của các cán bộ cộng sản, chỉ sau một thời gian ngắn sinh sống trong lòng xã hội miền nam, những người trẻ tuổi này bắt đầu cảm thấy không hãnh diện gì về giai cấp xuất xứ của mình mặc dù nhờ đó mà họ được hưởng nhiều đãi ngộ đặc biệt. Họ bắt đầu dấu diếm gốc tích, quanh co lý lịch, để hội nhập vào cộng đồng mới, tìm mọi cách để hòa đồng vào lòng cái xã hội mà cha anh họ lên án là "đồi trụy", là "phồn vinh giả tạo", là đầy rẫy "tàn dư Mỹ ngụy", tự nguyện biến mình thành những cá nhân bình thường trong một xã hội bình thường, cốt sao để được đón nhận những tia mắt thân thiện, chứ không phải là những tia mắt hằn học, e dè hoặc khinh khi của buổi ban đầu.
            Vậy thì, hỡi những người cộng sản giáo điều chủ nghĩa, đã đến lúc các người phải dứt khoát chui ra khỏi cái tháp ngà bấy lâu nay bưng mắt bịt tai các người, khiến các người hành xử như những kẻ vừa mù vừa điếc, mà thảm hại thay, các người vẫn cứ tưởng rằng mình tinh mắt và thính tai! Đã đến lúc các người phải nhìn kỹ lại bản thân và bè lũ mình. Các người gọi người khác là ngụy, mà ngụy là giả dối, là không thật, là không có thật. Vậy thì bản thân các người hoàn toàn chân chính hay cũng còn nhiều mặt gian trá, giả dối? Những điều các người chủ trương, các người hứa hẹn, là thật, hay chỉ là mị dân, là bịp bợm, là không thật, là không tưởng? Những điểm các người xưng tụng lãnh tụ Hồ Chí Minh của các người là có thật hay chỉ là bịa đặt, là sắp xếp, là dối trá, là không có thật? Nói một cách khác, nếu các người không giải đáp thỏa đáng các điểm nêu trên thì dứt khoát các người không có quyền và không có tư cách gọi người khác là ngụy, bởi vì rành rành các người là ngụy chính tông.
            Ngày trước, những nhà thơ, nhà văn như Trần Dần, Phùng Quán trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm nào có tội tình gì mà bị các người đọa đầy lên miền than đông bắc chịu án lao động cải tạo! Chẳng qua họ muốn thành thật với chính mình và với mọi người, họ không muốn làm những con nguời giả dối. Họ kêu gọi các người "yêu ai thì nói rằng yêu, ghét ai thì nói rằng ghét", chỉ có thế thôi! Các người kết án họ thì đúng các người là quân đạo đức giả, là ngụy quân tử, là phường xỏ lá ba que, bề ngoài thơn thớt nói cười với bộ mặt thánh thiện mà bên trong lòng lang dạ sói, hung hiểm chết người.
            Những năm đầu thập niên 50, các người phóng tay phát động chiến dịch đấu tố trong vụ cải cách ruộng đất, với những lời lẽ  cổ động  hoa mỹ, nào   lấy  ruộng của  bọn trí, phú, địa, hào để chia cho nông dân, nào là xóa bỏ bất công xã hội, san bằng cách biệt giàu nghèo v.v. Nhưng đấy chỉ là bề ngoài. Kỳ thực, chủ tâm của các người là tiến hành triệt để việc rèn quân chỉnh cán trên cơ sở mượn chiến dịch đấu tố cải cách ruộng đất để tiêu diệt toàn bộ những phần tử quân cán không thuộc giai cấp chủ lực công nhân và bần cố nông. Những phần tử này bao gồm địa chủ và phú nông đã cống hiến ruộng nương tiền của cho kháng chiến, trí thức tiểu tư sản đã cống hiến tim óc và xương máu cho kháng chiến và nay đang giữ những vai trò chủ chốt trong guồng máy hành chính, quân sự, kinh tế và xã hội của vùng giải phóng. Chiến dịch đấu tố thanh trừng này rùng rợn đến nổi làm kinh động toàn dân, đầu thôn cuối xóm tiếng kêu than oán vọng dậy đất ngút trời! Các nguời đã tỏ ra là những kẻ đại gian đại ác. Sau khi chiến dịch thành công, mục tiêu đã đạt, các người lại bày ra cái trò giết dê tế thần để phủi tay, rũ sạch tội lỗi, và các người lại lừa gạt nhân dân thêm một lần nữa. Các người giả trá nhìn nhận khuyết điểm, tuyên bố sửa sai, hạ bệ Trường Chinh để cho Lê Duẫn thay chức Tổng Bí Thư Đảng Lao Động, bề ngoài làm ra vẻ như là tạ tội với nhân dân, ngõ hầu xoa dịu sự căm phẫn của quần chúng, nhưng kỳ thực bên trong, đó chẳng qua chỉ là sự bưng bít che đậy những vụ đấu đá, thanh trừng, trong nội bộ ban lãnh đạo đảng Lao Động, với kết quả phe thân Nga của Lê Duẫn đã hất cẳng phe thân Tàu của Đặng Xuân Khu đấy mà thôi.
            Sau năm 1975, các người tiến hành việc đổi tiền ở miền nam. Đổi tiền là một biện pháp tài chánh đương nhiên phải làm, việc gì mà phải dấu diếm thậm thọt? Sắp sa đổi tiền mà các người cứ ra rả là không đổi tiền, không đổi tiền. 7 giờ sáng đổi tiền mà 5 giờ sáng xe gắn loa phóng thanh của Thông Tin Văn Hóa còn chạy rông khắp thành phố Sài Gòn lãi nhãi nói chuyện không đổi tiền. Các người cứ quen thói dối trá phỉnh gạt. Một biện pháp tài chính thông thường như là việc đổi tiền có thể tiến hành một cách chính đại quang minh, việc gì phải sử dụng các phương thức ma đầu?
            Đến như thân thế lãnh tụ Hồ Chí Minh của các người cũng đầy rẫy những điều giả trá, ngụy tạo. Ngày sinh, ngày chết của Hồ Chí Minh do chính quyền cộng sản chính thức công bố là những điều không đúng sự thật. Ngày 19 tháng 5 không phải là ngày sinh của Hồ Chí Minh. Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc ở sở Cảnh sát Paris đã khai ngày sinh là 15 tháng giêng năm 1894. Năm 1923, tại Đại Sứ quán Liên Xô ở Berlin, Nguyễn Ái Quốc lại ghi ngày sinh là 15 tháng 2 năm 1895. Hương chức làng Kim Liên khai với sở Mật thám Trung Kỳ rằng Nguyễn Tất Thành sinh vào tháng 3 năm Thành Thái thứ 6 (âm lịch), nghĩa là tháng 4 năm 1894 *. Vậy thì ở đâu ra ngày 19 tháng 5? Số là chính quyền Việt Minh sau khi ký hiệp định 6-3-1946 để cho Pháp đưa quân vào đóng ở một số thành phố phía bắc vĩ tuyến 16, đã thỏa hiệp đón rước đô đốc Pháp D' Argenlieu từ Hải Phòng đi đường bộ lên Hà Nội vào ngày 19 tháng 5 năm 1946. Để bắt dân chúng treo cờ đón rước viên tướng thực dân đầu sỏ này, một điều mà nhân dân Việt Nam thời đó nhất định không làm, các người đã láo khoét nói với dân chúng rằng ngày 19 tháng 5 là sinh nhật cụ Hồ, yêu cầu họ treo cờ mừng ngày sinh của Bác. Ngày chết của Hồ Chí Minh là rạng sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969, nhưng các người sợ dân chúng bàn ra tán vào rằng Hồ Chí Minh chết trùng với ngày quốc khánh là điềm bất tường nên các người đã giả trá không chịu cáo tang, dời lại sáng ngày hôm sau, 3 tháng 9, mới công bố. Kéo dài sự sống cho một cái thây ma vì mục đích đen tối riêng tư, hành động của các người có thể so sánh ngang ngửa với hành động của Triệu Cao, Hồ Hợi đối với cái thây ma Tần Thủy Hoàng.
            Các người xưng tụng Hồ Chí Minh là con người rất mực thánh thiện, không vợ không con, suốt đời dốc hết tâm chí cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng vô sản. Nhưng các văn khố của Pháp, của Nga, của Tàu ngày nay đã cho thấy là Hồ Chí Minh có đủ cả vợ và bạn gái, vợ ta (Nguyễn Thị Minh Khai), vợ Tàu (Tuyết Minh), bạn Nga (Vera Vasiliera), bạn Pháp (Bière). Nhà báo Mỹ Sophie Quinn Judge tra cứu văn khố của quốc tế cộng sản ở Moscow đã cho biết Nguyễn Thị Minh Khai trước khi lấy Lê Hồng Phong đã từng là vợ của Hồ Chí Minh hồi đó có bí danh là Likin. Một bức thư của Hà Huy Tập năm 1935 lưu tr ở văn khố đó cũng nói rằng Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Nguyễn Ái Quốc. Mà chuyện có vợ có con thì là thế gian sự thường, có gì là xấu xa mà phải quanh co dấu diếm. Chẳng qua là cái bản chất giả trá của các người đã trở thành căn bệnh trầm kha, không phương cứu chữa. Bởi thế, bản thân Hồ Chí Minh cũng đã ngụy tạo ra cái tên Trần Dân Tiên để viết sách tự ca tụng mình, và vấn đề ai là tác giả đích thực của tập thơ "Nhật ký trong tù" đang là nghi vấn văn học trong vòng tranh cãi giữa nhóm Lê Hữu Mục ở Montréal và các bồi bút của Đảng Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội.
            Các người hết xưng tụng con lại xưng tụng cha, cũng nhiệt tình không kém, và tất nhiên là với các dữ kiện ngụy tạo. Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó Bảng, làm Tri Huyện Bình Khê, đang lúc say rượu đã dùng gậy đánh chết anh nông dân Tạ Đức Quang nên bị dân kiện và bị bãi chức. Thế mà các người bẽ cong ngòi bút, các người ra rả hát rằng cụ Phó Bảng nặng lòng vì dân vì nuớc, chán cảnh ràng buộc của quan trường nên treo ấn từ quan, lui về dạy học. Các người lại còn nặn ra cả một lô chữ Hán để gán cho Nguyễn Sinh Sắc, rằng cụ Phó Bảng thường nói  "Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ". Đúng là khẩu khí nhà nho an bần lạc đạo, tùy thời xuất xử, tiến vi quan, thoái vi sư, người vô tâm ai mà không tin sự bịa đặt của các người. Nhưng oái oăm thay! Văn khố Pháp còn lưu trữ một lá đơn xin vào học Trường Hành Chánh Thuộc Ðịa (Đơn gửi từ Marseille, đề ngày 15-9-1911), và hai lá đơn nhờ Khâm Sứ Trung Kỳ chuyển 15 đồng bạc Đông Dương cho cha (New York, 31-11-1912) và xin cho cha được tái bổ dụng (New York,15-12-1912), mà người đứng tên xin là Nguyễn Tất Thành.
            Vấn đề nữa là lai lịch bất minh của lãnh tụ Hồ Chí Minh của các người. Hồ Chí Minh có tên cúng cơm là Nguyễn Sinh Cung, tên chính thức thời trai trẻ là Nguyễn Tất Thành, tên đi vào lịch sử là Hồ Chí Minh. Ngoài ra trong thời gian hoạt động chính trị ở nước ngoài, Hồ Chí Minh còn có các tên Nguyễn Ái Quốc, Nguyen le patriote, Monsieur Nguyen, Lý Thụy, Likin, Vương tiên sinh, Wang sếnh sáng. Việc thay tên đổi họ trong hoạt động cách mạng bí mật là chuyện thông thường. Vấn đề được đặt ra là tại sao trong chừng ấy tên, Hồ Chí Minh lại lấy họ Hồ vào giai đoạn tên tuổi mình chính thức đi vào lịch sử. Phải chăng Hồ Chí Minh biết mình là giòng dõi họ Hồ làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, chứ không phải là con cái nhà họ Nguyễn làng Kim Liên, huyện Nam Đàn?
            Hồ Chí Minh là cháu nội Cử nhân Hán học Hồ Sĩ Tạo, nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Sĩ Tạo vào Nam Đàn dạy học, dan díu với cô đào Hà Thị Hy người làng Sài. Khi cô gái mang thai, để tránh tai tiếng, gia đình đem gã làm vợ kế cho anh nông dân Nguyễn Sinh Nhậm người làng Sen. Ít lâu sau thì Nguyễn Sinh Sắc ra đời. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ tuổi, Nguyễn Sinh Sắc đuợc Tú tài họ Hoàng người làng Chùa đem về nuôi cho ăn học, lại gã con gái đầu lòng là Hoàng Thị Loan cho làm vợ. Nguyễn Sinh Sắc cùng với vợ con tiếp tục ở làng Chùa cho đến lúc thi hội đậu Phó Bảng thì chức sắc làng Sen rước về Kim Liên cấp đất làm nhà cho ở. Đấy là nơi ngày nay khách du lịch vẫn được đưa đến tham quan.
            Câu chuyện trên đây, những chuyên viên trong ban nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam không bao giờ đả động đến. Chỉ mới gần đây thôi, trong chuyến công du Hoa Kỳ năm 1991, ở Đại Học Cornell, New York, Trần Quốc Vượng mới đem công bố, chắc rằng đã được phép của giới chức thẩm quyền Hà Nội. Nhưng câu chuyện cũng chỉ được phổ biến hạn chế ở nước ngoài, còn trong nước thì không ai được phép đả động tới. Tuy nhiên dân chúng ở địa phương Nghệ Tĩnh ai mà không biết chuyện đó. Ngay từ hồi 1982, ở trại cải tạo Xuân Phước, Phú Yên, người viết bài phiếm luận này đã được một người bạn tù tên là Ph., nguyên quán Nghệ An, kể cho nghe hết ngọn ngành. Theo lời "người anh em", con trai con gái nhà họ Nguyễn làng Kim Liên xưa nay chỉ biết việc cày sâu cuốc bẩm. Ngay lúc sinh thời Hồ Chí Minh tại vị ở ngôi Chủ Tịch Đảng, Chủ Tịch Nước, con em nhà họ Nguyễn làng Kim Liên cũng không có lấy một người làm được cán bộ cấp huyện, vì khả năng trí tuệ quá kém. Người ta tự hỏi, tại sao giữa đám nông dân thô lậu đó lại xuất hiện một người cha khoa bảng và một người con chính trị gia gian hùng. Rõ ràng là hai cha con nhà này, về mặt huyết thống, thuộc về một giòng họ khác.
            Họ Hồ Quỳnh Lưu là thế gia vọng tộc. Thủy tổ là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, đời Ngũ Quý, thế kỷ thứ 10, làm Thứ Sử Hoan Châu. Khi nhà Lương mất nước, Hồ Hưng Dật đã cùng gia đình ở lại nơi trấn nhậm. Con cháu về sau trở thành công dân Việt Nam, mỗi ngày một đông đúc, thiên di thành lập các chi phái ở Bắc Hà, Thanh Hóa, Thuận Hóa, Quảng Nam, Bình Định, Gia Định. Con cháu họ Hồ đời đời thịnh đạt, con trai văn võ kiêm toàn, thi nhau đậu Đại Khoa, làm Thượng Thư, Tể Tướng, con gái nhiều người ở ngôi Mẫu Nghi Thiên Hạ. Bởi vậy, việc có thêm một vị Phó Bảng cũng không làm cho họ Hồ Quỳnh Lưu vẻ vang thêm, huống hồ đó lại là một người nghiện ngập, hung bạo. Đến như Hồ Chí Minh đổi lại họ là Hồ thì cũng là chuyện không mới, xưa kia Hồ Quý Ly đã từng làm. Vấn đề đặt ra ở đây là theo quan điểm chính thống phương Đông, đại phàm con người ta, khi mà lai lịch bất minh thì tâm địa bất chính. Hồ Chí Minh là người gian hùng, bá  đạo. Cũng  cùng  một  giòng  họ, cũng  cùng sống một thời, và cũng cùng đeo đuổi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, mà hành động của Hồ Tùng Mậu chính đại quang minh hơn nhiều.
            Công và tội của Hồ Chí Minh và những người trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng như công và tội của những người lãnh đạo phía Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta hãy để cho nhân dân và lịch sử phán xét. Như vậy, việc định công, luận tội sẽ vô tư hơn, công bằng hơn. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể đặt lại vấn đề ai là chân, ai là ngụy. Đành rằng khi người ta làm công tác tuyên truyền, vận động, dấn thân vào vòng đấu tranh chính trị, thì ít ai tránh được cái bệnh chủ quan, nhưng xin đừng vì thế mà đi quá đà đến độ ngậm máu phun người. Đừng gọi người khác là ngụy khi chính mình lại giả trá, tức là ngụy, hơn ai hết.
            Những người Việt Nam yêu nước ở cả hai phía đừng mù quáng vì việc tranh chấp ý thức hệ mà mất đi sự tôn trọng lẫn nhau để có được sự sáng suốt cần thiết cho việc hoạch định một phương hướng hành động thích nghi để xây dựng một nuớc Việt Nam dân chủ pháp trị, mưu cầu độc lập và vinh quang cho Tổ Quốc, hòa bình và hạnh phúc cho Nhân Dân.
                                                              Tháng 3 năm 1996
                      Minh Vũ Hồ Văn Châm
Chú giải:
*Daniel Hemery. Approches-Asie, số tháng 11/1992, Paris

No comments: