Sunday, April 8, 2012

CÀ PHÊ ĐẮNG



Cầm quyền ra sao thì xã hội như vậy
Nhọ - Liều thuốc tự do
Submitted by Trưởng Biên Tập on Tue, 04/03/2012 - 00:00

Nhọ ~ Tác giả gửi đến Dân Luận

Trong đêm lưu diễn ở Hà Nội của Bi Rain (ca sĩ Hàn Quốc), một số fan Việt quì xuống để ngửi và hôn hít chiếc ghế mà thần tượng của mình vừa ngồi.

Thông tin này lập tức gây sóng gió trong cộng đồng mạng Việt Nam sau khi lan truyền trên Facebook. Hầu hết báo giới thể hiện sự bất bình, và nhiều người nói về một nỗi nhục dân tộc. Người ta giật tít: "choáng", "sock", "quá trớn", "crazy"... Nhiều trí thức than vãn về sự suy đồi các giá trị tinh thần. Và khi những xúc động đã tạm lắng đi, một số blogger viết bài lí giải. Tôi thấy khá nhiều lí do đã được đề cập. Chẳng hạn: sự tồi dở của nền giáo dục, sự thui chột của nền nghệ thuật Việt Nam, sự xuống cấp của đạo đức và phẩm giá con người...

Nhìn chung, hầu hết các nhà bình luận tin rằng tuổi trẻ Việt Nam ngày càng mất nết.

Nhưng kết luận ấy, theo tôi, hơi có chút vội vàng và nóng nảy. Thanh niên Việt quả thực kém cỏi so với bạn đồng lứa bốn phương. Nhưng là một sinh viên, mà nhờ công việc nhóm, có khá nhiều trải nghiệm về sự chuyển biến tâm lí qua các thế hệ, tôi vẫn khá lạc quan về triển vọng của lớp người mà mình thuộc về.

Vậy trong cuộc thảo luận sôi nổi về thực trạng của tuổi trẻ Việt Nam, xin góp cho diễn đàn một cái nhìn của người trẻ.

Thực ra, tôi nghĩ vấn nạn bao trùm sự vụ này không phải là sự sùng bái văn hóa Hàn Quốc. Nguyên nhân cốt lõi, nhưng chưa thấy được đề cập, là cái quì gối trong văn hóa Việt Nam.

Nếu bạn chưa đồng ý, ta hãy cùng nhìn rõ bằng óc tưởng tượng của mình.
Giả sử, khi vẽ tranh, bạn giữ nguyên tư thế quì lạy và hôn ghế. Bạn thay thần tượng Bi Rain bằng thần tượng Khổng Tử. Rồi thay văn hóa Hàn Quốc bằng văn hóa Trung Hoa.

Làm thế, vụ "hôn ghế thần tượng" đình đám sẽ không còn là bức tranh về một thế hệ trẻ mất gốc và suy đồi.

Thay vào đó, ngạc nhiên chưa ! Sẽ là bức tranh chuẩn mực về đạo Thánh hiền của các Nho sĩ.

Vậy có thanh niên Việt mất gốc không nhỉ :) ?

Chúng ta chướng mắt khi giới trẻ Việt quì xuống hôn ghế một thần tượng âm nhạc nước ngoài. Nhưng hãy nhìn cái quì suốt dòng lịch sử của các thế hệ đi trước. Suốt hai thiên niên kỉ, người Việt quì mọp ngoan ngoãn dưới cái ghế của các vua quan. Hăng hái dẫn đầu truyền thống này là giới sĩ phu - tầng lớp được xem như khối óc của cả nước.

Và so với thế hệ trẻ hôm nay, các nhà Nho vượt xa về độ vọng ngoại. Giới trẻ Việt Nam không đặt tượng Bi Rain lên bàn thờ, không xem anh như nguồn chân lí duy nhất đúng, và cũng không tôn anh này là "bậc Thánh nhân". Họ không gọi tiếng Hàn Quốc là "chữ thánh hiền". Họ cũng không đề nghị sử dụng tiếng Hàn Quốc, thay vì tiếng Việt, làm ngôn ngữ chính thức để giảng dạy trong mọi cấp học. Họ không chủ trương một nước Việt Nam mà mọi bài thơ, mọi bộ luật, và mọi văn bản hành chính đều được soạn thảo bằng tiếng Hàn Quốc. Họ không học lịch sử Hàn Quốc thay vì sử Việt Nam. Nhưng với văn hóa Trung Quốc, giới Nho sĩ - mà một thời được cả xã hội tôn vinh như hình mẫu lí tưởng để theo đuổi - đã thể hiện thái độ thế nào ?

Tìm một tấm gương tốt cho thanh niên Việt Nam, xem ra, khó lắm !

Nếu bạn phản đối việc so đám trẻ trâu với các cụ đồ đạo mạo, ta hãy thử tìm một sự liên tưởng gần gũi hơn. Hãy tua cuộn phim lùi về 50 năm trước. Tưởng tượng hồi thập niên 1960, cũng trên đất Hà Nội này, "...một số cháu thiếu niên cúi xuống, nhẹ nhàng hôn lên chiếc ghế mà Bác đã ngồi với niềm kính yêu vô hạn dành cho người cha già của toàn dân tộc...".

À, vậy thì các cháu cũng sẽ lên báo Nhi Đồng, báo Tiền Phong, báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên... Nhưng không phải cùng các cụm từ "crazy", "choáng", "quá trớn"... , mà là trong các bài viết tuyên dương "những hạt giống đỏ", "những mầm non Cách mạng", "những ngọn cờ hồng"...

Trong chương trình học của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay, người ta nhắc đến bao nhiêu "ngọn cờ hồng" như thế. Và người ta giảng dạy, tuyên truyền, chỉ để tạo ra thêm những "ngọn cờ" cũng y như thế. Ôi, những tấm gương...!

Và hãy nhìn lại tư thế khúm núm, xum xoe, khăm khẳm mùi nịnh bợ mà đại thi hào Tố Hữu - Nguyên Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban chấp hành Trung ương - đã dành cho cái ghế quyền lực dưới mông hai thần tượng của mình:

"Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xít-ta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Xít-ta-lin! Xít-ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!
Ông Xít-ta-lin ơi, Ông Xít-ta-lin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời còn không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười!"

Tư thế đẹp đẽ ấy còn được lột tả chân thực hơn nữa qua 5 câu thơ:

"Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu
Cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!"

Nhưng Mao Chủ tịch và "Shít-ta-lin bất diệt" mà Tố Hữu... thờ, và đề nghị toàn Đảng, toàn dân "rập bước chung lòng" cùng... thờ, hai vị ấy là ai ?

Những bạn chưa biết câu trả lời, xin Google các cụm từ "Mao Trạch Đông", "Stalin", "độc tài", "tàn sát"... Cả hai là những bạo chúa bị nhân loại lên án vì phạm tội ác diệt chủng. Cả hai đã sát hại hàng triệu sinh mạng - mà một phần lớn thuộc tầng lớp tinh hoa của dân tộc - trong các cuộc thanh trừng phi nhân tính để củng cố quyền lực của bản thân. Đấy ! Hai "mặt trời chân lí" mọc đằng Bắc, mà ông Tố Hữu dạy ông bà, cha mẹ chúng tôi phải thương hơn cha, hơn mẹ, hơn chồng mình đấy !

Dầu vậy, Tố Hữu không làm báo giới phiền lòng, và chính giới thì lại càng không. Ông không "suy đồi các giá trị tinh thần", không "vong bản", không "mất gốc". Người ta mời ông làm Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban chấp hành Trung ương. Người ta trao ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt thứ nhất. Người ta để ông dạy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xúm xuýt "thờ" các thần tượng - trong cương vị Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ngày nay, thơ ông chiếm phần quan trọng trong chương trình học môn Ngữ Văn của mọi cấp. Sách giáo khoa mô tả ông như một nhà thơ lớn, và một nhân cách lớn của dân tộc. Sự nghiệp của Tố Hữu quả là một tấm gương sáng cho các cháu nhi đồng và thanh thiếu niên !

Tôi còn định nêu thêm vài ví dụ nữa về một người Việt Nam sùng bái thần tượng ngoại quốc đến mê cuồng. Vị này, vì hôn ghế "ba ông kia kìa" một cách say sưa, mà làm dân tộc ông mất 4 triệu mạng người, và nước ông lỡ mất một thế kỷ. Ngày nay, vị này được báo chí mô tả như một nhà tư tưởng vĩ đại và một tấm gương đạo đức lớn. Người ta đang phát động một chiến dịch rầm rộ và siêu tốn kém để giục cả nước học tập và làm theo tấm gương đạo đức của ông. Nếu có ai đó mà thế hệ của tôi - theo lệnh "trên" - buộc phải lấy làm khuôn vàng thước ngọc mà bắt chước, thì trăm phần trăm đó là ông này. Nhưng thôi, không nhắc đến tên ông ta làm gì, mất vui lắm :-)

Tới đây, có lẽ vấn đề đã sáng tỏ. Tư thế quì lạy và hôn ghế thần tượng chẳng phải đặc sản của thế hệ chúng tôi. Ta thấy nó hiện diện rộng khắp ở mọi thế hệ người Việt mình. Và phải nói rằng đến thế hệ của tôi, chứng bệnh kinh niên này đã nhiều lần thuyên giảm.

Vậy xin đừng cố mò mẫm chẩn bệnh cho riêng một thế hệ nữa. Tìm sao được, khi căn bệnh ấy cũng làm tổ trong não bộ của chính những nhà báo hăm hở lên án vụ hôn ghế Bi Rain ? Và khi những khuôn vàng thước ngọc để thanh niên Việt Nam học hỏi lại là những con bệnh nặng nhất, thì biết chữa bằng cách nào ?

Chúng ta cần một liều thuốc cho cả nước.

Tư thế nô lệ đến từ tâm thế nô lệ. Có cùng một triệu chứng nơi các Nho sĩ Việt, đại thi hào Tố Hữu, ông cụ mà tôi không nêu tên được, và các bạn trẻ vừa xì xụp hôn hít ghế Bi Rain. Họ thiếu tự trọng, và chịu sự lệ thuộc tinh thần.

Mà chỉ những con người tự do mới có sự tự trọng vẹn nguyên và đúng nghĩa.
Lúc này còn chưa quá muộn. Tuổi trẻ Việt chỉ mới quì lạy và hôn ghế một ngôi sao vô hại của xứ Kim Chi. Chưa đến ngày mà họ, một lần nữa, sụp lạy dưới những "mặt trời chân lí" vẽ bằng máu đỏ trên tấm da vàng.

Chưa quá muộn, để kê đơn chữa bệnh "trẻ con" cho đất nước.
Liều thuốc chúng ta cần là một văn hóa tự do, bắt nguồn từ một môi trường tự do và tôn trọng. Kê liều thuốc này, trước hết, phải là các bậc cha mẹ, các nhà giáo, và người trí thức Việt Nam.

Nhọ1/4/2012
Nguồn: Dân Luận


Chuyện tình XHCN tại VN, thật 100%,
do người trong chuyện kể

Ai thường nghe nhac VN đều phải biết nhạc sĩ Văn Phụng và vợ là ca sĩ Châu Hà . Ông bà nầy chỉ có một người con trai duy nhất .
Anh nầy tuy lớn tuổi mà chưa có gia đình nên thường chit chat trên net để tìm người yêu . Qua net anh gặp được một cô gái trẻ ở VN .
Hai người email và phone một thời gian thì anh ta quyết định về VN gặp mặt .
Cô gái ra đón anh tại phi trường rồi đưa thẳng về khách san .
Ngay hôm sau đưa anh ra phường để làm giấy hôn thú .
Thật ra thì anh chưa có ý định về VN để cứơi vợ nhưng gặp cô gái thì anh như người mất hồn , sai gì làm nấy .
Trở lại Mĩ anh bị cô gái liên tục hối thúc làm giấy tờ bão lãnh .
Ngày đêm email và điện thoại quấy rầy . Anh chưa động tĩnh gì về việc bảo lãnh thì , mỗi người có số , trong lúc đang làm việc anh bị đứng tim và gục chết ngay tại bàn làm việc ở sở làm !
Hay tin "chồng" chết , cô gái tại VN đã nhờ một tổ hợp luật sư Mĩ có văn phòng tại VN , đòi hỏi chiếm đoạt tất cả tài sản của "chồng" để lại vì cô ấy là "vợ" có hôn thú . Văn phòng luật sư đại diện tại Mĩ mời bà Châu Hà đển thông báo . May mắn cho bà Châu Hà là trước khi đi VN anh con trai có để lại di chúc dành hết tài sản cho mẹ nếu có điều chẳng lành xảy ra cho anh .
Anh ta cũng khôn đáo để vì gia đình chỉ có mẹ con .

Biết là cũng khó ăn vì giấy tờ bảo lãnh chưa có , lại có di chúc để lại cho mẹ nên luật sư đòi bà Châu Hà lệ phí 20 ngàn đô để "clear the case". Bà CH tức lắm nên trả lời là không có tiền . Sau đó luật sư hạ xuống 10 ngàn . Bà CH cũng nói không . Về nhà , bà CH liên lạc bạn bè và may mắn gặp được một bà VN có chồng là luật sư Mĩ giúp đỡ . Chỉ tốn chut đỉnh 500 đô cho giấy tờ là clear xong mọi chuyện .

Bà Châu Hà đã đem chuyện riêng tư nầy nói trên đài phát thanh VNHN để có ý giúp đở và cảnh giác những ai có con cháu muốn về VN cưới vợ . Thông điệp của bà là trước khi đi VN thì nên để lại di chúc như con bà để đề phòng mọi chuyên rủi ro khi đi du lịch VN . Đài phat thanh VNHN đã phát thanh câu chuyện của bà Châu Hà nhiều lần . Ai thường nghe đài phát thanh VNHN đều biết chuyện nầy .

Đi du lich VN cũng như lính ra trận , không chết kiểu nầy cũng có thể chết kiểu khác : chết vì hít khói xe , chết vì bị xe đụng , chết vì ngộ độc thực phẩm , nhảy lầu tự tử , cướp đâm chết , SIDA ....
Ngay cả thấy mặt thằng Việt kiều nhớn nhơ , dễ ghét quá , lụi cho một nhát để nó về phục vụ Bác . Ấy thế mà dân ta vẫn ào ạt về VN .
"Chưa thấy quan tài chưa đỗ lệ" .
NHÓM HÚT ĐINH TẠI SAIGON

Khánh An
Trong chương trình lần này Khánh An mời hai bạn đại diện cho một nhóm có một hoạt động khá là lạ và mới ở Việt Nam, đó là “hút đinh”. Tại sao lại có một nhóm lạ như thế này tại Việt Nam?

Nhóm hút đinh tại TPHCM ra quân

Chống nạn "đinh tặc"

Khánh An sẽ cùng nói chuyện với hai bạn và chắc là phải nhờ tới hai bạn giải thích thêm là tại sao có một hoạt động như vậy với những đoàn nhóm dùng xe đi hút đinh trên các ngả đường trong nước. Khánh An: Trước khi bắt đầu vào chương trình, Khánh An mời hai bạn tự giới thiệu một chút về bản thân mình, được không?
Thịnh: Em xin tự giới thiệu em là Nguyễn Hữu Thịnh, hiện nay em 26 tuổi. Công việc chính hiện tại em tham gia vào đội hút đinh của Quận Thủ Đức và em sinh sống tại Quận 9, TP.HCM. Hiện tại em là sinh viên mới ra trường thôi chị ơi nên chưa có việc làm gì hết, ngoài việc tham gia đội hút đinh.

Duy: Em tên là Lưu Thanh Duy. Năm nay em 18 tuổi. Em vừa tốt nghiệp cấp 3 xong thì em vừa đi học vừa đi làm. Em tham gia việc này cũng được 3 tháng hơn rồi. Em sinh sống tại Quận Thủ Đức luôn.
Khánh An: Khánh An một lần nữa rất vui chào đón các bạn đến với chương trình Café Wifi. Chắc là mọi người đang rất thắc mắc không biết tại sao lại có các đội hút đinh, các bạn có thể cho biết là tại sao lại có đội hút đinh xuất hiện ở Sài Gòn và mục đích của việc xuất hiện những đội nhóm này là như thế nào không?

Duy: Đội hút đinh của tụi em xuất hiện trên địa bàn TP.HCM cách đây cũng hơn một năm rồi. Đội hình này ra mắt khi mà trên các tuyến đường TP.HCM xuất hiện những đinh, vít ốc do những người vá xe người ta tự chế theo hình thoi mà dân TP.HCM thường hay gọi là những "con ách rô” để bẫy những người đi đường đi bằng xe Honda, xe tải mà cán phải thì sẽ bị bể bánh. Việc đó rất nguy hiểm vì người ta bị bể bánh thì có thể sẽ bị tai nạn giao thông, cho nên đội hút đinh xuất phát từ đó.

Khánh An: Vâng. Các bạn có thể cho biết ý tưởng thành lập những đội hút đinh này bắt đầu từ đâu không?
Duy: Dạ, đội hút đinh này theo em được biết là xuất hiện từ mấy anh thanh niên xung phong ở tỉnh Bình Dương. Các anh đã sáng chế ra những cái xe này và tụi em lấy theo mẫu thiết kế đó để thiết kế các xe mà đi trên đường của các tuyến đường quận mình.

Khánh An : Vâng. Và những mẫu xe này thì các bạn có thể mô tả cho mọi người biết nó như thế nào hay không ? Duy: Dạ, xe hút đinh được chế theo một cái khung sắt, ở dưới có gắn nam châm. Khi chạy trên đường thì mình cột cái xe đó vô xe máy của mình để mình chạy trên đường với tốc độ chậm thì những sắt vụn với những cái đinh, vít ốc, v.v. sẽ bị hút lên và khi mình xả ra thì mình lựa những cái nào nguy hiểm cho qua một bên.


Khánh An: Khi các bạn đi hút đinh như vậy thì các bạn hút được nhiều hay không?
Thịnh: Dạ. Để mọi người dễ hình dung thì như chị cũng biết là trên bộ bài tây nó có 4 quân bài là cơ, rô, chuồn, bích, thì loại đinh mà người ta làm thì nó giống như con ách rô vậy, y chang như vậy luôn đó.

Người ta cắt như vậy luôn đó và loại đó chỉ dùng để rải xe máy thôi. Còn để rải những xe tải thì họ sẽ cắt những miếng bự hơn và dày hơn, cũng y như vậy đó chị. Hồi lúc mới thành lập ra thì số lượng đinh mà tụi em đi hút về nhà phải tính bằng ký đó chị. Khánh An: Wow! Là khoảng bao nhiêu ký một ngày?

Thịnh: Cái đó cũng tùy, có hôm thì được nửa ký, có khi hôm được một ký. Như bây giờ đi liên tục như vậy thì có một số “đinh tặc” bị động cho nên hiện nay họ rải không có nhiều lắm. Có hôm tụi em đi về hút được khoảng một trăm cây, có khi thì hai trăm, ba trăm cây.
Khánh An : Vâng. Và có khi nào chính các bạn là những người bị cán đinh không? Duy & Thịnh: Dạ, chuyện đó thì thường xuyên lắm chị ơi.

Thịnh: Xe hút thì không có bị tại vì xe hút thì có cục nam châm rồi cho nên cái bánh của nó không có bị, chỉ có cái xe kéo của tụi em bị thôi chị ơi. Nó có thể xảy ra nhưng mà do là ngoài cái đội hút đinh của tụi em ra còn có một đội nữa là đội vá xe lưu động của quận nữa chị, cho nên hễ xe tụi em có bị bể, bị cán gì đó thì em sẽ điện cho đội đó lên và họ sẽ vá cho tụi em.

Khánh An: Hai bạn có thể cho biết là các bạn tham gia vào đội hút đinh từ khi nào hay không?
Duy: Em thì tham gia đội hút đinh từ tháng 1 tới tháng 6 năm 2010, sau đó em nghỉ 4 tháng để sắp xếp việc gia đình, rồi tới tháng 10 em vào làm lại cho tới bây giờ.
Công việc ý nghĩa
Khánh An: Vâng. Còn Thịnh thì sao ạ?
Loại đinh rải trên đường gây tai nạn cho phương tiện giao thông. Thịnh: Dạ. Em thì khi mà đội hút đinh này thành lập thì em cũng có biết và cũng có đi phụ mấy bạn trong đội hút đinh này vài lần, thì thấy công việc rất là hay và cũng có ý nghĩa, tại vì người ta cố tình rải đinh, vất vật nhọn ra đường làm cho những người lưu thông trên đường bị cán đinh xệp lốp, người ta phải đưa xe đi vá. Người ta lợi dụng điều đó để nâng giá tiền vá xe lên để lấy lời, thì đây là điều mà em thấy rất là bất bình. Do trước đó em kẹt còn phải đi học cho nên em không có tham gia được, rất là tiếc. Nhưng mà sau này em mới tốt nghiệp xong thì em có thời gian rảnh, em chưa đi làm, cho nên em xin tham gia vô đội này để làm. Thứ nhất, đây cũng là một việc đúng đắn, rất có ý nghĩa cho xã hội của mình và một phần nữa là công việc này em rất yêu thích cho nên em mới xin tham gia vô. Khánh An: Khi các bạn tham gia như vậy thì các bạn có thể cho biết là một ngày làm việc của các bạn là như thế nào hay không? Thịnh: Công việc của tụi em, nói đúng và chính xác luôn để cho chị và các bạn ở bên nước ngoài dễ hiểu, là công việc của tụi em 365 ngày tụi em làm đủ hết 365 ngày, không có ngày nghỉ chị ạ. Thịnh: Dạ. Ngoài giờ hành chính là 8 tiếng cơ bản, sáng từ 7 giờ cho tới 11 giờ là giờ nghỉ trưa, sau đó tụi em tiếp tục bắt đầu công việc là từ lúc 1 giờ chiều cho tới 5 giờ chiều tụi em kết thúc. Rồi sau đó ngoài thì giờ đó thì tụi em còn thay phiên nhau phân chia ra trực cơ quan với lại trực chốt vì trong thời gian nghỉ hễ mà dân người ta báo lúc nào thì tụi em đi ngay liền lúc đó.
Khánh An: Vâng. Khi các bạn làm như thế thì các bạn có được trợ cấp một phần nào không? Duy: Một tháng tụi em được hỗ trợ 2 triệu để anh em chi phí trong tháng, còn xăng thì do Ban An toàn giao thông Quận Thủ Đức cấp xăng vì xe công tụi em đi hút đinh hằng ngày. Khánh An: Hai bạn đều là những người tham gia từ lúc đầu khi thành lập những đội nhút đinh thì các bạn có thể cho biết là trong suốt quá trình các bạn tham gia làm công việc hút đinh thì các bạn có những kỷ niệm nào vui hay kỷ niệm nào mà các bạn nhớ nhất hay không?
Duy: Nói chung là niềm vui của anh em trong đội thì rất là nhiều, nhưng mà nếu nói về kỷ niệm nhớ nhất thì có kỷ niệm vào tháng 3 năm 2010, ngày 15 tháng 3, em nhớ rất rõ ngày đó, khi tụi em kéo xe đi trên Quốc Lộ 1A của Quận Thủ Đức thì có một vụ tai nạn đã xảy ra mà em nhớ nhất, là một cặp vợ chồng mà vợ đang mang bầu và người chồng chở đi bệnh viện để chuẩn bị sanh. Khi xe chạy ngang chỗ khu vực của công ty Samsung thì cán phải đinh tặc nên cặp vợ chồng đó bị tai nạn té xuống đường. Lúc đó trong đội anh em gồm 4 người chia nhau ra chở hai người đi bệnh viện, người vợ lúc đó bị băng huyết ở trong tình trạng coi như cứu được mẹ thì con không sống được, nên thấy rất là tội. Còn người chồng thì bị gãy tay, chân bị cày xuống đường nên bị trần xước rất là nhiều. Cảnh thương tâm đó làm tụi em nhớ nhất và có thể nói là nhớ trong cả cuộc đời luôn.

Khánh An: Vâng. Đó là một kỷ niệm buồn, phải không! Sau khi mà bạn chứng kiến và giúp cặp vợ chồng đó thì tâm trạng của bạn sau khi trở về như thế nào? Bạn có thấy là mình có một động lực nào đó để làm tốt công việc của mình hay không?
Duy: Sau vụ tai nạn đó thì anh em trong đội bảo nhau là thôi, cố gắng làm, mình không làm vì mình mà mình làm vì nhân dân. Em thì nói rằng mình có ba má nuôi rồi, bây giờ làm giúp người dân thì chắc ba má cũng vui. Góp phần an toàn giao thông
Khánh An: Bây giờ cũng là Tết rồi. Khánh An có thắc mắc là không biết trong mùa Tết khi tất cả những hoạt động khác đều dừng lại thì công việc hút đinh của các bạn có dừng lại hay không? Hay là các bạn vẫn tiếp tục làm trong mùa Tết?


Số lượng đinh các bạn mới hút về.

Thịnh: Dạ, Tết thì tụi em phải làm gấp đôi gấp ba lần ngày thường đó chị, tại vì thường thường trong những ngày lễ, ngày nghỉ những người đinh tặc họ sẽ rải đinh rất là nhiều, tại vì những thời gian đó các công sở công ty sẽ được nghỉ và người ta tận dụng những ngày đó để đi chơi. Đương nhiên, các đinh tặc sẽ tận dụng những ngày đó để rải đinh để kiếm được nhiều tiền qua việc vá xe, cho nên những ngày nghỉ lễ tụi em phải làm việc gấp hai gấp ba lần.

Khánh An: Khi mà các bạn tham gia một hoạt động rất là lạ, rất là mới, đó là hoạt động hút đinh, thì các bạn có học hỏi được gì hay không?

Những công việc mà các bạn làm mỗi ngày nó có làm thay đổi các bạn hay không? Duy: Cái này là công việc hàng ngày của tụi em nói chung là giúp cho tụi em chững chạc hơn, sống chan hòa với mọi người hơn và xuất phát từ đó mình làm những công chuyện nhân đạo với tất cả mọi người, nhiều khi mình thấy cuộc sống này sẽ vui hơn.
Khánh An: Thịnh thì sao?
Thịnh: Dạ. Lúc trước, khi em chưa tham gia đội này, em đi trên đường em rất là lo sợ không biết tới khi nào thì tới phiên mình cán phải đinh và khi cán rồi thì không biết mình như thế nào, em rất là lo sợ.
Thời gian em chưa gia nhập đội, em đi đường em không biết lúc nào em sẽ bị tai nạn nữa, mà từ khi em tham gia vào đội này thì số lượng đinh mỗi ngày em hút về là em cảm thấy rất là an tâm. Em rất là vui tại vì mỗi lần mình đi hút đinh về như vậy thì mình có cảm thấy là mình không hút được hết tất cả số lượng đinh trên tất cả các tuyến đường nhưng ít ra đoạn đường mà mình đi hút như vậy thì người dân lưu thông trên đường sẽ được an toàn trên chính đoạn đường mà mình đã hút, họ sẽ không bị tai nạn gì hết. Khi mình làm được điều đó mình cảm thấy rất là vui đó chị. Khánh An: Và một câu hỏi cuối thôi. Khi mà các bạn làm công việc hút đinh thì các bạn thấy có những khó khăn gì hay không?
Duy: Công việc của tụi em đôi khi rất là nguy hiểm từ những người vá xe vốn là đinh tặc. Khi tụi em đi trên đường thì những người đó họ mướn dân giang hồ này kia chận đường tụi em đòi đánh, đòi chém tụi em.
Trong những hoàn cảnh như vậy tụi em phải có cách xử lý khôn khéo để tránh được những cảnh nguy hiểm đó. Khánh An: Vâng. Khánh An cảm ơn các bạn rất là nhiều, thứ nhất là các bạn đã tham gia vào chương trình, thứ hai nữa là cảm ơn các bạn đã đóng góp vào hoạt động một cách rất hữu ích cho người dân, đặc biệt là trong mùa Tết. Cảm ơn các bạn rất là nhiều. Chào các bạn.

No comments: