Sunday, September 2, 2012

SƠN TRUNG * NGƯỜI ĂN TRỘM BÊN XỨ ĐÔNG

NGƯỜI ĂN TRỘM BÊN XỨ ĐÔNG

Ba Dao ở Chí Linh, Hải Dương cha mẹ chết sớm, phải nương tựa vào bác. Bác trai thời thương cháu, nhưng bác gái thì hẹp hòi, độc ác, bắt Hai Dao phải chăn trâu bò, hoặc lên rừng hái củi, ngày đêm khó nhọc không thôi.
Chuyện của Ba Dao cũng là chuyện thường thế gian:
"Con chú, chú cho học nho,
Cháu chú, chú bắt chăn bò, chăn trâu!"
Đã thế, mỗi bữa cơm chỉ được ăn một bát nhỏ với muối rang hoặc mắm cà, không bao giờ được ăn no. Ba Dao trốn đến Nam Định, xin vào làm tôi tớ ở một nhà cự phú. Công việc hàng ngày là cày cấy, thái rau, bổ củi. Ở đây, Ba Dao được ăn no, mặc ấm cho nên thân thể phát triển. Ba Dao mười bốn tuổi, thấy con gái phú ông mười ba, nhan sắc mặn mà nên đôi lúc cũng tỏ vẻ suồng sã. Bọn gia nhân mách với phú ông. Phú ông bèn trói Ba Dao lại, đánh một trận nên thân rồi đuổi đi.


Ba Dao lưu lạc nhiều nơi, sau vào Hồng Sơn, Nghệ An làm công cho một nhà phú hộ, quen một cô gái cũng làm công ở đây, hai bên kết thành vợ chồng. Phú hộ cho một miếng đất làm chòi mà ở . Ba Dao vẫn tiếp tục làm công cho phú hộ, nhưng đôi khi ban đêm ra đi, vào các nhà trong vùng ăn trôm, ăn cắp. Y là một tay trộm tập sự cho nên nhiều khi bị đánh đuổi, nhiều tháng ngày nhịn đói. Người vợ rất lo sợ, nhiều lần khuyên thôi đi, Ba Dao bèn bỏ nghề.

Được hai ba năm, nghèo túng không sao sống nổi, định bụng giở nghề cũ ra làm một lần chót. Bèn nói thác là đi buôn, tới gặp một người thầy bói giỏi, hỏi đi về hướng nào thì tốt. Người thầy bói nói “Hướng đông nam tốt, nhưng có lợi cho kẻ tiểu nhân, bất lợi cho người quân tử” . Ba Dao thấy quẻ bói hợp với mình, trong bụng mừng thầm, bèn đi về phía đông nam.


Phạm vi hoạt động của Ba Dao rất rộng lớn. Ba Dao thường qua lại phủ huyện lân cận như Diễn Châu, Đô Lương, Anh Sơn,Hưng Nguyên, Quỳ Châu. Hàng ngày, Ba Dao đi dạo qua các thôn xóm, giả làm thợ cắt tóc, người mua đồng nát vào các thôn xóm mà dò la đường sá, cửa nẻo. Một hôm ngẫu nhiên vào một ngôi chùa, thấy ở góc tường có hai ba hòn đá chất lên nhau, lấy làm lạ cũng nhặt một hòn vứt vào đó rồi ra sau tháp nằm ngủ. Đến chiều thì nghe trong chùa có tiếng nói ồn ào, như có hơn chục người. Nhìn kỹ thì thấy họ là những người cao to nhưng có đuôi như đuôi loài chồn, sói. Một người ra đếm đống đá, thấy thừa một hòn thì ngạc nhiên, cả bọn đổ đi tìm, thấy Ba Dao sau tháp bèn hỏi: “Ngươi ném hòn đá vào phải không?” Ba Dao dạ. Bọn kia hỏi tới tên họ quê quán, Ba Dao bịa đặt trả lời. Tên đảng trưởng hỏi:
-Tại sao người đi ăn trộm?
Ba Dao nói là mình quá nghèo khổ, bị bọn nhà giàu bóc lột, vô nhân đạo, không bố thí quần áo, cơm cháo lại đánh đập tàn nhẫn.
Viên đảng trưởng nói:
-Anh nói đúng. Bọn ta đây cũng vậy vì bọn nhà giàu tàn ác mà phải ăn trộm, ăn cướp. Vậy từ nay, anh là đồng chí của chúng ta, cùng tấn công quân thù, cùng chia vui sẻ buồn, cùng hưởng chung tài vật theo tinh thần tập thể. Nghe đảng trưởng nói thế, Năm Dao và cả bọn hoan hô. Từ đó Ba Dao gia nhập đảng cướp.

Tới một ngôi nhà lớn, bọn họ bắc thang lên tường tranh nhau trèo vào, riêng Ba Dao vì thân hình thấp bé nên được nằm lại ở bên ngoài nhận đồ vật từ trong chuyền ra. Giây lát, có một cái bao ném ra, lát sau, lại một cái hòm được ném ra. Ba Dao bưng cái hòm thấy bên trong có đồ vật, bèn phá ra đưa tay vào mò mẫm, thấy toàn là vật nặng đắt tiền, bèn dồn cả vào một cái bao, vác lên trốn đi luôn, ngày đêm theo đường về nhà. Nhờ đó xây dựng nhà cửa, mua ruộng tốt, nộp hàng ngàn tạ thóc cứu trợ, được quan huyện cấp cho biển “ Thiện nhân” treo ở trước cổng.

Tại Hải Phòng, có tên Năm Lẹ nhà nghèo túng. Cuối năm trong nhà hết gạo, trên người không có được tấm áo nào lành lặn, tự nghĩ không biết lấy gì mà sống. Bèn giấu vợ, lén vác gậy ra rình trong khu mộ ngoài đồng, chờ có kẻ nào đi ngang một mình thì ra cướp. Rình rập rất lâu, nhìn xa xa chẳng thấy bóng một ai, mà gió lạnh thấu xương, chịu không nổi đã toan bỏ về. Chờ thấy một người ì ạch đi tới, mừng thầm đợi lúc tới gần bèn nhảy xổ ra. Thì ra là một ông già đeo cái túi, đứng lại bên đường năn nỉ với Năm Lẹ rằng "Trên người không có vật gì đáng tiền, nhà hết gạo vừa qua vay con rể được năm đấu gạo này mà thôi". Năm Lẹ cướp túi gạo, lại muốn lột cả cái áo bông, ông già khóc lóc lạy lục, y tha, không cướp áo bông, chỉ vác gạo về nhà.

Vợ hỏi gạo từ đâu ra, ất nói dối là đánh bạc thắng được, nghĩ thầm cách này quá hay. Hôm sau lại ra đi, chờ không bao lâu thấy một người vác gậy tới, cũng núp vào trong khu mộ, ngồi chồm hổm nhìn nhìn ngó ngó. Năm Lẹ bèn sau mộ đi vòng ra, người ấy giật mình hỏi là ai, đáp là kẻ đi đường. Lại hỏi sao không đi tiếp, Năm Lẹ đáp "Chờ anh đấy thôi". Người kia cười ngất, tự xưng là Bảy Hổ. Hai bên hiểu ý nhau rồi cùng than thở chuyện đói rét. Từ đó cả hai quen thân với nhau.

Một hôm, cả hai không kiếm được gì, Năm Lẹ muốn về, người kia nói :"-Anh tuy làm nghề này, nhưng còn ngây thơ lắm, để ta chỉ cho anh, song anh phải chịu tốn tiền mua, vì ta cũng cũng phải mua của người với giá hai lượng vàng. Năm Lẹ bằng lòng. Người bạn dẫn Ba Dao vào trong núi, đến một hang sâu, gặp bà phù thủy , vốn là một Hồ tiên, mua phép ăn trộm. Năm Lẹ nộp hai cây vàng, Hồ tiên bèn giao cho Năm Lẹ một đầu lâu và dặn trước khi đi hành nghề phải thắp hương đọc chú . Năm Lẹ tuân lời đem đầu lâu về để trên gác bí mật. Trước khi ra đi hành nghề, y thường thắp hương khấn vái trước đầu lâu. Hễ cái đầu lâu quay về hướng nào đi hướng đó thì tất thành công.

Một hôm, Năm Lẹ đến một nhà có đám cưới và gặp Bảy Hổ cũng rình rập nhà này. Cả hai chờ đợi mọi người mỏi mệt đi ngủ thì vào. Không bao lâu có người mở cửa ra múc nước, Năm Lẹ và Bảy Hổ nhân đó lẻn vào, thấy phòng phía bắc còn đèn sáng, các phòng khác đều tối om. Chợt nghe một bà nói: "Con à, về phòng phía đông xem lại xem, nữ trang của con cất cả trong rương, có khóa hay quên rồi?". Hai người nghe tiếng cô gái mệt mỏi ậm ừ, mừng thầm lẻn qua phòng phía đông. Mò mẫm trong bóng tối, thấy có cái rương dài, mở nắp lên sờ soạng nhưng đáy rương sâu quá không với tới. Bảy Hổ bảo Năm Lẹ "Vào đi". Năm Lẹ nhảy vào vớ được một cái bọc to bèn chuyền ra cho Bảy Hổ. Bảy Hổ hỏi hết chưa, đáp :"Hết rồi". Lại nói "Tìm nữa xem". Năm Lẹ quay lại mò thêm nữa thì Bảy Hổ đóng nắp rương cài khóa rồi bỏ đi.

Năm Lẹ bị nhốt ở trong, không ra được. Không bao lâu có ánh đèn lửa tiến vào phòng, soi tới cái rương, rồi nghe tiếng bà già nói ai khóa lại thế nhỉ. Kế đó hai mẹ con tắt đèn đi ngủ, Năm Lẹ bí quá giả làm tiếng chuột gặm sột soạt, cô gái nói "Trong rương có chuột". Bà già nói "Coi chừng nó cắn nát áo con đấy, mẹ mệt lắm rồi, con dậy xem đi”. Cô gái mặc áo trở dậy mở khóa giở nắp rương lên, Năm Lẹ bất ngờ nhảy ra, cô gái hoảng sợ ngã lăn xuống đất, kêu toáng lên, gia nhân vây bắt được Nam Lẹ trói lại rồi sáng sớm giải lên quan.

Quan bắt tra khảo. Năm Lẹ khai ra Bảy Hổ và bà phù thủy. Quan sai lính vây núi thì bắt được một hang ổ hồ ly. Từ đó trong vùng hết trộm cướp.

No comments: