Thursday, September 6, 2012

TRẦN BÌNH NAM * LỊCH SỬ TÁI DIỄN

Lịch Sử Tái Diễn
  Trần Bình Nam



            Dư luận thế giới cho rằng cuộc chiến Iraq là con đẻ của một số nhân vật trong và ngoài chính phủ theo hệ phái tân bảo thủ (neoconservative - neocons) như Donald Rumsfeld, Dick Cheney, Paul Wolfowitz, John Bolton, Douglas Feith, Richard Perle, Max Boot và William Kristol … để chống lại nạn khủng bố, đồng thời phát huy dân chủ cho vùng Trung đông làm cột trụ bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ. Dư luận cũng cho rằng cuộc chiến tranh Iraq chỉ là sự khởi đầu sự bành trướng ảnh hưởng của Hoa Kỳ bằng sức mạnh quân sự, và biến cố 11 tháng 9 năm 2001 chỉ là một lý cớ.

            Nhưng sự hiện hữu của khuynh hướng tân bảo thủ không phải là một biến cố bất thường. Nó có nguồn gốc từ thế kỷ trước kinh qua những giai đoạn bành trướng đế quốc của Hoa Kỳ, và là một sự tái diễn của lịch sử. Vấn đề là: nếu tổng thống George W. Bush nắm vững những bài học quá khứ thì sự tái diễn của lịch sử sẽ không diễn ra theo chiều hướng bất lợi cho Hoa Kỳ như cuộc chiến Iraq hiện nay.

            Có hai bài học lịch sử của Hoa Kỳ, một tại Phi Luật Tân, một tại Mexico, và một bài học lịch sử của Anh quốc tại Trung đông. Năm 1898 Hoa Kỳ đánh bại Tây ban Nha và đuổi Tây Ban Nha ra khỏi quần đảo Phi Luật Tân. Nhưng thay vì trả độc lập cho Phi, tổng thống William McKinley (một nhiệm kỳ 1897-1901) bổ nhiệm một vị toàn quyền và biến Phi thành một thuộc địa. Nhiều năm sau đó Hoa Kỳ thẳng tay đàn áp phong trào nổi dậy đòi độc lập, một phong trào trước đó Hoa Kỳ đã khuyến khích và giúp đỡ chống lại người Tây Ban Nha. Sau 14 năm Hoa Kỳ mới dập tắc được phong trào giành độc lập của người Phi với một đoàn quân viễn chinh 120.000 người, 4.000 binh sĩ Mỹ tử thương, và 200.000 người Phi gồm quân nổi dậy và thường dân bị giết. Năm 1935 tổng thống Franklin Roosevelt biến Phi thành một vùng đất liên hiệp (commonwealth) chuẩn bị trao trả độc lập cho Phi. Năm 1942 Nhật Bản chiếm đóng Phi, và được Hoa Kỳ giải phóng và ban bố độc lập năm 1945 với một thể chế dựa vào thể chế chính trị Hoa Kỳ.

            Chiến tranh tại Phi vừa dứt, năm 1913 tổng thống Woodrow Wilson (hai nhiệm kỳ tổng thống 1913-1921) đưa quân vào Mexico nói là để tái lập dân chủ ở đó sau khi tướng Victoriano Huerta ám sát tổng thống dân cử Francisco Madero và đoạt quyền bính.  Nhưng thay vì được đón tiếp như một đoàn quân giải phóng, quân đội Hoa Kỳ đã gặp phải sự kháng cự của người Mexico thuộc cả hai phe phái thân và chống tướng Huerta. Các cuộc cướp bóc và biểu tình phản đối diễn ra khắp nơi. 

Tiếp đến là trận Thế giới đại chiến thứ nhất (1914-1918) mà nguyên nhân một phần do sự cạnh tranh bành trướng đế quốc của các nước châu Âu, làm cho tổng thống Wilson nhận ra rằng: phương pháp lý tưởng để ngăn ngừa chiến tranh là tháo bỏ chế độ thuộc địa, cái gọi là chủ thuyết Wilson (Wilsonianism). Chủ thuyết Wilson chủ trương quyền dân tộc tự quyết,  giảm vũ trang toàn thế giớì, thiết lập một chế độ mậu dịch tự do, và bảo đảm an ninh chung thông qua sự đồng thuận quốc tế. Chủ thuyết này là hành trang cải hóa thế giới của tổng thống Wilson mà ông tin là một nhiệm vụ thiên định của Hoa Kỳ.

Bài học thứ ba của Anh quốc tại Trung đông. Năm 1914, Thế chiến I bùng nổ, Anh quốc chiếm Trung đông để bảo đảm nguồn cung cấp nhiên liệu, đồng thời giải quyết sự tranh chấp giữa người A Rập và người Do thái tại Palestine. Anh quốc đã sa lầy tại Trung đông cho đến năm 1956 sau khi cùng với Pháp và Do Thái đánh chiếm sông đào Suez của Ai Cập không thành công, phải rút ra khỏi Trung đông.

Các cuộc chiến tại Phi và Mexico của Hoa Kỳ và tại Trung đông của người Anh cho thấy hai điều: thứ nhất không thể áp đạt dân chủ bằng vũ lực. Dân chủ của một nước phải là một quá trình.Thứ hai, xâm lăng thì dễ nhưng bình định thì khó.

            Nguyên thủy, cho đến cuối thế kỷ 20, Hoa Kỳ là một nước chủ trương chống thuộc địa theo truyền thống lịch sử lập quốc (chống đế quốc Anh để giành quyền độc lập). Nhưng sau khi thắng Tây ban Nha trong cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban nha (1898) tổng thống William McKinley của Hoa Kỳ thấy có một cơ hội biến một phần các thuộc địa cũ của Tây Ban Nha thành thuộc địa của mình. Tại Hoa Kỳ xuất hiện một khuynh hướng thuộc địa chủ trương rằng Hoa Kỳ không thể để cho các quốc gia Tây phương như Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật chia nhau thống trị thế giới. Và rằng, Hoa Kỳ cũng cần thuộc địa để bành trướng thế lực quân sự, tạo thị trường để đầu tư và truyền bá văn minh Tây phương. Khuynh hướng bảo thủ bắt đầu. Hai nhân vật ủng hộ chính sách thuộc địa này không ai khác hơn là phụ tá bộ trưởng bộ Hải quân Theodore Roosevelt và sử gia Woodrow Wilson. Cả hai sau này khi trở thành tổng thống: Theodore Roosevelt (hai nhiệm kỳ 1901-1909), và Woodrow Wilson đã nhìn lại và chống chính sách thuộc địa.

            Điều làm cho tổng thống Theodore Roosevelt lo ngại là tại Á châu Nhật Bản đánh bại Nga năm 1905, trong khi tại Âu châu các đế quốc thuộc địa chỉ chực đánh nhau vì đụng chạm quyền lợi của nhau liên hệ đến việc bành trướng thuộc địa. Cho nên tổng thống Roosevelt chấm dứt chủ trương bành trướng của Hoa Kỳ và đóng vai hòa giải giữa các đế quốc thuộc địa Âu châu. Đối với tổng thống Wilson, kinh nghiệm can thiệp để biến Mexico thành nước chư hầu thất bại, và trận Thế giới đại chiến thứ I (mà tổng thống Theodore Roosevelt muốn ngăn ngừa không được) là hai yếu tố chính đưa ông đến quyết định dứt khoát từ bỏ chính sách thuộc địa, và sự ra đời của chủ thuyết Wilsonianism để thiết lập một trật tự mới trên thế giới.

            Chủ thuyết Wilson không thành công vì các thế lực đế quốc Âu châu không đồng ý, và tại Hoa Kỳ khuynh hướng bành trướng thế lực bằng vũ lực vẫn còn mạnh. Sự thất bại của chủ thuyết Wilson đưa đến trận Thế giới đại chiến thứ hai. Cho nên sau trận đại chiến này tổng thống Franklin Roosevelt (ba nhiệm kỳ 1933-1945, anh em họ với tổng thống Theodore Roovevelt) người có công giải phóng Âu châu khỏi họa Đức quốc xã, đã dùng tư thế mới để áp lực hai nước thắng trận là Anh và Pháp từ bỏ mộng đế quốc, trao trả quyền độc lập cho các thuộc địa.

            Nhưng cuộc chiến tranh lạnh với Liên bang Xô viết làm cho Hoa Kỳ không thể thẳng tay áp lực Anh và Pháp, nhất là Pháp vì Hoa Kỳ cần đồng minh tại Âu châu để đối đầu với Liên bang xô viết. Về phần mình, Hoa Kỳ cũng không thể để cho phong trào giành độc lập tại các thuộc địa bị các tổ chức thân Mác xít thao túng nên đã dùng sức mạnh của mình để giữ các quốc gia cựu thuộc địa tại Nam Mỹ, Á châu và Trung đông trong vòng ảnh hưởng. Hoa Kỳ thống trị các quốc gia này bằng viện trợ kinh tế. Sức mạnh quân sự chỉ dùng trong trường hợp tối cần thiết. Chính sách này gọi là chính sách tân thuộc địa đã mang chiến tranh lạnh đến Nam Mỹ, Á châu và Trung đông. Thí dụ rõ nhất là cuộc chiến tranh Việt Nam khi Hoa Kỳ giúp đỡ Pháp thiết lập lại chế độ thuộc địa tại đó và sau khi Pháp bại trận (Điện Biên Phủ 1954) đã đổ quân đến bảo vệ miền Nam Việt nam.

            Cuối thập niên 1980 Liên bang Xô viết sụp đổ, Hoa Kỳ có mọi điều kiện thực hiện chủ thuyết Wilson. Hoa Kỳ chủ trương bành trướng ảnh hưởng và duy trì quyền lợi quốc tế của mình bằng cách xiển dương hòa bình, dân chủ, và sức mạnh quân sự chỉ xử dụng với sự đồng thuận quốc tế. Sau khi Saddam Hussein xâm lăng Kuwait, tổng thống Goerge Bush đưa đại quân qua Trung đông đuổi quân chiếm đóng Iraq ra khỏi Kuwait với sự chấp thuận của Liên hiệp quốc, và rút  quân về. Tổng thống Clinton cũng chỉ đưa quân đến vùng Balkans để ngăn chận nạn diệt chủng với sự hợp tác của khối NATO.

            Tuy nhiên, khuynh hướng chống chủ thuyết Wilson vẫn còn là một chủ lực trong sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ. Đó là những Paul Wolfowitz, John Bolton, Douglas Feith, Richard Perle trong chính quyền và Max Boot (của  tờ Wall Street Journal) và William Kristol (của tờ Weekly Standard) trong giới truyền thông họp thành nhóm tân bảo thủ (neocons). Nhóm này nắm cơ hội vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 để thuyết phục tổng thống George W. Bush và những phụ tá như phó tổng thống Dick Cheney, bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld và cố vấn an ninh quốc gia Condoleeza Rice gạt bỏ chủ thuyết Wilson và bắt đầu thời đại bành trướng thế lực của Hoa Kỳ bằng sức mạnh quân sự, có sự đồng thuận của quốc tế thì tốt, nếu không thì cũng không phải là điều phải quan tâm. Nhóm neocons tại Hoa Thịnh Đốn không nhìn sự thành hình của tổ chức Al Qaeda như một phản ứng của người Hồi  giáo đối với các chính sách của tây phương, nhất là thái độ bênh Do Thái của Hoa Kỳ đối với cuộc tranh đấu lập quốc của người Palestine, mà cho rằng Al Qaeda chỉ là con đẻ của một con người bệnh hoạn (Osama bin Laden), nuôi dưỡng hận thù vì ghen tức với sự “thành công vật chất và sự tự do” của Mỹ quốc.

            Cho nên cuộc tấn công lật đổ Saddam Hussein (mà không có sự đồng thuận quốc tế) sau khi chiến thắng dễ dàng tại Afghanistan (với sự đồng thuận của quốc tế) với lý do (không vững chắc) Saddam Hussein có liên hệ với al Qaeda và có vũ khí giết người tập thể (có thể cung cấp cho al Qaeda để khủng bố Hoa Kỳ) chỉ là một bước tự nhiên.

            Tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ bài học Phi Luật Tân và Mexico của mình và bài học Trung đông 50 năm trước của người Anh tổng thống Bush sẽ không vội vàng đánh Iraq mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, với niềm tin tưởng hảo huyền rằng dân chúng Iraq sẽ mua hoa và rước đèn đón mừng đoàn quân giải phóng Hoa Kỳ.

            Vị tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, dù đó là George Bush hay John Kerry cũng không thể làm ngơ trước những kinh nghiệm quá khứ của hai tổng thống Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson để hình thành một chính sách Wilsoniniasm mới, nếu như sự kết thúc cuộc chiến Iraq không làm cho Hoa Kỳ quá tổn thương.



Trần Bình Nam

July 4, 2004
binhnam@earthlink.net

http://www.vnet.org/tbn



Tài liệu tham khảo:

1.      “Imperial Amnesia” by John B. Judia, tạp chí Foreign Policy July/August 2004 (John Judy

2.      “Fumbling the moment” tuần báo The Economist June 4, 2004

3.      Presidential Biographies, United States, Britannica Almanac 2004

No comments: