Saturday, September 8, 2012

VIỆT PHƯƠNG * NHÀ VĂN

Nhà  Văn Dưới  Chế  Độ  Cộng  Sản
Việt  Phưong



Một thoáng mắt nhìn qua những nhà văn quốc tế, sống dưới chế độ Cộng Sản, hoặc dưới chế độ tự do dân chủ nhưng vẫn mơ đến thiên đường cộng sản. Trước hết, ta có thể nhắc đến văn hào Pháp André Gide. Ông đã có dịp đến thăm Liên Xô, sau những điều mắt thấy tai nghe tại đất nước lý tưởng của chủ nghĩa Cộng Sản, trở về Pháp ông viết tập " Retour de l' URSS " (Ở Liên Xô về) phơi bày những sự thật không đẹp  của xã hội Liên Xô đã làm ông vỡ mộng và từ đó từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản. Khoảng thập niên 40 của thế kỷ thứ 20, một số nhà văn, nhà thơ Pháp đã gia nhập đảng cộng sản Pháp như Louis Aragon, Paul Eluard ... Aragon từng có câu thơ: "Mon parti m'a rendu mes yeux et ma mémoire",  (Xuân Diệu (?) đã dịch: "Đảng cho tôi sáng mắt sáng lòng") và sáng tác tập  "Les  Communistes" (Những người cộng sản). Paul Eluard khá nổi tiếng với bài thơ "Liberté" (Tự do). Một số nhà văn Mỹ như Jack London, có khuynh hướng thiên tả với tác phẩm  "The Iron heel" (Gót sắt), John Steinbeck với tác phẩm  "The grapes of wrath" (Chùm nho phẫn nộ). Ở Liên Xô, dưới thời Staline, các nhà văn đã tận dụng ngòi bút phục vụ chế độ cộng sản qua các tác phẩm viết theo đường lối chủ nghĩa hiện thực xã hội. Đó là các nhà văn ca ngợi những người làm cách mạng trong hàng ngũ cộng sản với tác phẩm  "Người Mẹ" (của Maxim Gorki), Kỵ binh đỏ" (của Babel), "Con đường đau khổ" (của Alexis Tolstoi), "Sông Đông êm đềm" (của Cholokhov), "Thép đã tôi thế đấy" (của Ostroski). Tiếp theo là những cây bút ca ngợi cuộc sống lao động ở nông trường với tập truyện  "Đất vỡ hoang" (Cholokhov), ở công xưởng với tập  "Xi măng" (Fiodor Gladkov). Thời gian này, ở các nước chư hầu của Liên Xô, cũng có các nhà văn sáng tác văn nghệ dưới hình thức chủ nghĩa hiện thực xã hội như ở Ba Lan, trong tác phẩm "Tro than và kim cương" (của Jerzy Andrzejewski) mô tả cuộc xung đột giữa 2 phe cộng sản và quốc gia; ở Hung Gia Lợi, trong tập truyện "Người đứng trên bờ" (của Tamas Aczél) được viết dưới dấu hiệu song hành của cách mạng (cộng sản) và tự do; ở Lỗ Ma Ni trong tập "Đường không bụi bám" (của Detru Dumitriu) mô tả các trại lao tác. Ở Trung Quốc, từ năm 1950, sau khi chiếm lĩnh toàn thể lục địa, chính quyền Mao Trạch Đông đã khởi sự xây dựng chủ nghĩa xã hội  trên xứ sở  mà vấn đề chủ yếu là sản xuất và kiến thiết. Mao Thuẫn là nhà văn mở đầu cho kỷ nguyên văn học cộng sản về phương diện này, mô tả cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội đương thời. Đồng thời, có Lão Xá với các tác phẩm bênh vực tự do kết hôn, lên án bọn công chức tham nhũng; Tào Ngu với những vở kịch "Lôi Vũ" và "Nhật Xuất" mô tả thảm kịch nội tâm của con người; Quách Mạt Nhược (cùng với Mao Thuẫn) được xem như là "người chép lịch sử cách mạng đỏ"; Lỗ Tấn với các tác phẩm mô tả đời sống người dân trong trong thời cao trào cách mạng bùng nổ trên đất nước Trung Quốc.

Ở Việt Nam, người viết muốn đề cập đến những người làm báo, làm văn, thơ, nhạc, họa..... trước và sau năm 1975, những vinh nhục của họ khi cầm bút phục vụ hay chống đối đảng và chế độ cộng sản. Sau tháng 8/1945, một số nhà văn, nhà thơ có tiếng tăm trong thời kỳ văn học lãng mạn đã quy phục chế độ mới như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng, Trương Tửu, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh..... Họ đã hiện diện trong tạp chí Tiên Phong, cơ quan nòng cốt của Hội Văn Hóa Cứu Quốc Việt Minh, có những bài ký sự về hoạt động cách mạng của mặt trận Việt Minh của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng; truyện nông thôn của Kim Lân, Nam Cao; những bài thơ ngợi ca cách mạng tháng 8 của Nguyễn Đình Thi, chủ tịch Hồ Chí Minh của Tế Hanh, Quốc hội Việt Nam (do Việt Minh lãnh đạo) của Xuân Diệu..... Thời kỳ này, Tố Hữu xuất hiện với tập "Thơ Tố Hữu", gồm những bài thơ sáng tác trong thời kỳ thuộc Pháp, mô tả cuộc sống lao tù của tác giả  và các đồng chí, bức tranh đen tối của xã hội Việt Nam và bóng gió đề cập đến những hoạt động cách mạng theo đường hướng cộng sản. Giai đoạn 1945 - 1946 là giai đoạn phấn khởi của những người làm văn nghệ phục vụ đất nước vừa được thâu hồi nền độc lập sau thời Pháp và Nhật thuộc. Các nhạc sĩ sáng tác những bài ca cách mạng như "Tiến quân ca" (Văn Cao), sau được chấp nhận làm Quốc Ca (cộng sản), "Bắc Sơn" (Văn Cao), "Diệt Phát Xít" (Nguyễn Đình Thi), "Đàn Chim Việt" (Văn Cao), "Có một đàn chim" (Phan Huỳnh Điểu)..... Đồng thời, họ cũng sáng tác những bài hát trữ tình: Suối mơ (Phạm Duy), Bến xuân (Phạm Duy - Văn Cao), Thiên Thai (Văn Cao), Tiếng đàn tôi (Phạm Duy), Bên cầu biên giới (Phạm Duy), Dứt đường tơ (Dzoãn Mẫn). Nhà xuất bản Minh Đức của Trần Thiếu Bảo ấn hành các tác phẩm về chính trị, văn hóa của Hồ Hữu Tường: Vấn đề dân tộc, Tương lai văn hóa Việt Nam, Chủ nghĩa Tam Dân; về văn học của Đặng Thái Mai: Văn học khái luận, Lôi vũ, A.Q. chính truyện; của Nguyễn Tuân: Chùa đàn ......

Cuộc chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ ở miền Nam từ năm 1946. Văn nghệ trong thời kỳ ấy có nhiệm vụ hô hào toàn dân kháng chiến với các bài ca Đoàn Giải Phóng Quân, Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca (của Phạm Duy)..... Cho đến khi Việt Nam biến thành những vùng trái độn thì Việt Minh lôi cuốn một số đông văn nghệ sĩ  đi theo kháng chiến. Họ sống rải rác ở các vùng chiến khu Việt Bắc, Trung Việt và Nam Việt. Thời gian này họ làm văn nghệ lấy đề tài trong cuộc kháng chiến, như Tô Hoài viết tập "Xuống làng" mô tả cuộc kháng Pháp của bộ đội Việt và dân tộc thiểu số ở miền thượng du Bắc Việt, một số các nhà thơ tập hợp sáng tác của họ trong tác phẩm "Tập thơ kháng chiến" gồm những bài thơ đấu tranh chống Pháp, tưởng nhớ quê hương, lao động ở rừng núi, xen lẫn những bài đề cao lãnh tụ (chủ tịch Hồ) và "Bộ đội cụ Hồ". Tinh thần kháng chiến chống Pháp bàng bạc trong nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ già cũng như trẻ, từ năm 1949 đến 1954, đánh dấu bằng Hiệp Định Genève, chia cắt hai miền Nam - Bắc Việt Nam.

     Từ năm 1956, do ảnh hưởng của Đại Hội Cộng Đảng Liên Xô lần thứ 20 mà Khrutchev đã hạ bệ uy tín Staline, cởi mở cho nền văn nghệ nước này, gọi là "thời kỳ băng rã" và phong trào "bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh" (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng) ở Trung Quốc. Sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc Việt Nam cũng theo đà đó khởi xướng phong trào "trăm hoa đua nở". Các nhà văn, nhà thơ lợi dụng phong trào đó  để xuất bản các tạp chí "Nhân Văn" và "Giai Phẩm" tập hợp một số cây bút như Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phùng Quán, Thụy An Hoàng Dân, Nguyễn Mạnh Tường..... lên án những sai lầm về chính sách cải cách ruộng đất, quyền lãnh đạo văn nghệ của đảng và nhà nước, cũng như những bất công xã hội đương thời. Sự chống đối này của các văn nghệ sĩ chân chính là điều hiển nhiên. Sau nhiều năm sống dưới chế độ cộng sản, họ đã nhận thức được những sai trái của giới lãnh đạo đảng qua những chủ trương chính sách thiếu tính chất nhân bản.

Trong giai đoạn nầy, ở Liên Xô vào "thời kỳ băng rã" có những nhà văn viết nên những tác phẩm như "Bác sĩ Zhivago" (của Boris Pasternak) phác họa bức tranh đen tối của xã hội Nga trong thời kỳ nội chiến giữa các thế lực Hồng quân, Bạch vệ, Du kích quân. Tác phẩm này đã được giải thưởng văn chương Nobel, chỉ được ra mắt độc giả ở nước ngoài với các bản dịch Anh, Pháp và nhà nước Liên Xô đã không cho phép  Boris Pasternak xuất ngoại để nhận lãnh giải thưởng, rồi tác giả gặp nhiều khó khăn từ phía chính quyền cộng sản. Một tác giả khác là A. Solzhenitsyn cũng chỉ được ấn hành tác phẩm của mình ở ngoài Liên Xô vì đã mô tả những điều không hay ở các trại cải tạo với tác phẩm "Quần đảo ngục tù". Ở Lỗ Ma Ni, C. V. Gheorghiu cũng gặp tình trạng như vậy với tác phẩm "Giờ thứ 25" mô tả những hạn chế của con người sống dưới chế độ cộng sản.

Sứ mệnh của văn nghệ là giúp cuộc sống con người hướng đến Chân, Thiện, Mỹ, đồng thời cũng chống lại những bạo lực ngăn cản con người có cuộc sống đó; cho nên ở xã hội nào, thời nào cũng vậy, những người làm văn nghệ chân chính vẫn không bẻ cong ngòi bút để phục vụ các chế độ độc tài, thiếu dân chủ, hoặc xu nịnh chính quyền đi ngược nguyện vọng của người dân, dù họ biết rằng những điều họ viết ra sẽ gây nguy hại  cho đời sống và tính mạng của họ.

Thời kỳ Nhân Văn - Giai Phẩm xuất hiện, sau một thời gian ngắn, những người viết cho các đặc san, tạp chí đó đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam lên án. Kẻ thì bị cô lập hóa, truất quyền nhà văn, tù đày, như Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An Hoàng Dân, Trần Dần, Phùng Quán và nhà xuất bản Trần Thiếu Bảo. Sau năm 1975, Trần Dần, Phùng Quán được phục hồi danh dự, nhưng họ không viết được tác phẩm nào đáng lưu ý. Sống trong xã hội cộng sản, những người làm văn nghệ thiếu lương tri đã dùng ngòi bút của họ để ca ngợi chế độ, bợ đỡ chính quyền, xu phụ lãnh tụ, như trường hợp Tố Hữu đã làm thơ khóc Staline , Hồ Chủ Tịch, Xuân Diệu ca ngợi Bác và Đảng, cổ động tàn sát địa chủ trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1955 - 56, Chế Lan Viên đề cao Bác - Đảng và chủ nghĩa xã hội, Nguyễn Công Hoan xu phụ lãnh đạo văn nghệ (Tố Hữu), mạt sát Phan Khôi và các nhà trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm.         

Nền văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa hiện thực xã hội, những người làm văn học, văn nghệ đều bị bắt buộc sáng tác theo đường hướng đó, nên phần lớn tác phẩm của họ đều khô khan, gượng ép, phản ảnh cuộc sống lao động của nhân dân ở các nông trường, công trường tập thể với ý thức đấu tranh giai cấp giả tạo, không đúng với bản chất giàu tình cảm của ngưới Việt. Vì vậy, từ sau năm 1975, tiếp tục tinh thần chống đối của các nhà văn, nhà thơ từ trước, một số người cầm bút đã có những sáng tác nhằm đả kích các mặt tiêu cực của chế độ công sản. Ngoài các tác phẩm có nội dung chống đối chế độ cộng sản của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo.....còn có những tạp chí đấu tranh cho tự do dân chủ như tờ "Langbian" do Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự chủ trương, hay tờ "Thao Thức" mà người ta thường gọi là "báo chui" xuất hiện bí mật ở trong nước.

Hậu quả của những người làm văn nghệ dưới chế độ cộng sản thế nào? Nếu họ là những người viết lách theo đúng chính sách, chủ trương của đảng cộng sản thì họ được xem như là những cán bộ văn hóa hữu công, được chính quyền nâng đỡ về đời sống, trả tiền nhuận bút cao, được kết nạp vào đảng và Hội Nhà Văn, được "thắt cà vạt đỏ, đi giày vàng, đọc đít cua, ăn tiệc nhồm nhoàm và bay đó bay đây" như Nguyễn Tuân, đa "lột xác" sau cuộc chỉnh huấn năm 1953, vì bị đảng phê bình là lãng mạn, lập dị. Nếu trái lại, họ có tác phẩm chống đảng hoặc lên tiếng phê bình đường lối, chủ trương của đảng thì bị bắt bớ, tù đày hoặc khai trừ, tước bỏ quyền viết văn, bị đe dọa "xử lý kỷ luật" như trường hợp Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự khi họ đi thu thập chữ ký của các văn nghệ sĩ để phản đối việc đóng cửa tờ báo "Langbian" của họ. Hoặc như Mai Thái Lĩnh, với tư cách hội viên Hội Văn Nghệ Lâm Đồng, năm 1989, lên tiếng bênh vực cho Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự thì bị chụp mũ là có liên quan đến nhóm Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang và những nhà trí thức đã thảo ra bản tuyên ngôn đòi dân chủ có tên "Kết Ước 2000". Và những người này có thể bị qui tội phản quốc và có thể bị kết án tử hình theo điều luật 78 của bộ Luật Hình Sự Việt Nam hiện thời.

Song không phải vì vậy mà nhữing người cầm bút có lương tâm dưới chế độ cộng sản chịu im tiếng. Họ vẫn giữ được khí phách của kẻ trượng phu, như Nguyễn Mạnh Tường sau nhiều năm bị đày đọa, đã hoàn thành tập hồi ký viết bằng tiếng Pháp: "Un Excommunié": Hanoi 1954 - 1991: Procès d'un intellectuel" vào năm 1991 (Quê Mẹ Paris xuất bản năm 1997).

Trong tập hồi ký này, Nguyễn Mạnh Tường đã có đoạn viết: "Họ (những người cộng sản) là những cái thùng rỗng tuếch, khua ầm ỹ. Mở miệng ra là nói Mác, nhưng không bao giờ đọc sách vở của Mác, hoặc nếu ngẫu nhiên đọc một trang trong cuốn "Tư Bản Luận" cũng chẳng hiểu ất giáp gì..... Đất nước mất đi bản sắc, chỉ nhắm bắt chước, sao chép Liên Xô và Trung Quốc (Le Vietnam perd sa personalité pour devenir le reflet, le fac-simile de l' Union Soviétique et de la Chine).

Không chỉ những nhà cách mạng tranh đấu cho tự do dân chủ, no cơm ấm áo của người dân, mà những người làm văn nghệ bất cứ ở xã hội nào cũng mang một sứ mệnh cao đẹp là hướng dẫn quần chúng ý thức và hưởng thụ một đời sống tinh thần an lạc, hạnh phúc. Vì vậy, dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam, những người cầm bút chân chính đã nhận thức được chế độ phi nhân bản này và tiếp nối các bậc đàn anh ở thế hệ trước lên tiếng đòi hỏi tự do dân chủ cho đất nước và dân tộc. Những tác phẩm của họ do điều kiện truyền thông hiện đại là những thông điệp gởi ra ngoài nước, kêu gọi thế giới tự do nhận định bản chất băng hoại của chế độ cộng sản, tạo điều kiện giải trừ chế độ này hiện còn tồn tại ở Việt Nam, một trong thiểu số quốc gia nghèo nàn và lạc hậu nhất trên thế giới.

                                                                             



Việt  Phương




Ghi  Chú:

-  Các tác phẩm Nga và các nước Đông Âu được xuất bản dưới nhan đề tiếng Pháp hoặc tiếng Anh:

Nga: Người Mẹ  = La Mère;  Kỵ binh đỏ =  Cavalerie rouge

Con đường đau khổ = Le chemin des tourments

Sông Don êm đềm = Le Don paisible; 

Đất vỡ hoang = Terres défrichées

Xi măng = Le ciment

Bác sĩ Zhivago = Doctor  Zhivago

Quần đảo ngục tù = The Gulag Archipelago

Ba Lan:  Tro than và kim cương = La cendre et la Diamant

Hung :   Người đứng trên bờ = Un homme sur la rive

Lỗ:  Đường không bụi bám = Route sans poussière

Giờ thứ 25 = La vingt cinquième heure

Trung Quốc :  Nhật xuất = Mặt trời mọc

Lôi vũ = Giông tố.



No comments: