Tâm thức khuất dạng của thơ
I.
Năm đó, giặc Trung Quốc bất thần mở mặt trận ồ ạt tấn công vào
8 tỉnh miền Bắc nước ta. Nửa khuya, Công an Cộng sản Việt Nam lùa tất cả những
người tù đày của chế độ miền Nam từ những vùng thượng du và trung du lên những
chiếc xe đò khẩn cấp trưng dụng, chạy bán mạng về vùng Thanh Nghệ Tỉnh, tức Liên
Khu Tư cũ, đất ẩn trú một thời của những Nguyễn Đức Quỳnh, Đào Duy Anh, Hữu
Loan, Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long, của những ngày toàn dân kháng chiến
chống Pháp cũ. Tại một trại giam ở Nghệ Tĩnh, ẩn khuất trong Trường Sơn, tôi gặp
lại người bạn vong niên là nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân, giữa đông đảo những
bằng hữu thất tán khác. Trong một lần trò chuyện, nhà thơ Hà Thượng Nhân ngỏ ý
khát khao được đọc thơ. Tôi hoàn toàn thông hiểu nỗi khát khao đó của Hà tiền
bối.
Bởi tôi cũng hằng khát khao ngày đêm như vậy. Nên một hôm, tôi nỗ lực
vận dụng trí nhớ đã nhiều hao kiệt của mình ghi lại toàn bộ một kiệt tác khá dài
của thi hào Đỗ Phủ. Đó là bài Đồng Cốc Huyện Chung Cư Thất Ca, gồm bảy khúc
ca viết
theo lối cổ phong, trong đó thi hào mô tả thời thế loạn ly, người phải
rời bỏ quê nhà, thất lạc vô âm tín đám em trai, em gái, nay lê tấm thân tàn bệnh
tật, đói kém nơi chướng khí sơn lam, chỉ còn trò chuyện cùng con rắn lớn nơi đầm
hoang. Bài thơ đó, tôi ghi lại hoàn toàn bằng Hán tự. Cụ Hà đọc lại bài thơ đó,
xúc động, cố gắng chuyển dịch thành thơ Việt Nam để cho nhiều bạn khác không am
tường chữ Hán cùng được thưởng thức. Rủi ro cho cụ là có một tên chỉ điểm nào đó
đi thóc mách, đồ đạc của cụ bị lục soát, bài thơ tang chứng bị tịch thu nên cụ
bị Ban An Ninh trại liên tiếp mấy ngày gọi lên làm việc.
Theo quan điểm của trại, rõ ràng là tên Đỗ Phủ này hoàn toàn không chịu
an tâm phấn khởi cải tạo, oán thán chính sách, bôi bác chế độ, tên Đỗ
Phủ này quả là một tên phản động bẩm sinh, cho đến thời điểm ồ ạt của ba dòng
thác cách mạng thế giới toàn thắng mà vẫn còn ngoan cố chưa chịu giác ngộ, hối
cải. Cán bộ lãnh đạo yêu cầu cụ Hà phải thành khẩn khai báo tên Đổ Phủ là bí
danh của ai, thuộc đội nào, lán nào, liên hệ như thế nào với cụ. Mãi sau này nhớ
lại câu chuyện đó, tôi vẫn còn thử nghĩ nếu ở vào trường hợp của cụ Hà, tôi sẽ
phải trả lời như thế nào để hương hồn của thi hào Đỗ Phủ khỏi tủi hổ. Có thể tôi
sẽ trả lời: Đổ Phủ là danh hiệu của một con người xứng đáng, ông hiện diện ở mọi
đội, mọi lán, một nơi chốn của nhân loại lầm than, ông là người rất đỗi thân
thiết của một số khá đông chúng tôi.
II.
Đối với đa số người đời, thông thường, thơ nói riêng, văn học nghệ
thuật nói chung là một thứ gì đó rất ư phù phiếm, chẳng hề mang lại ích lợi cụ
thể thực tiễn nào cho cuộc sống hằng ngày đầy dẫy những vật vã, tất bật. Chắc
chắn Platon không phải là người đầu tiên cũng không phải là người cuối cùng
trong lịch sử muốn tống xuất nhà thơ ra khỏi cộng đồng loài người dù cho rằng
Plato cũng còn một chút ưu ái là choàng cho lấy có lên đầu nhà thơ một vòng hoa
tưởng thưởng. Do đó, dường như chẳng có mấy người làm văn học nghệ thuật nào,
nhất là nhà thơ lại chẳng mang sẵn không nhiều thì ít cái mặc cảm mình là kẻ
thừa thãi, là kẻ ăn bám trong xã hội loài người quần quật đầu tắt mặt tối. Rõ
ràng lao động nghệ thuật, nhất là lao động thi ca, gần như chẳng được xã hội lưu
tâm bao nhiêu và đánh giá đúng mức. Và cũng vì cái mặc cảm về sự vô
bổ đó của thơ nên đã có một số không ít những người làm thơ đã muốn dĩ thi tải
đạo, làm những bài thơ giáo huấn tuyên truyền luận giải thuyết phục, để thấy
mình cũng như thơ có được một mục đích lợi ích xã hội thiết thực.
Tất nhiên cũng không hiếm những chế độ chính trị đã tận lực góp thêm phần
tạo thành dầy đặc cái mặc cảm vô dụng đó nơi người làm thơ để dễ dàng sử dụng
hắn như một công cụ khá cần thiết cho chúng, và khi đã ưng chịu như vậy thì
người làm thơ một cách mặc nhiên đã làm một công việc hoàn toàn khác biệt với
công việc làm thơ, đã tự mình chối bỏ danh xưng thi sĩ.
Một chế độ chính trị bao giờ cũng bắt buộc
phải chứng minh bằng cách này hoặc cách khác. Còn thơ tự bản thân nó chẳng cần
chứng minh nó là thơ, một thế giới cảm xúc thế thôi. Sự thiết thân gắn bó của
thơ đối với con người, cái lý do tồn tại chính đáng cao cả đó của thơ sẽ
phải chỉ tìm thấy được ở một nơi chốn nào khác, và nơi chốn đó là hồn thơ
của
chính người đọc. Do đó, đã xảy ra điều nghịch lý là khi nhà thơ tự đặt
trước cho mình một mục đích lợi ích thực tiễn xã hội nào đó, thì đó cũng là lúc
nhà thơ chẳng còn lấy chút lợi ích nào nữa cho đời sống. Tuy rằng, trên thực tế,
một thực tế mà người đời ít có dịp nhận ra một cách phân minh, chính xác
là thơ, cho dù có bị khước bỏ, hắt hủi, lãng qưên đến đâu đi nữa, vẫn luôn luôn
hiện hữu, kết liền một cách thiết thân hình bóng với con người, với cuộc đời như
một người tình cực kỳ bất hạnh của định mệnh ràng buộc, chẳng thể để dễ dàng xa
lìa, để bỏ.
Bởi lẽ con người nào cũng đều tàng chứa trong tâm thức sâu thẳm của
mình cái hồn thơ bàng bạc, chung đồng và vĩnh viễn. Cái hồn thơ đó trường kỳ
nghi phục, bất động đâu đó, khó thể nhận biệt trong những lúc bình thường của
cuộc sống, để rồi trong những thoáng cơ duyên nào bất chợt nhất, nó lại xuất đầu
lộ diện ngự trị, điều động con người theo những luật tắc riêng biệt vừa rộng rãi
mà cũng vừa nghiêm nhặt của nó. Và kinh qua những lần chứng nghiệm thơ như vậy,
con người bỗng nhận thức được như một đốn ngộ về một nghịch lý: thơ, với tất cả
những gì mà người đời cho là những khuyết phế vốn dĩ của thơ, lại cũng là một
phương thức nhận thức đặc biệt cùng với những phương thức nhận thức khác của con
người triền miên theo đuổi công cuộc tìm kiếm những sự thật lẩn khuất chung
quanh mình, ở trong mình.
Và thơ, tội nghiệp thay, cũng là đứa con nhờ vả được đã dẫn dắt người
cha mù lòa đi sâu vào những cõi u uẩn huyền nhiệm tuyệt vời và chính
những đứa con sáng sủa hằng được trọng vọng khác của trí tuệ con người chẳng tài
nào tiếp cận.
III.
Phải, ở những lằn ranh cuối cùng mà tôn giáo, triết học, khoa học
đã phải đứng lại, thơ, vâng, chỉ có thơ, vẫn nhẹ nhàng tiến bước, xông pha, bay
lượn, vùng vẫy. Lúc đó, những lúc đó, con người chợt cảm nhận rằng mình phơi
phới nhẹ nhàng như đã được giải phóng khỏi những nặng nề đè ép thường nhật, rằng
mình đã thật sự hòa nhập vào một đời sống có khi còn chính đáng
hơn cả cái đời sống mà mình vẫn thường lầm tưởng là duy nhất chính
đáng, một đời sống khác nữa không hẳn là không xác thực, một đời sống khác nữa ở
ngay trong cõi sâu cùng thăm thẳm nhất của chính đời sống. Những lúc đó, con
người nương thả theo thơ, sống trọn vẹn là con người với đầy đủ các tính cách kỳ
diệu lạ lùng mà bình thường chưa từng nghe thấy có, tưởng chừng chẳng thể có.
Bởi lẽ hồn thơ chính là cái phần u ẩn lẩn khuất
mênh mông tuyệt đối của hồn người, nó chính thị là hồn người trong ý thức
sau cùng hết của con người.
Có thể nói mà không sợ quá lời rằng khó lòng tưởng tượng một con
người còn có thể là con người nếu như con người đó, một cách giả tưởng, tự mình
hoàn toàn tước bỏ cái hồn thơ của mình, tự mình hoàn toàn tước bỏ khả năng, tư
duy xúc cảm nhân loại của chính mình. Bởi lẽ, thơ, những lúc
đó, mặc nhiên trở thành thi sĩ theo định nghĩa cao cấp nhất của danh xưng: Kẻ
tạo dựng một thi cảm, một cách thức nhìn thấy độc đáo về
cái thế giới vừa ngoại quan và cũng vừa nội quan mà chính mình
đang sống.
Thơ
chính là một thị cảm dù được thể hiện theo kỷ luật riêng biệt của bất kỳ
trường phái hay khuynh hướng thi ca nào, và nếu như bài thơ nào không truyền đạt
được những khêu gợi phải có nhằm đánh thức thôi thúc được một cách mãnh liệt cái
hồn thơ ẩn náu bất động nơi người đọc để hình thành một thi cảm nào đó, chắc
chắn bài thơ đó đương nhiên không phải là thơ.
Tất nhiên, khi làm bài thơ, phần người làm thơ tận lực cố gắng
phần mình nữa trong việc thể hiện được trọn vẹn cái hồn thơ chung đồng của cả
đôi bên. Đó
chính là chỗ lớn lao đích thực của thơ. Đó chính là lẽ tồn tại xứng đánh của
thơ. Hiểu được như vậy, làm được như vậy, người làm thơ mới có thể ngẩng mặt với
đời, nhận lấy danh xưng thi sĩ, không hổ thẹn về những
đóng góp độc đáo của mình đối với xã hội, đối với lịch sử.
Đặc biệt, trong những tình huống cực kỳ chông chênh, nghiệt ngã, sinh
tử mà
chính con người đã bị đày đọa dìm đắm vào đó, bị đặt để trước nguy cơ
thường trực của sự trấn lột chính cái nhân phẩm còn sót lại của
mình, thơ, hơn bao giờ hết, đã chứng tỏ một cách mãnh liệt cái khả năng siêu
tuyệt gần như là tôn giáo của thơ. Trong những tình huống đó, rất nhiều người đã
nương tựa vào thơ, để mà gìn giữ lấy mình, để mà sống sót với tư cách là con
người, gầy dựng cho chính mình và cho cả bằng hữu cùng
cảnh ngộ một thế giới ánh sáng, một thế giới niềm tin giữa một thế giới tối tăm,
cùng mạt và hủy diệt.
Ở đây, tôi không hề muốn nói thêm qua về cái bản chất của thế
giới tù đầy đó. Trong thế giới đó, nhiều con người thất trận của một cuộc chiến
đã tạm thời pjải ngã ngũ như vậy từ đất đứng, danh vị, thậm chí đến cả
sinh mạng của mình, chỉ còn lại mỗi một phần duy nhất tạm thời chưa thể bị tước
đoạt hoàn toàn, đó là nhân phẩm, và niềm tin của chính mình.
Chúng tôi, mỗi người một cách, đều phải ý thức một cách rõ ràng
rằng đó mới
chính là nỗi sinh tử cốt tủy, đích thực của chính mình, rằng không thể để cho
con người trong chúng tôi bị bức tử, ô nhục, rằng đó chính là
cái phần mà chúng tôi bắt buộc phải gìn giữ bảo vệ bằng mọi giá, kể cả bằng mạng
sống của mình. Lúc đó, một số không nhỏ chúng tôi đã tìm thấy được một sự trợ
lực thần thánh. Lúc đó, tôi nghiệm rõ một điều hết sức thông thường như một sự
thật cổ lỗ mà bình thường chẳng bao giờ mình để ý đến về
thơ.
Thơ là hình loại văn nghệ đầu tìên của con người, khi con người không có gì
cả trong tay, và thơ chắc chắn cũng là loại văn nghệ cuối cùng của con người khi
con người chẳng còn gì cả trong tay. Thơ sẽ còn hiển hiện tồn tại rạng rỡ với
con người, nếu mà con người còn ngôn ngữ, còn tấm lòng, còn ký ức, còn là con
người trong cái ý niệm cực kỳ cao cả đầu tiên và cuối cùng của mình.
Thơ, một cách mãnh liệt, đã trở thành sự sống không thể bị hủy diệt của cái ý
niệm đó. Thơ còn con người còn. Tự bản thân, tôi vẫn quan niệm rằng văn nghệ
cũng y như mọi thứ khác trên đều phải có những cấp độ cao thấp, lớn nhỏ của nó.
Có những thứ văn nghệ ở cấp độ thấp nhất là văn nghệ giải oan, giải thoát. Chắc
chắn không cần phải nói thêm, chúng ta đều thấy hiểu rằng trong hoàn cảnh lúc đó
của chúng tôi, chúng tôi đã nhận chân ra cấp độ cao nhất của văn nghệ.
Lúc đó, thơ đã trở thành một thế giới bất khả xâm phạm, bất khả hủy diệt để
con người chúng tôi được nuôi dưỡng tồn tại. Đó là một thế giới vô hình nhưng có
thật, thật như một thế giới hữu hình nào. Cám ơn ngôn ngữ của loài người, cám ơn
thơ của loài người.
Thế giới của chúng ta không chỉ hẳn là một thế giới có mặt của những con
người thân quen, từng gặp gỡ ngoài đời, mà còn là một thế giới có mặt những con
người chưa từng gặp gỡ ngoài đời nhưng rất đỗi quen thân. Chắc chắn trong thế
giới của chúng ta vẫn hằng lui tới hình bóng của một Khuất Nguyên tiều tụy lang
thang bên dòng sông Mịch La, một Lý Bạch tiêu sái nơi một quán rượu của Hàng
Châu, một Holderlin quằn quại trong thư phòng khuya khoắt ở Horburg, một Nguyễn
Du não nề trở lại Thăng Long trong một ngày đông rét mướt, một Nguyễn Gia Thiều
héo hắt ngồi bất động nơi Hồ Tây, một Nguyễn Trãi đạt ngộ giữa vùng cây cỏ Côn
Sơn ... Những con người đó đã một lần đi khuất dạng trong lòng ta ...
Cám ơn những con người đó đã đến trong thế giới riêng tư của chúng ta, ở lại
đó, bầu bạn thắm thiết cùng chúng ta để chúng ta được đỡ xót xa thương lấy mình
hơn nữa, để con người chúng ta còn được tồn vinh xứng đáng.
Tô Thùy Yên
Bài nói tại Seattle Public Library ngày 26 tháng 7 năm 1997. Nhan
đề và phân đoạn do Khởi Hành đặt. (Khởi Hành số 22 tháng 8 năm 1998).
|
No comments:
Post a Comment