Thursday, September 6, 2012

TRẦN BÌNH NAM * KHỦNG BỐ

Chiến tranh khủng bố và con đường hóa giải



Trần Bình Nam

         

Cuộc chiến tranh mở đầu thế kỷ 21:

          Khủng bố là một cuộc chiến tranh mở đầu thế kỷ giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo. Và như mọi cuộc chiến tranh khác nó có thể biến thành biển lửa thiêu đốt thế giới trước khi bị dập tắt.

          Nguyên nhân đưa đến trận chiến tranh khủng bố hôm nay có nguồn gốc sâu xa từ nhiều thế kỷ trước và được bộc phát do những mâu thuẫn cao độ giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo trong nhiều thập niên qua. Nó bùng nổ lớn từ ngày 11/9/2001 sau khi tổ chức khủng bố Al Qaeda của Osama bin Laden dùng máy bay dân sự làm hỏa tiễn tấn công các cơ sở kinh tế, quốc phòng và chính trị của Hoa Kỳ.

          Cuộc chiến bùng nổ từ những ngày đầu của nhiệm kỳ 2001-2004 của tổng thống Bush, và vào cuối năm nay (2004) khi Hoa Kỳ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống 4 năm một lần thì đề tài “làm thế nào để thắng chiến tranh khủng bố” trở thành một đề tài tranh cử lớn. Tuy vậy đối với nhiều người trận chiến tranh chống khủng bố chỉ mới khởi đầu mặc dù dưới lăng kính thời gian cuộc chiến tranh chống khủng bố của thế kỷ này đã có mòi lấn lướt hai cuộc đại chiến của thế kỷ trước. Trận đại chiến thứ nhất kéo dài 4 năm (1914-1918) và trận đại chiến thứ hai đối với Hoa Kỳ cũng 4 năm (1941-1945). Có nhiều triển vọng cuộc chiến chống khủng bố hôm nay sẽ là quan tâm chính của vị tân tổng thống Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ tới, và sẽ là nguyên nhân tiêu hao tài sản quốc gia nếu không muốn nói là nhân mạng. Và cùng với cuộc chiến tranh tại Iraq nó có triển vọng biến thành một vấn nạn của thế giới, ngoại trừ nó được hóa giải một cách công bình không có kẻ thắng người thua.

         

Osama bin Laden

          Nói đến khủng bố là nói đến Osama bin Laden, một cái tên nằm trong sổ đen của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ từ những ngày đầu của thập niên 1990. Osama bin Laden, một thanh niên quốc tịch Saudi Arabia con nhà giàu có ăn học, năm 1980 bỏ nước tình nguyện sang Afghanistan đánh Nga đã nhân cơ hội Hồng quân Nga không chịu nổi tổn thất trong cuộc chiến mười năm (1979-1989) phải rút lui đã tổ chức đoàn người tình nguyện chống Nga thành một lực lượng cơ sở chống Tây phương mà chính yếu là Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của người Hồi giáo trên thế giới.

          Vào buổi sáng ngày 11 tháng 9 năm 2001 khi một số người Hồi giáo cướp máy bay dân sự cho đâm vào hai tòa nhà chọc trời của Trung tâm Mậu Thế giới tại New york và bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tại Hoa Thịnh Đốn thì các cơ quan tình báo Hoa Kỳ không nghi ngờ gì đó là tác phẩm của Osama bin Laden, mặc dù đa số người Mỹ chưa hề nghe đến cái tên lạ hoắc đó.



Quá trình phát triển của Al Qaeda và Osama bin Laden:

          Như đã nói, mười năm kháng chiến (1979-1989) chống Liên bang Xô viết ở Afghanistan đã giúp cho Osama bin Laden một cơ hội kết nạp và huấn luận một đội ngũ khủng bố.

          Năm 1978 một nhóm cộng sản Afghanistan cướp chính quyền tại đó nhưng bị lung lay bởi các lực lượng Hồi giáo chính thống. Năm 1979 Liên bang Xô viết gởi quân đến cứu khởi đầu cuộc thánh chiến giữa Liên bang xô viết và người Hồi giáo. Du kích Hồi giáo khắp nơi trên thế giới, đa số từ các nước Trung đông, tình nguyện đến Afghanistan tham gia cuộc kháng chiến chống Nga, trong đó có Osama bin Laden, 23 tuổi.

          Osama bin Laden đến Afghanistan năm 1980. Anh ta là con thứ 17 trong một gia đình giàu có ở Saudi Arabia có 57 người con. Thân phụ Osama bin Laden là một nhà thầu lớn lãnh xây cất hầu hết các công trình xây cất tại Saudi. Anh ta từng học tại đại học Abdul Aziz ở Saudi Arabia. Khi đến Afghanistan anh ta không khác gì những người tình nguyện khác, nghĩa là cũng tham gia trận mạc như mọi người, ngoại trừ anh là một công tử con nhà giàu. Anh thừa hưởng một số tiền kếch xù và đã cung cấp một phần tài sản đồng thời đứng ra tổ chức một hệ thống gây quỹ trên toàn thế giới cho kháng chiến quân. Hệ thống kinh tài này tỏa ra khắp nơi ngay cả tại Hoa Kỳ. Ngoài ra Osama bin Laden và phụ tá là một tu sĩ tên là Azzan đã đứng ra tổ chức hệ thống tuyển mộ quân tình nguyện đến Afghanistan. Osama bin Laden và tổ chức của anh ta hoạt động trong một môi trường quốc tế thuận lợi vì trong thời gian này Hoa Kỳ, Saudi Arabia, Pakistan đều đóng góp tích cực trong công cuộc chống Liên bang Xô viết. Hoa Kỳ và Saudi cung cấp hằng tỉ mỹ kim bằng hiện kim và vũ khí, trong khi Pakistan huấn luyện cảm tử quan và yểm trợ tình báo.

          Tháng 4 năm 1988, khi Liên bang Xô viết tuyên bố sẽ rút quân ra khỏi Afghanistan trong vòng một năm, là thời điểm huy hoàng của Osama bin Laden. Osama bin Laden và phụ tá thân tín là Azzam quyết định không giải tán tổ chức Hồi giáo đã tập họp được tại Afghanistan mà biến thành một tổ chức làm nền móng (nền móng, tiếng A Rập có nghĩa là al Qaeda) cho cuộc đấu tranh vì quyền lợi của Hồi giáo trên thế giới. Al Qaeda do Osama bin Laden lãnh đạo và gồm có ban quân sự, ban tình báo, ban kinh tài, ban thông tin tuyên truyền và một Ủy ban cố vấn do Osama bin Laden và các nhân vật thân tín cầm đầu.

          Thời gian đầu có một sự khác biệt về đường lối đấu tranh giữa Osama bin Laden và  Azzam. Azzam muốn chống Do Thái giúp người Palestines là chính, trong khi Osama bin Laden chủ trương chống Hoa Kỳ là sách lược hàng đầu. Cuối năm 1989 Azzam bị ám sát chết, và Osama bin Laden trở thành người lãnh đạo duy nhất của al Qaeda.



Thiết lập căn cứ tại Sudan:

          Cuối năm 1989, một nhân vật trong chính quyền Sudan là Hassan al Turabi mời Osama bin Laden di chuyển căn cứ sang Sudan. Turiba cần sự giúp đỡ của Osama bin Laden để chống lại những người theo Thiên chúa giáo đang muốn đòi tự trị tại nam Sudan. Cơ hội này giúp Osama bin Laden xây dựng cơ sở tại Sudan, nhưng bản thân Osma bin Laden chưa vội đến Sudan.

          Tháng 8 năm 1990 Saddam Hussein xâm lăng Kuwait. Osama bin Laden từ Afghanistan trở về Saudi Arabia đề nghị với hoàng gia Saudi giao cho ông ta trách nhiệm giành lại Kuwait, nhưng hoàng gia Saudi không đồng ý. Sau đó Saudi Arabia hợp tác với Hoa Kỳ đánh đuổi Iraq ra khỏi Kuwait và cho phép quân đội Hoa Kỳ đồn trú tại Saudi Arabia. Hận thù giữa Osama bin Laden với hoàng gia Saudi và Hoa Kỳ bắt đầu nẩy nở. Osama bin Laden và một số tu sĩ Hồi giáo tại Saudi Arabia lên tiếng chống chính sách thân Hoa Kỳ của hoàng gia Saudi. Hoàng gia Saudi đuổi tất cả các giáo sĩ bất mãn ra khỏi nước và tịch thu hộ chiếu của Osama bin Laden không cho ông ta rời khỏi nước. Nhưng Osama bin Laden đã trốn khỏi Saudi Arabia chạy sang Sudan năm 1991.

          Từ căn cứ ở Sudan, Osama bin Laden thiết lập nhiều cơ sở tại Ai Cập, Jordan, Lebanon, Iraq, Oman, Algeria, Lybia, Tunisia, Morocco, Somalia, Eritra, và liên kết với những tổ chức Hồi giáo có sẵn tại Chad, Mali, Niger, Uganda, Miến điện, Thái Lan, Mã lai á và Indonesia, Phi luật tân, Bosnia và ngay cả tại Tajikistan, một tiểu bang thuộc Liên bang Xô viết cũ đang tranh đấu đòi tự trị. Tại Hoa Kỳ Osama bin Laden đã liên lạc với tổ chức Hồi giáo Khifa có nhiều chi nhánh tại New York (Brooklyn), Atlanta, Boston, Chicago, Pittsburgh và Tucson để tuyển mộ công dân Hoa Kỳ theo Hồi giáo cho mạng lưới Al Qaeda. Trên thực tế, qua một thập niên Osama bin Laden đã hình thành được một hệ thống trải rộng toàn thế giới và sẵn sàng tuyên chiến với Hoa Kỳ bằng chiến tranh khủng bố.



Tâm lý và căn bản chủ thuyết khủng bố của Osama bin Laden:

          Tại sao một ý tưởng ngông cuồng và sắt máu chủ trương giết người khác như ý tưởng của Osama bin Laden có thể thành hình và lại được sự đồng ý của hàng triệu người trong khối Hồi giáo? Muốn trả lời câu hỏi căn bản này cần thông qua quá trình phát triển tư tưởng của Osama bin Laden và hoàn cảnh kinh tế chính trị trong khối Hồi giáo của những thập niên 1970 cho đến hôm nay.

          Trước hết là ảnh hưởng của Islam, tức đạo Hồi. Islam tiếng A Rập có nghĩa “đầu hàng”, đạo Islam là đạo  tuân phục thượng đế (Allah) vô điều kiện. Islam xuất phát từ Arabia trong thế kỷ thứ 7 sau công nguyên bởi nhà tiên tri Mohammed, và theo Mohammed là lời truyền giảng của thượng đế do thiên thần Gabriel mang đến cho nhân loại. Các lời truyền giảng này được ghi trong kinh Koran. Bên cạnh Koran là Hadith ghi lại những gì Mohammed nói và hành xử, và sau cùng là Sharia là luật tu hành và sống căn cứ từ kinh Koran và Hadith. Islam chia thành hai nhánh Sunni và Shia. Người Hồi giáo Sunni chủ trương người lãnh đạo Hồi giáo cần đức hạnh chứ không cần phải là con cháu của đấng Mohammed. Trái lại phái Shia buộc người lãnh đạo phải là con cháu của Mohammed.

          Islam phát triển rất nhanh. Chỉ trong một thế kỷ Islam đã bành trướng từ bán đảo Arabia qua Trung đông, Bắc phi và Âu châu. Khuynh hướng Sunni là khuynh hướng đa số và chiếm thượng phong trong phong trào Hồi giáo cho đến năm 1924, sau khi đế quốc Ottoman sụp đổ. Thời đại huy hoàng này của Islam là mối khích lệ lớn nhất của người Hồi giáo hiện nay và có lẽ là nguồn cảm hứng đấu tranh của Osama bin Laden.

          Trong thời gian đi học Osama bin Laden bị ảnh hưởng bởi  một nhà văn Hồi giáo Ai Cập, ông Sayyid Qutb. Ông Sayyid du học Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1940, và trở về hoàn toàn thất vọng. Ông ta cho thế giới Tây phương sa đọa vật chất. Và thế giới chỉ gồm có hai thành phần, thứ nhất là những kẻ vô đạo hư hỏng và thứ hai là những tín đồ tốt lành của Mohammed. Không có hạng người nào trung gian ở giữa. Theo nhà văn Sayyid Qutb thành phần vô đạo có khả năng lôi cuốn tín đồ của Mohammed vào vòng hư hỏng. Và tín đồ của Mohammed - tức người Hồi giáo - có bổn phận phá tan thành trì những kẻ vô đạo để cứu lấy đạo.

          Bên cạnh ảnh hưởng của tôn giáo là khung cảnh lịch sử và các biến chuyển kinh tế.

          Sau Thế chiến I các nước Trung đông như Saudi Arabia, Morocco, Jordan mỗi nước nằm dưới sự thống trị của một gia đình. Các nước khác tổ chức theo Hồi giáo đều bị lật đổ bởi những khuynh hướng chính trị phóng khoáng như tại Ai Cập, Lybia, Iraq và Yemen. Nhưng không một quốc gia Hồi giáo nào thành công đem lại cơm no áo ấm và ổn định. Tình trạng này tồn tại cho đến thập niên 1970 khi Osama bin Laden bước vào tuổi trưởng thành. Một khuynh hướng tái lập hệ thống chính quyền fundamentalist trổi dậy, khởi đầu với sự thành công của cuộc cách mạng tại Iran do giáo chủ Komeini cầm đầu. Sự thành công của người Hồi giáo Shite tại Iran đã làm bừng dậy phong trào chấn hưng của người Sunni ở khắp nơi trong thế giới A Rập.

          Trong thập niên 1980, Saudi Arabia dư tiền dư bạc nhờ dầu hỏa đã mở một chương trình giảng dạy Hồi giáo theo quan điểm của Sunni gọi là  Wahhabism để chống lại Iran.

          Tranh chấp ảnh hưởng giữa Saudi Arabia và Iran, cộng thêm cuộc chiến tranh 1980-1988 với Iraq đã làm cho phong trào chính thống tại Iran, tại Pakistan cũng như tại Algeria mất hết sức hấp dẫn. Tại Algeria, năm 1991 khuynh hướng Hồi giáo thắng trong một cuộc bầu cử nhưng quân nhân vẫn nắm quyền. Xã hội Hồi giáo hoàn toàn mất hướng. Khung cảnh chính trị này đã thúc đẩy những người Hồi giáo quá khích trong đó có Osama bin Laden tìm về con đuờng chính thống tái lập mẫu mực của Hồi giáo.

          Về phương diện kinh tế, trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 nhờ tiền dầu hỏa, một số nước Trung đông cải tổ xã hội không thông qua những bước phát triển bình thường. Nhiều công trình vĩ đại được xây cất, giáo dục được phát triển và một hệ thống trợ cấp cho dân sống sung túc gần như cho không được thiết lập. Cuối thập niên 1980, do lạm phát sản xuất dầu hỏa, giá dầu hỏa xuống thang phi mã, các kế hoạch kinh tế đã không mang lại lợi nhuận cần thiết. Trong khi đó dân số tăng và sự cắt giảm trợ cấp đã tạo nên những xáo trộn trong xã hội, nhất là khi dân chúng thấy đa số tiền dầu hỏa chui vào túi của một số ít người trong thành phần lãnh đạo.

          Một số nước không có dầu như Pakistan lúc đầu phát triển vững vàng, nhưng dần dần cũng bị khó khăn vì kỹ nghệ không mang lại lợi nhuận cần thiết, bàn tay của chính phủ quá nặng trên nền kinh tế và tham nhũng đã làm cho kinh tế của Pakistan ngưng trệ. Chính sách của các nước này là ưu đãi thành phần ưu tú và không có chương trình thị trường hóa kinh tế để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. Các nước này giải quyết vấn đề thừa nhân lực bằng cách cung cấp nhân công cho các nước có nhiều dầu hoặc các nước Tây phương. Mặt khác chủ trương kỳ thị phụ nữ (một nguyên tắc của Hồi giáo) đã làm cho khả năng kinh tế càng bị giới hạn.

          Vào thập niên 1990 tại một số các nước Hồi giáo số sinh quá nhiều cùng với tình trạng kinh tế nói trên đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tinh thần cho giới trẻ. Trong khủng hoảng giới trẻ tìm lãnh tụ và Osama bin Laden bổng trở thành người lãnh tụ gây nhiều cảm hứng cho họ.

          Osama bin Laden xuất hiện như người chống lại thế giới Tây phương và Hoa Kỳ có khả năng nhất sau khi ông đã đầu tư tất cả tài sản và năng lực giúp Taliban đánh bại Liên bang xô viết trong thập niên 1980, và đang có trong tay một tổ chức có tầm vóc thế giới.



Tuyên chiến với Hoa Kỳ:

          Osama bin Laden tuyên chiến với Hoa Kỳ sau khi ông chạy trốn từ Saudi Arabia sang Sudan. Đầu năm 1992 Osama bin Laden phổ biến một tuyên ngôn kêu gọi đấu tranh chống lại sự đóng quân của Hoa Kỳ trên thánh địa Saudi Arabia. Cuối năm 1992 khi Hoa Kỳ đưa quân đến Somalia, Osama bin Laden bắt tay vào chương trình chống Hoa Kỳ bằng cách đặt bom tại các khách sạn ở Aden nơi dừng chân của quân đội Hoa Kỳ trên đường đến Somalia. Bom đặt tại Riyadh tháng 11 năm 1995, và tháng 6, 1996 đặt bom tại Dharan, Saudi, một cơ sở dân sự không quân Hoa Kỳ. Năm 1993 cuộc đặt bom World Trade Center tại New York cũng do bàn tay của Osama bin Laden, cũng như vụ âm mưu tại Manila định đặt  bom làm nổ hàng chục máy bay dân sự Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.

          Trong thời gian này Turabi trong chính quyền Sudan tìm cách thiết lập quan hệ giữa Osama bin Laden với chính quyền Iraq. Cuối năm 1994 hay đầu năm 1995 Osama bin Laden đã gặp giới chức của Iraq tại thủ đô  Khartoum, nhưng Iraq không đáp ứng yêu cầu thiết lập trung tâm huấn luyện khủng bố tại Iraq.



Áp lực của Hoa Kỳ:

          Trong thời gian này Hoa Kỳ và các nước Tây phương, cũng như một số quốc gia Hồi giáo ôn hòa như Ai Cập, Syria, Jordan (ngay cả Lybia) áp lực Sudan không nên giúp đỡ các tổ chức khủng bố. Áp lực mạnh nhất do Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lên Sudan tháng 4 năm 1996 sau khi Sudan không chịu giao nạp những tay khủng bố ám sát hụt tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak tại Ethiopia tháng 6 năm 1995. Những tay khủng bố này là đàn em của Osama bin Laden.

          Cuối cùng Sudan nhượng bộ áp lực quốc tế và yêu cầu Osama bin Laden nên tìm một cứ địa khác. Tháng 5 năm 1996, Osama bin Laden trở về Afghanistan. Ở đây cần thấy vai trò của Pakistan. Osama bin Laden không thể trở về Afghanistan nếu không có sự giúp đỡ của tình báo Pakistan. Pakistan vận động chính quyền Taliban để cho Osama bin Laden thiết lập căn cứ tại Kandahar, nơi đó Pakistan có cứ địa huấn luyện du kích Khasmir chống Ấn độ. Thời gian từ giữa năm 1998 qua năm 1999 có nhiều tiếp xúc giữa Osama bin Laden và đại diện của Saddam Hussein, nhưng không có bằng chứng nào Osama bin Laden hợp tác với Saddam Hussein trong việc chống Hoa Kỳ.

          Do những nguồn tài chánh khổng lồ Osama bin Laden mang lại cho Afghanistan, Osama bin Laden được sự ủng hộ hoàn toàn của Mullah Omar, lãnh tụ của Taliban. Người của al Qaeda được ra vào tự do, tiền mặt được chuyển ra vào qua đường hàng không dân sự Ariana của chính phủ Afghanistan. Và bất cứ ai muốn đến Afghanistan để được huấn luyện kỹ thuật khủng bố đều được mọi dễ dãi.

          V845;u hiệu của sự đe doạ hiển hiện qua thời gian. Qua bản tường trình này quý vị sẽ thấy sự thất bại của chúng ta về chính sách, về quản trị về khả năng đáp ứng và nhất là chúng ta thiếu óc tưởng tượng.

          Ủy ban Điều tra của chúng tôi có được cơ hội nhìn lại sự việc nên đối trước những kẻ khủng bố đầy âm mưu, xảo quyệt và nhiều phương tiện chúng tôi không biết chắc chúng ta có thể ngăn ngừa cuộc khủng bố không. Nhưng chúng tôi có thể kết luận một cách vũng chắc rằng những gì chính phủ Hoa Kỳ đã làm trước ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã không làm hỏng kế hoạch cũng như làm trì hoãn cuộc tấn công của tổ chức Al Qaeda.

          Sự khiếm khuyết của chúng ta kéo dài nhiều năm qua nhiều bộ máy chính quyền. Chúng tôi không thể dẫn chứng một cá nhân lãnh đạo nào chịu trách nhiệm, nhưng điều này không có nghĩa mọi cá nhân, mọi cơ quan chính quyền được miễn sự quy trách. Bất cứ một viên chức cao cấp nào trong bộ máy chính quyền Hoa Kỳ trong suốt thời gian liên hệ đều có một trách nhiệm nào đó.

          Trong tinh thần đó bản tường trình này không có mục đích quy trách nhiệm. Ủy ban điều tra đã soát duyệt lại những gì đã xẩy ra để có thể nhìn tới trước và đề ra những phương cách ngăn ngừa những cuộc tấn công trong tương lai”

          Điều quan trọng là bản báo cáo đã nêu ra nguyên nhân sâu xa của chiến tranh khủng bố là sự thù hận giữa người Hồi giáo và thế giới Tây phương kết quả của sự tích lũy sai lầm về chính sách và về nhận định của cả hai phía.

          “Từ ngày 11/9/2001 đến nay Hoa Kỳ và các nước đồng minh đã triệt hạ chính quyền Taliban tại Afghanistan là chính quyền đã dung dưỡng tổ chức Al Qaeda, và đã giết hoặc bắt giữ hầu hết các tay khủng bố chủ chốt. Tuy vậy khủng bố vẫn tiếp diễn. Chúng ta đã ngăn chận nhiều kế hoạch khủng bố, nhưng ai cũng đồng ý rằng thế nào cũng có những cuộc khủng bố khác sẽ xẩy ra.”

          Tại sao vậy? Theo Ủy ban điều tra, “vì Al Qaeda đại diện cho một hệ ý thức chứ không phải chỉ là sự kết hợp của một số người. Một ý thức, cũng như một tôn giáo có thể bàng bạc sống dù không có ai dẫn dắt. Hiện nay Osama bin Laden không còn có nhiều khả năng tổ chức những cuộc đánh phá chúng ta, nhưng ngay cả khi anh ta bị bắt hay bị giết chúng ta cũng không chấm dứt được những cuộc khủng bố. Cái ý thức chống Tây phương của anh ta vẫn sống và vẫn có khả năng truyền bá. Nhờ nỗ lực tấn công của chúng ta đánh vào sào huyệt của Al Qaeda, và những biện pháp đề phòng trong nước, chúng ta hiện được an toàn hơn, nhưng chúng ta không hoàn toàn có an ninh.”

          Tuy vậy nhìn lại tình trạng đối phó của Hoa Kỳ Ủy ban đã nhấn mạnh đến sự thiếu óc tưởng tượng của những người lãnh đạo và của bộ máy an ninh quốc gia. Ủy ban cho rằng sống bên cạnh sự đe đọa, những người lãnh đạo không ý thức đúng mức của sự đe dọa đó. Trước cuộc tấn công ít người Mỹ biết đến tổ chức Al Qaeda vì chính quyền, quốc hội và truyền thông đã không quan tâm đúng mức, mặc dù tin tức tình báo cho thấy Al Qaeda chuẩn bị tấn công Hoa Kỳ ngay trên đất nước này. Không ai tưởng tượng rằng nhóm Al Qaeda có thể làm những việc động trời và có khả năng tổ chức như vậy. Người ta cho rằng Al Qaeda cũng chỉ là một nhóm khủng bố nếu có nguy hiểm hơn các nhóm khác một chút cũng không sao, đến đâu trị  đó là vừa. Hoa Kỳ có khả năng vô biên, tình báo Hoa Kỳ giỏi không có gì phải lo quá đáng. Bản tường trình viết rằng, cho đến ngày 4/9/2001 (nghĩa là chỉ một tuần lễ trước ngày 11/9) chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa dứt khoát với câu hỏi: “Có cần phải quá quan tâm đến Al Qaeda không?” trong khi bọn khủng bố đã vào vị trí chỉ giờ đến giờ để ra tay.

          Làm thế nào để chống khủng bố? Ủy ban điều tra có hai đề nghị. Thứ nhất là tổ chức lại ngành tình báo. Thứ hai là Hoa Kỳ cần duyệt xét lại chính sách toàn cầu.

          Về tình báo Ủy ban đề nghị tổng thống bổ nhiệm một Giám đốc tình báo quốc gia phụ tá bởi một Phó giám đốc để chỉ huy tất cả 15 cơ sở tình báo hiện có của Hoa Kỳ. Và thiết lập dưới quyền vị Giám đốc này một Trung Tâm quốc gia chống khủng bố. Trong 15 cơ sở tình báo hiện nay thì Ủy ban đề nghị đặt ba cơ sở quan trọng nhất là CIA, FBI và Tình báo quân sự  dưới quyền trách nhiệm của vị Phó Giám đốc. Các cơ sở tình báo khác như cơ sở phụ trách vũ khí giết người tập thể, phụ trách về ma túy, phụ trách về Liên bang Nga, Trung quốc, Đông Á, Trung Đông v.v... nằm trực tiếp dưới quyền của ông Giám đốc.

          Về chính sách, Ủy ban đề nghị Hoa Kỳ duyệt xét lại chiến lược toàn cầu, thay đổi chính sách ngoại giao, tạo tình giao hảo tốt với thế giới Hồi giáo để nhóm Osam bin Laden không có đất tuyên truyền và tuyển mộ đoàn viên đánh phá Hoa Kỳ. Nói cách khác là hóa giải hận thù.

          Hoa Kỳ là một quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới hiện nay. Và khi Hoa Kỳ tuyên chiến với khủng bố Hoa Kỳ không thể thua. Nhưng đánh chuột cũng không tránh được đổ vỡ trong nhà, ở đây là sự đổ vỡ của thế giới. Cho nên khuyến cáo của Ủy ban điều tra cuộc tấn công 11/9/2001 là khuyến cáo khôn ngoan nhất mà người lãnh đạo của Hoa Kỳ dù thuộc đảng nào cũng cần phải quan tâm đúng mức.



Trần Bình Nam

Sept. 7, 2004

BinhNam@sbcglobal.net

http://www.vnet.org/tbn



Tài liệu tham khảo:

 “The 9/11 Commission Report”: Final Report of the National Commission on Terrorist Atacks upon the United States

No comments: