Xuân Vũ : Cây bút lớn trui rèn
với kinh
nghiệm sống
Lê
Văn Lân
Người ta từ mọi phía đều công nhận Xuân Vũ là một cây bút nổi tiếng. Anh vừa nằm
xuống. Với gần 70 cuốn sách, Xuân Vũ đúng là một nhà văn có tác-năng cực kỳ dồi
dào và phong phú. Anh đã cầm bút sáng tác đều đặn không ngừng nghỉ như người ta
lao động bằng chân tay, có lẽ còn hơn thế nữa...
Một ngọn bút "cày" trên giấy hay con gà "đẻ" ra chữ!
Dùng chữ "cây bút lớn" để gọi anh không phải là một xưng tụng mà là một xứng
đáng.Tôi nói vậy theo nghĩa đen và nghĩa bóng:
Bạn bè thân cận đều nói anh Xuân Vũ tên thật là Bùi Quang Triết, sanh năm
1930) quen cầm bút viết mỗi ngày tám tiếng đằng đẵng, ngày này qua ngày khác
ròng rã hàng chục năm trời. Họ đã gọi đùa anh là một Lê văn Trương thứ hai hay
một Victor Hugo Việt Nam. Bản thảo gửi cho tòa soạn BNS Tự Do cũng như thư từ
anh gửi cho tôi cũng dài cả chục trang viết tay chứng thực điều này. Vào thời
đại người ta sử dụng computer cho việc chữ nghĩa, Xuân Vũ vẫn duy nhất cầm bút
viết trên mặt giấy những giòng chữ khá đẹp nhỏ nhắn đều đặn như hột bắp. Anh bạn
Hứa Hoành tiến bộ hơn viết bằng bàn gõ của máy đánh chữ xưa rích phải bỏ dấu
tiếng Việt cũng bằng tay, chứ không viết thẳng bằng Computer. Hình như anh bạn
Hồ Trường An viết văn bằng Computer thì nguồn văn tắc tịt! Đó là những tật dễ
thương của những cây bút lớn.
Viết tay như Xuân Vũ vào thời đại này quả là "dùng tay cầy trên giấy" như trâu
bò cầy trên ruộng, lao động vừa bằng óc vừa bằng tay. Một người thường cầm bút
viết một lá thư dài cả chục trang thường thì thấy tay cóng, mắt hoa, đầu nặng,
đó là chưa kể khi bị cạn hứng thì đầu óc tắc tịt, rặn hoài không ra một chữ. Còn
Xuân Vũ thì không, cứ khỏe re mà tuôn ra chữ nghĩa giống như mở vòi cho nước
tuôn ra... Nghe nói học giả Nguyễn Hiến Lê cũng ghép mình vào một thời khóa biểu
viết lách nhiều pho sách theo giờ giấc qui định.
TRUYỆN BỊA Y NHƯ THẬT!
Truyện bịa y như thật!
Câu nói của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã ghi khắc trong đầu Xuân Vũ.
Đối với Xuân Vũ, hình như trước khi dàn dựng một truyện dài, anh đã vạch sẵn
trong đầu một cái sườn hay cái khuôn cố định rồi cứ theo đó mà đổ chữ nghĩa vào.
Viết cuốn Cô Ba Trà, anh chỉ nghe theo lời kể cốt truyện của Hứa Hoành và
vài chi tiết về cách chơi bùa ngải xin tôi cung cấp, chỉ trong vòng ít tuần anh
đã đẻ ra một cuốn sách dày 500 chữ in kể lể mô tả về cuộc đời của nhân vật Trà
Hoa Nữ trong Nam Bộ Việt nam. Dựa theo những tài liệu khô khan về bùa chú của
tôi, Xuân Vũ linh động chế biến chuyện vẽ bùa bằng chót lưỡi trên thân thể của
kiều nữ của thầy bùa làm cho câu chuyện mê ly lạ lùng. Xuân Vũ có một trí nhớ vô
song, anh chỉ nghe ông Duy Xuyên, hậu duệ bốn đời của Phó Bảng Nguyễn Huy Hiệu
kể lại giai thoại về Hường Hiệu theo gia phả, Cộng với tài liệu sử của Hứa
Hoành, anh đã hoàn tất cuốn Bữa Tiệc Thịt Chó Dưới Vòm Trời Cần Vương dày
300 trương trong một thời gian ngắn. Tóm lại, Xuân Vũ đã "đẻ chữ nghĩa ra" đều
đặn như gà đẻ trứng. Cứ coi những bằng chứng sau thì đủ rõ: Cuốn Đồng Bằng
Gai Góc của anh trọn bộ 5 cuốn, cuốn 2000 Ngày Đêm Trấn Giữ Củ Chi
trọn bộ 7 tập, cuốn Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết viết thành hai tập.
Chưa dễ nể bằng năm nay Xuân Vũ đã 74 tuổi với bao nhiêu chứng bịnh già suy yếu
như huyết áp cao, cholesterol, phải lọc thận thế mà mới khởi sự đăng đều đặn
trên BNS Tự Do truyện dài lịch sử về đức Thầy Huỳnh Phú Sổ qua cuốn Thất Sơn,
Địa Linh Nhân Kiệt. Tôi bỗng thương cảm cho anh bạn Hứa Hoành của tôi dù bị
ung thư phổi sắp chết nhưng cũng cố gắng hoàn tất cuốn Trí Thức Miền Nam Theo
Mặt Trận Giải Phóng. Đúng là kiếp tằm nhả tơ cho đến chết.
Thói quen viết tay những feuilletons này đã quen nếp từ khi anh chàng Xuân Vũ
trẻ măng mầm non, hăm mấy tuổi đầu làm phóng viên chiến trường đánh đồn Pháp
trên tờ báo Tiếng súng kháng địch của Khu IX. Chuyện làm văn viết báo
theo anh là có ai dạy cho ngày nào mà cứ phóng ào. Trên lưng mang ba lô, vai
mang sắc cốt, túi giắt bút máy, ghi ghi chép chép. Bên trong sắc-cốt toàn là
giấy trắng, tưởng có thể viết bài cả trăm trang (Những Bậc Thầy Của Tôi).
Có lần đi công phá đồn Tây bị bắn rát quá, đồng đội chém vè trước, Xuân Vũ chạy
sau, ba lô sắc cốt bị vướng mắc tòng teng trên kẽm gai nên khi về đành phải là
một màn tường thuật miệng.
Khi chỉ là một cậu bé 17 tuổi, Xuân Vũ đã làm những vần thơ sặc mùi kháng chiến
"Ngày Mai Em Lớn Cầm Súng Bắn Tây":
...
Bây giờ em còn bé,Em ôm đỡ súng cây
Ngày mai này em lớn,
Cầm súng thiệt bắn Tây...
(1947)
TÀI NĂNG NHỜ THIÊN KHIẾU VÀ HỌC ĐỜI, HỌC BẠN
Kiến thức về chữ nghĩa văn chương thu thập trên ghế học đường cấp quận Mỏ Cầy,
cấp tỉnh Mỹ Tho của Xuân Vũ theo những trang hồi ký của ông không nhiều, nhưng
ngược lại anh rất mê đọc sách:
Tiếu lâm, tiểu thuyết vùi trong cặp
Tây Du, Tam quốc thuộc hơn bài!
Cây bút của anh là cây bút viết ra thực những kinh nghiệm sống của anh. Anh là
một trường hợp điển hình một đầu óc linh lợi có tài đã thành công nhờ tự học và
học từ những người khác qua những tiếp xúc của cuộc sống mà chế biến thành kiến
thức của mình để trang trải trên mặt giấy một cách dồi dào. Anh quen nói theo
kiểu Léon Tolstoi là những chi tiết nhỏ làm nên những tiểu thuyết lớn.
Vốn liếng Pháp ngữ của anh vào giai đoạn giao thời tại trường tư thục
Institution Trung Châu ở Mỹ tho đương nhiên giới hạn nhưng cũng đủ để anh gồng
mình tán một chị bạn học đồng lớp lớn tuổi hơn bằng một câu xanh rờn: Ô ma
belle, je t ' adore (Người đẹp ơi, tôi yêu nàng) và biết đóng kịch giả Tây để
phun ra một câu tiếng Tây toàn tên thuốc Tây: Ô là la! Quinine, Strychnine,
Prémarine, Quinobleu. Non, non, Teinture d ' iode, Mercurochrome, Alcool de
Menthe et Streptomycine & ha ha! Và sau này, khi ra ngoài Bắc được gần gũi những
nhà văn Việt Nam tiền chiến nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Công
Hoan, Nguyễn Huy Tưởng..., chú nhà văn mầm non Nam Bộ Xuân Vũ mới hăm mấy tuổi
đã tạo dịp học lóm thêm nhiều kinh nghiệm quí báu của họ và nhân đó mầy mò đọc
bổ túc thêm những văn thi sĩ Pháp cổ điển như Lamartine, Chateaubriand, Guy de
Maupassant, Honoré de Balzac & như anh thành thực viết lại trong cuốn hồi ký:
Những Bậc Thầy Của Tôi. Trong sách này, anh viết thuộc làu làu như húp cháo
nhiều nguyên tắc viết văn mà anh học được từ những văn nghệ sĩ ngoài Bắc mà
chính anh đã trung thành áp dụng khi anh sáng tác. Sự thành công của cây bút
Xuân Vũ chứng tỏ không có trường nào đào tạo ra văn thi sĩ ngoài trừ tài năng
thiên phú và kinh nghiệm sống giữa trường đời.
ĐẤT NAM KỲ LÀ ĐẤT TIỂU THUYẾT!
Đất Nam kỳ là đất tiểu thuyết!
Đó
là câu nói của Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn có uy tín ở miền Bắc đã nói với Xuân
Vũ. Đối với ông này, đám nhà văn mầm non Nam Bộ "ngơ ngáo trước ngưỡng cửa nghệ
thuật" (nguyên văn chữ dùng của Xuân Vũ) thường xuyên đi lại giao du và học hỏi
những kỹ thuật mánh lới của nghệ thuật cầm bút. Theo đúng lời khuyên của nhà văn
đàn anh này, Xuân Vũ không những là một cây bút viết hồi ký phong phú trứ danh
có một không hai của văn giới Việt Nam mà còn là một tiểu thuyết gia viết hàng
chục cuốn tiểu thuyết mà hơn phân nửa xây dựng bối cảnh trên quê hương và con
người miền Nam như Sông Nước Hậu Giang, Ngọn Rạch Bằng Lăng, Xóm Cái Bần, Buồng
Cau Trổ Ngược, Những Độ Gà Nòi, Cô Ba Trà v.v... Noi theo dấu Hồ Biểu Chánh, Sơn
Nam, Lê Xuyên, Xuân Vũ đã tỏ ra rất phong phú qua nhiều nét chấm phá mô tả những
cá tính đôn hậu chân chất, xốc nổi, ăn nhậu, buồn giận, yêu đương của người dân
miền phù sa Sông Cửu. Những độc giả đọc Xuân Vũ thắc mắc là Xuân Vũ đi tập kết
ngoài Bắc khi còn khá trẻ và lúc trở về Nam lại thì khá luống tuổi, rồi sau đó
chạy tỵ nạn qua Mỹ thì trở nên già háp, thế mà những kỷ niệm về đồng quê thời
thơ ấu lại khiến anh viết về quê hương miền Nam một cách tự nhiên, đầy tình tự,
tươi mát như những bức vẽ phấn tiên (pastel). Động lực bí ẩn nào trong ngòi bút
của anh, phải chăng là một trí nhớ phi thường, một tình yêu sâu đậm dành cho nơi
chôn nhau cắt rốn nhào nặn với một thiên khiếu văn chương
MẦM NON ƯƠM TRONG MÁU LỬA
So với tên tuổi của những nhà văn gốc Nam Bộ như Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Sơn
Nam, Hà Huy Hà, Tâm Điền (tức nhà văn Xuân Tước), Xuân Vũ vào thời đó chỉ là vô
danh tiểu tốt một "mầm non ươm trong khói lửa". Nhưng sau khi tập kết ra
Bắc, qua kinh nghiệm học hỏi liên tục và sự mê say viết văn, Xuân Vũ đã khiến
dân viết lách nể vì, có chân trong Hội Nhà Văn Việt Nam vào năm 1958 cùng khóa
với Phùng Quán). Thời gian sống ngoài Bắc được Xuân Vũ cô đọng trong cuốn hồi ký
Mười Năm Mưa Phùn Gió Bấc đã cung cấp nhiều dữ kiện trung thực cho Xuân
Vũ về sau viết thành cuốn Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết hé lộ cho độc
giả miền Nam hiểu nhiều về thân phận cũng như tâm lý những người làm văn nghệ
thuộc giới tuyến đối lập, ai trung, ai nịnh, ai nín thở qua cầu, nhất nhất đều
được ngòi bút Xuân Vũ tường thuật, mô tả lại. Hiện nay tôi còn lưu trữ nhiều
trang giấy viết tay của anh về hung thần Tố Hữu với tên cúng cơm là Lành, người
bị phần lớn văn nghệ sĩ gọi lén là anh Paul! (Bôn Lành). Những cơn sốt rét thập
tử nhất sinh, những cái đói meo cùng sự kiện mà Xuân Vũ dùng mắt của mình quan
sát như chụp lại trên từng cây số của đường mòn Hồ Chí Minh khi đi B xâm nhập vô
Nam đã trở thành những chất liệu sinh động quí giá vô song cho ngòi bút "đẻ ra
chữ" của anh. Anh bắt chước Nguyên Hồng qua câu nói: Khi tôi viết, tôi cấu thịt
da tôi để trên giấy!
MỘT NGÃ RẼ ĐỊNH MỆNH!
Nhưng một sự cố cực kỳ quan trọng đã xẩy đến cho Xuân Vũ, nếu không gặp nó thì
tên tuổi Xuân Vũ đã bị vùi dập như bụi cỏ hèn: đó là chuyện Xuân Vũ ra hồi
chánh!
Cán bộ Bùi Quang Triết vào năm 1965 được điều đi B đọc là đi Bê, nghĩa là theo
đường mòn Trường Sơn xâm nhập vào Nam. Đường mòn này còn gọi đường mòn Hồ Chí
Minh, nên đi Bê còn được những cán binh VC gọi là đi Ông Cụ, và có rất nhiều dân
đi Bê gặp toàn là cực khổ, thiếu thốn, sốt rét, chết chóc dọc đường bèn nổi lên
chống đối, đòi quay trở ra Bắc lại nên được gọi là "toán Bê quay".
Theo nhà văn Xuân Tước rất thân với Xuân Vũ kể, anh được điều công tác trong Nam
một lượt với nhà văn VC Trần Bạch Đằng tại Tân Hào, Kiến Hòa.
Nhưng Xuân Vũ, con người với bầu nhiệt huyết của tuổi thanh xuân từng yêu nước
đánh Pháp hăng hái tập kết ra Bắc đã trở nên vỡ mộng sau nhiều năm sống ngoài
Bắc trong một bầu không khí sinh hoạt giả dối nên đầu óc của anh đã manh nha con
đường ra hồi chánh từ lâu. Anh đã dứt khoát trở về tìm tự do vào năm 1968. Tuy
nhiên, con đường hồi chánh đâu phải giản dị như một món đồ không thích thì trả
lại dễ dàng hoặc căng hơn như cưới một người vợ không hợp thì chọn con đường ly
dị. Biết bao nhiêu người trong Nam lỡ mê say lý tưởng với chiêu bài yêu nước của
đảng Cộng sản đã ra đi tập kết bỏ lại vợ con mà ra Bắc, lúc tỉnh mộng thì thấy
nhiều kẹt cứng, không đủ can đảm và thành thực nhận mình lầm mà chỉ ngậm đắng
nuốt cay, sống để dạ, chết mang theo. Vả lại, họ còn sợ CS trả thù và nhất là
còn hoài nghi rằng phía Quốc gia có thực lòng chiêu hồi đón tiếp mình không hay
bản thân sẽ chịu cảnh hàng thần lơ láo, phận mình ra chi! Trên phương diện ngôn
ngữ, quả là có sự tinh tế về tâm lý giữa hai danh từ: phía CS rêu rao tuyên
truyền cho cán binh đừng để phe Quốc gia "chiêu hàng" vì sẽ bị khinh bạc nếu
không là tù tội hay bị xử chặt đầu như Ba Cụt, còn phía Quốc gia thì nói "chiêu
hồi" tức là dùng tay vẫy gọi chiêu dụ, mời mọc sự trở về con đường phải hồi
chánh.
Trường hợp của Xuân Vũ chắc đã đắn đo cân nhắc suy nghĩ điều trên và anh chọn
con đường hành động ra sao?
GIÁC NGỘ VÀ GIAO CẢM!
Bác sĩ Hồ Văn Châm, nguyên Bộ trưởng Chiêu Hồi đã kể cho tôi rõ về trường hợp
của Xuân Vũ như sau:
Vào thời điểm 1970- 1971, hạ tầng cơ sở Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hầu
như tan rã. Xuân Vũ muốn bỏ ra đi, nhưng còn e ngại sợ bị chính quyền Cộng hòa ở
địa phương khinh rẻ, đối xử như kẻ bại trận, phản bội. Vì vậy, Xuân Vũ nhờ người
quen lặn lội lên Sàigon móc nối với đường giây bộ Chiêu Hồi để xin hồi chánh.
Tôi bèn nhờ Trung tá Nguyễn Hữu Thiên là Giám đốc nha Công tác lái xe xuống Kiến
Hòa đến điểm hẹn đón Xuân Vũ về Sàigòn đưa vào gặp tôi. Những gì trao đổi giữa
tôi và Xuân Vũ hôm đó,sau này Xuân Vũ viết thành ký sự "Phút giao cảm đầu tiên".
Cốt lõi của câu chuyện hôm đó xoay quanh việc xác định lý lịch và tô đậm chân
dung người yêu nước quốc gia chủ nghĩa. Họ không phải như hình ảnh người mác-xít
lê-nin-nít rêu rao bịa đặt để xuyên tạc tuyên truyền bôi lọ. Họ là người "không
Cộng sản", nhưng không phải là Việt gian theo Tầu. Họ là người "không Cộng sản"
nhưng không phải là ngụy bù-nhìn Mỹ. Họ là người "không Cộng Sản" và vẫn có thể
xuất phát từ hàng ngũ Cộng Sản như trường hợp Xuân Vũ.
Theo nhà văn Xuân Tước, Xuân Vũ vẫn còn bị vài người còn thành kiến hoài nghi về
tư cách hồi chánh viên chưa dứt bỏ gốc Cộng hay là kẻ phản bội trở mặt với lý
tưởng của mình. Tôi mong rằng đọc những lời tiết lộ trên và xuyên qua những tác
phẩm của Xuân Vũ, thái độ còn hoài nghi sẽ không đứng vững. Xuân Vũ là một nhà
văn có đầu óc suy nghĩ, văn tức là người, đọc anh ta thấy rõ tư cách xử sự quang
minh của anh, bỏ Cộng sản không phải vì cực khổ vật chất mà chính vì lý tưởng tự
do nên ra hồi chánh, anh muốn hành động quang minh chính đại đối diện trực tiếp
với bộ trưởng Chiêu hồi hơn là ra đầu thú với địa phương thường xét những cán
binh hồi chánh là những kẻ trở cờ phản bội hay những kẻ cơ cực cần cơm áo. Do
đó, ta thấy chính bác sĩ Hồ văn Châm vào năm 1971 là kẻ có mắt tinh đời nhìn ra
cái tài nghề và tư cách của Xuân Vũ bằng cách thâu nhận Xuân Vũ và bổ nhiệm anh
làm Tham Nghị, một chức vụ dành cho người hồi chánh ngang hàng với Giám đốc Nha.
Mà cũng có thể nói đây là một hạnh ngộ may mắn cho bộ Chiêu hồi biết người biết
của mà làm nên công trạng với Xuân Vũ. Năm 1972, Xuân Vũ được cử đi Bắc Âu Thụy
Điển, Na Uy, Đan Mạch làm công tác tuyên vận. Cùng đi với Xuân Vũ là nhạc sĩ
Phan Thế, một cán binh văn nghệ hồi chánh, người từng sáng tác khúc nhạc dạo đầu
cho những buổi phát thanh (openning tune) của đài Mặt trận Giải phóng Miền Nam.
Sau đây là nguyên văn sự nhận định của bác sĩ Hồ Văn Châm về Xuân Vũ:
Kể
từ "Phút giao cảm đầu tiên", Xuân Vũ đã tìm lại chỗ đứng trong lòng dân tộc,
chen vai thích cánh với những người nặng lòng yêu nước thương dân, không còn cảm
thấy bơ vơ lạc lõng giữa giòng người bon chen danh lợi. Giã từ hàng ngũ Cộng
sản, Xuân Vũ trở thành người không Cộng sản, thậm chí trở thành người chống Cộng
sản, và điều này bản thân Xuân Vũ ý thức đầy đủ rõ ràng về cả hai mặt tư duy và
hành động.
Tôi từng hỏi anh Xuân Vũ về sự giao tiếp với bác sĩ Hồ Văn Châm thì anh đã thành
thật nói thẳng với tôi rằng: Tôi chịu ơn ông ấy lắm. Nếu không có ông ấy dùng
tôi, thì tôi chỉ đi bán nước mía là cùng!
SỨC MẠNH CỦA VĂN CHƯƠNG!
Vào năm 1973, tài năng viết văn của Xuân Vũ đã làm một quà ý nghĩa cho nhân dân
miền Nam với tác phẩm Đường Đi Không Đến, một hồi ký viết với những chất
liệu thực tế với một thể tài sống động sắc nét như lưỡi dao điêu khắc, một văn
phong không trang điểm nhưng nóng hổi tình tiết, không chửi bới ai, mà cũng
không đề cao ai.
Trong bao nhiêu năm, người ta nghiệm rằng nếu áp dụng kỹ thuật tâm lý chiến vụng
về bằng những khẩu hiệu khuôn sáo chửi rủa thì khiến chúng không những vô hiệu
quả mà đằng khác còn bị phản-tác-dụng làm cho quần chúng có cảm tình với đối
phương. Do đó, người dân trong Nam đã kháo nhau tìm đọc say mê cuốn Đường Đi
Không Đến của một cây viết từ giới tuyến đối nghịch mà người ta lâu nay vẫn
e dè về tính chất trung thực. Qua cuốn này, tôi thấy rõ hiệu quả của văn chương
và sức mạnh của ngòi bút vì nó làm xoay chuyển thái độ đầy cảm tình mù quáng của
một số lớn người miền Nam đối với CS. Và khiến cho bộ mặt của cuộc chiến tranh
chống Cộng của miền Nam đã bắt đầu mang một ý nghĩa chính đáng! Cuốn sách Uncle
Tom's cabin (Căn lều của bác Tom) của bà Harriet B. Stowe 1811- 1896 viết quá
cảm động về thân phận người da đen đã khiến quần chúng Mỹ nổi giận với chế độ
Hắc Nô và tăng cường thái độ ủng hộ phong trào Bãi Nô (Abolitionists)
Chỉ một cuốn sách ra mắt của cán binh hồi chánh gốc miền Nam Xuân Vũ đã thực sự
cảnh tỉnh phần lớn những người trí thức miền Nam còn mơ ngủ với chiêu bài ái
quốc và viễn tượng về một thiên đường CS mặc dù trước đó vào năm 1954, dân di cư
Bắc vô Nam có nói họ cũng cho là tuyên truyền. Nó được lãnh giải thưởng Văn Học
Nghệ Thuật Quốc Gia 1973 là đúng. Chủ đích của cuốn sách là cảnh tỉnh những
người còn mê muội, nhưng văn phong của nó nhẹ nhàng không đăng đàn thuyết giảng
dài dòng. Sau đây là một đoạn đối thoại nhẹ nhàng thấm thía trong cuốn Đường
Đi Không Đến:
Một chốc anh hỏi tôi:
-Tôi hỏi thật mà anh cũng phải trả lời thật nhé! Miền Bắc xây dựng xã hội chủ
nghĩa có ngon hơn miền Nam mình không?
Tôi cười và tìm cách nói loanh quanh, không trả lời thẳng. Điều tôi muốn nói với
anh là: Chế độ nào nhiều cơm gạo và thỏa mãn người đời nhiều nhất thì đó là chế
độ ta cần bảo vệ và vun bồi. Chủ nghĩa cộng sản trên lý thuyết thì có vẻ hay
thật nhưng nó chỉ thực hiện được khi nào nhân loại chỉ có một cái dạ dầy chung.
Đừng nghe lý thuyết của bất kỳ ai, hãy nhìn vào nồi gạo của họ. Goethe nói một
câu tuyệt hay: "Tất cả lý thuyết đều trở thành màu xám.chỉ có cây đời mãi mãi
xanh tươi".
Nhân đây, chúng ta cũng không quên hình ảnh của bao nhiêu hồi chánh viên khác
trở về với chính nghĩa quốc gia đã âm thầm chiến đấu trong tổ chức Xây dựng Nông
thôn hay Cán bộ Võ trang tuyên truyền Chiêu Hồi. Sự hồi chánh của họ đã làm nao
núng tiềm năng phá hoại của CS, vì tổ chức nằm vùng của CS tại những địa phương
bị bại lộ. CS thời đó có câu loan truyền rằng:
Bắt được lính Mỹ còn tha,
Bắt được hồi chánh, lột da chặt đầu.
Sau 1975, trung tá hồi chánh Lê Xuân Chuyên đã bị bắt và bị xử tử. Có nhiều
người trước trong hàng ngũ CS trở về với Quốc gia cũng biết thân phận nên đã tự
tử như trường hợp của ông T. C. Thành và nhiều người khác. Tôi còn nhớ bản yết
thị dán ngoài phố của ban quân quản CS vài ngày sau 30 tháng 4, 1975 kêu gọi
"ngụy quân ngụy quyền" ra trình diện với chiêu bài Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc và
chủ trương "Đánh kẻ chạy đi, chớ không đánh người chạy lại", nhưng chỉ ít
lâu sau, cả nước thành một nhà tù vĩ đại.
Cụ
Hoàng Văn Chí (tác giả cuốn Từ Thực Dân Đến Cộng Sản) được anh Hà Kỳ Lam làm quà
cuốn sách Đường Đi Không Đến này khi anh đi học trường Fort Benning ở Georgia
ghé thăm cụ ở Washington DC vào năm 1974 đã thốt lên và trách rằng cơ quan
truyền thông của chính quyền quốc gia bỏ lỡ không nắm lấy cuốn này mà phổ biến
rộng lớn cho thế giới biết giá trị đặc biệt của tác phẩm. Anh Hà Kỳ Lam kể rằng
cụ H. V. Chí nói sẽ dịch nó ra Anh ngữ dưới tựa đề: No light at the end of
the tunnel và lúc đó cụ đang làm việc cho một cơ sở ngoại giao của chính
quyền Hoa Kỳ nên sẽ vận động họ dựng thành phim ảnh.
CON NGỰA GIÀ VÀ NẮM CỎ NON
Tiếc thay, hoàn cảnh đã thay đổi, miền Nam sụp đổ vào tháng 4 / 1975 vì thế cờ
chính trị quốc tế mặc dù tiềm năng và khí thế chiến đấu của VNCH hầu như chưa
suy giảm. Tuy nhiên, hơn ba mươi năm sau vào năm 2004 đọc lại Đường Đi Không
Đến viết vào 1972 (được tái bản 8 lần) người ta lại thấy càng hay và đúng vì
tác giả Xuân Vũ đã dùng ngòi bút nêu lên một cái nhìn xác thực vào cái lý tưởng
điên rồ vô vọng của những người CSVN cam tâm lấy xương máu Việt Nam để thực hiện
nhiệm vụ quốc tế vô sản của mình, nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu ngoài kết quả
hằng triệu người chết và đất nước liệt trong hàng nghèo đói nhất trên thế giới.
Thành trì Liên Xô của xã hội chủ nghĩa bị xụp đổ và khôi hài nhất là trước đây
chính miệng CSVN hô hào hung hăng "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"
và "xây dựng đất nước hơn mười lần xưa" thì nay chính họ van lạy Mỹ bang
giao, gọi nịnh dân tỵ nạn CS hải ngoại là "khúc ruột ngoài ngàn dặm" đem
hàng tỉ đô la và chất xám trở về kiến thiết xứ sở. Và Con đường Trường Sơn xâm
nhập miền Nam ngày xưa chôn vùi biết bao mạng người xương trắng một cách vô ích
thì nay đang trở thành con đường chiến lược Xa lộ Trường Sơn. Những tác phẩm
"viết tay" trên chục ngàn trang giấy do cây bút phong phú Xuân Vũ như Xương
Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, Đồng Bằng Gai Góc, 2000
Ngày Đêm Trấn Giữ Củ Chi, The Survivor là những hồi ký có giá trị lớn trong
lịch sử chiến tranh Việt Nam viết ra cho hậu thế đọc.
Vào buổi sáng gia đình và bạn bè đưa Xuân Vũ ra lò thiêu, tôi bị đau nằm trên
giường không xuống San Antonio đưa tiễn được, trong lòng trăn trở. Tôi bỏ một
ngày đọc thật kỹ lại cuốn Đường Đi Không Đến của anh và thấy anh đã dùng
một hình ảnh này mà cô đọng ý nghĩa của toàn tập truyện, đó là dụ ngôn của Xuân
Vũ trong bài Tựa về một lão đánh xe đưa khách và con ngựa gầy ốm kéo xe của lão:
Nó
chạy chậm nổi tiếng. Điều đó làm cho lão già không hài lòng. Lão ta dùng roi,
nhưng roi không có kết quả. Thực ra không phải con ngựa chạy chậm vì lười mà
chính vì nó kiệt sức.
Để
lợi dụng cái sức còn lại trong con vật, lão già đã nghĩ ra một cách có vẻ nhân
đạo hơn. Lão ta buộc một mớ cỏ non trên đầu cần câu và buộc chiếc cần câu dọc
theo gọng xe. Nhưng tội nghiệp, con vật ngây thơ, cố ngay xương sống ra kéo
chiếc xe đầy khách, mong rút ngắn cái khoảng cách giữa cái mồm và mớ cỏ. Cái mớ
cỏ vẫn nhảy múa trước mặt nó, quyến rũ vô cùng, giục nó chạy tới, chạy nhanh
tới.
Con vật ngây thơ vẫn cố sức phi tới với chút sức tàn, mong đớp được mớ cỏ. Có
bao giờ lão chủ xe lại giải thích cho con vật thân yêu của lão vì sao nó chạy
hoài mà không ngoạm được mớ cỏ?
Nhìn tổng kết lại thân thế và sự nghiệp của nhà văn Xuân Vũ, người ta thấy anh
quả là một cây bút lớn ít ai bì kịp vừa nghĩa đen, vừa nghĩa bóng, vừa phẩm, vừa
lượng, phản ánh trung thực cả một thời đại mà đất nước Việt Nam quằn quại trong
khói lửa giao tranh Quốc- Cộng trong hậu bán thế kỷ 20.
Xuân Vũ là trường hợp điển hình của một nhà văn gốc nông dân miền Nam có tấm
lòng yêu nước với một bầu nhiệt huyết thực sự đã xây dựng sự nghiệp văn chương
thành công của mình nhờ đem tâm hồn và thiên khiếu văn chương "trui rèn" trong
kinh nghiệm sống phong phú độc đáo của mình.
Văn học sử Việt Nam đương nhiên sẽ ghi tên và công nghiệp của nhà văn lớn Xuân
Vũ.
Lê
Văn Lân
8/22/2006
No comments:
Post a Comment