Thanh Tâm Tuyền – Âm vang khác
Posted: 30/05/2012 in Biên Khảo / Phê Bình, Nguyễn Lương VỵThẻ:Thanh Tâm Tuyền
Nguyễn Lương Vỵ
Nhân kỷ niệm lần thứ 76, ngày sanh [15.03] và lần thứ 6 ngày mất [22.03] của Thanh Tâm Tuyền.
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền – Đinh Cường
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (15.03.1936 – 22.03.2006,) một trong những thành viên sáng lập trụ cột của Tạp Chí Sáng Tạo (1956 – 1960,) một trong những thi tài tầm cỡ nhất của thi ca miền Nam (1954 – 1975,) với 2 thi tập tiêu biểu: Tôi Không Còn Cô Độc (NXB Người Việt, 1956), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (NXB Sáng Tạo, 1964.) Là người tiên phong của phong trào Thơ Tự Do, một phong cách thơ phóng khoáng, cách tân, hiện đại và đầy tính sáng tạo. “Tôi đi tìm tiếng nói/Cho cổ họng của tôi.” Thanh Tâm Tuyền đã tạo được ảnh hưởng và nguồn cảm hứng thơ khá lớn đối với giới cầm bút trẻ lúc bấy giờ và kể cả sau nầy.
Điều đáng kể trong thơ Thanh Tâm Tuyền là tính đột phá về ngôn ngữ thơ và cấu trúc thơ rất mới, rất lạ. Ngôn ngữ thơ luôn biến ảo, phơi mở, giàu hình ảnh, đẹp một cách tự nhiên. Cấu trúc thơ luôn ở trạng thái động, phân ly, gấp gãy, gập ghềnh. Đó cũng chính là sức quyến rũ, lực hấp dẫn của thơ Thanh Tâm Tuyền: Niềm khát khao cách tân, sáng tạo với nỗ lực khai phá quyết liệt, thường trực, bền bỉ.
Bài viết nầy, không có tham vọng đọc, nghe và cảm nhận một cách toàn diện về cõi thơ Thanh Tâm Tuyền, mà chỉ giới thiệu một “Âm Vang Khác” của thi sĩ: Bài thơ “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” (đã được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, tại Sài Gòn, số ra ngày 27 tháng 11 năm 1972). Bài thơgồm 6 biến khúc, 160 câu (“6 biến khúc quanh một đề thơ cổ.”. Thi sĩ ghi ngay dưới tựa đề bài thơ.)
Trước khi giới thiệu nội dung bài thơ, xin trích một đoạn trong bức thư ngày 30 tháng 9 năm 1972, thi sĩ viết gửi cho “Mon ile” [1] có đoạn:
“…Đã hết tháng chín. Thêm bài “Ngôi nhà đỏ” nữa. Thế có lãng mạn quá không? Bài thơ thứ ba, thứ tư nếu kể cả bài Đảo. Hình như còn nữa. Giống như họa sĩ đứng trước ngôi nhà vẽ vài chục bức, với màu sắc ánh sáng bố cục thay đổi. Giống như nhạc sĩ có một cái “thème” và nhiều “variations”. Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài “ngôi nhà đỏ trăng hồng…” và anh chỉ việc thêm vào chữ chót rồi theo rõi cả ngày, cả tuần những lúc quạnh hiu. Đã có trăng hồng hạ, trăng hồng lạ, trăng hồng lả… Còn những trăng hồng gì nữa anh sẽ thấy. Có thể anh viết hết cả xấp giấy này cho những bài trăng hồng chưa chừng…”
…
“Mấy bài thơ về ngôi nhà này chừng đăng anh sẽ đề là “Biến điệu quanh một bài thơ cổ” Anh nhớ bài thơ của Thôi Hộ [2]:
Tích niên kim nhật thử môn trung
Phấn diện đào hoa tương ánh hồng
Phấn diện kim niên hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.” [3]
Như vậy, bài thơ của Thôi hộ đã gợi hứng cho “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” của thi sĩ. Nhưng, thay vì trích 4 câu thơ trên của Thôi Hộ vào đầu bài thơ, thi sĩ lại trích dẫn 6 câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đoạn nói về lúc Kim Trọng trở lại vườn Thúy (đúng ra là hiên Lãm Thúy, nơi Kim Trọng trọ học trước đây, thường làm nơi hẹn hò với Thúy Kiều.) Kim Trọng trở lại, nhưng chốn cũ còn đây, người xưa (Thúy Kiều) không còn nữa. Trong 6 câu thơ nầy, có 1 câu được chuyển dịch từ thơ Thôi Hộ:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.(*)
Xập xòe én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc dầy
Đi về này những lối này năm xưa…”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
(*) Chuyển dịch từ câu: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hộ.
Với 6 biến khúc, mỗi biến khúc lặp lại câu mở đầu, chỉ thay đổi vài ba chữ ở cuối câu:
Câu mở đầu, biến khúc 1 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Câu mở đầu, biến khúc 2 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Câu mở đầu, biến khúc 3 (36 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lả.
Câu mở đầu, biến khúc 4 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng đuối nhớ
Câu mở đầu, biến khúc 5 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng vằng vặc.
Câu mở đầu, biến khúc 6 (28 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa.
NGÔI NHÀ ĐỎ, TRĂNG HỒNG [4]
Biến khúc 1
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Hạ nồng nàn quyến rũ môi hôn,
Gọi mưa mùa tắm gội xanh cỏ lá,
Dập tắt sầu thiêu đốt, phả du dương.
Mưa ngày qua, mưa ngày nay, xám ngắt.
Cửa đóng cài, cửa ẩm mốc cô đơn.
Gõ lên đi ngón tay cung khờ khạo.
Nép đầu say, tóc rối mộng thầm.
Ngồi xuống ghế mộc bầy riêng lẻ.
Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.
Im tượng gỗ. Tiếng chân ai thoát chạy.
Bỗng bâng khuâng thang cấp lượn mơ hồ.
Trèo dốc đứng, vội vàng hơi thở hụt.
Bậc đá mòn rợp lối phân vân.
Hồn đá nín thiên thu chót vót.
Ghì ôm sâu chớp sấm non ngàn.
Theo lối khác. Giẫm dấu chân người lạ.
Đất trượt trơn. Cây cối rõi trông tìm.
Trăng hồng sáng ngân nga lửa lạnh.
Nhà lao đao. Đồi rào rạt ngoan nằm.
Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,
Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim.
Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp.
Và hàm hồ buột giấc khóc êm.
Đồi trăng hồng hạ, nhưng là cuối hạ đang chuyển sang sơ thu, với không gian “Hạ nồng nàn, quyến rũ môi hôn. ”Người xưa, nay như là “kẻ lạ mặt” trở về chốn cũ, mà chốn cũ thì “Cửa đóng cài, cửa ẩm mốc cô đơn.” “Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.” “Bậc đá mòn rợp lối phân vân.” Ấn tượng nhất là sau khi ngắm nhìn, cảm nhận và bằng những động tác dò dẫm, làm quen lúc ban đầu trở về như: Nép đầu – ngồi xuống ghế – trèo dốc đứng – giẫm dấu chân người lạ thì “Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,/Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim./Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp./Và hàm hồ buột giấc khóc êm.” Bốn câu thơ cuối của biến khúc bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của “kẻ lạ mặt”. “Thấy ngôi nhà bằng bặc cháy như tim.” Nỗi nhớ dậy lên như lửa cháy. Ngôi nhà là một trời kỷ niệm. Ảnh chiếu của ngoại giới đi vào tâm cảnh. Biến khúc dạo đầu cuốn hút ngay người đọc.
Biến khúc 2
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Chiều úa tàn, trời tím buổi tinh sương,
Nắng hớn hở – nắng trong veo như mắt –
Mỉm cười xa, phố thấp, vẫy chàng.
Mái nghiêng cúi, ngói nâu đời cũ xỉn.
Trổ bông xưa, phơi đoá mộng dị kỳ.
Mộng vời vợi, chuỗi mưa điên xối xả.
Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.
Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết.
Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.
Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ
Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.
Thềm quạnh quẽ gọi chân ai hồi tưởng
Gót cô đơn nghe rảo tận hiên ngoài.
Quãng trống trải, lịm say trăng thố lộ
Những âm vang cùng thẳm cuối trời.
Đèn vẫn thắp. Cửa sổ kia vẫn mở.
Loé sáng mù như một đốm sao.
Đêm dần lụn. Bướm đen vờn nghiêng ngả.
Đâu người ngồi nhập kiếp chiêm bao?
Trăng lợt lạt. Nhà im. Đồi rét mướt.
Tiếng sáo khuya rong ruổi u hoài.
Đường trơn dốc đẩy chân trì níu.
Nhà lênh đênh theo trận lũ rã rời.
Biến khúc như một bức tranh lung linh sắc màu, đẹp cô liêu. Gam màu chính là đồi trăng hồng lạ, hòa quyện cùng với các màu trời tím buổi tinh sương, màu nắng trong veo, màu nắng như trăng, màu ngói nâu, màu lóe sáng mù, màu bướm đen, màu trăng lợt lạt. Trầm mình trong sắc màu lung linh ấy, “kẻ lạ mặt” lại nuối mộng với chuỗi mưa điên xối xả đầy tâm trạng. Nuối mộng, nhưng vẫn hiện hữu trong cõi thực: “Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết./Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.” Vẫn ám ảnh: “Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ/Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.” Dấu hỏi trong cơn u mộng ảnh “Đâu người ngồi nhập kiếp chiêm bao?” “Kẻ lạ mặt” đã: “Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.” Còn ngôi nhà thì: “lênh đênh theo trận lũ rã rời.” Biến khúc với những nhịp ngắt chậm, u trầm, rồi buông dài trong khổ thơ cuối, chuẩn bị chuyển sang biến khúc tiếp theo, dồn dập cao trào.
Biến khúc 3
Ngôi nhà ở trên đồi trăng hồng lả.
Trời vàm sông, bến quạnh gió mù tăm.
(Nước thao thức lòng sâu cuồn cuộn hút)
Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.
Những trận mưa, những trận mưa tầm tã
Đẩy trôi trăng ra biển im hơi.
Những giọt sương, những giọt sương giả lả
Lá khép thu, nương náu, kinh lời.
Bậc đá nổi. Ảo giác buông. Lối ẩn.
Thềm nào đây trải rộng giấc hoang vu.
“Chàng đâu? Chàng đâu? Riêng mình ngơ ngác.”
Chốn tình si thoang thoảng giọng cười mờ.
Trong thớ mủn mưa hắt đầm lạnh lẽo
Nắng muộn màng, nhợt nhạt reo vui
Trên cửa khoá, phô vết thương loang lở
Gỗ xác xơ. Mắt khép bùi ngùi.
Trên hàng hiên động tiếng mòn. Cửa mở.
“Nàng là ai?” Âm dội vẳng quanh vòm
Phút tối ám. Ngoài kia trời đục xoá.
“Nàng là ai?”Hoảng hốt cánh dơi đêm.
Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng.
Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương.
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay toả bóng.
Buồng tim ta sáng quắc ánh băng.
Hai tay giá trườn quanh hương nồng vắng.
Tường ẩm rêu. Ghế bụi. Ôi mùa hè.
Gió lùa thổi, nắng bay. Bàn quên lãng.
Những đốm hoa nhảy nhót ham mê.
Khuôn cửa sổ, gương chìm không hắt ảnh
“Nàng là ai?” Chàng dưới thấp sau gương
Phố khuya lạc, mờ như đang thu muộn
“Nàng là ai?” như thể lối vô cùng.
Níu chặt song, dáng cây sầu khô trụi,
Trong vườn xưa nàng khóc cạn đêm nay.
Trăng thất sắc lánh xa. Ngày sợ rạng.
Đồi chập chờn. Cỏ rối tưởng heo may.
Trong khung cảnh: “Ngôi nhà ở trên đồi trăng hồng lả./Trời vàm sông. Bến quạnh gió mù tăm.” Thì bỗng nhiên, như một giấc liêu trai ma mị: “Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.” Sau câu hỏi thảng thốt từ cõi hư ảo của Nàng:“Chàng đâu? Chàng đâu? Riêng mình ngơ ngác.” Tôi cảm thấy lành lạnh, ngậm ngùi khi đọc chậm, rõ và cao giọng những câu thơ sau:
“Nàng là ai?” Âm dội vẳng quanh vòm
“Nàng là ai?”Hoảng hốt cánh dơi đêm.
“Nàng là ai?” Chàng dưới thấp sau gương
“Nàng là ai?” như thể lối vô cùng.
Ở giữa bốn câu hỏi kia là tiếng hồi đáp bi thương của Chàng, vọng lên trong tâm tưởng. Tôi tiếp tục đọc chậm, rõ và cao giọng:
Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng.
Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương.
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay tỏa bóng
Buồng tim ta sáng quắc ánh băng.
Những câu thơ đồng hiện trong Âm, Hình và Bóng. Nhịp ngắt, chấm câu, buông câu, làm cho âm vực vừa rộng vừa sâu như nỗi lòng thảng thốt của ai kia đang la thầm trong hư vắng. Đẹp và lạnh rưng rưng!
Biến khúc với nhịp thơ dồn dập , hình ảnh đồng hiện ảo và thực, tâm trạng đầy cảm xúc, tình huống đầy kịch tính. Theo tôi, đây là biến khúc cao trào nhất, hay nhất, đẹp nhất của bài thơ, gồm 36 câu, dài nhất trong 6 biến khúc. Phải đọc chậm lại, rõ từng câu, từng chữ và nghe kỷ lại, nhìn sâu vào từng câu thơ, từng chữ thơ, thì mới cảm thấu được cái hay, cái đẹp của biến khúc nầy.
Biến khúc 4
Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng đuối nhớ
Thở hơi sương run rẩy. Ngã trong trời
Nhòe gió bấc, ngựa mây dồn gấp vó
Tiếng nhạn đen. Thả bổng quạnh hiu rơi.
Đồi bập bềnh trôi trên lũng biển trắng
Mái nhà ôm, nhô nóc hú gào người.
Người gắng gượng rõi dáng hình lãng đãng.
Đêm như hồn lóng cóng. Cắn môi.
Những bực đá lấp chìm. Đá rét mướt
Dâng dưới chân. Đợt sóng nổi chông chênh.
Người hẳn tiếc những khuya trời ngỏ thoáng
Đá nhún mình nâng gót nhẹ thênh.
Bụi hoa trắng ngó tìm trên đầu dốc.
Hoa ngời trông. Rạng hiện lối đơn sơ.
Hoa thù nghịch. Cười ý sầu điên đảo.
Rũ rượi hong cánh ướt. Quãng mờ.
Đèn vàng lụn như đầu diêm xoè tắt
Lửa thuyền xa, đom đóm dạt phiêu bồng.
Tình rầu rĩ kêu tiếng trầm cắn đắng
Bóng vang hư, thoáng lịm như không.
Kìa tóc sũng, tựa gờ tường đay nghiến.
Bám vịn trên cửa gỗ sượng sùng.
Thềm hiên gió rập rờn xô huyễn hoặc.
Đầu buốt mê nhịp gõ kinh hoàng.
Biến khúc lan tỏa một không gian, một cấu trúc phân ly, song song, gấp gãy, gập ghềnh trong những chuỗi từ ngữ đầy hình ảnh (hơi sương run rẩy – ngựa mây dồn gấp vó,/ đồi bập bềnh – lũng biển trắng,/ nhà ôm – nóc hú,/ đá lấp chìm – đá rét mướt – đá nhún mình,/ hoa trắng ngó – hoa ngời trông – hoa thù nghịch,/ đèn vàng lụn – đầu diêm xòe tắt,/ lửa thuyền xa – đom đóm dạt,/ bóng vang hư – tóc sũng,/ cửa gỗ sượng sùng – đầu buốt mê.) Một không gian vừa thực, vừa huyễn hoặc. Biến khúc chuyển động những âm vang dìu dặt, mênh mang cảm xúc trầm tư, hồi tưởng. Những âm trắc cuối câu vút nhẹ niềm bi mẫn, ánh lên những đốm sáng nhấp nháy không lời. Từng cặp đôi trong mỗi khổ thơ bốn câu, khi đọc lên và lóng nghe, âm vang chảy song song với bóng hình, rồi hòa quyện vào nhau. Một cấu trúc lạnh, đẹp, hắt hiu. kết thúc bằng chuỗi âm nhói lên cơn đau thấm từ ngoài vào trong, sâu, lắng, trôi theo “nhịp gõ kinh hoàng,” bất tận.
Biến khúc 5
Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng vằng vặc.
Cửa thiên thanh. Mái xoãi ngủ sậm nâu.
Cây biếc lục. Trời tím than. Núi sững.
Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu.
Hạ đen thẳm ngỡ ngàng đuôi mắt sắc.
Cơn sốt ngày. Nắng trải thảm ham mê.
Mở tung cửa nhốt thời gian ủ dột,
Gió mơn man, lùa rạng rỡ đêm hè.
Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc.
Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên.
Bực đá gọi – ngát một mùa thảo mộc –
Gọi trắng trong. Phấp phới. Chuông rền.
Trên lối nhớ đứng ngây. Tuôn lệ.
Trời đêm xưa, gió lộng cũng về thăm.
Tường giãi im. Nàng ngửa đầu chợp mộng,
Thềm hoang đầy, xanh miết miết trăng.
Chốt lỏng gãy. Cửa bỏ không. Mờ hoặc.
“Chàng là ai?” Ghế mộc quỵ rời chân.
Trăng rọi lối quanh co. Ngách lắng tiếng.
“Chàng là ai?” Chim kêu lạc. Tần ngần.
Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo.
Góp lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng.
Nhà quay tít trên vòng quay đám hội
Gió khắp đồi. Lửa chói sáng biển băng.
Bốn câu thơ trong khổ đầu của biến khúc như một bức tranh toàn cảnh, đẹp long lanh, lung linh. Ba câu thơ đầu ánh lên nét trầm tư, tĩnh mặc. Câu thơ cuối “Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu” hình ảnh linh động, huyền ảo để rồi chuyển sang khổ thơ tiếp theo,“Hạ đen thắm” – “đuôi mắt sắc” đồng hiện tâm trạng, cảm xúc ngỡ ngàng của cảnh và người, của người và cảnh. Ngày – lên cơn sốt. Nắng – trải thảm ham mê. Để làm gì đây? “Mở tung cửa nhốt thời gian ủ dột,/Gió mơn man, lùa rạng rỡ đêm hè.” Đêm lại trở về. Chàng và Nàng hiện ra hư hư thực thực trong 2 khổ thơ tiếp sau. “Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc./Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên.” – “Tường giãi im. Nàng ngửa đầu chợp mộng,/Thềm hoang đầy, xanh miết miết trăng.” Đồng hiện ảnh thực, ảnh ảo đầy tâm trạng! Trong biến khúc nầy, Nàng “lên tiếng,” hay là ảo thanh của nàng: “Chàng là ai?” “Chàng là ai?” Không lời hồi đáp. Đêm liêu trai ma mị đã qua. Bóng ngày hiện ra, ẩn hiện đâu đó hình ảnh:“Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo,/Góp lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng./Nhà quay tít trên vòng quay đám hội/Gió khắp đồi.Lửa chói sáng biển băng.”
Nếu như biến khúc 3 ở trên đầy cao trào, kịch tích với nhịp thơ dồn dập, hình ảnh đồng hiện liên tục giữa ảo và thực, thì biến khúc 5 ở đây, âm vang nhịp thơ trôi chậm lại, dặt dìu, rồi lắng xuống, nhưng hình ảnh hiu hắt, cô liêu hơn.
Biến khúc 6
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khoả.
Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ.
Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi.
Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.
Im. Rớt im. Nhánh khô ròn. Bước động.
Ngói lệch xô, bàng hoàng, che khuất mộng.
Chàng quay lưng mỏi mệt ngắm phố chìm.
Cửa đóng bít. Rào vây. Mắt hoắc trống.
Trăng chợp lay. Nhỏ to vắng tiếng hát.
Mùa hạ vàng rực rỡ, tuôn bát ngát.
Đêm ơi đêm còn khúc điệu nào chăng
Vỗ về chàng? Trời yếu đau ngăn ngắt.
Mỗi bực cấp bước leo dầm hiu quạnh.
Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh.
Đá mòn ơi, thấm thía dấu lãng quên.
Lối mờ tỏ. Mưa giông khuya ngất tạnh.
Hãy đắm đuối. Chàng Orphée si dại.
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Bờ bụi.
Tủa gai, vườn hoang phế. Bóng ảnh nàng
Trôi tan tác trong hành lang thẳm tối.
Cửa ngõ chết, nỗi mù dằng dặc
Hoa trông vời khép niềm riêng nghi hoặc.
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.
Trăng ngỡ sáng. Trăng ngậm sương trầm mặc.
Mùa ngã độc. Nhà nín hơi lẩn lút.
Đồi sượng sần. Cây lìa cành, lá trút.
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.
Nàng vắng bặt, biến mất, chẳng biết đi đâu, về đâu! Ngôi nhà đỏ nổi hẵn lên giữa màu trăng hồng khỏa. Ba câu thơ cuối của khổ thơ đầu ngắt nhịp đều 3-5, 3-5, 3-5: “Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ./Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi./Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.” Tôi đọc chẫm rãi, nhỏ giọng, rõ chữ, ngắt câu theo từng dấu phẩy, dấu chấm của 3 khổ thơ tiếp theo: Không gian của một đêm “Im. Rớt im.” Nghe được hết “ Nhánh khô ròn.” “ Bước động.””Ngói lệch xô.” “phố chìm.” Thể xác, thần hồn của Chàng mỏi mệt, vừa bước đi, vừa quay lại ngoái nhìn “phố chìm” – “cửa đóng bít” – “rào vây” bằng “mắt hoắc trống.” “ Im.Rớt im”. Quạnh hiu đặc quánh, quắt queo. Cực điểm cô liêu:“Trăng chợp lay. Nhỏ to vắng tiếng hát.” Đẹp ngất cô liêu: “Mùa hạ vàng rực rỡ, tuôn bát ngát.”
Hãy nhìn bóng dáng của Chàng: “Mỗi bực cấp bước leo dầm hiu quạnh./Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh.” Chỉ còn biết bày tỏ, tâm sự với: “đá mòn,” “ lối mờ tỏ,” “ mưa giông khuya.” Vọng lại từ cõi im vắng mơ hồ: “Hãy đắm đuối. Chàng Orphée si dại.” Chàng thi sĩ Orphée [5] rất mực tài hoa, rất mực hào hoa của xứ sở Hy Lạp phiêu bồng thần thoại! Nàng Eurydice kiều diễm , người yêu dấu của Orphée, đã chết lần thứ hai vì cái ngoái nhìn si dại (do Orphée quên mất lời Diêm Vương dặn dò). Từ câu chuyện của Orphée, vang lên tiếng vọng cảnh báo cho Chàng: “Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.” “Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu./Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.” Nhưng, cảnh báo cũng bằng thừa, vì, dẫu cho Chàng có ngoái nhìn, thì Nàng đã là, vẫn chỉ là một ảnh ảo, mơ hồ, lãng đãng khói sương, huyền hoặc mà thôi! Toàn bộ biến khúc gieo vần theo âm trắc ở cuối câu, khắc khoải, tiếc nhớ, trống vắng, heo hút.
Trong bức thư thi sĩ viết tại Đà Lạt, gửi cho “Đảo xa,” ngày 27 tháng 10 năm 1972, có đoạn:
“Anh có được nghe một bộ đĩa quý gồm những tác phẩm của Bach do Casals tình cờ lục kiếm thấy, một mình Pablo đàn và thỉnh thoảng nghe nổi giọng ngâm nga của Pablo theo tiếng đàn của mình. Tuyệt. Em có thích tiếng đại hồ cầm không? Anh mê. Đêm qua anh đã thu vào băng 7 biến khúc cho Piano và đại hồ cầm của Beetho trên một thème của Mozart nhưng lại phải xóa đi vì thiếu chỗ. Nếu em thích lần sau anh mua cuốn băng 90 và sẽ thu cho em nghe những khúc đại hồ cầm của Beeth. Anh cũng có một cuốn băng ru mình ngủ. Pablo Casals độc tấu những điệu ru ngắn.
Khúc thứ 3 – Sleepers awake – cũng như khúc trám sau Sonate của Beetho – Jesus, Joy of Man’s desiring – có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên nghe thoáng, bỗng, mát mẻ và trầm tĩnh nhường nào. Có phải không em? Nhưng tuyệt nhất là khúc Toccata and Fugue. Anh nghe hoài không chán những Fugue của Bach. Tuyệt đỉnh nghệ thuật của Bach và cách viết Fugue (nghĩa là có bao nhiêu giọng đều cùng trổi hết vẻ của mình, tưởng như ganh đua hỗn độn mà hòa hợp tài tình) là cái Bach mang đến cho âm nhạc. Nghe Fugue mới thấy tràn trề, yêu đời, nồng nàn, cởi mở nghĩa là đúng như em nghĩ ” hạnh phúc túy lúy”. Nhưng em nhớ, Bach mập lắm “túy lúy” mà vẫn vững vàng oai vệ không hề “lảo đảo” “hụt hơi” “chân nam đá chân xiêu” thảm hại đâu. Em nghe kỹ xem.
Trước khúc Toccata and Fugue, là Little Suite. Đúng là little. Nhỏ nhẹ, dễ thương, gọn gàng, giản dị hết sức. Nhưng đâu có kém đằm thắm. Bach thường viết ngay lập tức dễ dàng những exercices để dậy con. Chắc đây cũng là bài Bach viết buông bút, không chút cầu kỳ.” [6]
Đoạn thư trích dẫn trên đây cho thấy, thi sĩ cũng là người rất đam mê và rất sành điệu về âm nhạc cổ điển Tây phương, nhất là nhạc giao hưởng. “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” hình như đã được “tấu” lên trong một cảm xúc mê đắm, trào dâng trên nền nhạc của những biến tấu lung linh, huyền ảo. Một bài thơ rất phong phú về nhạc tính, biến đổi liên tục từ đầu đến cuối. Phải chăng giống như “7 biến khúc cho piano và đại hồ cầm của Beethoven” như thi sĩ đã tâm sự trong bức thư vừa trích dẫn ở trên?
Xin nói thêm về những bức thư của thi sĩ viết gửi “Mon ile” cũng như gửi “Đảo xa.” Tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần, rồi bâng khuâng tự hỏi: Vì sao thi sĩ tự ví mình như một Crusoe thất lạc nơi hoang đảo? (nhân vật bi hùng Robinson [Crusoe,] cũng là nhan đề cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn người Anh, Daniel Defoe.) Phải chăng, gửi “Mon ile,” gửi “Đảo xa,” là gửi cho Crusoe thất lạc? Tức là gửi cho chính mình? Gửi cho cõi cô độc riêng tây của chính mình? Như vậy, viết thư, như là một cách độc thoại. Một Cruoe thất lạc, tôi nghĩ, thi sĩ đã cảm nhận từ rất lâu cái mệnh hệ cô độc riêng tây ấy của đời mình. Cảm nhận, nhưng không cần nói ra, không cần bày tỏ với bất cứ ai, bởi cái phong cách kiêu bạt, bởi trò chơi ẩn ngôn khinh khoái của thi sĩ? Tự hỏi, rồi tự trả lời một cách tự tin: Đúng vậy! Những khoảng lặng ngân dài. Thi sĩ lắng nghe trong im vắng: “Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng…” Đó cũng chính là niềm hứng khởi từ cô liêu vọng lại để thi sĩ cảm ứng với Thôi Hộ, tấu lên “Sáu biến khúc quanh một đề thơ cổ.”
“Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” là câu chuyện tình hư hư thực thực không có kết thúc. Hãy chịu khó đọc lại hai câu thơ cuối trong biến khúc 6, cũng là 2 câu thơ cuối cùng của bài thơ:
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.
Chỉ còn một mình chàng với bóng đêm huyền ảo: “Phơ phất khói sương thu.” “Trăng khỏa thân xanh mướt.” Vậy thì, bảo chàng “Đừng ngoái nhìn” là tại sao? Để làm gì? Nàng đã đi đâu về đâu chẳng biết. Nàng đã tan vào cõi không hư. Phải chăng, Chàng muốn tự an ủi mình rằng Nàng vẫn còn ở đâu đó, có thể Nàng đang ẩn hiện trong làn khói sương thu phơ phất, có thể Nàng đang ẩn hiện trong ánh trăng khỏa thân xanh mướt. Vì sợ rằng, nếu Chàng ngoái nhìn, Nàng sẽ lập tức tan biến đi? Lời khuyên kia, thật ra, cũng là từ tâm thức Chàng dấy lên, vừa đinh ninh, vừa mơ hồ. Nàng vừa là ảnh thực, vừa là ảnh ảo trong tâm thức Chàng. Đây cũng chính là sự giằng xé, niềm ray rức khôn nguôi suốt đời của thi sĩ. Mượn một câu chuyện tình để nói lên thân phận mồ côi, bơ vơ của kiếp người. Câu hỏi không lời đáp. Lời đáp nằm ngay trong câu hỏi. Thôi Hộ, sau khi than vãn bên thân xác Nàng đã chết, chỉ còn chút hơi ấm, nhưng điều kỳ diệu đã giúp Nàng hồi sinh và trùng phùng, tái hợp với Thôi Hộ trọn đời. Nhưng câu chuyện ấy cũng chỉ là một huyền thoại. Ảo!!! Orphée sau khi bị đám nữ thần lên cơn ghen tức đâm chết, mới “gặp” lại Erydice ở cõi “bên kia” và “sống” với nhau trọn đời. Cũng chỉ là thần thoại. Ảo!!! Hai câu chuyện có hậu của huyền thoại và thần thoại, chỉ để làm thỏa lòng người nghe chuyện. Trở lại “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng,” câu chuyện tình hư hư thực thực từ đầu đến cuối, mở ra nhưng không khép lại, không có hậu. Chàng là “kẻ lạ mặt”, Nàng là một ảnh ảo, rất mơ hồ, đang quẩn quanh, đâu đó. Chàng và Nàng ẩn hiện, bay, lướt, chìm, tan trong âm vang và sắc màu miên man bất tận. Sáu biến khúc “Thế có lãng mạn quá không?” – Câu hỏi đầy cảm xúc, hứng khởi của thi sĩ. Tôi thầm nhủ: “Quá đi chứ! Và còn rất, rất siêu thực nữa.” Một cảm xúc, hứng khởi trên cả tuyệt vời. “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng,” với một thủ pháp cấu trúc, ngôn ngữ thơ thuộc loại bậc thầy! Đúng là một “Âm Vang Khác” rất lung linh, huyền ảo, rất Thanh Tâm Tuyền.
Thi tập “Thơ Ở Đâu Xa” (Trầm Phục Khắc xuất bản, 1990, Hoa Kỳ,) cũng là một“Âm Vang Khác” của Thanh Tâm Tuyền. Những bài thơ làm trong chốn tù ngục, đọa đày khắc nghiệt, nhưng tâm hồn, thần thái của thi sĩ vẫn ung dung, tự tại, an nhiên chịu đựng bi kịch, tai ách, tuyệt không thù hận, oán than. Thơ trong tù được nghiền ngẫm trong trí nhớ, được lưu giữ trong óc, trong tim, mà vẫn mài sắc, cô đọng ý tứ, gây nhiều cảm xúc cho người đọc. Cái tầm, cái tâm của thi sĩ thật đáng kính nễ. Cuộc đời trần thế của thi sĩ tuy đã khép lại, nhưng phẩm cách con người, tâm hồn Thanh Tâm Tuyền, thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn mãi đẹp, như chính mong ước, khát vọng của ông:
“Sẽ chết như sao rơi vào bất tận,
Sẽ mãi yêu như giọt nước hân hoan.”
Nguyễn Lương Vỵ
Calif., 03 – 04.03.2012
Nguồn: Tác giả gửi
Chú thích:
Về thân thế và sự nghiệp của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, đã có rất nhiều tạp chí văn học nghệ thuật, rất nhiều trang mạng đăng tải, nên xin được phép không ghi chú trong bài viết nầy.
[1], [6] Nguồn: http/phannguyenartist.blogspot.com/2011/12/thanh-tam-tuyen. (Vừa qua, trang mạng phannguyenartist.blogspot.com, trong chủ đề “Mượn Dấu Thời Gian,” đã công bố, lần đầu tiên, di cảo, gồm một số thư từ và một số bài thơ của thi sĩ (vào các ngày 22.12.2011 – 08.01.2012 – 30.01.2012 – 07.02.2012 – 20.02.2012 – 25.02.2012 – 01.03.2012.) Xin trân trọng giới thiệu trang mạng nói trên, để bạn đọc nào chưa biết, có dịp thưởng thức và cảm nhận thêm những “Âm Vang Khác” của Thanh Tâm Tuyền.)
[2] Thôi Hộ, tự Ân Công, thi sĩ đời nhà Trung Đường, bên Tàu, Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Thôi Hộ mà Thanh Tâm Tuyền trích trong bức thư trên có nhan đề là “Đề Đô Thành Nam Trang” (Đề [Thơ] Tại Trang [Trại] Phía Nam Thành Đô.) Thành Đô, tức Trường An, kinh đô nhà Đường. Bài thơ của Thôi Hộ, theo truyền thuyết, được kể lại, đại ý như vầy: “Một lần nhân tiết Thanh Minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam Thành Đô, nhân thấy một khu vườn trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng vào xin nước uống. Lát sau, lại thấy một thiếu nữ rất đẹp e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi. Đến năm sau, cũng trong tiết Thanh Minh, chàng trở lại chốn cũ, nhưng cửa đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ rồi dán trên cửa, ra đi. Thời gian lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra, rồi thấy một ông lão xuất hiện, hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không, và cho biết, con gái của ông lão sau khi đọc xong bài thơ, đã bi lụy sầu thương, bỏ cả ăn uống, và đã chết, xác vẫn còn quàng ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người thiếu nữ, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn hơi ấm và mặt mày vẫn tươi nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng.” Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc như một huyền thoại. Bất luận thực hư thế nào chẳng biết, nhưng chỉ biết đây là một bài thơ tình thuộc loại hiếm và đẹp của Thôi Hộ, ý tứ phiêu bồng bảng lảng, niềm hoài cảm mang mang, âm hưởng đẹp dịu dàng.
[3] Tạm dịch nghĩa bốn câu thơ trên của Thôi Hộ:
“Ngày này năm ngoái tại cửa nầy
(Sắc diện) hoa đào và gương mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt (người xưa) không biết giờ đây (năm nay) đã ở nơi chốn nào
(Sắc diện) hoa đào vẫn như cũ, đang cười với gió đông.”
[4] Nguồn: tienve.org
[5] Tóm lược Chuyện Tình Của Orphée và Eurydice:
Thần thoại Hy Lạp kể rằng, Orphée là một thi sĩ tài hoa, con của vua xứ Thrace, có tài đàn hát tuyệt vời. Giọng ca của chàng đã quyến rũ tất cả thần thánh, thiên nhiên, con người , ma quỷ và cả những sinh vật khác.
Orphée và nữ thần Eurydice đã yêu nhau thắm thiết như tri âm, tri kỷ của nhau. Họ đã chung sống rất hạnh phúc. Rồi một ngày Orphée đi vắng, Eurydice cảm thấy cô đơn và nhớ nhà, nên quyết định trở về thăm nhà. Khi đi ngang qua một khu rừng, Eurydice đã bị một con rắn độc cắn chết.
Orpheé đau đớn chôn cất Eurydice và quyết định ra đi, tìm đến Diêm Vương để mong cứu được Eurydice.
Orpheé gặp Diêm Vương, cất giọng hát để bày tỏ tình yêu của mình với Eurydice, làm cho Diêm Vương động lòng thương cảm, trắc ẩn. Diêm Vương hứa sẽ cho Eurydic sống lại, trở về sống với Orphée, với điều kiện là Orphée không được quay lại ngoái nhìn Eurydice. Do quá nôn nóng, lo sợ Eurydice lạc dấu trên đường về, Orphée quên lời dặn của Diêm Vương, đã quay lại ngoái nhìn. Eurydice tan biến dần trong đêm khuya tĩnh mịch. Nàng đã chết lần thứ hai!
Quá đau khổ, Orphée tìm cách trở lại âm phủ, nhưng đã tuyệt lộ. Chàng trở về sống với lòng hoài niệm khôn nguôi hình bóng của Eurydice. Một hôm, có một đoàn nữ thần uống rượu, trong cơn say, bắt gặp Orphée đang than thở mối tình tuyệt vọng của mình. Do ghen tức với Eurydice tột độ, họ nổi giận ném đá giết chết Orphée. Linh hồn Orphée trở xuống Âm Phủ và gặp lại Eurydice. Họ đã đoàn tụ, mãi mãi sống bên nhau với mối tình tuyệt đẹp.
Nhân kỷ niệm lần thứ 76, ngày sanh [15.03] và lần thứ 6 ngày mất [22.03] của Thanh Tâm Tuyền.
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền – Đinh Cường
Thi sĩ Thanh Tâm Tuyền (15.03.1936 – 22.03.2006,) một trong những thành viên sáng lập trụ cột của Tạp Chí Sáng Tạo (1956 – 1960,) một trong những thi tài tầm cỡ nhất của thi ca miền Nam (1954 – 1975,) với 2 thi tập tiêu biểu: Tôi Không Còn Cô Độc (NXB Người Việt, 1956), Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (NXB Sáng Tạo, 1964.) Là người tiên phong của phong trào Thơ Tự Do, một phong cách thơ phóng khoáng, cách tân, hiện đại và đầy tính sáng tạo. “Tôi đi tìm tiếng nói/Cho cổ họng của tôi.” Thanh Tâm Tuyền đã tạo được ảnh hưởng và nguồn cảm hứng thơ khá lớn đối với giới cầm bút trẻ lúc bấy giờ và kể cả sau nầy.
Điều đáng kể trong thơ Thanh Tâm Tuyền là tính đột phá về ngôn ngữ thơ và cấu trúc thơ rất mới, rất lạ. Ngôn ngữ thơ luôn biến ảo, phơi mở, giàu hình ảnh, đẹp một cách tự nhiên. Cấu trúc thơ luôn ở trạng thái động, phân ly, gấp gãy, gập ghềnh. Đó cũng chính là sức quyến rũ, lực hấp dẫn của thơ Thanh Tâm Tuyền: Niềm khát khao cách tân, sáng tạo với nỗ lực khai phá quyết liệt, thường trực, bền bỉ.
Bài viết nầy, không có tham vọng đọc, nghe và cảm nhận một cách toàn diện về cõi thơ Thanh Tâm Tuyền, mà chỉ giới thiệu một “Âm Vang Khác” của thi sĩ: Bài thơ “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” (đã được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn, tại Sài Gòn, số ra ngày 27 tháng 11 năm 1972). Bài thơgồm 6 biến khúc, 160 câu (“6 biến khúc quanh một đề thơ cổ.”. Thi sĩ ghi ngay dưới tựa đề bài thơ.)
Trước khi giới thiệu nội dung bài thơ, xin trích một đoạn trong bức thư ngày 30 tháng 9 năm 1972, thi sĩ viết gửi cho “Mon ile” [1] có đoạn:
“…Đã hết tháng chín. Thêm bài “Ngôi nhà đỏ” nữa. Thế có lãng mạn quá không? Bài thơ thứ ba, thứ tư nếu kể cả bài Đảo. Hình như còn nữa. Giống như họa sĩ đứng trước ngôi nhà vẽ vài chục bức, với màu sắc ánh sáng bố cục thay đổi. Giống như nhạc sĩ có một cái “thème” và nhiều “variations”. Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài “ngôi nhà đỏ trăng hồng…” và anh chỉ việc thêm vào chữ chót rồi theo rõi cả ngày, cả tuần những lúc quạnh hiu. Đã có trăng hồng hạ, trăng hồng lạ, trăng hồng lả… Còn những trăng hồng gì nữa anh sẽ thấy. Có thể anh viết hết cả xấp giấy này cho những bài trăng hồng chưa chừng…”
…
“Mấy bài thơ về ngôi nhà này chừng đăng anh sẽ đề là “Biến điệu quanh một bài thơ cổ” Anh nhớ bài thơ của Thôi Hộ [2]:
Tích niên kim nhật thử môn trung
Phấn diện đào hoa tương ánh hồng
Phấn diện kim niên hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.” [3]
Như vậy, bài thơ của Thôi hộ đã gợi hứng cho “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” của thi sĩ. Nhưng, thay vì trích 4 câu thơ trên của Thôi Hộ vào đầu bài thơ, thi sĩ lại trích dẫn 6 câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đoạn nói về lúc Kim Trọng trở lại vườn Thúy (đúng ra là hiên Lãm Thúy, nơi Kim Trọng trọ học trước đây, thường làm nơi hẹn hò với Thúy Kiều.) Kim Trọng trở lại, nhưng chốn cũ còn đây, người xưa (Thúy Kiều) không còn nữa. Trong 6 câu thơ nầy, có 1 câu được chuyển dịch từ thơ Thôi Hộ:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.(*)
Xập xòe én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc dầy
Đi về này những lối này năm xưa…”
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
(*) Chuyển dịch từ câu: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” của Thôi Hộ.
Với 6 biến khúc, mỗi biến khúc lặp lại câu mở đầu, chỉ thay đổi vài ba chữ ở cuối câu:
Câu mở đầu, biến khúc 1 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Câu mở đầu, biến khúc 2 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Câu mở đầu, biến khúc 3 (36 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lả.
Câu mở đầu, biến khúc 4 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng đuối nhớ
Câu mở đầu, biến khúc 5 (24 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng vằng vặc.
Câu mở đầu, biến khúc 6 (28 câu): Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khỏa.
NGÔI NHÀ ĐỎ, TRĂNG HỒNG [4]
Biến khúc 1
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng hạ.
Hạ nồng nàn quyến rũ môi hôn,
Gọi mưa mùa tắm gội xanh cỏ lá,
Dập tắt sầu thiêu đốt, phả du dương.
Mưa ngày qua, mưa ngày nay, xám ngắt.
Cửa đóng cài, cửa ẩm mốc cô đơn.
Gõ lên đi ngón tay cung khờ khạo.
Nép đầu say, tóc rối mộng thầm.
Ngồi xuống ghế mộc bầy riêng lẻ.
Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.
Im tượng gỗ. Tiếng chân ai thoát chạy.
Bỗng bâng khuâng thang cấp lượn mơ hồ.
Trèo dốc đứng, vội vàng hơi thở hụt.
Bậc đá mòn rợp lối phân vân.
Hồn đá nín thiên thu chót vót.
Ghì ôm sâu chớp sấm non ngàn.
Theo lối khác. Giẫm dấu chân người lạ.
Đất trượt trơn. Cây cối rõi trông tìm.
Trăng hồng sáng ngân nga lửa lạnh.
Nhà lao đao. Đồi rào rạt ngoan nằm.
Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,
Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim.
Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp.
Và hàm hồ buột giấc khóc êm.
Đồi trăng hồng hạ, nhưng là cuối hạ đang chuyển sang sơ thu, với không gian “Hạ nồng nàn, quyến rũ môi hôn. ”Người xưa, nay như là “kẻ lạ mặt” trở về chốn cũ, mà chốn cũ thì “Cửa đóng cài, cửa ẩm mốc cô đơn.” “Chiều bên vườn gợn sóng nắng sơ thu.” “Bậc đá mòn rợp lối phân vân.” Ấn tượng nhất là sau khi ngắm nhìn, cảm nhận và bằng những động tác dò dẫm, làm quen lúc ban đầu trở về như: Nép đầu – ngồi xuống ghế – trèo dốc đứng – giẫm dấu chân người lạ thì “Kẻ lạ mặt bỗng đêm mai hoảng thức,/Thấy ngôi nhà bằn bặt cháy như tim./Đồi giông gió lay trăng hồng lả thiếp./Và hàm hồ buột giấc khóc êm.” Bốn câu thơ cuối của biến khúc bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của “kẻ lạ mặt”. “Thấy ngôi nhà bằng bặc cháy như tim.” Nỗi nhớ dậy lên như lửa cháy. Ngôi nhà là một trời kỷ niệm. Ảnh chiếu của ngoại giới đi vào tâm cảnh. Biến khúc dạo đầu cuốn hút ngay người đọc.
Biến khúc 2
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng lạ.
Chiều úa tàn, trời tím buổi tinh sương,
Nắng hớn hở – nắng trong veo như mắt –
Mỉm cười xa, phố thấp, vẫy chàng.
Mái nghiêng cúi, ngói nâu đời cũ xỉn.
Trổ bông xưa, phơi đoá mộng dị kỳ.
Mộng vời vợi, chuỗi mưa điên xối xả.
Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.
Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết.
Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.
Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ
Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.
Thềm quạnh quẽ gọi chân ai hồi tưởng
Gót cô đơn nghe rảo tận hiên ngoài.
Quãng trống trải, lịm say trăng thố lộ
Những âm vang cùng thẳm cuối trời.
Đèn vẫn thắp. Cửa sổ kia vẫn mở.
Loé sáng mù như một đốm sao.
Đêm dần lụn. Bướm đen vờn nghiêng ngả.
Đâu người ngồi nhập kiếp chiêm bao?
Trăng lợt lạt. Nhà im. Đồi rét mướt.
Tiếng sáo khuya rong ruổi u hoài.
Đường trơn dốc đẩy chân trì níu.
Nhà lênh đênh theo trận lũ rã rời.
Biến khúc như một bức tranh lung linh sắc màu, đẹp cô liêu. Gam màu chính là đồi trăng hồng lạ, hòa quyện cùng với các màu trời tím buổi tinh sương, màu nắng trong veo, màu nắng như trăng, màu ngói nâu, màu lóe sáng mù, màu bướm đen, màu trăng lợt lạt. Trầm mình trong sắc màu lung linh ấy, “kẻ lạ mặt” lại nuối mộng với chuỗi mưa điên xối xả đầy tâm trạng. Nuối mộng, nhưng vẫn hiện hữu trong cõi thực: “Tường ấp ủ hơi dồn nghìn giấc chết./Nắng như trăng nhóm lửa bơ vơ.” Vẫn ám ảnh: “Gương mặt héo chập chờn sau giậu đổ/Khuất dung nhan trong dáng ơ hờ.” Dấu hỏi trong cơn u mộng ảnh “Đâu người ngồi nhập kiếp chiêm bao?” “Kẻ lạ mặt” đã: “Xuôi theo mưa giọt lệ chia lìa.” Còn ngôi nhà thì: “lênh đênh theo trận lũ rã rời.” Biến khúc với những nhịp ngắt chậm, u trầm, rồi buông dài trong khổ thơ cuối, chuẩn bị chuyển sang biến khúc tiếp theo, dồn dập cao trào.
Biến khúc 3
Ngôi nhà ở trên đồi trăng hồng lả.
Trời vàm sông, bến quạnh gió mù tăm.
(Nước thao thức lòng sâu cuồn cuộn hút)
Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.
Những trận mưa, những trận mưa tầm tã
Đẩy trôi trăng ra biển im hơi.
Những giọt sương, những giọt sương giả lả
Lá khép thu, nương náu, kinh lời.
Bậc đá nổi. Ảo giác buông. Lối ẩn.
Thềm nào đây trải rộng giấc hoang vu.
“Chàng đâu? Chàng đâu? Riêng mình ngơ ngác.”
Chốn tình si thoang thoảng giọng cười mờ.
Trong thớ mủn mưa hắt đầm lạnh lẽo
Nắng muộn màng, nhợt nhạt reo vui
Trên cửa khoá, phô vết thương loang lở
Gỗ xác xơ. Mắt khép bùi ngùi.
Trên hàng hiên động tiếng mòn. Cửa mở.
“Nàng là ai?” Âm dội vẳng quanh vòm
Phút tối ám. Ngoài kia trời đục xoá.
“Nàng là ai?”Hoảng hốt cánh dơi đêm.
Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng.
Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương.
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay toả bóng.
Buồng tim ta sáng quắc ánh băng.
Hai tay giá trườn quanh hương nồng vắng.
Tường ẩm rêu. Ghế bụi. Ôi mùa hè.
Gió lùa thổi, nắng bay. Bàn quên lãng.
Những đốm hoa nhảy nhót ham mê.
Khuôn cửa sổ, gương chìm không hắt ảnh
“Nàng là ai?” Chàng dưới thấp sau gương
Phố khuya lạc, mờ như đang thu muộn
“Nàng là ai?” như thể lối vô cùng.
Níu chặt song, dáng cây sầu khô trụi,
Trong vườn xưa nàng khóc cạn đêm nay.
Trăng thất sắc lánh xa. Ngày sợ rạng.
Đồi chập chờn. Cỏ rối tưởng heo may.
Trong khung cảnh: “Ngôi nhà ở trên đồi trăng hồng lả./Trời vàm sông. Bến quạnh gió mù tăm.” Thì bỗng nhiên, như một giấc liêu trai ma mị: “Nàng trở về lạc nẻo đêm rằm.” Sau câu hỏi thảng thốt từ cõi hư ảo của Nàng:“Chàng đâu? Chàng đâu? Riêng mình ngơ ngác.” Tôi cảm thấy lành lạnh, ngậm ngùi khi đọc chậm, rõ và cao giọng những câu thơ sau:
“Nàng là ai?” Âm dội vẳng quanh vòm
“Nàng là ai?”Hoảng hốt cánh dơi đêm.
“Nàng là ai?” Chàng dưới thấp sau gương
“Nàng là ai?” như thể lối vô cùng.
Ở giữa bốn câu hỏi kia là tiếng hồi đáp bi thương của Chàng, vọng lên trong tâm tưởng. Tôi tiếp tục đọc chậm, rõ và cao giọng:
Đừng khêu lửa. Chân mập mờ bước sóng.
Buồng tim ta lửa ngún phủ thê lương.
Đừng khêu lửa. Ngọn lắt lay tỏa bóng
Buồng tim ta sáng quắc ánh băng.
Những câu thơ đồng hiện trong Âm, Hình và Bóng. Nhịp ngắt, chấm câu, buông câu, làm cho âm vực vừa rộng vừa sâu như nỗi lòng thảng thốt của ai kia đang la thầm trong hư vắng. Đẹp và lạnh rưng rưng!
Biến khúc với nhịp thơ dồn dập , hình ảnh đồng hiện ảo và thực, tâm trạng đầy cảm xúc, tình huống đầy kịch tính. Theo tôi, đây là biến khúc cao trào nhất, hay nhất, đẹp nhất của bài thơ, gồm 36 câu, dài nhất trong 6 biến khúc. Phải đọc chậm lại, rõ từng câu, từng chữ và nghe kỷ lại, nhìn sâu vào từng câu thơ, từng chữ thơ, thì mới cảm thấu được cái hay, cái đẹp của biến khúc nầy.
Biến khúc 4
Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng đuối nhớ
Thở hơi sương run rẩy. Ngã trong trời
Nhòe gió bấc, ngựa mây dồn gấp vó
Tiếng nhạn đen. Thả bổng quạnh hiu rơi.
Đồi bập bềnh trôi trên lũng biển trắng
Mái nhà ôm, nhô nóc hú gào người.
Người gắng gượng rõi dáng hình lãng đãng.
Đêm như hồn lóng cóng. Cắn môi.
Những bực đá lấp chìm. Đá rét mướt
Dâng dưới chân. Đợt sóng nổi chông chênh.
Người hẳn tiếc những khuya trời ngỏ thoáng
Đá nhún mình nâng gót nhẹ thênh.
Bụi hoa trắng ngó tìm trên đầu dốc.
Hoa ngời trông. Rạng hiện lối đơn sơ.
Hoa thù nghịch. Cười ý sầu điên đảo.
Rũ rượi hong cánh ướt. Quãng mờ.
Đèn vàng lụn như đầu diêm xoè tắt
Lửa thuyền xa, đom đóm dạt phiêu bồng.
Tình rầu rĩ kêu tiếng trầm cắn đắng
Bóng vang hư, thoáng lịm như không.
Kìa tóc sũng, tựa gờ tường đay nghiến.
Bám vịn trên cửa gỗ sượng sùng.
Thềm hiên gió rập rờn xô huyễn hoặc.
Đầu buốt mê nhịp gõ kinh hoàng.
Biến khúc lan tỏa một không gian, một cấu trúc phân ly, song song, gấp gãy, gập ghềnh trong những chuỗi từ ngữ đầy hình ảnh (hơi sương run rẩy – ngựa mây dồn gấp vó,/ đồi bập bềnh – lũng biển trắng,/ nhà ôm – nóc hú,/ đá lấp chìm – đá rét mướt – đá nhún mình,/ hoa trắng ngó – hoa ngời trông – hoa thù nghịch,/ đèn vàng lụn – đầu diêm xòe tắt,/ lửa thuyền xa – đom đóm dạt,/ bóng vang hư – tóc sũng,/ cửa gỗ sượng sùng – đầu buốt mê.) Một không gian vừa thực, vừa huyễn hoặc. Biến khúc chuyển động những âm vang dìu dặt, mênh mang cảm xúc trầm tư, hồi tưởng. Những âm trắc cuối câu vút nhẹ niềm bi mẫn, ánh lên những đốm sáng nhấp nháy không lời. Từng cặp đôi trong mỗi khổ thơ bốn câu, khi đọc lên và lóng nghe, âm vang chảy song song với bóng hình, rồi hòa quyện vào nhau. Một cấu trúc lạnh, đẹp, hắt hiu. kết thúc bằng chuỗi âm nhói lên cơn đau thấm từ ngoài vào trong, sâu, lắng, trôi theo “nhịp gõ kinh hoàng,” bất tận.
Biến khúc 5
Ngôi nhà đỏ đồi trăng hồng vằng vặc.
Cửa thiên thanh. Mái xoãi ngủ sậm nâu.
Cây biếc lục. Trời tím than. Núi sững.
Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu.
Hạ đen thẳm ngỡ ngàng đuôi mắt sắc.
Cơn sốt ngày. Nắng trải thảm ham mê.
Mở tung cửa nhốt thời gian ủ dột,
Gió mơn man, lùa rạng rỡ đêm hè.
Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc.
Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên.
Bực đá gọi – ngát một mùa thảo mộc –
Gọi trắng trong. Phấp phới. Chuông rền.
Trên lối nhớ đứng ngây. Tuôn lệ.
Trời đêm xưa, gió lộng cũng về thăm.
Tường giãi im. Nàng ngửa đầu chợp mộng,
Thềm hoang đầy, xanh miết miết trăng.
Chốt lỏng gãy. Cửa bỏ không. Mờ hoặc.
“Chàng là ai?” Ghế mộc quỵ rời chân.
Trăng rọi lối quanh co. Ngách lắng tiếng.
“Chàng là ai?” Chim kêu lạc. Tần ngần.
Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo.
Góp lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng.
Nhà quay tít trên vòng quay đám hội
Gió khắp đồi. Lửa chói sáng biển băng.
Bốn câu thơ trong khổ đầu của biến khúc như một bức tranh toàn cảnh, đẹp long lanh, lung linh. Ba câu thơ đầu ánh lên nét trầm tư, tĩnh mặc. Câu thơ cuối “Phố tuôn vàng huyên náo dưới triền sâu” hình ảnh linh động, huyền ảo để rồi chuyển sang khổ thơ tiếp theo,“Hạ đen thắm” – “đuôi mắt sắc” đồng hiện tâm trạng, cảm xúc ngỡ ngàng của cảnh và người, của người và cảnh. Ngày – lên cơn sốt. Nắng – trải thảm ham mê. Để làm gì đây? “Mở tung cửa nhốt thời gian ủ dột,/Gió mơn man, lùa rạng rỡ đêm hè.” Đêm lại trở về. Chàng và Nàng hiện ra hư hư thực thực trong 2 khổ thơ tiếp sau. “Chàng thở vội hương bay trên đầu dốc./Ngực cồn cào. Trống hụt những âm quên.” – “Tường giãi im. Nàng ngửa đầu chợp mộng,/Thềm hoang đầy, xanh miết miết trăng.” Đồng hiện ảnh thực, ảnh ảo đầy tâm trạng! Trong biến khúc nầy, Nàng “lên tiếng,” hay là ảo thanh của nàng: “Chàng là ai?” “Chàng là ai?” Không lời hồi đáp. Đêm liêu trai ma mị đã qua. Bóng ngày hiện ra, ẩn hiện đâu đó hình ảnh:“Nàng hớt hải ngoài vườn. Ngày huyễn ảo,/Góp lượm cành. Đốt lửa. Xốn xang trăng./Nhà quay tít trên vòng quay đám hội/Gió khắp đồi.Lửa chói sáng biển băng.”
Nếu như biến khúc 3 ở trên đầy cao trào, kịch tích với nhịp thơ dồn dập, hình ảnh đồng hiện liên tục giữa ảo và thực, thì biến khúc 5 ở đây, âm vang nhịp thơ trôi chậm lại, dặt dìu, rồi lắng xuống, nhưng hình ảnh hiu hắt, cô liêu hơn.
Biến khúc 6
Ngôi nhà đỏ trên đồi trăng hồng khoả.
Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ.
Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi.
Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.
Im. Rớt im. Nhánh khô ròn. Bước động.
Ngói lệch xô, bàng hoàng, che khuất mộng.
Chàng quay lưng mỏi mệt ngắm phố chìm.
Cửa đóng bít. Rào vây. Mắt hoắc trống.
Trăng chợp lay. Nhỏ to vắng tiếng hát.
Mùa hạ vàng rực rỡ, tuôn bát ngát.
Đêm ơi đêm còn khúc điệu nào chăng
Vỗ về chàng? Trời yếu đau ngăn ngắt.
Mỗi bực cấp bước leo dầm hiu quạnh.
Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh.
Đá mòn ơi, thấm thía dấu lãng quên.
Lối mờ tỏ. Mưa giông khuya ngất tạnh.
Hãy đắm đuối. Chàng Orphée si dại.
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Bờ bụi.
Tủa gai, vườn hoang phế. Bóng ảnh nàng
Trôi tan tác trong hành lang thẳm tối.
Cửa ngõ chết, nỗi mù dằng dặc
Hoa trông vời khép niềm riêng nghi hoặc.
Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.
Trăng ngỡ sáng. Trăng ngậm sương trầm mặc.
Mùa ngã độc. Nhà nín hơi lẩn lút.
Đồi sượng sần. Cây lìa cành, lá trút.
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.
Nàng vắng bặt, biến mất, chẳng biết đi đâu, về đâu! Ngôi nhà đỏ nổi hẵn lên giữa màu trăng hồng khỏa. Ba câu thơ cuối của khổ thơ đầu ngắt nhịp đều 3-5, 3-5, 3-5: “Trời sương lam. Núi ngây rừng gió lạ./Cây ngà say. Đêm heo hút lặng khơi./Mùa trở gió. Rười rượi buồn cỏ lá.” Tôi đọc chẫm rãi, nhỏ giọng, rõ chữ, ngắt câu theo từng dấu phẩy, dấu chấm của 3 khổ thơ tiếp theo: Không gian của một đêm “Im. Rớt im.” Nghe được hết “ Nhánh khô ròn.” “ Bước động.””Ngói lệch xô.” “phố chìm.” Thể xác, thần hồn của Chàng mỏi mệt, vừa bước đi, vừa quay lại ngoái nhìn “phố chìm” – “cửa đóng bít” – “rào vây” bằng “mắt hoắc trống.” “ Im.Rớt im”. Quạnh hiu đặc quánh, quắt queo. Cực điểm cô liêu:“Trăng chợp lay. Nhỏ to vắng tiếng hát.” Đẹp ngất cô liêu: “Mùa hạ vàng rực rỡ, tuôn bát ngát.”
Hãy nhìn bóng dáng của Chàng: “Mỗi bực cấp bước leo dầm hiu quạnh./Thở chênh chao. Hồn tả tơi sóng sánh.” Chỉ còn biết bày tỏ, tâm sự với: “đá mòn,” “ lối mờ tỏ,” “ mưa giông khuya.” Vọng lại từ cõi im vắng mơ hồ: “Hãy đắm đuối. Chàng Orphée si dại.” Chàng thi sĩ Orphée [5] rất mực tài hoa, rất mực hào hoa của xứ sở Hy Lạp phiêu bồng thần thoại! Nàng Eurydice kiều diễm , người yêu dấu của Orphée, đã chết lần thứ hai vì cái ngoái nhìn si dại (do Orphée quên mất lời Diêm Vương dặn dò). Từ câu chuyện của Orphée, vang lên tiếng vọng cảnh báo cho Chàng: “Đừng ngoái nhìn. Đừng ngoái nhìn. Chàng ơi.” “Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu./Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.” Nhưng, cảnh báo cũng bằng thừa, vì, dẫu cho Chàng có ngoái nhìn, thì Nàng đã là, vẫn chỉ là một ảnh ảo, mơ hồ, lãng đãng khói sương, huyền hoặc mà thôi! Toàn bộ biến khúc gieo vần theo âm trắc ở cuối câu, khắc khoải, tiếc nhớ, trống vắng, heo hút.
Trong bức thư thi sĩ viết tại Đà Lạt, gửi cho “Đảo xa,” ngày 27 tháng 10 năm 1972, có đoạn:
“Anh có được nghe một bộ đĩa quý gồm những tác phẩm của Bach do Casals tình cờ lục kiếm thấy, một mình Pablo đàn và thỉnh thoảng nghe nổi giọng ngâm nga của Pablo theo tiếng đàn của mình. Tuyệt. Em có thích tiếng đại hồ cầm không? Anh mê. Đêm qua anh đã thu vào băng 7 biến khúc cho Piano và đại hồ cầm của Beetho trên một thème của Mozart nhưng lại phải xóa đi vì thiếu chỗ. Nếu em thích lần sau anh mua cuốn băng 90 và sẽ thu cho em nghe những khúc đại hồ cầm của Beeth. Anh cũng có một cuốn băng ru mình ngủ. Pablo Casals độc tấu những điệu ru ngắn.
Khúc thứ 3 – Sleepers awake – cũng như khúc trám sau Sonate của Beetho – Jesus, Joy of Man’s desiring – có tính cách tôn giáo. Tuy nhiên nghe thoáng, bỗng, mát mẻ và trầm tĩnh nhường nào. Có phải không em? Nhưng tuyệt nhất là khúc Toccata and Fugue. Anh nghe hoài không chán những Fugue của Bach. Tuyệt đỉnh nghệ thuật của Bach và cách viết Fugue (nghĩa là có bao nhiêu giọng đều cùng trổi hết vẻ của mình, tưởng như ganh đua hỗn độn mà hòa hợp tài tình) là cái Bach mang đến cho âm nhạc. Nghe Fugue mới thấy tràn trề, yêu đời, nồng nàn, cởi mở nghĩa là đúng như em nghĩ ” hạnh phúc túy lúy”. Nhưng em nhớ, Bach mập lắm “túy lúy” mà vẫn vững vàng oai vệ không hề “lảo đảo” “hụt hơi” “chân nam đá chân xiêu” thảm hại đâu. Em nghe kỹ xem.
Trước khúc Toccata and Fugue, là Little Suite. Đúng là little. Nhỏ nhẹ, dễ thương, gọn gàng, giản dị hết sức. Nhưng đâu có kém đằm thắm. Bach thường viết ngay lập tức dễ dàng những exercices để dậy con. Chắc đây cũng là bài Bach viết buông bút, không chút cầu kỳ.” [6]
Đoạn thư trích dẫn trên đây cho thấy, thi sĩ cũng là người rất đam mê và rất sành điệu về âm nhạc cổ điển Tây phương, nhất là nhạc giao hưởng. “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” hình như đã được “tấu” lên trong một cảm xúc mê đắm, trào dâng trên nền nhạc của những biến tấu lung linh, huyền ảo. Một bài thơ rất phong phú về nhạc tính, biến đổi liên tục từ đầu đến cuối. Phải chăng giống như “7 biến khúc cho piano và đại hồ cầm của Beethoven” như thi sĩ đã tâm sự trong bức thư vừa trích dẫn ở trên?
Xin nói thêm về những bức thư của thi sĩ viết gửi “Mon ile” cũng như gửi “Đảo xa.” Tôi đã đọc đi đọc lại khá nhiều lần, rồi bâng khuâng tự hỏi: Vì sao thi sĩ tự ví mình như một Crusoe thất lạc nơi hoang đảo? (nhân vật bi hùng Robinson [Crusoe,] cũng là nhan đề cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn người Anh, Daniel Defoe.) Phải chăng, gửi “Mon ile,” gửi “Đảo xa,” là gửi cho Crusoe thất lạc? Tức là gửi cho chính mình? Gửi cho cõi cô độc riêng tây của chính mình? Như vậy, viết thư, như là một cách độc thoại. Một Cruoe thất lạc, tôi nghĩ, thi sĩ đã cảm nhận từ rất lâu cái mệnh hệ cô độc riêng tây ấy của đời mình. Cảm nhận, nhưng không cần nói ra, không cần bày tỏ với bất cứ ai, bởi cái phong cách kiêu bạt, bởi trò chơi ẩn ngôn khinh khoái của thi sĩ? Tự hỏi, rồi tự trả lời một cách tự tin: Đúng vậy! Những khoảng lặng ngân dài. Thi sĩ lắng nghe trong im vắng: “Chưa bao giờ anh nghe mình du dương lạ thế. Anh nghe vang hoài Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng…” Đó cũng chính là niềm hứng khởi từ cô liêu vọng lại để thi sĩ cảm ứng với Thôi Hộ, tấu lên “Sáu biến khúc quanh một đề thơ cổ.”
“Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng” là câu chuyện tình hư hư thực thực không có kết thúc. Hãy chịu khó đọc lại hai câu thơ cuối trong biến khúc 6, cũng là 2 câu thơ cuối cùng của bài thơ:
Đừng ngoái nhìn. Phơ phất khói sương thu.
Đừng ngoái nhìn. Trăng khoả thân xanh mướt.
Chỉ còn một mình chàng với bóng đêm huyền ảo: “Phơ phất khói sương thu.” “Trăng khỏa thân xanh mướt.” Vậy thì, bảo chàng “Đừng ngoái nhìn” là tại sao? Để làm gì? Nàng đã đi đâu về đâu chẳng biết. Nàng đã tan vào cõi không hư. Phải chăng, Chàng muốn tự an ủi mình rằng Nàng vẫn còn ở đâu đó, có thể Nàng đang ẩn hiện trong làn khói sương thu phơ phất, có thể Nàng đang ẩn hiện trong ánh trăng khỏa thân xanh mướt. Vì sợ rằng, nếu Chàng ngoái nhìn, Nàng sẽ lập tức tan biến đi? Lời khuyên kia, thật ra, cũng là từ tâm thức Chàng dấy lên, vừa đinh ninh, vừa mơ hồ. Nàng vừa là ảnh thực, vừa là ảnh ảo trong tâm thức Chàng. Đây cũng chính là sự giằng xé, niềm ray rức khôn nguôi suốt đời của thi sĩ. Mượn một câu chuyện tình để nói lên thân phận mồ côi, bơ vơ của kiếp người. Câu hỏi không lời đáp. Lời đáp nằm ngay trong câu hỏi. Thôi Hộ, sau khi than vãn bên thân xác Nàng đã chết, chỉ còn chút hơi ấm, nhưng điều kỳ diệu đã giúp Nàng hồi sinh và trùng phùng, tái hợp với Thôi Hộ trọn đời. Nhưng câu chuyện ấy cũng chỉ là một huyền thoại. Ảo!!! Orphée sau khi bị đám nữ thần lên cơn ghen tức đâm chết, mới “gặp” lại Erydice ở cõi “bên kia” và “sống” với nhau trọn đời. Cũng chỉ là thần thoại. Ảo!!! Hai câu chuyện có hậu của huyền thoại và thần thoại, chỉ để làm thỏa lòng người nghe chuyện. Trở lại “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng,” câu chuyện tình hư hư thực thực từ đầu đến cuối, mở ra nhưng không khép lại, không có hậu. Chàng là “kẻ lạ mặt”, Nàng là một ảnh ảo, rất mơ hồ, đang quẩn quanh, đâu đó. Chàng và Nàng ẩn hiện, bay, lướt, chìm, tan trong âm vang và sắc màu miên man bất tận. Sáu biến khúc “Thế có lãng mạn quá không?” – Câu hỏi đầy cảm xúc, hứng khởi của thi sĩ. Tôi thầm nhủ: “Quá đi chứ! Và còn rất, rất siêu thực nữa.” Một cảm xúc, hứng khởi trên cả tuyệt vời. “Ngôi Nhà Đỏ, Trăng Hồng,” với một thủ pháp cấu trúc, ngôn ngữ thơ thuộc loại bậc thầy! Đúng là một “Âm Vang Khác” rất lung linh, huyền ảo, rất Thanh Tâm Tuyền.
Thi tập “Thơ Ở Đâu Xa” (Trầm Phục Khắc xuất bản, 1990, Hoa Kỳ,) cũng là một“Âm Vang Khác” của Thanh Tâm Tuyền. Những bài thơ làm trong chốn tù ngục, đọa đày khắc nghiệt, nhưng tâm hồn, thần thái của thi sĩ vẫn ung dung, tự tại, an nhiên chịu đựng bi kịch, tai ách, tuyệt không thù hận, oán than. Thơ trong tù được nghiền ngẫm trong trí nhớ, được lưu giữ trong óc, trong tim, mà vẫn mài sắc, cô đọng ý tứ, gây nhiều cảm xúc cho người đọc. Cái tầm, cái tâm của thi sĩ thật đáng kính nễ. Cuộc đời trần thế của thi sĩ tuy đã khép lại, nhưng phẩm cách con người, tâm hồn Thanh Tâm Tuyền, thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn mãi đẹp, như chính mong ước, khát vọng của ông:
“Sẽ chết như sao rơi vào bất tận,
Sẽ mãi yêu như giọt nước hân hoan.”
Nguyễn Lương Vỵ
Calif., 03 – 04.03.2012
Nguồn: Tác giả gửi
Chú thích:
Về thân thế và sự nghiệp của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, đã có rất nhiều tạp chí văn học nghệ thuật, rất nhiều trang mạng đăng tải, nên xin được phép không ghi chú trong bài viết nầy.
[1], [6] Nguồn: http/phannguyenartist.blogspot.com/2011/12/thanh-tam-tuyen. (Vừa qua, trang mạng phannguyenartist.blogspot.com, trong chủ đề “Mượn Dấu Thời Gian,” đã công bố, lần đầu tiên, di cảo, gồm một số thư từ và một số bài thơ của thi sĩ (vào các ngày 22.12.2011 – 08.01.2012 – 30.01.2012 – 07.02.2012 – 20.02.2012 – 25.02.2012 – 01.03.2012.) Xin trân trọng giới thiệu trang mạng nói trên, để bạn đọc nào chưa biết, có dịp thưởng thức và cảm nhận thêm những “Âm Vang Khác” của Thanh Tâm Tuyền.)
[2] Thôi Hộ, tự Ân Công, thi sĩ đời nhà Trung Đường, bên Tàu, Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Thôi Hộ mà Thanh Tâm Tuyền trích trong bức thư trên có nhan đề là “Đề Đô Thành Nam Trang” (Đề [Thơ] Tại Trang [Trại] Phía Nam Thành Đô.) Thành Đô, tức Trường An, kinh đô nhà Đường. Bài thơ của Thôi Hộ, theo truyền thuyết, được kể lại, đại ý như vầy: “Một lần nhân tiết Thanh Minh, Thôi Hộ dạo chơi phía nam Thành Đô, nhân thấy một khu vườn trồng đào rất đẹp, tươi thắm những hoa, chàng đến gõ cổng vào xin nước uống. Lát sau, lại thấy một thiếu nữ rất đẹp e ấp nấp trong vườn đào. Uống nước xong, chàng ra đi. Đến năm sau, cũng trong tiết Thanh Minh, chàng trở lại chốn cũ, nhưng cửa đóng then cài, gọi mãi không thấy ai. Chàng viết bài thơ rồi dán trên cửa, ra đi. Thời gian lâu sau nữa, khi trở lại, chợt nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra, rồi thấy một ông lão xuất hiện, hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không, và cho biết, con gái của ông lão sau khi đọc xong bài thơ, đã bi lụy sầu thương, bỏ cả ăn uống, và đã chết, xác vẫn còn quàng ở trong nhà. Thôi Hộ tìm vào đến bên xác người thiếu nữ, tuy đã tắt thở nhưng vẫn còn hơi ấm và mặt mày vẫn tươi nhuận. Chàng quỳ xuống than van kể lể. Người con gái sống lại và họ trở thành vợ chồng.” Bài thơ ghi lại mối tơ duyên bất hủ nhuốm màu sắc như một huyền thoại. Bất luận thực hư thế nào chẳng biết, nhưng chỉ biết đây là một bài thơ tình thuộc loại hiếm và đẹp của Thôi Hộ, ý tứ phiêu bồng bảng lảng, niềm hoài cảm mang mang, âm hưởng đẹp dịu dàng.
[3] Tạm dịch nghĩa bốn câu thơ trên của Thôi Hộ:
“Ngày này năm ngoái tại cửa nầy
(Sắc diện) hoa đào và gương mặt người cùng ánh lên sắc hồng
Gương mặt (người xưa) không biết giờ đây (năm nay) đã ở nơi chốn nào
(Sắc diện) hoa đào vẫn như cũ, đang cười với gió đông.”
[4] Nguồn: tienve.org
[5] Tóm lược Chuyện Tình Của Orphée và Eurydice:
Thần thoại Hy Lạp kể rằng, Orphée là một thi sĩ tài hoa, con của vua xứ Thrace, có tài đàn hát tuyệt vời. Giọng ca của chàng đã quyến rũ tất cả thần thánh, thiên nhiên, con người , ma quỷ và cả những sinh vật khác.
Orphée và nữ thần Eurydice đã yêu nhau thắm thiết như tri âm, tri kỷ của nhau. Họ đã chung sống rất hạnh phúc. Rồi một ngày Orphée đi vắng, Eurydice cảm thấy cô đơn và nhớ nhà, nên quyết định trở về thăm nhà. Khi đi ngang qua một khu rừng, Eurydice đã bị một con rắn độc cắn chết.
Orpheé đau đớn chôn cất Eurydice và quyết định ra đi, tìm đến Diêm Vương để mong cứu được Eurydice.
Orpheé gặp Diêm Vương, cất giọng hát để bày tỏ tình yêu của mình với Eurydice, làm cho Diêm Vương động lòng thương cảm, trắc ẩn. Diêm Vương hứa sẽ cho Eurydic sống lại, trở về sống với Orphée, với điều kiện là Orphée không được quay lại ngoái nhìn Eurydice. Do quá nôn nóng, lo sợ Eurydice lạc dấu trên đường về, Orphée quên lời dặn của Diêm Vương, đã quay lại ngoái nhìn. Eurydice tan biến dần trong đêm khuya tĩnh mịch. Nàng đã chết lần thứ hai!
Quá đau khổ, Orphée tìm cách trở lại âm phủ, nhưng đã tuyệt lộ. Chàng trở về sống với lòng hoài niệm khôn nguôi hình bóng của Eurydice. Một hôm, có một đoàn nữ thần uống rượu, trong cơn say, bắt gặp Orphée đang than thở mối tình tuyệt vọng của mình. Do ghen tức với Eurydice tột độ, họ nổi giận ném đá giết chết Orphée. Linh hồn Orphée trở xuống Âm Phủ và gặp lại Eurydice. Họ đã đoàn tụ, mãi mãi sống bên nhau với mối tình tuyệt đẹp.
No comments:
Post a Comment