Saturday, September 1, 2012

BS. HỒ VĂN CHÂM * PHÚ XUÂN

Thử Tìm Hiểu Tại SaoVua Gia Long Đóng Đô Ở Phú Xuân
Minh Vũ Hồ Văn Châm

Ngày 13-6-1801 (mồng 3 tháng 5 năm Tân Dậu), Nguyễn Ánh chiếm lại kinh thành Phú Xuân. Tháng 2 năm 1802, Nguyễn Ánh đánh tan đạo quân phản công của Nguyễn Quang Toản ở lũy Trấn Ninh, thu phục toàn cõi Nam Hà. Trong lúc đó, Nguyễn Quang Toản chạy ra Bắc Hà, cải niên hiệu Cảnh Thịnh thành Bảo Hưng, sửa sang điện Kính Thiên trong thành Đông Đô, đắp đàn tròn ở Ô Chợ Dừa và khơi đầm vuông ở Hồ Tây tế cáo Trời Đất, sai Nguyễn Huy Lượng làm bài phú Tụng Tây Hồ ca ngợi công nghiệp nhà Tây Sơn, mưu tính việc lấy lại sông Gianh làm biên giới phân tranh nam bắc. Đã có sẵn dự tính thống nhất sơn hà, từ năm 1796, tại Gia Định, Nguyễn Ánh cho đúc tiền Gia Hưng, nay trước ý đồ của triều đình Tây Sơn, tháng 5 năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Gia Long, và cử đại binh ra đánh chiếm Bắc Hà. Chỉ trong vòng hai tháng, quân nhà Nguyễn đã bắt trọn vua quan nhà Tây Sơn. Ngày 20-7-1802, vua Gia Long vào thành Đông Đô, đổi tên đô cũ của nhà Lê làm Bắc Thành, và trở nên ông vua nhất thống thiên hạ.
Phú Xuân là đô cũ của các chúa Nguyễn Nam Hà. Phú Xuân cũng là kinh đô của nhà Nguyễn Tây Sơn. Việc vua Gia Long chọn Phú Xuân làm quốc đô của nước Việt Nam thống nhất đương nhiên có những lý do chính đáng của nó. Gia Long là người trì trọng, làm việc gì cũng suy xét kỹ càng, cân nhắc hơn thiệt, cho nên không thể có sự kiện Gia Long chọn Phú Xuân làm quốc đô chỉ giản đơn vì Phú Xuân là đất khởi nghiệp của tổ tiên mình, hay vì Phú Xuân là nơi chôn nhau cắt rốn của chính mình, mà là vì nhiều lý do quan hệ đến sự hưng vong của triều đại nhà Nguyễn và sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Phú Xuân, tức là thành phố Huế ngày nay, nằm ở phía nam một bình nguyên dài và hẹp của miền trung bộ Việt Nam, khí hậu khắc nghiệt, đất cát khô cằn, đường bộ đường biển đi lại khó khăn bất tiện, cho nên xưa nay Phú Xuân không phải là một trung tâm địa lý trù phú. Bởi lý do đó, đời sau có nhiều người đã trách cứ Gia Long bỏ Đông Đô (Hà Nội ngày nay) vốn là trung tâm văn hóa lâu đời, là chiếc nôi lịch sử của dân tộc, mà thiên đô vào Phú Xuân là vùng đất mới, là nơi đá trọi cây cằn. Nhiều người khác lại trách cứ Gia Long đã bỏ Gia Định (Sài Gòn ngày nay) vốn là căn cứ địa trung hưng, kinh tế phồn thịnh, dân cư đông đảo, của cải phong túc, mà trở lại Phú Xuân là nơi ruộng vườn cạn kiệt, là nơi chó ăn đá gà ăn muối, người dân vất vả một nắng hai sương mà tay làm không nuôi nổi miệng ăn. Nhiều người khác lại đưa ra nhận xét là nếu chọn Phú Xuân làm quốc đô vì lý do trung tâm địa lý của đất nước thì phủ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam mới là ở vị trí trung độ bắc nam chứ đâu phải Phú Xuân vốn gần Hà Nội hơn Sài Gòn. Sau hết, nhiều người tỏ ý tiếc rẻ là nếu Gia Long không đóng đô ở Phú Xuân mà đóng đô ở Bắc Thành thì vào hậu bán thế kỷ 19, khi người Pháp xâm lấn Đại Nam, giải pháp Tăng Kỷ Trạch-Jules Ferry lập một quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến tỉnh Quảng Bình đã có cơ hình thành, và Việt Nam sẽ chỉ mất có nửa nước phía nam, nửa nước phía bắc thoát được nạn vong quốc nhờ vào vị thế trung lập giữa Pháp và Tàu.
Tìm hiểu tại sao Gia Long đóng đô ở Phú Xuân là lý giải những luận cứ trên đây, xem thử những luận cứ đó có phù hợp với thực trạng đất nước lúc bấy giờ, đồng thời tìm tòi những dữ kiện lịch sử liên hệ đến vùng địa lý Phú Xuân, Thuận Hóa, Ô Lý, Nhật Nam, Việt Thường, để chắt lọc những chất liệu cấu tạo nên đặc tính của đất nước và con người Phú Xuân, là những yếu tố căn bản của lý do khiến Gia Long quyết định chọn Phú Xuân làm kinh đô của nước Việt Nam thống nhất.
Hai trăm năm sau khi Gia Long lên ngôi vua ở Phú Xuân, tình trạng Việt Nam về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, v.v., tất nhiên đã thay đổi rất nhiều. Bởi vậy, lấy con mắt của người đời nay mà nhận xét việc chọn lựa địa điểm thủ đô cho Việt Nam thì hầu hết mọi người đều dễ dàng đồng ý rằng, hoặc là Hà Nội, hoặc là Sài Gòn, một trong hai thành phố đó đương nhiên đứng đầu danh sách. Gạt bỏ qua một bên yếu tố tình cảm chủ quan, ví dụ như người miền bắc thì thiên về việc chọn lựa Hà Nội, người miền nam thì thiên về việc chọn lựa Sài Gòn, cứ lấy con mắt vô tư của người đời nay và căn cứ vào các yếu tố khách quan của thực trạng Việt Nam hiện thời mà cân nhắc sự khác biệt, đánh giá nét đặc thù, nhận định ưu khuyết điểm của hai trung tâm địa lý nói trên, thì việc chọn lựa Hà Nội hay Sài Gòn làm thủ đô của Việt Nam đều có những lý do chính đáng không thể phủ nhận. Cũng với tinh thần vô tư phán xét đó, cũng trên cơ sở phân tích thực trạng Việt Nam hiện thời, không mấy ai ngày nay lại nghĩ đến việc chọn lựa Huế làm thủ đô của nước Việt Nam thống nhất. Nhưng lấy con mắt của người đời nay mà trách cứ Gia Long đã bỏ Đông Đô vốn là nơi ngàn năm văn vật, là trung tâm văn hóa lâu đời, là cái nôi lịch sử của dân tộc, hay trách cứ Gia Long đã bỏ Gia Định vốn là đất căn bản của sự nghiệp hưng vương, là nơi kinh tế phát triển, cư dân đông đảo, tài nguyên dồi dào, để đóng đô ở Phú Xuân là nơi của khôn người khó, ruộng vườn chật hẹp, đất cát khô cằn, thì sự trách cứ đó không tránh khỏi mang tính chất chủ quan và thiển cận. Thực vậy, trong các yếu tố làm cơ sở cho việc quyết định chọn lựa đất đóng đô thì yếu tố chính trị là quan trọng bậc nhất. Gia Long thế tất đã phải giải quyết một số vấn đề chính trị đặc thù của thời đại mà vị thế của Phú Xuân trở thành giải pháp tối hảo. Trong tình huống như thế, các yếu tố lịch sử và văn hóa, cũng như các yếu tố địa lý và kinh tế, đều trở nên thứ yếu. Cứ lấy ngay Trung Quốc ở sát liền bên nước ta làm thí dụ thì thấy ngay là sau thời đại Hán Tùy Đường, tình hình chính trị và xã hội Trung Quốc mỗi ngày một chuyển biến, do chịu nhiều ảnh hưởng ngoại lai nên mang thêm những sắc thái mới, vì vậy mà trung tâm chính trị của Trung Quốc không ngừng di chuyển về phía đông rồi lên phía bắc, cứ xa dần cái nôi lịch sử và văn hóa Trường An. Vậy thì Gia Long đã vì những lý do chính trị nhất định nên mới quyết định không đóng đô ở Đông Đô mà đóng đô ở Phú Xuân. Trách cứ Gia Long bỏ nơi phát tích của dân tộc mà thiên đô vào vùng đất mới Thuận Hóa thì có khác gì trách cứ Tống Thái Tổ bỏ Trường An mà định đô ở Biện Kinh, Minh Thành Tổ bỏ Kim Lăng mà dời đô lên Yên Kinh, Mao Trạch Đông không quay về nơi nguồn cội Tây An mà lại lên phía bắc đặt thủ đô ở Bắc Bình. Đó là về phần các yếu tố lịch sử và văn hóa. Còn yếu tố kinh tế trên cán cân xét đoán chọn lựa địa điểm đóng đô thì hầu như trong tất cả mọi trường hợp đều nằm ở vị thế thứ yếu so với yếu tố chính trị. Trách cứ Gia Long bỏ đất Gia Định trù phú mà trở về định đô ở Phú Xuân thì cũng chẳng khác gì thắc mắc tại sao người Tàu không lấy Thượng Hải mà lại chọn Bắc Kinh làm thủ đô, hay trách cứ người Mỹ chỉ đặt thủ đô ở New York một thời gian vô cùng ngắn ngủi rồi dời về Washington, D.C. Nói tóm lại, trung tâm chính trị của một nước không nhất thiết phải đồng thời là trung tâm kinh tế.
Luận cứ trung tâm địa lý nêu lên sự kiện trung điểm thực sự của Việt Nam là thị trấn Tam Kỳ ở Quảng Nam chứ không phải là thành phố Huế, vì Tam Kỳ nằm đúng vào vị trí trung độ bắc nam chứ không phải Huế vốn gần Hà Nội hơn là Sài Gòn. Theo đường xe lửa xuyên Việt ngày nay thì Huế chỉ cách Hà Nội 668 km, và cách Sài Gòn khoảng 1250 km. Luận cứ trung tâm địa lý không phải là không có cơ sở. Gia Long muốn đóng đô ở miền trung để tiện liên lạcvới cả hai miền nam bắc, vì lẽ vào thời Gia Long, phương tiện giao thông còn thô sơ và chậm chạp, thông tin liên lạc chỉ trông vào tấm hỏa bài cầm tay, ra bắc vào nam, dù bằng ghe bầu hay bằng ngựa trạm thì cũng mất mười mấy ngày trời, chứ không phải chỉ mất mấy tiếng đồng hồ như ngày nay. Gia Long chắc chắn cũng có tính toán cân nhắc đến yếu tố trung tâm địa lý, nhưng tại sao Gia Long lại chọn Phú Xuân mà không chọn Tam Kỳ? Ngự trị ở Phú Xuân để kiểm soát và canh chừng công việc các tòa Tổng Trấn hai miền tự trị nam bắc, Gia Long rất an tâm về phía Gia Định thành, bởi lẽ Gia Định là đất kinh dinh của các chúa Nguyễn, là căn cứ địa hưng quốc của đương triều, cho nên công thần, lương tướng của nhà Nguyễn phần đông là người Gia Định. Trong lúc đó thì mói bận tâm thực sự của Gia Long là Bắc thành. vốn là đất cũ của nhà Lê, lòng người còn tưởng nhớ đến công nghiệp to lớn của các vua Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, và ân sủng của các chúa Trịnh. Bởi vậy, Gia Long đã để cho miền bắc từ Thanh Hoa ngoại trấn (Ninh Bình ngày nay) trở ra đuợc tự trị, lục dụng con cháu các cựu thần nhà Lê, và lập công chúa Ngọc Bình con vua Lê Hiển Tông làm Đệ Tam cung, để mua chuộc lòng người Bắc Hà. Mặt khác, để canh chừng động tĩnh của miền bắc, Gia Long đóng đô ở Phú Xuân cũng tạm gọi là nơi trung độ của đất nước, mà lại có ưu điểm là nằm trên bình nguyên Bình Trị Thiên ăn liền với đồng bằng Thanh Nghệ và châu thổ Nhĩ Hà, đường đi không cách đèo trở núi (1). Trong lúc đó thì từ Huế vào Đà Nẵng chỉ có 107 km mà xe lữa ngày nay phải đi qua 6 đường hầm xuyên sơn, như vậy nếu Gia Long lui về phía nam bên kia núi Hải Vân để đóng đô ở Tam Kỳ thì sự kiện này đương nhiên mang lại hậu quả là Gia Long trong thực tế phải tách biệt với miền bắc, mặc nhiên để cho miền bắc thoát ra ngoài phạm vi ảnh hưởng, và không chóng thì chầy, miền bắc sẽ nổi dậy cát cứ, người dân nước ta lại thêm một lần nữa ngậm ngùi ngâm ngợi ca khúc Hận Sông Gianh!
Cuối cùng là luận cứ của những người nghĩ rằng nếu Gia Long đóng đô ở Bắc Thành thay vì ở Phú Xuân thì cuối thế kỷ 19, giải pháp thành lập một quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến tỉnh Quảng Bình có cơ may thực hiện và Việt Nam sẽ chỉ mất nửa nước phía nam, nửa nước phía bắc sẽ thoát được nạn vong quốc nhờ đứng trung lập giữa Pháp và Tàu. Luận cứ này không hẳn là hoàn toàn giả dụ, mà đã căn cứ vào những nổ lực ngoại giao của sứ thàn nhà Thanh tại Pháp là Tăng Kỷ Trạch với Thủ Tướng Pháp Jules Ferry. Tăng Kỷ Trạch đề nghị với chính phủ Pháp chia cắt nước Đại Nam làm hai phần, phần phía nam thuộc ảnh hưởng Pháp, phần phía bắc thuộc ảnh hưởng Tàu. Đề nghị này không được chính phủ Pháp tán đồng. Những người trách cứ Gia Long nghĩ rằng nếu trưóc kia Gia Long đóng đô ở Hà Nội thì vào thời điểm thương lượng lúc bấy giờ nguời Pháp dễ dàng chấp nhận giải pháp chia cắt hơn, vì lẽ phần lãnh thổ chia cho Pháp không có gì dính dấp, vướng mắc với triều đình nhà Nguyễn nếu quốc đô ở Hà Nội. Luận cứ này mới nghe qua thì có tính thuyết phục cao, nhưng phân tích kỹ lưỡng thì có nhiều điểm không phù hợp với thực tế. Trước hết, chính phủ Pháp không tán đồng chia hai vùng ảnh hưởng không phải vì lý do trong vùng dự tính chia cho Pháp có kinh đô Huế, mà vì lúc đầu Pháp đang gặp khó khăn với Phổ, có lúc muốn nhường Nam Kỳ cho Phổ (2) để nghị hòa, và về sau, thì vì Pháp muốn bành trướng thuộc địa Viễn Đông không những trên toàn cõi Đông Pháp mà còn dự tính bao gồm cả mấy tỉnh Hoa Nam (3). Quyết tâm bành trưóng này được thể hiện về sau qua quyết định dời thủ phủ của Đông Pháp từ Sài Gòn ra Hà Nội năm 1902, cùng với việc mở đường xe lữa Hải Phòng-Côn Minh, và việc chiếm đóng Fort Bayard trên bờ biển phía nam Quảng Đông. Vì vậy, cho dù trưóc đây Gia Long có đóng đô ở Bắc Thành thì cũng chẳng mảy may ảnh hưởng đến quyết tâm chiếm lĩnh toàn bộ nước Đại Nam của chính phủ Pháp, nghĩa là nỗ lực vận động ngoại giao của Tăng Kỷ Trạch không bao giờ có cơ may mang lại kết quả thành tựu. Cứ xem sau này việc thỏa ước Bourée-Lý Hồng Chương ký ngày 20-12-1882 tại Bắc Kinh về việc chia đôi Bắc Kỳ dọc theo sông Nhĩ Hà bị chính phủ Pháp từ khước chấp nhận thì thấy rõ (4). Bàn luận xa hơn chút nữa, giả dụ giải pháp thành lập quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến tỉnh Quảng Bình được thực hiện, thì điều này có mang lại lợi ích thiết thực gì cho dân tộc Việt Nam hay không, hay lại là cái họa lớn cho dân tộc, bởi lẽ chia hai đất nước để đặt dưới ảnh hưởng của hai cường quốc có nếp sống văn hóa khác biệt nhau sẽ làm cho Việt Nam về lâu về dài vỡ vụn không phương hàn gắn? Nửa phần đất nước phía bắc không lọt vào vòng ảnh hưởng chính trị và văn hóa của Pháp sẽ vẫn tiếp tục tự nguyện đặt mình vào vòng ảnh hưởng văn hóa Trung quốc, và dân Việt Nam sẽ tiếp tục dùng chữ Hán làm văn tự chính thức, sẽ tiếp tục học Bắc sử để đi thi nên thông thạo chuyện vua quan bên Tàu hơn chuyện Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, sẽ tiếp tục tin dùng thuốc bắc để chửa bệnh vì nghĩ rằng thuốc bắc hợp với âm dương ngũ hành, với lục phủ ngũ tạng người phương đông, và chắc chắn hơn hết là vào giờ phút này, bước chân vào thiên niên kỷ thứ ba, tuổi trẻ Việt Nam sè ngồi sử dụng máy điện toán mang nhãn hiệu Hán tự! Dân tộc Việt Nam sẽ ra sao? Nửa phần hướng về phương Tây sử dụng chữ quốc ngữ, nửa phần hướng về phương Bắc sử dụng chữ Hán, dân tộc Việt Nam lúc đó liệu có còn chung niềm khát vọng kết hợp trở lại “thành một khối không thể chia lìa mãi mãi đến muôn vạn đời sau”?
Như vậy, vào thời điểm 1802, Gia Long chủ yếu đã vì lý do chính trị mà quyết định đóng đô ở Phú Xuân. Nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ là củng cố nền thông nhất đất nước vừa mới thực hiện. Sau 250 năm đằng đẵng phân chia nam bắc, dân tộc Việt Nam tuy trên danh nghĩa đều là thần dân của vua Lê, nhưng trong thực tế, không những sống dưới hai hệ thống chính quyền khác nhau, mà phong tục, tập quán, thậm chí áo quần (phụ nữ) cũng khác nhau. Gia Long tuy thu gồm giang san từ bắc chí nam về một mối, nhưug biết bao nhiêu dị biệt còn đó, chính quyền cần áp dụng những chính sách mềm dẽo, khôn ngoan và tinh tế mới làm chủ được tình hình, mới củng cố được thành quả thống nhất. Nếu Gia Long cứ tiếp tục đặt bản doanh ở căn cứ Gia Định thì làm sao kiểm soát được Bắc Hà. Nếu Gia Long thiên đô ra Bắc Hà thì lại lâm vào tình trạng mạo hiểm bỏ nơi căn bản mà đi vào đất lạ xứ người, bản thân chưa có ân nghĩa gì với nhân dân. Trong tình huống đó, Gia Long tìm thấy ở Phú Xuân giải pháp tối hảo, không đơn giản chỉ vì Phú Xuân là đất khởi nghiệp của tổ tiên, mà chủ yếu là vì vị trí chiến lược của Phú Xuân về cả hai mặt chính trị và quân sự đã được minh chứng qua tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử tranh dành ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây về cả hai mặt chính trị và văn hóa. Ảnh hưởng phương bắc đến từ nước Tàu, ảnh hưởng phương tây đến từ Ấn Độ và gần đây là từ các nước Tây Dương. Nöi đối đàu lịch sử là miền Trung bộ, chủ yếu là vùng Bình Trị Thiên. Lược bỏ thời sơ sử mù mịt mà Bình Trị Thiên được sử cũ gọi là bộ Việt Thường nước Văn Lang, cứ xét thời Bắc thuộc trở về sau, nhất là từ khi nước Lâm Ấp được thành lập khởi nguyên từ huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam (Quảng Nam ngày nay) vào năm 192, niên hiệu Sơ Bình thứ 3 đời vua Hiến Đế nhà Hán, thì quả tình suốt một giải đất bắc bộ quận Nhật Nam (Bình Trị Thiên) đã là chiến trường miên viễn giữa Giao Châu và Lâm Ấp, rồi về sau giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Trong cuộc chiến tranh giằng co kéo dài qua mười mấy thế kỷ đó đã nổi bật một địa điểm chiến lược vô cùng quan trọng, đó là thành Khu Túc nằm trên bờ nam sông Hương, từ xã Nguyệt Biều đến điểm hợp lưu với sông đào Phú Cam ngày nay, thuộc địa phận thành phố Huế. Các nhà sử học nước ta thời trước ít khi đề cập đến thành Khu Túc, hoặc giả có nhắc nhở đến thì cũng chỉ là nhân dịp nói lại những điều ghi chép trong sử Trung Quốc có liên hệ đến thành Khu Túc mà thôi. Ngay cả địa điểm thành Khu Túc chính xác tọa lạc ở đâu, sử cũ cũng lờ mờ, có sách nói ở bờ nam sông Hương, có sách nói ở Cao Lao Hạ, Quảng Bình. Đại Nam Nhất thống chí là cuốn địa chí đầy đủ và đáng tin cậy nhất trong các sách địa chí cũ của ta trước đây, về tỉnh Quảng Bình, mục cổ tích, cũng tỏ ra trước sau bất nhất khi đề cập đến các di tích Lâm Ấp phế thành và Hoành Sơn cổ lũy ở huyện Bình Chính, khi thì nghi rằng đây là thành Khu Túc, khi thì cho rằng đây là lũy cũ do vua Lâm Ấp Phạm Văn đắp để làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp. Chỉ gần đây các nhà sử học người Pháp mới đưa ra một vài kết luận cụ thể, như L. Aurousseau viết trong Tập san Trường Viễn Đông Bác cổ (B.E.F.E.O., tome 23) rằng quận lỵ quận Nhật Nam đời Hán đóng ở huyện Tây Quyển ở gần Huế, và G. Maspéreau trong cuốn Le Royaume de Champa khẳng định rằng biên giới cực nam của Giao Châu đời Tấn là huyện Thọ Lãnh ở chung quanh mũi Chân Mây (Choumay) tỉnh Thừa Thiên ngày nay. Luận điểm của L. Aurousseau và G. Maspéreau phù hợp với sử liệu Trung Quốc. Tam Quốc chí, Ngô chí chép ràng niên hiệu Xích Ô thứ 11 (năm 248), Lâm Ấp tiến chiếm thành Khu Túc, rồi kéo ra đánh phá các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, san bằng hai quận thành này. Ngô chủ Tôn Quyền sai Lục Dận làm Thứ Sử Giao Châu, An Nam Hiệu Úy; Lục Dận đem đại binh ứng phó, Lâm Ấp mới lui quân, nhưng vẫn giữ Khu Túc, và lấy huyện Thọ Lãnh làm cương giới. Tấn thư chép rằng đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 3 (năm 347), vua Lâm Ấp là Phạm Văn cử binh đánh chiếm quận Nhật Nam, bắt giết Thái Thú Hạ Hầu Lãm, san bằng huyện thành Tây Quyển, đắp lũy ở huyện Bình Chánh để làm đường phân ranh Giao Châu-Lâm Ấp. Niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 5 (năm 349), Chinh Tây Đốc Hộ Đằng Tuấn đem binh Giao Quảng tái chiếm Nhật Nam, bị Phạm Văn đánh bại, phải lui về Cửu Chân, nhưng Phạm Văn cũng bị thương mà chết, con là Phạm Phật lên thay. Tấn Mục Đế, niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 7 (năm 351), Chinh Tây Đốc Hộ Đằng Tuấn, Thứ Sử Giao Châu Dương Bình và Thái Thú Cửu Chân Quán Súy hợp binh Giao Quảng tiến đánh vào quận lỵ cũ Nhật Nam; Phạm Phật thua chạy, bọn Đằng Tuấn đuổi theo qua Thọ Lãnh đến Khu Túc, rồi hai bên giảng hòa. Vẫn đời Tấn Mục Đế, niên hiệu Thăng Bình năm đầu (năm 359), Phạm Phật lại xâm lấn Nhật Nam, Thứ Sử Giao Châu là Ôn Phóng Chi cử đại binh thủy lục vào đánh, Phạm Phật giữ vững thành Khu Túc, hai bên lại nghị hòa, lấy bến Ôn Công (mũi Chân Mây) làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp, từ đó Nhật Nam mới tạm yên.
Các sử liệu trên đây cho thấy là thành Khu Túc tọa lạc ở Thừa Thiên (bờ nam sông Hương), chứ không thể nào lại ở Quảng Bình (Cao Lao Hạ). Buổi đầu mới lập quốc, vào cuối đời Đông Hán, Lâm Ấp lo củng cố thực lực, chỉ hoạt động quanh quẩn trong địa bàn huyện Tượng Lâm. Qua đời Tam Quốc, Lâm Ấp đủ mạnh để tính chuyện bành trướng thế lực lên phía bắc, do đó mới có việc Lâm Ấp chiếm đóng thành Khu Túc của quận Nhật Nam và cuộc chiến tranh với Lục Dận năm 248. Khu Túc trở thành căn cứ quân sự trọng yếu của Lâm Ấp để xuất phát các cuộc tấn công xâm lấn Giao Châu. Từ Khu Túc, quân Lâm Ấp tiến lên đánh chiếm Nhật Nam, cướp phá Cửu Chân và Giao Chỉ. Tiến công thất bại thì quân Lâm Ấp lui về cố thủ Khu Túc, giữ vững cương giới Thọ Lãnh để bảo vệ Tượng Lâm. Như vậy, thành Khu Túc nhất định phải nằm ở mạn nam quận Nhật Nam, trong địa phận huyện Tây Quyển tiếp giáp với huyện Tượng Lâm. Cứ xem các trận chiến giữa quân Lâm Ấp và quân Giao Quảng trong đời Tấn Mục Đế thì thấy rõ vị trí của thành Khu Túc. Rõ ràng sử nhà Tấn đã chép là bọn Đốc Hộ Đằng Tuấn và Thứ Sử Dương Bình đánh bại Phạm Phật ở Tây Quyển, đuổi theo Phạm Phật qua Thọ Lãnh đến Khu Túc rồi hai bên nghị hòa. Nếu thành Khu Túc tọa lạc ở Quảng Bình thì chả lẽ bọn quan binh nhà Tấn đã hành động trái lẽ thường là bỏ qua Khu Túc để đi vòng ra phía biển xuôi xuống nam đánh chiếm Tây Quyển, đuổi theo Phạm Phật vào Thọ Lãnh rồi quay ngược trở ra Khu Túc nghị hòa? Mà nếu quả thực bọn Đằng Tuấn thực hiện thành công được một kế hoạch đánh vu hồi ngoạn mục như vậy thì Phạm Phật một là chạy thẳng vào Tượng Lâm, hai là thúc thủ chịu trói, chứ còn có đường nào trở lại phía bắc để cố thủ Khu Túc và thương thuyết giảng hòa! Như vậy, thành Khu Túc thời trước nằm ở tây nam thành phố Huế ngày nay, di tích đến bây giờ vẫn còn, được dân chúng địa phương gọi là thành Lồi (5), ở bờ nam sông Hương, thuộc xã Nguyệt Biều, còn Lâm Ấp phế thành hay Hoành Sơn cổ lũy ở Cao Lao Hạ tỉnh Quảng Bình là di tích của lũy cũ do Phạm Văn đắp năm 347 để mưu tính chuyện làm ranh giới Giao Châu-Lâm Ấp, nhưng không thành, vì lẽ sau khi Phạm Văn chết, con là Phạm Phật liên tiếp bị các Thứ Sử Giao Châu Dương Bình, Nguyễn Phu, Ôn Phóng Chi đánh bại, nên lui về cố thủ Khu Túc, bằng lòng trả lại Nhật Nam (năm 359), lấy bến Ôn Công làm ranh giới.
Thành Khu Túc là căn cứ quân sự trọng yếu của Lâm Ấp. Nếu những dữ kiện vừa nói trên đây đã minh xác vai trò căn cứ xuất phát tiến công về phía bắc của thành Khu Túc thì những dẫn chứng tiếp sau đây sẽ nói lên vai trò căn cứ phòng ngự của thành Khu Túc, án ngữ các cuộc tiến quân từ phương bắc xuống xâm lấn Lâm Ấp. Từ năm 248 là năm Lâm Ấp chiếm thành Khu Túc trở đi, trải qua các đời Tam Quốc (Đông Ngô), Tấn, Nam Bắc triều (Tống), trong khoảng 200 năm trời, các cuộc tấn công của Lâm Ấp vào Giao Châu khi thành khi bại, nhưng Lâm Ấp bao giờ cũng giữ được thành Khu Túc. Lần chót vào đời Tống Văn Đế, niên hiệu Nguyên Gia thứ 8 (năm 431), vua Lâm Ấp là Dương Mại II đem hơn 100 chiến thuyền ra cướp quận Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay), Thứ Sử Giao Châu là Nguyễn Di Chi đem quân đánh dẹp, đánh đến thành Khu Túc nhưng không hạ được thành, phải rút về. Dương Mại II đắc chí, năm 433 sai sứ sang Tống triều đòi trao đất Giao Châu cho Lâm Ấp. Tống triều không cho, Dương Mại II tức giận, và từ đó thường xuyên ra cướp phá Giao Châu. Niên hiệu Nguyên Gia thứ 23 (năm 446), Tống Văn Đế sai Thứ Sử Giao Châu Đàn Hòa Chi cùng Tư mã Tiêu Cảnh Hiến, Chấn Võ Tướng quân Tông Xác, Thái Thú Nhật Nam Khương Trọng Cơ, Tham Mưu Kiều Hoằng Dân đem đại binh đi đánh Dương Mại II, hạ được thành Khu Túc, thừa thắng tiến chiếm kinh đô Trà Kiệu (Sinharpura), thu được nhiều vàng bạc châu báu. Mất thành Khu Túc, từ đó các vua Lâm Ấp không xâm phạm Giao Châu nữa, chịu qui phục Trung Quốc, và đời Tề Võ Đế, niên hiệu Vĩnh Ninh thứ 10 (năm 492), chịu thụ phong làm An Nam Tướng quân Lâm Ấp vương. Nhưng đến đời Lương Võ Đế, niên hiệu Đại Đồng thứ 7 (năm 541), nhân Lý Bôn nổi lên xưng đế ở Giao Châu, Lâm Ấp chiếm lại Nhật Nam, củng cố thành Khu Túc và đoạn giao với Trung Quốc. Nhà Tùy diệt nhà Trần, thống nhất Trung Quốc, đến đời Tùy Dượng Đế, niên hiệu Đại Nghiệp năm đàu (năm 605), sai Lưu Phương làm Hoan Châu đạo Hành quân Tổng quản, kinh lược Lâm Ấp. Lưu Phương tiến chiếm thành Khu Túc rồi kéo vào kinh đô Trà Kiệu thu vén vàng bạc châu báu cùng kinh Phật đem về Trung Quốc, và chia đất mới bình định thành 3 quận Tỵ Cảnh, Hải Âm và Lâm Ấp. Cương giới cực nam của đế quốc Tùy lại tiến đến tận mũi Diều (Varella) như thời Tây Hán. Nhưng chỉ được 10 năm, Trung Quốc lại loạn lạc, và người Lâm Ấp nổi lên thu phục đất cũ. Nhà Đường kế nghiệp nhà Tùy, quan binh ở An Nam Đô Hộ phủ (Giao Châu) bận lo đối phó với Nam Chiếu, nên đất cát quận Nhật Nam thời trước mất hẳn về Lâm Ấp, ranh giới An Nam-Lâm Ấp lùi về núi Hoành Sơn. Từ đó không thấy sử cũ nhắc nhở đến thành Khu Túc, chỉ thấy từ đời Đường Túc Tông, niên hiệu Càn Nguyên năm dầu (năm 758), Lâm Ấp được sử Tàu gọi là nước Hoàn Vương, và từ đời Đường Hy Tông, niên hiệu Kiền Phù thứ 2 (năm 875) trở đi thì gọi là Chiêm thành (Champapura).
Từ khi Giao Châu giành lại độc lập thì chiến cuộc giữa Đại Việt và Chiêm Thành bước sang một lối rẽ khác. Trước đây quan binh nhà Đường và Ngũ Đại ở Giao Châu đa số là người Tàu không quen phong thổ phương nam, nên thiên về thế phòng vệ, chịu lép mất đất Nhật Nam. Bây giờ tướng sĩ Đại Cồ Việt là dân bản địa dạn dày sương gió, hăm hở nhìn về phương nam tìm đất mới để mở rộng không gian sinh tồn, nên thiên về thế tiến công, bước đầu là tái chiếm đất Nhật Nam. Sử chép vua Lê Đại Hành, niên hiệu Thiên Phúc thứ 3 (năm 982), thân hành đem quân đi đánh Chiêm Thành, chém vua Chiêm là Tỳ Mi Thuế (Paramecvaravarman) tại trận, tiến vào chiếm đóng kinh đô Đồng Dương (Indrapura), hủy tông miếu, phá thành trì, thu báu vật, và trước khi trở về Hoa Lư đã để lại một đạo quân do Quản Giáp Lưu Kế Tông chỉ huy để quản trị vùng đất mới. Vua mới lên ngôi của Chiêm Thành là Indravarman IV chạy vào Panduranga (Phan Rang ngày nay). Thế là đất cũ Nhật Nam đời Hán được thu hồi, cương giới cực nam của Đại Cồ Việt đầu đời Tiền Lê là ở mũi Diều. Nhưng chỉ 3 năm sau khi vua Lê ban sư, niên hiệu Ung Hy thứ 3 (năm 986) đời Tống Thái Tông, Lưu Kế Tông tự lập làm vua, sai sứ là Lý Triều Tiên sang triều cống vua Tống. Người Chiêm Thành không tuân phục Lưu Kế Tông, một số chạy qua tỵ nạn ở Thanh Viễn, Nam Hải (Quảng Châu), và ở Đạm Châu (Hải Nam), một số nổi lên chống đối và vào năm 988 tôn phù Băng Vương La Duệ (Harivarman II) lên làm vua ở thành Phật Thệ (Vijaya) thuộc địa phận tỉnh Bình Định ngày nay (6). Năm sau, Lưu Kế Tông mất, người Chiêm Thành thu phục đất cũ. Năm 990, Lê Đại Hành sai quân sang đánh châu Địa Lý, nhưng Tống Thái Tông dàn xếp cho hai bên Việt Chiêm giảng hòa. Vua Lê chịu giải binh, năm 992 chỉ sai Ngô Tử An đem 3 vạn người mở con đường xuyên Hoành Sơn thông thương với châu Địa Lý (7). Việc Lưu Kế Tông nổi lên cát cứ và tự lập làm vua chỉ thấy Tống sử ghi chép rành rẽ, chứ sử ta thì không đả động đến. Đại Việt Sử ký Toàn thư chỉ thuật vắn tắt rằng Lưu Kế Tông vốn là một viên quản giáp trong đạo quân viễn chinh của vua Lê Đại Hành bỏ ngũ trốn ở lại, đến năm Thiên Phúc thứ 4 (năm 983), vua Lê sai người đi bắt được, đem chém. Quản giáp đời Tiền Lê là chức quan võ giữ việc binh của một châu, chứ không phải là người chỉ huy 15 binh sĩ như đầu đời Lý. Nếu quả thực Lưu Kế Tông đơn thương độc mã trốn ở lại, nghĩa là không có trong tay đội quân trú phòng vua Lê lưu lại chiếm đóng Nhật Nam, thì làm thế nào Lưu Kế Tông khuất phục được người Chiêm Thành để tự lập làm vua? Nếu quả thực Lưu Kế Tông bị vua Lê bắt chém năm 983 thì hà cớ gì Tống sử lại chép việc Lưu Kế Tông năm 986 gửi sứ giả là Lý Triều Tiên sang triều cống, cũng như chép biểu tấu các năm 986, 987, 988 của các biên thần Quảng Châu và Đạm Châu về việc người Chiêm Thành vì chống Lưu Kế Tông nên vượt biển đến xin qui phụ. Sở dĩ chuyện Lưu Kế Tông tự lập làm vua bị sử cũ nước ta lược bỏ là vì triều đại Tiền Lê quá ngắn ngủi, Lê Đại Hành lại không có sử thần riêng để tán tụng công đức, mà trong thực tế, công nghiệp của Lê Đại Hành lại quá to lớn, chiến công của Lê Đại Hành lại quá oanh liệt, đã thu hồi toàn bộ đất Nhật Nam và lưu quân trú phòng ở lại chiếm giữ, lại liên tiếp chiến thắng quân Tống hai trận lớn ở sông Bạch Đằng và ở ải Chi Lăng, chém chết tướng Tống Hầu Nhân Bảo và vua Chiêm Tỳ Mi Thuế đều ở ngay trận tiền, đánh tiến công giáp mặt chứ không đánh phòng ngự giằng co, sự nghiệp hiển hách như vậy các triều Lý Trần cũng không hơn được, nên sử quan các đời sau đã vì chúa mình mà lược bớt. Mặt khác, Lưu Kế Tông phản phúc tự lập làm vua, mưu chuyện cát cứ, nhưng lòng người Chiêm không qui phục, đã không giữ được ngôi vị của mình mà còn làm hỏng công việc bình định mở đất của Lê Đại Hành, là tấm gương biên thần phân cát xấu xa nên sử cũ nưóc ta xét không đáng để hậu thế biết tới. Rút cục, sự nghiệp nam tiến của Lê Đại Hành đã vì việc Lưu Kế Tông phản phúc mà chỉ còn thu gọn trong việc lấy lại châu Bố Chính và mở đường xuyên sơn vào châu Địa Lý, nhưng thành quả này cũng đã góp phần không nhỏ vào việc các triều đại về sau chiếm trọn cánh đồng Bình Trị Thiên, mở đường cho quân lính nhà Hậu Lê tiến vào thành Chà Bàn (Vijaya) năm 1471, đưa cương giới cực nam của Đại Việt trở lại mũi Diều.
Những dữ kiện lịch sử trên đây đã minh chứng vai trò chiến lược quan trọng của thành Khu Túc trên cả hai bình diện tiến công và phòng ngự trong các chiến dịch quân sự trên địa bàn quận Nhật Nam. Chiếm được thành Khu Túc, quân Lâm Ấp chiếm luôn huyện Tây Quyển, uy hiếp quận Cửu Chân. Giữ được thành Khu Túc, quân Lâm Ấp bảo vệ được huyện Tượng Lâm và quốc đô Trà Kiệu. Mất thành Khu Túc, Lâm Ấp mất luôn Trà Kiệu, phải dời đô lùi xuống Đồng Dương. Không còn thành Khu Túc, quân Tiền Lê đánh thẳng vào Tượng Lâm, phá hủy Đồng Dương, quân Lý, Trần cướp phá Phật Thệ, quân Hậu Lê chiếm đóng Chà bàn. Thành Khu Túc biến khỏi vũ đài lịch sử thì thành Hóa Châu xuất hiện theo với chiến lược đưa má phấn đổi lấy trường thành của nhà Trần. Từ đó, thành Hóa Châu trở thành tièn đồn xung kích của căn cứ địa Thăng Long trong sự nghiệp nam tiến của dân tộc Đại Việt. Các đạo vương sư nam phạt đời Lý, Trần, Hậu Lê đều dừng lại nghỉ ngơi ở cửa biển Tư Dung trước khi tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành. Thành Hóa Châu cũng trở thành hậu cứ kháng chiến ngoại xâm để quang phục Thăng Long của các vua Giản Định và Trùng Quang nhà Hậu Trần, khiến tướng nhà Minh là Trương Phụ phải thốt lên lời thề độc địa: “Ta sống phen này là ở Hóa Châu, ta chết phen này cũng ở Hóa Châu!”.
Huyện thành Tây Quyển, chiến lũy Khu Túc thời Bắc thuộc, lộ thành Hóa Châu, cửa biển Tư Dung thời Trần Lê, vị trí của các địa danh này nằm trong vùng phụ cận kinh thành Phú Xuân thời Gia Long. Tìm hiểu tại sao vua Gia Long đóng đô ở Phú Xuân, ta có thể tóm lược vấn đề này như sau: Trước khi làm vua, Gia Long đã làm tướng, làm Đại Nguyên soái Tổng Quốc chính, ròng rã 24 năm trời. Chắc chắn Gia Long đã dùng con mắt nhà chiến lược chính trị và quân sự từng trải để quyết định việc đóng đô ở Phú Xuân.
Tháng 12, năm 2000
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Chú thích:
(1). Từ Đồng Hới đi Vinh, quốc lộ 1 men theo bờ biển phải vượt đèo Ngang, nhưng đường xe lửa đi trong nội địa ngược lên nguồn sông Gianh rồi xuôi theo thung lũng các sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu không phải chui qua hầm.
(2). Pháp bại trận trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi với Phổ năm 1870. Hoàng Hậu Eugénie de Montijo, vợ Napoléon III, giữ quyền Nhiếp chính, muốn nhường Nam Kỳ cho Phổ, thay vì Alsace-Lorraine, để nghị hòa. Thương lượng này thất bại, vì liền sau đó, ngày 23-10-1870, nền Cộng Hòa Pháp được thành lập, Hoàng Hậu Eugénie bị truất phế, phải trốn sang Anh tỵ nạn.
(3). Công luận nước Pháp đương thời chịu ảnh hưởng mạnh mẻ của chủ thuyết bành trướng thuộc địa Leroy-Beaulieu trình bày trong tác phẩm ‘De la colonisation chez les peuples modernes’ xuất bản ở Paris năm 1882. Các chính khách Pháp Gambetta và Jules Ferry tin tưởng rằng chính sách thực dân và bành trướng lãnh thổ hải ngoại sẽ đưa nước Pháp lên địa vị hùng cường.
(4). Ngày 25-4-1882, Henri Rivière chiếm thành Hà Nội. Cuối năm đó, nhà Thanh phái Tạ Kính Bưu và Đường Cảnh Tùng đem quân chiếm Bắc Ninh và Sơn Tây, lấy danh nghĩa cứu viện Việt Nam, nhưng thực tâm là âm mưu phân chia Bắc Kỳ với Pháp. Ngày 20-12-1882, Đại Sứ Pháp tại Bắc Kinh là Bourée ký với Tổng Đốc Trực Lệ Lý Hồng Chương một tạm ước qui định những căn bản về việc chia hai Bắc Kỳ dọc theo sông Nhĩ Hà, phía tả ngạn dành cho Trung Quốc, phía hữu ngạn dành cho Pháp. Vì đã có quyết tâm bành trướng thuộc địa nên chính phủ Pháp không chuẩn phê thỏa ước này.
(5). Theo lời truyền tụng của dân chúng địa phương, Thành Lồi do quân Chiêm Thành đắp xong trong một đêm ở bờ nam sông Hương để chống nhau với quân Đại Việt đóng ở bên kia sông. Thay vì giao chiến ngay, tướng chỉ huy hai bên thi đua nhau đắp thành, ước hẹn sau một đêm, bên nào đắp thành dài lớn hơn thì bên ấy thắng. Trong lúc quân Chiêm Thành hì hục đào đất đắp thành “thật” thì quân Đại Việt dùng tre và cót dựng thành “giả”, kết quả đương nhiên là thành bên Đại Việt dài lớn hơn thành bên Chiêm Thành. Tướng Chiêm Thành tưởng rằng quân Đại Việt đông lắm nên sợ hãi rút quân. Lời truyền tụng này chỉ là biểu hiện của tâm trạng khinh thị người Chiêm Thành ngây ngô, hoàn toàn không phù hợp với thực tế lịch sử. Thành Lồi là di tích của thành Khu Túc được xây dựng và tu bổ nhiều lần từ thời Bắc thuộc.
(6). Khâm Định Việt sử và một vài tác giả sau này (Đào Duy Anh, Trần Văn Tích) cho rằng thành Phật Thệ là thành Lồi ở xã Nguyệt Biều gần Huế. Phạm Văn Sơn thì bất nhất, đoạn trước nói về đời Lý Thái Tông thì viết vua Lý đánh thành Phật Thệ ở gần Huế, chém Sạ Đẩu, bắt Mỵ Ê, v.v., đoạn sau nói về đời vua Lý Thánh Tông thì lại viết vua Lý đi đánh Chiêm Thành, dừng quân ở Tư Dung, vào cửa Thi Nại, tiến lên chiếm thành Phật Thệ ở Bình Định ngày nay. Sự thực thì dưới thời Bắc thuộc cho đến nhà Tùy, vùng Huế thuộc quận Nhật Nam, và kinh đô của Lâm Ấp là ở Trà Kiệu (Quảng Nam). Từ trung diệp nhà Đường trở đi, Nhật Nam mất về Chiêm Thành, nhưng kinh đô của Chiêm Thành là Đồng Dương, vẫn trong địa hạt Quảng Nam. Khi Lê Đại Hành triệt hạ thành Đồng Dương thì vua Chiêm chạy vào Phan Rang, và Lê Đại Hành lưu quân chiếm đóng miền bắc Chiêm Thành. Năm 988, người Chiêm Thành nổi dậy, tôn Harivarman II lên ngô

No comments: