Wednesday, September 5, 2012

NGUYỄN CAO QUYỀN * THÀNH TÍCH ĐẤU TRANH

THÀNH TÍCH ĐẤU TRANH VÀ KẾT HỢP
CỦA KHỐI NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA

Nguyễn Cao Quyền

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến tranh Việt Nam chấm dứt giữa Mỹ và Việt cộng nhưng ngày đó lại là khởi điểm của một cuộc chiến khác : cuộc chiến do người Việt quốc gia, đại diện cho xu hướng tiến bộ của nhân loại, tiến hành chống lại bọn độc tài, thoái hóa và tham nhũng hiện đang đưa đất nước đi vào ngõ cụt.
Căn cứ vào hiện tình của thế giới hậu cộng sản, cảm tưởng chung của nhân loại là lịch sử đang có những chuyển động mạnh theo chiều hướng dân chủ để đưa con người vĩnh viễn ra khỏi đám mây mù Xã Hội Chủ Nghĩa. Tuy nhiên riêng đối với trường hợp của Việt Nam, cảm tưởng này chưa được đón nhận rộng rãi với nhiều tin tưởng .
Những bộ óc bi quan cho rằng sau khi thoát chết vào năm 1986, CSVN nay đã khỏe lại. Với bản chất ngoan cố như mọi người đều biết, chúng sẽ ở lại chính quyền và sẽ không bao giờ tự ý rút lui mặc dầu chúng biết rất rõ là chủ nghĩa cộng sản đã đi vào sọt rác của lịch sử. Những người dân chủ trong nước cũng như cộng đồng nguời Việt tự do hải ngọai đã chẳng làm được gì nhiều trong 28 năm qua để chuyển thể chính trị tại quê hương và cũng có rất ít hy vọng là họ sẽ làm được việc gì cụ thể trong thời gian trước mắt.
Nói khác, phái bi quan cho rằng hòn đá tảng Việt cộng vẫn nằm nguyên vẹn giữa lối chúng ta đi. Nhận xét này buộc ta phải xét lại " thực tế " của cả hai phe : ta và địch. Xét lại thật vô tư và chính xác để củng cố niềm tin ngõ hầu hoàn tất thành công quãng đường đấu tranh còn lại.
I - THỰC TẾ CỦA PHE TA
Về phần chúng ta, kiểm điểm những gì đã làm được trong 28 năm qua trên lộ trình đấu tranh dân chủ, chúng ta thấy 3 giai đoạn đã thành hình rõ rệt.
· Giai đoạn thứ nhất từ 1975 đến 1990 : Trong suốt thời kỳ này chúng ta chỉ khiêm tốn đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Sau năm 1986, lợi dụng kẽ hở " Đổi Mới " của Hà Nội, bằng những đợt du lịch về quê ăn Tết và thăm thân nhân, chúng ta đã ào ạt đổ vào Việt Nam nền văn hóa dân chủ Tây Phương. Hậu quả là vào lúc này dân chúng trong nước đã được xem các chương trình giải trí của thế giới tự do trên truyền hình của nhà nước độc tài, đã có nhiều sản phẩm Âu Mỹ để mua sắm, sách báo dân chủ để đọc và đồ ăn đến từ nước ngoài để thưởng thức. Những khía cạnh sinh hoạt này đã tạo nên một sự chuyển động ngầm trong xã hội, một sự chối bỏ các giá trị cộng sản lỗi thời. Chuyển động này tạo nứt rạn giữa quần chúng và chính quyền, đồng thời trang bị cho não trạng chính trị của người dân nhậïn thức cần thiết về những ý niệm dân chủ và nhân quyền.
· Giai đoạn thứ hai từ 1990 đến 2000 : Sau khi bức tường ô nhục Bá Linh bị phá bỏ ( 1989 ) chúng ta tiến hành đấu tranh dân chủ. Với phương tiện truyền thông hiện đại chúng ta thường trực bao vây bọn lãnh đạo CSVN bằng những tiếng nói và tư tưởng dân chủ, đồng thời, phổ biến rộng rãi những tư tưởng này trong quần chúng. Trong lớp người trẻ tượng trưng cho 60% toàn khối dân tộc hiện nay, ý thức dân chủ đã lan nhanh về cả bề mặt lẫn chiều sâu. Trước sức ép của ý thức dân chủ đến từ tứ phía, CSVN đã phải chùn tay đàn áp. Mảnh đất độc tài của chúng đã thu hẹp lại rất nhiều và còn tiếp tục thu hẹp thêm khi thương ước Việt-Mỹ trở thành những mối liên hệ kinh tế không thể thiếu, vào một tương lai không xa lắm.
· Giai đoạn thứ ba là giai đoạn hiện nay : Tác dụng của những chuyển động xã hội vừa trình bầy, diễn biến cùng nhịp độ với đà phát tiển kinh tế trong thời kỳ " Đổi Mới ", đã bỏ đảng CSVN rớt lại đằng sau. Hiện tượng tụt hậu này sẽ đưa đến tình trạng giống hệt như những gì đã xảy ra tại Đông Âu năm 1989. Mất khả năng cai trị, đảng sẽ phải tự điều chỉnh và hợp thức hóa ý nguyện của nhân dân hoặc sẽ bị loại khỏi vị thế cầm quyền. " Đổi Mới " là giai đoạn chót trong chu kỳ phát triển của một chế độ chính trị độc tài xây dựng theo mẫu hình Stalinít.
II - THỰC TẾ CỦA PHÍA ĐỊCH
Về phía đich hãy thử lượng định một cách thật chính xác và vô tư những gì đã xảy ra trong cùng một thời gian. Trong 28 năm qua, trước sức ép của trào lưu dân chủ hóa toàn cầu và của khối người Việt tự do hải ngoại, CSVN đã kinh qua 3 giai đoạn khủng hoảng, được ghi nhận như sau :
· Khủng hoảng thứ nhất : Loại khủng hoảng này có tên là khủng hoảng chính danh. Chính danh mà CSVN vẫn thường vỗ ngực khoe khoang là công lao đánh đuổi ngoại xâm và thống nhất đất nước. Hai chiêu bài này gần đây đã bị lật tẩy và không còn ‘ ăn khách ". Để giải quyết khủng hoảng thứ nhất này chúng liền đưa ra chiêu bài " Kinh tế thị trường với định hướng XHCN " với hy vọng lấy lại được tín nhiệm của toàn dân.
· Khủng hoảng thứ hai : Trên thực tế cái chiêu bài ngớ ngẩn " Kinh tế thị trường với định hướng XHCN " cũng không giải quyết được vấn đề. Chúng liền áp dụng một ngón nghề chính trị trắng trợn hơn là "thay ngựa giữa dòng". Với sự thay thế này, chúng hy vọng gây được ảo tưởng là những khó khăn đương gặp sẽ được nhóm lãnh đạo mới giải quyết. Hiện tượng lên ngôi vội vã của Lê Khả Phiêu cách đây không lâu, có thể dùng để minh họa cho loại khủng hoảng thứ hai này.
· Khủng hoảng thứ ba : Khủng hoảng này xuất hiện khi mọi tiểu xảo dùng để giải thích chính danh không còn sức thuyết phục nữa và phương cách thay ngựa giữa dòng cũng không giúp được việc gì. Phản ứng cố hũu của các chính quyền cộng sản stalinít , trong trường hợp này, là quay về chính sách dùng bạo lực và khủng bốø để cưỡng ép nhân dân tuân theo đường lối cai trị của chúng. Khủng hoảng này hiện đang xảy ra tại Việt Nam.
Loại khủng hoảng thứ tư, dành sẵn cho tà quyền Hà Nội, có tên là khủng hoảng về bản chất của thể chế (Identity crisis ). Đây là khủng hoảng chót trước khi sụp đổ. Đặc tính của loại khủng hoảng này được mô tả như sau. Các lãnh tụ cộng sản tự biết là chúngï đã lầm nhưng vì đang ở thế "cưỡi lưng cọp " nên chúng phải nhắm mắt đi theo con đường cũ. Tác giả Hasegawa, sau khi nghiên cứu trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, cho rằng nếu không có sự lật đổ bằng một cuộc cách mạng thì sự chuyển thể chính trị tại hai quốc gia này sẽ diễn biến qua 3 giai đoạn :
· Giai đoạn đầu : Chính quyền CS bắt buộc phải chuyển từ toàn tài ( totalitarianism ) sang độc tài (authoritalianism ). Sự thức tỉnh chính trị của người dân, tác động của hiện tượng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng truyền thông không cho phép chính quyền ở các nuớc này quá lộng hành. Chính trị vẫn bị kiểm soát chặt chẽ nhưng kinh tế bắt buộc phải nới lỏng đôi phần. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đang ở trong tình trạng này.
· Giai đoạn thứ hai : Giai đoạn này là giai đoạn dân chủ hiến định . Chế độ độc đảng vẫn còn nhưng mọi thực thể chính trị trong nước, kể cả đảng cộng sản , đều phải tuân hành hiến pháp và luật pháp. Trung Quốc đang cố gắng tiến sang giai đoạn thứ hai này trong khi Việt Nam vẫn ngoan cố kiên định con đường xã hội chủ nghĩa một cách rất tối tăm và lạc hậu.
· Giai đoạn thứ ba : Đây là giai đoạn dân chủ hóa thực sự. Độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản bị hủy bỏ để nhường chỗ cho những cuộc bầu cử định kỳ bằng phổ thông đầu phiếu. Xã hội là một xã hội trong đó công dân được hưởng mọi hình thức của tự do và trong đó dân quyền và nhân quyền được tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ bởi chính quyền. Nếu không có gì bất thường xẩy ra thì Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn thứ ba này trong vài thập kỷ nữa. Việt Nam có thể tiến nhanh hơn vì kích thước nhỏ hơn, nếu những người lãnh đạo cộng sản chịu nhìn thấy đường đi.
Như vậy, ta thấy là thành tích đấu tranh cho dân chủ của khối người Việt quốc gia trong 28 năm qua, mặc dầu chưa có gì là ngoạn mục nhưng cũng không phải là không đáng kể. Chúng ta đã ghi một vài bàn thắng cụ thể trong hiệp đầu và CSVN đang bị bắt buộc lui về thế thủ.Tuy vẫn còn nhiều dị biệt trong phương cách đấu tranh nhưng mẫu số chung " chống cộng " của tập thể người Việt hải ngoại là bất di bất dịch. Sự kết hợp giữa khối này và khối khác tuy còn lỏng lẻo nhưng vẫn tiếp tục phát triển trên một căn bản hợp lý hơn và hữu hiệu hơn.
Sự gia nhập của giới trẻ, thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, vào tiến trình đấu tranh càng ngày càng đông đảo và họ cũng đã tạo được những thành tích có tác dụng bổ túc, thay thế và hoàn chỉnh những phương thức vận động dân chủ của cha anh nhiều khi đã không còn ứng dụng.
Chiến dịch cờ vàng, thành công và nở rộ khắp mọi nơi đang làm CSVN lo âu và chóng mặt. Phương thức đấu tranh bằng cách hội nhập vào " dòng chính " của xã hội Hoa Kỳ để từ đó dùng ngay những công cụ của trung tâm quyền lực này đánh trả bọn độc tài Bác Bộ Phủ, đang làm chúng điên đầu. Khi nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc sâu đậm vào nền kinh tế của Hoa Kỳ qua việc thi hành Hiệp Định Thương Mại Việt - Mỹ thì chúng ta sẽ có nhiều cách đánh khác hũu hiệu hơn nữa để phục vụ cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam, những cách đánh mà chúng không còn khả năng chống đỡ. Nếu trong tương lai chúng được thâu nhận vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ( WTO ) thì sinh mạng chính trị của chúng sẽ chẳng còn được bao lâu.
Do đó có thể nói rằng , sự thiếu kết hợp của cộng đồng Việt Nam tự do hải ngoại nhìn từ phía ngoại hình thật ra chỉ là một ảo giác. Từ bên trong, những lực lượng thầm lặng, trong đó có tuổi trẻ Việt Nam nay đã trưởng thành và nhiều kinh nghiệm, đang tiếp tục ghi những bàn thắng quyết định trong trận cầu Quốc Gia-Cộng Sản, để chấm dứt một lần và vĩnh viễn nạn độc tài trên tổ quốc chúng ta ./.
  

No comments: