Nhà văn Phan Lạc Phúc và tác phẩm “Tuyển Tập Tạp Ghi”
2003-02-13
Cuối năm 2002, ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc lại gửi đến độc giả Việt Nam cuốn Tuyển Tập Tạp Ghi. Cuốn này, như Bạn Bè Gần Xa là những ghi nhận đậm đà hình ảnh của quê hương, kỷ niệm, bạn bè. Tuy là những ghi nhận riêng tư, nhưng cái khéo của tác giả là đã làm sống lại tâm cảnh, các xúc cảm của rất nhiều người đọc ông. Cũng qua hình ảnh ông ghi xuống, người đọc có cơ hội thấy được, gặp được các nhân vật, hòan cảnh sống trong giai đọan vừa qua. Bạn ông cũng là các nhân vật tăm tiếng trong giới văn nghệ, làm báo, làm văn, các người tù kiệt xuất, những nhà tu có lòng đại lượng. Ông vẽ lại được các thảm kịch bên cạnh những niềm vui.
Nhà thơ Du Tử Lê không ngại ngùng gọi ông Phan Lạc Phúc là cha đẻ của thể Tạp ghi Việt Nam. Về văn phong, nhà thơ Viên Linh nhận xét rằng ở ký của Phan Lạc Phúc “có cái ngọt của Lâm Ngữ Đường, cái mặn của Chekov, cái gió của Đà Giang, của thung lũng Phong Châu, của quê làng, quê đất của anh”
; Tác phẩm “Tuyển Tập Tạp Ghi” ; ; ; ; ; ; ; Tuyển Tập Tạp Ghi gần 470 trang trình bày trang nhã của Phan Lạc Phúc có 54 tiểu ký.
Phan Lạc Phúc sinh quán 1928, làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây Bắc Việt, ông đã theo học trường Văn Khoa Sài Gòn, đi lính Khóa 2 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Trường Thông Tin Báo Chí Rochelle University Hoa Kỳ. Từ 1975 đến 1985, ông bị đưa đi tù cải tạo, qua 7 trại từ Nam ra Bắc. Năm 1991 ông đã sang Úc định cư ở Sydney.
Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc từng giữ chức chủ bút nhật báo Tiền Tuyến , cơ quan ngôn luận của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông từng là bỉnh bút cho Chỉ Đạo, Tiền Phong, Nghệ Thuật, Văn, Vấn Đề, Tập San Quốc Phòng. Ông hiện cọng tác cho một số tạp chí, nhật báo, tuần báo Việt ngữ ở Australia, Texas, California, Canada và Pháp. Sau hai cuốn Bạn Bè Gần Xa 2000, Tuyển Tập Tạp Ghi 2002, ông chuẩn bị cho in cuốn Cõi Người Ta sẽ đến tay người đọc trong thời gian sắp tới.
Ngòai tên thật Phan Lạc Phúc, ông còn nổi tiếng qua bút hiệu Ký giả Lô Răng, và dùng một số bút hiệu khác là Thiên Khải, Tường Huân, Huy Quân, Thiên Chương.
Để hiểu về tác giả và tuyển tập tạp ghi mới xuất bản, chúng tôi mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn ngắn ông dành cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do sau đây:
Phạm Điền: Kính chào nhà văn Phan Lạc Phúc, chúng tôi hân hạnh được ông đến với tạp chí Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do. Nhân dịp đầu năm cũng xin chúc ông và gia quyến được sức khỏe an khang. Liên tiếp trong 2 năm qua, ông đã gửi đến cho độc giả khắp nơi hai tuyển tập Bạn Bè Gần Xa, năm 2000 và cuối năm 2002, Tuyển Tập Tạp Ghi. Khó có ai không đồng ý với nhận xét của nhà văn Võ Phiến rằng, đọc các hồi ký khác, ngừoi đọc có tâm trạng đau đớn, uất hận. Nhưng Bạn Bè Gần Xa đọc xong thấy tin tưởng, hãnh diện về con người-thấy sướng. Quả thật những mảnh đời ông dựng lại trong các bài viết đã cho người đọc thấy rõ được sự chí lý của nhận xét kia. Xin ông cho biết ông làm sao giữ được tình cảm đầm ấm và cái tinh thần lạc quan đó ngay cả thời kỳ đi tù cải tạo.
Phan Lạc Phúc: Trước hết tôi xin cám ơn đã được có mặt trên đài. Một người lính già như chúng tôi thì thực sự ông bạn gọi nhà văn chúng tôi cũng cám ơn, nhưng không biết có đáng với danh hiệu đó không. Nhân dịp này chúng tôi cũng xin gửi lời kính chào quý vị thính giả của đài và cũng xin chúc một năm mới Quý Mùi tốt lành và may mắn. Hôm nay chúng ta là ngày mùng 6 tháng Giêng, nó cũng không còn là mới lắm nhưng mà quê nhà chúng ta ngày mùng 7 mới hạ nêu kia mà, thì vẫn còn là năm mới chứ.
Bây giờ trở lại cái câu hỏi mà ông bạn nhắc đến ông bạn già Võ Phiến của chúng tôi, thì chúng tôi cũng không biết nói thế nào cho nó hết ý. Nhưng mà bản thân tôi cũng như thể là anh em đồng cảnh đi cải tạo. Thịt da, ai cũng là người, mà đi tù cải tạo thì cái sự đói khát lầm than, đau đớn thì nó là phần số rồi, mình là người thua trận. Nhưng mà ngồi nguyền rủa bóng tối thì đâu có ích lợi gì cho nên tôi nghĩ rằng mình tự thắp một ngọn nến, một ngọn nến tâm linh cho bản thân mình, và nếu có thể cho những người bạn thân của mình .
Thật sự tôi có một cái may mắn, hết sức may mắn là trong những năm tù cải tạo, tôi thường được sống ở bên cạnh một vị chân tu , đó là Thượng Tọa Thích Thanh Long, nguyên Giám đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo. Ông không bao giờ giảng đạo, hay đọc kinh cho tôi nghe, nhưng mà trong cuộc sống cải tạo thấy ông luôn luôn bình thản, không lo, không sợ, không buồn, nên tôi ở gần thì tôi cũng bắt chước ông cụ như vậy tức là không lo, không sợ, không buồn. Có thể đó là một khía cạnh của đại hùng, đại lực, đại từ bi của con nhà Phật chắc.
Trong trại cải tạo, một số anh em có thể bị chao đảo, biến chất. Số đông anh em chúng tôi dù trong cảnh sống động vật vẫn có giữ phải làm sao ở cho nó khỏi thẹn với mình, với đồng đội. Và có những người anh em của chúng tôi, mất chục năm đi tù cải tạo, kiên giam, nhịn đói, nhịn khát, sống hằng năm trong im lặng trong cảnh tù tội, mà vẫn lòng son dạ sắt, đó là anh Đại Úy biệt kích Dù Nguyễn Hữu Luyện. Anh ấy nói với cán bộ cộng sản rằng tôi chưa thua các anh. Tôi mới thua một trận nhưng chưa thua cuộc chiến này. Cái cuộc chiến mà anh bạn tôi, anh biệt kích Dù Ngưyễn Lữu Luyện nói thì không phải một cuộc chiến tranh súng đạn mà có thể là một cuộc chiến tranh nêu cao cai giá trị con người. Và thưa quý vị thính giả, bản thân tôi xin được cảm ơn những người bạn kiệt xuất ấy. Họ là những cái phao cho tôi bám lấy trong những ngày giông bão, những năm tù cải tạo.
Phạm Điền: Thưa ông Phan Lạc Phúc, trong trang đầu tuyển tập mang tựa đề dung dị là Tuyển Tập Tạp Ghi, ông có ghi lại vài dòng vắn tắt cuốn sách này gồm “chuyện người, chuyện ta, chuyện xa, chuyện gần, chuyện lẩn thẩn của ngừoi già, nhớ nhà, nhớ nước”. Những tiểu ký ông viết ra quả đúng với vài dòng tóm tắt ông viết lúc đầu. Duy có một điều độc giả không đồng ý được với ông khi ông gôi đó là “chuyện lẩn thẩn”, mà thực ra không lẩn thẩn một chút nào hết . Những gì ông viết xuống tuy nó chỉ là một vài nét chấm phá của các cảnh đời, nhưng ngừoi đọc không tránh khỏi việc qua đó nhìn thấy cả một cảnh đời đang diễn ra truớc mặt. Như vậy thì ông sẽ còn bao nhiêu “chuyện lẩn thẩn” như thế để có thể chia sẻ với độc giả trong tương lai ?
Phan Lạc Phúc: Cám ơn ông bạn. Ông đọc kỹ quá. Tuyển Tập Tạp Ghi theo tôi là chuyện của mình, chuyện mình, chuyện ta, chuyện xa, chuyện gần, chuyện lẩn thẩn của tuổi già, chuyện nhớ nhà, nhớ nước. Dạ thưa ông tôi ở trong tình trạng như thế thật. Tôi ghi lại đủ thứ chuyện . Sách của tôi giống như là một cái cửa hàng hóa, hầm bà lằng không thiếu cái gì hết.
Thưa quý vị thính giả, thưa ông bạn, tôi nguyên là một anh viết báo ấy mà , ngày nào thì cũng phải viết, thành thử ra mình cũng phải chọn, một cái gì mà nó cho phép mình có nhiều đề tài, nhiều sự chọn lựa. Còn cái lẩn thẩn, người già thì nó phải lẩn thẩn chứ. Xin phép quý vị và xin phép ông bạn để nói đôi chút về bản thân mình. Tôi năm nay tuổi tây là 75 tuổi mà tuổi ta 76, người ta bảo là tuổi con rồng, nhưng là rồng đất. Đến tuổi này thì trí nhớ tự nhiên là nó mỏi mệt, rồi suy xét nó cũng chậm lụt nên cái mà mình viết ra, nói ra thì chắc không thể nào tránh được sự sai sót, lẩm cẩm cho nên nó có lẩn thẩn cũng xin quý vị miễn thứ.
Phạm Điền: Có đọc hai tuyện tập Bạn Bè Gần Xa và Tuyển Tập Tạp Ghi mới đây người ta mới thấy rõ cái tên Lạc Phúc của ông có tính cách tiền định, mang tới cho người đọc một niềm hạnh phúc không tên. Nếu văn là người, hẳn đây phải là một phản ảnh rõ nhất khía cạnh đôn hậu trong cái nhìn của ông đối với con người và cuộc đời. Quan niệm sống đó đã ở với ông từ lúc nào?
Phan Lạc Phúc: Xin cám ơn những cái hảo ý của ông bạn. Thật sự ra thì tên tuổi thì đầu tiên là phải cảm ơn cha mẹ. Chắc ông bà thân sinh ra tôi hy vọng ở tôi nhiều lắm cho nên mới cho cái tên như vậy, nhưng mà nghĩ lại thì mình không được xứng đáng hy vọng mà cha mẹ đặt vào. Lạc Phúc hay là hạnh phúc thì giống như một bài học ngày xưa, hạnh phúc như một con chim xanh bay mất mà ít khi trở lại. Có chăng thì nhắc chúng ta một điều, nếu trong bất hạnh thì chúng ta nên kiếm một nụ cười, hơn là một lời nguyền rủa. Nếu ông bạn cho đó là một cách sống, một nhân sinh quan, thì tôi cố gắng để theo cái đường lối đó.
Phạm Điền: Thưa ông, có ông Nguyễn Xuân Nghĩa, chủ bút báo Viet Tide ở California nói rằng “Nếu người ta muốn biết về giai đọan chúng ta phải trải qua thì cuốn bút ký Bạn Bè Gần Xa có thể cung cấp nhiều thông tin quý giá.” Đây là một nhận xét rất sát với những gì có ở trong hai cuốn sách. Làm sao ông giữ được kỷ niệm phong phú đó, và khả năng hồi ức phải làm việc như thế nào để có sự linh họat như vậy?
Phạn Lạc Phúc: Xin cám ơn bạn Nguyễn Xuân Nghĩa của chúng tôi. Ông này cũng vì ưu ái cho nên mới cho tôi cái nhận định độ lượng như thế, mà tôi không dám nghĩ điều tôi viết hay là những kỷ niệm của bản thân tôi là về ban tôi lại có thể sống lâu như vậy. Thực ra thì chúng tôi chỉ cố gắng, chuyện như thế nào thì mình cố gắng ghi lại trung thực . Như thế nào thì nói ra thế ấy. Tôi cũng không dám nghĩ là tôi khách quan, bởi vì làm sao tránh được chủ quan thưa ông. Tôi cũng không có cái lề lối đặc biệt riêng gì trong cái việc hồi ức. Nhưng mà thưa bạn , khi ngừoi ta có tuổi rồi, người ta già thì người ta thường sống bằng quá khứ bằng kỷ niệm cho nên ở trong tôi, những cái gì nó thuộc về ngày xưa, tôi lại nhớ rõ.
Thưa quý vị thính giả cuộc phỏng vấn tác giả Phan Lạc Phúc về Tuyển Tập Tạp Ghi kỳ này xin ngừng lại ở nơi đây. Mời quý vị đón nghe phần tiếp vào Thứ Bảy kỳ tới chung quanh Tuyển Tập Tạp Ghi và tác giả Phan Lạc Phúc. Xin cảm ơn tác giả đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
©
2004 Radio Free Asia
No comments:
Post a Comment