Nguyễn Văn Ba |
Miền đất của những cơ hội |
- Chị Tư! Mạnh giỏi chị Tư?
Chị Tư nửa chú ý, nửa không. Chú ý vì tiếng gọi dường như nhắm vào chị, chị lại thứ tư. Không chú ý vì tiếng gọi nghe không quen tai.
Chị Tư ngước mặt về hướng phát ra tiếng gọi, một người đàn bà trung niên đang từ từ tiến tới. Nụ cười nở trên môi, người đàn bà vồn vã:
- Phải chị Tư hông? Chị Tư Hột Vịt Lộn.
Lâu lắm mới nghe có người nhắc tới hỗn danh xa xưa của mình, chị Tư giật mình, đáp như một cái máy:
- Dạ phải! Còn chị...
- Em là Tám Bửu, ở chung trại Bidong với chị nè. Trời ơi! Gặp lại chị em mừng quá. Nhìn thấy chị từ đằng xa, em kêu chị mà trong bụng sợ nhìn lầm người hết sức.
- Chị Tám. Bây giờ chị trắng và xinh đẹp quá, tôi nhìn không ra.
- Thiệt hông chị? Chị khen đẹp làm em mừng. Anh Tám cũng khen em đẹp, mà em tưởng ảnh nịnh em. Ba con rồi đó chị ơi! Hồi ở đảo, lúc chị đi rồi, em có chửa thằng kế, đẻ luôn trên đảo, rồi có chửa thêm thằng con trai út, qua đây mới sanh, năm nay thằng út được hai tuổi rồi.
- Chị giỏi dữ vậy à, tới ba thằng con trai lận. Rồi anh chị tính có thêm đứa út nhứt hay út nhì gì nữa không?
- Thôi chị ơi! Em sợ rồi. Anh Tám muốn em đẻ thêm cho ảnh một đứa con gái nhưng em nhứt định thôi, em nhờ bác sĩ kế hoạch, cực quá. Rán thêm đứa nữa biết đâu rồi cũng con trai như mấy thằng anh nó thôi.
- Anh chị làm ăn ra sao? Các cháu mạnh khỏe hết chớ?
- Anh Tám làm thợ hàn, lương mười hai đồng một giờ, còn em thì ở nhà coi chừng tụi nhỏ, nấu ăn. Gởi con mắc quá, tiền đi làm chỉ đủ trả nhà trẻ, các cháu lại vất vả. Còn anh chị làm ăn ra sao? Sang đây trước tụi em, chắc anh chị đã có nhà, xe đàng hoàng rồi?
- Dạ, nhờ trời, chúng tôi cũng bình thường. Hay là hôm nào mời anh chị tới nhà chơi, chỗ cố tri mà. Anh Tám hồi ở đảo hay đánh cờ tướng với ba sắp nhỏ, được anh chị tới chơi chắc ba sắp nhỏ mừng lắm.
*
Mời thì mời lơi, theo phép lịch sự, chớ trong bụng chị Tư đã phát ghét con mẹ Tám Bửu nầy rồi. Nguyên nhân thì nhiều lắm, xa có, mà gần cũng có. Trước hết là cái hỗn danh Hột Vịt Lộn chị Tư đã muốn quên mà con mẹ Tám Bửu còn nhắc lại, nhắc một cách tự nhiên, không ngại ngùng gì cả. Sau 75 chị Tư cực chẳng đã phải bỏ nghề giáo viên, đi bán hột vịt lộn kiếm sống qua ngày, rồi thành danh luôn, cái tên kỳ cục đó đeo đẳng chị tới trại tỵ nạn. Từ khi đến đệ tam quốc gia, chị Tư đã mạnh dạn khai tử tên Tư Hột Vịt Lộn một cách không luyến tiếc, đồng hương ở đây gọi chị theo tên chồng là Tân, chị Tư Tân hay một cách Âu Mỹ hơn là Janet.
Thứ đến chị Tư biết con mẹ Tám Bửu vốn là bạn hàng cá, chồng là dân đánh cá thứ thiệt, chữ nghĩa không đầy lá mít, đâu thể nào sánh được với vợ chồng chị, dù gì cũng là ‘giáo mác’, chữ nghĩa đầy mình. Chị Tư thường tự hào mình khéo ăn, khéo nói, như nhiều người ngợi khen, do cái vốn văn hóa sẵn có cộng với những năm đi bán hàng rong, mời chào khách, do chị theo phương châm ‘Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau... Trước khi nói uốn lưỡi bảy lần...’. Còn con mẹ Tám Bửu nói mà chẳng bao giờ suy nghĩ coi lời nói của mình có làm phật lòng người khác. Tánh con mẹ Tám Bửu lại ba hoa thiên địa, ruột để ngoài da, hồi ở đảo thì khoe tiền, khoe của, dù chẳng giàu hơn ai, qua đây vẫn không chừa tật cũ, chồng làm mười hai đồng một giờ cũng khoe, được người ta khen đẹp xã giao, tưởng thiệt, tưởng bở, mừng rơn, lại không biết nói một tiếng khiêm nhường...
Con mẹ Tám Bửu, người khách chị Tư không chờ, không đợi, không mong muốn, đã mang càng tôm tới thăm vào một sáng cuối tuần sau đó, không báo trước, lúc chị Tư bận tối tăm mặt mũi với công việc nhà, nào nấu ăn, nào giặt giũ... Bực mình là họ không chỉ tới một, hai người, mà tới cả gia đình, đùm đề phu tử, vợ chồng cộng với ba đứa con, tất cả năm mạng.
Khách tới nhà không gà cũng vịt, khách kiểu nầy chắc mẻm là khách cơm, không phải chỉ khách nước trà, bánh ngọt. Chị Tư bấm bụng, giữ vẻ mặt vui tươi, mời mọc, cầm cọng khách ở lại và làm cơm thết đãi. Phần khách tự nhiên như người đã quen biết từ lâu, chỗ thâm giao, bạn cố tri nay tình cờ gặp lại, tiếng cười nói khắp nhà. Hai ông lôi beer trong tủ lạnh ra lai rai, tụi con nít bu quanh đống đồ chơi, hai bà vô bếp nấu nướng, ai cũng có bạn, người nào cũng ‘enjoy com panies’.
Cơm, rượu xong hai ông xoay qua đánh cờ tướng, vừa đánh cờ vừa tán gẫu như những ngày còn ở đảo. Tụi con nít chơi với nhau hoài không biết chán, cũng không biết mệt. Hai bà mở máy xem cải lương, xem tân nhạc. Nhân lúc trò chuyện, chị Tư khéo léo đề cập chuyện bây giờ chị là Tư Tấn, là Janet, không phải là Tư Hột Vịt Lộn như ngày nào, cái tên Tư Hột Vịt Lộn đã đi vào dĩ vãng.
Vui quá, thân tình quá, bọn con nít lại níu kéo không rời, khách ở lại dùng thêm bữa cơm chiều. Khi khách ra về thì đã chín giờ tối. Chị Tư phần công chuyện nhà đăng đăng đê đê chưa làm, phần nấu ăn, tiếp khách cả ngày mỏi mệt, phần sự bực mình dồn nén, chị hăm là Tám Bửu mà đến một lần nữa chị sẽ đóng cửa không tiếp. Chị trút sự bực dọc lên anh Tư chồng chị. Anh Tư phân bua rằng anh là người vô can, chính chị Tư gặp khách ngoài đường, mời và cho địa chỉ, người ta mới tới, không mời thì ai mà tới, có muốn tới cũng chẳng biết nhà mình ở đâu. Còn chuyện tới không báo trước cũng là tại chị Tư, chị cho địa chỉ mà không cho số điện thoại nên làm sao người ta thông báo cho được. Vả lại người ta tính tới chơi thôi, tại mình một hai mời ở lại dùng cơm thì người ta mới ở, chớ xứ nầy ăn uống là chuyện thường tình, đâu ai đói cơm, khát nước. Chị Tư đuối lý bèn gỡ gạt, tưởng mời cho qua thời buổi, cho có vẻ lịch sự, ai ngờ họ tới thiệt.
Anh Tư nhận xét thêm, vợ chồng anh Tám Bửu là người thật thà, chơn chất, không tính toán hơn thua, thấy đâu nói đó mà không để bụng, gặp bữa cùng ăn, gặp việc cùng làm... loại người như vậy rất nên kết bạn. Chị Tư không đồng ý với anh, chị cho rằng con mẹ Tám Bửu thiếu tế nhị, suồng sã, thân mật quá lố, không gìn giữ ý tứ, ăn nói không có chừng mực... Chị Tư nói hễ người nào chị khen thì anh Tư chê và ngược lại, để rồi coi ai nhận xét đúng ‘Trường đồ tri mã lực... Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người dở hay’.
Chiều thứ sáu tuần lễ tiếp theo, lúc chị Tư không có ở nhà thì chị Tám Bửu điện thoại tới, anh Tư bắt máy trả lời. Chị Tám Bửu mời anh chị Tư và các cháu hôm sau tới nhà chị dùng cơm.
Anh Tư chuyển lời lại chị Tư, chị Tư nói dứt khoát không đi, cũng không cho tụi nhỏ đi, để anh Tư một mình đại diện đủ rồi. Anh Tư không hiểu tại sao vợ mình có thành kiến xấu với chị Tám Bửu, nhưng tin là có lý do gì đặc biệt mà chị Tư chưa nói ra.
Tối đến chị Tám Bửu điện thoại lại lần nữa, lần nầy trực tiếp nói chuyện với chị Tư. Chị Tám Bửu nói tụi nhỏ nhắc đám con của chị Tư cả tuần nay, ngày nào cũng nhắc, làm chị Tư buộc lòng phải cho con đi chơi, mặt khác hai đứa con của chị cũng nhắc bạn nó dữ lắm, hỏi mẹ bao giờ bạn lại đến nhà chơi lần nữa. Phần chị Tư, chị viện lẽ ể mình, thoái thác không tới dùng cơm được, hẹn lần sau. Nhưng chị Tám khẩn khoản mời, phân tích rằng hai ông có bạn, tụi nhỏ cũng sẽ vui chơi với nhau, không có chị Tư thì chị Tám chẳng biết làm gì, trò chuyện với ai. Chị Tám còn khuyên chị Tư uống thuốc, nghỉ ngơi cho khỏe, để ngày mai tới chơi, không thì một mình chị Tám chắc buồn lắm. Chị Tư nghe bùi tai, tự ái chị được vuốt ve, dù không rõ mình tự ái hay tự cao về chuyện gì, chị hứa sẽ cố gắng.
Anh chị Tám ở apartment nhưng đầy đủ phương tiện: microwave, máy truyền hình, máy chiếu phim... mỗi thứ hai ba cái, cái cho người lớn, cái dành riêng cho trẻ con, chẳng thiếu món gì. Ðồ chơi cho con nít tính ra còn nhiều hơn nhà chị Tư, nên hai đứa con chị Tư thích thôi là thích.
Chị Tám chuẩn bị tiệc cuối tuần thật linh đình, nào bún chả giò ăn với nước mắm tỏi ớt, gỏi tôm thịt với tương ngọt rắc đậu phọng, lại còn phở bò vò viên, apple pie... Chị Tư được một bữa no nê, anh Tư và các cháu cũng có một ngày ăn chơi thỏa thích. Khoảng ba, bốn giờ chiều, chị Tư xin phép cáo từ, nhưng các cháu quyến luyến nhau quá, lại có lời yêu cầu của gia chủ, chị Tư đành phải nán lại dùng thêm bữa nữa.
Về đến nhà chị Tư bắt đầu phê bình ngay. Chị phê bình con mẹ Tám Bửu ăn xài quá mức, sắm sửa đủ điều, mời khách tới chơi mà làm tiệc như nhà có giỗ, đàn bà mà không biết tiết kiệm, chắt mót đồng tiền chồng cực khổ làm ra, cũng không lo xa, có ăn ngày nay chẳng nghĩ đến ngày mai thiếu hụt... Anh Tư giải thích là chỗ thân tình từ khi còn ở trại tị nạn nên anh chị Tám mới tiếp đãi trọng hậu như vậy, chớ ai mà không biết qúi tiền, qúi của.
Chị Tư bình phẩm thêm, con mẹ Tám Bửu nuông chiều con quá mức, nhứt là thằng út, muốn gì có nấy, đòi gì mua nấy, nào quần áo, giày dép se sua, rồi còn mấy chục thứ đồ chơi, thứ nào cũng đắc tiền. Ðiều đó không tốt cho cả đứa con lẫn cha mẹ, đứa trẻ sẽ quen thói trở nên hư hỏng, cha mẹ thì phí phạm tiền bạc, bởi đồ chơi và quần áo con nít mau chật, lẹ lỗi thời... chỉ quăng vào thùng rác sau một thời gian ngắn. Anh Tư nghĩ khác, lúc nhỏ mình thiếu thốn bởi hoàn cảnh gia đình, xã hội ở Việt Nam, nay con mình sinh ra nơi đây, nó phải được đầy đủ hơn, biết đâu anh chị Tám sắm sửa cho con cái để bù trừ.
Liên tiếp ba tuần lễ, cuối tuần lễ nào anh chị Tám cũng mời anh chị Tư và các cháu đến chơi. Anh chị Tư phải lần nữa lịch sự mời lại để trả lễ. Chị Tư nào dễ chịu thua, dễ chịu mang tiếng ăn bòn của người, người ta mời hai, ba lần, chị cũng rán mời lại một, chị nói với anh ‘bánh sáp đi thì bánh qui lại, có đi có lại mới toại lòng nhau’.
Ba tháng sau, anh Tám Bửu lên lương mười lăm đồng một giờ, kỹ nghệ dầu hỏa của thành phố Calgary, nơi anh chị tạm cư, lên như diều gặp gió. Nhu cầu nhân dụng vì lẽ đó cũng tăng theo, nhứt là những người thợ có tay nghề chuyên môn như thợ hàn, thợ tiện... Còn nhớ mấy năm trước, khi mới tới, anh Tám chỉ biết hàn chút chút, vậy mà tìm được việc làm ngay, sở làm lại sẵn sàng hướng dẫn anh, từng bước tăng cường khả năng, lương bổng cũng theo tay nghề tăng vọt một cách nhanh chóng.
Anh chị Tám làm tiệc ăn mừng, mời anh chị Tư cùng các cháu và một số người quen. Trong bữa tiệc chị Tám Bửu tuyên bố tháng sau sẽ mua nhà, ngoài chuyện anh Tám được tăng lương, chị viện dẫn lý do các cháu ngày một lớn, cần nhà riêng để có chỗ rộng rãi chơi đùa, học tập. Chị Tám đã chọn khu vực Ðông Nam thành phố, nơi có anh chị Tư cư ngụ để nhờ các chuyên viên địa ốc tìm mua căn nhà cho gia đình chị, bởi chị thấy khu ấy yên tĩnh, không có các tệ đoan xã hội, lại gần gũi anh chị Tư, chỗ thâm tình. Anh chị có bạn, các cháu cũng có bạn, lại là bạn tốt để kết giao, thật là qúi, gần mực thì đen gần đèn thì sáng.
Người bị phiền hà nhiều nhất về chuyện anh chị Tám mua nhà và dọn về khu Ðông Nam thành phố là anh Tư. Bởi chị Tư hay to nhỏ phàn nàn về gia đình con mẹ Tám Bửu, nay chuyện nầy, mai chuyện khác, sau những ngày có tiệc tùng, sau những hôm hai chị gọi điện thoại trò chuyện với nhau, sau những lần hai gia đình có chuyện giao tiếp, sau những bữa trẻ con hai nhà qua lại...
Ví dụ lần anh chị Tám Bửu đi nghỉ hè ở Hawai về. Chị Tám điện thoại kể lể về chuyến du lịch, những điều nghe thấy, biển, núi lửa, khí hậu nóng ấm, trái cây nhiệt đới, vui, lạ... kể có dây, có nhợ, có tòng, có tụi, sơ sơ làm mất hết một buổi tối chị Tư phải ngồi nghe. Miệng chị Tư vâng vâng, dạ dạ, mà trong lòng chị nóng ran, bực bội hết sức, chị muốn quăng cái ống liên hợp vô sọt rác, cắt đứt ngang câu chuyện. Ngày sau, chị Tám thân hành mang đến lễ mễ nào trái ô môi, trái khóm, mía đường... và tiếp tục kể chuyện, báo hại chị Tư mất thêm nửa ngày ngồi nghe.
Chị Tám kể bao nhiêu là chị Tư bình phẩm bấy nhiêu với anh Tư. Chị Tư nói con mẹ Tám Bửu vô cùng bất lịch sự, một mình độc thoại chẳng đếm xỉa đến phản ứng của người nghe, chẳng cần biết người ta có thích nghe chuyện mình nói hay không. Sướng ích, vẻ vang gì cái chuyện đi tắm biển, tắm nắng, tốn bạc ngàn, mà cũng khoe khoang, đi Hawai thì cũng tương tợ như ở Việt Nam đi Vũng Tàu, Nha Trang vậy thôi. Trái khóm của hãng Dole ở Calgary nầy thiếu chi, ngoài siêu thị Safeway giá chỉ hai đồng một trái, mua làm chi ở Hawai giá gấp đôi, gấp ba; mía cũng vậy, còn trái ô môi như khúc củi, ở Hawai rụng đầy ngoài đường, không ai để ý ngó ngàng, lượm và mang về đây để làm gì, đúng là phú qúi sanh lễ nghĩa, mới có chút ít tiền học đòi làm sang...
Chị Tư bình phẩm chuyện lớn cùng chuyện nhỏ, thật gay gắt, thật đắng cay... báo hại anh Tư ngồi nghe nóng cả đít, ngứa cả lưng, mệt cả lỗ tai. Cuối cùng anh Tư chọn thái độ cười hề hề cho qua chuyện, anh biết bàn luận, phân tích thêm chỉ tổ tạo ra cái cớ để chị Tư nổi nóng, chị giận lây tới anh, rồi chuyện người ra chuyện mình, chuyện ngoài đường trở thành chuyện trong nhà, chuyện không đâu mà khiến cho vợ chồng cãi cọ, gây gổ, rầy rà. Ðược cái là chị Tư còn giữ sự tế nhị, còn tự kềm chế, dằn lòng, chưa nói thẳng những điều chị suy nghĩ với con mẹ Tám Bửu, với đồng hương trong vùng, nên con mẹ Tám Bửu chưa hay biết gì về sự bực mình của chị, nhờ đó mối liên hệ giữa hai gia đình vẫn được duy trì tốt đẹp, dù rất mong manh.
Nhưng sự liên hệ mong manh ấy không giữ được lâu, hôm chị Tư nghe một người bạn nói lại rằng con mẹ Tám Bửu có ý định kết sui gia với chị thì chị không còn giữ được bình tĩnh. Chị lớn tiếng với chồng là sẽ tuyệt giao với con mẹ Tám Bửu, cấm tụi nhỏ không được chơi chung, không cho qua lại. Con gái chị mới tám tuổi mà tính chuyện hôn ước nỗi gì, lại còn nói ‘nhứt gái lớn hai, nhì trai lớn một’, mà dù con gái chị tới tuổi thành niên, chị cũng nhất quyết không gả cho con trai nhà đó. Anh Tư khuyên chị chuyện đâu còn có đó, biết đâu chuyện chẳng có thật hay dù có thật thì cũng còn thời gian và vô số yếu tố khác.
Chị Tư chưa kịp có hành động nào cho cụ thể, thì đùng một cái có tin anh Tám Bửu mất việc. Khối OPEC phá giá dầu hỏa trên thế giới, dầu hỏa nội địa cũng tuột giá theo tức thời, toàn bộ kỹ nghệ ở thành phố Calgary bị lung lay, gần như sụp đổ.
Chị Tư điện thoại cho chị Tám thăm dò hư thực, khi biết đích xác anh Tám bị ‘lay off’ vô hạn định thì một mặt chị Tư áo não phân ưu, mặt khác chị tỏ vẻ đắc thắng, bảo chồng: ‘Bây giờ ông có tin tôi chưa, tôi nói linh như chim cú, con mẹ Tám Bửu chẳng lo xa, lúc có tiền ăn xài huy hoắc, không nghĩ đến khi thất nghiệp, phải bán nhà, bán xe là cái chắc’. Anh Tư thì nghĩ khác, đất nước nầy đâu có công việc làm nào là vững chắc, là trường cửu. Thủ tướng Canada, quyền lực nhất nước, còn không chắc giữ được ‘job’, huống chi anh hay anh Tám Bửu thuộc hạng phó thường dân, và khi đã mất ‘job’ thì nhà, xe phải trả lại cho ngân hàng là chuyện đương nhiên.
Anh Tám Bửu bán nhà, bán xe thật, sau sáu tháng ăn tiền thất nghiệp. Nửa năm đợi chờ trong vô vọng, anh quyết định di chuyển sang miền đông, thành phố Toronto có nhiều kỹ nghệ, hy vọng tìm được việc làm nuôi sống gia đình.
Hôm gia đình anh Tám rời thành phố Calgary, nhằm ngày anh Tư đi làm. Chị Tư thay mặt anh Tư đến chào tiễn biệt. Nhìn cảnh vợ chồng, con cái anh chị Tám thảm sầu, khăn gói bước lên xe bus, chị Tư không dằn lòng được, chị khóc thật sự, khóc ngọt ngào, dù sao cũng là tình cố cựu từ ngày còn ở đảo, dù sao cũng là chỗ láng giềng, cùng là nghĩa bạn bè thân cận suốt mấy năm qua. Trước khi xe bus lăn bánh, chị móc túi lấy ra ba chục đồng, anh Tư đưa một trăm nhưng chị giữ lại bảy chục, chị trao cho mỗi cháu mười đồng để ăn quà vặt dọc hành trình.
*
Bẳng đi một thời gian, ở Calgary chị Tư bỗng nhận được điện thoại của chị Tám Bửu từ Toronto. Lần điện thoại viễn liên ấy thật cảm động, kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Chị Tám vẫn ồn ào, huyên thiên, náo nhiệt như xưa.
Chị Tám nói Toronto vui lắm, vui hơn Calgary gấp mấy lần, người Việt đông lắm, gấp ba, gấp bốn Calgary, do đó họ gọi thành phố nầy là Tổ Rồng To, xứng đáng là thủ đô tị nạn của người Việt Nam ở Gia Nã Ðại. Phố Tàu thì có hai cái, đều lớn cả, một đông, một tây. Kinh tế Toronto đang lên như thuyền ra cửa biển, như diều gặp gió, công việc dễ tìm, anh Tám đã có ‘job’, cũng làm thợ hàn, lương mười tám đồng một giờ, chị đi làm ở hãng bánh kẹo lương mười hai đồng.....
Chị Tám nói đủ thứ chuyện, nói không ngừng, dường như chị không nhớ là phải trả tiền điện thoại viễn liên. Và cuối cùng chị nói anh Tám nhắc anh Tư luôn, các cháu nhớ các cháu nhiều lắm, phần chị cũng nhớ chị Tư, nhớ người láng giềng tốt, nhớ ngày rời Calgary chị đưa tiễn nơi bến xe bus, còn cho tiền để các cháu ăn quà... Trước khi gát máy, chị Tám mời chị Tư và gia đình lên Toronto chơi, chị sẽ vui mừng được gặp lại và đón tiếp.
Chị Tư cũng muốn đi Toronto một lần cho biết lớn cỡ nào, vui cách mấy. Nay có lời mời gọi, chị càng muốn đi hơn, nhưng còn do dự, ngại ngần mỗi khi nhớ đến ngày nào đã bớt đi bảy chục đồng tiền ăn quà vặt của đám trẻ. Mãi đến hơn hai năm sau, khi anh chị Tám đã mua nhà hẳn hoi, điện thoại thúc giục năm lần, bảy lượt, chị Tư cùng gia đình mới làm chuyến đông du đầu tiên.
Anh chị Tám lấy một tuần phép đưa gia đình anh chị Tư đi chơi khắp nơi: Tháp CN, Ontario Place, Toronto Islands, Toronto Eatons Centre, The Royal Ontarian Museum, Bảo Tàng Viện về đồ gốm, phố Tàu Ðông Tây... Nơi nào chị Tư cũng ưa, cũng thích. Tháp CN thì cao, đồ sộ, quy mô hơn tháp Calgary. Ontario Place nằm trên bờ đại hồ với rạp chiếu bóng hình cầu Cinesphere, có màn ảnh lớn nhất thế giới cùng âm thanh nổi chung quanh, tạo cho chị Tư cái cảm giác đang ở trong cảnh đang trình chiếu. Chuyến phà qua lại Toronto Islands nhắc chị kỷ niệm ngày nào còn ở quê nhà, trên những chuyến phà qua sông Mỹ Thuận hay bắc Cần Thơ miền Hậu Giang. Bảo Tàng Viện đồ gốm thì gợi nhớ những nơi làm đồ gốm ở Lái Thiêu, Biên Hòa...
Chị Tư thích thú nhất trong ngày đi thăm thác Niagara hùng vĩ, nghe tiếng nước đổ từ trên cao xuống vang động như sấm, hơi nước tỏa ra khắp vùng như lúc nào cũng có sương mù bao phủ. Càng thích thú hơn khi được quan sát sự vận chuyển các thương thuyền trong vùng đại hồ có mực nước chênh lệch nhau, thấy cách bơm nước và thoát nước thật mau lẹ để nâng tàu bè lên xuống theo hai mực nước của mặt hồ, điều mà chị Tư học được qua sách vở từ lâu, nay mới nhìn tận mắt.
Anh chị Tám nhân dịp, tùng dịp, đưa anh chị Tư về thủ đô Ottawa thăm trụ sở quốc hội của Gia Nã Ðại, nơi hằng ngày thủ tướng chánh phủ liên bang cùng với các dân biểu hội họp, luận bàn chuyện quốc gia, đại sự. Do tò mò, họ cũng cố ý chạy xe băng qua khu vực dinh thủ tướng và phủ toàn quyền để xem hai nơi nầy lớn cỡ nào, nguy nga, tráng lệ ra sao.
Từ Ottawa thay vì trở về Toronto, họ nhân tiện thẳng đường đi thăm thành phố Montreal. Montreal còn được gọi một cách mỹ miều là Mông Lệ An, nơi cũng có rất nhiều đồng hương cư ngụ, nhiều gấp hai, ba lần Calgary. Chị Tư thích Montreal lắm, thích phong cảnh nên thơ, hữu tình, thích những lâu đài cổ kính, những di tích lịch sử, thích nhà cửa và đường sá có lối kiến trúc tương tợ thủ đô Sài Gòn.
Theo sách chỉ dẫn du lịch trong tay, chị Tư thấy Montreal có tới hai mươi mốt địa điểm được kể thuộc loại danh lam, thắng cảnh... đáng viếng thăm. Nhưng thời gian quá hạn hẹp, đường sá không quen, chạy loanh quanh mãi mất thì giờ, chị Tư tiếc không thể đi hết các nơi như mong muốn. Chị Tư nhìn cái Sân Vận Ðộng Thế Vận (Olympic Stadium, Stade Olympique) kiến trúc tân kỳ, ngạo nghễ như muốn chọc thủng bầu trời, mà chắc lưỡi hít hà, chị thấy nó lúc xa lúc gần, thật hấp dẫn, gọi mời. Chị Tư muốn viếng thăm khu Vieux Montreal, đọc lời giới thiệu đã thấy mê: Những biệt thự xây cất theo kiểu Paris từ thế kỷ thứ 17, những con đường hẹp, mặt đường lát gạch san sát thay vì tráng nhựa hay trải đá, chỉ dành riêng cho bộ hành và xe thổ mộ, hai bên đường đầy hoa thơm cỏ lạ, tiếng nhạc dặt dìu, phong cảnh tình tứ với những quán ăn, quán kem, quán cà phê lộ thiên... vậy mà chị cũng không tới được.
Tuy nhiên hai nơi họ ghé qua, nhà thờ Oratoire St. Joseph và Vườn Thực Vật (Botanical Garden, Jardin Botanique), đã để lại trong lòng chị Tư biết bao lưu luyến, vấn vương. Nhà thờ St. Joseph, như một lâu đài thật tráng lệ, nằm sừng sững trên một ngọn đồi cao hơn hai trăm thước, không khí nơi nguyện cầu trang nghiêm với những chứng tích để lại của những người đến hành hương, đã cầu nguyện và được toại nguyện. Vườn Thực Vật thì gây lưu luyến một cách khác, từ sự hiện diện của hàng trăm loại cây cỏ quê hương nhiệt đới, như cây khế lủng lẳng những trái hình ngôi sao năm cánh trên cành, cây mít với lá dày và trái đầy gai...
Trên đường trở lại Calgary sau chuyến đông du, chị Tư thấy lòng lắng dịu, thanh thản, chị không còn mang nhiều ác cảm với con mẹ Tám Bửu như hồi trước. Thời gian đã làm mọi sự việc phôi pha. — gần mỏi miệng, ở xa mỏi chân. Ngày trước chị Tám là chỗ láng giềng, có gây ít nhiều phiền phức cho chị, chị đã trút mọi bực dọc lên anh Tư chồng chị. Ngày nay chị Tám ở xa, xa quá, hơn ba ngàn cây số, đi bộ không biết chừng nào tới, đi xe hay đi máy bay cũng không phải dễ dàng, không phải muốn đi lúc nào thì đi, thăm chị Tám lần này chớ chị Tư chẳng rõ bao giờ mới tái ngộ lần nữa, thế nên chuyện mỏi chân không là vấn đề được đặt ra. Chị Tư nhận ra chị Tám Bửu vẫn ba hoa thiên địa, vẫn nói nhiều và nói một cách hời hợt, nói không cần suy nghĩ, nói tuồn tuột, ruột để ngoài da như tự thuở nào. Và chị Tư tự rút ra được một triết lý rằng ‘sông núi dễ dời, tính người khó đổi, những người như chị Tám, có gì nói ra hết, không để bụng, không che dấu, không đắn đo, biết đâu lại là người hạnh phúc, thoải mái về tinh thần’.
Toronto vui thiệt, lớn thiệt, nhưng trong lòng chị Tư vẫn yêu mến Calgary hơn. Chị đã quen với khí hậu của thành phố Calgary tọa lạc nơi phần cuối, dưới chân (foothill) rặng Rocky Mountain, quen luồng gió Chinook làm ấm áp mùa đông, làm mát mẻ những ngày hè, quen hình ảnh những tượng khủng long to lớn, trông ngộ nghĩnh, nhưng rất hiền hòa, những cánh đồng dầu với những chiếc máy bơm ngày đêm hoạt động, gục gật đầu lên xuống không ngừng nghỉ... Calgary với hơn nửa triệu dân cư, là thành phố lý tưởng đối với chị Tư, không quá nhỏ để thiếu thốn thứ nầy thứ nọ, có đủ mọi tiện nghi cần thiết như ngay cả một phi trường quốc tế, không quá lớn để mất nhiều thì giờ di chuyển, gây nhiều phiền phức.
Thời gian ở Toronto hai tuần lễ, ngày nào chị Tư cũng phải tắm hai, ba lần, mới tắm rồi, mồ hôi đổ ra nhơm nhớp lại muốn đi tắm ngay lần nữa. Ðường sá đông đúc xe cộ quá mức, xe nầy bên cạnh, nối đuôi xe khác, có hôm phải ngồi trên xa lộ hàng giờ. Không khí, nước ở Toronto bị ô nhiễm nặng nề bởi kỹ nghệ...
*
Thời gian trôi qua trong vội vã theo nhịp sống bận rộn hàng ngày, chị Tám đôi ba tháng điện thoại cho chị Tư một lần để trao đổi tin tức về cuộc sống, để thăm hỏi. Chị Tư một năm đôi lần gọi lại để giữ mối dây liên lạc.
Rồi một lần chị Tư gọi điện thoại cho anh chị Tám thì tổng đài trả lời số điện thoại ấy nay không còn hoạt động nữa, chị Tư tưởng mình bấm lộn số, bèn gọi lại, vẫn bị tổng đài trả lời như cũ. Thôi thế là kể như mất liên lạc, từ đây bóng chim tăm cá.
Nhưng chừng ba tháng sau, chị Tư nhận được điện thoại từ chị Tám. Ngạc nhiên làm sao! Gia đình anh chị Tám giờ cư ngụ ở thành phố Vancouver miền cực tây Gia Nã Ðại, ven bờ Thái Bình Dương. Lý do anh chị Tám dọn về Vancouver thật lạ lùng. Kinh tế Toronto đang lên ào ạt, lên đến cực điểm. Một người bạn đến chơi cố vấn anh chị Tám rằng kinh tế của các nước tư bản, trong đó có Canada, lên xuống theo những chu kỳ. Ðiều đó có nghĩa là kinh tế Toronto lên tới ngọn cây thì sẽ có ngày, không sớm cũng muộn, nó sẽ xuống tới đất đen, hay có thể tệ hơn tới đáy hố thẳm đầy bùn sình. Anh chị Tám nghe qua thì sợ quá, bởi hình ảnh thất nghiệp, mất nhà, mất xe, mất đủ thứ lớn nhỏ... của những năm về trước ở Calgary vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh gia đình anh chị. Sau nhiều ngày thảo luận, hỏi ý kiến nhiều người, anh chị Tám quyết định đăng bảng bán nhà. Căn nhà mua mấy năm trước một trăm ngàn chẵn, đăng bảng chỉ một tuần, bán được một trăm năm chục ngàn, lời năm chục ngàn đồng ngon ơ.
Bán được nhà rồi, cả anh chị Tám đều bỏ việc làm, khăn gói về Vancouver. Với tiền bạc dành dụm được trong những năm qua, anh chị mua một chiếc tàu để đi đánh cá hồi, trở lại với nghề cũ từ hồi còn ở Việt Nam. Với chiếc tàu và nghề đánh cá gia truyền, anh chị Tám tự làm chủ lấy mình và từ nay không còn phải lo sợ nạn thất nghiệp, mọi việc diễn tiến tốt đẹp như ý muốn.
Chị Tám mô tả thời tiết ấm áp ở Vancouver, hơn bất cứ nơi nào khác của Gia Nã Ðại. Phong cảnh thật hữu tình với núi biếc, biển xanh, hoa cỏ tươi tốt gần như quanh năm, suốt tháng, rừng cây rợp bóng ngay trong phạm vi thành phố.
Chị Tám mời anh chị Tư và các cháu có dịp sang Vancouver chơi, chị Tư sẽ hướng dẫn đi câu cua, bắt sò... Chị Tư nghe chuyện bắt sò huyết và câu cua mà mê man, tàng tịch. Tay cầm cào, tay xách thùng, đi như đi chơi, cào chỉ vài tiếng đồng hồ thì sò huyết đầy cả thùng, nặng xách không muốn nổi. Câu cua dễ như ăn cháo, không cần mồi ngon ngọt, không lưỡi, không cần, khó tin hơn chuyện Khương Tử Nha thời Phong Thần ngồi trên mỏm đá câu thời, câu vận. Một tấm vỉ sắt cột vài miếng xương gà hay đầu cá, thả xuống biển, năm, mười phút sau kéo lên, cua bu đầy, câu chỉ nửa buổi là có mấy bao rác đựng đầy cua. Chà chà, cua ấy đem luộc liền, rồi chấm với muối tiêu chanh thì ngọt ngon phải biết. Còn sò huyết ngâm cho sạch bùn để nướng trên than hồng thì còn gì ngon bằng. Mới nghĩ tới đó nước miếng chị Tư đã ứa ra đầy miệng.
Cuộc điện đàm chấm dứt, chị Tư gát ống liên hợp mà lòng còn bâng khuâng, ngơ ngẩn. Chị chợt nhớ đến câu nói thường ngày từ cửa miệng của dân chúng
Gia Nã Ðại :’’ Ðây là miền đất của những cơ hội’’ (the land of opportunities).
Con mẹ Tám Bửu, ngừơi láng giềng mà chị cho là có vô số khuyết điểm:
dốt nát, bất tài, ba hoa, không biết lịch sự tối thiểu... đã rủi mà may, do thời cơ đưa đẩy
cuối cùng chụp bắt được cơ hôi tốt. Còn chị, đến bao giờ chị mới thoát được sự trói buộc vô hình với cái máy may kỹ nghệ hàng ngày để trở về với nghề dạy học ban đầu của chị ?
Chị Tư càng thấm thía, cay cú hơn trong những năm sau, khi kinh tế Toronto xuống thảm hại trong khi gia đình con mẹ Tám Bửu chẳng mấy chốc trở nên giàu có, thịnh vượng cùng với đà phát triển nhảy vọt của miềm duyên hải Thái Bình Dương
Nguyễn Văn Ba
No comments:
Post a Comment